Trang chủ    Quốc tế    Hợp tác và xung đột quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 14:57
3940 Lượt xem

Hợp tác và xung đột quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

(LLCT) - Đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có trong quan hệ quốc tế. Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng mang tính quyết định để giải quyết đại dịch này. Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác và tăng cường đoàn kết chống đại dịch, thế giới cũng đang bị chia rẽ, xung đột lợi ích nghiêm trọng trong giải quyết các vấn đề do đại dịch gây ra. Chỉ khi nào các nước có tiếng nói chung, có các hành động phối hợp toàn cầu mới có thể mang lại hiệu quả trong việc giải quyết các mối đe dọa của đại dịch COVID-19.

Từ khóa: COVID-19, hợp tác quốc tế, xung đột quốc tế, quan hệ quốc tế.

Thế giới đang đối mặt với một thách thức chưa từng có gây ra bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với hơn 47 triệu người mắc, hơn 1,2 triệu người tử vong ở trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ(1) tính đến tháng 11-2020. Ngay từ ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới đã coi COVID-19 là “một đại dịch của thế giới”(2) (pandemic) - đại dịch đầu tiên trong lịch sử gây ra bởi corona virus với tên chính thức là virus SARS-CoV-2(3). Đại dịch COVID-19 đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, với đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị và hầu hết lĩnh vực hoạt động của các nước. Nhiều quốc gia được dự báo sẽ đi vào suy thoái và quy mô sẽ vượt quá cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến các mối quan hệ quốc tế, một mặt, giúp tăng cường hợp tác, mặt khác lại làm khoét sâu những bất đồng, mâu thuẫn, xung đột giữa các nước, thậm chí sẽ gây ra thảm họa tương tự như Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

1. Sự hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Trong thời gian qua, sự hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được thể hiện chủ yếu ở hai hình thức:

a. Hợp tác, viện trợ về y tế nhằm chống lại đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự hợp tác quốc tế ở một “mức độ chưa từng có” để giải quyết khủng hoảng do đại dịch gây ra. Sự thiếu hụt tạm thời các thiết bị bảo hộ y tế trong những ngày đầu của đợt bùng phát đại dịch khiến các nhân viên y tế và người dân có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn đã trở thành mối đe dọa khẩn cấp quốc tế. Là nước có ca nhiễm COVID đầu tiên và bùng phát thành dịch, Trung Quốc có nhu cầu vật tư y tế khẩn cấp, đặc biệt là các thiết bị bảo hộ cá nhân như mặt nạ và quần áo bảo hộ y tế. Nhu cầu này tăng theo cấp số nhân trong tháng Giêng và tháng Hai năm 2020. Trước tình hình cấp bách này, cộng đồng quốc tế đã giúp Trung Quốc giảm bớt tình trạng thiếu hụt các nguồn cung cấp y tế khẩn cấp. Tính đến ngày 02-3-2020, tổng cộng 62 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế đã quyên góp mặt nạ, quần áo bảo hộ và các vật tư y tế khẩn cấp cần thiết khác cho Trung Quốc(4). Tháng 2-2020, Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp cho Trung Quốc hơn 4,8 triệu khẩu trang, 229.000 bộ quần áo bảo hộ và 419.000 găng tay cũng như các vật tư y tế khẩn cấp khác. Về phía mình, ngay sau khi khả năng sản xuất các trang thiết bị y tế khẩn cấp được phục hồi, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ vật tư y tế cho ít nhất 89 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế(5).

Mặc dù còn có những bất đồng giữa Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đáng chú ý nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng những động lực nhân đạo và mối đe dọa chung do dịch bệnh gây ra đã khiến những khác biệt tạm thời được gạt sang một bên. Ngay khi dịch bùng phát, vào tháng 3-2020, các nước ASEAN đã thực hiện các bước để giúp Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tại Indonesia, một công ty con thuộc Tập đoàn Sinar Mars đã quyên góp 14,4 triệu USD, trong khi một đơn vị khác gấp rút sản xuất các sản phẩm bảo vệ và vệ sinh để trao cho tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch COVID-19. Chính phủ Singapore đã quyên góp thuốc, vật tư y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán cho Trung Quốc, đồng thời cung cấp 1 triệu USD tài trợ hạt giống. Hội Chữ thập đỏ Singapore đã gây quỹ để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Malaysia - nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới - đã tặng Vũ Hán 18 triệu đôi găng tay y tế. Hội Chữ thập đỏ Philippines quyên góp được 3 triệu khẩu trang và cùng Chính phủ Philippines tặng Trung Quốc các mặt hàng thực phẩm và vệ sinh cơ bản(6).

Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế đến các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việt Nam đã quyên góp hàng hóa và vật tư y tế trị giá 500.000 USD; gửi tặng Chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Myanmar các trang thiết bị y tế như quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm dịch COVID-19 trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi quốc gia. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp viện trợ y tế trị giá 100.000 USD cho nhân dân Trung Quốc. Không chỉ hỗ trợ các nước trong khu vực, Việt Nam đã trao tượng trưng số hàng hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 cho Mỹ và một số nước châu Âu.

Hợp tác quốc tế không chỉ thể hiện qua việc hỗ trợ tiền, vật tư, kỹ thuật y tế khẩn cấp mà còn hỗ trợ về nguồn nhân lực y tế. Khi biết về sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, Tổ chức Y tế thế giới đã tập hợp qua các nền tảng thực và ảo hơn 400 nhà virus học và chuyên gia kiểm soát dịch bệnh thế giới để kiểm tra nguồn gốc của virus nhằm đưa ra kế hoạch ngăn chặn và xác định các ưu tiên nghiên cứu. Ngay trong những tháng đầu tiên khi mới bùng phát đại dịch, hơn 40 tài liệu hướng dẫn đã được xuất bản trên website của Tổ chức Y tế thế giới(7) nhằm cung cấp các khuyến nghị chi tiết, có căn cứ cho các chính phủ, bệnh viện, nhân viên y tế, người dân. Hơn 1 triệu nhân viên y tế đã được đào tạo qua các khóa học của tổ chức Open WHO.  Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra bộ công cụ đánh giá hành vi nhằm thu thập được những thông tin chính xác, nhanh chóng về nhận thức rủi ro, hiểu biết, hành vi và niềm tin của cộng đồng đối với việc phòng chống đại dịch COVID-19(8).

Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Liên Hợp quốc và các đối tác đã thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19, cho phép tất cả các quốc gia - đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương, có hệ thống y tế yếu kém và có nguy cơ mắc dịch cao nhất - có điều kiện chuẩn bị và ứng phó với những khủng hoảng do đại dịch gây ra. Chỉ sau hai tuần từ khi phát động, Quỹ đã nhận được khoản quyên góp lên tới hơn 108 triệu USD từ 203.000 cá nhân và tổ chức trên thế giới(9).

Để giải quyết có hiệu quả đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các nước hướng tới các hành động(10); kết nối và phối hợp với nhau một cách có trách nhiệm để bảo đảm rằng các biện pháp do một quốc gia đưa ra không làm tổn hại đến các quốc gia khác; tiếp tục tạo điều kiện đáp ứng với các nguồn lực, tất cả mọi người hành động đoàn kết và bảo đảm rằng những người dễ bị tổn thương nhất được hỗ trợ; khuyến khích các cộng đồng và các thành phần của xã hội tham gia và thúc đẩy hành động của tất cả các chính phủ.

b. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hội nghị nhằm hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm chống đại dịch COVID-19

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới bắt đầu, nhiều cuộc điện đàm, gặp gỡ, tiếp xúc, hội nghị đã diễn ra nhằm tìm ra tiếng nói, biện pháp hành động chung trong công cuộc phòng chống đại dịch. Từ những ngày đầu tiên của đại dịch, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc đã gặp nhau để thảo luận về các biện pháp chung chống lại mối đe dọa COVID-19. Cuộc họp đã giải quyết không chỉ khía cạnh y tế của cuộc khủng hoảng, mà cả các tác động xã hội và kinh tế của nó cũng như khả năng khai thác công nghệ để giảm thiểu ảnh hưởng. Trong tuyên bố chung của hội nghị, 11 quốc gia đã đồng ý tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin y tế cũng như trong các hoạt động thực tiễn để tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp(11).

Tiếp đó là Hội nghị truyền hình của Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G7 được tổ chức ngày 25-3 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để chiến đấu với COVID-19 và hỗ trợ quan trọng cho Tổ chức Y tế thế giới trong đối phó trực tiếp với cuộc khủng hoảng cũng như tăng cường các hệ thống y tế và nghiên cứu khoa học(12).

Một tuyên bố về COVID-19 đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 được tổ chức vào ngày 26-3 nhằm kêu gọi một phản ứng toàn cầu minh bạch, mạnh mẽ và sự phối hợp trên quy mô lớn và dựa trên cơ sở khoa học với tinh thần đoàn kết để chống lại đại dịch. Các nước đều có sự đồng thuận về quan điểm, bao gồm thực hiện tất cả các biện pháp y tế cần thiết và tìm cách bảo đảm tài chính đầy đủ để ngăn chặn đại dịch và bảo vệ mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất(13).

Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) tổ chức trực tuyến ngày 9-4 đã khẳng định cam kết đoàn kết chặt chẽ giữa các nước ASEAN nhằm kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; hỗ trợ người dân các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc và học tập ở các quốc gia thành viên của nhau và ở các nước thứ ba; giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của dịch bệnh(14).

Lãnh đạo Việt Nam đã chủ động điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới để trao đổi về hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và thúc đẩy quan hệ song phương như cuộc điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc hai bên nhất trí tăng cường hợp tác phòng chống đại dịch COVID-19, cũng như tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kịp thời công dân hai nước(15); điện đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Pháp Edouard Philippe; điện đàm của Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis(16)... Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia khống chế thành công đại dịch COVID-19 với số ca tử vong rất thấp. Những kinh nghiệm phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao, nhất là việc sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của COVID-19, chủ động ngay từ đầu, với quyết tâm chính trị cao, coi “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó có cách ly tập trung người Việt Nam về nước, người nước ngoài vào Việt Nam và các đối tượng tiếp xúc với các ca dương tính đã được phát hiện; nhất là khoanh vùng, tập trung dập dịch tại các ổ dịch(17). Bên cạnh đó, còn là các biện pháp ứng phó sớm, đồng bộ, linh hoạt và quyết liệt, huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân, trong đó có sự trợ giúp và sử dụng các cơ sở của quân đội(18). Có thể nói, những nỗ lực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm chống đại dịch COVID-19 của các quốc gia đã giúp hạn chế, ngặn chặn được phần nào sự lây lan và tiến triển của đại dịch.

2. Xung đột quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Xung đột quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau:

a. Sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong việc đưa ra các quyết định

Mặc dù có những thỏa thuận và cam kết chặt chẽ với nhau nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn bị chia rẽ vì cách thức xử lý và ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngay khi đại dịch mới bùng phát, Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 2 và tháng 3-2020 về ngân sách giai đoạn 2021-2027,  các biện pháp tài chính và kinh tế để chiến đấu với đại dịch đã không mang lại kết quả do các ý kiến khác nhau giữa các nước đang gồng mình chống dịch như Italia và Tây Ban Nha với các nước đang có tình hình khả quan hơn như Đức và Hà Lan(19).

Vấn đề di cư vốn đã chia rẽ châu Âu trong những năm trước đây nay lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các nước đều tìm cách hạn chế việc đi lại, di chuyển xuyên quốc gia, đặc biệt là ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Nguyên tắc tự do di chuyển trong Liên minh đang bị vi phạm nghiêm trọng với lý do phòng chống dịch khi các nước sử dụng các tiêu chí khác nhau để áp đặt hạn chế đi lại. Thậm chí có nước quyết định đóng cửa biên giới mà không cần đưa ra cảnh báo, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế(20). Điều gì sẽ xảy ra với dòng người di cư đến châu Âu từ châu Phi, vùng Cận Đông và Trung Đông nếu ở các quốc gia của họ đang có đại dịch, hoặc nếu ở các trại tị nạn xuất hiện những ổ dịch COVID-19? Điều này rất dễ xảy ra khi các trại tị nạn lúc nào cũng quá tải và các tiêu chuẩn vệ sinh và dịch vụ y tế luôn ở mức rất thấp. Đây cũng sẽ là dịp các lực lượng chính trị cực hữu có thêm lý do để kích động các hoạt động bài ngoại và phân biệt chủng tộc.

b. Cuộc chiến thông tin trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 cũng làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột vốn đã có từ trước giữa các quốc gia, nhất là giữa Mỹ, Liên minh châu Âu với Nga và Trung Quốc. Thiện chí của Nga và Trung Quốc cung cấp hỗ trợ y tế và nguồn nhân lực cho Italia - tâm dịch của châu Âu - đã bị đáp trả một cách thù hằn bởi những chính trị gia theo chủ nghĩa tự do mới. Một số báo chí Italia coi đây là “sự hỗ trợ vô nghĩa”(21). Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đưa ra thông tin sai lệch về đại dịch, giấu diếm mức độ nghiêm trọng và cố ý làm phát tán đại dịch ra khắp thế giới. Thậm chí tại diễn đàn Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ D.Trump đã kịch liệt lên án Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình và nếu cần, phải trừng phạt Bắc Kinh(22). Ủy ban châu Âu cáo buộc Nga và Trung Quốc đang điều hành những hoạt động gây ảnh hưởng và chiến dịch đưa tin sai lệch có chủ đích tại Liên minh châu Âu, khu vực lân cận và trên toàn cầu, đồng thời cáo buộc các phương tiện truyền thông Nga sử dụng đại dịch như một công cụ để tuyên truyền chống phương Tây(23). Liên minh châu Âu cũng công khai tố cáo Trung Quốc như một nguồn gốc của thông tin sai lệch(24). Nhiều quốc gia khác cũng đã có những phản ứng với Trung Quốc về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 cũng như thời điểm công bố dịch của Trung Quốc, kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về sự bùng phát của đại dịch. Điều này buộc Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) với 194 quốc gia thành viên đã nhất trí mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 sau khi Úc và Liên minh châu Âu vận động hành lang(25).

Cuộc chiến thông tin về đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thay đổi trong thái độ của người dân các nước về nhau. Đặc biệt là thái độ tiêu cực về Trung Quốc của người dân Mỹ và người dân các nước phát triển tăng ở mức cao nhất vì COVID-19. Theo kết quả khảo sát vào tháng 7-2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 78% người dân Mỹ nghĩ Trung Quốc có trách nhiệm lớn trong việc để dịch COVID-19 lây lan, khoảng 57% người dân Mỹ xem Trung Quốc như là “đối thủ cạnh tranh”, tới 26% xem Trung Quốc là “kẻ thù” và chỉ có 17% xem Trung Quốc là “đối tác”(26). Kết quả khảo sát vào tháng 10-2020 cho thấy thái độ tiêu cực về Trung Quốc tồi tệ nhất ở Australia với 81% người được hỏi cho rằng Trung Quốc không mang lại lợi ích cho ai, tăng 24 điểm phần trăm so với năm ngoái. Ở Anh là 74%, tăng 19 điểm. Ở Hà Lan là 73%, tăng 28 điểm. Chỉ có 9% người Nhật Bản được hỏi nói rằng họ thích Trung Quốc, trong khi có tới 86% không thích Trung Quốc. Quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm qua tại các nước Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển và Australia(27).

c. Cuộc đua trong điều chế và phân phối vaccine phòng chống COVID-19

Một cuộc đua không kém phần khốc liệt giữa các nước liên quan đến việc điều chế và phân phối vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019, nhiều nước đã nghiên cứu phát triển các loại vaccine phòng chống COVID-19. Hiện nay có hơn 100 loại vaccine đang được nghiên cứu và phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đây là đợt đầu tư vào nghiên cứu khoa học lớn chưa từng có trong lịch sử. Việc cố gắng tìm ra vaccine phòng chống COVID-19 đã được đẩy lên thành “cuộc chạy đua gay cấn trong lịch sử khoa học y tế của nhân loại”(28). Các quốc gia có năng lực khoa học như Mỹ, Nga, Anh, Đức, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore... đều tăng tốc các chương trình nghiên cứu với mục tiêu là điều chế vaccine phòng chống COVID-19 trong thời gian nhanh nhất với những quy trình rút ngắn đặc biệt. Nếu thành công, đây sẽ là loại vaccine có tốc độ nghiên cứu phát triển thuộc nhóm nhanh nhất nhân loại và sẽ trở thành một loại vũ khí chiến lược tương tự như vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây.

Ý nghĩa của cuộc đua trong điều chế vaccine chống COVID-19 đã vượt ra khỏi khuôn khổ về các trị liệu y học, trở thành vấn đề mang tính chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế. Chính vì vậy, khi Bộ Y tế Nga tuyên bố cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên với tên thương mại là Gam-Covid-Vak (Sputnik V) thì ngay lập tức bị Mỹ và các nước phương Tây phản đối do chưa thực hiện đủ quy trình kiểm tra, không an toàn trong sử dụng. Mỹ còn đi xa hơn khi trừng phạt một số viện nghiên cứu của Nga đã tham gia thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 với lý do các cơ quan này đang tham gia nghiên cứu vũ khí sinh học và hóa học. Đồng thời sẽ áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa đối với các cơ quan này. Đáp lại Nga cho rằng, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt là “một ví dụ khác về việc cạnh tranh không công bằng và thiếu kiềm chế”(29).

Song hành với cuộc chạy đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19 là cuộc đua dành các đơn đặt hàng phân phối và sử dụng vaccine. Mặc dù bị Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích nhưng đã có hơn 10 quốc gia ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông đặt hàng mua vaccine “Sputnik V” của Nga với hơn 1,2 tỷ liều. Trong khi đó, dù các công ty dược phương Tây chưa điều chế thành công vaccine nhưng chỉ tính riêng Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh đã ký hợp đồng mua ít nhất 3,7 tỷ liều vaccine(30). Điều này gần như đã hút hết năng lực sản xuất vaccine toàn cầu và đẩy các nước đang phát triển đứng trước nguy cơ không tiếp cận được nguồn cung. Đứng trước vấn đề trên, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau hành động để huy động hơn 35 tỷ USD cho “cơ chế ACT-A (Access to COVID-19 Tools Accelerator: Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19)” nhằm cung cấp một cách công bằng ít nhất 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021, tập trung vào các nhóm ưu tiên; cung cấp 245 đợt điều trị và 500 triệu xét nghiệm cho các quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ nay đến giữa năm 2021 bên cạnh việc cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và máy oxi cho các quốc gia có nhu cầu(31).

d. Xung đột về hệ tư tưởng chính trị liên quan đến đại dịch COVID-19

 Những mâu thuẫn quốc tế liên quan đến đại dịch COVID-19 đã được đẩy lên mức xung đột về hệ tư tưởng chính trị. Là nước xuất hiện dịch đầu tiên, nhưng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch khá nhanh chóng, hiệu quả và bắt đầu hỗ trợ các nước khác trong việc chống lại đại dịch này. Trong khi đó, đại dịch ở Mỹ và các nước châu Âu xuất hiện muộn hơn nhưng tốc độ bùng phát và lây lan nhanh hơn, rộng hơn, khó kiểm soát hơn. Từ việc kiểm soát dịch bệnh, một chủ đề mới về sự đối đầu giữa các “quốc gia dân chủ” và “quốc gia chuyên chế” ra đời gợi nhớ sự đối đầu hệ tư tưởng trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Các biện pháp cách ly mạnh mẽ, kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc đã ngay lập tức được coi là hành vi độc đoán của một chính quyền chuyên chế, thiếu dân chủ. Các “quốc gia dân chủ” sẽ khó áp dụng các kinh nghiệm của Trung Quốc và có thể xử lý khủng hoảng với đại dịch COVID-19 kém hơn các “quốc gia chuyên chế”(32). Thay vì cùng nhau tìm ra giải pháp chung, những ý kiến này cho rằng, nếu như các “quốc gia dân chủ” phát triển không tập hợp lại chống đại dịch, ngăn chặn sự lây lan của virus, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và lập kế hoạch để khởi động nền kinh tế toàn cầu, thì Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế này. Kết quả sau đại dịch sẽ có một “sự thay đổi toàn cầu” mang tính quyết định cho mô hình chuyên chế(33) và Trung Quốc thể hiện được những phẩm chất của một cường quốc được thế giới công nhận(34).

Sự bất đồng, leo thang của xung đột liên quan đến đại dịch COVID-19 ngày càng được bộc lộ rõ ràng. Cạnh tranh địa chính trị của cuộc khủng hoảng theo nghĩa tiêu cực nhất của nó cũng đang dần bộc lộ. Việc đổ lỗi, tố cáo lẫn nhau giữa các quốc gia không giải quyết được vấn đề của đại dịch mà chỉ làm cho nó trở nên trầm trọng và căng thẳng hơn. Cho đến nay, không có cơ sở để tin rằng sự huy động toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19 sẽ giúp giảm các mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia đã tồn tại trước đại dịch. Thậm chí nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia trước khi xuất hiện “bệnh nhân số không” sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù những hành động mang tính hợp tác, chia sẻ giữa các quốc gia trong phòng chống đại dịch COVID-19 chưa thực sự trở thành xu hướng chủ đạo nhưng từ khi bắt đầu xuất hiện đại dịch cho đến nay, đã có rất nhiều bằng chứng về sự đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia trong phòng chống đại dịch. Sự hỗ trợ kịp thời về vật tư, thiết bị y tế của nước này với nước khác trong tâm dịch cũng như những hợp tác về y tế, chia sẻ, trao đổi thông tin đã khẳng định tinh thần hợp tác quốc tế của các quốc gia trong việc đối phó với các thảm họa. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trên tinh thần hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm, chung tay cùng các nước và cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ song phương và đa phương với quyết tâm sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Sự đoàn kết giữa các quốc gia là cơ hội để tìm ra vaccine chống virus SARS-CoV-2, cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Virus gây đại dịch COVID-19 không có quốc gia, chủng tộc, không có ý thức hệ, không biết phân biệt biên giới lãnh thổ. Chỉ khi các nước đều có tiếng nói chung, có các hành động phối hợp toàn cầu mới có thể mang lại hiệu quả trong việc giải quyết các mối đe dọa của đại dịch COVID-19, trong bảo vệ môi trường và ngăn chặn nguy cơ bùng phát những đại dịch tương tự trong tương lai .

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1) Bộ Y tế: Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, https://ncov.moh.gov.vn/, (truy cập 3-11-2020).

(2) World Health Organization: Timeline of WHO’s response to COVID-19, https://www.who.int/

news-room/detail/29-06-2020-covidtimeline,  (accessed August 18, 2020).

(3) WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, bước kế tiếp là gì?, https://tuoitre.vn/who-tuyen-bo-COVID-19-la-dai-dich-buoc-ke-tiep-la-gi-2020031210361298.htm, (truy cập 12-3-2020).

(4) The State Council Information Office: Press conference on international cooperation to fight COVID-19, https://www.scio.gov.cn/xwfbh/xwbfbh/

wqfbh/42311/42642/index.htm, (accessed April 3, 2020).

(5) State Council: The State Council Information Office Holds a Press Conference on China's International Cooperation to Fight COVID-19, https://www.gov.cn/xinwen/2020-03/26/content_5495712.htm1, (accessed April 3, 2020).

(6), (11) Trung Quốc - ASEAN: Hợp tác chống dịch COVID-19, http://www.nghiencuubiendong.vn/

an-ninh-phi-truyen-thong/7412-trung-quoc-asean-hop-tac-chong-dich-COVID-19, (truy cập 17-3-2020).

(7) World Health Organization: Coronavirus disease (COVID-19) outbreak, http://www.euro.who.int/

en/health-topics/health-emergencies/

coronavirus-COVID-19, (accessed April 3, 2020).

(8) Kokudo, N., Sugiyama, H: Call for international cooperation and collaboration to effectively tackle the COVID-19 pandemic. Global Health & Medicine, 2(2), 2020, p.60-62.

(9) World Health Organization: WHO Director-General's opening remarks at the media briefing on COVID-19, https://www.who.int/dg/speeches/

detail/who-director-general-s-opening-remarks-at-the-media-briefing-on-COVID-19---27-march-2020, (accessed March 27, 2020).

(10) World Health Organization, Regional Office for Europe: Global solidarity across countries

and continents needed to fight COVID-19, https://www.euro.who.int/en/about-us/

partners/news/news/2020/3/global-solidarity-across-countries-and-continents-needed-to-fight-COVID-19, (accessed March 19, 2020).

(12) France Diplomatie. Ministry for Europe and Foreign Affairs: G7 Foreign Ministers' Meeting – COVID-19 – Statement by Jean-Yves le Drian, Minister for Europe and Foreign Affairs (25 Mar. 2020), https://www.diplomatie. gouv.fr/en/coming

-to-france/coronavirus-advice-for-visitors-to-france/coronavirus-statements/article/g7- foreign-ministers-meeting-COVID-19-statement-by-jean-yves-le-drian-ministe, (accessed April 3, 2020).

(13) G20 Saudi Arabia 2020. Extraordinary G20 Leaders' Summit: Statement on COVID-19, https://www.mofa. go.jp/mofaj/files/100032142.pdf,

(accessed April 3, 2020).

(14) ASEAN khẳng định cam kết đoàn kết chặt chẽ trong cuộc chiến chống COVID-19,  http://www.congnghieptieudung.vn/asean-khang-dinh-cam-ket-doan-ket-chat-che-trong-cuoc-chien-chong-COVID-19-dt23781, (truy cập 10-4-2020).

(15) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Nga Putin, http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong-dien-dam-voi-Tong-thong-Nga-Putin/397885.vgp, (truy cập 12-6-2020).

(16) Việt Nam - Pháp thúc đẩy hợp tác song phương, https://www.sggp.org.vn/viet-nam-phap-thuc-day-hop-tac-song-phuong-667001.html, (truy cập 12-6-2020).

(17) Cuộc chiến chống Đại dịch COVID-19: Một Việt Nam trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới, https://congluan.vn/cuoc-chien-chong-dai-dich-COVID-19-mot-viet-nam-trach-nhiem-trong-khu-vuc-va-tren-the-gioi-post76643.amp, (truy cập 13-4-2020).

(18) ASEAN khẳng định cam kết đoàn kết chặt chẽ trong cuộc chiến chống COVID-19, http://www.congnghieptieudung.vn/asean-khang-dinh-cam-ket-doan-ket-chat-che-trong-cuoc-chien-chong-COVID-19-dt23781, (truy cập 10-4-2020).

(19) Саммит ЕС: об общем долге не договорились, https://ru.euronews.com/2020/03/27/eu-summit-reaxs, (дата обращения 27-3-2020).

(20) Đức thúc đẩy quy định chung trong EU về hạn chế đi lại, https://www.vietnamplus.vn/duc-thuc-day-quy-dinh-chung-trong-eu-ve-han-che-di-lai/660566.vnp, (truy cập 01-9-2020)

(21) Захарова: за вбросами в La Stampa о российской помощи Италии стоит британская компания, https://tass.ru/politika/8144221, (дата обращения 02-4-2020).

(22) Trước Liên Hợp quốc, ông Trump 12 lần phê phán đích danh Trung Quốc, ông Tập ngầm chỉ trích Mỹ, https://viettimes.vn/truoc-lien-hop-quoc-ong-trump-12-lan-phe-phan-dich-danh-trung-quoc-ong-tap-ngam-chi-trich-my-493695.html, (truy cập 23-9-2020).

(23) EU warns of ‘pro-Kremlin’ disinfo on coronavirus pandemic, https://www.politico.eu

/article/eu-warns-on-pro-kremlin-disinfo-on-coronavirus-pandemic, (accessed March 19, 2020).

(24) EU tố Trung Quốc tung thông tin sai lệch về COVID-19, https://vnexpress.net/eu-to-trung-quoc-tung-thong-tin-sai-lech-ve-COVID-19-4113854.html, (truy cập 11-6-2020).

(25) Thế giới quyết điều tra đại dịch COVID-19, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/the-gioi-quyet-dieu-tra-dai-dich-COVID-19-20200518225951464.html (truy cập 19-5-2020).

(26) Nửa số dân Mỹ ủng hộ truy tố Trung Quốc vụ nguồn gốc COVID-19, https://plo.vn/quoc-te/nua-so-dan-my-ung-ho-truy-to-trung-quoc-vu-nguon-goc-covid19-927982.html, (truy cập 31-7-2020).

(27) Unfavorable Views of China Reach Historic Highs in Many Countries, https://www.pewresearch.

org/global/2020/10/06/unfavorable-views-of-china-reach-historic-highs-in-many-countries/, (accessed October 6, 2020).

(28) Cuộc đua điều chế vaccine. URL: https://nhandan.com.vn/baothoinay-hosotulieu/

cuoc-dua-dieu-che-vaccine-609462/, (truy cập 21-7-2020).

(29) Đằng sau lệnh trừng phạt viện nghiên cứu vaccine Nga của Mỹ, http://atv.org.vn/tin-tuc/tin-the-gioi/dang-sau-lenh-trung-phat-vien-nghien-cuu-vaccine-nga-cua-my-45630.html, (truy cập 30-8-2020)

(30) Nga đạt thỏa thuận cung ứng 1,2 tỉ liều vaccine ra thị trường thế giới, http://thoibaotaichinhvietnam.vn

/pages/quoc-te/2020-09-21/nga-dat-thoa-thuan-cung-ung-12-ti-lieu-vaccine-ra-thi-truong-the-gioi-92497.aspx, (truy cập 21-9-2020).

(31) Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự Hội nghị cấp cao của Ủy ban tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình “Access to COVID-19 Tools Accelerator – ACT-A", https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/ /asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/thu-truong-bo-y-te-tham-du-hoi-nghi-cap-cao-cua-uy-ban-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-chuong-trinh-access-to-COVID-19-tools-accelerator-act-a-, (truy cập 10-9-2020).

(32) Rachel Kleinfeld, Do Authoritarian or Democratic Countries Handle Pandemics Better?, https://carnegieendowment.org/2020/03/31/do-authoritarian-or-democratic-countries-handle-pandemics-better-pub-81404, (accessed March 31, 2020).

(33) Алексей ГРОМЫКО: Коронавирус как фактор мировой политики, Научно-аналитический вестник ИЕ РАН, 2020, №2, http://www.ras.ru/

News/ShowNews.aspx?ID=27f8355f-42dd-4bee-9f7a-6b1ea8602e2d, (дата обращения: 22-7-2020).

(34) Kurt M. Campbell, Rush Doshi:  The Coronavirus Could Reshape Global Order, Foreign Affairs,https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2020-03-18/coronavirus-could-reshape-global-order, (accessed March 18, 2020).

PGS, TS Phạm Minh Sơn

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền