Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm xây dựng tính chính đảng trong cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ hai, 11 Tháng 11 2013 09:47
4165 Lượt xem

Kinh nghiệm xây dựng tính chính đảng trong cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc

(LLCT) - Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, trong 91 năm xây dựng và trưởng thành của mình đã có 63 năm cầm quyền tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Trong suốt thời gian cầm quyền (từ năm 1949), ĐCS Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đạt được rất nhiều thắng lợi và thành tựu to lớn. Vì sao ĐCS Trung Quốc có thể cầm quyền trong suốt một thời gian dài và đạt được hiệu quả cao như vậy? Đã có rất nhiều nghiên cứu tiếp cận dưới các góc độ khác nhau để trả lời cho câu hỏi đó.

Dưới góc độ chính trị học, thì điều cực kỳ quan trọng là chủ thể của quyền lực phải tạo ra được những yếu tố để cho những người bị trị chấp nhận sự cầm quyền của mình, nếu không sẽ khó đạt được hiệu quả trong cầm quyền hoặc có thể dẫn đến mất vai trò cầm quyền. Đó chính là thiết lập được tính chính đáng. Từ chỗ chấp nhận, người dân tự thấy nghĩa vụ, bổn phận phải ủng hộ và tuân thủ các mệnh lệnh mà chủ thể cầm quyền đưa ra, nhờ đó mà chủ thể duy trì được thời gian và đạt được hiệu lực và hiệu quả cao trong cầm quyền. Với cách tiếp cận đó, chúng tôi nêu những yếu tố tạo nên tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Trung Quốc như sau:

Thứ nhất, ĐCS Trung Quốc tạo ra được một lý luận khoa học trong cầm quyền, đáp ứng được đòi hỏi của người dân Trung Quốc và phù hợp với những thay đổi của thời đại.

Đây được coi là yếu tố đầu tiên, tiên quyết tạo nên tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Trung Quốc. Tính khoa học trong cầm quyền của ĐSC Trung Quốc được thể hiện trong mấy vấn đề sau:

Một là, mạnh dạn từ bỏ những nhận thức máy móc giáo điều, không phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước Trung Quốc. Sau những sai lầm trong “đại nhảy vọt” về kinh tế năm 1958, “Đại cách mạng văn hóa” năm 1966... mà nguyên nhân chủ yếu là do đã áp dụng chủ nghĩa Mác một cách máy móc, giáo điều, không căn cứ vào tình hình cụ thể của đất nước, ĐCS Trung Quốc, với thế hệ lãnh đạo thứ hai do đồng chí Đặng Tiểu Bình làm hạt nhân, đã có những bước đi hết sức quan trọng, đột phá trong tư duy lý luận, “đã đem những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác kết hợp với tình hình đất nước Trung Quốc sáng lập ra lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”(1). Dấu ấn rõ nét nhất được thể hiện tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 12-1978) đã đưa ra phương châm “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị” và quan điểm “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất kiểm nghiệm chân lý”(2). Với nhận thức như vậy, Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới “cải cách mở cửa” cho đất nước Trung Quốc, giành nhiều thành tựu to lớn cả về phát triển lý luận cầm quyền của Đảng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” - tính tiên tiến trong tư tưởng của ĐCS Trung Quốc được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và toàn cầu hóa. Tư tưởng quan trọng “ba đại diện” tập trung chỉ đạo ba vấn đề lớn: 1) Cương lĩnh kinh tế của Đảng lấy sức sản xuất tiên tiến làm điểm tựa lý luận; 2) Cương lĩnh chính trị lấy lợi ích căn bản của nhân dân làm yêu cầu bản chất; 3) Cương lĩnh văn hóa của Đảng lấy văn hóa tiên tiến để chỉ đạo tư tưởng. Tính tiên tiến của tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, có thể nói, là bà đỡ cho việc xây dựng tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Trung Quốc trong thời đại mới. Đúng như Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã khẳng định: “Ba đại diện” là cơ sở lập Đảng, là nền tảng cầm quyền, là ngọn nguồn sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc”(3). Với tầm quan trọng và tính tiên tiến của tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, cùng với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tại Đại hội XVI, ĐCS Trung Quốc đã xác lập tư tưởng quan trọng “ba đại diện” làm vũ khí lý luận, thúc đẩy toàn diện sự nghiệp xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc và sự cải cách tự thân của ĐCS Trung Quốc. Chính nhờ tư tưởng quan trọng “ba đại diện” mà ĐCS Trung Quốc đã thích ứng được những biến đổi của thời đại và tiến cùng thời đại.

Tiếp nối những lý luận trước đó, đến thế hệ lãnh đạo thứ tư của ĐCS Trung Quốc do đồng chí Hồ Cẩm Đào làm hạt nhân (từ Đại hội XVI năm 2002), lý luận cầm quyền của ĐCS Trung Quốc được phát triển và bổ sung. Đặc biệt là quan niệm về 5 năng lực mà ĐCS Trung Quốc cần có để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả cầm quyền: “1) Năng lực điều hành kinh tế thị trường; 2) Năng lực phát triển chính trị dân chủ XHCN; 3) Năng lực xây dựng nền văn hóa tiên tiến XHCN; 4) Năng lực xây dựng xã hội hài hòa XHCN; 5) Năng lực ứng phó với tình hình quốc tế và xử lý các công việc quốc tế”(4).

Thứ hai, có đội ngũ cầm quyền có tố chất và uy tín cao.

Trong suốt những năm cải cách mở cửa vừa qua, ĐCS Trung Quốc luôn có những cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Cải cách mở của của Trung Quốc là do tập thể lãnh đạo trung ương thế hệ thứ hai lấy đồng chí Đặng Tiểu Bình làm hạt nhân phát động và lãnh đạo. Đặng Tiểu Bình là một nhà chính trị vô sản lão luyện, ông có niềm tin chính trị kiên định, trí tuệ chính trị tuyệt vời và dũng khí chính trị, có thể giải quyết một cách có tính toán kỹ các loại vấn đề trong cải cách, nắm rất chắc chắn phương hướng đúng đắn của cải cách. Một học giả Nga sau khi so sánh những được mất của cải cách ở Trung Quốc và Liên Xô đã từng nói dí dỏm: “Bi kịch của Liên Xô trước đây là đã có một Goocbachốp, còn may mắn của Trung Quốc là đã có một đồng chí Đặng Tiểu Bình”(5). Tiếp nối Đặng Tiểu Bình, đến thế hệ thứ ba, và hiện nay là thế hệ thứ tư, ĐCS Trung Quốc luôn sản sinh, đào tạo ra những nhân vật như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào - những nhân vật đứng đầu Đảng rất tài năng và có tầm ảnh hưởng cũng như uy tín rất lớn đối với Đảng, với nhân dân. Họ đều để lại những dấu ấn cá nhân rất lớn trong thời gian lãnh đạo của mình đối với sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong thời gian qua.

Bên cạnh những nhà lãnh đạo rất tài năng đó, ĐCS Trung Quốc còn luôn quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức để tăng sức mạnh của Đảng, nâng cao uy tín của Đảng với nhân dân, tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Trong Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập ĐCS Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân cho rằng “nhiệm vụ sự nghiệp XHCN của Trung Quốc liệu có thể được củng cố và phát triển hay không, Trung Quốc liệu có thể cường thịnh mãi mãi trong cuộc cạnh tranh quyết liệt hay không, điều then chốt là chúng ta phải liên tục đào tạo được nhiều nhân tài có tố chất cao”. Để làm được việc đó, theo Ông, cần “quán triệt yêu cầu “ba đại biểu”, chúng ta phải quán triệt toàn diện phương châm cách mạng hóa, trẻ hóa, trí thức hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ và nguyên tắc vừa có tài vừa có đức, đi sâu cải cách chế độ nhân sự cán bộ, ra sức xây dựng đội ngũ cán bộ có tố chất cao, có khả năng đảm nhiệm trọng trách, chịu đựng được thử thách... Tăng cường đào tạo cán bộ trẻ là bảo đảm nhiệm vụ chiến lược giữ vững ổn định lâu dài cho quốc gia. Cán bộ trẻ phải đảm đương được trọng trách lãnh đạo, cần phải ra sức nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và trình độ tu dưỡng tư tưởng, không ngừng tăng cường bản lĩnh vì dân phục vụ, giỏi về phán đoán tình hình và nắm vững đại cục từ góc độ chính trị”(6).

Thứ ba, tính hợp lệ, hợp pháp trong cầm quyền.

Đối với thể chế chính trị có một đảng duy nhất cầm quyền, một yếu tố quan trọng để đánh giá tính chính đáng trong cầm quyền của đảng là trong quá trình giành và thực thi quyền lực của chính đảng phải được dựa trên hai tiêu chí cơ bản: một là, cách thức đạt quyền lực của chủ thể phải hợp với lòng dân; hai là, sự vận hành quyền lực chịu sự ràng buộc và giám sát nghiêm ngặt của hiến pháp và pháp luật - tức là hợp pháp. Nếu đáp ứng được hai tiêu chí này, Đảng cầm quyền đã có được cơ sở của tính chính đáng chính trị mang tính căn bản.

Sau 28 năm kể từ ngày thành lập (1921), trải qua rất nhiều sóng gió, năm 1949, ĐCS Trung Quốc, đứng đầu là Mao Trạch Đông đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lập ra nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Việc giành quyền lực của ĐCS Trung Quốc được đa số nhân dân ủng hộ, đi theo Đảng giành chính quyền - tức là đã có tính hợp lệ.

Tuy nhiên, sau khi đã giành được chính quyền, ĐCS Trung Quốc, ngoài một số thành công, đã có những động thái mang tính tuyệt đối hóa quyền lực của Đảng. Chính sách của Đảng, lời nói của lãnh tụ được đặt cao hơn pháp luật. Điều này đã làm suy yếu tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng.

Nhận thức được những sai lầm đó, ĐCS Trung Quốc từ Hội nghị Trung ương 3 năm 1978, đã có những thay đổi trong lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, đã có vai trò ngày càng quan trọng trong việc quyết định nội dung lập pháp.

Việc nâng cao năng lực cầm quyền và đổi mới phương thức cầm quyền của ĐCS Trung Quốc có một bước ngoặt mới khi Đại hội XV (1997) xác định mục tiêu chiến lược xây dựng Nhà nước pháp trị XHCN: “Mọi công việc của đất nước đều được tiến hành theo pháp luật, làm cho dân chủ XHCN từng bước được thể chế hóa, pháp luật hóa, làm cho thể chế hóa và pháp luật không bị thay đổi theo sự thay đổi người lãnh đạo; đảm bảo tính ổn định và tính liên tục của đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước, Đảng không trực tiếp ra lệnh mà phải vận dụng pháp chế để biến chủ trương của Đảng thành ý chí của Nhà nước, dựa vào pháp chế để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật chứ không được đứng trên pháp luật”(7).

Đến Đại hội XVI (2002), ĐCS Trung Quốc nêu ra khái niệm “cầm quyền theo pháp luật” thể hiện một sự nhận thức mới, sâu sắc hơn, rõ ràng hơn, mang tính ràng buộc cao hơn so với phương châm “quản lý đất nước theo pháp luật” mà Đại hội XV đã nêu lên. Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XVI (tháng 9-2004) đã đề ra 3 mục tiêu lớn nhằm nâng cao năng lực cầm quyền của ĐCS Trung Quốc, đó là khoa học, dân chủ và cầm quyền theo pháp luật. Từ đó, cầm quyền theo pháp luật trở thành một trong ba mục tiêu lớn để thay đổi cách thức cầm quyền của ĐCS Trung Quốc, là bước nhảy có tính lịch sử trong phương thức cầm quyền của Đảng.

Việc cầm quyền theo pháp luật đã làm cho ĐCS Trung Quốc không những củng cố được cơ sở của tính chính đáng trong cầm quyền, mà còn đạt được 3 mục tiêu quan trọng là: 1) Thực hiện nguyên tắc pháp trị làm cho ĐCS Trung Quốc được hợp pháp hóa, thể chế hóa; 2) Hợp pháp hóa địa vị chính trị của các nhà lãnh đạo; luật pháp được các nhà lãnh đạo thế hệ mới sử dụng để củng cố địa vị và tăng cường quyền lực; 3) Xây dựng nhà nước pháp trị là quyết tâm và kết quả của quá trình hoạch định chính sách cấp tiến của giới lãnh đạo Trung Quốc. Nhà nước pháp trị chính là sự lựa chọn trước nhu cầu kiểm soát bộ máy chính quyền, mong muốn duy trì địa vị hợp pháp của Đảng Cộng sản, cùng những yêu cầu của phát triển kinh tế(8).

Thứ tư, cầm quyền một cách hiệu quả.

Đây chính là thước đo hiệu quả của những giá trị lý tưởng chính trị (được thể hiện trong cương lĩnh) mà chủ thể cầm quyền theo đuổi. Xét cho cùng thì đảng cầm quyền có giành được sự chấp nhận và ủng hộ của người dân hay không là do nó có mang lại cho người dân những lợi ích cả về mặt tinh thần lẫn vật chất hay không. Tất cả những lý luận dù có cao siêu, tốt đẹp đến mấy, nhưng nếu như trong một thời gian dài không mang lại kết quả nhất định cho người dân thì niềm tin sẽ bị xói mòn, tính chính đáng của sự cầm quyền sẽ bị ảnh hưởng và đảng có thể bị mất vai trò cầm quyền.

Thời kỳ đầu cải cách, ĐCS Trung Quốc nêu lên phương châm “ưu tiên hiệu suất, chiếu cố công bằng”. Kết quả của việc “ưu tiên hiệu suất” là trong suốt hơn ba thập kỷ qua, Trung Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức cao, trung bình 9,8%/năm, và gần 240 triệu người ở nông thôn đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Năm 1978, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc ở mức 364,5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 52 tỷ USD). Đến năm 2007, con số này đã gấp 68 lần, lên 25,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3.540 tỷ USD). Năm 2010, GDP của Trung Quốc đã đạt khoảng 5.800 tỷ đôla. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức thay thế Nhật ở vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc (tính theo sức mua tương đương) hiện là 6.500 đôla Mỹ(9).

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển với tốc độ thần kỳ và đã đạt được “hiệu suất” rất cao, Trung Quốc đã gặp phải một số vấn đề rất đáng quan tâm, nếu không được giải quyết kịp thời nó sẽ trở thành những vấn đề gây bất ổn định chính trị - xã hội, làm xói mòn tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng. Đó là: dân số sống dưới mức thu nhập bình quân (6.500 đôla Mỹ) chiếm tỷ lệ rất cao (900 triệu dân ở khu vực nông thôn), chênh lệch giàu nghèo cao bậc nhất thế giới (12,6/1); theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc năm 2011 cho thấy, Trung Quốc vẫn còn 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, chưa đạt tiêu chuẩn thu nhập 1 đôla Mỹ/ngày của Liên hợp quốc; vấn đề thất nghiệp; nạn tham nhũng; tệ nạn xã hội... Nhận thức được điều đó, Đại hội XVII, ĐCS Trung Quốc đã đưa ra khẩu hiệu “kết hợp giữa nâng cao hiệu suất với thúc đẩy công bằng xã hội” - tức là đã chú ý đến giải quyết mối quan hệ giữa “hiệu suất” và “công bằng”. Và tháng 3-2007, Quốc hội Trung Quốc đã bàn thảo và thông qua các vấn đề: Dân sinh; tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội; vấn đề tam nông; thuế... Mục tiêu hiện nay là phát triển kinh tế bền vững - tăng trưởng nhanh lành mạnh làm sao tất cả mọi người dân đều được hưởng quả ngọt của cải cách.

Kết luận

Trên đây là bốn yếu tố mang tính cơ bản mà ĐCS Trung Quốc tạo ra để xây dựng, củng cố tính chính đáng trong cầm quyền của mình. Yếu tố thứ nhất (thuộc về hệ giá trị) mang tính nền tảng, là yếu tố đầu tiên để tạo nên tính chính đáng của chủ thể cầm quyền. Nó chính là bà đỡ cho các chủ thể có cơ sở để đạt quyền lực và tạo ra được hiệu quả trong suốt quá trình cầm quyền của mình. Một chủ thể cầm quyền, có thể trong một giai đoạn nào đó, không nhất thiết phải tạo ra được đồng thời cả bốn yếu tố cơ bản trên, nhưng để duy trì được tính lâu dài trong cầm quyền thì phải tạo ra được cả bốn yếu tố cơ bản đó. ĐCS Trung Quốc đã và đang tạo ra cho mình những yếu tố cơ bản để tạo được niềm tin của nhân dân vào sự cầm quyền của mình - đây chính là cơ sở của tính chính đáng trong cầm quyền.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, theo chúng tôi, để duy trì được tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng hiện nay, cần chú ý đến mấy vấn đề cơ bản sau:

1- Phải không ngừng tạo ra được những lý luận mới, mang tính khoa học cao trong cầm quyền, đáp ứng được đòi hỏi của đất nước, dân tộc trong thời kỳ lịch sử mới.

2- Có chiến lược và phương pháp đào tạo, tuyển chọn được những nhân tài thực sự để cống hiến cho Đảng và đất nước. Đặc biệt là những vị trí đứng đầu Đảng, Nhà nước phải là những nhà chính trị mácxít, có tố chất, uy tín và độ hấp dẫn cao đối với nhân dân.

3- Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm giải quyết các vấn đề như: 1) Mối quan hệ “song trùng quyền lực” giữa Đảng và Nhà nước; 2) Đặt Đảng vào vị trí cầm quyền theo pháp luật; 3) Tạo điều kiện để nhân dân giám sát quan chức của Đảng, Nhà nước, ngăn ngừa và đẩy lùi tệ tham ô, tham nhũng; 4) Xây dựng được Chính phủ trong sạch, có hiệu lực, hiệu quả, thật sự của dân, do dân, vì dân.q

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2012

(1),(5) Lưu Tôn Hồng (sách dịch tham khảo - 2005), Nghiên cứu quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hà Nội, tr.233, 268.

(2) Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, t.II, NXB Nhân dân, Trung Quốc, 1983, tr.140-143.

(3) Giang Trạch Dân: Bàn về xây dựng Đảng, NXB Văn kiện Trung ương, Trung Quốc, 2001, tr.398.

(4) Dương Phú Hiệp: “Quá trình hình thành và phát triển lý luận về sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9(121)/2011, tr.10.

(6) Giang Trạch Dân (2001), Căn cứ yêu cầu của “ba đại biểu” tăng cường và cải tiến công tác xây dựng Đảng (trích phần III bài phát biểu của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân trong dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc), Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5(39)/2003, tr. 9-10.

(7) Nguyễn Xuân Cường, Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc thập niên đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 8(108)/2010, tr.12.

(8) Chu, Pei Hwa Mike (2001), Legal Reforms in the People’s Republic of Chine: Prospects for the Rule of Law in the 21st Century, Luận án tiến sĩ, Department of Political Science, University of Chicago. Chicago, Ilinois, June, tr.40.

(9) Hưng Thịnh: “Kinh tế Trung Quốc 2010: tác động và dự báo”, ThoibaoKinhteSaigon, ngày 10-4-2010.

 

Nguyễn Văn Quang

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền