Trang chủ    Quốc tế    Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giai đoạn 2011 - 2020
Thứ năm, 17 Tháng 10 2013 10:57
5522 Lượt xem

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giai đoạn 2011 - 2020

(LLCT) - Những năm sau giải phóng (1975), Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xây dựng, phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phi thị trường. Tuy đạt được một số thành tựu trong khôi phục và phát triển kinh tế, nhưng mô hình này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, không thể giải quyết được vấn đề phát triển, rốt cuộc sau năm 1986 Lào đã phải tiến hành cải cách, đổi mới, mở cửa để phát triển kinh tế theo hướng XHCN. Thực chất của cải cách, đổi mới kinh tế kế hoạch hóa tập trung là chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập nền kinh tế vào tiến trình phát triển hiện đại toàn cầu. Sự cải cách và đổi mới này đã thay đổi căn bản con đường, mô hình phát triển kinh tế của Lào, nhờ đó đã giải thoát nền kinh tế khỏi sự trì trệ và tạo ra một sự tăng trưởng khá cao, đưa nền kinh tế tới điểm cất cánh.

Lào là một nước ở Đông Nam châu Á, có quan hệ gắn bó, truyền thống hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam từ lịch sử xa xưa đến hiện nay. Mối quan hệ anh em đoàn kết đặc biệt, tình hữu nghị trong sáng thủy chung đó luôn được vun đắp ngày càng bền vững và là nhân tố góp phần đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước. Đồng thời, đất nước Lào có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế trong tương lai như: lực lượng lao động cần cù, chăm chỉ trong sản xuất, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, vị trí địa lý tương đối thuận lợi, điều kiện chính trị - xã hội ổn định,... Lào cũng là nước có đường biên giới đất liền tiếp giáp với 5 nước trong đó có Trung Quốc là một thị trường lớn nhất trên thế giới.

Với những điều kiện thuận lợi trên, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2011) Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng XHCN. Để triển khai đường lối của Đảng vào thực tiễn, Chính phủ CHDCND Lào đã xây dựng và vạch ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 xác định các phương hướng, mục tiêu cơ bản, lâu dài, những nhiệm vụ kinh tế - xã hội tầm vĩ mô, dài hạn phát triển đất nước, đồng thời cũng xác định những phương tiện, biện pháp để thực hiện thành công các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đó.

Mục đích chung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 là xây dựng đất nước Lào trở thành một nước ổn định vững chắc về chính trị, an ninh, an toàn về xã hội, đảm bảo giữ vững tốc độ phát triển kinh tế liên tục, nâng cao đời sống của nhân dân gấp 3 lần so với hiện nay, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục thực hiện một số quan điểm chiến lược giai đoạn trước (2001 - 2010), nhất là quan điểm về thực hiện các khâu đột phá đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Đồng thời, nắm chắc những chủ trương, đường lối, chính sách của Đại hội IX của Đảng NDCM Lào, làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VII (2011 - 2015), thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau, chế độ chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội cũng khác nhau nên mỗi quốc gia có một chiến lược phát triển khác nhau với những mục tiêu chính, những vấn đề cần tập trung giải quyết trước để mở đường cho sự phát triển, cho nên mỗi quốc gia có các yếu tố cấu thành sự phát triển khác nhau. Đối với CHDCND Lào, có 5 yếu tố cấu thành sự phát triển đó là kinh tế, kỹ thuật, xã hội, chính trị và văn hóa, trong đó trật tự an ninh chính trị và xã hội là quan trọng nhất, còn kinh tế, kỹ thuật và văn hóa là cơ bản.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Lào, nông nghiệp còn giữ vai trò quan trọng không chỉ trong giai đoạn 2011 - 2020, mà còn trong nhiều năm sau đó, vì Lào đi lên từ một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu. Do đó, nông nghiệp phải được phát triển trước làm cơ sở nền tảng cho phát triển công nghiệp. Huy động thặng dư của nông nghiệp để công nghiệp hóa. Phải đẩy mạnh chiến lược cách mạng xanh, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thúc đẩy sự phát triển. Phải giải quyết mối quan hệ cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, tạo nên sự tương trợ lẫn nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp trong tiến trình phát triển.

Nhìn lại sự phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 của Lào có thể thấy một số thành quả rất quan trọng. Thông qua việc thực hiện chiến lược và các kế hoạch kinh tế - xã hội, nền kinh tế Lào phát triển liên tục và ổn định. Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ V (2001-2005), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân hằng năm 6,3%; thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ VI (2006 - 2010), GDP tăng bình quân 7,9%. Tính chung trong 10 năm (2001 - 2010), GDP tăng bình quân hàng năm 7,1%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 2,8%, công nghiệp 10,5%, dịch vụ 9,2%. Cơ cấu các ngành kinh tế đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ năm 2000 đến năm 2010, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm từ 46,2% xuống còn 28,9%; công nghiệp tăng từ 17,9% lên 25,6%; dịch vụ tăng từ 30,4% lên 39,2%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng từ 325 đôla năm 2000 lên 1.069 đôla năm 2010 và năm 2011 có thể đạt 1.233 đôla. Do vậy, Ngân hàng thế giới đã nhận xét Lào là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và ổn định. (Xen thêm các bảng dưới đây).

                                           Biểu 1: Tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập đầu người

Chỉ tiêu

2001-2005

2006-2010

2001-2010

Kế hoạch

Đạt

Kế hoạch

Đạt

Đạt

GDP

7 - 7,5%

6,3%

7,5 - 8%

7,9%

7,1%

Thu nhập đầu người (USD)

500 - 550

491

700 - 750

1.069

1.069

                                                                        Biểu 2: Cơ cấu kinh tế

Ngành kinh tế

2000

2005

2010

Nông lâm - nghiệp

46,2%

34,9%

28,9%

Công nghiệp

17,9%

21,4%

25,6%

Dịch vụ

30,4%

37,4%

39,2%

Trong giai đoạn 10 năm qua (2001 - 2010), tỷ lệ lạm phát bình quân 7,7% năm; tình hình tỷ giá hối đoái có xu hướng ổn định với biên độ giao động không vượt quá 5%. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 tăng gấp 2 lần so với năm 2001; tỷ lệ đầu tư bình quân cả nước chiếm 34% GDP, trong đó vốn đầu tư tư nhân (nước ngoài và trong nước) chiếm 57,5% và vốn đầu tư của Nhà nước chiếm 42,4%. Huy động vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,8 tỷ đôla, trong đó công nghiệp chiếm 70,7% (thủy điện 39,6%, khai thác mỏ 22,8%, chế biến 8,3%), nông nghiệp chiếm 8,2% và dịch vụ chiếm 21,2%. Giảm tỷ lệ thâm hụt thương mại trên GDP từ 10,79% (năm 2005) xuống còn 3,8% (năm 2010). Tỷ lệ tăng dân số bình quân 2,1%/năm; cơ cấu lao động cũng đã được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho nên đã tác động đến lao động ngành nông - lâm nghiệp giảm từ 78,5% (năm 2005) xuống còn 70% (năm 2010), công nghiệp tăng từ 4,8% lên 7%, dịch vụ tăng từ 16,7% lên 23%.

Phát huy những thành tựu và kinh nghiện thu được trong quá trình thực hiện chiến lượng phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 sẽ bao gồm 2 chiến lược lớn:           

1. Chiến lược phát triển nhằm xây dựng và phát triển đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Để đạt được mục tiêu đó phải tập trung vào phát triển các ngành kinh tế sao cho vừa có tốc độ phát triển cao vừa bền vững, phát triển nguồn nhân lực, giảm bớt những vấn đề bất ổn, mất cân đối về kinh tế.

2. Chiến lược phát triển nhằm phát triển những ngành ưu tiên như: Phát triển và giữ vững ngành nông - lâm nghiệp để đảm bảo về lương thực và đáp ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác; Phát triển vững chắc một số ngành công nghiệp lớn, công nghiệp trọng yếu làm tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế đất nước; Quy hoạch khu vực phát triển bao gồm: khu vực công nghiệp; khu vực kinh tế đặc biệt - riêng - biên giới; khu vực trung tâm kinh tế với việc xây dựng thủ đô Viêng Chăn trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, trung tâm dịch vụ quốc tế và các địa điểm du lịch liên kết với quốc tế; Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nối liền nội địa và khu vực; Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội với mạng lưới giáo dục ở tất cả các bản làng, tất cả các huyện và tất cả các tỉnh thành trong cả nước, trong đó tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là nâng cao trình độ đào tạo, như mở đào tạo tiến sĩ tại Đại học quốc gia ở Thủ đô Viêng Chăn, đào tạo thạc sĩ ở Đại học Luang Prabang và đào tạo đại học ở Chăm Pa Sắc; Xây dựng một bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực ở thủ đô Viêng Chăn và các bệnh viện mức độ trung bình ở ba miền Bắc, Trung, Nam; Bảo vệ các khu rừng quốc gia và trồng rừng sao cho diện tích che phủ rừng chiếm 65% diện tích cả nước; Thực hiện nghĩa vụ quốc tế, tạo năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; Xây dựng biện pháp đối phó với những tác động từ thiên nhiên. 

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 còn quy định mục tiêu phấn đấu cụ thể như sau:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 8% - 8,5%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 3,5% chiếm 18,5% trong GDP, ngành công nghiệp tăng 15% chiếm 47% trong GDP và dịch vụ tăng 6,5% chiếm 32% trong GDP; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.807 đôla/năm; tỷ lệ lạm phát tăng chậm hơn sự phát triển kinh tế; tỷ giá hối đoái ổn định, giá trị tiền kíp (tiền Lào) tăng giảm không quá 5%/năm so với các đồng ngoại tệ chính trên thế giới; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 18%/năm, giá trị thương mại so với GDP tăng hơn 100%; phấn đấu thu ngân sách đạt 19% - 21% GDP, khống chế thâm hụt ngân sách trong khoảng từ 3% - 5% GDP; đầu tư xã hội bằng khoảng từ 30% - 32% GDP. Mục tiêu xã hội là phát triển nguồn nhân lực, cải thiện tỷ lệ dân cư thiếu lương thực, tỷ lệ trẻ em tử vong, tỷ lệ trẻ em đến độ tuổi đi học và tỷ lệ người lớn biết chữ.

- Mục tiêu giảm bớt mạo hiểm và bất ổn về kinh tế, phấn đấu đạt khoảng 45 theo tiêu chuẩn UNDP, cho nên cần phải quan tâm tăng cường phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu cải thiện tình hình môi trường sinh sống thông qua các mô hình thân thiện với tự nhiên, quy định những biện pháp bảo vệ môi trường và đối phó với thảm họa thiên nhiên có thể xuất hiện trong tương lai.

Ngoài ra, Đảng và Chính phủ Lào còn quy đinh một số biện pháp thực hiện để đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là đổi mới theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Huy động, khai thác và vận dụng mọi nguồn lực, nguồn vốn từ mọi phần kinh tế vào sự phát triển có trọng tâm, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực thi chính sách dân số và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cải thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng vững chắc hiện đại về kinh tế - xã hội, đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, tiếp tục thực thi chính sách mở rộng, nhất quán về quan hệ hợp tác quốc tế, thực thi chính sách văn hóa xã hội nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường trách nhiệm và hiệu lực về quản lý Nhà nước đối với kinh tế - xã hội.

Tóm lại,Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2011-2020 là một “Cương lĩnh kinh tế cơ bản” của Đảng, một thử thách to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Để thực hiện thành công chiến lược phát triển đó toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lào phải ra sức phấn đấu triển khai có hiệu quả 4 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng NDCM Lào đã đề ra, phấn đấu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020 và thực hiện thành công mục tiêu: “Xây dựng nước mạnh, dân giàu, xã hội đoàn kết hòa hợp, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Vanalat Chayyavong

 

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền