Trang chủ    Quốc tế    Hệ tư tưởng trong thời đại toàn cầu hóa
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 15:52
7967 Lượt xem

Hệ tư tưởng trong thời đại toàn cầu hóa

(LLCT) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đời sống chính trị - xã hội trên thế giới chịu tác động của nhiều yếu tố, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư tưởng. Bài viết tập trung làm rõ sự hồi sinh, sự tự điều chỉnh của các hệ tư tưởng và sự xuất hiện của các hệ tư tưởng mới trong thời đại toàn cầu hóa, góp phần nhận diện các vấn đề về hệ tưởng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: noichinh.vn

Thuật ngữ “hệ tư tưởng” (ideology) được Antoine Destutt de Tracy (1754 -1836) đặt ra trong cuộc cách mạng Pháp và lần đầu tiên được sử dụng trước công chúng năm 1796. De Tracy tạo ra thuật ngữ bằng cách lắp ráp từ idea (tiếng Hy Lạp là là ἰδέα) và - logy (-λογίαm), coi hệ tư tưởng là khoa học về các tư tưởng và nguồn gốc của chúng, với hy vọng sẽ tạo ra một nền tảng cho các ngành khoa học đạo đức và chính trị. Tuy nhiên, thuật ngữ vốn ban đầu chỉ là chỉ ra một ngành khoa học mới này đã trở thành một thuật ngữ để phân định về mặt chính trị. Một hệ tư tưởng tồn tại để xác nhận một quan điểm chính trị nhất định hoặc thực hiện các vai trò, chức năng liên quan đến các thể chế xã hội, kinh tế, chính trị và pháp lý. Thông thường, mỗi hệ tư tưởng bao gồm những ý tưởng nhất định về hình thức nhà nước tốt nhất và hệ thống kinh tế tốt nhất. Nó cũng tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ liên quan đến một tập hợp các niềm tin chuẩn tắc về trật tự xã hội hiện tại và tương lai. Quyền lực nhà nước ở cấp quốc gia thường phản ánh tác động của hệ tư tưởng chính trị -  một thế giới quan để giải thích và duy trì trật tự xã hội hiện có và các thể chế của nó.

Tuy nhiên, ý tưởng về sự kết thúc của hệ tư tưởng đã trở thành một cái mốt vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, khi các cuộc tranh luận chính trị nhấn mạnh vào những vấn đề mang tính kỹ thuật trong cách thức mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Cùng lúc, chiến thắng của chủ nghĩa duy lý và sự phát triển của công nghệ hiện đại đã làm suy yếu tầm quan trọng của tư tưởng. Chính trị đôi khi bị giảm thiểu đến mức chỉ còn là những cuộc chiến quyền lực và các đảng chính trị trở thành những người bán “sản phẩm” - các nhà lãnh đạo hoặc chính sách - thay vì mang lại hy vọng hay ước mơ, tình cảm gắn bó và một tầm nhìn bền vững cho các cử tri. Trong The End of

History and the Last Man (sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng), Francis Fukuyama lập luận: đã có một sự đồng thuận đáng chú ý rằng, nền dân chủ tự do trở thành một hệ thống nhà nước trên khắp thế giới, vì nó đã chinh phục các hệ tư tưởng đối lập và nền dân chủ tự do có thể tạo nên điểm kết thúc trong sự tiến hóa ý thức hệ của nhân loại. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh: hệ tư tưởng vẫn đang tác động toàn diện đến nền chính trị toàn cầu hiện nay.

1. Sự hồi sinh của các hệ tư tưởng trong thời đại toàn cầu hóa

Quá trình toàn cầu hóa đang làm lan truyền trên khắp thế giới những giá trị phổ biến như nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do... và một số người cho rằng, hệ tư tưởng không còn tương thích với sự phát triển của thế giới hiện đại, mà chỉ còn là những giá trị lịch sử. Tuy nhiên, vào lúc nền dân chủ tự do đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, thì gần cuối thế kỷ XX, có bằng chứng chắc chắn về sự hồi sinh của một loạt các hệ tư tưởng như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa Hồi giáo...

Chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng tư tưởng phức tạp, dựa trên niềm tin rằng dân tộc là nguyên tắc trung tâm của tổ chức chính trị. Trong nhiều khía cạnh, nó đã giúp định hình và định hình lại lịch sử ở nhiều nơi trên thế giới trong gần 250 năm qua. Toàn cầu hóa đã làm tăng đáng kể mức độ đa dạng văn hóa và sắc tộc trong hầu hết các xã hội hiện đại và xác định lại ý thức về cộng đồng chính trị. Nó tạo ra một thế giới trong đó mỗi quốc gia có quyền tự do theo đuổi lợi ích riêng của mình, thậm chí có thể phải trả giá bằng lợi ích của các quốc gia khác, bất chấp các chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như luật pháp quốc tế. Khi bản sắc dân tộc bị đe dọa, chủ nghĩa dân tộc sống dậy mạnh mẽ. Chống toàn cầu hóa và phản đối nhập cư, khơi dậy sự trung thành với dân tộc (chứ không phải quốc gia) là những vấn đề nổi bật của những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc. Họ coi chủ nghĩa dân tộc là cơ sở để duy trì trật tự xã hội, bảo vệ các thể chế và lối sống truyền thống. Họ tin rằng, sự đa dạng văn hóa dẫn đến sự bất ổn và xung đột và cần hạn chế nhập cư, đặc biệt là từ các xã hội có tôn giáo và các truyền thống khác. Vào những năm đầu thế kỷ XXI có sự xuất hiện và hồi sinh mạnh mẽ của các tư tưởng, các đảng phái bài ngoại, cực hữu, chống nhập cư ở châu Âu..., gần đây là phong trào Brexit ở Anh, hay tư tưởng “nước Mỹ trên hết” cùng những chính sách chống nhập cư và Hồi giáo dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng chống lại việc tham gia vào các liên minh chính trị vì cho rằng, nó có thể làm mất đi ngôn ngữ dân tộc và bản sắc văn hóa. Kết quả là, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, EU, WTO, IMF, mặc dù chắc chắn đã trở nên quan trọng hơn trong hoạch định chính sách toàn cầu, cũng không thể trở thành đối thủ của quốc gia - dân tộc về khả năng thu hút sự đoàn kết hoặc lòng trung thành, đặc biệt là tinh thần yêu nước.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc khởi nguồn cho rất nhiều cuộc chiến hoặc các tư tưởng phân biệt chủng tộc, kỳ thị sắc tộc thiểu số hay tôn giáo thiểu số, gây ra các cuộc xung đột, thi hành các chính sách độc đoán, vi phạm quyền con người. Nó cũng là cảm hứng cho các phong trào ly khai dân tộc ngày càng lớn mạnh. Các thế lực chính trị và lực lượng quân sự - thông qua các cơ chế dân chủ hoặc hoạt động khủng bố - thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước độc lập với hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc như người Hutu và người Tutsi ở Ruanđa; người Tamil ở Xri Lanka; người Sikh ở Ấn Độ; người Kurd ở Irắc; Iran và Thổ Nhĩ Kỳ; người Moro ở Philippin, hay giữa người Xécbi và người Boxnia ở Nam Tư cũ. Tất cả các nhân tố đó đang tạo nên một cục diện phức tạp đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và quốc tế.

Chủ nghĩa vô chính phủ cũng quay trở lại khi quá trình toàn cầu hóa trở nên sôi động. Mặc dù không tồn tại như một phong trào chính trị quan trọng trong phần lớn thế kỷ XX, chủ nghĩa vô chính phủ vẫn có ảnh hưởng thông qua sự xuất hiện của Cánh tả mới và Cánh hữu mới, với một loạt các phong trào nổi bật như phong trào nữ quyền và bảo vệ môi trường hay cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa mà nổi bật là Trận chiến Seattle năm 1999 khi khoảng 50.000 nhà hoạt động buộc hủy bỏ lễ khai mạc cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới. Người biểu tình đã tập trung bên ngoài để phản đối việc thống nhất trật tự kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ với lý do điều này sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Vấn đề trung tâm trong chiến lược chính trị của những người vô chính phủ là họ tin rằng, quyền lực chính trị luôn là sự áp đặt, bất kể nó được mang lại thông qua thùng phiếu hoặc nòng súng. Họ muốn ngăn chặn khả năng chủ nghĩa tư bản toàn cầu khắc sâu các giá trị và thể chế ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ý tưởng về một chính phủ vô chính phủ, một đảng chính trị vô chính phủ, hoặc một chính trị gia vô chính phủ có vẻ mâu thuẫn và vì không có con đường thông thường đến vô chính phủ, nên họ đã khám phá một phong cách hoạt động dựa trên sự phản kháng, kích động và hành động trực tiếp xoay quanh các vấn đề như: suy thoái môi trường, quyền động vật, phát triển đô thị, giới và bất bình đẳng toàn cầu... Các nhà hoạt động chống tư bản (thường là những người trẻ) bị thu hút bởi chủ nghĩa vô chính phủ vì những mục tiêu như chống lại sự thỏa hiệp vì lợi ích chính trị, sự nghi ngờ cấu trúc và hệ thống phân cấp, từ chối chủ nghĩa tiêu dùng, chống lại toàn cầu hóa...

Các tôn giáo lớn trên thế giới đều có khả năng chính trị hóa và từ những năm 1970, quá trình này đặc biệt liên quan đến Hồi giáo, xuất phát từ việc nó nói lên lợi ích của những người bị áp bức ở các nước kém phát triển và đưa ra một tầm nhìn thế giới phi phương Tây, chống phương Tây. Chủ nghĩa Hồi giáo không chỉ đơn thuần là một tôn giáo, mà còn là một cách sống, cung cấp hướng dẫn toàn diện và đầy đủ trong mọi lĩnh vực của con người. Mối liên hệ giữa Hồi giáo và chính trị thể hiện rõ qua sự xuất hiện của Hồi giáo chính trị (hay chủ nghĩa Hồi giáo, Hồi giáo cực đoan) - một tín ngưỡng chính trị dựa trên các ý tưởng và nguyên tắc Hồi giáo. Trọng tâm của tín ngưỡng này là một cam kết về việc thành lập một nhà nước Hồi giáo dựa trên sharia. Thánh chiến toàn cầu được mô tả như một sản phẩm phụ của toàn cầu hóa. Các nhóm Hồi giáo đặc biệt giỏi khai thác dòng người, hàng hóa, tiền bạc, công nghệ và ý tưởng xuyên biên giới. Họ cũng tận dụng hiệu quả phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là internet và điện thoại di động, cả cho mục đích tuyển dụng và tăng hiệu quả hoạt động. Dòng di cư quốc tế gia tăng và sự phát triển của các cộng đồng Hồi giáo ở phía Tây đã giúp duy trì và mở rộng các chiến dịch khủng bố Hồi giáo. Nhưng, nguyên nhân sâu xa hơn của Hồi giáo thánh chiến là quá trình toàn cầu hóa đã lan truyền của hàng hóa, ý tưởng, giá trị phương Tây và sự mất cân bằng trong hệ thống tư bản toàn cầu đã làm phần lớn Trung Đông, đặc biệt là thế giới Ảrập trở nên nghèo khổ và bất ổn hơn.

2. Sự tự điều chỉnh của các hệ tư tưởng

Có một lý do rất sâu sắc cho sự tồn tại của các hệ tư tưởng trong thời đại toàn cầu hóa là ý nghĩa và lý tưởng trong chúng. Mỗi hệ tư tưởng chạm đến những khía cạnh của chính trị mà các hệ tư tưởng khác không thể đạt tới. Các quốc gia phương Tây có một nền tảng thống nhất của các giá trị dân chủ tự do, trong khi các nước Hồi giáo thiết lập một tập hợp các nguyên tắc đạo đức và tín ngưỡng. Hệ tư tưởng được liên kết chặt chẽ với các cấu trúc quyền lực. Các hệ thống chính phủ trên thế giới khác nhau đáng kể và luôn được liên kết với các giá trị hoặc nguyên tắc cụ thể. Quan trọng và cơ bản nhất là nó xác định việc tổ chức quyền lực nhà nước, mô tả chế độ chính trị, xác định hình thức và bản chất nhà nước, cơ chế phân chia quyền lực chính trị, mục tiêu, nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý xã hội. Nó đồng thời cho phép các thành viên có thể tham gia và từ đó tái tạo hệ tư tưởng trong cuộc sống hằng ngày. Có thể thấy, trong thời đại toàn cầu hóa, các hệ tư tưởng duy trì được ảnh hưởng của mình đều kiên trì giữ những giá trị cốt lõi trong khi vẫn có sự điều chỉnh nhất định.

Với tư cách một hệ tư tưởng chính trị, chủ nghĩa tự do tồn tại một cách rõ nét từ thế kỷ XIX, nhưng dựa trên những ý tưởng và lý thuyết đã phát triển trong hơn 300 năm qua. Đó là một hệ tư tưởng, quan điểm triết học và truyền thống chính trị dựa trên các giá trị cốt lõi là tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại của mình, chủ nghĩa tự do - với tư cách là một hệ tư tưởng chính trị - đã có những điều chỉnh khá rõ nét.

Thời đại toàn cầu hóa đã chứng kiến sự ra đời của chủ nghĩa tự do mới (new liberalism) và chủ nghĩa tân tự do. Chủ nghĩa tự do mới, hay còn gọi là “chủ nghĩa tự do xã hội” (social liberalism) thừa nhận vai trò can thiệp của nhà nước trong việc đảm bảo điều kiện tối thiểu cho sự tồn tại của cá nhân. Những người theo chủ nghĩa tự do mới thấy khó duy trì niềm tin rằng quá trình toàn cầu hóa mang lại sự thịnh vượng và tự do chung cho tất cả mọi người. Mặc dù cho rằng cá nhân là cơ sở của luật pháp và xã hội; xã hội và những thiết chế của nó phải tạo điều kiện bình đẳng giúp cho cá nhân thực hiện mục đích của mình chứ không phải bắt cá nhân làm theo quy định của xã hội và nhà nước, nhưng khi nhà nước tối thiểu không có khả năng khắc phục những bất công và bất bình đẳng xã hội, những người tự do hiện đại ủng hộ sự can thiệp của nhà nước, coi đó là vai trò đúng đắn của nhà nước. Họ ủng hộ sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước đến thị trường tự do, thường dưới hình thức các đạo luật chống phân biệt, phổ cập giáo dục và đánh thuế lũy tiến. Triết lý này thường được mở rộng sang cả niềm tin rằng, chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra phúc lợi chung, trong đó có cả trợ cấp thất nghiệp, nhà ở cho người không nơi cư trú và chăm sóc y tế cho người bệnh.

Chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism), còn gọi là “chủ nghĩa tự do thể chế” (institutional liberalism) hay chủ nghĩa tự do hiện đại (modern liberalism) ra đời vào những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Khác với trường phái tự do cổ điển tập trung vào câu hỏi chiến tranh hay hòa bình, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước. Tuy không phủ nhận hoàn toàn vai trò của nhà nước, chủ nghĩa tân tự do chủ trương một nhà nước tối thiểu, nhà nước phải giảm bớt sự can thiệp vào kinh tế để các tập đoàn tư bản được hoàn toàn tự do kinh doanh.

Chủ nghĩa tự do đã có những dấu ấn quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa. Chủ nghĩa tân tự do liên kết chặt chẽ với toàn cầu hóa kinh tế đến mức nhiều nhà bình luận coi toàn cầu hóa ngày nay là “toàn cầu hóa tân tự do” với xu hướng nổi bật là hướng tới hòa bình, luật pháp và trật tự quốc tế nhờ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nền dân chủ tự do đã phát triển vượt ra ngoài phương Tây và trở thành một thế lực trên toàn thế giới trong khi các phương tiện truyền thông hằng ngày lan truyền ý tưởng công lý “vượt ra ngoài biên giới” cũng như ý tưởng về công lý toàn cầu, thường dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do.

Không chỉ chủ nghĩa tự do, mà chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng có những điều chỉnh quan trọng. Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đã chứng kiến một quá trình thoái trào về ý thức hệ đối với các đảng dân chủ xã hội trên toàn cầu. Để đối phó thành công với áp lực bầu cử, những người dân chủ xã hội đã buộc phải sửa đổi hoặc “hạ thấp” niềm tin hệ tư tưởng của họ. Ở thời kỳ thịnh vượng nhất của mình, các đảng dân chủ xã hội đã nắm quyền ở hầu hết các nền dân chủ, ngoại trừ Bắc Mỹ và đã có những cải cách xã hội đáng kể khi nắm quyền (thường liên quan đến việc mở rộng cung cấp phúc lợi và quản lý kinh tế), nhưng họ chắc chắn không chủ trì bất kỳ chuyển đổi xã hội cơ bản nào.

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, giai cấp công nhân truyền thống giảm về quy mô, số lượng và không còn mang lại cho các đảng dân chủ xã hội đa số cử tri, họ buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tầng lớp xã hội khác, hoặc chia sẻ quyền lực với tư cách là liên minh đối tác với các đảng trung lưu. Cả hai lựa chọn đều yêu cầu các đảng dân chủ xã hội sửa đổi các cam kết hệ tư tưởng của họ và kết quả là họ phải đối mặt với việc vừa không tương đồng với cộng đồng cử tri, vừa không đại diện được cho lợi ích các đảng viên của đảng.

3. Sự xuất hiện của các hệ tư tưởng mới

Có thể khái quát về sự xuất hiện của một số hệ tư tưởng mới như sau:

Một là, chủ nghĩa sinh thái (còn gọi là “hệ tư tưởng xanh”). Hệ tư tưởng này được coi là đã khám phá ra địa hạt tư tưởng mới dựa trên niềm tin rằng tự nhiên là một tổng thể được kết nối với nhau(6). Các nhà tư tưởng xanh nghi ngờ giả định của các hệ tư tưởng chính trị thông thường lấy con người làm trung tâm và cố gắng định hướng lại mối quan hệ của con người với thế giới “phi nhân loại” thông qua chuyển đổi ý thức con người và cấu trúc lại hoàn toàn trách nhiệm đạo đức. Có thể nhìn nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa sinh thái trong quá trình toàn cầu hóa qua hai vấn đề nổi bật: Sự phát triển của các phong trào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa sinh thái, một thế hệ mới các nhóm áp lực, các nhà hoạt động - từ tổ chức Hòa bình xanh, Quỹ Thiên nhiên toàn cầu, Những người bạn của Trái đất đến các nhà hoạt động giải phóng động vật và các nhóm “chiến binh sinh thái” -  đã lên tiếng về các vấn đề như ô nhiễm môi trường, sự sụt giảm nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch, chặt phá rừng và thử nghiệm trên động vật. Từ những năm 1980 trở đi, các câu hỏi về môi trường giữ ở vị trí cao trong chương trình nghị sự chính trị bởi các Đảng Xanh hiện đã tồn tại ở hầu hết các nước công nghiệp. Các phong trào này  ngày càng tác động đến các chính sách quốc gia và quốc tế cũng như thu hút sự quan tâm của các phong trào chống toàn cầu hóa. Điều này bắt nguồn từ niềm tin rằng, chủ nghĩa công nghiệp và các giá trị nền tảng - cá nhân cạnh tranh, chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng - đã trở nên sâu sắc hơn do kết quả của nền kinh tế toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa - theo nghĩa này - là một dạng của chủ nghĩa siêu công nghiệp. Trọng tâm chính của những lời chỉ trích thường là các chính sách của các tổ chức chịu trách nhiệm quản lý hệ thống toàn cầu hiện đại như  WTO, WB... với các phong trào rộng khắp thế giới.

Chủ nghĩa sinh thái nhấn mạnh khái niệm về giới hạn và sự cạn kiệt của cải. Công nghiệp hóa và sự sung túc được mang đến nhờ khai thác trữ lượng than, khí đốt và dầu mỏ, những nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo. Con người đã mắc sai lầm khi coi năng lượng có thể và liên tục tăng thêm; kết quả là các nguồn nhiên liệu hữu hạn sắp cạn kiệt và khi đó, trái đất tiến gần đến sự tan rã vì không đủ nguồn năng lượng thay thế để bù đắp lượng than, dầu khí mất đi. Ý tưởng về “phát triển bền vững” đã được thúc đẩy bởi Báo cáo Brundtland năm 1987 và bởi “Hội nghị thượng đỉnh Trái đất” ở Rio năm 1992. Ngày nay, phong trào Xanh có định hướng toàn cầu rõ rệt, được phản ánh trong mối quan tâm mạnh mẽ đối với toàn cầu hóa và những hoạt động liên minh với các phong trào chống toàn cầu hóa. Phát triển bền vững được đưa vào như một mục tiêu trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia.

Hai là, chủ nghĩa đa văn hóa. Thuật ngữ “chủ nghĩa đa văn hóa” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1965 để mô tả một cách tiếp cận đặc biệt nhằm giải quyết vấn đề đa dạng văn hóa. Tất cả các hình thức đa văn hóa đều dựa trên giả định rằng, sự đa dạng và sự thống nhất có thể và nên được hòa trộn với nhau. Thừa nhận sự đa dạng văn hóa là nền tảng cho sự ổn định chính trị, là liều thuốc giải cho sự phân cực xã hội và định kiến. Sự đa dạng văn hóa được coi là có lợi cho xã hội giống như đa dạng sinh học mang lại lợi ích cho hệ sinh thái. Vấn đề đặt ra là tìm kiếm cách thức để những người có các giá trị đạo đức khác nhau, từ các nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể chung sống mà không có xung đột dân sự và bạo lực. Hệ tư tưởng này đặc biệt nổi bật trong các cuộc tranh luận chính trị lớn vào những năm 1990, với sự gia tăng rõ rệt của tình trạng di dân và các xã hội phải đối mặt với thách thức hòa giải sự đa dạng văn hóa với việc duy trì sự gắn kết chính trị. Các nhà đa văn hóa cho rằng, quyền công dân và bình đẳng về cơ hội là không đủ, vì các nhóm văn hóa thiểu số bị thiệt thòi trong mối quan hệ với các nhóm đa số và điều này chỉ có thể được khắc phục thông qua các thay đổi trong các quy tắc và thể chế của xã hội.  

Trong thời đại toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa văn hóa có ảnh hưởng khá rõ nét, vì một trong những đặc điểm chính của toàn cầu hóa là sự gia tăng đáng kể tính di động địa lý xuyên biên giới, đưa đến việc xây dựng các xã hội đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa. Kết quả là, ngày càng có nhiều xã hội chấp nhận đa nguyên văn hóa và đạo đức trong các xã hội hiện đại và trong quá trình toàn cầu hóa như một xu hướng không thể phủ nhận. Vì vậy, trên thực tế, chủ nghĩa đa văn hóa có thể đưa đến những chia rẽ chứ không phải hòa hợp giữa các dân tộc. Sự ra đời của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” đã đưa vấn đề đa văn hóa vào chương trình nghị sự các cấp. Trong khi những người ủng hộ chủ nghĩa đa văn hóa lập luận rằng thừa nhận văn hóa và các quyền thiểu số giúp ngăn chặn các hành động chính trị cực đoan, thì những người phản đối cảnh báo rằng chính trị đa văn hóa có thể là tấm áo ngụy trang, thậm chí có thể hợp pháp hóa các hành động này. Nhưng, một khi chủ nghĩa đa văn hóa thất bại sẽ dẫn đến sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc trừ khi khi mọi người trên khắp thế giới đều xem mình là những công dân toàn cầu, đoàn kết bởi lợi ích chung trong việc giải quyết các vấn đề sinh thái, xã hội và các thách thức khác ngày càng có tính chất toàn cầu - điều khó có thể đạt được trong tương lai gần.

Như vậy, trong sự tác động nhiều chiều của toàn cầu hóa, vấn đề hệ tư tưởng vẫn được khẳng định là vấn đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Những giá trị cốt lõi, vai trò, vị trí của hệ tư tưởng cần được nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện để xác định đúng phương hướng và cách thức góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

TS BÙI VIỆT HƯƠNG

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền