Trang chủ    Quốc tế    Hệ thống đảng chính trị Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan hiện nay
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 17:23
4402 Lượt xem

Hệ thống đảng chính trị Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan hiện nay

(LLCT) - Trong đời sống chính trị đương đại, các đảng chính trị có vai trò trung tâm, chi phối tiến trình dân chủ của mỗi quốc gia. Bài viết tập trung phân tích đặc điểm hệ thống đảng chính trị ở Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan và rút ra những nhận định so sánh của hệ thống đảng chính trị ở các quốc gia này.

Ảnh: Quốc kỳ Thái Lan,  Inđônêxia và Malaixia

1. Hệ thống đảng chính trị ở Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan

Sự tương tác (hợp tác, cạnh tranh) giữa các đảng là nhân tố quan trọng xác định bản chất của một hệ thống đảng chính trị. Phân tích hệ thống đảng chính trị được tiếp cận dựa trên ba góc độ: xã hội học, thể chế, cạnh tranh. Về cơ bản, các nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận thể chế cho rằng hệ thống bầu cử là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt của hệ thống đảng chính trị. Trong khi đó, cách tiếp cận xã hội học nhấn mạnh vào vai trò trung tâm của những chia rẽ trong xã hội, đặc biệt là mâu thuẫn giai cấp.

Cách tiếp cận xã hội học liên kết đặc điểm của các đảng chính trị trong những nước cụ thể với đặc điểm của phân rẽ xã hội (social cleavage). Sự phân rẽ này bắt nguồn từ những xung đột xã hội đã được giải quyết (hoặc đang tiếp diễn). Sự tồn tại của đảng chính trị có mối liên hệ với sức mạnh của các nhóm trong xã hội hơn là do đặc điểm của các thể chế chính trị trong xã hội đó - chẳng hạn như hệ thống bầu cử. Nói cách khác, cách giải thích xã hội học bác bỏ vai trò của các thể chế cụ thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả chính trị hay đến sự phát triển của các thể chế chính trị khác, chẳng hạn như kết quả của loại hình mà hệ thống đảng chính trị sẽ phát triển.

Cách tiếp cận thể chế nhấn mạnh vai trò của các nhân tố thể chế có ảnh hưởng đến loại hình hệ thống đảng chính trị như hệ thống bầu cử và các nhân tố thể chế khác như cấu trúc nhà nước (nghị viện, tổng thống...), nhà nước liên bang hay thống nhất... cũng ảnh hưởng đến hệ thống đảng chính trị.

Cách tiếp cận cạnh tranh tập trung phân tích về hành vi của các đảng chính trị và cử tri với giả thuyết đảng chính trị cũng như cử tri là những diễn viên lý tính.

Trong ba cách tiếp cận trên, điểm chung giữa cách tiếp cận cạnh tranh và tiếp cận xã hội học ở chỗ cả hai cách tiếp cận đều cho rằng hệ tư tưởng, niềm tin, các giá trị của cử tri được quy định bởi các nhân tố trong xã hội mà không phải được quy định hay định hình bởi các thiết chế chính trị. Nếu tất cả các đảng chính trị hành xử một cách lý tính, khi đó loại hình của hệ thống đảng chính trị trong một đất nước sẽ phản ánh những đặc điểm của những giá trị nổi bật trong xã hội như hệ tư tưởng, niềm tin. Hệ thống đảng chính trị sẽ là sản phẩm của các lực lượng xã hội. Từ ba cách tiếp cận nêu trên, phân tích hệ thống đảng chính trị tại Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan.

- Đặc điểm hệ thống đảng chính trị Inđônêxia

Sự phát triển của hệ thống đảng chính trị tại Inđônêxia có sự liên quan mật thiết đến hai thời điểm quan trọng trong lịch sử nước này. Thời điểm thứ nhất thuộc về thời kỳ Inđônêxia bị thực dân Hà Lan đô hộ khi một số đảng chính trị được thành lập vào những năm 1910-1920. Thời điểm quan trọng thứ hai đến sau sự từ chức của Tổng thống Suharto vào năm 1998. Những nền tảng cho hệ thống đảng chính trị tại Inđônêxia được hình thành khá sớm với sự hiện diện của các đảng chính trị như Đảng Dân tộc Indo (PNI), Đảng Cộng sản (PKI) và các tổ chức Hồi giáo.

Từ cách tiếp cận xã hội học, hệ thống đảng chính trị Inđônêxia phản ánh bốn phân rẽ xã hội truyền thống như: thế tục với Hồi giáo; trung tâm với ngoại vi; thành thị với nông thôn; tư bản với người lao động. Trong thời kỳ “Trật tự mới” dưới thời Suharto (1966-1998), hệ thống đảng chính trị 3 đảng được hình thành bao gồm Đảng Golka, Đảng Dân chủ (PDI) và Đảng Hồi giáo (PPP). Trong đó, Đảng Golka được xem như một tổ chức vượt lên trên giai cấp, sắc tộc, bản sắc tôn giáo và bao trùm toàn bộ các phân rẽ xã hội.

Sau năm 1998, những phân rẽ xã hội trong hệ thống đảng chính trị Inđônêxia lại trỗi dậy và những phân rẽ này định hình hay nói cách khác đã làm nền tảng cho các phe phái chính trị trong Quốc hội, trong cương lĩnh đảng chính trị... Một trong những phân rẽ rõ nét nhất trong hệ thống đảng chính trị Inđônêxia hiện nay chính là dựa trên thế giới quan tôn giáo. Tuy nhiên, qua những cuộc bầu cử tại Inđônêxia cho thấy có sự suy giảm sự phân rẽ trong bầu cử, đánh dấu sự “bắt tay” giữa các đảng chính trị.

Hiện tượng này được cho là kết quả của ý thức hệ chính trị bị suy giảm, do mối liên kết ngày càng lỏng lẻo giữa các đảng chính trị với các tổ chức quần chúng, đa nguyên hóa đơn vị bầu cử, cá nhân hóa cử tri... cũng như có sự trung gian hóa và thương mại hóa chính trị. Các đảng chính trị thành lập các liên minh rộng lớn, giảm cam kết liên quan đến chương trình hành động với mục tiêu chia ghế. Liên hiệp đảng chính trị (cartel party) là kết quả của hệ thống đảng chính trị phân mảnh (fragmentation) không có đa số rõ rệt và bắt nguồn từ thương mại hóa chính trị.

Một số học giả (Saiful Mujami và R. William Liddle) bác bỏ ý nghĩa quan trọng của định hướng tôn giáo trong các cuộc bầu cử tại Inđônêxia cũng như cho rằng có sự mờ nhạt giữa đảng chính trị với các giai cấp xã hội. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy trong xã hội Inđônêxia vẫn tồn tại các liên kết cử tri (theo tôn giáo hay không theo tôn giáo) hoặc phân rẽ trung tâm với ngoại vi vẫn biểu hiện trong phân bổ phiếu bầu khu vực. Bên cạnh đó, các thiết chế khác như hệ thống bầu cử cũng góp phần hiện thực hóa những phân rẽ trong xã hội Inđônêxia.

Từ góc độ tiếp cận thể chế, hệ thống bầu cử là một trong những nhân tố định hình sự phát triển của hệ thống đảng chính trị tại Inđônêxia thời kỳ hậu Suharto. Với sự kết thúc của “Trật tự mới”, hệ thống đảng chính trị Inđônêxia được mở rộng với sự ra đời của Đảng Dân chủ đấu tranh Inđônêxia (PDI-P) thay thế cho Đảng PDI và một loạt các đảng theo chủ nghĩa dân tộc như Đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Yudhoyono (SBY), Đảng Phong trào Đại Inđônêxia, Đảng Lương tâm nhân dân... Đặc điểm quan trọng nhất của đấu tranh chính trị thời kỳ hậu Suharto chính là mức độ phân mảnh (fragmentation) cao của hệ thống đảng chính trị và sự gia tăng tính cạnh tranh trong các cuộc bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc Inđônêxia đã chuyển từ hệ thống đảng chính trị với một đảng thống lĩnh, không có cạnh tranh trong giai đoạn cuối thời kỳ

Suharto sang hệ thống đa đảng phân mảnh cao với hai đảng nổi trội và sau đó chuyển thành hệ thống đa đảng phân mảnh với sự cân bằng quyền lực giữa các đảng trong hệ thống(1). Hệ thống bầu cử với việc bầu trực tiếp tổng thống đã góp phần đưa đến sự hình thành những đảng chính trị mới trong nền chính trị Inđônêxia.

- Đặc điểm hệ thống đảng chính trị Malaixia

Xuất xứ của những đảng chính trị tại Malaixia bị ràng buộc chặt chẽ với những thay đổi cũng như những chấn động kinh tế, xã hội định hình nên bán đảo Malaixia trong nửa đầu thế kỷ XX. Sự phát triển của hệ thống đảng chính trị tại

Malaixia liên quan đến hai giai đoạn quan trọng: giai đoạn thứ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến đầu những năm 1950 khi phần lớn những đảng chính trị được thành lập trước khi Malaixia độc lập. Giai đoạn thứ hai là sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 với sự nổi lên của phong trào đối lập mới. Trong giai đoạn này, sự phân rẽ xã hội được thể hiện trong hệ thống đảng chính trị thông qua đảng mới là Đảng Công lý quốc gia (PKN) và liên minh đối lập Mặt trận thống nhất (BA). Hệ thống đảng chính trị Malaixia ban đầu hình thành trên nền tảng phân rẽ sắc tộc cho đến những năm 1970 khi sự phân rẽ sắc tộc được thay thế bởi phân rẽ tôn giáo. Sau năm 1998, phong trào cải cách (reformasi) nổi lên đối nghịch với tình trạng hiện tại lúc đó. Từ các cách tiếp cận trong nghiên cứu hệ thống đảng chính trị và so sánh với những quốc gia khác trong khu vực, hệ thống đảng chính trị Malaixia có 4 đặc điểm nổi bật sau:

(i) Sự nổi lên của nền chính trị đa đảng tại Malaixia được xuất hiện đi kèm với những phân rẽ xã hội. Những phân rẽ xã hội đã có tác động mạnh mẽ và lâu dài đối với sự hình thành và tổ chức của hệ thống đảng chính trị cũng như quyết định đặc điểm cạnh tranh giữa các đảng chính trị. Quá trình hình thành những đảng chính trị mới và cạnh tranh đảng phái có thể được giải thích bởi những phân rẽ xã hội nổi bật, tồn tại trên bán đảo Malaixia vào thời điểm hình thành nên hệ thống đảng chính trị vào những năm 1940-1950(2).

(ii) So với phần lớn các hệ thống đảng chính trị ở các nước tại Đông Nam Á, hệ thống đảng chính trị Malaixia có mức độ thể chế hóa tương đối cao và sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị khá ổn định. Những đảng lớn như Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), Đảng (đối lập) Hành động dân chủ (DAP), Đảng Hồi giáo Malaixia (PAS) đã phát triển tổ chức đảng mang tính thiết chế lâu dài, và cùng với đó, sự gắn kết của cử tri với các đảng cũng khá ổn định.

(iii) Nhìn một cách khái quát, hệ thống đảng chính trị Malaixia bao gồm “2 đảng”: một “đảng” đại diện cho bán đảo Malaixia (Tây Malaixia) và “đảng” còn lại đại diện cho các bang Sarawak và Sabah (Đông Malaixia). Hệ thống đảng chính trị Malaixia phản ánh những cấu trúc phân rẽ khác nhau, phản ánh những di sản lịch sử cũng như sự phát triển của các tổ chức chính trị vào những năm đầu của nền chính trị Malaixia. Nhìn chung, hệ thống đảng chính trị phía Đông có tổ chức đảng và tính chất cạnh tranh chính trị yếu hơn cũng như tồn tại những liên minh chính trị dễ biến động hơn so với phía Tây Malaixia.

 (iv) Mức độ cạnh tranh giữa các đảng chính trị trong hệ thống đã tăng một cách đáng kể từ cuối những năm 1990. Trước cuộc bầu cử lần thứ 14 (2018), Malaixia có hệ thống đảng chính trị ổn định với Đảng thống lĩnh - UMNO. Hệ thống đảng chính trị Malaixia gồm hai khối: một bên là Mặt trận quốc gia (bao gồm UMNO và các đảng trong liên minh) và bên kia là Liên minh nhân dân (đối lập, bao gồm Đảng Hồi giáo Malaixia - PAS, Đảng Hành động dân chủ - DAP, Đảng Công lý nhân dân - PKR). Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 vào tháng 5-2018 chủ yếu là sự cạnh tranh giữa hai khối: Liên minh Hy vọng (PH) với Mặt trận quốc gia (BN).

Từ tiếp cận xã hội học cho thấy, trong những năm đầu hình thành hệ thống đảng chính trị, dựa trên phân rẽ sắc tộc, giới tinh hoa chính trị Malaixia đã thâu nạp những cộng đồng sắc tộc được chính trị hóa vào những đảng chính trị như UMNO, MIC (Đại hội người Ấn Mã Lai), MCA (Công hội người Hoa Mã Lai). Bên cạnh đó, phân rẽ tôn giáo cũng dẫn đến sự hình thành các đảng trong hệ thống đảng chính trị Malaixia như sự thành lập đảng Hồi giáo Malaixia (PAS) vào năm 1951 với nền tảng cử tri tại khu vực nông thôn và phía Bắc bán đảo Malaixia. Trong khi đó, những đảng dựa trên ý thức hệ thế tục dựa nhiều vào cơ sở bầu cử tại khu vực thành thị và những khu vực có sự phát triển hơn về kinh tế. Qua đó, tạo ra sự chồng lấn trong phân rẽ nông thôn - thành thị và tôn giáo - thế tục giữa các đảng trong hệ thống đảng chính trị Malaixia. Hầu hết các đảng chính trị Malaixia hiện tại đều gắn kết với các nhân tố xã hội như tôn giáo, sắc tộc và sự ổn định của hệ thống đảng chính trị tại Malaixia được dựa trên gốc rễ vững chắc của nhiều đảng chính trị trong hệ thống.

- Đặc điểm hệ thống đảng chính trị Thái Lan 

Kể từ khi chính đảng đầu tiên được thành lập vào năm 1946, các đảng chính trị tại Thái Lan đã phát triển thông qua quá trình dân chủ hóa, bị gián đoạn định kỳ. Từ năm 1979, các đảng chính trị tại Thái Lan ngày càng được thể chế hóa do sự phát triển khá suôn sẻ của hệ thống nghị viện. Mặc dù cuộc đảo chính năm 1991 đã làm ngừng hoạt động của các đảng chính trị nhưng cũng không dẫn đến việc cấm các đảng chính trị. Trong bối cảnh này, hệ thống đảng chính trị Thái Lan bắt đầu bén rễ. Trong những năm 1990, Thái Lan chứng kiến sự tồn tại của hệ thống đảng chính trị đi kèm với sự thăng trầm, hay sự mở rộng hoặc thu hẹp của nhiều đảng chính trị. Hệ thống đảng chính trị Thái Lan được định hình và chịu ảnh hưởng bởi các mối quan hệ xã hội hoặc các lực lượng chi phối. Trong số những điều kiện kinh tế-chính trị và văn hóa-xã hội ở Thái Lan, ba điều kiện có tác động tương tác đến sự phát triển của hệ thống chính trị cũng như tác động đến hệ thống đảng chính trị (với tư cách là tiểu hệ thống trong hệ thống chính trị), bao gồm: sự tập trung hành chính; sự phát triển không đồng đều; và mối quan hệ bảo trợ - khách hàng (patron-client).

Chịu tác động của các điều kiện nêu trên, không có nghĩa hệ thống đảng chính trị Thái Lan đơn thuần chỉ là “nạn nhân” của các điều kiện đó. Hệ thống đảng chính trị Thái Lan còn có vai trò, ảnh hưởng đến định hướng phát triển chính trị. Nhưng các vai trò này bị hạn chế và chịu ảnh hưởng bởi các lực lượng xã hội và các yếu tố liên quan khác(3).   

Các đảng chính trị có mức độ thể chế hóa yếu do đặc tính của đảng chính trị Thái Lan bị chi phối bởi các yếu tố như nhân cách ( nhà lãnh đạo), do ảnh hưởng bởi kinh phí, chủ nghĩa cá nhân và quan hệ họ hàng... vốn chiếm ưu thế trong mối tương tác giữa các đảng viên. Các đảng chính trị Thái Lan nhìn chung được tổ chức theo hai mô hình: đảng do lãnh đạo thống trị và đảng của giới tinh hoa (cadre party). Các đảng với số lượng lớn đảng viên và với các cương lĩnh được xây dựng kỹ lưỡng không tồn tại ở Thái Lan. Cùng với sự thiếu hấp dẫn về hệ tư tưởng và cương lĩnh để liên kết đảng chính trị với các nhóm xã hội cũng như tạo cơ hội cho đảng viên có được tiếng nói đã làm cho đảng chính trị bị cản trở trong việc phát triển các mối liên kết chặt chẽ với xã hội.

Một trong những đặc điểm của hệ thống đảng chính trị Thái Lan là sự phân mảnh cao, thể hiện qua sự thay đổi của các đảng trong nghị viện. Nói cách khác, hệ thống đảng chính trị Thái Lan thường xuyên biến đổi. Các đảng chính trị tại Thái Lan nhìn chung không xây dựng được cấu trúc tổ chức ổn định và bám rễ sâu. Ngay cả khi phân rẽ xã hội bắt đầu định hình hệ thống đảng chính trị, dù ở trạng thái thô sơ thì với nền dân chủ chưa hoàn chỉnh, hệ thống đảng chính trị không được dựa trên nền tảng của phân rẽ xã hội. Thời kỳ đấu tranh giữa “áo đỏ” và “áo vàng” những năm 2010 cũng không đủ in dấu sự phân rẽ xã hội lên hệ thống đảng chính trị Thái Lan.

Từ góc độ tiếp cận thể chế, mức độ thể chế hóa yếu của hệ thống đảng chính trị cũng như của các đảng chính trị làm cho những phân rẽ xã hội không được cụ thể hóa và hệ thống đảng chính trị hay thay đổi không bao giờ có thể tạo dựng mối liên kết lâu dài giữa các đảng chính trị với người dân(4).

2. Một số nhận xét

Tùy thuộc vào đặc điểm của từng nước, mức độ tùy thuộc vào các phân rẽ xã hội, hệ thống đảng chính trị tại mỗi nền dân chủ hình thành và phát triển khác nhau. Ảnh hưởng và tác động của các thiết chế chính trị đối với hệ thống đảng chính trị tại mỗi nước cũng có những điểm đặc thù. Với vai trò như một biến số của quá trình củng cố dân chủ, hệ thống đảng chính trị tại Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan (trong quá trình tương tác, vận động trong môi trường chính trị - xã hội) không có cùng một mức độ ổn định. Nói cách khác, mức độ thể chế hóa hệ thống đảng chính trị, kèm theo đó là vai trò của hệ thống đảng chính trị đối với quá trình dân chủ hóa tại mỗi nước là khác nhau. Theo Hungtington (1968): “thể chế hóa là quá trình mà các tổ chức và các thủ tục đạt được giá trị và sự ổn định”(5). Một hệ thống đảng chính trị được thể chế hóa là hệ thống trong đó các chủ thể hình thành kỳ vọng và hành vi dựa trên tiền đề là những nét cơ bản và những quy tắc cạnh tranh giữa các đảng chính trị, cũng như trong bản thân đảng chính trị sẽ chiếm ưu thế trong tương lai gần.

Trong một hệ thống đảng chính trị được thể chế, có sự ổn định trong bản sắc cũng như cách thức đảng chính trị hành động. Một hệ thống đảng chính trị được thể chế hóa có những đặc điểm như: (i) Tính ổn định (thể hiện trong đặc tính cạnh tranh giữa các đảng chính trị cũng như ít có sự thay đổi); (ii) Hệ thống đảng chính trị càng được thể chế hóa, các đảng chính trị trong hệ thống càng bắt rễ sâu với xã hội; và (iii) Hệ thống đảng chính trị càng được thể chế hóa, mức độ chính danh của các đảng càng cao.

Trên nền tảng phân rẽ xã hội, hệ thống đảng chính trị Inđônêxia đạt được mức độ thể chế hóa từ trung bình đến cao (A. Ufen, 2007). Phân rẽ xã hội quan trọng bậc nhất định hình nên cấu trúc tổng thể của hệ thống đảng chính trị Inđônêxia chính là phân rẽ tôn giáo, chia hệ thống đảng chính trị thành các đảng thế tục và các đảng Hồi giáo. Sự phân rẽ xã hội, qua đó hình thành những nhóm xã hội ủng hộ các đảng chính trị ở Inđônêxia là rõ nét và ít có sự biến đổi. Mức độ thể chế hóa khá cao của hệ thống đảng chính trị Inđônêxia thể hiện qua việc ít xuất hiện các đảng mới có ảnh hưởng trong hệ thống, có sự ổn định trong cạnh tranh bầu cử giữa các đảng cũng như nhiều đảng chính trị bám rễ sâu vào các tầng lớp xã hội cùng với hệ tư tưởng.

Cho đến trước cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 (2018), hệ thống chính trị Malaixia được coi là “chế độ chuyên chế bầu cử”(6) với sự thống lĩnh của Mặt trận Quốc gia (Barisan Nationnal - BN). Tổng tuyển cử năm 2018 với thắng lợi của Liên minh Hy vọng đã dẫn đến sự hình thành của hệ thống đảng chính trị “2+1” (bao gồm Liên minh Hy vọng, Mặt trận Quốc gia với Đảng hồi giáo PAS như một đảng/lực lượng thứ ba), kết thúc quá trình dài thống lĩnh của BN. Trong suốt thời gian từ năm 1957 -2018, hệ thống đảng chính trị Malaixia chứng kiến sự thay đổi với sự hình thành, từ bỏ hoặc gia nhập liên minh của các đảng. Tuy nhiên, sự thay đổi về số lượng các đảng cũng như sự xuất hiện của các liên minh có làm thay đổi bản chất (tương tác giữa các đảng) của hệ thống đảng chính trị Malaixia hay không còn là nội dung cần được nghiên cứu thêm. Cho dù có sự biến đổi về “loại hình”, hệ thống đảng chính trị Malaixia vẫn được coi có mức độ thể chế hóa cao, thể hiện qua sự ổn định về tổ chức của đảng chính trị và sự gắn kết với cử tri.  

Hệ thống đảng chính trị Thái Lan được coi có mức độ thể chế hóa yếu với việc thành lập các đảng, giành ghế trong bầu cử và sau đó nhanh chóng “biến mất” (ví dụ: Đảng Hành động xã hội, Đảng Công dân Thái... và gần đây là sự giải thể Đảng Hướng tới tương lai sau khi đảng này giành vị trí thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019). Một trong những nguyên nhân dẫn đến mức độ thể chế hóa yếu của hệ thống đảng chính trị Thái Lan là do sự tồn tại với mức độ ảnh hưởng cao của giới tinh hoa tại các địa phương, khu vực.

Xét từ mối quan hệ giữa thể chế hóa hệ thống đảng chính trị với quá trình dân chủ hóa và củng cố dân chủ, nhiều ý kiến cho rằng, một hệ thống đảng chính trị được thể chế hóa có tác động tích cực đến củng cố dân chủ. Qua đó, hệ thống đảng chính trị tại Inđônêxia và Malaixia đã đánh dấu những giai đoạn quan trọng trong quá trình dân chủ hóa tại mỗi nước. Trong khi đó, hệ thống đảng chính trị Thái Lan chưa đóng vai trò nổi bật đối với quá trình củng cố dân chủ tại nước này.

 

(1) Aurel Croissant, Philip Volkel (2010), Party

System Types and Party System Institutionalization: Comparing New Democracies in East and Southeast Asia.

(2) Andreas Ufen (2007), Political Party and Party System Institutionalisation in Southeast Asia: A comparison of Inđônêxia, the Philippines, and Thailand, German Institute of Global and Area Studies.

(3) Wolfgang Sachsenroder, Ulrike E. Frings (1998), Political Party Systems and Democratic Development in East and Southeast Asia, Volume I: Southeast Asia, Ashgate Publishing Ltd.   

(4) Andreas Ufen (2012), Party Systems, Critical Junctures, and Cleavages in Southeast Asia, Asian Survey Vol.52, No.3, pp. 441-464.

(5) Fernanndo Casal Bértoa (2016), Poltical Parties of Party Systems? Assessing the “Myth” of Institutionalization and Democracy.

(6) Chin-Huat Wong, James Chin (2010), Malaixia -  towards a topology of an electoral one-party state, Democratization, Vol.17, No. 5, October 2010.

ThS NGUYỄN VIỆT CƯỜNG

Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền