Trang chủ    Quốc tế    Phát huy nguồn lực tôn giáo ở Mỹ và Việt Nam
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 17:19
2461 Lượt xem

Phát huy nguồn lực tôn giáo ở Mỹ và Việt Nam

(LLCT) - Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong xã hội Mỹ, thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá. Có được những kết quả đó là do nước Mỹ đã chú trọng xây dựng chính sách tôn giáo phù hợp; giáo dục người dân về sự chia sẻ, việc làm thiện nguyện và thực hiện các chính sách ưu tiên dành cho những hoạt động đóng góp của tôn giáo. Những thực tế này có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong bối cảnh mong muốn phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo cho phát triển đất nước.

 

Đêm hội hoa đăng tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: tinmoi.vn

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phát huy hiệu quả hơn nguồn lực tôn giáo

Tu Chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ năm (1791) quy định: “Quốc hội sẽ không làm luật đồng ý việc thiết lập tôn giáo, hay ngăn cấm hoạt động tự do của nó”(1) . Chính sách tôn giáo này được khẳng định từ thời kỳ lập quốc đến nay, trong đó bao gồm hai nguyên tắc cơ bản là: không thiết lập tôn giáo và tự do tôn giáo. Chính sách tôn giáo như vậy giúp bảo đảm tự do tôn giáo, bình đẳng tôn giáo, từ đó phát huy được nhiều nhất đóng góp của tôn giáo cho xã hội.

Không thiết lập tôn giáo nhằm đảm bảo tự do và bình đẳng tôn giáo

Không thiết lập tôn giáo là chính phủ liên bang và chính quyền bang đều không được công nhận một giáo hội làm tôn giáo chính của bang hoặc tôn giáo nhà nước; không được thông qua đạo luật giúp đỡ một tôn giáo, hoặc tất cả các tôn giáo, không ủng hộ riêng một tôn giáo nào đó mà kỳ thị một tôn giáo khác; không được bắt buộc hoặc tác động làm một người nào đó phản bội lại một giáo hội mà người đó muốn hay không muốn tham gia, hoặc bắt buộc người đó tuyên bố tin theo hoặc không tin theo bất cứ một tôn giáo nào đó; không được thu bất kỳ khoản thuế nào để ủng hộ cho bất cứ hoạt động hoặc tổ chức tôn giáo nào. Chính phủ liên bang hay chính quyền bang không được dùng phương pháp công khai hay ngấm ngầm tham dự vào công việc của bất cứ tổ chức hay hội, nhóm tôn giáo nào; ngược lại, các tôn giáo không được tham gia vào công việc của nhà nước. Nói chung, phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phân tách giữa tôn giáo và nhà nước(2). Theo đó, chính phủ không thể “thông qua bộ luật mà trợ giúp một tôn giáo, trợ giúp tất cả các tôn giáo, hay yêu thích một tôn giáo hơn một tôn giáo khác”; không thể dành những ưu tiên đặc biệt cho các tổ chức tôn giáo hơn những gì dành cho các nhóm không tôn giáo có hoàn cảnh tương tự. Nguyên tắc này hạn chế hỗ trợ của nhà nước cho các cộng đồng tôn giáo.

Tự do tôn giáo

Điều 18 Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 nêu rõ: Mọi người có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng hoặc tuân theo các nghi lễ.

Nước Mỹ rất coi trọng tự do tôn giáo, coi đó là “tự do đầu tiên” của con người. Họ lý giải, tự do tôn giáo gắn chặt với nguồn gốc và sự tồn tại thực sự của nước Mỹ. Họ đã thiết lập trong luật pháp tự do tôn giáo như là một quyền cơ bản và trụ cột của quốc gia. Quốc hội cũng không được ban hành luật pháp nhằm hạn chế hoạt động tôn giáo tự do nói chung, cũng như hoạt động tự do của một tôn giáo hay giáo hội cụ thể, hoạt động tôn giáo trong phạm vi pháp luật là tự do, không chịu sự can thiệp của chính phủ và cá nhân. Nguyên tắc tự do tôn giáo đã giải thoát cho tôn giáo khỏi sự chi phối của chính quyền.

Ở Việt Nam, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo từ khi thành lập nước đến nay. Điều 24 Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, khẳng định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo(3). Điều này thể hiện sự phát triển của chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước khi nêu rõ tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ dừng lại là quyền công dân, mà là quyền cơ bản của con người, là một giá trị phổ quát và tiến bộ của nhân loại. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua năm 2016 cụ thể hóa chính sách này ở toàn bộ Chương 2 (Điều 6, 7, 8, 9).

Tuy nhiên, liên quan đến quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vẫn cần được bổ sung những nội dung cần thiết về việc thay đổi tôn giáo, truyền giáo, hội họp tôn giáo.

Cần công nhận tư cách pháp nhân đầy đủ hơn của các tổ chức tôn giáo để họ có thể tham gia tích cực hơn vào các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội. Mặc dù ở Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định các nhóm dân cư muốn sinh hoạt và hoạt động tôn giáo hợp pháp cần đăng ký với chính quyền các cấp để được đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, hiện chỉ có các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc các tôn giáo lớn như Công giáo, đạo Tin Lành, Phật giáo, hay các tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu nghĩa... được cấp đăng ký sinh hoạt và hoạt động tôn giáo, chưa có hiện tượng tôn giáo mới nào được cấp, mặc dù cả nước hiện có khoảng 70 hiện tượng(4) như vậy. Vì vậy, việc quy định, thừa nhận pháp nhân (phi thương mại) đầy đủ hơn của các tổ chức tôn giáo như các tổ chức phi lợi nhuận, hay doanh nghiệp xã hội, có quyền hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội rộng rãi hơn là cần thiết, giúp họ chủ động mở rộng hoạt động, tích cực đóng góp cho xã hội.

Nên hạn chế tham dự của chính quyền vào công việc nội bộ của các tôn giáo và ngược lại nhằm thực hiện tự do tôn giáo và tăng cường khả năng tự chủ của tôn giáo. Một số quy định pháp luật ở nước ta hiện tại có thể dẫn tới khả năng chính quyền tham dự nhiều vào công việc nội bộ của tôn giáo như: thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; xác nhận phiếu lý lịch tư pháp (của người lãnh đạo tôn giáo)(5).

2. Phát huy nguồn lực tôn giáo trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội

Trong lĩnh vực giáo dục

Tôn giáo có đóng góp nổi bật cho nền giáo dục Mỹ từ thời kỳ thành lập đất nước đến nay. Ở cấp bậc giáo dục đại học, dữ liệu nhập học năm 2011-2012 từ Trung tâm quốc gia Thống kê giáo dục và Tổ chức Các khoa học giáo dục Mỹ cho biết, đóng góp hằng năm của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên tôn giáo khoảng 46.781.311.080 USD(6). Ở cấp bậc giáo dục tiểu học và phổ thông, ước tính chi trả học phí hằng năm cho các trường tiểu học dựa trên tôn giáo là 15.084.427.145 USD và trung học cơ sở dựa trên tôn giáo là 12.086.872.652 USD(7).

Ở nước ta, trong những năm qua, các tôn giáo đã tham gia phát triển giáo dục mầm non, dạy nghề đạt kết quả tốt. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến nay cả nước có 300 trường mầm non và hơn một nghìn nhóm, lớp mầm non độc lập do các tôn giáo thành lập, chiếm 2% tổng số trường mầm non, 15% số trường mầm non ngoài công lập. Một số tỉnh có tỷ lệ trường mầm non do tín đồ tôn giáo thành lập khá cao như Bà Rịa - Vũng Tàu (33/142 trường), Lâm Đồng (26/219 trường), Đồng Nai (25/272 trường), thành phố Hồ Chí Minh (86/912 trường và 40 nhóm lớp). Các cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo thành lập đã huy động được trên 130 nghìn trẻ đến trường, chiếm 3,06% tổng số trẻ mầm non toàn quốc, gần 20% số trẻ mầm non ngoài công lập. Số trẻ em được huy động bao gồm cả con em giáo dân và người dân không theo tôn giáo. Cả nước có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo tập trung chủ yếu ở phía Nam, bao gồm: 01 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp nghề và 09 trung tâm dạy nghề. Hằng năm các trường này đào tạo hơn 2 nghìn học viên và khi ra trường họ đều tìm được việc làm(8).

Thực tiễn nước Mỹ và Việt Nam cho thấy, các tôn giáo có thể tham gia hiệu quả và hoạt động giáo dục, đào tạo ở các cấp học từ mầm non đến giáo dục đại học. Vì vậy, trong thời gian tới Nhà nước nên xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để các tôn giáo có thể tham gia hoạt động xã hội hóa giáo dục, đào tạo nhiều hơn, trước hết ở cấp bậc tiểu học, phổ thông.

Trong lĩnh vực y tế

Đóng góp về y tế là một điểm nhấn trong những đóng góp của tôn giáo cho xã hội Mỹ, thể hiện nổi bật ở hoạt động của các cơ sở y tế mà họ sở hữu và điều hành, như bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám, trạm y tế, trung tâm điều trị tại gia đình, trung tâm phục hồi, viện điều dưỡng, cơ sở phục vụ điều trị đặc biệt... Thống kê cho thấy, doanh thu hoạt động hằng năm của những hệ thống chăm sóc y tế dựa trên đức tin chủ yếu khoảng 161 tỷ USD(9). 

Ở nước ta, tôn giáo đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào lĩnh vực y tế. Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, tổng số cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo là 283, trong đó tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia cơ sở khám, chữa bệnh là 13.027 người.  Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở phòng chẩn trị y học cổ truyền của tôn giáo khoảng 14.233.250 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở bệnh xá của tôn giáo là 179.025 lượt người. Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm 2015-2020 là 6.890,873 tỷ đồng(10).  Riêng trong hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19, các tôn giáo đã tích cực đóng góp với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng(11).

Trong thời gian tới, Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tôn giáo tham gia hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bằng cơ chế chính sách về vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, thị trường.

Trong hoạt động từ thiện, nhân đạo

Nước Mỹ là quốc gia tiêu biểu về hoạt động từ thiện cả về thời gian và tiền bạc. Tỷ lệ hoạt động từ thiện và tình nguyện ở Mỹ tương đối cao so với nhiều nước công nghiệp khác và các nhóm tôn giáo là những người nhận tiền và thời gian được quyên góp lớn nhất. Hoạt động từ thiện và tình nguyện ở Mỹ được tăng cường do sự phổ biến của chủ nghĩa nhân đạo được thúc đẩy bởi tôn giáo. Hơn nữa, hệ thống pháp lý cũng rất khuyến khích làm từ thiện, bao gồm các nhóm tôn giáo, đặc biệt thông qua cơ chế miễn giảm thuế(12). Các tổ chức từ thiện như: Dịch vụ đạo Tin Lành Luther ở Mỹ, Các tổ chức từ thiện Công giáo, Đội quân cứu rỗi, Môi trường sống cho con người, Tầm nhìn thế giới, Thức ăn cho người nghèo... có thu nhập hằng năm khoảng 45,3 tỷ USD(13).

Cả nước ta hiện có 113 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 11.800 người được bảo trợ xã hội, với 2.600 nhân viên, trung bình mỗi cơ sở nuôi dưỡng 104 người. Các cơ sở này cung cấp nhiều nhóm dịch vụ xã hội như, chăm sóc, nuôi dưỡng người được bảo trợ; phục hồi chức năng; sản xuất; dạy văn hóa, dạy nghề, hướng nghiệp; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng(14). Năm 2020, các tôn giáo đóng góp ủng hộ quỹ vì người nghèo và hoạt động an sinh xã hội trị giá hàng trăm tỷ đồng. Những số liệu trên cho thấy, tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động thiện nguyện và an sinh xã hội rất tích cực, do đó Nhà nước nên tiếp tục khuyến khích các cá nhân, tổ chức tôn giáo phát huy hơn nữa các hoạt động này thông qua cơ chế, chính sách thuận lợi như miễn, giảm thuế cho các nhà tài trợ cho các tổ chức đó.

Trong lĩnh vực ẩm thực

Chỉ tính riêng doanh thu buôn bán thức ăn dành cho người Do Thái giáo và Hồi giáo năm 2010 ở Mỹ ước tính là 14,4 tỷ USD(15).

Ở nước ta, kinh doanh nhà hàng ăn uống là một thế mạnh của các tôn giáo đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng của khách hàng thông qua chuỗi các nhà hàng chay liên quan đến Phật giáo, đạo Cao Đài, ẩm thực cho người Hồi giáo. Đó cũng là những đóng góp của tôn giáo cho phát triển kinh tế - xã hội nên cần được Nhà nước khuyến khích phát triển.

Từ nguồn thu của hội, nhóm tôn giáo

Đóng góp của các hội, nhóm tôn giáo là một bộ phận rất quan trọng trong nguồn lực tôn giáo ở Mỹ. Trong số 4.071 hội, nhóm tôn giáo được khảo sát trong dự án Nghiên cứu hội, nhóm tôn giáo quốc gia năm 2012, thu nhập trung bình hằng năm là 242.910 USD/hội, nhóm tôn giáo; trong đó, 216.143 USD từ quyên góp cá nhân, phí hội viên hay sự đóng góp nói chung. Với 344.894 hội, nhóm tôn giáo(16), thu nhập hằng năm của họ ước tính là 83.778.191.193 USD, trong đó thu nhập từ quyên góp cá nhân là 74.546.330.721 USD(17).

Ở nước ta, cần tăng cường giáo dục, động viên, khuyến khích đóng góp của cá nhân tín đồ cho tổ chức tôn giáo và xã hội nói chung, bằng cả “lợi ích” tinh thần và vật chất. Với trên 26 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), sự đóng góp của tôn giáo chắc chắn sẽ không nhỏ. Muốn vậy, cần giáo dục đạo đức xã hội tốt hơn để niềm tin xã hội vào những điều tốt đẹp luôn được khẳng định; quy định pháp luật thuận lợi hơn cho việc đóng góp và những kết quả đóng góp đó được ghi nhận, biểu dương kịp thời.

3. Phát huy các dịch vụ xã hội về tôn giáo

Giá trị dịch vụ xã hội của hội, nhóm tôn giáo

Ở Mỹ có rất nhiều hội, nhóm tôn giáo hoạt động rất đa dạng và tích cực, bao quát hầu hết các lĩnh vực xã hội, cung cấp dịch vụ liên quan đến đời sống tôn giáo và đời sống thường nhật của người dân, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, thẩm mỹ, vì vậy nó có đóng góp rất đáng kể cho xã hội(18). Brian J. Grim và Melissa E. Grim ước tính giá trị của hội, nhóm tôn giáo đóng góp hằng năm cho xã hội Mỹ là 418,9 tỷ USD(19).

Ở nước ta, hội đoàn, dòng tu thuộc Công giáo (hội trống, kèn, hội hoa), ca đoàn (Công giáo, đạo Tin Lành), đạo tràng, gia đình Phật tử (Phật giáo)... có thể cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến văn hóa, giáo dục, hiếu, hỉ, sản xuất, đời sống nói chung . Đây thực sự là một nguồn lực tôn giáo cần được phát huy.

Doanh nghiệp có nguồn gốc tôn giáo

Đó là những doanh nghiệp, công ty có mục đích tôn giáo cụ thể, như sản xuất thức ăn cho người Hồi giáo và Do Thái giáo, những công ty coi tôn giáo như là một phần của văn hóa hay nền tảng hợp tác như: Walmart-Mỹ, Tyson Foods, Tom’s Maine, Whole Foods Market, Marriott- Bắc Mỹ, Alaska Airlines, Hobby Lobby... Đóng góp của những công ty này ở Mỹ ước tính là 422,7 tỷ USD(20).

Hiện tại, ở nước ta có nhiều doanh nghiệp tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo kinh doanh các dịch vụ tín ngưỡng, tôn giáo hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như: ẩm thực, xây dựng, hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ(21)... Chẳng hạn, Phật giáo có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh như Công ty Cổ phần Thiện Tài, Công ty Cổ phần Đầu tư Ngọc Việt, Công ty Du lịch Hoa Thiền, Công ty Bách Lộc Thọ, Trung tâm phim ảnh và Tư liệu Phật giáo Sen Việt. Do được ảnh hưởng bởi mặt tích cực của đạo đức tôn giáo, chú trọng chữ tín, trung thực, chia sẻ trách nhiệm, nên các doanh nghiệp này có cơ sở phát triển bền vững.

Tôn giáo liên quan tới đời sống của đa số người Mỹ và là một bộ phận quan trọng của toàn bộ nền kinh tế đất nước này; là nền tảng tinh thần của người Mỹ, đồng thời có đóng góp lớn cho kinh tế, văn hóa - xã hội. Sở dĩ nước Mỹ đã phát huy được nguồn lực, đóng góp đáng kể của tôn giáo cho phát triển xã hội, trước hết do đại bộ phận người Mỹ là tín đồ tôn giáo, đồng thời họ rất chú trọng xây dựng chính sách tôn giáo phù hợp, đã tạo ra hành lang pháp lý rộng rãi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, đảm bảo tự do, bình đẳng tôn giáo, tránh sự tham dự của nhà nước vào hoạt động nội bộ tôn giáo và ngược lại, nhưng lại phát huy cao độ tính năng động, tích cực của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp tôn giáo đóng góp cho xã hội.

Khẳng định khả năng đóng góp đáng kể của tôn giáo cho xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật để đảm bảo tự do tôn giáo, phát huy tính tự chủ, tích cực của tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tôn giáo đóng góp nguồn lực; thực thi hiệu quả chính sách này để phát huy nguồn lực tôn giáo trong các lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, y tế, giáo dục và quá trình phát triển đất nước là những công việc cần làm ở nước ta hiện nay và sắp tới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) W. Cole Durham, Jr. Brett G. Scharffs (2010), Law and Religion National, International, and Comparative Perspectives, Aspen Publishers, p. xliii.

(2) Thomas Jefferson - Tổng thống thứ ba của Mỹ cho rằng cần xây dựng “bức tường ngăn cách” giữa giáo hội và nhà nước.

(3) Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), năm 2013.

(4) Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, tháng 02-2021.

(5) Xem: Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 27, 28, 34.

(6) Trung tâm Quốc gia Thống kê Giáo dục (NCES) và Tổ chức Các khoa học giáo dục (IES) Mỹ, 2012.

(7) Bộ Giáo dục, Trung tâm Quốc gia Thống kê giáo dục Mỹ, Cuộc khảo sát toàn cầu các trường học tư, 2011-2012.

(8), (10), (11), (14) Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo, ngày 31-12-2020, Hà Nội, tr.7, 4, 5, 7.

(9) Tạp chí Becker’s Hospital Review và Các báo cáo của hệ thống chăm sóc y tế cá nhân; Hiệp hội Y tế Công giáo Mỹ, 2014.

(12) Brett G. Sharffs, “Volunteerism, Charitable

Giving, and Religion: the U.S. Example”, The Review of Faith & International Affairs, 7:3, 2009, 61-67, truy cập ngày 4-5-2020.

(13) http://www.forbes.com, truy cập ngày 4-5-2020.

(15) Kosher: Lubicom (2014), “Kosher Statistics” Halal: Canadian Government (2011), “Global Pathfinder Report: Halal Food Trends”, and http://www.lubicom.com, truy cập ngày 4-5-2020.

(16) Dự án Nghiên cứu giáo đoàn và thành viên tôn giáo 2010 Mỹ (RCMS).

(17) Nghiên cứu hội, nhóm tôn giáo quốc gia (1998, 2006-7, 2012), Nghiên cứu hội, nhóm tôn giáo và thành viên tôn giáo do Hiệp hội thống kê các cơ quan tôn giáo Mỹ thực hiện.

(18) The Association of Religion Data Archive và the Religious Congregations and Membership Study (RCMS), 2012.

(19) Brian J. Grim and Melissa E. Grim, “The Socio-economic Contribution of Religion to American Society: An Empirical Analysis”, Interdisciplinary Journal of Research on Religion, Volume 12 Article 3 2016, p. 21. [PDF]

(20) Nguồn gốc tôn giáo được xác định bởi một trong những nguồn sau: Deseret News, CNN, 2015; Theodore Roosevelt Malloch (2015), Practical Wisdom in Management: Business Across Spiritual Traditions, Greenleaf Publishing.

(21) Khảo sát thực tế tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình tháng 12-2020 cho thấy, có khoảng 400 nhân công làm việc thường xuyên tại cơ sở này, với 2,5 tỷ đồng tiền lương/tháng được chi trả. Ở tỉnh này có hai doanh nghiệp lớn liên quan trực tiếp đến tôn giáo: Xuân Trường (Phật giáo) và Xuân Thành (Công giáo). Ở nhiều tỉnh, thành khác có hội doanh nhân Công giáo hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh ở địa phương.

TS NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền