Trang chủ    Quốc tế    Luận giải của R.A.Dahl về "quyền lực" và sự phân bố quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ
Thứ ba, 22 Tháng 2 2022 11:40
3942 Lượt xem

Luận giải của R.A.Dahl về "quyền lực" và sự phân bố quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ

(LLCT) - “Quyền lực” là khái niệm trung tâm của các khoa học nghiên cứu về chính trị. Tuy nhiên, các biểu hiện của quyền lực trong thực tế cuộc sống là hết sức trừu tượng và đa dạng. Do đó, việc đề xuất một khái niệm khoa học về quyền lực luôn là một thách thức không nhỏ. Bài viết tóm lược những quan niệm sơ khai về quyền lực xuất hiện từ thời cổ đại, những tư tưởng triết học về quyền lực xuất hiện trong thời trung đại, và sự tiến triển của các khái niệm khoa học về quyền lực trong xã hội hiện đại. Robert Dahl(*) đưa ra định nghĩa ngắn gọn về quyền lực và thao tác hóa khái niệm này với những chiều cạnh cụ thể để có thể quan sát và đo lường được trên thực tế.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Trong đời sống hằng ngày, khái niệm “quyền lực” thường được hiểu là quyền được làm việc gì đó, là sức mạnh của cá nhân hoặc tổ chức, là khả năng ai đó có thể đạt được các kết quả như ý muốn. Hẹp hơn nữa, quyền lực là khả năng áp đặt suy nghĩ, khả năng trừng phạt hoặc khen thưởng ai đó. Sự khác biệt cá nhân giữa việc “có quyền lực” và “không có quyền lực” có thể là một yếu tố khiến vấn đề quyền lực trở thành mối quan tâm của tất cả mọi người, từ những cá nhân bình thường cho đến các thủ lĩnh chính trị, các nhóm hay giai cấp xã hội. Trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu về chính trị, quyền lực là khái niệm trung tâm. Ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề quyền lực dẫn đến một cách hiểu phổ biến và dễ được chấp nhận, cho rằng bản chất của chính trị là sự cạnh tranh giữa các cá nhân, nhóm xã hội trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị.

Nhận thức về quyền lực, cơ sở, bản chất và cách thức sử dụng quyền lực cũng có sự phát triển cùng với những tiến triển về chính trị. Thời cổ đại, cư dân Athen là những người đầu tiên đưa ra sự phân biệt giữa quyền lực chính đáng vốn dựa trên luật pháp và quyền lực không chính đáng dựa vào sự đề cao một cá nhân cụ thể(1). Ý niệm khái quát về quyền lực của Aristotle thể hiện qua việc phân loại sáu hình thức chính quyền dựa trên tiêu chí lợi ích của những người được các chính quyền đó phục vụ. Theo đó, chính quyền dân chủ, cai trị bởi đa số, quyền lực thuộc về số đông và được sử dụng để phục vụ số đông dân chúng, được cho là mô hình chính thể khả thi nhất trên thực tế. Tuy nhiên, trước những nguy cơ bởi quyền lực của số đông, Aristotle cho rằng quyền lực và chính quyền nên được trao vào tay tầng lớp trung lưu, những người không giàu và cũng không nghèo.

Đến thế kỷ XVI, trong tác phẩm Quân vương, Machiavelli phác họa và nhấn mạnh ý niệm quyền lực với tư cách là khả năng thống trị và kiểm soát(2). Một vị quân vương sẽ quản lý xã hội thành công khi ông ta khéo léo vận dụng được các luồng quyền lực khác nhau. Quyền lực được thực thi đối với người khác và xã hội được hình thành thông qua sự thống trị những kẻ yếu bởi kẻ mạnh. Trong những bàn luận của mình, Machiavelli không đưa ra một khái niệm cụ thể mà chủ yếu quan tâm đến khả năng thành công hay thất bại khi sử dụng quyền lực trong thực tế. Ngược lại, Thomas Hobbes đưa ra luận giải rằng quyền lực bắt nguồn từ xã hội và được chuyển từ xã hội đến các cá nhân nắm giữ quyền lực nhà nước. Để xã hội có thể tồn tại và phát triển trong trật tự, ổn định, cá nhân được bảo vệ an toàn thì cần thiết lập quyền lực nhà nước tối cao và không thể thách thức. Bạo lực và sự ép buộc là cơ sở quan trọng nhất của quyền lực và cũng chính hai yếu tố này sẽ bảo đảm cho địa vị duy nhất của quyền lực tối cao, ví dụ như Vua(3). Nếu Machiavelli là người đầu tiên giới thiệu cách tiếp cận hiện đại về khái niệm quyền lực (khả năng thực thi ý chí của cá nhân nắm quyền) thì Hobbes đã có đóng góp lớn khi ông bàn nhiều hơn về cơ sở cho tính chính danh của quyền lực (quyền lực xuất phát từ xã hội).

Lý thuyết về “quyền lực” có bước phát triển mới vào đầu thế kỷ XX với định nghĩa được giới thiệu bởi nhà xã hội học người Đức, Max Weber(4). Theo đó, “quyền lực là khả năng thực hiện ý muốn của một người hoặc một số người trong một hành động chung, kể cả khi gặp phải sự phản đối của những người khác cùng tham gia vào hành động đó”. Như vậy, A được cho là người có quyền lực khi yêu cầu được B làm việc gì đó, kể cả trong tình huống B có thể không muốn làm. Weber chỉ ra ba loại quyền lực chính đáng, bao gồm: i) quyền lực dựa trên uy tín; ii) quyền lực dựa vào truyền thống và iii) quyền lực pháp lý. Có thể thấy, trong định nghĩa của Weber, quyền lực bao hàm cả “thẩm quyền” và “sự ép buộc”. Vì thế, quyền lực có thể dựa trên mối đe dọa bạo lực, cưỡng ép, hoặc dựa trên những cơ sở của sự chính đáng, chẳng hạn như uy tín cá nhân, các nguyên tắc ứng xử, giá trị văn hóa truyền thống hoặc luật pháp.

Tổng quan trên đây đã phần nào cho thấy sự trừu tượng và đa dạng trong các chiều cạnh của quyền lực. Nó cũng chỉ ra rằng, việc định nghĩa quyền lực bị chi phối rất rõ bởi hướng tiếp cận của các nhà tư tưởng và các nhà khoa học. Nếu như cách tiếp cận triết học và lý thuyết chính trị thiên về các chiều cạnh mang tính khuôn mẫu lý thuyết hay ý niệm (quyền lực nên là cái gì) thì các nhà chính trị học và xã hội học lại thiên về các mô tả thực nghiệm: quyền lực là cái gì trong thực tế chứ không phải là cái nên có trong đời sống xã hội. Chính điều này đã dẫn đến những tranh luận chưa có hồi kết giữa các học giả về khái niệm quyền lực. Trong bối cảnh đó, định nghĩa quyền lực do Robert Dahl đề xuất đã cho thấy một bước tiến liên quan đến khái niệm then chốt này. 

Định nghĩa “Quyền lực” của Robert A.Dahl

Những phân tích của Dahl về “Quyền lực” được trình bày trong bài viết Khái niệm quyền lực, công bố năm 1957 trên tạp chí Khoa học hành vi(5). Đến nay bài viết ngắn này đã được trích dẫn tới 8.017 lần và số lượng trích dẫn chắc chắn sẽ còn tăng lên theo thời gian(6). Trong phần “Dẫn nhập”, Dahl chỉ ra sự cần thiết phải có được những định nghĩa chính thức về quyền lực - ông coi đây là một thách thức học thuật. Theo Dahl, sự trừu tượng và đa chiều cạnh của “quyền lực” trong thực tế đời sống khiến chúng ta phải thao tác hóa khái niệm này để có thể áp dụng vào những vấn đề nghiên cứu cụ thể. Cũng giống Weber, Dahl đưa ra định nghĩa ngắn gọn: “A có quyền lực đối với B nếu A khiến B làm điều gì đó mà B vốn dĩ có thể không muốn thực hiện”. Tuy nhiên, để có một khái niệm khoa học rõ ràng, Dahl không bàn về những cơ sở cho tính chính danh của quyền lực Như Weber mà tập trung vào thao tác hóa các chiều cạnh của quyền lực.

Thứ nhất, Dahl coi quyền lực thể hiện khả năng tác động và thay đổi hành vi trong các quan hệ liên cá nhân/nhóm trong xã hội. Theo đó, quan hệ quyền lực xuất hiện khi A có thể khiến B phải thực hiện điều gì đó, kể cả tình huống B có thể sẽ không thực hiện nếu không có sự tác động từ A. Trong phần trình bày của mình về quyền lực in trong cuốn Bách khoa toàn thư khoa học xã hội xuất bản năm 1968, Dahl mô tả rõ hơn: “Các thuật ngữ quyền lực trong khoa học xã hội hiện đại đề cập tới các tiểu tập hợp những mối quan hệ giữa các đơn vị xã hội theo cách, trong những hoàn cảnh nhất định, hành vi của một hoặc các chủ thể/đơn vị này phụ thuộc vào hành vi của các chủ thể/đơn vị khác”(7). Như vậy, A chỉ có quyền lực đối với B khi và chỉ khi A có thể tạo ra sự thay đổi trong hành vi của B. Cũng có nghĩa, nếu B không thay đổi hành vi dưới tác động của A thì chứng tỏ A không có quyền lực đối với B. Tuy nhiên, theo Dahl, định nghĩa khái quát nêu trên chưa thực sự rõ ràng và sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta cụ thể hóa các vấn đề sau:

(i) Nguồn gốc hay cơ sở của quyền lực: Các chủ thể quyền lực có thể có được quyền lực dựa trên rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như các cơ hội, hành động, hay tài sản - tất cả những thứ mà họ có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến hành vi của người khác.

(ii) Cách thức và phương tiện, hay công cụ cụ thể mà cá nhân có thể sử dụng để thực hiện quyền lực đối với người khác.

(iii) Mức độ/giới hạn quyền lực của chủ thể quyền lực. Mức độ quyền lực của A có liên quan đến khả năng B chấp nhận hay không chấp nhận thực hiện quyết định của A.

(iv) Phạm vi mà chủ thể có thể thực thi quyền lực: phạm vi quyền lực của A sẽ có liên quan đến khả năng và mức độ phản ứng của B. 

Thứ hai, cũng giống Weber, Dahl coi quyền lực tồn tại trong một mối quan hệ xã hội - nó có thể là bất cứ sự ảnh hưởng nào mà chủ thể này (cá nhân, nhóm) có được đối với người khác. Chủ thể của các mối quan hệ quyền lực có thể là cá nhân, nhóm, các vai trò, các cơ quan, chính quyền hay nhà nước. Dahl lưu ý rằng, để một mối quan hệ quyền lực có thể xuất hiện thì cần phải đáp ứng ba điều kiện sau:

(i) Phải có độ trễ về thời gian nhất định, dù rất nhỏ. Đây chính là khoảng cách từ hành động của chủ thể quyền lực đến phản ứng của người bị tác động. Thực tế, không phải mọi sự thay đổi đều diễn ra ngay sau khi chịu tác động. Trong các quan hệ trên cấp độ cá nhân (tổ chức, chính quyền), sự thay đổi hành vi dưới một tác động nào đó có thể diễn ra sau thời gian dài.

(ii) Phải có một mối liên hệ giữa chủ thể quyền lực và đối tượng bị tác động. Không thể tồn tại một mối quan hệ quyền lực nếu như giữa chủ thể và đối tượng bị tác động không có mối liên hệ nào cả.

(iii) Chủ thể A phải thành công trong việc yêu cầu đối tượng B thực hiện điều gì đó. Nếu B không thay đổi hành vi dưới tác động của A thì có nghĩa là A không có quyền lực đối với B.

Những trình bày vắn tắt trên cho thấy Dahl chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi Weber trong việc định nghĩa quyền lực. Một người chỉ có quyền lực khi họ thay đổi được hành vi của người khác. Đồng thời, ông cũng thể hiện dấu ấn của tiếp cận hành vi vốn phổ biến trong khoa học xã hội giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Điểm khác biệt giữa Dahl với Weber là: nếu Weber chú ý nhiều hơn đến tính chính đáng của quyền lực thì Dahl lại chú trọng thao tác cụ thể hơn một số chiều cạnh hay đặc trưng của các mối quan hệ quyền lực. Cũng bởi thế, khái niệm “quyền lực” của Dahl đáp ứng các tiêu chí của một khái niệm khoa học: tức là có thể đo lường trên thực tế thông qua các quan sát. Nhờ đó, chúng ta có thể so sánh được mức độ quyền lực nắm giữ bởi các chủ thể khác nhau.

Tuy nhiên, khái niệm quyền lực do Dahl đề xuất cũng bị phê phán bởi khái niệm này quá khái quát, thậm chí quá đơn giản khi khẳng định rằng: bất kỳ hình thức ảnh hưởng nào giữa hai chủ thể cũng có thể được coi là quan hệ quyền lực(8). Thực tế, có những quan hệ ảnh hưởng diễn ra giữa hai cá nhân nhưng không thể hiện một mối quan hệ quyền lực. Chẳng hạn tình huống: nhân vật B đang đứng bên lề đường và mải suy nghĩ gì đó, nhân vật A hô to lên rằng có chiếc ôtô đang lao vào nhân vật B. Nhân vật B hoảng hốt nhảy tránh sang một bên. Hành vi của B thay đổi do tác động của A nhưng không thể nói rằng A là người có quyền lực đối với B. Điều này rất khác so với quan hệ quyền lực đích thực khi nhân vật X, là một cảnh sát giao thông, có thể dừng xe và yêu cầu nhân vật Y, là người lái xe, xuất trình giấy tờ. Tác động từ X đến Y là tác động trực tiếp và là nguyên nhân dẫn đến thay đổi hành vi của Y. Trong khi đó, nhân vật B trong tình huống giả định nêu trên có phản ứng là bởi nỗi sợ hãi bị xe đâm, chứ không hẳn trực tiếp do lời hô của nhân vật A.

Quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ theo luận giải của Robert A.Dahl

Một câu hỏi dễ thu hút sự quan tâm của nhiều người là: Quyền lực chính trị được phân bố như thế nào trong xã hội Mỹ và ai là người chủ đích thực của nước Mỹ? Nước Mỹ có thực sự là một nền dân chủ đáng mơ ước - nơi tồn tại một hình thức chính quyền của dân, do dân và vì dân. Về vấn đề này, Dahl là đại biểu của trường phái đa nguyên luận, đối ngược với Mills, thuộc phái tinh hoa luận.

Wright Mills là nhà xã hội học chịu ảnh hưởng tiếp cận thể chế của M.Weber cũng như những quan điểm phê phán của trường phái Mácxít. Ông là một trong những học giả phê phán mạnh mẽ nhất hệ thống chính trị của Mỹ và ủng hộ chủ nghĩa xã hội tự do. Trong tác phẩm nổi tiếng Tinh hoa quyền lực, xuất bản năm 1956, Mills đã phân tích cấu trúc quyền lực trong xã hội Mỹ để chỉ ra rằng nền chính trị của nước Mỹ bị thao túng bởi một mối liên hệ bền chặt giữa các nhóm lợi ích chóp bu(9). Theo Mills, trong các xã hội công nghiệp, quá trình tập trung quyền lực luôn song hành cùng với sự phát triển của các cấu trúc tổ chức vĩ mô. Trong quá trình chuyên môn hóa và quan liêu hóa đó, các lãnh đạo chính trị, lãnh đạo các tập đoàn, các nghiệp đoàn và quân đội luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau - Mills gọi đó là nhóm tinh hoa hay thiểu số quyền lực.

Do sở hữu tổng hợp sức mạnh về kinh tế, kiểm soát nhiều lĩnh vực và có thể tiếp cận hệ thống chính quyền ở nhiều cấp độ khác nhau, các nhóm thiểu số quyền lực có rất nhiều ảnh hưởng đến các quyết định vĩ mô, nhất là các chính sách về quốc phòng và ngoại giao. Dựa trên luận điểm này, thuyết tinh hoa quyền lực của Mills khẳng định rằng nền dân chủ tự do của Mỹ cũng chỉ là sự giả tạo mà thôi. Và trên thực tế, các nhóm lợi ích như các tổ chức của người lao động, các công ty nhỏ, các nhóm vận động hành lang vì người tiêu dùng, v.v.. chỉ có thể gây ảnh hưởng rất hạn chế đến việc xây dựng và thực thi chính sách. Những người dân bình thường nằm ở dưới đáy của cấu trúc quyền lực và thực tế là họ có rất ít, thậm chí không có quyền lực chính trị.

Không đồng ý với luận giải của Mills, luận giải của Dahl về quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ được trình bày trong tác phẩm: Ai cai trị? Dân chủ và quyền lực ở một thành phố của Mỹ - kết quả từ một nghiên cứu thực nghiệm tại thành phố New Haven, bang Connecticut. Dựa trên kết quả nghiên cứu, Dahl khẳng định rằng xã hội Mỹ được cai trị bởi đa số, bởi nhiều người, chứ không phải bởi nhóm thiểu số nào cả. Các nhóm xã hội khác nhau đều có thể gây ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước; không có một nhóm hay một giai cấp nào có đủ quyền lực cũng như các nguồn lực để có thể độc quyền cai trị xã hội và áp đặt các chính sách theo hướng có lợi cho họ. Trong nghiên cứu của mình, Dahl đã tiến hành phỏng vấn và quan sát có tham dự quy trình ra quyết định liên quan đến các vấn đề như quy hoạch đô thị, giáo dục, hay việc đề cử các ứng viên chính trị. Kết quả nghiên cứu tại New Haven cho thấy cộng đồng các thương gia và những người có địa vị xã hội ít có ảnh hưởng và họ không phải là lực lượng chủ đạo hình thành nên tầng lớp xã hội thượng lưu. Trên thực tế, họ có thể tìm cách cản trở các đề xuất chính sách làm tổn hại lợi ích của họ nhưng vai trò của họ bị động chứ không mang tính khởi phát và dẫn dắt. Kể cả khi họ tham gia vào cấu trúc quyền lực địa phương thì những người có địa vị cao này cũng không có vai trò quyết định. Thay vào đó, vai trò quyết định và chủ động đối với việc xây dựng và thực thi chính sách thuộc về khu vực chính trị, mà cụ thể là vai trò của thị trưởng và bộ máy tham mưu chuyên môn. Ông mô tả: “Những người có địa vị cao về xã hội và có ảnh hưởng về kinh tế chắc chắn không phải là một tầng lớp thiểu số tinh hoa cai trị giống như những người thuộc đẳng cấp cao trước đây. Tuy nhiên, họ thường xuyên là những người có ảnh hưởng đến các quyết định cụ thể, đặc biệt là các quyết định liên quan đến lợi ích kinh doanh. Hơn thế, các chính trị gia luôn cảnh giác đối với những ảnh hưởng tiềm năng của họ và luôn tránh đưa ra những chính sách có thể giúp liên kết họ lại thành những lực lượng đối lập quyết liệt”(10)

Dahl khẳng định: bất kỳ nhóm xã hội nào cũng có thể gây ảnh hưởng hoặc trở thành chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước để quản trị trị xã hội. Yếu tố then chốt trong luận giải của Dahl, bên cạnh điều kiện sống và hệ thống niềm tin của cộng đồng, là sự cạnh tranh trong chính trị. Bởi lẽ, theo ông, các mối quan hệ cạnh tranh giữa các nhóm chính trị vốn hết sức đa dạng sẽ tạo nên thực thể chính trị và ông tin rằng điều này sẽ dẫn đến sự phân bố quyền lực một cách hợp lý trong xã hội: “...Rất may mắn cho các chính trị gia là các điều kiện sống và hệ thống niềm tin của cộng đồng địa phương giúp họ rất nhiều trong việc tránh được sự thù địch tất yếu của những người có địa vị và ảnh hưởng trong xã hội. Chính những điều kiện sống và hệ thống niềm tin đó, ít nhất, đã không tạo ra nhu cầu về những chính sách đi ngược lại một cách thái quá đối với các mục tiêu của tầng lớp thương gia và những người có địa vị xã hội. Không dễ để dự báo về điều gì sẽ xảy ra nếu những nhu cầu đó hình thành, nhưng nhìn từ sự diệt vong của các nhóm đẳng cấp trước đây, một nền chính trị cạnh tranh sẽ có thể dẫn đến thắng lợi cuối cùng của các con số trước danh vọng và uy quyền”(11).

Dahl thừa nhận có sự phân bố quyền lực không đồng đều giữa các nhóm xã hội tại New Haven (do sự bất bình đẳng về các nguồn lực chính trị). Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thực tế là bản thân các nhóm xã hội đa dạng đều chia sẻ cơ hội bình đẳng trong cuộc cạnh tranh nhằm giành lấy quyền lực chính trị. Khác với các hệ thống chính trị trước đây, bản chất sự bất bình đẳng quyền lực trong xã hội Mỹ hiện nay là phân tán. Tức là không một nhóm xã hội nào có đủ tất cả các nguồn lực khác nhau để thâu tóm quyền lực, qua đó thực hiện sự thống trị về mặt chính trị. Ông viết: “Trong hệ thống chính trị dựa trên đẳng cấp, các nguồn lực chính trị được đặc trưng bởi sự bất bình đẳng mang tính tập trung (cumulative inequality) - khi một cá nhân có nhiều lợi thế hơn người khác về một loại nguồn lực nào đó, chẳng hạn như sự giàu có, thì anh ta cũng thường có được lợi thế hơn ở hầu hết các loại nguồn lực khác, như địa vị xã hội, sự chính danh, khả năng kiểm soát các thiết chế giáo dục và tôn giáo, tri thức, và các vị trí công quyền. Trong hệ thống chính trị ngày nay, sự bất bình đẳng quyền lực vẫn tồn tại nhưng chúng có xu hướng không tập trung. Hệ thống chính trị tại New Haven là một hệ thống của sự bất bình đẳng phân tán”(12).

Trong cộng đồng luôn có những công dân tích cực và nhiệt huyết với chính trị và họ là những người có thể nhìn thấu tâm can của đội ngũ công quyền. Bởi thế, đội ngũ chính trị gia luôn luôn bị chi phối bởi những mong muốn, khát vọng của công dân. Họ sẽ tìm mọi cách để đáp ứng lại các mong muốn đó, nhất là khi họ nhìn thấy nỗ lực của mình có thể đem lại sự ủng hộ chính trị trong các đợt bầu cử sắp tới. Dựa trên những phân tích này, Dahl lập luận rằng chính xu hướng phân tán của sự bất bình đẳng quyền lực, khả năng thẩm thấu của các chính trị gia và sự cạnh tranh chính trị đã tạo ra sự phân bố đa dạng của quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ. Nói cách khác, thực tế xã hội, hệ thống giá trị và niềm tin, cấu trúc và cơ chế chính trị trong nền chính trị Mỹ không tạo thuận lợi cho sự tập trung quyền lực chính trị trong một lực lượng duy nhất, bất kể đó là giai cấp đang cầm quyền, giai cấp thống trị xã hội, hay các nhóm nhỏ tinh hoa quyền lực.

Như vậy, “Quyền lực” là khái niệm trung tâm của triết học chính trị và khoa học chính trị nói chung. Tuy nhiên, các biểu hiện của quyền lực trong thực tế cuộc sống là hết sức trừu tượng và đa dạng. Những quan niệm sơ khai và khái quát về quyền lực đã xuất hiện từ thời cổ đại trung đại. Tuy nhiên, tất cả các ý niệm đó đều chưa thể coi là các khái niệm khoa học, với yêu cầu chặt chẽ về nguyên tắc thực chứng, khách quan. Chịu ảnh hưởng bởi M.Weber, Dahl không chỉ đưa ra định nghĩa ngắn gọn: “quyền lực” là khả năng thay đổi hành vi của người khác, kể cả trong tình huống người đó không mong muốn.

Trên cơ sở đó, Dahl đã có những nghiên cứu thực nghiệm về sự phân bố quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ. Ông đưa ra luận giải khác với hướng tiếp cận tinh hoa luận, đại biểu là Mills. Phân tích về quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ của Dahl tỏ ra đặc biệt phù hợp với đời sống chính trị tại các đô thị công nghiệp hiện đại. Trong các cộng đồng đó, cơ chế cạnh tranh chính trị không cho phép một nhóm lợi ích hay nhóm xã hội nào có thể thao túng quá trình chính sách công của chính quyền Mỹ. Mỗi nhóm đều có thế mạnh và nguồn lực của mình để có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định chính sách. Sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của mỗi nhóm bắt nguồn từ sự khác biệt (bất bình đẳng) về các nguồn lực mà các nhóm đó sở hữu. Những luận giải này đến nay vẫn được chấp nhận rộng rãi trong việc lý giải bản chất và cấu trúc quyền lực chính trị trong xã hội Mỹ.  

_________________

(*)  Robert A.Dahl (1915-2014) là một học giả nghiên cứu về chính trị. Ông nhận bằng tiến sỹ khoa học chính trị của trường đại học Yale vào năm 1940 và giảng dạy tại đó đến năm 1986. Dahl từng là Chủ tịch Hội khoa học chính trị Mỹ (1966 -1967) và được công nhận là “Stirling Professor” - danh hiệu cao quý của Đại học Yale. Sự nghiệp học thuật của Dahl có nhiều ảnh hưởng trong các lĩnh vực chính trị học, xã hội học, và triết học, với các nghiên cứu về nhiều chủ đề: chính trị địa phương, quốc hội, hiến pháp, dân chủ và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Các tác phẩm chính của ông gồm có: Lời đề dẫn cho lý thuyết dân chủ (1956); Khái niệm quyền lực (1957); Ra quyết định trong nền dân chủ: Tòa án tối cao trong tư cách chủ thể chính sách ở cấp độ quốc gia (1957); Ai cai trị? Dân chủ và quyền lực tại một thành phố Mỹ (1961); Nền dân chủ đa nguyên ở Mỹ: xung đột và sự đồng thuận (1968); Sau cách mạng: quyền lực trong một xã hội tốt (1970); Polyarchy: Sự tham gia và đối lập (1971); Quy mô và dân chủ (1973); Dân chủ và phê phán dân chủ (1989); Bàn về dân chủ (1998); và Hiến pháp Mỹ dân chủ như thế nào? (2001).

(1), (3) Heywood, A. Politics. 4th ed. Palgrave Macmillan, New York, 2013, tr.269, 61.

(2) Machiavelli, N. Quân vương, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007.

(4) Weber, M. The Theory of Social and Economic Organization, Free Press, New York, 1997, tr.324.

(5) Dahl, R.A. The concept of power. Behavioural Sciences, Vol.2, No.3, 1957.

(6) Số liệu trích dẫn trong các bài viết được thống kê bởi Google, truy cập ngày 03-6-2021.

(7) Martin, R.The concept of power: a critical defense. The Bristish Journal of Sociology, Vol.22, No.3, 1971.

(8) Peter, M. Power in New Haven: A Reassessment of “Who governs”. Bristish Journal of Political Science, Vol.2, No.4, 1972.

(9) Mills, W.C. The Power Elites. Oxford University Press, New York, 2000

(10), (11), (12) Dahl, A.R.Who governs: democracy and power in an American city. Yale University Press. New Heaven, 2005, tr.84, 84, 85.

TS ĐOÀN TRƯỜNG THỤ

Tạp chí Cộng sản

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG

Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền