Trang chủ    Quốc tế    Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Thứ hai, 13 Tháng 9 2021 15:46
9240 Lượt xem

Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

(LLCT) - Bảo đảm an ninh, trật tự là điều kiện tiên quyết, tạo môi trường ổn định cần thiết để kết nối Việt Nam và các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhiều loại tội phạm lợi dụng vấn đề này để tăng cường hoạt động gây bất ổn cho tình hình an ninh trật tự, nhất là các loại tội phạm xuyên quốc gia đang ngày càng diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn, khó lường. Bài viết đưa ra một số giải pháp để chủ động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ảnh: Họp báo Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14

Là một xu thế tất yếu, hội nhập quốc tế có sức cuốn hút mạnh mẽ, hàm chứa cả cơ hội lẫn thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Với quan điểm phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng XHCN, Việt Nam nhất quán đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Bên cạnh những bước phát triển do toàn cầu hóa đem lại, Việt Nam cũng chịu tác động từ những khó khăn, thách thức chung với các quốc gia khác như khủng hoảng tài chính - kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố quốc tế,.. Cùng với đó, các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn, khó lường. Hoạt động buôn lậu ma túy, mua bán người, nhất là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày càng gia tăng ở nhiều nước và gây hậu quả nghiêm trọng. Hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia không chỉ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính mà còn là nhân tố tạo bất ổn về trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của các quan hệ kinh tế.

Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 88, Đại hội đồng Interpol diễn ra tại ChiLê, Chủ tịch Interpol Kim Jong Yang cho biết, mỗi năm thế giới thiệt hại hàng trăm tỷ USD vì tội phạm sử dụng công nghệ cao và khoảng 10 tỷ USD do hoạt động của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính - ngân hàng. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang tích cực mở rộng địa bàn và lĩnh vực hoạt động, tổ chức móc nối để xâm nhập vào hệ thống chính trị các nước và các tập đoàn kinh tế lớn bằng thủ đoạn đưa hối lộ, mua chuộc, đe dọa các chính trị gia, các doanh nhân... nhằm tìm cách thao túng quyền lực, lũng đoạn kinh tế và chia sẻ lợi nhuận. Tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng và xảy ra tại hầu khắp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, nhất là trước sự xuất hiện và gia tăng của các loại tội phạm mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ động tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thực hiện tốt việc giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam đề nghị các nước tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin cấp cao giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN; không để các loại tội phạm lợi dụng vấn đề lãnh thổ, sự khác biệt trong hệ thống pháp luật, cũng như cơ quan tư pháp giữa các quốc gia, vùng, lãnh thổ để thực hiện tội phạm; Việt Nam đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh trao đổi thông tin, tình hình, xu hướng và tăng cường mở các chiến dịch điều tra chung, triệt phá các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực; hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo khuôn khổ cho hợp tác phòng, chống tội phạm, như xây dựng và thông qua Công ước ASEAN về phòng, chống khủng bố (2011), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2015)... Nhiều vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia, mua bán người, tổ chức đánh bạc... đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá. Do vậy, trong những năm gần đây, Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm với bạn bè quốc tế và khu vực về một môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, với những thành tích ấn tượng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. 

Dự báo trong những năm tới, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sẽ tiếp tục hoạt động phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bằng những thủ đoạn tinh vi nhằm đạt được các mục đích khác nhau về chính trị, kinh tế, xã hội, như không ngừng gia tăng các hành vi phạm tội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, gây nên những thách thức đối với cơ quan thực thi pháp luật của các nước trong khu vực và thế giới hay vấn nạn tin giả, thông tin sai sự thật... gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh cũng trở thành điều kiện khiến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự với tinh thần “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội, các cơ quan thi hành pháp luật tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng thế trận “an ninh nhân dân” vững chắc, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng.

Hai là, các cơ quan chức năng chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đề ra những chủ trương, chính sách, tiến hành đồng bộ các biện pháp chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa,..; nâng cao nhận thức và đời sống của nhân dân nhằm kiềm chế thấp nhất tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời nâng cao năng lực quản lý kinh tế, xã hội của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết, nghiên cứu ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định dẫn độ tội phạm, các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm, nhằm tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Mặt khác, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, điều chỉnh các lĩnh vực của Việt Nam mà tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng để tấn công, như lĩnh vực kinh tế, bao gồm ngân hàng, tài chính, chứng khoán, lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghệ cao...   

Bốn là, các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan, Viện Kiểm sát, Bộ Tư pháp... cần chủ động, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong nắm tình hình liên quan đến hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia. Chủ động, tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là các tổ chức, hiệp hội thực thi pháp luật mang tính quốc tế như Interpol, Aseanpol, UNODC (Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc)... Tranh thủ tối đa sự đồng tình, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; phối hợp với cảnh sát các nước trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia; mở các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Năm là, tăng cường phối hợp có hiệu quả cao giữa các ngành, các cơ quan của Việt Nam trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia từ nắm tình hình liên quan đến hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia đến rà soát, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, hệ thống văn bản pháp luật, các chính sách của Nhà nước...; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, cung cấp thông tin về hoạt động có dấu hiệu trái pháp luật của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp hay tình hình hoạt động của các loại tội phạm hình sự, ma túy để chủ động phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng để đấu tranh đạt hiệu quả.

Sáu là, chú trọng công tác nắm tình hình, chủ động đánh giá thực trạng và dự báo xu thế phát triển của các loại tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam nói riêng. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan... là những cơ quan nòng cốt trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia cần làm tốt hơn nữa công tác nghiệp vụ cơ bản trong phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm như tập trung nâng cao năng lực của các cơ quan điều tra cũng như hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm. Tăng cường xây dựng lực lượng chuyên trách trong đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia theo từng hệ nghiệp vụ từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ, pháp luật và tập quán quốc tế, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ án có yếu tố nước ngoài, có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam. Tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện hiện đại... đáp ứng kịp thời yêu cầu hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

TS NGUYỄN THỊ OANH

Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền