Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ truyền thống, gắn bó đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ hai, 15 Tháng 3 2021 15:57
1708 Lượt xem

Quan hệ truyền thống, gắn bó đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam

(LLCT) - Đảng Cộng sản (ĐCS) Pháp và ĐCS Việt Nam có mối quan hệ gắn bó đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của ĐCS Việt Nam là một trong những người tham gia thành lập ĐCS Pháp. Qua thời gian, tình hữu nghị giữa hai đảng được củng cố sâu sắc, là minh chứng cho tinh thần quốc tế của những người cộng sản cùng chiến đấu cho lý tưởng chung. Tháng 12-2020 đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCS Pháp, là thời điểm ý nghĩa để nhìn lại mối quan hệ giữa hai đảng, kỷ niệm tình hữu nghị và sự đoàn kết giữa những người cách mạng Pháp và Việt Nam.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (PCF) Pierre Laurent năm 2018

Từ khóa: ĐCS Pháp, ĐCS Việt Nam, quan hệ truyền thống.

ĐCS Pháp (Parti Communiste Français - PCF), đội tiên phong của giai cấp công nhân (GCCN) Pháp, là tổ chức chính trị giàu truyền thống đấu tranh cách mạng và tinh thần quốc tế vô sản. Kể từ ngày thành lập, ĐCS Pháp luôn đề cao tư tưởng tự do, bình đẳng; không ngừng đấu tranh chống sự áp bức, bóc lột của giới tư bản lũng đoạn đối với người lao động; kiên quyết chống chính sách gây chiến và xâm lược của các lực lượng đế quốc, thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc; đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong những năm tháng ĐCS Việt Nam lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những người cộng sản Pháp, với tấm lòng yêu nước và cách mạng trước sau như một, với tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản, đã luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam. Tiêu biểu là những chiến sĩ cộng sản trung kiên như ông Léo Figuères, bà Raymonde Dien, ông Henri Martin,... luôn đi đầu trong phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do, hoà bình và chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cho dù phải trả giá bằng tính mạng. Cụ thể là:

Với mong muốn “tìm đến những nguồn chắc chắn nhất có thể cho dư luận Pháp biết rõ tình hình thực ở Đông Dương, biết rõ tinh thần nhân dân Việt Nam”(1), nhà báo, người chiến sĩ cộng sản Pháp Léo Figuères đã sang Việt Nam để tận mắt chứng kiến công cuộc “khai hóa văn minh” mà thực dân Pháp đã và đang thực hiện ở đây. Cuốn sách “Tôi trở về từ Việt Nam tự do” (Je reviens du Vietnam libre) của ông đã chỉ rõ cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới sự thật về cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp, đồng thời yêu cầu Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Hành động của nữ đảng viên cộng sản Pháp Raymonde Dien không màng đến sự an nguy của bản thân, dũng cảm nằm trên đường ray “để ngăn cản chuyến tàu chở vũ khí đi giết người, vì tôi thù ghét chiến tranh thậm tệ”(2) đại diện cho tinh thần đoàn kết đấu tranh vì chính nghĩa của các tầng lớp tiến bộ Pháp. Sự kiện này gây chấn động dư luận Pháp và làm dấy lên phong trào đấu tranh để biểu thị tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam: công nhân khuân vác tại các cảng biển Marseille và Cherbourg không chịu chuyển vũ khí lên tàu sang Đông Dương; công nhân, nhân viên, trí thức và nhiều người dân thuộc các tầng lớp trong xã hội đã tổ chức các cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình ở Paris,

Bordeaux và nhiều thành phố lớn. Họ giương cao các khẩu hiệu “Thả Raymonde Dien!”, “Hòa bình ở Việt Nam”,... Những người cộng sản Pháp luôn hướng về Việt Nam, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp bằng tình cảm chân thành nhất, tự nhiên nhất bởi họ hiểu rõ “cuộc chiến này trái với công lý”, “cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh dơ bẩn và bất công tại Việt Nam”(3). Họ tuân theo sự thôi thúc đấu tranh cho lẽ phải, như lời nói giản dị và chân thành của Raymonde Dien: ‘’Phản xạ của tôi lúc đó là hết sức tự nhiên, tôi không đắn đo gì, chỉ biết làm tất cả vì hòa bình cho Việt Nam’’(4).

Để ủng hộ cách mạng Việt Nam, ĐCS Pháp đã tổ chức các phong trào đấu tranh với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân thuộc các lực lượng hòa bình, dân chủ và yêu chuộng hòa bình, đòi Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh và trao trả độc lập cho Việt Nam. Tờ L’Humanité (Nhân đạo) - cơ quan ngôn luận của ĐCS Pháp ra ngày 27-1-1954 chỉ rõ: “Ý muốn chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương ngày nay đã trở thành một yêu sách của toàn dân Pháp”(5). Chỉ trong vòng 12 ngày (từ 9 đến 20-5-1954), 42 đoàn đại biểu của nhân dân Pháp với gần 500 người thuộc đủ các tầng lớp xã hội (công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, nhà khoa học, nhà tôn giáo, các gia đình tù binh, gia đình có con em chết trận ở Đông Dương,...), trong đó có nhiều đảng viên cộng sản từ khắp nơi trên đất Pháp đổ về Genève để bày tỏ tình cảm yêu chuộng hòa bình và đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương. Trên khắp nước Pháp, nhiều cuộc bãi công của công nhân và nhân dân lao động (nổi bật là cuộc bãi công của 3 nghìn công nhân ở gần thành phố Lille) đã diễn ra nhằm gây sức ép, đòi Quốc hội và Chính phủ Pháp từ bỏ mưu đồ mở rộng chiến tranh Đông Dương, chấm dứt chiến tranh và giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương. Cuộc đấu tranh bền bỉ của giai cấp công nhân và nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của ĐCS Pháp đã góp phần vào việc buộc Chính quyền Pháp phải ký Hiệp định Genève ngày 21-7-1954 chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. ĐCS Pháp cũng kêu gọi nhân dân Pháp đấu tranh đòi Chính phủ Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, thiết lập mối quan hệ mới trên cơ sở bình đẳng với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Lào và Campuchia(6).

Tình đoàn kết, gắn bó giữa ĐCS Pháp và ĐCS Việt Nam tiếp tục được tăng cường trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Trung ương ĐCS Pháp đã nhiều lần lên án việc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam; tuyên bố ủng hộ lập trường bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, coi đó là cơ sở đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam; kiên quyết đòi Chính phủ Mỹ chấm dứt vĩnh viễn, không điều kiện các cuộc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, thừa nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình(7). Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam diễn ra sôi nổi thông qua các hình thức hoạt động phong phú đã trở thành một phong trào quần chúng mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ.

Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản và tình cảm đặc biệt với GCCN và nhân dân lao động Việt Nam, những người cộng sản Pháp đã phát động các cuộc bãi công, mít tinh, biểu tình lên án tội ác dã man của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, như: những “Ngày toàn nước Pháp đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam”, những “Ngày đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam”, những “Tuần đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống xâm lược Mỹ”,... Hưởng ứng lời kêu gọi của những người cộng sản Pháp, hàng nghìn công nhân và nhân dân Pháp đã xuống đường biểu tình trước Sứ quán Mỹ (ngày 11-2-1965) và hô vang khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, “Đế quốc Mỹ là bọn giết người”; hơn 10 vạn người dân xuống đường biểu tình tại 125 thành phố trên khắp nước Pháp (từ 25 đến 27-3-1966) để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ; khoảng 5 vạn phụ nữ Pháp đã tham gia vào 600 “Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam” (tháng 3-1966) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp tổ chức; 7 vạn thanh niên nam nữ từ khắp nước Pháp đã đổ về thủ đô Paris (ngày 26-11-1967) và hô vang khẩu hiệu “Thanh niên Pháp ủng hộ Việt Nam”; 8 vạn quần chúng nhân dân Paris đã rầm rộ xuống đường (ngày 13-2-1968) bất chấp trời mưa tầm tã, giương cao cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hô vang “Mỹ phải chấm dứt xâm lược”, “Johnson là tên giết người”, “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng”;... Sáng kiến của ĐCS Pháp, phong trào quyên góp, ủng hộ tiền bạc, thuốc men, tặng phẩm,... giúp đỡ nhân dân Việt Nam đã có tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân Pháp. Cuộc phát động quyên góp “Một chuyến tàu ủng hộ Việt Nam” năm 1968 đã thu được 400 triệu franc, gấp đôi con số mà ĐCS Pháp đề ra ban đầu(8). Những người cộng sản Pháp cũng đã hết lòng giúp đỡ phái đoàn Việt Nam trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris: cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại, vật dụng, tổ chức các cuộc tuần hành và chiến dịch báo chí ủng hộ phái đoàn Việt Nam,... Tờ L’Humanité đăng lại hằng tuần các tuyên bố của các thành viên phái đoàn đàm phán Việt Nam, như đồng chí Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thành Lê,... Từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973, trong 203 cuộc họp của Ban Bí thư ĐCS Pháp, có 125 cuộc đề cập đến Việt Nam và 29 lần đề cập đến các cuộc đàm phán; trong 171 cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCS Pháp, có tới 41 cuộc nói về Việt Nam và 10 lần đề cập trực tiếp về cuộc đàm phán(9). Những con số này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo ĐCS Pháp đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do ĐCS Việt Nam lãnh đạo.

Sự ủng hộ của những người cộng sản và nhân dân Pháp đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam còn thể hiện ở niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng chí G.Marchais, Bí thư toàn quốc ĐCS Pháp khẳng định: “Nước Việt Nam muốn sống tự do độc lập và hòa bình. Nước Việt Nam sẽ đạt được ý nguyện của mình”(10). Sự giúp đỡ về vật chất và sự ủng hộ về tinh thần của những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng chói của tình đoàn kết quốc tế của nhân dân lao động.

Quá trình đấu tranh cách mạng đã vun đắp tình hữu nghị giữa hai ĐCS; lịch sử đã gắn bó hai đảng ngay từ những ngày đầu thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những đảng viên đầu tiên của ĐCS Pháp và đồng thời cũng là người sáng lập ra ĐCS Việt Nam. Sự giao lưu, hợp tác, tăng cường hiểu biết giữa hai bên càng củng cố thêm mối quan hệ đặc biệt này. Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 đến 11-3-1968 của đoàn đại biểu ĐCS Pháp do đồng chí J.Duclos, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Pháp dẫn đầu là một mốc son trong quan hệ hai đảng, thể hiện tình cảm chân thành và sự ủng hộ quý báu của những người cộng sản Pháp đối với cách mạng Việt Nam.

Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, quan hệ giữa hai đảng tiếp tục được củng cố, phát triển. Hai bên thường xuyên dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ chân tình thông qua các chuyến thăm, cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đánh dấu bằng các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao ĐCS Pháp là Bí thư toàn quốc G.Marchais (năm 1993), Chủ tịch Hội đồng toàn quốc R.Hue (năm 1999), Bí thư toàn quốc Marie George Buffet (năm 2008) và Bí thư toàn quốc Pierre Laurent (năm 2011 và 2015). Bên cạnh đó, hai đảng cũng cử đoàn đại biểu tham dự các kỳ đại hội để bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ; đồng thời cập nhật những nội dung, vấn đề các bên quan tâm, cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Sự phát triển vượt bậc trong quan hệ giữa hai nhà nước, đặc biệt là việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp vào tháng 9-2013 đã tạo đà cho việc nâng tầm quan hệ giữa ĐCS Pháp và ĐCS Việt Nam lên một nấc thang mới.

Trên tất cả các diễn đàn, ĐCS Pháp nhất quán khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ với ĐCS Việt Nam, ủng hộ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nhà nước. Bí thư toàn quốc ĐCS Pháp Pierre Laurent chỉ rõ: “với tư cách là bạn, là đồng chí, những người cộng sản Pháp sẽ tích cực góp phần xây dựng chính sách tích cực đối với Việt Nam”, “tiếp tục đoàn kết gắn bó với Việt Nam, có tiếng nói tích cực ủng hộ các chính sách của Chính phủ Pháp đối với Việt Nam”(11).

Về phía Việt Nam, ĐCS Việt Nam khẳng định luôn coi trọng và giữ gìn quan hệ hữu nghị hợp tác với ĐCS Pháp và nhân dân Pháp. Các chuyến thăm hữu nghị của lãnh đạo cấp cao ĐCS Việt Nam tại Pháp là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước. Trong đó, phải kể đến chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu (5-2000) theo lời mời của Tổng thống J.Chirac và gần đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (3-2018) theo lời mời của Tổng thống

Emmanuel Macron. Các chuyến thăm hữu nghị và sự phối hợp hoạt động giữa hai đảng trong các khuôn khổ hợp tác và trên các diễn đàn đã góp phần vào việc củng cố và phát triển quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước.

ĐCS và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ của những người cộng sản và nhân dân Pháp đối với cuộc cách mạng giải phóng đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tuy quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức bắt đầu từ năm 1973, nhưng trên thực tế, quan hệ giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước và quan hệ giữa những người cộng sản của hai nước đã có từ trước đó rất lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo tiền bối của Việt Nam đã tham gia phong trào cộng sản, tiến bộ Pháp và kết nối với phong trào cách mạng Việt Nam từ rất sớm. Rất nhiều tấm gương, những người đồng chí, những người bạn Pháp đã cùng sát cánh với nhân dân Việt Nam tạo thành phong trào phản chiến rộng rãi, góp phần làm thức tỉnh cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam”(12).

ĐCS Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mà ĐCS Pháp đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ II, cùng những đóng góp to lớn trong công cuộc tái thiết nước Pháp sau chiến tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và nhân dân Pháp; đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới cũng như những nỗ lực của Đảng trong việc kiếm tìm hướng đi và phương thức hoạt động thích hợp trong bối cảnh mới để thực hiện các mục trong cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trước những biến đổi có tính bước ngoặt của tình hình quốc tế thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là thời gian gần đây dưới tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, những biểu hiện mới của xu thế toàn cầu hóa, xu hướng chủ nghĩa dân tuý và cánh hữu đang chiếm ưu thế tại chính trường châu Âu, các vấn đề toàn cầu (như môi trường, dịch bệnh...) đang ngày càng trở nên bức thiết,... hai đảng đã nỗ lực tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực về cả lý luận và thực tiễn hoạt động của mỗi bên.

Đến nay, hai đảng đã phối hợp tổ chức thành công ba hội thảo lý luận với sự tham gia của các nhà lý luận, nghiên cứu, học giả có uy tín, đại biểu một số tổ chức nghiên cứu của Pháp và Hội Hữu nghị Pháp-Việt,... Hội thảo lý luận lần thứ nhất diễn ra tại Paris vào tháng 11-2012 với chủ đề “Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với các nước”. Hội thảo tập trung phân tích các vấn đề bức thiết đang đặt ra đối với các nước, đặc biệt đối với phong trào đấu tranh vì công bằng, an sinh xã hội, cũng như các thách thức trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của đông đảo người dân đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hội thảo thứ hai diễn ra tại Hà Nội, tháng 10-2015 với chủ đề “Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”, tập trung vào các vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của hai nước, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm hệ thống quan điểm lý luận phục vụ công tác hoạch định đường lối phát triển nói chung và đường lối đối ngoại nói riêng của mỗi đảng trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế với mục tiêu phát triển bền vững. Hội thảo thứ ba diễn ra tại Paris, tháng 6-2018 với chủ đề “Những cơ hội và thách thức chủ yếu trong giai đoạn hiện nay đối với vai trò chính trị của ĐCS Pháp tại châu Âu và đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước của ĐCS Việt Nam”. Hội thảo tập trung phân tích các đặc điểm mới của bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, nhận định những cơ hội và thách thức đặt ra cho hai đảng với tư cách là những lực lượng chính trị cách mạng trong công cuộc đấu tranh cho một thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ. Việc duy trì cơ chế hội thảo lý luận có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng khuôn khổ hợp tác nghiên cứu lý luận, là cầu nối để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai đảng.

Bên cạnh đó, hai đảng còn phối hợp tổ chức nhiều cuộc tọa đàm và các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống, coi đó là nền tảng phát triển sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Trong đó, phải kể đến hai cuộc tọa đàm với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014)” tổ chức tháng 4-2014 và “Việt Nam từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến hiện nay” tổ chức tháng 4-2015 ở ngoại ô Paris; cuộc triển lãm ‘’Những chiến sỹ đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam’’ tại Paris tháng 6-2014; gian trưng bày của Báo Nhân dân tại Hội báo hằng năm Báo Nhân đạo của ĐCS Pháp,... Các hoạt động trên có ý nghĩa quan trọng, đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa hai Đảng; đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước trong quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt.

Mối quan hệ giữa ĐCS Pháp và ĐCS Việt Nam được đặt nền móng từ những ngày đầu thành lập và vun đắp qua lịch sử đấu tranh cách mạng, trên cơ sở tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó thủy chung, tình cảm chân thành, thẳng thắn và sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người cộng sản. Đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc ĐCS Pháp khẳng định: “Không gì sánh được với sợi dây kết nối giữa ĐCS Việt Nam và ĐCS Pháp. Đây là niềm tự hào đặc biệt khi nhắc đến các thành viên sáng lập ĐCS Pháp trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc”. Đồng chí nhấn mạnh “tình cảm đoàn kết quốc tế giữa hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước vượt qua cả lịch sử và luôn bền vững cho tới ngày nay”. Đồng chí chỉ rõ, tại thời điểm của những biến động lớn toàn cầu hiện nay, “điều cần thiết là chúng ta phải mở ra một giai đoạn mới cho đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa quốc tế”(13).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1), (2) Nguyễn Thành An: Ba chiến sĩ Pháp đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam, http://ct.qdnd.vn/quoc-te/ba-chien-si-phap-dau-tranh-vi-hoa-binh-cho-viet-nam-517265, ngày 17-12-2014.

(3) Alain Ruscio: Henri Martin, militant de la libération humaine (Tạm dịch: Henri Martin, người chiến sĩ đấu tranh cho giải phóng nhân loại), L’Humanité (Nhân đạo) ngày 18-2-2015, https://humanite.fr/henri-martin-militant-de-la-liberation-humaine-566012.

(4) http://www.vietnamplus.vn/ton-vinh-nhung-nguoi-ban-phap-dau-tranh-vi-hoa-binh-viet-nam/264263.vnp.

(5) Nhân dân, số 172, ngày 16-3-1954, tr.3.

(6) Xem thêm: Tình hình mới và nhiệm vụ trước mắt của Đảng Cộng sản Pháp (Báo cáo (trích), Nghị quyết, diễn văn bế mạc Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Pháp), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961, tr.65-66.

(7), (8) Nguyễn Hữu Chỉnh: Những tình cảm lớn, Báo Nhân dân, số 5088, ngày 17-3-1968, tr.3.

(9) Xem thêm: Đảng Cộng sản Pháp và các cuộc đàm phán tại Paris, http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/Hiepdinh/2013/1/83462AE6A05942BB/

(10) Nhân dân, số 6717, ngày 14-9-1972, tr.3.

(11), (12) TTXVN: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-ngoai/897055/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tiep-bi-thu-toan-quoc-dang-cong-san-phap, ngày 28-03-2018.

 

 (13) Hội đồng Lý luận Trung ương: Cơ hội và thách thức chủ yếu hiện nay đối với vai trò chính trị của Đảng Cộng sản Pháp tại châu Âu và đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.112-114.

ThS Nguyễn Thị Minh Thảo

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền