Trang chủ    Quốc tế    Quan điểm và chính sách của Nhật Bản đối với tiến trình liên kết ở Đông Á
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2013 14:09
8120 Lượt xem

Quan điểm và chính sách của Nhật Bản đối với tiến trình liên kết ở Đông Á

(LLCT) - Quan điểm của Nhật Bản về tiến trình liên kết Đông Á đã được tượng hình rất sớm, từ chính sách Đông Nam Á trong Học thuyết Fukuda (1977) đến ý tưởng xây dựng Cộng đồng Đông Á trong quan điểm Hatoyama (2009). Mặc dù chính trường Nhật Bản có nhiều thay đổi, song qua từng thời kỳ, với những đời thủ tướng khác nhau, Nhật Bản vẫn luôn thể hiện sự quan tâm lớn tới tình hình khu vực thông qua đường lối, chính sách đối ngoại sắc sảo của các đảng cầm quyền. Bằng những hành động thiết thực, Nhật Bản đã có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác các nước trong khu vực Đông Á, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng Đông Á của Thủ tướng Hatoyama.

1. Sự điều chỉnh chiến lược hướng về châu Á của Nhật Bản những năm đầu thập kỷ 90

Những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi, nền ngoại giao Nhật Bản đứng trước những vận hội và thách thức mới. Sức mạnh của Mỹ giảm sút cùng với sự nổi lên của Trung Quốc tạo nên những áp lực lớn từ nhiều phía đối với Nhật Bản, đòi hỏi nước này phải điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại và thể hiện tích cực hơn vai trò, trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản với châu Á dưới thời Thủ tướng Toshiki Kaifu (1989 - 1991)cũng kiên định mục tiêu: Cam kết không trở thành cường quốc quân sự; đóng góp tích cực hơn trong các vấn đề chính trị châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD); tham gia giải quyết vấn đề Campuchia;tăng cường hợp tác khu vực thông qua đầu tư chuyển giao công nghệ, chương trình viện trợ chính thức ODA, đóng vai trò thúc đẩy hợp tác để các nước ASEAN và Đông Dương cùng phát triển. Nhật Bản tham gia ngày càng tích cực hơn, sâu hơn vào các vấn đề của khu vực, cả về kinh tế và chính trị. Phát biểu của Thủ tướng Kaifu có đoạn: “Tôi nhận thấy Nhật Bản được trông chờ đóng góp lớn hơn ở khu vực CA-TBD, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong lĩnh vực chính trị”(1).

Sau khi Hiệp định hòa bình về Campuchiađược ký kết, Nhật Bản đã vận động chính quyền Mỹ thay đổi chính sách đối với Việt Nam. Thậm chí, nước này còn mạnh dạn quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam trong khi Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận. Những nỗ lực trên của Nhật Bản đã tạo ra ảnh hướng tốt đẹp, góp phần cải thiện các mối quan hệ tại khu vực, tạo lập một môi trường hòa bình ở Đông Nam Á (ĐNA).

Trước những thuận lợi trong nỗ lực can dự vào nền an ninh - chính trị ĐNA, tháng 1-1993, trong chuyến viếng thăm chính thức các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa (1991-1993) đã công bố chính sách đối ngoại của Nhật Bản với ĐNA, chủ yếu tập trung vào hợp tác chính trị - an ninh, với nội dung: Thứ nhất, Nhật Bản nhắc lại cam kết không trở thành “cường quốc quân sự”, đồng thời chủ trương cùng các nước khu vực ĐNA đoàn kết, thiết lập trật tự an ninh và bảo vệ ổn định tình hình khu vực. Thứ hai, Nhật Bản kêu gọi hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để tái thiết bán đảo Đông Dương, xác định diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương(2).

Như vậy, ngoài quan hệ kinh tế truyền thống, Nhật Bản đã trực tiếp đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực chính trị - an ninh với các quốc gia ASEAN, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản sang các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Cũng với chính sách đối ngoại đổi mới này, Nhật Bản đã hiện thực hóa được mục tiêu quan trọng được đề xuất trong Học thuyết Fukuda, đó là tăng cường vai trò “cầu nối” của Nhật Bản giữa Đông Dương và các nước ASEAN. Kiên trì quan điểm “Chính trị, kinh tế song hành” được hình thành từ Học thuyết Fukuda, ý tưởng “Thoát Âu, nhập Á” ngày càng rõ nét trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản. Các hoạt động kinh tế đối ngoại của nước này tại khu vực Đông Á nói riêng và CA -TBD nói chung cũng đã được tăng cường đáng kể trong những năm 1990.

2. Những nét mới trong quan điểm, chính sách của Nhật Bản về tiến trình hợp tác Đông Á từ cuối những năm 90 (thế kỷ XX) đến nay

Kế tiếp những bước phát triển của người tiền nhiệm, Thủ tướng Ryutaro Hashimoto (1996 - 1998) đã thực hiện chuyến công du sang các nước ASEAN vào tháng 1-1997, với mục đích chính thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ ngoại giao ASEAN - Nhật Bản và đề xuất tổ chức các cuộc họp cấp cao thường xuyên giữa hai bên. Cũng trong chuyến thăm này, Nhật Bản công bố “Học thuyết Hashimoto” được coi là có tầm quan trọng ngang với “Học thuyết Fukuda” trong mục tiêu tăng cường và mở rộng hơn mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là “Ba sáng kiến hợp tác Nhật Bản - ASEAN tiến tới thế kỷ XXI”: 1) Tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và ASEAN, trong đó lĩnh vực ổn định tiền tệ - tài chính, cải cách cơ cấu kinh tế được đặc biệt chú trọng. Tăng cường các cuộc đối thoại giữa hai bên về các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài chính thông qua cuộc họp thường niên các cấp; 2) Kêu gọi Nhật Bản và ASEAN tăng cường hợp tác trên 3 mặt đối thoại cấp cao; tích cực trao đổi văn hóa và giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu; 3) Kiến nghị nâng cấp quan hệ Nhật Bản - ASEAN từ đối thoại cấp bộ trưởng lên hội nghị cấp cao định kỳ, chính thức hoặc không chính thức, thể hiện một đường lối ngoại giao “kế thừa chính sách ngoại giao trước đây, phát triển hơn nữa quan hệ với các nước trong khu vực ĐNA trên nền tảng quan điểm Học thuyết Fukuda”(3).

Qua đó, học thuyết Hashimoto thể hiện hai đặc điểm nổi bật: một là, đây là lần đầu tiên Nhật Bản không nhắc tới sự hối hận đối với tội ác xâm lược trong lịch sử và cam kết “không làm cường quốc quân sự” của mình; hai là, học thuyết đánh giá cao vai trò của ASEAN như là một đối tác bình đẳng với Nhật Bản, chuyển từ “quan hệ viện trợ là chính” sang “quan hệ hợp tác bình đẳng” giữa hai bên. Với mục tiêu “biến kỷ nguyên mới của Nhật Bản và ASEAN thành quan hệ đối tác rộng rãi và mật thiết hơn”, học thuyết Hashimoto ra đời thể hiện quyết tâm của Nhật Bản nhằm nắm giữ một vai trò chính trị lớn hơn ở khu vực thông qua việc tăng cường đối thoại với các quốc gia ĐNA.

Tiếp theo học thuyết Hashimoto, mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN tiếp tục được củng cố dưới thời Thủ tướng Keizo Obuchi (1998 - 2000). Kế hoạch Obuchi đã hiện thực hóa một bước học thuyết Hashimoto với việc đặt ra những mục tiêu cụ thể phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản trong việc phục hồi kinh tế của các nước ĐNA còn kém phát triển. Kế hoạch Obuchi chuyển dịch trọng tâm trợ giúp của Tokyo, từ trợ giúp tài chính khẩn cấp sang hỗ trợ công cuộc phục hồi và phát triển dài hạn các nền kinh tế này.

Trong vòng 5 năm kể từ khi lên nắm chính quyền (2001), Thủ tướng Junichiro Koizumi đã thực hiện 7 chuyến viếng thăm đến các quốc gia ĐNA; cùng với các nguyên thủ ASEAN tiến hành 8 cuộc hội đàm. Tháng 1-2002, trong chuyến viếng thăm các nước ĐNA, ông đã có bài diễn thuyết quan trọng với tiêu đề “Nhật Bản và ASEAN của Đông Á: Quan hệ đối tác cởi mở và thẳng thắn, trên cơ sở đối tác bình đẳng và tin tưởng lẫn nhau”. Tuyên bố này có thể được coi là cơ sở của “Học thuyết Koizumi” trong hệ thống chính sách đối ngoại Nhật Bản, đặt nền tảng mới cho sự phát triển mối quan hệ truyền thống Nhật Bản - ASEAN trong thế kỷ XXI. Trên cơ sở “đối tác bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau”, đồng thời đưa ra khái niệm mới “Nhật Bản và ASEAN cùng tiến”. Học thuyết Koizumi được cụ thể hóa qua 4 nội dung chính: 1) Nhật Bản ủng hộ ASEAN cải cách trên các lĩnh vực chính trị, luật pháp, cơ cấu kinh tế và tài chính; tăng cường hợp tác khai thác khu vực sông Mêkông, công nghệ thông tin và các ngành nghề liên quan; 2) Nhật Bản tích cực hợp tác với các nước ASEAN trong mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, phòng ngừa phát sinh xung đột, thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh khu vực, tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 3) Nhật Bản đưa ra 5 ý tưởng cho mối quan hệ  hợp tác Nhật Bản - ASEAN trong tương lai, bao gồm: hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; lấy năm 2003 là năm giao lưu Nhật Bản - ASEAN; tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện; triệu tập Hội nghị Phát triển quốc tế Đông Á (IDEA) và tăng cường hợp tác an ninh; 4) Chính phủ của Thủ tướng Koizumi đặc biệt thể hiện sự quan tâm đến tiến trình liên kết khu vực Đông Á thông qua việc đề ra ý tưởng xây dựng “Một cộng đồng Đông Á cùng nhau hành động và cùng nhau phát triển”. Theo ông: “Quá khứ của chúng ta có thể khác nhau nhưng tương lai của chúng ta có thể thống nhất và hỗ trợ cho nhau”, vì vậy “cần phải mở rộng Hợp tác Đông Á dựa trên quan hệ Nhật Bản - ASEAN” trong đó “bước đầu tiên là phải tranh thủ tối đa khuôn khổ ASEAN+3”(4).

Báo chí Nhật Bản từng nhận định, chính quyền của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi chưa thực sự thành công với “Ngoại giao châu Á”, còn những nỗ lực của chính quyền Shinzo Abe chỉ dừng ở mức đưa quan hệ với các nước châu Á trở về điểm xuất phát. Tờ Nihon Keizai cho rằng, nội các mới của Thủ tướng Yasuo Fukuda (2007-2008) và nhất là bản thân ông có thể tạo ra một bầu không khí tích cực hơn trong quan hệ giữa châu Á và Nhật Bản. Kế thừa quan điểm của Học thuyết Fukuda “cha” (1977), tại Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 14 tổ chức tại Tokyo vào tháng 5-2008, Thủ tướng Fukuda đã cho thấy những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với ĐNA: Trước hết, Nhật Bản tiếp tục duy trì Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Hai là, Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, “hợp tác đối phó thảm họa". Ba là, với mục tiêu thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng Đông Á, đẩy mạnh hợp tác với các nước ĐNA, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ những nỗ

lực của ASEAN nhằm thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bốn là, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thúc đẩy hòa bình; hình thành và củng cố cơ sở hạ tầng cho việc hợp tác tri thức và giáo dục; đấu tranh với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bệnh lây nhiễm, tăng cường giao lưu con người trong khu vực CA-TBD.

Các nội dung chính trên được giới quan sát gọi là "Học thuyết Fukuda mới", là sự nối tiếp "Học thuyết Fukuda". Tuy nhiên, không dừng lại ở việc kế thừa chính sách của cha mình, Thủ tướng Y.Fukuda còn muốn mở rộng “Học thuyết Fukuda mới” ra các nước Đông Bắc Á với khẳng định “Nhật Bản phải tìm kiếm quan hệ thâm tình không chỉ với các nước ĐNA mà cả với Trung Quốc và Hàn Quốc”. Đặc biệt, độngthái tích cực nhất trong chính sách ngoại giao châu Á của Thủ tướng Y.Fukuda là việc cải thiện mối quan hệ Trung - Nhật. Theo quan điểm của ông, Cộng đồng Đông Á sẽ là một ý tưởng viển vông nếu không có sự hòa giải lịch sử giữa Bắc Kinh và Tokyo. Và ông đã tạo ra ba sự thay đổi lớn: 1)Từ bỏ tính chất cực đoan trong chính sách ngoại giao của ông Koizumi, thay đổi lời nói và hành động thăm đền Yasukuni, xoá bỏ rào cản chính trị trong quan hệ Trung - Nhật; 2) Kiên định quan điểm đối ngoại tiếp tục nỗ lực cải thiện quan hệ Trung - Nhật, dù là cải cách hay bảo thủ đều cần phải duy trì quan hệ Trung - Nhật theo hướng ổn định, có kiểm soát; 3)Xây dựng một “Nội các hữu nghị Trung - Nhật”: thái độ phần lớn đều ôn hoà, có chừng mực, mong muốn tăng cường tình hữu nghị Trung -Nhật, không hài lòng với chính sách ngoại giao mất cân bằng của Koizumi.

Với Học thuyết Fukuda mới, quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang ngày càng ấm dần lên. Thực hiện mục tiêu cải thiện quan hệ với Đông Bắc Á, tiếp tục duy trì và thúc đẩy mối quan hệ truyền thống với các nước ASEAN, Học thuyết Fukuda mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của tiến trình liên kết Đông Á.

Từ khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của Thủ tướng Yukio Hatoyama (2009 - 2010) lên nắm quyền, kết thúc 54 năm cầm quyền liên tục của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), chính sách đối ngoại của Nhật Bản có thêm nhiều điểm mới. Cương lĩnh tranh cử của DPJ khẳng định sẽ theo đuổi "chính sách đối ngoại chủ động”. Mục tiêu trong chiến lược của Nhật ở CA-TBD là thông qua những hành động ngoại giao một cách tích cực, linh hoạt và có hiệu quả nhằm tạo ra môi trường kinh tế - chính trị thuận lợi ở khu vực. Coi đó là cơ sở để Nhật Bản hiện thực hóa mục tiêu trở thành một cường quốc toàn diện, không chỉ phát triển về kinh tế mà còn vững mạnh về chính trị. Mục tiêu của DPJ được cụ thể thành những điểm sau: 1) DPJ sẽ xây dựng quan hệ đồng minh "gần gũi và bình đẳng" giữa Nhật Bản và Mỹ; 2) Củng cố các cơ chế hợp tác trong khu vực CA-TBD hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Đông Á; 3) Coi Trung Quốc là đối tượng ngoại giao quan trọng, thường xuyên điều chỉnh chính sách đối ngoại và giành thế chủ động trong quan hệ ngoại giao với nước này; 4) Coi đối tượng phòng thủ ở khu vực Đông Bắc Á là Nga và Bắc Triều Tiên. Thực hiện chính sách vừa cảnh giác, vừa cải thiện quan hệ với các nước này; 5) Coi ĐNA là khu vực chiến lược quan trọng cần được ra sức mở rộng các quan hệ một cách toàn diện cả về kinh tế, chính trị và an ninh; 6) Đóng vai trò tích cực trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tự do hóa thương mại và đầu tư; chống biến đổi khí hậu; đi đầu trong việc loại trừ vũ khí hạt nhân và hiểm họa khủng bố.

Như vậy, xu hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại dưới thời Chính phủ Hatoyama có thể khái quát thành 3 điểm lớn: một là, tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ; hai là, cải thiện quan hệ với Trung Quốc; ba là, coi trọng hợp tác khu vực. Đối với châu Á nói chung: Nội dung cốt lõi trong chiến lược ngoại giao của Chính phủ Hatoyama là mở rộng đối thoại chiến lược an ninh đa phương, thông qua đó xây dựng quan hệ cân bằng giữa đồng minh Nhật - Mỹ và ngoại giao châu Á, tạo bước đột phá để trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đối với các nước ASEAN, Nhật Bản luôn xác định đây là đối tác kinh tế, chính trị truyền thống quan trọng trong mục tiêu thực hiện hiệu quả tiến trình liên kết Đông Á. Riêng đối với Việt Nam, về cơ bản, Chính phủ của Thủ tướng Hatoyama sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại vì Việt Nam là quốc gia có vị trí địa chính trị mang tính chiến lược ở khu vực ĐNA nói chung và Đông Á nói riêng.

Quan điểm “Xây dựng Cộng đồng Đông Á - EAC”:Sau khi đắc cử, Chính phủ của Thủ tướng Hatoyama đẩy nhanh việc thành lập Cộng đồng Đông Á dựa trên mô hình Liên minh châu Âu, theo đúng chủ trương của đảng Dân chủ Nhật Bản là giảm phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường hợp tác trong khu vực.Có thể thấy, ý tưởng EAC là tâm điểm trong nền ngoại giao châu Á của Chính phủ mới do Đảng Dân chủ Nhật Bản lãnh đạo, nó được thai nghén từ lâu trong DPJ. Việc Nhật Bản khởi xướng ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á không phải là điều quá ngạc nhiên. Trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh, với sự thay đổi về địa chính trị, điều kiện kinh tế ở Đông Á, sụt giảm quyền lực của Mỹ, sự trỗi dậy của châu Á, Nhật Bản hơn bao giờ hết muốn thúc đẩy vị thế và lợi ích của mình ở khu vực này.

Ngày 4-6-2010, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí bầu ông Naoto Kan làm thủ Tướng.Về mặt đường lối, nhất là về chính sách đối ngoại, chính phủ mới do Thủ tướng Naoto Kan sẽ tiếp tục thực hiện chính sách của cựu Thủ tướng Hatoyama. Ngay sau khi được bầu làm thủ tướng, trong cuộc điện đàm chính thức đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Naoto Kan đã nhấn mạnh rằng “Liên minh Mỹ - Nhật sẽ là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản”. Hai bên tái khẳng định quan hệ song phương, nhất trí thực thi thỏa thuận về vấn đề tái bố trí căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa đã đạt được với nội các của ông Yukio Hatoyama cũng như cam kết hợp tác trong các vấn đề khu vực và thế giới. Mặc dù nhấn mạnh rằng nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng Thủ tướng Kan cũng không quên các lợi ích thương mại với Trung Quốc. Ông Kan cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu thành lập Cộng đồng Đông Á theo quan điểm của Thủ tướng tiền nhiệm Hatoyama. Các nhà nghiên cứu nhận định, Nhật Bản đang có một nội các trẻ hơn và đầy nhiệt huyết với công việc. Người Nhật hy vọng chính phủ mới sẽ vượt qua những sóng gió để đưa đất nước “mặt trời mọc” tiếp tục phát triển và thực hiện giấc mơ cường quốc hàng đầu khu vực.

Như vậy, quan điểm của Nhật Bản về tiến trình liên kết Đông Á đã được tượng hình rất sớm, từ chính sách ĐNA trong Học thuyết Fukuda (1977) đến ý tưởng xây dựng Cộng đồng Đông Á trong quan điểm Hatoyama (2009). Mặc dù chính trường Nhật Bản có nhiều thay đổi, song qua từng thời kỳ, với những đời thủ tướng khác nhau, Nhật Bản vẫn luôn thể hiện sự quan tâm lớn tới tình hình khu vực thông qua đường lối, chính sách đối ngoại sắc sảo của các đảng cầm quyền. Bằng những hành động thiết thực, Nhật Bản đã có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác các nước trong khu vực Đông Á, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng Đông Á của Thủ tướng Hatoyama.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2011 

 

(1) TS Trần Quang Minh (Chủ biên): Quan điểm của Nhật Bản về Liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.85-88.

(2),(3) PGS,TS Ngô Xuân Bình: Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh lạnh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.270, 272.

(4) Hoàng Minh Hằng: Vai trò của Nhật Bản đối với tiến trình ASEAN+3, Tạp chíNghiên cứu Đông Bắc Á, số 7-2007, tr.12.

 

ThS Ngô Phương Anh

Học việnChính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 

 

Thông tin tuyên truyền