Trang chủ    Quốc tế    Cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Thứ sáu, 15 Tháng 10 2021 09:13
5315 Lượt xem

Cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(LLCT) - Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm cạnh tranh Mỹ - Trung, trong đó cuộc chiến truyền thông diễn ra hết sức gay gắt. Cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến hình ảnh quốc gia và quan hệ giữa hai cường quốc này, đồng thời tác động nhiều chiều đến truyền thông và chính trị quốc tế. Cuộc chiến cũng đặt ra những thách thức mới về an ninh phi truyền thống của các quốc gia, đặc biệt là trên phương diện truyền thông trong bối cảnh khủng hoảng.

Ảnh minh họa. Nguồn:cand.com.vn

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã diễn biến phức tạp, xu hướng cạnh tranh gia tăng trên nhiều phương diện. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược số một” và thực thi những chính sách cứng rắn đối với đối thủ này. Không lâu sau khi D.Trump vào Nhà Trắng, Mỹ lần lượt khơi mào và tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ, an ninh mạng, truyền thông...

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 càng làm mối quan hệ giữa hai cường quốc thêm căng thẳng, trong đó tiêu điểm nổi bật là cuộc chiến truyền thông Mỹ - Trung Quốc liên quan đến đại dịch.

1. Cuộc chiến truyền thông - bộ mặt mới của tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, giữ vững mặt trận thông tin - truyền thông có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cả về đối nội và đối ngoại. Truyền thông nói chung và cuộc chiến truyền thông nói riêng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà hoạch định chính sách. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và truyền thông, vấn đề chiến tranh truyền thông ngày càng được quan tâm và bổ sung về nội hàm. Một cách tổng quát, một cuộc chiến truyền thông có những đặc điểm sau: Thứ nhất, đây là các hoạt động nhằm vào hệ thống thông tin - truyền thông, nội dung truyền thông và quá trình truyền thông với mục tiêu tác động đến khả năng nhận thức, tư duy của công luận, nội bộ đối phương. Thứ hai, một cuộc chiến truyền thông được tiến hành qua hệ thống truyền thông của mỗi quốc gia tham gia và đặc biệt là truyền thông toàn cầu; đáng chú ý, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, không gian mạng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một cuộc chiến truyền thông. Thứ ba, một cuộc chiến truyền thông gồm các biện pháp quảng bá dòng thông tin tích cực của một quốc gia, đồng thời ngăn chặn, làm giảm giá trị, làm chậm, phá vỡ hoặc thao túng dòng thông tin tuyên truyền của đối phương. Thứ tư, cuộc chiến truyền thông ngày càng tỏ ra có tác động sâu rộng hơn sức mạnh quân sự truyền thống với việc tác động đến nhận thức, tư tưởng của giới lãnh đạo, nhân dân một quốc gia, hoặc tập hợp lực lượng tạo mặt trận công luận chống lại một quốc gia khác.

Là cường quốc với tiềm lực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ... hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức rõ tầm quan trọng của truyền thông. Đối với Mỹ, với ưu thế trong việc kiểm soát kết cấu hạ tầng thông tin toàn cầu và truyền thông quốc tế, Mỹ là nước duy nhất có thể áp đặt các điều kiện liên quan đến phổ biến thông tin trên cấp độ toàn cầu. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề ra ba mục tiêu đối với một cuộc chiến truyền thông: chiếm ưu thế thông tin, bảo vệ thông tin và tấn công thông tin. Từ đầu thế kỷ XXi, Mỹ đã xây dựng chính sách đối ngoại kết hợp với truyền thông, nhằm thúc đẩy mục tiêu và lợi ích quốc gia thông qua việc đồng bộ hóa các hoạt động truyền thông với những chủ đề, kế hoạch, chương trình và các hoạt động khác của công tác đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động quan hệ công chúng. Chiến lược hiện nay của Mỹ nhấn mạnh vào việc duy trì khả năng ảnh hưởng vào các khu vực trọng điểm tại châu Âu và châu Á qua nhiều phương tiện, trong đó có truyền thông(1). Chính phủ Mỹ xây dựng một hệ thống các đài phát thanh kiêm truyền thông đa phương tiện toàn cầu như VOA, RFA, RFE/RL,... nhằm truyền bá thông tin thể hiện quan điểm Mỹ trong các vấn đề đối ngoại, đấu tranh dư luận với các đối tượng thù địch và quảng bá các giá trị của Mỹ(2). Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng, tấn công truyền thông từ các đối thủ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, là một mối đe dọa mới đối với an ninh quốc gia và cần có nhận thức đầy đủ và xây dựng hệ thống phòng thủ đủ vững chắc cùng với các liên minh để chống lại sự tấn công truyền thông của đối thủ(3).

Đối với Trung Quốc, nước này nhận thức sâu sắc rằng thế giới đang sống trong kỷ nguyên thông tin và để vươn lên vị thế cường quốc hàng đầu, cần phải có ưu thế về ảnh hưởng truyền thông. Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy của thời đại thông tin sẽ làm gia tăng khả năng xảy ra những cuộc cạnh tranh về truyền thông - thông tin trong tương lai. Chiến tranh truyền thông sẽ là dấu ấn đặc biệt đối với thời đại thông tin ngày nay(4). Từ đầu thế kỷ XXi đến nay, chiến tranh truyền thông đã ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các nghiên cứu về an ninh, quân sự và đối ngoại của Trung Quốc. Đáng chú ý, năm 2003, Trung Quốc đưa ra khái niệm về “Tam chủng chiến pháp” (Three Warfares/San zhong zhanfa/三种战法) như sau(5):

- Chiến tranh tâm lý: Làm suy yếu khả năng tiến hành chiến đấu của kẻ thù thông qua các hoạt động nhằm ngăn chặn, theo dõi và làm mất tinh thần quân nhân đối phương cũng như phá hoạt các hoạt động hỗ trợ dân thường của đối thủ.

- Chiến tranh truyền thông: Hướng tới việc gây ảnh hưởng đến dư luận trong nước và quốc tế nhằm tạo dựng sự hỗ trợ đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc và ngăn cản đối phương theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc.

- Chiến tranh pháp lý: Sử dụng luật pháp quốc gia và quốc tế để đạt được nền tảng pháp lý cao, phục vụ cho lợi ích Trung Quốc. Ngoài ra, kiểu chiến tranh này còn được sử dụng để ngăn cản sự tự do hoạt động của đối thủ và định hình không gian hoạt động. Chiến tranh pháp lý còn nhằm xây dựng sự ủng hộ quốc tế, tạo tiền đề và thay đổi luật pháp chung quốc tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Liên quan đến chiến tranh truyền thông, Trung Quốc nỗ lực tự chủ về hệ thống truyền thông bằng cách đầu tư xây dựng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, hỗ trợ phát triển các tập đoàn thiết bị, hạ tầng thông tin, phần mềm có quy mô toàn cầu, thực hiện chính sách kiểm soát, giám sát thông tin chặt chẽ trên các phương tiện truyền thông, báo chí, phim ảnh. Trung Quốc có chính sách cứng rắn đối với các công ty công nghệ nước ngoài có nguy cơ đe dọa an ninh thông tin - truyền thông của Trung Quốc như Facebook, Twitter, Google và khuyến khích phát triển các ứng dụng, tiện ích thay thế(6). Đáng chú ý, tháng 3 - 2018, Trung Quốc thành lập Cơ quan truyền thông “Tiếng nói Trung Quốc” (“Voice of China”) trên cơ sở sáp nhập Đài Truyền hình Trung ương (CCTV), Đài Tiếng nói Trung ương (CNR) và Đài Tiếng nói Quốc tế (CRi). Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là nỗ lực nhằm “thế giới hiểu biết tốt hơn về Trung Quốc” cũng như nhằm phản bác, đấu tranh với chiến dịch của phương Tây nhằm cường điệu hóa cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”(7).

2. Đại dịch covid-19 thúc đẩy cuộc chiến truyền thông Mỹ - Trung Quốc thêm gay gắt

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra phức tạp, cọ xát gia tăng trên nhiều phương diện, cuộc chiến truyền thông giữa hai cường quốc này cũng diễn ra hết sức căng thẳng, cả trên phương tiện thông tin đại chúng chính thống cũng như mạng xã hội. Trong vài năm qua, Mỹ cùng đồng minh đã hậu thuẫn cho truyền thông phương Tây truyền bá thông tin về các khía cạnh tiêu cực liên quan đến Trung Quốc, trong đó tập trung vào sự khác biệt của các giá trị (nhất là thể chế, nhân quyền...), mối đe dọa về an ninh (bao gồm cả an ninh truyền thống, an ninh kinh tế...). Đại dịch Covid-19 đã khiến cho cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn về mức độ và gia tăng về cường độ.

Tiêu biểu là tần suất chỉ trích lẫn nhau liên quan đến đại dịch trên báo điện tử CNN của Mỹ và Global Times (Thời báo Hoàn cầu) của Trung Quốc. Những bài báo phê bình, chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề liên quan Covid-19 xuất hiện trên CNN từ cuối tháng 1-2020, kể từ đó CNN liên tục đăng tải các bài báo thuộc chủ đề này. CNN đã thiết lập một khung nhận thức tiêu cực về Trung Quốc gồm: (i) tập trung đưa tin chỉ trích Trung Quốc không minh bạch trong việc đưa ra số liệu và quản lý kém khi đối phó dịch bệnh Covid-19; (ii) chú trọng đưa tin về nghiên cứu nguồn gốc của virus SaRS-CoV-2, luôn khẳng định Trung Quốc là nơi bắt nguồn virus; (iii) cho rằng WHO thiên vị Trung Quốc; (iv) xoáy sâu vào những nghi ngờ về chất lượng của vắcxin do Trung Quốc nghiên cứu. Về phần mình, Global Times xây dựng một khung nhận thức phân biệt rõ ràng giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó ca ngợi thành công, nỗ lực của Trung Quốc và chỉ trích Mỹ về các vấn đề liên quan đến ứng phó đại dịch Covid-19. Các nội dung  tiêu điểm mà Global Times xây dựng gồm: (i) tập trung ca ngợi thành công và khẳng định sự minh bạch của Trung Quốc đối phó đại dịch Covid-19; (ii) nhấn mạnh rằng Mỹ đang đổ lỗi Trung Quốc nhằm giảm nhẹ trách nhiệm của chính quyền Mỹ trước tình trạng đại dịch đang lây lan mạnh tại Mỹ; (iii) xoáy sâu vào chỉ trích phương pháp đối phó dịch, các biện pháp quản lý của Mỹ để ứng phó Covid-19; (iv) chú trọng phản đối các thuyết về nguồn gốc coronavirus mà Mỹ đưa ra, đồng thời đưa ra những thuyết khác chỉ ra nguồn gốc đại dịch không phải là Trung Quốc.

Trong cuộc chiến truyền thông liên quan Covid-19, Mỹ và Trung Quốc đã tập trung đưa ra những thông tin có tính công kích mạnh nhằm tấn công đối thủ và bảo vệ thông tin của mình. Để gia tăng hiệu quả truyền thông, truyền thông Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện chiến thuật đóng khung nội dung các thông điệp truyền tải. Trên các phương tiện truyền thông quốc tế của hai nước, những nội dung liên quan Covid-19 được tập trung vào các trọng tâm như: nguồn gốc coronavirus, sự minh bạch của Trung Quốc trong quá trình ứng phó dịch bệnh, vấn đề đối phương chính trị hóa Covid-19 và quy trách nhiệm lẫn nhau trước thiệt hại mà đại dịch gây ra. Quan điểm, góc nhìn, cách khai thác các nội dung trên của các kênh truyền thông đều khá giống với các tuyên bố được đưa ra trước đó của các chính khách. Điều này chứng tỏ, mỗi kênh truyền thông, dù độc lập hay phụ thuộc vào cơ quan nhà nước, đều hoạt động vì lợi ích quốc gia. Đơn cử như CNN, tập đoàn truyền thông khổng lồ này hoạt động độc lập với chính phủ, tuy chỉ trích chính quyền D.Trump trong các hoạt động đối nội và ứng phó với dịch bệnh nhưng khi đề cập quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong Covid-19, các bài báo liên quan đều hạn chế nhắc đến những sai lầm của D.Trump và tập trung chỉ trích Trung Quốc. Trong khi đó, Global Times và các kênh truyền thông Trung Quốc khác cực lực chỉ trích Mỹ và chính quyền Tổng thống D.Trump, đồng thời ca ngợi những thành công của Trung Quốc trong đối phó đại dịch. Theo đó, các kênh truyền thông của hai bên tranh cãi gay gắt, ăn miếng trả miếng. Hàng loạt thuyết âm mưu và những bài báo bác bỏ, chỉ trích, châm biếm giả thuyết của đối phương được đăng tải khiến cho công chúng hoang mang trước lượng tin tức khổng lồ và bị chia rẽ bởi những góc nhìn khác biệt.

Bên cạnh các kênh truyền thông chính thống, cuộc chiến tranh truyền thông còn diễn ra trên mạng xã hội, nổi bật là Twitter. Ngay khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chỉ trích lẫn nhau liên quan đến đại dịch, Twitter đã trở thành nơi chứng kiến cuộc đối đầu thông tin gay gắt giữa hai nước này. Trong khi báo chí là không gian phân tích kỹ lưỡng và bàn luận sâu về các vấn đề, Twitter (cùng với các mạng xã hội khác) có vai trò là không gian thảo luận chung, đưa vấn đề này đến nhiều người hơn; trong đó, người dùng có thể tham gia trao đổi, tác động và bị tác động trong cuộc cạnh tranh truyền thông. Ở Mỹ, các chính trị gia sử dụng Twitter như là một công cụ để định hướng và đóng khung nội dung của các cuộc thảo luận. Thông thường người dùng thuận theo các quan điểm mà chính trị gia Mỹ đưa ra, gây nên những làn sóng chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ. Những chính trị gia Mỹ tiêu biểu nhất trong việc sử dụng Twitter nhằm công kích Trung Quốc phải kể đến Tổng thống D. Trump và phó Tổng thống Mike Pence cùng nhiều chính khách Mỹ khác. Những bài đăng của D.Trump đều thu hút rất nhiều bình luận, cả ủng hộ lẫn chỉ trích về việc sử dụng những từ ngữ trong các bài tweet, trở thành những chủ đề được bàn luận, tranh cãi. Chẳng hạn, chưa đầy 24 giờ sau tweet ngày 16-03-2020 của ông D.Trump có chứa cụm từ “Chinese virus” - đây là tweet đầu tiên của D. Trump chứa cụm từ này, đã có hơn 102 nghìn bình luận và hơn 52 nghìn lượt retweet(8). Do ảnh hưởng của báo chí và sự dẫn dắt của những người nổi tiếng như D. Trump, thái độ của người Mỹ nói riêng và người dùng Twitter nói chung đối với Trung Quốc cơ bản là tiêu cực.

Mặc dù hạn chế sử dụng Twitter, phía Trung Quốc nhận thức sâu sắc sức ảnh hưởng của mạng xã hội này. Ngay từ giai đoạn đầu đại dịch, một lượng lớn các tài khoản từ Trung Quốc hoạt động rất tích cực. Trung Quốc đứng thứ 6 các nước có nhiều tweet nhất về chủ đề Covid-19. Các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Global Times, những người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc như Triệu Lập Kiên, Hoa Xuân Oánh, một số Đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài như Thôi Thiên Khải, Lưu Hiểu Minh cũng sở hữu tài khoản Twitter chính thức để kịp thời ứng phó với những thông tin từ các nước khác và truyền thông cho các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc. Trong cuộc chiến truyền thông liên quan đại dịch Covid-19, hoạt động trên các tài khoản Twitter này thường đưa ra các tuyên bố phản đối lại những cáo buộc của Mỹ về Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề nguồn gốc của coronavirus và khẳng định sự minh bạch, thành công của Trung Quốc trong việc đối phó với đại dịch. Ngày 12-03-2020, ông Triệu Lập Kiên đăng tải trên Twitter những giả thuyết cho rằng Mỹ đưa coronavirus vào Trung Quốc từ hồi tháng 11-2019. Đây được coi là đáp trả gay gắt đối với việc các chính khách Mỹ đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc đại dịch có ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc. Trong năm 2020, ông Triệu Lập Kiên đã đăng tải hơn 100 bài tweet có nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19, nghĩa là trung bình hơn 3 ngày sẽ đăng 1 tweet về nội dung này. Ngoài nội dung về giả thuyết nguồn gốc coronavirus, ông Triệu Lập Kiên thường xuyên đăng tải về những thành công của Chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó dịch, hồi phục kinh tế sau đại dịch. Có thể thấy, Twitter đã trở thành một chiến trường truyền thông thế hệ mới với thời gian thực, khi hễ một bên đưa các nội dung bất lợi, ngay lập tức bên kia sẽ có thông tin phản pháo.

3. Những hệ quả sâu sắc

Thứ nhất, đối với cả Mỹ và Trung Quốc, việc tranh cãi, chỉ trích và đổ lỗi lẫn nhau liên tục trong khoảng thời gian dài trên báo chí cũng như trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh quốc gia hai nước. Theo các khảo sát của Trung tâm nghiên cứu pew về quan điểm của các nước về Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch, cả hai nước đều nhận được những quan điểm tiêu cực tăng vọt trong năm 2020 từ 14 nước được khảo sát(9). Theo đó, có rất ít quốc gia tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ hoặc Trung Quốc(10). Uy tín và hình ảnh nước Mỹ đã suy giảm nghiêm trọng trong năm 2020 trong mắt nhiều đồng minh và đối tác quan trọng. Đối với Trung Quốc, cuộc chiến tranh thông tin đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, sự tín nhiệm quốc gia. Đa số các quốc gia được pew khảo sát đều có quan điểm bất lợi về Trung Quốc, đặc biệt là Úc, Mỹ, anh. Nhìn chung, với việc các kênh truyền thông chủ lực của Mỹ và Trung Quốc gia tăng chỉ trích lẫn nhau, cố gắng tác động nhận thức dư luận quốc tế, chiến tranh truyền thông đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh quốc gia của Mỹ và Trung Quốc. Lòng tin của các quốc gia đối với vai trò của hai nước lớn này trong công cuộc ứng phó đại dịch cũng như trong các vấn đề quốc tế khác bị suy giảm đáng kể.

Thứ hai, cuộc chiến truyền thông trong đại dịch Covid-19 đã góp phần khiến cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thêm rạn nứt sâu sắc. Những chỉ trích, đổ lỗi liên tục lẫn nhau trên truyền thông khiến cho hai nước ngày càng mất niềm tin, gia tăng sự thù địch và nghi ngờ lẫn nhau. Tại Mỹ, làn sóng chỉ trích và đổ lỗi Trung Quốc không chỉ ở giới chính trị gia mà cả người dân nước Mỹ. Họ cho rằng Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm đối với sự bùng phát Covid-19 tại nước Mỹ và thế giới(11). Hai vấn đề lớn của quan hệ Mỹ - Trung Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến truyền thông là thỏa thuận thương mại và hợp tác song phương để đối phó đại dịch. Đại dịch Covid-19 với những rạn nứt trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc qua chiến tranh thông tin đã làm tiến trình đàm phán về thương mại cũng như nhiều vấn đề trong quan hệ song phương diễn ra hết sức khó khăn.

Thứ ba,về hợp tác quốc tế, trước những thiệt hại trầm trọng mang tầm toàn cầu do Covid-19 gây ra, sự chung tay của tất cả các nước để cùng đối phó đại dịch là hết sức cần thiết, đặc biệt là sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc - hai nước lớn có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đại dịch, sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã cản trở quá trình hợp tác quốc tế, đầu tiên là ngay tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Căng thẳng leo thang giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc làm ảnh hưởng sâu sắc đến việc hợp tác cùng ứng phó và xử lý các vấn đề về đại dịch Covid-19 trên thế giới. Mỹ và Trung Quốc đều là các nước lớn đi đầu trong việc tìm kiếm, sản xuất vắcxin phòng, chống Covid-19. Việc hai cường quốc khó có thể hợp tác đã cản trở việc đối phó đại dịch ở tầm toàn cầu, gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với chủ nghĩa đa phương cũng như với cuộc chiến chung của nhân loại chống đại dịch.

Thứ tư, cuộc chiến truyền thông Mỹ - Trung có những tác động sâu sắc đối với truyền thông trong quan hệ quốc tế cả về xu hướng, nhận thức, nội dung và phương thức. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn đã là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn trong quan hệ quốc tế và truyền thông quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy cao sự quan tâm toàn cầu về mối quan hệ hai nước. Đối với nhân loại, đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực đời sống, tuy nhiên việc các kênh truyền thông đưa tin nhiều lần về cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đại dịch đã hướng sự chú ý của dư luận thế giới về mối quan hệ căng thẳng của hai nước, gây ra nhận thức tiêu cực, bi quan. Cuộc chiến giữa các kênh truyền thông lớn của hai nước cũng như trên mạng xã hội đã góp phần đóng khung nhận thức người tiếp cận thông tin về Mỹ và Trung Quốc. CNN và truyền thông Mỹ cố gắng xây dựng một khung nhận thức tiêu cực về Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Global Times và các kênh truyền thông Trung Quốc đóng khung hình ảnh Mỹ trong việc chính trị hóa Covid-19 cũng như quản lý, đối phó kém trước đại dịch. Có thể nói, cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng chỉ trích, đấu tranh lẫn nhau trong truyền thông quan hệ quốc tế; đóng khung nhận thức chủ quan của dư luận; đồng thời cho thấy trào lưu sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong cuộc chiến truyền thông.

Những tác động sâu sắc của cuộc chiến truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc đã đặt ra nhiều thách thức đối với quan hệ quốc tế nói chung và với mỗi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương vốn đã tạo ra cơ hội và thách thức đan xen phức tạp. Cạnh tranh Mỹ - Trung về truyền thông gây ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì và giữ vững đồng thuận xã hội về nhận thức đối với các vấn đề quốc tế và quan điểm đối ngoại của Việt Nam. Đồng thời, làm gia tăng thêm sức ép đối với việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh đó, việc quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Xiii của Đảng là hết sức quan trọng, đặc biệt là các chủ trương về lợi ích quốc gia - dân tộc, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời, với tác động nhiều chiều của các xu hướng truyền thông quốc tế mới, cần không ngừng “đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”(12)nhằm giữ vững thế chủ động trên mặt trận thông tin - truyền thông quốc tế đang diễn biến phức tạp như hiện nay.\

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1) Molander, RC et al 1996, Strategic information warfare: a new face of war, RaND Corporation,Santa Monica, pp.41-42.

(2), (6) Lê Hải Bình, Nguyễn Thị Thái Thông: Những thách thức đối với công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh chiến tranh thông tin, Đề tài cấp cơsở, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 2015, tr.26, 27-28.

(3) Bachmann, SD, Dowse, a & Lee, D 2020, ‘COViD information Warfare and the Future of Great power Competition’, trong The Fletcher Forum of world affairs: a Return to Great power Competition, vol.44, issue 2, pp.16.

(4) Wortzel, LM 2014, The Chinese people’s Liberation army and information Warfare, Strate-gic Studies insitute, U.S. army War College, Carlise, pp.1-2.

(5) Walton, Ta 2012: China’s three warfares, Herndon: Delex Systems, Herndon City, pp.4.

(7) Curtis Stone: World needs a better understand-ing of China, “Voice of China” can help, http://en.people.cn/n3/2018/0322/c90000-9440715.html.

(8) Bloomberg News 2020, ‘Trump’s ‘Chinese Virus’ Tweet adds Fuel to Fire With Beijing’, ngày 17-03-2020 <https://www.bloomberg.com/news/arti-cles/2020-03-17/trump-s-chinese-virus-tweet-adds -fuel-to-fire-with-beijing>.

(9) Laura, S, Kat, D, Huang, C 2020, ‘Negative views of both U.S. and China abound across advanced economies amid COViD-19’, pew Research Center, ngày 06-10-2020, <https://www.pewresearch.org/ fact-tank/2020/10/06/negative-views-of-both-us-and-china-amid-covid-19/>.

(10) Jacob, p, Moncus, J 2020, ‘How people in 14 countries view the state of the world in 2020’, pew Research Center, ngày 23-9-2020, <https://www.pewresearch.org/fact-tank/2020/09/23/ how-people-in-14-countries-view-the-state-of-the-world-in-2020/>.

(11) Laura, S, Kat, D, Huang, C 2020, “americans Fault China for its Role in the Spread of COViD-19”, pew Research Center, ngày 30-7-2020,https://www.pewresearch.org/global/2020/07/30 /americans-faultchina-for-its-role-in-the-spread-of-covid-19/.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Xiii, t.i, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HàNội, 2021, tr.165.

TS LÊ HẢI BÌNH

Phó Trưởng Ban chuyên trách,

Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương

NGUYỄN THỊ NHẬT LINH

Học viện Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền