Trang chủ    Quốc tế    Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) - 20 năm nhìn lại
Thứ năm, 17 Tháng 10 2013 11:06
5610 Lượt xem

Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) - 20 năm nhìn lại

(LLCT) - Đến cuối tháng 12-2011, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tròn 20 năm. Đó là 20 năm các nước từng là thành viên của Liên Xô thực hiện một dạng thức liên kết mới, rất cần có một cái nhìn tổng quan, đánh giá một cách chân xác nhất ở mức độ có thể về những gì đã xảy ra ở SNG trong quãng thời gian đó.

Những thành công

Thứ nhất, nhờ sự ra đời của SNG mà việc phân định ranh giới giữa các nước cộng hòa Xô viết cũ về cơ bản đã không gây ra những biến động xấu  về địa - chính trị.

Có thể nói, nhờ sự ra đời của SNG mà sự giải thể của Liên Xô thành 15 quốc gia độc lập đã diễn ra không đến nỗi hỗn loạn, đường biên giới mới của các quốc gia mới độc lập về cơ bản được giữ nguyên (mặc dù ở một số nước vẫn có những tranh chấp lãnh thổ). Có thể coi việc ra đời SNG đã giúp tránh được “sự đổ vỡ tan tành” của Liên Xô. Hơn nữa, SNG đã đề ra những nguyên tắc quan hệ quốc tế mới giữa những quốc gia độc lập, có chủ quyền, là chủ thể pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận, về tổng thể vẫn giữ được tình hữu nghị lâu đời giữa các nước trong Cộng đồng.  Nhìn lại những biến động dữ dội và phức tạp của tình hình chính trị thế giới, của Liên Xô, của các nước Trung, Đông Âu cuối những năm 80 - đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta càng thấy rõ hơn thành tựu quan trọng này của SNG.

Thứ hai, SNG đã xây dựng được một bộ máy vận hành liên quốc gia cho phép tất cả các thành viên của Cộng đồng đều có thể tham gia vào bất kỳ tiến trình liên kết nào mà họ quan tâm.

Sau khi thành lập, SNG đã hình thành từng bước bộ khung của SNG, từ các cơ quan cao nhất đến các cơ quan điều hành hoạt động. Các thể chế của SNG dần dần được hoàn thiện. Cùng với đó, SNG đã tạo ra được những điều kiện pháp lý cho hợp tác công bằng trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên độc lập, ủng hộ sự lựa chọn đường lối xây dựng đất nước riêng, chính sách đối ngoại riêng, mô hình cải cách kinh tế riêng của mỗi quốc gia trong Cộng đồng.

Thứ ba, SNG đã góp phần duy trì hòa bình, bảo đảm an ninh cho các nước thành viên.

Sự giải thể của Liên Xô đã làm gia tăng các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với tất cả các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Có một vấn đề rất đáng lưu ý là việc xử lý kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà Liên Xô để lại. Số vũ khí này được bố trí trên lãnh thổ 4 nước: Nga, Ukraina, Bêlarút và Cadắcxtan. Thực trạng này đặt ra những nguy cơ rất lớn về vấn đề an toàn hạt nhân, về nguy cơ thất thoát vũ khí hạt nhân vào tay các lực lượng khủng bố,... Trước tình hình đó, dù gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, song cuối cùng vấn đề này đã được giải quyết ổn thỏa, khi chỉ nước Nga được công nhận là quốc gia sở hữu kho vũ khí nguy hiểm này. Có thể coi đây là một thành công quan trọng của Nga và các nước SNG.

Ngoài ra, một số cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quân sự - an ninh cũng đã ra đời, thực hiện được phần nào chức năng giải quyết các tranh chấp quân sự và các xung đột vũ trang. SNG đã xây dựng được một nền tảng luật pháp liên quốc gia cho hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, buôn lậu ma tuý, tội phạm kinh tế, buôn người, xâm phạm bản quyền và một số loại tội phạm khác. SNG cũng đạt được những thành công nhất định trong việc đối phó với những đe dọa an ninh phi truyền thống. Hoạt động hợp tác xuyên suốt giữa các nước SNG từ khi thành lập là hợp tác chống tội phạm, chống khủng bố quốc gia và quốc tế, giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp, chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Cơ chế hợp tác đáng kể nhất trong lĩnh vực quân sự - an ninh là Hiệp ước an ninh tập thể (DKB)được 6 nước Acmênia, Cadắcxtan, Ciêcgixtan, Nga, Tadikixtan và Udơbêkixtan ký tháng 5-1992 (về sau, Bêlarút cũng tham gia nhưng Udơbêkixtan lại rút khỏi DKB). Sau đó, vào tháng 10-2002, DKB đã nâng lên thànhTổ chức hiệp ước an ninh tập thể (ODKB)và đây là bước tiến quan trọng nhằm củng cố cơ cấu tổ chức và nâng cao quy chế pháp lý của tổ chức này. Nhờ hoạt động tích cực của Nga trong ODKB và sự quảng bá cho nó trên các diễn đàn quốc tế mà tổ chức này đã được cấp quy chế quan sát viên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, được Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) công nhận.

Thứ tư, SNG đã, một mặt góp phần ngăn chặn sự phá sản về mặt kinh tế của các nước thành viên; mặt khác giúp cải thiện và nâng cao sức mạnh kinh tế của các nước thành viên.

Những năm đầu sau khi Liên Xô giải thể, nền kinh tế tất cả các nước Liên Xô cũ rơi vào suy thoái trầm trọng, mà những nguyên nhân cơ bản là do hậu quả tiêu cực trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội từ sự giải thể Liên Xô để lại. Để khắc phục những hậu quả tiêu cực này, tiến trình liên kết kinh tế SNG đã được khởi động, thông qua việc thành lập nhiều cơ chế hợp tác khác nhau, số lượng thành viên tham gia cũng khác nhau. Thí dụ Ủy ban kinh tế liên quốc gia(1994), Cộng đồng kinh tế Âu - Á (1995), Không gian kinh tế thống nhất (2003), mà bước tiến đáng kể nhất là Khu vực thương mại tự do (2011). Cụ thể là tại cuộc gặp của 11 Thủ tướng chính phủ các nước SNG ngày 18-10-2011, Hiệp định về khu vực thương mại tự do trong khuôn khổ SNG đã được ký kết (8 nước đã ký, riêng 3 nước Adecbaidan, Udơbêkixtan, Tuốcmênixtan chưa ký, nhưngtuyên bố sẽ xem xét để tham gia vào cuối năm 2011). Tại cuộc gặp nói trên, Thủ tướng Nga V.Putin nói: “Kim ngạch thương mại giữa các nước SNG trong nửa đầu năm nay (2011) đã tăng lên 48% và vượt qua 134 tỷ USD. Khi chưa có thỏa ước mà chúng ta đã phát triển với tốc độ như vậy, thì có thể hình dung khi Khu vực thương mại tự do hình thành, kim ngạch thương mại của chúng ta sẽ phát triển đến mức nào”(1). Rõ ràng đây là một bước tiến quan trọng của liên kết kinh tế, tạo cơ sở cho liên kết chính trị SNG lên tầm cao hơn.

Thứ năm, hợp tác liên kết giữa các nước SNG trên một số lĩnh vực khác cũng đạt được những thành tựu nhất định.

 Trên lĩnh vực văn hoá, đã thu được nhiều thành tựu trong việc tiếp tục phát triển mối quan hệ văn hoá truyền thống lâu đời giữa các nước thành viên SNG. Hoạt động hợp tác này được xem là một trong các yếu tố quan trọng thúc đẩy các quá trình liên kết trong các lĩnh vực khác. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tuy cơ sở pháp lý cho hợp tác chưa hoàn thiện, nhưng các quốc gia đều quan tâm và xúc tiến mọi hoạt động để xây dựng được một không gian giáo dục chung, thống nhất giữa các nước. Trên lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin, các nước SNG đã tạo điều kiện cho việc thực hiện các biện pháp  nâng cao hoạt động của hệ thống phát thanh truyền hình SNG nhằm củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa các nước thành viên.

Những hạn chế, yếu kém

Có thể nói, so với những thành công, những hạn chế, yếu kém trong liên kết SNG có phần nhiều hơn, cụ thể là:

Thứ nhất,liên kết chính trị mang tính hình thức, nặng về những tuyên bố, tuyên ngôn chung chung, nhẹ về hiệu quả hợp tác thực tế, nên chưa thu hút sự quan tâm đúng mức của các nước thành viên. SNG thiếu sự gắn kết, phối hợp với nhau trong xử lý các vấn đề của khối cũng như trên trường quốc tế. 

Thứ hai,cùng với sự vận động phức tạp của thế giới và khu vực, sự trưởng thành của các quốc gia SNG với tư cách là các chủ thể quan hệ quốc tế, đường lối chính trị của các nước này ngày càng có xu hướng tách rời Nga. Từ số thành viên ban đầu là 12 nước, về sau một số nước tỏ ra không mặn mà với SNG, riêng Grudia năm 2009 đã tách hẳn ra khỏi SNG.

Thứ ba,xu thế phân liệt, chia rẽ trên lĩnh vực quân sự - an ninh thể hiện ngày càng rõ trong SNG. Một số nước SNG bộc lộ ý muốn thoát khỏi “vòng ảnh hưởng” của Nga, nghiêng về Mỹ và các nước phương Tây. Họ bắt đầu điều chỉnh cơ cấu quân sự của mình theo các tiêu chuẩn của NATO, tham gia từng phần vào các cơ chế của NATO.

 Thứ tư, tiến trình liên kết kinh tế SNG diễn ra rất chậm chạp, mức độ liên kết yếu ớt. Dù các nước SNG đã ký với nhau rất nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế với các dạng thức khác nhau, song trên thực tế, thật đáng tiếc, các điều khoản của những văn bản, hiệp định này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Vai trò của SNG cả trên lĩnh vực kinh tế - thương mại cũng khá mờ nhạt.

Nguyên nhân của những thành công

Thứ nhất, bối cảnh ra đời của các nước SNG chứa đầy những nguy cơ đe dọa nền độc lập non trẻ của họ. Sự giải thể của Liên Xô vừa đặt ra những  thách thức rất mới và rất khác, vừa để lại những vấn đề nan giải ở tất cả các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, liên quan đến nhiều mặt của tất cả các nước thuộc Liên Xô trước đây. Vì vậy, thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa các nước SNG với vai trò trụ cột của Nga trở thành nhu cầu cấp bách của các nước SNG.

Thứ hai,trong suốt nhiều thập niên cùng chung sống dưới một mái nhà chung, các nước cộng hòa Xôviết cũ đã gắn bó máu thịt với nhau qua biết bao những biến cố, những hiểm nguy, những trận chiến khốc liệt vì sự sống còn của Tổ quốc. Do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, Liên Xô đã bị giải thể, nhưng đối với rất nhiều người dân Liên Xô, ký ức về một thời oanh liệt, hào hùng, chiến đấu, hy sinh, lao động quên mình để bảo vệ và xây dựng Liên Xô hùng cường là không thể phai mờ. Đây là một nguyên nhân sâu xa để các nước SNG thúc đẩy sự liên kết giữa họ chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Thứ ba, các nhà lãnh đạo các nước SNG hiểu rằng, bước quá độ sang kinh tế thị trường là một quá trình lâu dài, và quá trình đó còn kéo dài hơn nữa nếu thực hiện chính sách kinh tế biệt lập. Hiện thực đời sống kinh tế ở SNG chỉ ra rằng, chỉ có thể sử dụng một cách có hiệu quả những thành tố quyết định sự giàu có trên lãnh thổ “hậu Xôviết” (như các cơ sở sản xuất của các ngành mũi nhọn trong chế tạo máy, hóa học, hoá dầu, tổ hợp công nghiệp quân sự, các xí nghiệp sản xuất những hàng hoá tiêu dùng phức tạp về mặt kỹ thuật, các công trình kết cấu hạ tầng về giao thông và năng lượng điện) trong sự phối hợp với các thành tố khác của nền kinh tế thống nhất trước kia. Mặt khác, nhu cầu của các nước SNG về cung cấp sản phẩm cho nhau vẫn tồn tại, vì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới chưa cao.Có thể nói, liên kết kinh tế trong SNG đáp ứng lợi ích của tất cả các nước. Việc mới đây những người đứng đầu chính phủ 8 nước SNG đạt được thỏa thuận để ký Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do trong khuôn khổ SNG (đã nói trên) cũng do họ ý thức được một cách sâu sắc hơn tầm quan trọng và lợi ích thu được từ liên kết SNG.

Thứ tư, nền kinh tế các nước SNG vẫn có sự phụ thuộc khá nhiều vào Nga. Về phần mình, Nga đã có sự hỗ trợ không nhỏ cho các nước SNG, như xoá các khoản nợ hàng tỷ USD, trợ cấp giá nhiên liệu, tạo điều kiện cho hàng chục triệu công dân của các nước SNG lao động tại Nga, nhất là các nước Trung Á. Những nước này có nhiều tiềm năng kinh tế như tài nguyên thiên nhiên, khả năng phát triển thuỷ điện, nhưng chúng chỉ có thể được khai thác hiệu quả nhất với sự tham gia về vốn, công nghệ của Nga. Do vậy, để phát triển kinh tế, liên kết với Nga là sự lựa chọn khôn ngoan nhất của các nước Trung Á. Nhìn từ góc độ khác, liên kết kinh tế SNG là con đường duy nhất để giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ giữa các dân tộc.

Thứ năm,do những tác động mạnh của xu thế khu vực hóa diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Ở hướng Tây, EU và NATO có số thành viên ngày càng tăng thêm mãi, và cùng với đó là hợp tác, liên kết ngày càng đi vào chiều sâu. Ở hướng Đông, sự phát triển của ASEAN cũng được coi là một hình mẫu thành công. Trong khi gia nhập EU và NATO đối với nhiều nước SNG là xa vời, thì họ thấy rằng con đường hợp lý và thuận lợi hơn cả là liên kết lại với nhau.

Nguyên nhân của những hạn chế

 Nguyên nhân bên trong

- Về cơ cấu tổ chức: trong khuôn khổ SNG, đã và đang tồn tại quá nhiều các thể chế hợp tác liên kết với những quy mô khác nhau nhưng không hiệu quả. Quan trọng hơn, trong tất cả các thể chế đó, không có một thể chế nào đủ mạnh để điều phối tiến trình liên kết. SNG thiếu vắng một thể chế siêu quốc gia trong các thể chế của nó. Cùng với đó là dù có hàng loạt các văn bản thoả thuận được ký, nhưng phần lớn các điều khoản trong đó không được thực hiện (hơn 70% trong tổng số 1.600 văn bản được thông qua chưa được thực hiện). Thoả thuận và hành động thực tế không đồng nhất đã chứng tỏ sự liên kết kém hiệu quả của SNG.

- Trên lĩnh vực chính trị: có thể thấy rằng, mặc dù lãnh đạo các nước SNG đã có những cố gắng nhất định thúc đẩy tiến trình liên kết chính trị, nhưng nhìn tổng thể, liên kết chính trị vẫn rất yếu ớt. Theo nhiều nhà nghiên cứu, những khác biệt văn hoá - xã hội và sự tồn tại những giá trị chính trị khác nhau là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự yếu ớt này. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn là một yếu tố tác động khá mạnh đến liên kết chính trị. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau là một nguyên nhân cơ bản làm cho liên kết trên lĩnh vực chính trị của các nước SNG khá lỏng lẻo.

- Trên lĩnh vực quân sự - an ninh: những cơ chế hợp tác của các nước SNG trên lĩnh vực này nhìn chung chưa thật rõ ràng, một số cơ chế chỉ tồn tại một cách hình thức, một số không đủ các điều kiện để thực hiện các chức năng của mình nên trên thực tế kết quả hợp tác chưa đáp ứng mong muốn của các nước thành viên.

- Trên lĩnh vực kinh tế: Thứ nhất, trong SNG chưa có sự thống nhất chính trị cao, còn tồn tại rất nhiều những mâu thuẫn. Xu hướng ly tâm tác động không nhỏ đến sự gắn kết trong các tổ chức kinh tế. Thứ hai, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước, giữa nước Nga và các nước SNG khác đã cản trở liên kết kiểu mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa các nước, nhất là giữa Nga và các nước SNG khác. Thứ ba, cải cách kinh tế ở từng nước SNG được tiến hành với tốc độ và chiều sâu khác nhau, nhất là việc có những nước muốn giành lấy lợi riêng cho mình, giải quyết vấn đề của mình dựa trên các đối tác. Thứ tư, cạnh tranh giữa Mỹ và phương Tây với Nga trong không gian SNG đã khiến nhiều nước dao động, ngả về phương Tây, xa rời tâm Nga, từ đó làm lỏng lẻo tiến trình liên kết kinh tế SNG. Thứ năm, sự suy giảm vai trò của Nga trên trường quốc tế cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến hợp tác nội khối. Từ khi V.Putin lên nắm quyền, vai trò của Nga trên trường quốc tế đã được cải thiện đáng kể, nhưng nó vẫn chưa đủ để ổn định tình hình khu vực vốn đã hết sức phức tạp.

 Nguyên nhân bên ngoài:

Có thể thấy có khá nhiều những thế lực bên ngoài đã và đang triển khai cuộc giành giật quanh đường hướng vận động của các nước SNG trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự - an ninh, kinh tế - thương mại..., nhưng rõ nhất là Mỹ và các nước Tây Âu. Cho đến nay, Mỹ và nhiều nước Tây Âu vẫn lo ngại Nga sẽ nổi lên thành một “đế chế mới” trong không gian “hậu Xô viết”, và họ cho rằng điều này làm tổn hại đến lợi ích nhiều mặt của họ. Vì vậy, các nước này đã và đang tìm mọi cách cản trở Nga thúc đẩy quá trình liên kết SNG. Có thể nói, chính sự can thiệp, lôi kéo của các nước phương Tây đã thúc đẩy sự phân hoá của SNG. Đáng chú ý nhất là vào năm 1997, các nước Grudia, Ukraina, Adécbaidan và Mônđôva thành lập nhóm GUAM, mang tính chống Nga rõ rệt. Nhóm này hoạt động ngoài khuôn khổ SNG, nhưng trong phạm vi của Hội đồng Đối tác châu Âu - Đại Tây Dươngbao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự và chương trình Đối tác vì hoà bình của NATO. Gần đây (7-5-2009), theo sáng kiến của EU, một chương trình mang tên"Đối tác phương Đông"được thông qua, với sự tham gia của 27 nước thành viên EU và 6 nước thành viên SNG (Adécbaidan, Acmênia, Bêlarút, Ukraina, Grudia và Mônđôva). Chương trình này có mục đích thúc đẩy 6 nước nói trên đến gần hơn với EU, trước hết là xích lại gần những tiêu chuẩn và giá trị cần thiết cho sự liên kết chính trị và kinh tế với EU. Hội nghị thượng đỉnh EU và 6 nước “Đối tác phương Đông” được tổ chức 2 năm một lần, lần thứ hai đã diễn ra cuối tháng 9-2011 tại Ba Lan. Theo một số nhà nghiên cứu, việc tham gia Chương trình này của các nước SNG nói trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình liên kết SNG.                          

Một số vấn đề đặt ra đối với Nga và SNG hiện nay

Sau 20 năm tồn tại, nhìn vào thực trạng liên kết SNG, cho đến nay vẫn khó đưa ra câu trả lời SNG là gì? Dường như SNG vẫn vừa là một giải pháp tình thế, một dạng thức gìn giữ, điều phối các mối quan hệ có chiều dài lịch sử giữa các nước thuộc Liên Xô cũ, vừa là một kiểu hợp tác, liên kết của các thực thể kinh tế, chính trị - xã hội độc lập, mới ra đời trong một không gian vừa rất rộng lớn, vừa rất riêng, rất phức tạp, hầu như “có một không hai” trên thế giới. Tất cả những nhân tố này, cùng với tác động nhiều chiều của các nhân tố bên ngoài đã làm cho tiến trình hợp tác, liên kết SNG trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng lại có một sự thật hiển nhiên rằng, các nước SNG sẽ khó khăn hơn, bất ổn hơn nếu đứng riêng rẽ, đơn độc. Hơn nữa ngả theo phương Tây, tham gia các tổ chức liên kết ở châu Âu - Đại Tây Dương đối với nhiều nước SNG cũng không phải muốn là được. Bài học kinh nghiệm rút ra qua 20 năm tồn tại SNG cho thấy, vấn đề cơ bản của SNG không phải là các nhà lãnh đạo thiếu ý chí, thiếu quyết tâm hoặc khó tìm sự đồng thuận, mà là thiếu các biện pháp, hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, nhất là các biện pháp để các nước thành viên tìm thấy lợi ích thiết thực trong tiến trình liên kết SNG.

Có thể khẳng định rằng, vai trò của Nga mang tính quyết định đối với liên kết SNG. Tuy nhiên, như thực tế trong 20 năm qua cho thấy, nước Nga không đóng được vai trò lãnh đạo trong liên kết SNG nếu chỉ nhờ vào kích thước khổng lồ, tiềm lực quân sự - quốc phòng hùng hậu và nguồn tài nguyên giàu có của mình. Nhân tố then chốt nằm ở chỗ nước Nga phải đề ra được, nhất là thực hiện được một chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Nga và nhân dân các nước SNG. Nước Nga phải mạnh từ bên trong, phát triển vững chắc thì mới tạo được cơ sở để nâng cao vị thế, vai trò trên trường quốc tế nói chung, ở SNG nói riêng. Vấn đề ở đây cũng không phải là Nga nên tiếp tục chính sách bảo trợ cho các nước SNG, bởi chính sách bảo trợ, bao cấp trong thời đại ngày nay đã lỗi thời, xét cho cùng thì gây hại cho cả nước bảo trợ lẫn nước nhận bảo trợ. Điều quan trọng nằm ở chỗ nước Nga phải tạo dựng được hình ảnh “con chim đầu đàn” trong tiến trình liên kết SNG. Suy cho cùng, nước Nga chỉ có thể khẳng định được vị thế cường quốc thế giới thật sự hùng mạnh khi đóng được vai trò “con chim đầu đàn” ấy trong liên kết SNG. Và một khi SNG trở thành một tổ chức, đáp ứng lợi ích của tất cả các nước thành viên, thì mới mong trở thành một liên kết thực sự, ổn định.

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2012

(1) SNG lập Khu vực thương mại tự do, http://nld.com.vn, ngày 24-10-2011.

 

PGS, TS Hà Mỹ Hương

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 


(*)Viện Quan hệ quốc tế,.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền