Trang chủ    Quốc tế    Khủng hoảng nợ công lỗi hệ thống của xã hội tư bản hiện đại
Thứ năm, 10 Tháng 10 2013 09:29
2898 Lượt xem

Khủng hoảng nợ công lỗi hệ thống của xã hội tư bản hiện đại

(LLCT)- Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pascal Lamy vừa cảnh báo: kinh tế thế giới đang đi từ khủng hoảng tài chính sang khủng hoảng tăng trưởng với các biểu hiện ngày càng rõ là tốc độ tăng trưởng giảm sút, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

 

 

Quả bom nợ công

Phân tích trên Tạp chí Đại Tây Dương (tháng 10-2011), chuyên gia Antoine Brunet cho rằng, vào giữa năm 2009, các nước phương Tây mặc dù đã thoát khỏi suy thoái từ 2008, song trên thực tế vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng. Từ tháng 10-2009, cuộc khủng hoảng lại bùng lên do sự phát nổ của “quả bom nợ”. Dù tính theo tiêu chuẩn nào thì  nợ công của các nước Hy Lạp, Ai Len, Italia, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Anh, Canađa, Mỹ và Nhật Bản đều vượt mức cho phép. Các nước phương Tây đã bước vào năm thứ tư khủng hoảng liên tục. Đến 15-9- 2011, số nợ công toàn thế giới đã lên đến 60 nghìn tỷ USD.

Tính đến thời điểm 2010, nợ công của Mỹ lên đến 15 nghìn tỷ USD (90,4% GDP), nợ công của khối liên minh châu Âu là 80,3% GDP. Đặc biệt, có những quốc gia có khối lượng nợ lớn như Hy Lạp 123% GDP (350 tỷ euro); Italia 127% GDP (1.900 tỷ euro), Iceland 142% GDP, kỷ lục thế giới thuộc về Nhật Bản nợ 12 nghìn tỷ USD (225% GDP), Tây Ban Nha nợ 600 tỷ euro, Đức tổng nợ 2 nghìn tỷ euro (tương đương 82% GDP), Pháp nợ 1.600 tỷ euro (tương đương 92% GDP), Anh nợ 1.300 tỷ euro (tương đương 80% GDP).

Nhưng không chỉ có nợ công, mà nợ tư cũng đang gây thảm họa. Theo phân tích trên NewYork Times về nợ của châu Âu thì nợ tư mới thật báo động. Chẳng hạn, trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính, nợ công của của Ireland năm 2007 chỉ có 11%, nhưng nợ tư lại lên tới 251% GDP, và đó là nguyên nhân chính làm Ireland bị đổ bể vào năm 2007. Năm 2010, bong bóng đầu tư tài chính và địa ốc phát nổ do không trả nợ được vì đầu tư rủi ro của khu vực tư, buộc nhà nước phải giải cứu, dẫn đến nợ công của Ireland là 70% GDP, còn nợ tư tăng đến 305% GDP.

Khi quả bom nợ phát nổ, hiệu ứng của nó đối với sự suy thoái kinh tế rất rõ rệt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 nhiều khả năng sẽ chỉ còn 2,6%; tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011 còn 1,5%, năm 2012 là 1,8%; tăng trưởng kinh tế của 17 nước thành viên khu vực đồng euro xuống còn 1,6% năm 2011.

Suy thoái kinh tế đi đôi với nạn thất nghiệp tăng lên rõ rệt. Toàn thế giới có 210 triệu người thất nghiệp (chiếm 7% tổng lao động xã hội), riêng các nước thành viên thuộc khối OECD có 44 triệu người thất nghiệp. Tại Tây Ban Nha, quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất phương Tây hiện nay, chiếm 21% lao động xã hội. Tại Mỹ, 14 triệu người thất nghiệp chính thức (chiếm 10,1%). Tháng 9-2011, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo việc cắt giảm ngân sách quốc phòng 1 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng thêm 1%. Bức tranh việc làm tại các quốc gia phát triển phương Tây có xu hướng ngày càng trở nên tồi tệ và khó kiểm soát.

Sự phân hóa giàu nghèo gia tăng. Tổng tài sản của gần 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2011 là 1.530 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2010. Ngược lại, theo điều tra mới đây của Cục dân số Mỹ, số người nghèo ở Mỹ (thu nhập dưới 30 USD/ngày) đã tăng lên mức kỷ lục 46,2 triệu người.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pascal Lamy vừa cảnh báo: kinh tế thế giới đang đi từ khủng hoảng tài chính sang khủng hoảng tăng trưởng với các biểu hiện ngày càng rõ là tốc độ tăng trưởng giảm sút, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Cuộc tranh luận về nguyên nhân

Theo những người thuộc thuyết Tân tự do thì nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là do chính sách hạ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Họ cho rằng đây là biện pháp bảo hộ mậu dịch theo mô hình “Đồng thuận Bắc Kinh”. Phân tích trên Tạp chí Đại Tây Dương số 10-2011, chuyên gia Antoine Brunet nhận định về tình hình tài chính ngoạn mục của Trung Quốc như sau: tăng trưởng GDP liên tục đạt 10% từ 20 năm nay, dự trữ ngoại hối đạt 4.500 tỷ USD. Nhờ kiểm soát chặt chẽ tỷ giá tiền tệ, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc duy trì ở mức thấp 0,15 USD và 0,11 USD, vào thời điểm thực tế mức đó phải là 0,25 USD và 0,21 USD. Từ đó sinh ra hai dòng đối xứng: phi công nghiệp hóa ở các nước phương Tây và công nghiệp hóa với tốc độ cao ở Trung Quốc. Trong khi các nước phương Tây bị thiệt hại, thì các doanh nghiệp ở Trung Quốc thôn tính thị phần thế giới ngày càng tăng trong mọi lĩnh vực, còn các công ty đa quốc gia phương Tây lại tập trung đầu tư chủ yếu vào Trung Quốc vì nhân công ở đây thuộc loại rẻ nhất thế giới. Do không “bẻ gẫy” được chính sách tỷ giá của Trung Quốc, từ cuối năm 2010 các nhà lãnh đạo phương Tây đã phải chứng kiến ngoại thương của họ bị thâm hụt nặng nề và mức đầu tư của doanh nghiệp chậm hẳn lại trên lãnh thổ của mình.

Nhà kinh tế Antoine Brunet cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính công hiện nay ở phương Tây là phải dấy lên một làn sóng phản đối trên phạm vi thế giới chống chính sách của Trung Quốc kiềm chế đồng Nhân dân tệ ở mức giá thấp. Lập luận của lý thuyết gia này lặp lại những gì Mỹ đã làm đối với Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ trước, buộc đồng Yên của Nhật lên giá khiến cho nền kinh tế Nhật lâm vào suy thoái gần 30 năm, đến nay cũng chưa hồi phục được.

Theo phái bảo thủ thì chính những thành tựu đạt được trong sự phát triển nhờ áp dụng “mô hình phát triển bền vững” đã gây ra cuộc khủng hoảng này. Họ khẳng định, các chính trị gia, trong hàng chục năm đã chủ trương tăng cường chi tiêu xã hội. Nhà nước đã phát hành trái phiếu dài hạn để có tiền chi tiêu cho những vấn đề xã hội chứ không phải là chi tiêu kinh tế nhằm thu lợi nhuận. Khuynh hướng ưu tiên những vấn đề xã hội tại châu Âu kéo dài mấy chục năm luôn cổ vũ việc bảo hiểm sức khỏe do nhà nước chi trả, rút ngắn giờ làm việc cho nhân công, đẩy mạnh những nghiệp đoàn đấu tranh xã hội cho giới thợ thuyền. Liên minh châu Âu (EU) từ khi mới thành lập đã từng tuyên bố rằng đó là một tổ chức “Europe social” (châu Âu xã hội), nhấn mạnh đến chi tiêu mang tính xã hội.

Xét về mặt chi tiêu, những khoản chi mang tính phúc lợi (bao gồm an sinh xã hội, điều trị y tế và dưỡng lão) là quá lớn trong tổng chi tài chính của Chính phủ Mỹ. Năm 2010, Tổng thống đã chi hết 1.984 tỷ USD, chiếm 58%, trong khi thu nhập cả năm của Chính phủ chỉ là 2.200 tỷ USD. Mười năm trước đây, nhà kinh tế Pete Peterson cho rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thế kỷ XXI chính là sự lão hóa dân số, với số người cao tuổi tăng mạnh và số lượng thanh niên giảm chưa từng thấy. Hiện nay tỷ lệ số người lao động trên số người về hưu là 3/1, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống 1,5/1 hoặc thậm chí 1/1. Hằng năm, ngân sách liên bang Mỹ đang phải chi cho mỗi người Mỹ trên 65 tuổi tới 26 nghìn USD. Nếu không có gì thay đổi, trong 25 năm tới chương trình này sẽ tiêu tốn toàn bộ ngân sách của Mỹ.

Khác với phái bảo thủ, những nhà kinh tế theo lập trường xã hội dân chủ lại cho rằng chính sách bảo vệ lợi ích của  giới tài phiệt đã dẫn đến hậu quả hiện nay. Những nguyên nhân quan trọng như việc Mỹ tham gia cùng một lúc nhiều cuộc chiến tranh, đang chi một khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ. Chi phí quân sự của Mỹ đã lên tới hơn 600 tỷ USD vào năm 2010. Mỹ đã tăng hơn 1 nghìn tỷ USD cho an ninh quốc gia. Tổng chi phí chống khủng bố là 2.200 tỷ USD. Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Irắc và Ápganixtan tiêu tốn cũng chừng hơn 3 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, “quả bom nợ” đã phát nổ do những khoản cứu trợ ngân hàng tốn kém từ lúc bắt đầu suy thoái kinh tế (Mạng “Nghiên cứu toàn cầu” Canađa ngày 22-11-2010).

Cơn bão giải cứu tài chính năm 2008 đã bao phủ toàn cầu. Theo số liệu đã công bố, ngày 15-10-2008, EU đưa ra kế hoạch giải cứu tới 3.200 tỷ USD, Chính phủ Anh công bố kế hoạch giải cứu các ngân hàng cả gói 870 tỷ USD, Chính phủ Pháp 360 tỷ USD, Chính phủ Đức 653 tỷ USD (Reusters - 13-10-2008). Cùng thời gian này, Nga cũng chi 150 tỷ USD, Nhật chi 250 tỷ USD,  Hàn Quốc thông báo trợ giúp các ngân hàng 130 tỷ USD. IMF lập Quỹ hỗ trợ chống khủng hoảng tài chính 250 tỷ USD. Chính quyền Mỹ đã thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ hơn 800 tỷ USD, Cục dự trữ liên bang (FED) chi 900 tỷ USD để mua lại các khoản nợ xấu. Chính phủ Mỹ đã thông qua Chương trình cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế 4 nghìn tỷ USD trong 10 năm; thông qua kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng 700 tỷ USD. Các khoản cho vay khẩn cấp gồm 8 chương trình lớn cung cấp trợ giúp cho các thể chế tài chính lớn mua lại các tập đoàn tài chính phá sản hoặc giữ cho Tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia AIG của Mỹ khỏi phá sản. Các khoản cho vay khẩn cấp lớn nhất trong 3 năm từ 2007-2010 gồm 2.500 tỷ USD cho Tập đoàn Citi Group, 2 nghìn tỷ USD cho Tập đoàn tài chính Morgan Stanley, 1.900 tỷ USD cho Tập đoàn Merryll Lynch và 1.300 tỷ USD cho Ngân hàng Bank of America.

Các thanh tra tài chính độc lập của Văn phòng Kiểm toán thuộc Chính phủ Mỹ (GAO) đã phát hiện FED đã bí mật sử dụng tới 16 nghìn tỷ USD để cứu trợ các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây. Đa số các khoản cho vay khẩn cấp này được lấy từ FED bang New York. Quy mô và tính chất của sự trợ giúp này cho thấy sự mở rộng chưa từng thấy vai trò truyền thống của hệ thống FED như là người cứu trợ cuối cùng các thể chế tài chính đang trong tình trạng nguy hiểm.

Giải thích nguồn gốc của sự hào phóng này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự câu kết giữa các chính phủ  với các ngân hàng. Chính phủ hào phóng giải cứu các ngân hàng bằng tiền vay của chính các ngân hàng. Năm 2009, các chính phủ đã tăng chi tiêu để kích thích kinh tế đang suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thực ra đó chẳng qua chỉ là việc chuyển nợ từ khu vực tư nhân sang cho nhà nước. Giới ngân hàng và giới bảo hiểm mua những giấy nhận nợ của nhà nước để kiếm lời và được bảo đảm. Như vậy, họ sẵn sàng cung cấp tín dụng cho nhà nước chi tiêu. Tình trạng ngày nay giới ngân hàng ở Mỹ, EU, nhất là Pháp tụt dốc cũng là do cung cấp quá nhiều tín dụng cho nhà nước để rồi nhà nước bị đe dọa vỡ nợ. Trường hợp Hy Lạp là thí dụ điển hình.

Joseph Stiglitz, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, cho rằng Phố Wall đã không hoàn thành vai trò là nơi phân phối vốn và quản lý rủi ro, dẫn tới hậu quả xã hội Mỹ đang phải hứng chịu những thua lỗ do những sai lầm mà họ gây ra, trong khi lợi nhuận chỉ rơi vào túi một vài cá nhân. Ông cảnh báo nước Mỹ sẽ không thể thành công trong việc thúc đẩy kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng nếu không giải quyết tận gốc tình trạng bất công này cũng như nạn đầu cơ và cho vay vô trách nhiệm của Phố Wall.

Cách tiếp cận mới đã chỉ ra rằng: cuộc khủng hoảng hiện nay do chính kết quả của các biện pháp khắc phục cuộc khủng hoảng năm 2008 gây ra. Nó chính là giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng trước đó. Sự phân tích đó đã đi gần đến bản chất của vấn đề: sự khủng hoảng là kết quả của sự phát triển các quan hệ sản xuất trong thời kỳ tài chính hóa CNTB trong điều kiện toàn cầu hóa. Đó là lỗi hệ thống của xã hội tư bản hiện đại.

Nhìn lại nửa thế kỷ mô hình phát triển TBCN

Trật tự hệ thống TBCN đã được thiết lập trong khuôn khổ Hiệp định Bretton Woods được ký năm 1944. Theo Hiệp định này, các thiết chế mới được tạo ra để điều chỉnh quá trình chu chuyển tư bản toàn cầu (WTO, IMF, Ngân hàng Thế giới - WB), đồng đôla Mỹ đóng vai trò tiền tệ thế giới thống nhất, còn được gắn với tiền vàng (Mỹ cam kết 35 USD đổi được một oz vàng).

Trong điều kiện thống trị về kinh tế của Mỹ bằng cơ chế Bretton Woods, 3 thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tăng trưởng kinh tế của hệ thống TBCN phát triển mạnh mẽ. Nhưng đến những năm 70 của thế kỷ XX, hệ thống kinh tế TBCN gặp phải khủng hoảng chu kỳ. Các vấn đề nghiêm trọng bắt đầu nổi lên trong khuôn khổ khu vực tài chính. Năm 1971, Mỹ buộc phải tuyên bố thả nổi đồng đôla, từ bỏ “tiêu chuẩn vàng”. Sau đó Mỹ lại thuyết phục được các nước Trung Đông thanh toán tiền mua dầu lửa bằng đôla giấy thay cho vàng trước đây. Đó là những tiền đề thuận lợi cho Mỹ thả sức in thêm tiền mặt. Năm 1973, cuộc khủng hoảng dầu mỏ bắt đầu, suy thoái sản xuất đi liền với lạm phát cao (cái gọi là lạm phát đình đốn). Một nguyên nhân của lạm phát đình đốn là do Chính phủ Mỹ cho phép FED tăng phát hành tiền giấy. Các nhà lãnh đạo Mỹ buộc phải đi bước này, vì họ phải chạy đua vũ trang, hy vọng thành công trong cuộc đấu tranh có tính cạnh tranh với hệ thống XHCN lúc đó. Trong điều kiện này, con đường bành trướng tư bản tín dụng để giải quyết vấn đề bên trong của hệ thống kinh tế TBCN đã được họ áp dụng với tính cách là chiến lược phát triển. Song để hạn chế ảnh hưởng tới lạm phát, số lượng tiền in ra được chuyển cho Nhà nước bằng con đường tín dụng. Vậy là mô hình bành trướng tín dụng được đẩy lên tới mức cao nhất. Trần nợ của nước Mỹ không ngừng bị phá vỡ. Từ 400 tỷ USD năm 1975 đã lên tới 21 nghìn tỷ USD vào tháng 8-2011. Đương nhiên giải pháp này không tránh khỏi gây ra các vấn đề nghiêm trọng dài hạn. Khi thực thi giải pháp này, trên thực tế Mỹ đã khởi động cho quá trình tài chính hóa các quan hệ TBCN. Giới tài phiệt đã nhanh chóng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa tài chính diễn ra cùng với quá trình chuyển trọng tâm của hoạt động kinh tế từ sản xuất sang lĩnh vực tài chính, tức là tài chính hóa các quá trình tích lũy tư bản. Quá trình đó tất yếu nảy sinh hai nhân tố: giảm đầu tư thực sự và tăng tài chính hóa để cố gắng tránh sản xuất dư thừa và giảm giá, trong khi khối giá trị thặng dư khổng lồ vẫn ngày càng tăng lên. Một giải pháp mới ra đời: mở rộng cân đối với các sản phẩm tài chính như là một công cụ để duy trì và phát triển tiền vốn của mình. Thế là các thiết chế tài chính đã phát triển các công cụ tài chính mới như mua trả trước, quyền mua/bán có thời hạn, trái phiếu hóa giấy nợ, các ưu đãi kèm theo, các dịch vụ bảo hiểm nợ khó đòi, các chứng thư có giá phát triển như vũ bão. Năm 1985, nợ của Mỹ vào khoảng 2 lần GDP, hai thập niên sau số nợ đó đã lớn gần 3,5 lần GDP, đạt tới 44 nghìn tỷ USD, xấp xỉ GDP của toàn thế giới. Từ đầu năm 2001, thị trường phái sinh trên toàn cầu (các công cụ chuyển đổi tín dụng mang tính rủi ro trên thị trường quốc tế) đã tăng ở mức trên 100%/năm. Đến năm 2007, và đầu năm 2008, nợ khó đòi ở Mỹ đã đạt tới 35 nghìn tỷ USD và toàn thế giới khoảng 54.600 tỷ USD. Vốn đầu cơ đã đạt đến  mức lớn gấp 50 lần giá trị của toàn bộ thương mại quốc tế. Lạm phát đã được khắc phục nhờ nâng giá trị tín dụng, một việc duy nhất diễn ra trong lịch sử. Tỷ suất chiết khấu được nâng lên gần 20%, điều đó đã làm thay đổi cơ bản tình hình kinh tế  Mỹ, đồng thời củng cố địa vị của đồng đôla vốn đã bị yếu đi rất nhiều sau khi thả nổi năm 1971. Ngoài ra, tính thanh khoản dư bắt đầu được “tận dụng” nhờ thổi phồng các bong bóng tài chính. Chính các biện pháp này đã làm cho tỷ suất lợi nhuận của các công ty Mỹ thu được nhờ khu vực tài chính đã tăng lên một cách khả quan kể từ năm 1980. Vào năm 1980, khoảng 19% toàn bộ lợi nhuận của các công ty tư nhân Mỹ là thuộc về công ty tài chính thì vào năm 2007 là 40%. Khu vực tài chính được thổi lên cực kỳ lớn. Chính sách tài chính kinh tế được đưa ra trong một phần tư cuối của thế kỷ XX, mà nếu xét theo những kết quả ngắn hạn thì đã đem lại thành công rõ rệt cho hệ thống kinh tế TBCN. Được xây dựng theo mô hình tư bản tài chính, suốt mấy thập kỷ nền kinh tế Mỹ đã tồn tại trong những điều kiện nhu cầu quá cao một cách giả tạo, nó chế ước thực tế việc tạo ra một hệ thống thích hợp về sản xuất của cải và dịch vụ mà người tiêu dùng đòi hỏi. Loại nhu cầu này được quyết định không phải bởi những nhu cầu kinh tế hiện thực, mà nó có sức kích thích ngoài kinh tế, chủ yếu là kích thích phát hành tiền. Kết quả là đã xuất hiện sự “biến dạng” về kết cấu trong nền kinh tế Mỹ. Chẳng hạn, khu vực gọi là kinh tế mới, bao gồm các ngành gần với công nghệ số và thông tin, các ngành thương mại bán buôn và bán lẻ theo các nguồn được tiêu dùng, chiếm khoảng 25% nền kinh tế Mỹ, nhưng “hoàn trả” trở lại cho nền kinh tế chỉ gần 15% (Theo A.B. Kobiakov, M.L. Khazin: Ngày tàn của đế chế đồng đôla Mỹ và sự cáo chung của “Pax Americana”, NXB Hội nghị công dân, 2003).

Hơn thế vào năm 2000, khi khủng hoảng trên các thị trường vốn đã diễn ra, Mỹ bắt đầu kiềm chế theo cách phi thị trường các khu vực riêng biệt của nền kinh tế, bỏ qua khu vực tiêu dùng. Cả các chi phí quân sự của Mỹ cũng được thanh khoản theo kiểu phát hành.

Tiền phát hành được tung vào nền kinh tế Mỹ, theo đánh giá là 1,3 - 1,6 nghìn tỷ USD/năm, hay 110-140 tỷ USD/tháng. Bên cạnh đó, xung quanh việc Mỹ đổ một lượng tiền kỷ lục mà không có bảo đảm vào nền kinh tế để cứu nước Mỹ khỏi khủng hoảng, các nhà kinh tế Mỹ lo ngại rằng, Oasinhtơn đã tuyên bố "chiến tranh" về đồng đôla Mỹ. Theo các nhà kinh tế, trong nhiều năm qua, FED hoàn toàn không bị hạn chế bởi quyền kiểm soát trong in tiền. Năm 1999, để ngăn chặn con rệp máy tính Y2K phá hoại khu vực ngân hàng, FED đã in thêm 73 tỷ USD. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, FED in thêm 40 tỷ USD. Khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) phá sản năm 2008 đẩy Mỹ và thế giới vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, FED in thêm 1,6 nghìn tỷ USD. FED còn tung vào thị trường thêm 1,7 nghìn tỷ USD trong gói kích thích kinh tế lần 1-QE1 năm 2009 và 600 tỷ USD nữa trong gói kích thích kinh tế lần 2-QE2 vào mùa thu năm 2010.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế lưu ý rằng, sau mỗi lần in thêm tiền, mỗi đồng USD lại mất đi một phần giá trị và sức mua của đồng USD càng suy giảm, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục cho Mỹ vay nợ không chỉ qua mua trái phiếu kho bạc của Mỹ mà cả bằng những đồng USD mà chính họ cũng phải đi vay. Vì việc tung tiền này diễn ra ở Mỹ theo cơ chế nợ nên nó trực tiếp ảnh hưởng đến độ lớn tổng nợ của các chủ thể của nền kinh tế Mỹ, mức tổng nợ này hiện nay đạt tới quy mô khổng lồ.

Do nguyên nhân của việc bơm có tính phát hành tiền vào nền kinh tế, nên tốc độ gia tăng nợ ở Mỹ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng tình hình này không thể kéo dài vô tận. Cái kim tự tháp nợ được bảo đảm bằng phát hành không tránh khỏi đổ vỡ, chôn vùi dưới chân nó toàn bộ trật tự vận hành hệ thống kinh tế hiện hành. Quả thực là ngày nay Mỹ không những không thể trả hết các khoản nợ của mình, mà ngay cả việc trả lãi, cũng khó khăn. Chỉ để duy trì giản đơn hệ thống kinh tế của mình trong tình hình tương đối ổn định, Mỹ phải tiêm vào nền kinh tế khoảng 250 tỷ USD phát hành mỗi tháng.

Các kết quả vận hành của hệ thống tư bản tài chính đã tỏ ra không tốt. Những khó khăn ngày càng tăng của hệ thống tư bản tài chính thể hiện qua nhiều hiệu ứng. Chẳng hạn, lãi suất tín dụng trong thời gian gần đây đã không đi theo sự thay đổi của tỷ suất chiết khấu. Ngoài ra lạm phát đã tăng lên dữ dội, kể cả trong khu vực tiêu dùng. Các chỉ số lạm phát thực tế vào cuối năm 2008 ở Mỹ ít nhất là 15%.

   Tình hình đó đã làm giảm tiêu dùng thực tế ở Mỹ ít nhất là 15%, tương ứng với mức sụt giảm 10% GDP, và sự sụt giảm này còn tiếp diễn. Trong khi đó, không thể ngừng việc phát hành tiền, vốn là nguyên nhân của lạm phát, bởi vì ngừng phát hành có nghĩa là làm cho các bộ phận tương ứng của nền kinh tế tiêu vong nhanh chóng.

Sự sụt giảm nhu cầu, hoặc là do lạm phát hoặc là do nguồn lực (trong trường hợp từ chối phát hành), sẽ còn tiếp diễn. Ngoài ra quy mô sụt giảm có tính cơ cấu ít nhất là 25% GDP hiện nay của Mỹ và kéo theo nó là sự sụt giảm có tính đình đốn mà khối lượng của nó có thể đánh giá là 30-40% GDP.

Sự phá sản của mô hình CNTB tài chính đã đặt toàn bộ hệ thống phân công lao động thế giới đã hình thành cho đến ngày nay vào hiểm họa do sự gia tăng rủi ro tiền tệ và gia tăng chi phí.Toàn bộ hệ thống kinh tế và tài chính thế giới đang biến chuyển rất căn bản khỏi các hoạt động đó và bắt đầu tan rã. Đó là dấu hiệu sụp đổ của mô hình Đồng thuận Oasinhtơn.

Chiều hướng chung báo hiệu sự sụp đổ của CNTB tài chính đã hiện ra. Hơn thế, sự sụp đổ đó đang “khép lại” mô hình đã có lúc phát huy hiệu quả của sự bành trướng TBCN. Mà trong khi thiếu vắng một mô hình như vậy thì cơ sở của tính ổn định, và về thực chất là sự sống của hệ thống TBCN thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nouriel Roubini - Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, đã viết trên tờ Project Syndicate, ngày 15-8-2011 như sau: “Có vẻ như Các Mác đã đúng phần nào khi lập luận rằng quá trình toàn cầu hóa, hoạt động trung gian tài chính đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và sự tái phân phối thu nhập và của cải từ giới lao động sang giới tư bản có thể đưa chủ nghĩa tư bản tới tình trạng tự hủy diệt”.

_______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11 năm 2011

 

TS Hồ Văn Chiểu

Thời báo kinh tế Việt Nam

 

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền