Trang chủ    Quốc tế    Chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 10:07
6761 Lượt xem

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI

(LLCT) - Những năm đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước lớn và một số khu vực trên thế giới; “Liên kết với phương Tây và hướng về phía Đông”, thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện, lấy ngoại giao kinh tế là trọng tâm... nhằm nâng cao vị thế quốc tế, tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bài viết tập trung làm rõ mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, nhiệm vụ, định hướng chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI.

Từ khóa: Chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

1. Mục tiêu đối ngoại

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động và thay đổi to lớn, cục diện đa cực với sự chi phối của các nước lớn ngày càng thể hiện rõ rệt, điều này đã buộc Thủ tướng Manmohan Singh sau khi nắm quyền năm 2004 phải tiếp tục định ra những mục tiêu mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ nhằm phục vụ cho chương trình cải cách kinh tế, phát huy vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trên toàn thế giới. Mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ vẫn được giữ nguyên như thời kỳ Chiến tranh lạnh và bổ sung thêm 4  mục tiêu: i) bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo vệ Ấn Độ khỏi các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống; ii) Tạo ra một môi trường bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của Ấn Độ để những lợi ích của tăng trưởng có thể hỗ trợ tốt nhất người nghèo trong nước; iii) Để gia tăng vị thế của Ấn Độ trên các diễn đàn toàn cầu và Ấn Độ có thể tác động đến dư luận thế giới về các vấn đề toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, giải trừ quân bị, cải cách các thể chế quản trị toàn cầu; iv)Tham gia bảo vệ người Ấn Độ ở nước ngoài(1). Có thể nói rằng, so với thời kỳ trước, những mục tiêu chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI đã thiên về nội dung kinh tế và mang tính chất thực tiễn hơn.

2. Nguyên tắc đối ngoại

Xuất phát từ lợi ích và mục tiêu đối ngoại đã được xác định, chính sách đối ngoại của Ấn Độ được xây dựng trên nguyên tắc bao trùm là: giữ vững, bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời năng động, linh hoạt, phù hợp, thích ứng với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Ấn Độ cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực phù hợp với từng đối tượng mà Ấn Độ có quan hệ(2). Trong tình hình mới của thế giới và khu vực, Ấn Độ nhấn mạnh quan điểm tăng cường sự chủ động, tích cực đối với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, không chỉ hội nhập trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực khác. Ấn Độ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, từ đó có thể đóng vai trò là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình hợp tác và phát triển.

Những nguyên tắc bao trùm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI được cụ thể hóa bằng các nguyên tắc sau: (1) tôn trọng quyền cơ bản của con người và tôn trọng tôn chỉ và nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp quốc; (2) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia; (3) thừa nhận sự bình đẳng của các dân tộc và sự bình đẳng của tất cả các quốc gia lớn và nhỏ; (4) không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; (5) tôn trọng quyền của mỗi dân tộc được tự vệ riêng lẻ hoặc tập thể phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc; (6) không dùng những thỏa thuận về phòng thủ tập thể nhằm phục vụ lợi ích riêng của bất cứ cường quốc nào và không nước nào được gây sức ép đối với các nước khác; (7) tự kiềm chế, không hành động hoặc đe dọa xâm lược hoặc sử dụng sức mạnh vi phạm toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất cứ nước nào; (8) giải quyết các xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình do các bên lựa chọn, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc; (9) khuyến khích lợi ích chung và hợp tác; (10) tôn trọng công lý và nghĩa vụ quốc tế(3).

Ấn Độ tin tưởng và ủng hộ dân chủ; tuy nhiên, không nhất trí với việc can thiệp từ bên ngoài vào đất nước có chủ quyền. Do đó, Ấn Độ đã nỗ lực để xã hội dân chủ, tiến bộ, có thể là một chế độ dân chủ, quân chủ hoặc độc tài quân sự. Ấn Độ tin rằng, tốt nhất là để người dân nước này lựa chọn hoặc loại bỏ các nhà lãnh đạo của họ và giữ lại hoặc thay đổi hình thức quản trị. Bằng cách mở rộng nguyên tắc trên, Ấn Độ không tán thành ý tưởng thay đổi chế độ hoặc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ ở một quốc gia cụ thể bằng cách sử dụng vũ lực hoặc phương tiện khác của một quốc gia khác hoặc một nhóm quốc gia (Ví dụ, sự can thiệp của Mỹ vào Iraq, Libya, sự can thiệp của Syria hoặc Nga vào Georgia, Ukraine, v.v.). Đồng thời, Ấn Độ không ngần ngại thúc đẩy dân chủ ở bất cứ nơi nào có tiềm năng; điều này được thực hiện bằng cách chủ động hỗ trợ nâng cao năng lực và củng cố các thể chế dân chủ, mặc dù có sự đồng ý rõ ràng của chính phủ liên quan.

Ấn Độ không tán thành ý tưởng áp đặt các biện pháp trừng phạt / hành động quân sự đối với bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào bởi một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia, trừ khi các biện pháp trừng phạt / hành động quân sự này đã được Liên Hợp quốc phê chuẩn là kết quả của sự đồng thuận quốc tế. Do đó, Ấn Độ chỉ đóng góp cho các hoạt động quân sự gìn giữ hòa bình như một phần của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Ấn Độ đã đóng góp gần 195.000 binh sĩ, số lượng lớn nhất từ bất kỳ quốc gia nào, đã tham gia hơn 49 nhiệm vụ và 168 nhân viên gìn giữ hòa bình Ấn Độ đã hy sinh khi phục vụ trong các nhiệm vụ của Liên Hợp quốc. Ấn Độ cũng đã cung cấp và tiếp tục cung cấp các Chỉ huy Lực lượng nổi tiếng cho các nhiệm vụ của Liên Hợp quốc...(4).

Chính sách không liên minh, liên kết, độc lập trong việc ra quyết định và tự chủ chiến lược là một nguyên tắc quan trọng khác của chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ tin tưởng vào quan hệ đối tác và không tham gia vào các liên minh, đặc biệt là các liên minh quân sự. Ấn Độ xác định rõ cơ sở của sự hợp tác là hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

 3. Phương châm đối ngoại

Những năm đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ đề ra 5 phương châm đối ngoại(5) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế của Ấn Độ và là yếu tố bảo đảm thắng lợi trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Một là, tạo ra một môi trường toàn cầu thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của Ấn Độ. Thực chất của phương châm này là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế trong hoạt động đối ngoại của Ấn Độ. Đối ngoại phục vụ lợi ích chính đáng của quốc gia và đó cũng là cách thực hiện tốt nhất nghĩa vụ quốc tế, là sự đóng góp đối với quá trình phát triển chung của thế giới. Lợi ích quốc gia mà Ấn Độ hướng tới là phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trong khi nỗ lực tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, Ấn Độ cũng coi trọng phát triển quan hệ hợp tác phát triển với các nước, các tổ chức, khu vực trên thế giới.

Hai là, sự hội nhập lớn hơn với nền kinh tế thế giới sẽ có lợi cho Ấn Độ và cho phép người dân của Ấn Độ phát huy tiềm năng sáng tạo của họ. Phương châm này nhằm phát huy sức mạnh bên trong, là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là điều kiện để mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín của quốc gia. Bên cạnh đó, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa các điều kiện bên ngoài thuận lợi cho việc phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Thực hiện đường lối đối ngoại tự chủ, tự lực tự cường là yếu tố có tính nguyên tắc để mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, tránh được những tình huống bất lợi về đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực cũng như trên thế giới.

Ba là, Ấn Độ tìm kiếm mối quan hệ ổn định, lâu dài và cùng có lợi với tất cả các cường quốc. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tạo ra một môi trường kinh tế và an ninh toàn cầu có lợi cho tất cả các quốc gia. Với phương châm này, công tác hội nhập quốc tế được chủ động triển khai mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, đồng thời mở rộng trên các lĩnh vực khác, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh..., ở các cấp độ song phương và đa phương, khu vực và toàn cầu. Việc thực hiện phương châm đối ngoại này là điều kiện để Ấn Độ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh phát triển kinh tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Bốn là, sự phát triển của tiểu lục địa Ấn Độ đòi hỏi sự hợp tác và kết nối khu vực lớn hơn. Đây là phương châm thể hiện tính chủ động trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Những thay đổi mạnh mẽ của môi trường khu vực và quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia trong đó có Ấn Độ và nếu có những chính sách đúng đắn, Ấn Độ có thể phát huy tốt hơn các thế mạnh của mình, trở thành người tiên phong dẫn dắt và định hình cho các khuôn khổ, cấu trúc hợp tác quốc tế mới. Việc chủ động tăng cường hội nhập, hợp tác và kết nối khu vực sâu sắc hơn là lựa chọn đúng đắn để Ấn Độ khẳng định được vị thế của mình.

Năm là, chính sách đối ngoại của Ấn Độ không chỉ được xác định bởi lợi ích của quốc gia, mà còn bởi các giá trị có lợi nhất đối với người dân Ấn Độ. Ấn Độ theo đuổi phát triển kinh tế trong khuôn khổ của một nền dân chủ đa nguyên, thế tục và tự do xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển trên khắp thế giới. Phương châm này thể hiện chính sách nhất quán của Ấn Độ mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ấn Độ đặc biệt chú trọng vào hợp tác khu vực, nhất là các nước láng giềng nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định lâu dài chung quanh đất nước. Việc tạo lập được mối quan hệ hợp tác trên cơ sở tùy thuộc lẫn nhau về an ninh cũng như về phát triển với các nước trong khu vực là sự bảo đảm hết sức quan trọng nhằm xác lập một vị thế có lợi cho Ấn Độ trong quan hệ quốc tế.

4. Nhiệm vụ đối ngoại

Một là, nâng quan hệ chiến lược với các nước lớn lên mức cao hơn và do đó tạo điều kiện cho Ấn Độ nổi lên thành “người chơi toàn cầu chủ chốt”, củng cố sự thừa nhận Ấn Độ như một thế lực khu vực. Ấn Độ chủ trương thay đổi trọng tâm trong chính sách đối ngoại của quốc gia mình trong mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Ấn Độ có quan hệ gắn bó và là đồng minh thân cận của Liên Xô, trong khi mối quan hệ với các nước lớn khác như Mỹ, Tây Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản lại có phần mờ nhạt. Tuy nhiên, từ tình trạng “hai nền dân chủ xa lạ” - vốn dùng để chỉ mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ thời gian trước, trong thời kỳ này, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sự đồng thuận trong các vấn đề quốc tế. Mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau một thời gian dài “lạnh lẽo” thì giờ được “hâm nóng”. Trung Quốc cũng đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Hai là, tái sắp xếp bàn cờ khu vực Nam Á, củng cố vai trò có ảnh hưởng bao trùm tại khu vực(6). Thách thức đầu tiên và quan trọng đối với Ấn Độ là xây dựng một khu vực hòa bình và thịnh vượng trong tiểu vùng Nam Á. Kể từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, khu vực Tây Bắc của tiểu vùng thường xuyên xảy ra giao tranh và bạo lực. Để thiết lập nền hòa bình, Ấn Độ đã đưa ra định hướng hợp tác với các nước láng giềng cũng như với các cường quốc thế giới nhằm mục đích trấn áp sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan bạo lực đã ăn sâu, cắm rễ tại khu vực này. Ấn Độ đã dành rất nhiều công sức trong các hoạt động ngoại giao và chính trị trong suốt thập kỷ qua để cải thiện mối quan hệ với nước láng giềng Pakistan. Ba thủ tướng, đại diện cho ba xu hướng chính trị khác nhau của Ấn Độ là Inder Kumar Gujral, A.B.Vajpayee và M.Singh đều có nhiều nỗ lực nhằm bình thường hóa mối quan hệ song phương với Pakistan. Những năm đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ và Pakistan tiến hành tham gia vào một lộ trình toàn diện cho việc bình thường hóa quan hệ thương mại song phương. Hai nước đã ký kết một thỏa thuận lịch sử nhằm nới lỏng quy định cấp thị thực vào tháng 9-2012.

Ấn Độ cũng thể hiện quyết tâm dẫn dắt tiểu vùng Nam Á theo một định hướng phát triển tích cực thông qua thảo luận với các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy kết nối. Ngoài ra, Ấn Độ đã đơn phương mở cửa thị trường với các quốc gia láng giềng trên tiểu vùng Nam Á, đóng góp vào sự phát triển và ổn định của Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Bhutan và quần đảo Maldives.

Ba là, nhiệm vụ tiếp theo của Ấn Độ là sẽ góp phần hiệu quả vào việc xây dựng và kiến thiết một nền tảng ổn định cho hòa bình và hợp tác trong khu vực châu Á(7). Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm thúc đẩy phong trào đoàn kết trong khuôn khổ một châu Á vừa thoát khỏi ách nô lệ là một trong nhiều sáng kiến ngoại giao của Ấn Độ trong những năm 40-50. Những ý tưởng đó, theo các nhà nghiên cứu nhận định, đã đi trước thời đại rất nhiều năm. Hơn 60 năm đã trôi qua, rất nhiều trong số các ý tưởng đó đã thành hiện thực. Châu Á chưa bao giờ lại hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với thế giới như hiện nay. Điều này mang lại sự thịnh vượng chưa từng có trong châu lục và châu Á đang trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Dù vậy, những thành tựu đạt được tại khu vực vài thập kỷ gần đây sẽ nhanh chóng bị phá hoại nếu châu Á là nạn nhân của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn và chạy đua vũ trang. Hơn bao giờ hết, Ấn Độ ý thức được vai trò của mình trong ngăn chặn những hậu quả như vậy bằng việc kết nối các nước trong khu vực, tăng cường hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho sự cân bằng lợi ích giữa các cường quốc.

Bốn là, thúc đẩy các nước lớn gia tăng đầu tư vào Ấn Độ, đồng thời khuyến khích các nước láng giềng hợp tác kinh tế với Ấn Độ vì lợi ích chung về cả an ninh và kinh tế(8). Mỹ và châu Âu đều rất quan tâm đến vai trò quốc tế của Ấn Độ trong thế kỷ XXI và những đóng góp của cường quốc này trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu. Ngay tại Ấn Độ cũng đang diễn ra những cuộc tranh luận nảy lửa về sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng như vai trò của một cường quốc có trách nhiệm trong thế kỷ mới. Hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc đáng tin cậy và hành động hiệu quả, Ấn Độ khẳng định, quá trình đa phương hóa các mối quan hệ phải trở thành tiêu biểu trong giai đoạn ngày nay và cần phải tính đến những thay đổi trong việc phân chia lại các vị thế quyền lực trên toàn cầu.

5. Định hướng đối ngoại(9)

Ấn Độ đã xác định: 

Thứ nhất, mục tiêu và lợi ích cao nhất trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế năng động, bền vững. Tiếp tục hoàn thiện và kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế. Tích cực xây dựng và triển khai thực hiện các khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài hiện có với các đối tác, đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, tạo sự đan xen lợi ích, củng cố an ninh đất nước và tạo môi trường thuận lợi nhất cho công cuộc phát triển kinh tế.

Thứ hai, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng, hoàn thiện chiến lược tổng thể và lộ trình cho từng giai đoạn về hội nhập kinh tế quốc tế của Ấn Độ trong những năm tiếp theo, làm cơ sở chủ động điều hành và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập. Hoàn thiện các chính sách đầu tư, viện trợ phát triển, xúc tiến thương mại, du lịch và hợp tác lao động với từng đối tác.

Thứ ba, tập trung nỗ lực tạo chuyển biến cơ bản trong công tác ngoại giao kinh tế. Trọng tâm là triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra, tập trung vào công tác thông tin và dự báo vĩ mô, góp phần tạo môi trường và khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy các mặt hoạt động kinh tế đối ngoại, hỗ trợ có hiệu quả các yêu cầu của doanh nghiệp trong kinh tế đối ngoại.

Thứ tư, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các tổ chức quốc tế và khu vực: trước hết với SAARC, ASEAN, APEC, EU, Liên Hợp quốc, WB, IMF, ADB... và với các tổ chức phi chính phủ, kết hợp hiệu quả của quan hệ song phương với quan hệ đa phương, đẩy mạnh hoạt động và từng bước nâng cao vai trò của Ấn Độ trong các tổ chức này. Thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện “liên kết với phương Tây và hướng về phía Đông”, đã mở cửa nhanh chóng và coi trọng quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ, coi “ngoại giao kinh tế” là trọng tâm, lấy ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo các nước lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Pakistan... đến Ấn Độ trước hết thể hiện chính sách ngoại giao mới của Ấn Độ, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của các nước này đến Ấn Độ trên bình diện chính trị, từ đó tạo cơ sở để Ấn Độ hợp tác phát triển kinh tế.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, việc quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại kinh tế, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đã đem lại cho Ấn Độ một tầm vóc mới và một vị thế mới. Sự tổng hòa các mối quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng, khu vực, nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị, phong trào chính trị quốc tế, kết hợp giữa đa dạng hóa với xác lập và củng cố quan hệ với các đối tác tin cậy, các thị trường chiến lược, đã tạo cho Ấn Độ thế đối ngoại cân bằng, ổn định và vững chắc, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Ấn Độ ngày nay đang chứng tỏ vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Ấn Độ cũng gắn kết mật thiết với thế giới trong các vấn đề an ninh và phát triển kinh tế nói chung.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1) Amb (Retd) Achal Malhotra: India’s Foreign Policy, Landmarks, achievements and challenges ahead, Central University of Rajasthan, 11-2-2019, https://www.mea.gov.in.

(2) K.R. Gupta & Vatsala Shukla: Foreign Policy of India, Atlantic Publishers & Dist (P) Ltd, 2009, tr.66-68.

(3), (5) Mohanan B. Pillai, L. Premashekhara: Foreign Policy of India: Continuity and Change, New Delhi., New Century Publications (July 31, 2010), tr.137, 18.

(4) Ministry of External Affairs, Government of India, “Foreign Policy of India: Continuity and Change”, New Delhi, November 05, 2013.

(6), (7), (8) Subhash Kapila: India’s Strategic Pivot to the Indo Pacific, South Asia Analysis Group, Paper No. 5831, Dated 27-Nov-2014.

(9) Harsh V. Pant: India’s Foreign Policy: Theory and Praxis, Cambridge University Press, Cambridge, UK, 2019, tr.106.

ThS Đặng Đình Tiến

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

TS Nguyễn Thị Thúy

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền