Trang chủ    Quốc tế    Nhìn lại ASEAN năm 2020 để vững bước trong năm 2021 và những năm tiếp theo
Thứ năm, 05 Tháng 8 2021 14:08
1573 Lượt xem

Nhìn lại ASEAN năm 2020 để vững bước trong năm 2021 và những năm tiếp theo

(LLCT) - Phát huy chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng ASEAN vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có và đạt được nhiều thành quả quan trọng trong xây dựng Cộng đồng và liên kết khu vực. Trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy khó khăn, bất ổn, ASEAN cần tiếp tục phát huy tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng, kế thừa và tiếp nối những thành quả đạt được trong năm 2020 để vững bước trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội, xử lý hiệu quả các thách thức đang đặt ra để phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Nha Trang, tháng 1-2020. Ảnh: asean2020.vn.

Nhìn lại ASEAN năm 2020

Mặc dù có nhiều dự báo, nhưng không ai lường trước được trong năm 2020, ASEAN sẽ phải đối mặt với một bối cảnh tình hình khó khăn, phức tạp chưa từng có với nhiều thách thức đến như vậy. Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chính trị của tất cả các nước. Đại dịch làm trầm trọng hơn những khó khăn, phức tạp vốn có từ những năm trước như: cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa đa phương bị thách thức, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều... ASEAN chính là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch và là khu vực chịu tác động trực tiếp từ cạnh tranh nước lớn và nhiều thách thức khác. Trước tình hình đó, ASEAN đã phát huy tối đa chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của năm 2020, khẳng định sức mạnh đoàn kết, năng lực tự cường, chủ động ứng phó hiệu quả với đại dịch cũng như những biến chuyển sâu rộng của môi trường khu vực và quốc tế.

1. Gắn kết để đứng vững

ASEAN đã duy trì và bảo đảm được đà hợp tác, liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng. Các mục tiêu, sáng kiến, ưu tiên quan trọng đề ra cho năm 2020 được hoàn thành. Các kế hoạch thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 được triển khai đúng tiến độ, kiểm điểm đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Tầm nhìn 2025 được hoàn thành, hợp tác trên ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội ASEAN tiếp tục tiến triển với những kết quả khả quan.

Với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN đã chủ động phát huy các nỗ lực đồng bộ, liên ngành và của cả Cộng đồng trong kịp thời ứng phó dịch bệnh ngay khi mới bùng phát. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14-2-2020 cùng với các Tuyên bố tại các hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Covid-19 (tháng 4-2020) và các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (6-2020) và lần thứ 37 (11-2020) đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị ở cấp cao nhất của ASEAN nhằm ứng phó đại dịch.

ASEAN đã nỗ lực giữ vững đoàn kết, thống nhất, duy trì cân bằng quan hệ với các đối tác, không để bị cuốn vào cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn; bảo đảm vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ; đồng thời, duy trì vai trò chủ đạo và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác ASEAN+1 (giữa ASEAN với từng đối tác), ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

2. Chủ động thích ứng để thúc đẩy hợp tác

Không chỉ đứng vững, ASEAN đã chủ động thích ứng, biến nguy thành cơ, thúc đẩy hợp tác đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng.

Một là, cùng với giữ vững đà hợp tác, ASEAN đã chủ động thông qua Tuyên bố Hà Nội đề ra định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; khởi động rà soát kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN và lần đầu tiên đưa phát triển tiểu vùng vào nội dung nghị sự chính thức của ASEAN, gắn với tiến trình phát triển chung của cả Hiệp hội.

Với sáng kiến của Việt Nam, ASEAN đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS, khẳng định vai trò và giá trị của EAS, đề ra định hướng phát triển EAS trong giai đoạn tiếp theo. Cũng theo đề xuất của Việt Nam, các lãnh đạo ASEAN+3 đã nhất trí thông qua Tuyên bố tăng cường hợp tác nâng cao tự cường kinh tế và tài chính ASEAN+3, chủ động sẵn sàng ứng phó với các thách thức.

Hai là, ASEAN đã chủ động, kịp thời đề xuất, thúc đẩy thông qua nhiều sáng kiến ứng phó đại dịch, bao gồm Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung Chiến lược ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, Khung Phục hồi tổng thể ASEAN và Khung Hành lang đi lại ASEAN. Đặc biệt, theo sáng kiến của Việt Nam, Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) đã được thành lập, góp phần tăng cường phối hợp ứng phó Covid-19.

Đồng thời, ASEAN đã chủ động phối hợp cùng các đối tác và nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế ứng phó đại dịch và thúc đẩy phục hồi, trong đó tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó Covid-19 (tháng 4-2020) và nhiều hội nghị, cuộc họp về ứng phó Covid-19 giữa ASEAN với đối tác ở các cấp và trong các khuôn khổ khác nhau(1). ASEAN cũng đã vận động các đối tác ủng hộ và đóng góp tích cực cho các sáng kiến ứng phó đại dịch(2). Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, ASEAN đã chính thức khai trương Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), góp phần nâng cao năng lực y tế quốc gia và khu vực ứng phó dịch bệnh trong tương lai.

Ba là, ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại, phát huy vai trò và vị thế quốc tế, tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững. Các đối tác tiếp tục cam kết tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác thiết thực. Nhiều đối tác đề nghị thiết lập hoặc nâng cấp quan hệ với ASEAN(3) cũng như xin tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC)(4).

ASEAN đã tham gia tích cực vào các nỗ lực toàn cầu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả các thách thức, đề xuất sáng kiến thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc cũng như lồng ghép nhiều ưu tiên của Liên hợp quốc vào chương trình nghị sự khu vực, trong đó đề cao bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh thế giới kỷ niệm các văn kiện chủ đạo của Liên hợp quốc về phụ nữ(5).

Bốn là, ASEAN đã tích cực phát huy vai trò thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực, khẳng định tiếng nói đối với các vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông được giữ vững và phản ánh đầy đủ tại các hội nghị cũng như trong các văn kiện chủ chốt của các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và lần thứ 37, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53. ASEAN chủ động ứng phó, xử lý khéo léo các vấn đề như tình hình bang Rakhai, Bán đảo Triều Tiên, Timo Létxte..., kịp thời ra các tuyên bố riêng về những vấn đề, tình hình khẩn cấp liên quan tới hòa bình và an ninh. Tuyên bố về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á được các bộ trưởng ngoại giao ASEAN thông qua ngày 08-8-2020 nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN đã khẳng định vị thế, quan điểm, lập trường độc lập, trung lập của ASEAN trước những diễn biến phức tạp tại khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục đề cao Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), đồng thời hoan nghênh các đối tác ủng hộ AOIP và sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu nêu trong AOIP.

Năm là, với vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết thành công dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, sau 10 năm khởi xướng và 8 năm đàm phán. Đây là một đóng góp quan trọng của ASEAN vào những nỗ lực tăng cường liên kết kinh tế và thương mại đa phương cũng như phục hồi bền vững ở khu vực và trên thế giới trong bối cảnh Covid-19.

Sáu là, ASEAN chủ động thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức tổ chức hội nghị, hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, góp phần duy trì đà hợp tác. Từ chỗ chỉ là phương án dự phòng, họp trực tuyến đã trở thành phương thức hoạt động chính của ASEAN trong năm 2020. Hơn 550 hội nghị, hoạt động ASEAN diễn ra trên không gian mạng(6), nhiều văn kiện được đàm phán và ký kết trực tuyến, điển hình là lễ ký trực tuyến Hiệp định RCEP.

3. Dấu ấn vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam

Những thành quả quan trọng mà ASEAN đạt được trong năm 2020 đã ghi đậm dấu ấn và thể hiện rõ tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ của Chủ tịch Việt Nam(7).

Việc xác định đúng, trúng chủ đề, định hướng, ưu tiên và các sáng kiến, nhiệm vụ cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã tạo tiền đề vững chắc cho các bước triển khai tiếp theo. Chủ đề ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng” được các nước ASEAN và đối tác ủng hộ, đánh giá rất cao, mang giá trị định hướng lâu dài cho mọi hành động của ASEAN trong giai đoạn phát triển tới. Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh Chủ tịch ASEAN, khéo léo dung hòa những quan điểm, lợi ích khác nhau giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhất là các nước lớn, tại các hội nghị, hoạt động hợp tác và trong đàm phán các văn kiện, bảo đảm thành công chung và tổng thể tiến trình hợp tác. Phát huy tốt vai trò vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy ASEAN tham gia, đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả các thách thức. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực sẵn sàng trong kỷ nguyên số, bảo đảm đăng cai tổ chức thành công các hoạt động ASEAN trên nền tảng trực tuyến.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 khẳng định Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 theo cách chủ động nhất, trách nhiệm nhất, sáng tạo nhất, bản lĩnh nhất và hiệu quả nhất(8). Các nước ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế đều đánh giá Việt Nam đã góp phần đưa ASEAN vượt qua một giai đoạn đầy thách thức, thể hiện bản lĩnh, năng lực chủ động và sáng tạo, phát huy trọn vẹn tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của ASEAN năm 2020(9).

ASEAN vững bước trong năm 2021 và những năm tiếp theo

1. Tình hình thế giới và khu vực năm 2021 và những năm tiếp theo, cơ hội và thách thức cho ASEAN

Mọi dự báo cho năm 2021 và những năm tới đều không chắc chắn khi đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều nước, thậm chí đáng lo ngại hơn khi các nghiên cứu liên tục phát hiện ra những biến thể mới của virút SARS CoV-2. Dù đã được chế tạo thành công, nhưng khả năng cung ứng vắcxin còn hạn chế cùng với tính hiệu quả của nó vẫn phải kiểm chứng. Những bất ổn địa chiến lược tiếp diễn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Mặc dù các quốc gia đã triển khai nhiều biện pháp kích thích, hỗ trợ, nỗ lực duy trì trao đổi thương mại, đầu tư, khôi phục kết nối các chuỗi cung ứng, nhưng khả năng phục hồi kinh tế khu vực và thế giới còn bấp bênh, chưa đồng đều. Bên cạnh đó, những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, suy thoái môi trường... vẫn là những mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia.

Tình hình trên đặt ra nhiều thách thức đối với ASEAN không chỉ trong ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi, mà còn trong giữ vững đà hợp tác, bảo đảm tiến độ triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng cũng như duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Những diễn biến năm qua cho thấy, khu vực ASEAN đã trở thành một trong những trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khiến ASEAN gặp ngày càng nhiều thách thức trong bảo đảm đoàn kết, thống nhất và duy trì cân bằng quan hệ với các đối tác cũng như phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội.

Tuy nhiên, ASEAN cũng đứng trước các cơ hội và điều kiện thuận lợi. Những kết quả tích cực đạt được trong năm 2020 tạo nền tảng vững chắc để ASEAN vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Hơn lúc nào hết, sau một năm 2020 đầy khó khăn, thách thức, các nước ASEAN nhận thức được sự cần thiết phải bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để tập trung tối đa các nỗ lực ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững.

Có thể thấy, bối cảnh tình hình với nhiều khó khăn, bất ổn phía trước đòi hỏi ASEAN cần tiếp tục nêu cao tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, kế thừa và phát huy những thành quả quan trọng của năm 2020, để vững bước trong năm 2021 và những năm tiếp theo, hướng tới một Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2021, Brunây đã chính thức lựa chọn chủ đề năm ASEAN 2021 là “Chúng ta cùng quan tâm, chúng ta cùng chuẩn bị, chúng ta cùng thịnh vượng”(10). Tại Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN tháng 11-2020, Quốc vương Brunây đã khẳng định sẽ kế thừa và tiếp nối những thành quả đáng khâm phục của Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực phục hồi khu vực và xây dựng Cộng đồng(11). Bộ trưởng Ngoại giao Brunây cũng khẳng định các ưu tiên, sáng kiến trong Năm Brunây Chủ tịch ASEAN 2021 được xây dựng trên cơ sở tiếp nối và nhân lên những thành quả đã đạt được của ASEAN trong những năm trước đây, đặc biệt trong nhiệm kỳ Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020(12). Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales của Ôxtrâylia nhấn mạnh, Chủ tịch ASEAN 2021 Brunây sẽ được thừa hưởng nhiều từ những nỗ lực và thành quả của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để tiếp tục ứng phó hiệu quả với những khó khăn, thách thức hiện nay(13).

2. Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN

Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam cũng đánh dấu 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Trong 25 năm qua, ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam(14). Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của Đông Nam Á và ASEAN. Là thành viên ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển lớn mạnh của Hiệp hội. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất và liên kết chặt chẽ, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Trước những sóng gió hiện nay, một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc để Việt Nam và các nước ASEAN cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức, hướng tới phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25-CT/TW ngày 08-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam cần phát huy những thành quả quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, tiếp tục thực hiện phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN, góp phần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam(15).

Theo phương hướng đó, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN, trước mắt tập trung thúc đẩy một số trọng tâm, ưu tiên sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh nỗ lực xây dựng Cộng đồng, liên kết khu vực nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và sớm triển khai xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025. Theo đó, cần bảo đảm tiến độ triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội ASEAN; tiếp tục thúc đẩy phát triển tiểu vùng trong tổng thể phát triển chung của cả Cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển; đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thương mại đa phương và liên kết khu vực, tạo động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng bền vững tại khu vực.

Thứ hai, duy trì và đẩy mạnh các nỗ lực đồng bộ, liên ngành của Cộng đồng ASEAN, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nhằm ứng phó hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi tổng thể và phát triển bền vững. Theo đó, cần triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó Covid -19 của ASEAN như Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19, Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung Phục hồi tổng thể ASEAN, sớm hoàn tất Khung Hành lang đi lại ASEAN; tiếp tục vận động các đối tác hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế quốc gia và khu vực, trong đó sớm thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm phòng, chống dịch bệnh ACPHEED.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại ASEAN, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Theo đó, cần thúc đẩy các mối quan hệ đối tác hiện có của ASEAN theo hướng thực chất và hiệu quả hơn; đồng thời, nghiên cứu khả năng mở rộng quan hệ với các đối tác mới, có tiềm năng, tích cực tham gia vào đối thoại, hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phối hợp xử lý các thách thức chung, trong đó có Covid -19; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật pháp, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Về phần mình, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị tốt về mọi mặt để bảo đảm sự tham gia hiệu quả trong hợp tác ASEAN những năm tiếp theo, với một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, tổng kết, đánh giá những kết quả và rút ra những bài học kinh nghiệm của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 để tạo đà vững chắc cho những bước đi tiếp theo trên con đường hội nhập, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Đại hội XIII, trong đó có việc nâng tầm đối ngoại đa phương.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về ASEAN. Theo đó, cần tiến hành các biện pháp đồng bộ trong tuyên truyền, quảng bá, phổ biến rộng rãi về ASEAN đến các bộ, ngành, doanh nghiệp và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về tầm quan trọng chiến lược và những lợi ích thiết thực của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN.

Thứ ba, nâng cao năng lực điều phối của các bộ, ngành, cơ quan chủ trì và đầu mối hợp tác chuyên ngành, đồng thời tăng cường phối hợp chẽ giữa các Bộ phụ trách các trụ cột Cộng đồng ASEAN như Bộ Ngoại giao (chủ trì trụ cột Hội đồng Điều phối, Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh), Bộ Công Thương (chủ trì trụ cột Hội đồng Cộng đồng Kinh tế), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (chủ trì trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội).

Thứ tư, không ngừng củng cố, nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, các chiều hướng phát triển, biến động lớn trong chiến lược, chính sách của các nước lớn đối với ASEAN và tình hình ASEAN để tham mưu, đề xuất khuyến nghị trong xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, biện pháp lớn trong tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam.

Chuẩn bị, đào tạo và bố trí các cán bộ một cách đầy đủ, liên tục, có kế thừa, đáp ứng được các yêu cầu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, có nhận thức đúng đắn và tinh thần trách nhiệm, khả năng chủ trì, điều hành hoặc phối hợp tham gia hiệu quả các hoạt động hợp tác ASEAN.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) Ngoài Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về Ứng phó Covid-19 (tháng 4-2020), ASEAN đã phối hợp tổ chức thành công 05 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao với các đối tác (Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Ôxtrâylia), 01 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Anh, 01 Cuộc họp Quan chức cao cấp liên ngành ASEAN-Mỹ và Hội nghị các chuyên gia EAS về ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi.

(2) Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,

Ôxtrâylia, Niu Dilân và Anh cam kết đóng góp tài chính cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19. Nhiều đối tác cam kết sẵn sàng hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi Tổng thể.

(3) Pháp và Italia chính thức được công nhận là Đối tác phát triển của ASEAN tháng 9-2020. ASEAN và EU chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tháng 12-2020. Anh đang xin trở thành Đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN.

(4) ASEAN đã ký văn kiện mở rộng TAC cho Cuba, Côlômbia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số bên tham gia lên 43; chấp thuận đề nghị tham gia TAC của Cata, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Hà Lan và Hy Lạp.

(5) Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nghe báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN và Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã chứng kiến ba hoạt động quan trọng, nổi bật: Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số (tháng 6-2020); Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (tháng 9-2020) và Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11-2020).

 (6), (7) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020, http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Phat-bieu-cua-Thu-tuong-tai-Hoi-nghi-tong-ket-Nam-Viet-Nam-Chu-tich-ASEAN-2020/416861.vgp.

(8) Hội nghị Tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020, https://baoquocte.vn/hoi-nghi-tong-ket-nam-viet-nam-chu-tich-asean-2020-131302.html.

(9) Thế giới năm 2020: Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, https://www.vietnamplus.vn/the-gioi-nam-2020-viet-nam-hoan-thanh-xuat-sac-vai-tro-chu-tich-asean/682415.vnp.

(10) Press Release by the Chairman of the ASEAN Foreign Ministers’ Retreat (AMM Retreat), 21/1/2021, https://asean.org/press-release-chairman-asean-foreign-ministers-retreat-amm-retreat.

(11) Titah of His Majesty Sultan Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah Ibni Al-Marhum Sultan Haji Omar ‘Ali Saifuddien Sa’adul Khairi Waddien, Sultan And Yang Di-Pertuan of Bru-nây Darussalam at the Handing Over Ceremony of the ASEAN Chairmanship to Bru-nây Darussalam (Sunday, 15 November 2020, Via Video Conference), http://asean2021.bn/Theme/hm-remarks.aspx.

(12) Việt Nam-Brunây tăng cường phối hợp, góp sức củng cố đoàn kết ASEAN, https://baoquocte.vn/viet-nam-Bru-nây-tang-cuong-phoi-hop-gop-suc-cung-co-doan-ket-asean-134342.html.

(13) Hoàng Vũ: Thể hiện đúng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/bai-3-the-hien-dung-tinh-than-gan-ket-va-chu-dong-thich-ung-tiep-theo-va-het-648015.

(14) Nguyễn Quốc Dũng: Việt Nam - ASEAN: Hai mươi lăm năm một chặng đường, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/viet-nam-asean-hai-muoi-lam-nam-mot-chang-duong.

(15) ĐCSVN:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.163.

ThS PHAN MINH GIANG

Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền