Trang chủ    Quốc tế    Nền chính trị Mỹ - Nhìn từ cuộc bẩu cử Tổng thống năm 2020
Thứ sáu, 11 Tháng 6 2021 16:35
3940 Lượt xem

Nền chính trị Mỹ - Nhìn từ cuộc bẩu cử Tổng thống năm 2020

(LLCT) - Trong lịch sử bầu Tổng thống Mỹ, từng diễn ra sự bất đồng và bất ổn xã hội. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 đã bộc lộ rõ hơn nhiều vấn đề từ nền chính trị Mỹ; những thách thức và cách ứng phó của nền dân chủ Mỹ trước chủ nghĩa dân tộc quốc gia, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa sùng bái cá nhân… Dưới góc độ chính trị học, qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, có thể thấy, giá trị dân chủ mang tính phổ biến, bền vững, nhưng nền dân chủ thì phải không ngừng tiếp tục hoàn thiện, hoặc là thế giới cần phải tìm đến một mô hình thể chế chính trị tiến bộ hơn.

Từ khóa: bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, đảng phái chính trị, nền dân chủ.

Tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đã đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump (ứng viên của Đảng Cộng hòa), đắc cử Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra kịch tính ngay từ đầu, từ cuộc tranh luận “hỗn loạn” giữa hai ứng viên Tổng thống và kết thúc bằng vụ tấn công (làm 5 người chết) của người biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống vào Điện Capitol, sự kiện mà Joe Biden Tổng thống đắc cử gọi là “khủng bố trong nước”. Cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra những thách thức chính trị chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ.

1. Cạnh tranh đảng phái hay là sự chia rẽ đảng phái chính trị Mỹ?

Giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ

Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đã huy động được con số kỷ lục cử tri của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đi bỏ phiếu, nhưng sự thiếu đồng thuận giữa hai lực lượng chính trị này lại hiện hữu một cách rõ ràng. Ngoài sự khác nhau mang tính truyền thống về quan điểm, lập trường giữa hai đảng đối lập(1) trong nền chính trị Mỹ, còn là sự khác biệt quan điểm về ưu tiên giải quyết các công việc hệ trọng của nước Mỹ trong bối cảnh khối cử tri tham gia bầu cử đang bị chia rẽ sâu sắc bởi chủng tộc, giáo dục và địa lý. Giới phân tích chính trị cũng chỉ ra cách tiếp cận như hai thái cực trái ngược của ứng viên Donald Trump và Joe Biden trong giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Sự khác biệt về quan điểm trước những thách thức của nước Mỹ cũng được phản ánh qua đội ngũ cử tri của phe Cộng hòa và phe Dân chủ. Ví dụ: Những người ủng hộ Joe Biden phần lớn muốn Chính phủ Liên bang ưu tiên chống COVID-19 lây lan, cho dù phải chịu thiệt hại về kinh tế, trong khi cử tri của Donald Trump lại xem nhẹ vấn đề đại dịch và muốn tập trung hồi phục kinh tế; khoảng nửa số cử tri ủng hộ Donald Trump cho rằng kinh tế và việc làm là những vấn đề hàng đầu cần giải quyết, trong khi chỉ 1/10 cử tri của Joe Biden coi kinh tế và việc làm là vấn đề quan trọng nhất;…

Trước sự chia rẽ sâu sắc từ cử tri của phe Cộng hòa và phe Dân chủ, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ đã phải kêu gọi đoàn kết nước Mỹ, hướng tới “linh hồn” của nước Mỹ “chúng ta phải ngừng coi đối thủ của mình như kẻ thù”; “Chúng ta không phải là kẻ thù. Những gì gắn kết chúng ta lại với nhau vì cùng là người Mỹ”(2).

Tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai phe tiếp tục diễn ra trên chính trường Mỹ hậu bầu cử. Trong khi Tổng thống đắc cử Joe Biden đẩy mạnh các kế hoạch chuyển giao quyền lực và bắt đầu lên kế hoạch điều hành đất nước, thì ông Donald Trump tiếp tục phớt lờ chiến thắng của đối thủ, nhất quyết theo đuổi một chiến dịch pháp lý để lật ngược kết quả bầu cử. Theo lời ông Joe Biden (ngày 28-12), càng về sau nhóm chuyển giao quyền lực của ông càng đối mặt với nhiều rào cản từ chính quyền đương nhiệm.

Sau lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Joe Biden phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc về đảng phái và quan điểm chính trị, đối mặt với sự phản kháng từ Đảng Cộng hòa, phe Cộng hòa và chủ nghĩa Trump với hơn 70 triệu cử tri Mỹ ủng hộ.

Nhà sử học Barbara Perry, Giám đốc trung tâm Miller (chuyên nghiên cứu lịch sử Tổng thống) thuộc đại học Virginia, nhận định: “Trừ thời Nội chiến, tôi không nghĩ là chúng tôi đã trải qua thời kỳ nào sự chia rẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa như lần này”(3). Sự chia rẽ diễn ra trong bối cảnh dư luận nước Mỹ và quốc tế mong muốn phe Cộng hòa và phe Dân chủ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giải tỏa bất đồng để cùng nhau ứng phó với các thách thức như đại dịch COVID - 19 và biến đổi khí hậu đang đe dọa nước Mỹ và thế giới.

Một cuộc thăm dò mới của viện Gallup (Mỹ) cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang giảm sút, nhiều người Mỹ muốn có chính đảng thứ ba(4).

Joseph S. Nye, JR (học giả người Mỹ) cho rằng “Công tác lãnh đạo có nghĩa là huy động nhiều người cho một mục đích…đặt ra và đạt được những mục đích chung. Các mục tiêu chung rất quan trọng”(5). Mục đích hoạt động cơ bản của các đảng phái chính trị là đấu tranh để giành chính quyền (trong trường hợp chính quyền đang ở trong tay thế lực ngoại bang), hoặc trở thành đảng cầm quyền. Để trở thành một đảng cầm quyền, chính đảng trước hết phải là một tổ chức chính trị mạnh, có ý chí chung, mục đích chung và một chương trình hành động cụ thể “Vạch ra một chương trình chung giành chính quyền là một chức năng quan trọng nhất của các đảng phái chính trị”(6). Một chính đảng thông qua bầu cử dân chủ trở thành đảng cầm quyền, có nghĩa là đảng đó trở thành đại diện cho phần lớn nhân dân của nước họ.

Thực tế chính trường Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 cho thấy, sự chia rẽ đảng phái chính trị và sự khác biệt về quan điểm trước những thách thức của nước Mỹ không chỉ dẫn đến hỗn loạn chính trường Mỹ, xã hội Mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia Mỹ và lợi ích của thế giới. Tự do đảng phái chính trị tạo không gian tự do cho phát triển tư tưởng chính trị và hoạt động chính trị, phát triển xã hội, nhưng mặt trái của nó cũng thật khó lường. 

Nội bộ Đảng Cộng hòa

Đảng Cộng hòa là một trong hai đảng chính trị lớn nhất của nước Mỹ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, nội bộ Đảng Cộng hòa diễn ra sự bất đồng, chia rẽ sâu sắc. Trước hết là sự phân hóa trong nội bộ Đảng, giữa những đảng viên Cộng hòa ngầm công nhận Tổng thống đắc cử Joe Biden và những đảng viên Cộng hòa khác ủng hộ Donald Trump cáo buộc gian lận bầu cử (dù không đưa ra được các bằng chứng thuyết phục) và hỗ trợ cuộc chiến pháp lý mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Đảng Cộng hòa đã chia rẽ nghiêm trọng vào ngày Quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức (ngày 3-1-2021) khi có khoảng 12 thượng nghị sĩ dự định cùng với khoảng 140 hạ nghị sĩ thách thức chiến thắng của Joe Biden(7). Trong lúc cũng có nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa khẳng định họ sẽ không tham gia nỗ lực “lật kèo” kết quả bầu cử.

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa viện dẫn lý do bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Mỹ, đã tập hợp lực lượng phản đối kết quả phiếu đại cử tri trước khi Quốc hội Mỹ nhóm họp để xác nhận Tổng thống đắc cử(8). Tuy nhiên, cũng có những đảng viên cấp cao của Đảng Cộng hòa không tán thành phản đối kết quả bầu cử và kêu gọi: Đảng Cộng hòa phải đứng lên vì nền dân chủ và Hiến pháp trước tiên, chứ không phải vì suy xét chính trị, vì quyền lực chính trị(9).

Trước hành động của những đảng viên cấp cao Đảng Cộng hòa thách thức chiến thắng của Joe Biden, ông William Cohen, cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Maine, kêu gọi: “Có lẽ đã tới lúc thành lập một đảng mới. Một đảng tuân thủ luật pháp nhưng cũng trung thành với người dân đất nước này, những người đã bỏ phiếu cho họ”(10).

Đảng Cộng hòa cũng chia rẽ, bất đồng sâu sắc trước sự kiện luận tội Donald Trump lần thứ hai (vì bị cáo buộc “kích động bạo loạn”). Một số nghị sĩ phản đối kết tội cựu Tổng thống Donald Trump với lý do Hiến pháp không cho phép kết tội một Tổng thống khi hết nhiệm kỳ, rằng quy trình luận tội, kết tội ông Trump sẽ khiến nước Mỹ chia rẽ hơn nữa: “Bỏ phiếu kết tội sẽ chỉ khiến đất nước chia rẽ và hận thù hơn nữa”. Trong khi một số thành viên khác của Đảng Cộng hòa lại cho rằng, xét xử luận tội là cần thiết… rằng các hành động của ông Donald Trump đã vượt giới hạn và việc kết tội là để không bao giờ được phép lặp lại(11). Kết quả là có 10 thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội Donald Trump trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện ngày 13-1-2021 và trong cuộc bỏ phiếu luận tội cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện Mỹ ngày 13-2-2021, có 43 Thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu phản đối kết tội Donald Trump, 7 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã đứng về phe Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ kết tội Trump(12).

Khi bàn về mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và quyền lực chính trị, Joseph S. Nye, JR cho rằng “không thể lãnh đạo nếu… không có quyền lực” và “quyền lực là khả năng tạo ảnh hưởng lên hành vi của người khác để có được kết quả mà bạn muốn”(13).

Việc có tới 43 trong số 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối kết tội Donald Trump diễn ra trong bối cảnh bằng chứng Donald Trump kích động cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6-1-2021 đã rõ và trong khi đa số người Mỹ được hỏi đều ủng hộ Thượng viện kết tội cựu Tổng thống Donald Trump (Theo kết quả cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos công bố ngày 7-2-2021 có tới 56% người tham gia ủng hộ Thượng viện kết tội cựu Tổng thống(14)) đã đặt ra câu hỏi với các nghị sĩ Đảng Cộng hòa về trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ và Hiến pháp Mỹ trong sự nghiệp chính trị của họ? Và điều đó cũng sẽ làm suy giảm khả năng tạo ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa đối với cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử thời gian tới.

Theo giới quan sát, mặc dù nhiều người nhận thức được nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ để lại những hậu quả tiêu cực lâu dài đối với quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, nhưng nhiều chính trị gia Cộng hòa vẫn ủng hộ Tổng thống Donald Trump để hy vọng giành được số phiếu của cử tri ủng hộ ông, hoặc hy vọng Donald Trump ủng hộ cho sự nghiệp chính trị của họ(15).

Trước sự chia rẽ, bất đồng sâu sắc nội bộ Đảng Cộng hòa, theo khảo sát do YouGov thực hiện cho thấy có hơn 2/3 thành viên Đảng Cộng hòa sẽ gia nhập hoặc cân nhắc gia nhập một đảng chính trị mới nếu cựu Tổng thống Donald Trump thành lập và lãnh đạo đảng đó(16).

Tình trạng chia rẽ, bất đồng đảng phái chính trị Mỹ và thực trạng nội bộ Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020 cho thấy chính trường Mỹ sẽ tiếp tục khó khăn trong những năm tới.

2. Nền dân chủ Mỹ bị “tổn thương” hay “chiến thắng”?

Dưới góc nhìn chính trị học, có ý kiến cho rằng nền dân chủ hiện đại được cấu thành bởi những định chế như: Hiến pháp - giới hạn các quyền và kiểm soát hoạt động của chính phủ; sự trung thực và năng lực của đảng phái chính trị; bầu cử tự do và công bằng; bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử của người dân; bảo đảm quyền tự do ngôn luận, hội họp; quyền tự do báo chí và quyền được thông tin; quyền tự do giao thiệp; quyền công bằng trước pháp luật(17).

Sự bảo đảm của những định chế trên trước các sự kiện chính trị hoặc biến động chính trị của quốc gia và quốc tế là biểu hiện “sự chiến thắng” của nền dân chủ.

Giáo sư chính trị học người Anh David Held cho rằng “Chế độ dân chủ có tính hấp dẫn một phần là do về nguyên tắc nó không chấp nhận bất cứ quan điểm nào về lợi ích chính trị, nếu đó không phải là quan điểm do chính “nhân dân” đưa ra”(18).

Do đó, khi nói đến tính “bền vững” hay là “sự chiến thắng” của một nền dân chủ, cần tính đến “tính hấp dẫn” thông qua “tính nhân dân” của nền dân chủ đó.

Có thể coi những lập luận trên là cơ sở lý thuyết để suy ngẫm về nền dân chủ Mỹ qua cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Những thách thức và cách ứng phó của nền dân chủ Mỹ

Thách thức đầu tiên là cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 diễn ra trong hoàn cảnh nước Mỹ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự chia rẽ chính trị, xã hội và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 154 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. Đây là con số đạt mức kỷ lục “cao chưa từng có trong lịch sử bầu cử Mỹ hơn 100 năm qua”(19). Điều này phản ánh ý thức chính trị của người dân đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Thách thức thứ hai là tối ngày 4-11-2020, khi cuộc bỏ phiếu vừa kết thúc, các nơi đang thực hiện kiểm phiếu, thì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố là cuộc bầu cử gian lận và ra lệnh ngưng kiểm phiếu. Trước tình huống đặc biệt đó, sự lựa chọn của các đơn vị kiểm phiếu ở các tiểu bang Hoa Kỳ là vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật pháp thay vì chấp hành lệnh ngưng kiểm phiếu của Tổng thống đương nhiệm. Điều này cho thấy cơ quan bầu cử Mỹ thượng tôn pháp luật trong thừa hành công vụ.

Thách thức thứ ba là trong quá trình bầu cử, nhóm vận động tranh cử của ứng viên Donald Trump đã thực hiện 60 vụ kiện từ cấp tiểu bang lên đến Tối cao Pháp viện. Các cơ quan thực thi luật pháp Mỹ đã xử lý nghiêm túc, khách quan các vụ kiện và kịp thời ra thông cáo công khai. Ví dụ, Cục An ninh mạng và Hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ra tuyên bố cuộc bầu cử là an toàn nhất trong lịch sử Mỹ. Trong trường hợp này, chuẩn mực của luật pháp và xã hội dân chủ pháp trị đã “thắng” bằng sự minh bạch pháp lý.

Thách thức thứ tư là ngày 6-1-2021, khi Quốc hội họp để kiểm đếm phiếu đại cử tri, xác nhận kết quả bầu cử thì đoàn biểu tình ủng hộ Donald Trump (phản đối kết quả bầu cử Tổng thống) kéo đến Điện Capitol - trụ sở Quốc hội Mỹ, chiếm đóng phòng họp, đập phá (làm 5 người chết và hàng chục người bị thương), Quốc hội đã phải ngưng họp(20). Nhưng ngay sau đó, Quốc hội Mỹ đã tiếp tục làm việc suốt đêm và xác nhận kết quả cuộc bầu cử là ông Joe Biden được 306 phiếu cử tri đoàn và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Hành động của những người biểu tình ủng hộ Donald Trump trong ngày 6-1-2021 bị coi là hành động tấn công vào nền dân chủ; động thái của Quốc hội Mỹ - cơ quan lập pháp (một trong ba nhánh quyền lực của nước Mỹ) được coi là đã bảo vệ thành công nền dân chủ Mỹ trước cuộc “bạo loạn”.

Thách thức thứ năm đến từ vấn đề tự do báo chí và sự thao túng, thậm chí tìm cách tiếp cận hệ thống chính trị nhằm trục lợi của mạng xã hội, của các tập đoàn công nghệ truyền thông lớn (Big Tech).

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, các phương tiện truyền thông dòng chính “bằng mọi cách từ bỏ nguyên tắc khách quan và công bằng vốn có của báo chí để đưa tin thiên vị hoặc vô căn cứ nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị. Truyền thông xã hội thì khởi động một chương trình quy mô lớn để kiểm duyệt những thông tin không đúng ý đồ của họ và đẩy mạnh những thông tin phù hợp với thế giới quan của họ mà không đếm xỉa gì đến sự thật(21).

Phản ứng từ nền dân chủ Mỹ trước hiện tượng khác thường của các cơ quan truyền thông và mạng xã hội cơ bản là lúng túng, môi trường thông tin khách quan và công bằng thiếu bệ đỡ của pháp luật “Hầu hết những nỗ lực nhằm ngăn chặn Big Tech tiếp cận hệ thống chính trị đều thất bại”(22). Đây là một câu hỏi lớn đặt ra với vấn đề tự do báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Và yêu cầu đặt ra là dưới góc độ chính trị học vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí cần phải được luận giải thấu đáo hơn.

Những thách thức trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 được coi là đã “tấn công” vào nền dân chủ Mỹ, “làm xói mòn các định chế cốt lõi của nền dân chủ Mỹ”. Trong đó, đặc biệt là vụ “tấn công bạo lực” nhằm vào Điện Capitol làm rung chuyển nước Mỹ và gây chấn động thế giới. Lãnh đạo nhiều nước đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích vụ việc: Thủ tướng Anh Boris Johnson coi đây là sự kiện “đáng hổ thẹn”; Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bình luận rằng vụ việc “làm hoen ố danh tiếng của nước Mỹ và là mối đe dọa đối với tất cả các nền dân chủ trên thế giới”(23).

Nhìn chung, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, các giá trị của Mỹ về dân chủ, pháp quyền đã “liên tục bị tấn công”, nền dân chủ Mỹ đã bị “tổn thương” và phải chăng là hệ sinh thái chính trị xã hội Mỹ đang phải đối mặt với sự nứt vỡ?. “Nhiều nhà ngoại giao và chính trị gia ở bên kia bờ Đại Tây Dương đánh giá nước Mỹ đang quá chia rẽ và không thể trông cậy được nữa”(24). David Hutt giải thích lý do dẫn đến tình trạng đáng lo ngại này của nước Mỹ, là do dân chủ Mỹ “không hoàn hảo”, hoặc “nền dân chủ rất mong manh” theo cách nói của Tổng thống Mỹ Joe Biden(25).

Cũng có một số người cho rằng sau sóng gió chính trường trong những ngày bầu cử Tổng thống, nền dân chủ Mỹ vẫn vững vàng và đã “chiến thắng”: những hỗn loạn mà Donald Trump gây ra cho xã hội Mỹ, đều bị cơ cấu dân chủ, dân sự Mỹ phản ứng thành công. Và rằng: “Nếu cuộc bầu cử này bị lật ngược chỉ bởi những cáo buộc từ bên thua cuộc, nền dân chủ của chúng ta sẽ đi vào vòng xoáy tử thần”(26). Cuối cùng hơn một nửa số cử tri Mỹ đã từ chối bầu ông Donald Trump làm Tổng thống và Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cũng mất quyền kiểm soát Thượng viện.

Mặc dù không thể phủ nhận những ưu điểm của nền chính trị, dân chủ Mỹ, sự vững vàng của thể chế pháp quyền Mỹ trước những thách thức của chủ nghĩa dân tộc quốc gia, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa sùng bái cá nhân; nhưng qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cho thấy, nền dân chủ tư sản nói chung và nền dân chủ Mỹ nói riêng cần phải tiếp tục hoàn thiện, hoặc là thế giới cần phải tìm đến một mô hình thể chế chính trị tiến bộ hơn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

(1) Ví dụ: Trong khi Đảng Dân chủ có khuynh hướng tự do và ủng hộ quyền tự do dân sự, tự do xã hội, muốn chính phủ can thiệp vào nền kinh tế để như thúc đẩy phúc lợi xã hội, thì Đảng Cộng hòa lại có khuynh hướng bảo thủ về mặt xã hội, ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do, hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế...

(2) Hồng Hạnh (Theo Guardian): Biden kêu gọi nước Mỹ đoàn kết hậu bầu cử, https://vnexpress.net/biden-keu-goi-nuoc-my-doan-ket-hau-bau-cu-4187135.html.

(3) Hồng Hạnh (Theo AP): Bầu cử tổng thống phơi bày nước Mỹ chia rẽ, https://vnexpress.net/bau-cu-tong-thong-phoi-bay-nuoc-my-chia-re-4188210.html.

(4) Anh Minh: Chán ghét Cộng hòa hay Dân chủ, nhiều người Mỹ muốn có chính đảng thứ ba, https://www.tienphong.vn/the-gioi/chan-ghet-cong-hoa-hay-dan-chu-nhieu-nguoi-my-muon-co-chinh-dang-thu-ba-1793870.tpo

(5), (13) Joseph S. Nye, JR: Quyền lực để lãnh đạo (Người dịch: Lê Thị Cẩm), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr.52, 61.

(6) Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, Nguyễn Đăng Dung (Chủ biên): Giáo trình Chính trị học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr.112.

 (7) Thanh Tâm (Theo Politico): “Nội chiến” Đảng Cộng hòa vì “lật kèo” bầu cử, https://vnexpress.net/noi-chien-dang-cong-hoa-vi-lat-keo-bau-cu-4215693.html.

(8) Thành Đạt (Theo Epoch Times): Phe Cộng hòa chạy đua “cứu” ông Trump trước giờ chót, https://dantri.com.vn/the-gioi/phe-cong-hoa-chay-dua-cuu-ong-trump-truoc-gio-chot-20210106110519605.htm.

(9) Hồng Hạnh (Theo CNN): Nghị sĩ rời đảng Cộng hòa để phản đối Trump, https://vnexpress.net/nghi-si-roi-dang-cong-hoa-de-phan-doi-trump-4206372.html.

(10) Hồng Hạnh (Theo Hill): Cựu nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi thành lập đảng mới, https://vnexpress.net/cuu-nghi-si-cong-hoa-keu-goi-thanh-lap-dang-moi-4215207.html.

(11) Minh Phương (Theo Washington Post): Đảng Cộng hòa chia rẽ, bất đồng vì lá phiếu kết tội ông Trump, https://dantri.com.vn/the-gioi/dang-cong-hoa-chia-re-bat-dong-vi-la-phieu-ket-toi-ong-trump-20210115151604723.htm.

(12) Vũ Anh (Theo AFP): Tương lai nào cho Mỹ sau khi Trump thoát luận tội? https://vnexpress.net/tuong-lai-nao-cho-my-sau-khi-trump-thoat-luan-toi-4235383.html.

(14) Ngọc Ánh (Theo ABC News/ Hill): Đa số dân Mỹ muốn kết tội Trump, https://vnexpress.net/da-so-dan-my-muon-ket-toi-trump-4233114.html.

(15) Ngọc Lang: Sau 4 năm Trump, ánh sáng dân chủ Mỹ vừa le lói, https://www.bbc.com/vietnamese/world-55584127.

(16) Như Ngọc: Khảo sát: 70% thành viên Đảng Cộng hòa sẽ xem xét gia nhập đảng do Trump lãnh đạo, https://trithucvn.org/the-gioi/khao-sat-70-thanh-vien-dang-cong-hoa-se-xem-xet-gia-nhap-dang-do-trump-lanh-dao.html.

(17) Theo nhà khoa học chính trị người Mỹ, Larry Diamond, chế độ dân chủ bao gồm bốn nhân tố cơ bản như: Một hệ thống chính trị cho việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng; Sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự; Bảo vệ quyền con người của mọi công dân; Pháp quyền, trong đó tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai đứng trên luật pháp (Diamond, L., Lecture at Hilla University for Humanistic Studies ngày 21 tháng 1 năm 2004: What is Democracy).

(18) David Held: Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại (Phạm Nguyên Trường dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2017, tr.439.

(19) Thanh Hảo: Những điều đặc biệt làm nên lịch sử của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/nhung-dieu-dac-biet-lam-nen-lich-su-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-2020-687018.html

(20) Bùi Văn Phú: Bạo loạn ở Capital trước chuyển giao quyền lực, https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55570115.

(21) TS. Terry F.Buss (Chuyển ngữ: Đào Thúy): Nước Mỹ năm 2020 - Bức tranh thiếu điểm sáng, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/nuoc-my-2020-buc-tranh-thieu-diem-sang-698922.html, inner-article.

(22) Tiến sỹ Terry F.Buss: Cách gì ngăn chặn được Big Tech tiếp cận hệ thống chính trị, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/cach-gi-ngan-chan-duoc-big-tech-tiep-quan-he-thong-chinh-tri-711025.html.

(23) Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli bình luận: “Cảnh tượng ở Điện Capitol tối nay rất đáng quan ngại; Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bình luận “Những cảnh tượng không thể tin nổi ở Washington DC. Đây là sự tấn công không thể chấp nhận được vào nền dân chủ”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vụ việc này là: “Cảnh tượng kinh hoàng ở Washington DC” (Minh Phương (Theo Guardian): Lãnh đạo các nước “sốc” với biểu tình bạo loạn ở quốc hội Mỹ, https://dantri.com.vn/the-gioi/lanh-dao-cac-nuoc-soc-voi-bieu-tinh-bao-loan-o-quoc-hoi-my-20210107052613078.htm).

(24) Tuấn Anh: Đòn giáng bất ngờ với nước Mỹ, https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/don-giang-bat-ngo-voi-nuoc-my-703988.html.

(25) Luận tội: Biden cảnh báo “nền dân chủ rất mong manh”, https://www.bbc.com/vietnamese/world-56066653.

 

(26) Mỹ: Quốc hội xác nhận chiến thắng của Joe Biden sau một ngày hỗn loạn, ngày 7-1-2021, https://www.bbc.com/vietnamese/live/world-55555683.

PGS, TS Đinh Xuân Lý

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền