Trang chủ    Quốc tế    Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga và đề xuất chính sách đối với Việt Nam trong quan hệ Việt - Nga
Thứ bảy, 05 Tháng 3 2022 09:36
3862 Lượt xem

Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga và đề xuất chính sách đối với Việt Nam trong quan hệ Việt - Nga

(LLCT) - Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, nhưng cũng có những khó khăn như: tư tưởng trọng Âu trong chính sách đối ngoại của Nga; thực lực kinh tế của Nga còn hạn chế so với các nước lớn trong khu vực; sự phức tạp về địa chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng tại khu vực của Nga. Bài viết đề xuất chính sách cho Việt Nam nhằm củng cố, phát triển quan hệ với Nga trong bối cảnh hiện nay.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga V. Putin trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Liên bang Nga tháng 9-2018 - Ảnh:  vnanet.vn

1. Chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Liên bang Nga

Thứ nhất, đạt được cân bằng chiến lược trong không gian Đông - Tây, cũng như giữa phía Tây và phía Nam nước Nga

Sau khủng hoảng Ucraina, quan hệ giữa Nga với phương Tây ở thời kỳ tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Mượn cớ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và mở rộng NATO sang phía Đông, Mỹ và NATO từng bước áp sát Nga, đe dọa lợi ích sát sườn, không gian sinh tồn của Nga, đẩy Nga vào cuộc tranh giành lợi ích địa - chính trị quyết liệt. Định hướng châu Âu của Nga vì thế ngày càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương (châu Á-TBD) trở thành giải pháp đột phá chiến lược của Nga, giúp Nga bù đắp những bất lợi phía Tây, phá vỡ cục diện bị chèn ép chiến lược.  

Với chính sách châu Á-TBD, Nga không chỉ tăng cường can dự vào khu vực, mà còn nhằm củng cố an ninh phía Đông của mình. Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ quay trở lại châu Á, Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước này tăng lên khiến Nga đối mặt với áp lực lớn ở phía Đông. Do đó, việc Nga triển khai chính sách châu Á-TBD đã tạo ra cục diện đa cực trong khu vực, kiềm chế Mỹ, cân bằng Trung Quốc, ngăn chặn Nhật Bản.

Hơn nữa, việc Nga mở rộng khai thác không gian địa - kinh tế, địa - chính trị đã tạo nên thế “cân bằng động”, giải tỏa bớt sức ép từ phía Mỹ và phương Tây. Chính sách châu Á của Nga được điều chỉnh, thông qua các mối quan hệ quan trọng với các nước trong từng khu vực như Việt Nam, Xinhgapo, các nước ASEAN hay Ấn Độ. Việc Nga củng cố quan hệ với đối tác truyền thống Ấn Độ đã giúp Nga lợi dụng được ưu thế địa - chính trị của nước này, tìm cách đứng chân ở Ấn Độ Dương, kết nối lợi ích từ khu vực Đông Nam Á đến phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Nếu đứng vững tại Ấn Độ Dương, Nga có thể sẽ cùng với vùng Viễn Đông tạo thế vòng cung ôm lấy khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gia tăng đáng kể sự can dự của Nga vào khu vực châu Á -TBD, từng bước đạt được cân bằng không gian chiến lược Đông-Tây, cũng như giữa phía Tây và phía Nam của Nga.

Thứ hai, tạo quan hệ tốt với Trung Quốc, giảm sự chi phối toàn cầu của Mỹ, thúc đẩy trật tự đa cực trong khu vực

Trong chính sách đối với châu Á-TBD, Nga đặt trọng tâm thúc đẩy quan hệ tốt với Trung Quốc. Hai nước có đồng quan điểm trên cơ sở chia sẻ lợi ích chiến lược. Họ có nhận thức gần nhau về nhiều vấn đề quốc tế như ủng hộ thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, thận trọng với can dự nhân đạo và biện pháp giải quyết các điểm nóng do Mỹ gây ra. Sự hợp tác chặt chẽ giúp hai nước có điều kiện tốt hơn để nâng cao vai trò, vị thế, bổ sung cho nhau trên bình diện chính sách đối ngoại. Quan hệ hợp tác Nga - Trung bao gồm trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đóng góp đáng kể vào việc củng cố hòa bình an ninh thế giới, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thế giới đa cực ngày càng rõ nét, phần nào hạn chế sự can dự, thao túng của Mỹ, bảo đảm hòa bình, ổn định ở châu Á-TBD và toàn cầu.

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện nay trở thành hình mẫu của quan hệ nước lớn kiểu mới với việc kiên trì quan điểm không kết đồng minh, không đối kháng và không nhằm vào bên thứ ba. 

Kể từ khi ký Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và hợp tác năm 2001, Nga và Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc “kết bạn chứ không kết đồng minh”, đồng thời tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như đường lối phát triển và hệ giá trị của nhau. Trên cơ sở này, Trung Quốc và Nga đã thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện tin cậy, bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau, cùng phát triển và hữu nghị lâu dài (năm 2011), nâng cấp thành Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới năm 2019. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 22-3-2021, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết: “Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung - Nga ký cách đây 20 năm vẫn đang được thực hiện và sắp tới sẽ được tự động gia hạn thêm 5 năm”(1). Sau đó, Hiệp ước này chính thức được gia hạn vào tháng 6-2021 làm cơ sở cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm tiếp theo. 

Mặc dù, quan hệ giữa hai nước còn có những bất đồng nhưng quan trọng hơn cả, hai bên chấp nhận và kiểm soát hiệu quả những bất đồng đó, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức chung. Với việc hình thành nhận thức chung trong các vấn đề như đa cực hóa, duy trì vai trò chủ đạo của Liên hợp quốc, kiểm soát vũ khí chiến lược, không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, hai nước đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và sâu rộng. Mô hình quan hệ đối tác mới này có thể được coi là hình mẫu cho việc thiết lập một cơ chế an ninh ở khu vực châu Á-TBD.

Thứ ba, chủ động điều chỉnh chính sách ngoại giao và kinh tế để thu hút đầu tư hỗ trợ sự phát triển của vùng Xibêri và Viễn Đông

Trong triển khai chính sách châu Á-TBD, thu hút được nguồn đầu tư từ các nước châu Á để hỗ trợ phát triển của vùng Xibêri và Viễn Đông được coi là thành tựu quan trọng của Nga. Khu vực này phát triển chậm hơn so với các khu vực khác của đất nước do nhiều lý do, trong đó nguyên nhân cơ bản là sự thiếu tính liên tục trong việc hoạch định chính sách phát triển vùng trong suốt thập niên 90 thế kỷ XX và nửa thập niên đầu thế kỷ XXI. 

Tại nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (2004-2008), Tổng thống Nga V. Putin đã khẳng định trong số “các lợi ích quốc gia dài hạn” có việc phát triển phần lãnh thổ ở châu Á và nước Nga có thể trở lại hàng ngũ cường quốc thế giới hay không, phần lớn được quyết định bởi sự phát triển khu vực phía Đông. 

Trong báo cáo công tác Chính phủ năm 2011, Tổng thống V. Putin nêu rõ: “Phải đặc biệt coi trọng sự phát triển của khu vực Viễn Đông và Xibêri, đây là nhiệm vụ địa - chính trị cực kỳ quan trọng, phải làm cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Tây Xibêri và Viễn Đông tăng trưởng cao hơn GDP cả nước”(2)

Thông điệp liên bang của Tổng thống V. Putin trước Quốc hội ngày 01-12-2016 phân tích rõ, động cơ “chính sách hướng Đông tích cực” của Nga không chỉ là những tính toán ngắn hạn do khủng hoảng quan hệ với Mỹ và EU mà có cả “những lợi ích quốc gia dài hạn và xu hướng phát triển toàn cầu”(3). Do đó, triển khai chính sách với châu Á-TBD, Nga đánh giá cao sự phát triển năng động của khu vực này đối với công cuộc chấn hưng kinh tế của Nga. Ngoại trưởng Nga Lavrov nêu rõ: “Tiềm lực khu vực châu Á-TBD có hiệu quả đối với việc chấn hưng tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực phía Đông nước Nga và tăng cường vai trò, địa vị trong khuôn khổ khu vực này”(4)

Việc phát triển quan hệ với châu Á-TBD, đặc biệt là các nền kinh tế lớn Đông Bắc Á là nhằm đáp ứng các nhu cầu về đầu tư rất lớn của khu vực Xibêri và Viễn Đông. Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Stanislav Voskressensky, việc “tăng cường thiết thực mối quan hệ với các trung tâm tăng trưởng thế giới vì lợi ích của nền kinh tế Nga và của các công dân Nga”(5) đã trở nên quan trọng. Các trung tâm tăng trưởng ở đây là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Do đó, việc sử dụng “năng lượng tăng trưởng tại châu Á để phục vụ cho lợi ích của chúng ta, để đa dạng hóa nền kinh tế của chúng ta”(6) là chính sách đúng. Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) đã thu hút các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Á đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia. Diễn đàn trở thành cầu nối của của các doanh nghiệp Nga và châu Á năng động, hỗ trợ phát triển vùng Xibêri và Viễn Đông.

Có thể khẳng định, thành tựu triển khai chính sách châu Á-TBD của Nga có ý nghĩa chiến lược, cho thấy Nga không thể đứng ngoài “xu hướng phát triển quan trọng nhất của toàn thế giới”, đó là xu hướng dịch chuyển sự phát triển kinh tế và chiến lược năng động về châu Á.

Thứ tư, tạo dựng vị thế vững chắc cho Nga ở châu Á-TBD

Vị trí địa chính trị nằm giữa hai lục địa Á - Âu luôn luôn làm cho nước Nga trở nên khác biệt. Từ thực tế địa chiến lược cơ bản này trong triển khai chính sách đối với châu Á-TBD, Nga đã tận dụng thành công những lợi thế địa lý và lịch sử của mình bằng cách gắn kết đồng thời với trật tự châu Âu và châu Á-TBD trong lĩnh vực kinh tế và an ninh. Tại Hội thảo Việt - Nga Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động ngày 25-02-2019 nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ song phương, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Nga là một thành viên không thể tách rời của khu vực châu Á-TBD. Nga luôn quan tâm đến mối quan hệ hợp tác lâu đời và liên minh với các nước trong khu vực”(7)

Về an ninh, Nga nhất quán lập trường trung lập tích cực, coi an ninh châu Á-TBD trước hết là công việc của các nước trong khu vực. Hiện nay, trước tình hình cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang gia tăng có nguy cơ đẩy xung đột song phương lên cấp độ toàn khu vực, Nga sẽ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột đó. Nga ủng hộ vai trò trung tâm khu vực của ASEAN và cho rằng, ASEAN hoàn toàn có thể đưa ra phương án giải quyết đối với những vấn đề hiện nay bao gồm cả tranh chấp Biển Đông trong điều kiện không có sự can thiệp khác từ bên ngoài, khi đó vai trò trung lập của Nga sẽ rất hữu ích.

Về kinh tế, hợp tác kinh tế là một trong những nội hàm quan trọng nhất trong chính sách châu Á-TBD của Nga và Nga đã thành công nhất định trong việc thiết lập quan hệ với các nền kinh tế trong khu vực. Để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, Nga đã thông qua mạng lưới giao thông phát triển theo hướng Đông - Tây là chính và Bắc - Nam là phụ ở lục địa Á - Âu, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thống nhất giữa khu vực Á - Âu, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực Á - Âu, thúc đẩy tự do lưu động hàng hóa và dịch vụ, đồng thời tăng cường hợp tác thương mại giữa các nước dọc tuyến. Nga tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và thương mại quân sự. Nga không những không bỏ lỡ các cơ hội tham gia xúc tiến các siêu dự án và phát triển các định dạng đa phương kinh tế trong khu vực, mà còn tiếp cận học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc để phát triển thương mại với các nền kinh tế châu Á-TBD.

Triển khai chính sách châu Á-TBD nhằm tìm kiếm những đối tác hợp tác tiềm năng mới trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga khi quan hệ với phương Tây căng thẳng. Với các nền kinh tế ASEAN phát triển năng động, Nga tái lập các kênh cung ứng xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu sang châu Âu, mở ra các cơ hội hợp tác với các đối tác mới cũng như giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nền kinh tế Nga. ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu dầu, khí đốt, điện hạt nhân của Nga. Với việc nhập khẩu lượng lớn vũ khí sang Đông Nam Á, Nga đã thâm nhập vào thị trường vốn là đối tác truyền thống của Mỹ. Nga cũng tiếp tục duy trì quan hệ an ninh gắn kết với các đối tác hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài xuất khẩu vũ khí, thông qua các cuộc tập trận chung, Nga tích cực thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực. Những động thái này cho thấy Nga đang dần tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở châu Á - TBD. 

Trong quá trình triển khai chính sách đối với châu Á-TBD hiện nay, bên cạnh một số thuận lợi vẫn còn những vấn đề hạn chế hiệu quả chính sách của Nga đối với khu vực. 

Thứ nhất, tư tưởng trọng Âu trong chính sách đối ngoại của Nga

Nga đưa ra chính sách hướng Đông từ năm 2010 nhưng trong thời gian đầu, Nga chưa thực sự đầu tư đúng mức và chưa có những động thái cụ thể để hiện thực hóa chính sách này. Giới phân tích cho rằng, Nga vốn luôn chỉ coi trọng quan hệ với các nước châu Âu, những đối tác truyền thống của Nga. Những nỗ lực hướng sang châu Á của Nga thời gian qua đơn giản là chính sách “tốt với tất cả” của Tổng thống V. Putin nhằm gây ảnh hưởng và tăng cường vai trò, vị thế ở các khu vực trên toàn cầu, kể cả châu Á - TBD. Mặt khác, thực tế triển khai chính sách châu Á-TBD của Nga cũng gặp nhiều khó khăn. 

Một nguyên nhân quan trọng là theo truyền thống, chính sách đối ngoại của Nga, kể cả về kinh tế, thường hướng tới không gian châu Âu - Đại Tây Dương. Điều đó đã tạo ra lối mòn và cản trở chính sáchchâu Á - TBD. Bản sắc, lợi ích kinh tế và quan ngại chiến lược vẫn gắn liền Nga với châu Âu - Đại Tây Dương, nơi luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nga. 

Có thể thấy, dù thực hiện đa dạng hóa quan hệ với khu vực châu Á - TBD nhưng Nga sẽ không đánh đổi các mối quan hệ vốn có với các nước phương Tây. Thay vào đó, một chiến lược khéo léo cân bằng quan hệ giữa các bên, không quá thiên lệch về bên nào là kịch bản mà Nga lựa chọn lúc này. 

Thứ hai, thực lực kinh tế của Nga còn hạn chế so với các nước lớn trong khu vực

Sau khủng hoảng tài chính, Nga trở lại một trong 11 nền kinh tế hàng đầu thế giới (với GDP năm 2020 ước tính 1.464 tỷ USD). Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Nga không mấy lạc quan, GDP chưa trở lại mức năm 2013. Kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào tài nguyên, nguồn thu ngoại tệ của Nga phần lớn được quyết định bởi giá cả thị trường năng lượng quốc tế trong khi đó những năm gần đây giá dầu biến động bất thường. Một khiếm khuyết cơ bản trong cơ cấu hàng hóa của Nga xuất khẩu sang châu Á- TBD là thiếu hàng hóa trụ cột trong ngành chế tạo để duy trì sự phục hồi và phát triển kinh tế, điều mà các nước đang phát triển ở châu Á cần.

Trong cuộc cạnh tranh chiến lược với các nước lớn trong khu vực, thiếu sức mạnh kinh tế rõ ràng là một điểm bất lợi của Nga trong quá trình triển khai chính sách. Do sức mạnhkinh tế hạn hẹp, Nga gặp khó khi mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực thông qua các biện pháp “mềm” như viện trợ kinh tế, đầu tư. Đôi khi, điều đó khiến Nga vẫn tranh giành lợi ích khi hợp tác với các nước nhỏ trong khu vực, không thể chủ động nhường nhịn vào thời điểm thích hợp như các nước lớn khác. Hơn nữa, năng lực kinh tế cũng hạn chế tiếng nói của Nga so với các đối thủ mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương khu vực, từ đó ảnh hưởng đến vị thế của Nga trong khu vực.

Thứ ba, sự phức tạp về địa chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng ở khu vực của Nga

Nhân tố kiềm chế đầu tiên đối với Nga khi gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á-TBD là Mỹ. Sau chiến tranh Lạnh, mục tiêu chiến lược của Mỹ là xây dựng và củng cố địa vị lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới. Việc nước Nga trỗi dậy trở lại thành cường quốc luôn là đối tượng trọng điểm mà Mỹ cần kiềm chế. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ tìm cách tác động, lôi kéo các đồng minh, đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin, Inđônêxia, Ấn Độ, Ốtxtrâylia. Mỹ không thể cho phép Nga mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á-TBD. Đồng thời, Mỹ sử dụng hệ thống liên minh trong đó liên minh Mỹ - Nhật làm trung tâm cùng nhiều biện pháp khác để ngăn chặn Nga mở rộng ảnh hưởng. Điều này sẽ hạn chế Nga thực hiện một số mục tiêu chiến lược ở châu Á-TBD. 

Trong quan hệ với Nhật Bản, Nga cũng vấp phải những phản ứng quyết liệt từ phía Mỹ. Chẳng hạn, ký kết hiệp ước hòa bình và giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật, cụ thể là quần đảo nam Kurin gặp nhiều khó khăn trong đó có yếu tố Mỹ. Mỹ cũng luôn tìm cách ngăn chặn những nỗ lực của Nga thu hút tài chính và kỹ thuật từ Nhật Bản. Với vấn đề Triều Tiên, bất cứ sự thể hiện quan điểm nào của Nga trong hồ sơ này cũng được cả Mỹ dõi theo kỹ lưỡng.

Với Trung Quốc và Ấn Độ, tuy Nga có không gian hợp tác với hai nước lớn này nhưng lợi ích giữa hai bên không hoàn toàn giống nhau, va chạm là điều khó tránh khỏi. Những nước này vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao ở mức độ vừa phải với Nga trong khi phát triển quan hệ với Mỹ, họ không thể đứng hẳn về phía Nga như thời kỳ chiến tranh Lạnh. Điều này đã hạn chế việc Nga phát huy vai trò ở khu vực châu Á -TBD.

2. Đề xuất chính sách cho Việt Nam nhằm củng cố, phát triển quan hệ với Liên bang Nga

Nga là một nước lớn, là bạn bè truyền thống cũng như đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam. Tuy ảnh hưởng của Nga ở Đông Nam Á không lớn như các nước lớn khác trong khu vực nhưng những động thái gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Nga những năm gần đây, cùng những tình cảm sâu nặng với dân tộc Nga của nhân dân Việt Nam khiến chúng ta không thể không coi trọng xây dựng, vun đắp mối quan hệ với Nga trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Thứ nhất, cần đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của Nga trong cục diện thế giới hiện nay

Trên thực tế, không thể phủ nhận được vị thế cường quốc - một cực trong thế giới đa cực hiện nay của Nga. Việc khu vực châu Á-TBD đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn tác động mạnh đến an ninh, bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Để thực hiện thành công và hiệu quả chính sách “cân bằng” trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là hóa giải thế kẹt trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại khu vực, Việt Nam rất cần làm sâu sắc thêm quan hệ với Nga. Duy trì quan hệ chiến lược với Nga sẽ tạo được thế “chân vạc” bền vững cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. 

Thứ hai, trong quan hệ với Nga mặc dù có những tương đồng thuận lợi nhưng vẫn cần giữ vững nguyên tắc lợi ích quốc gia, dân tộc là tối cao

Đối trọng và cân bằng với các nước lớn trên nguyên tắc lợi ích quốc gia, dân tộc là tối cao là một trong những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của nước ta trong quan hệ với các nước lớn. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm xác định “đối tác, đối tượng”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cần chủ động có phương án xử lý linh hoạt, hợp lý những mâu thuẫn, đồng thời bảo đảm tuyệt đối chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia, không tham gia liên minh quân sự. Xử lý linh hoạt các mối quan hệ hợp tác, đối ngoại trên tinh thần quan hệ hữu nghị, thân thiện với Nga, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, đặc biệt là về kinh tế để tạo sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn. 

Trong đối thoại chiến lược với Nga cần thẳng thắn nêu rõ quan điểm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp. Đồng thời, cảnh giác, phòng ngừa những vấn đề chính trị “nhạy cảm” về chủ quyền lãnh thổ, cần tỉnh táo không để gây hiểu nhầm hoặc rơi vào trạng thái “nước lớn thỏa hiệp với nhau trên lưng Việt Nam”. Cần cảnh giác trước việc Nga vận động Việt Nam tham gia SCO để thêm lực lượng đối chọi với EU hoặc gây khó khăn cho các đối tác nước ngoài khi hợp tác với Việt Nam.

Thứ ba, kiên trì hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ dù là nhỏ nhất từ phía Nga.

Trong quan hệ với Nga, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cần chủ động thúc đẩy hợp tác về an ninh - quốc phòng để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc đào tạo nhân lực, đồng thời giúp Việt Nam có điều kiện mua sắm vũ khí, trang bị quốc phòng nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của quốc gia. Cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Nga đối với lập trường của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển đảo trước những tham vọng của Trung Quốc, cũng như tránh những tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện nay.

Thứ tư, chủ động làm “cầu nối” cho Nga tăng cường tham gia ngoại giao đa phương trong khu vực

Trên cơ sở những lợi thế trong quan hệ với Nga, Việt Nam cần chủ động đề xuất các sáng kiến kết nối khu vực, sáng kiến bảo đảm an ninh quốc phòng với sự tham gia của Nga. Chủ động lôi kéo Nga đóng góp nhiều hơn trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế để thể hiện là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đó cũng là lợi ích của Nga vì qua đó nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín lâu dài của Nga trong khu vực. 

Thứ năm, thúc đẩy sự hợp tác, ủng hộ của Nga đối với việc xây dựng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình 

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt, hệ quả là cấu trúc an ninh khu vực chưa được định hình rõ nét, ASEAN đang có cơ hội rất lớn để vươn lên, đóng vai trò dẫn dắt. Cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt là phương án tốt nhất để bảo đảm tối đa lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam. Nhưng để thực hiện điều đó, không chỉ cần ASEAN phát huy vai trò của các cơ chế khu vực mà ASEAN có vai trò chủ đạo, chủ động nhưng khéo léo đưa các vấn đề chiến lược của khu vực ra bàn thảo chung một cách công khai, minh bạch và bảo đảm tiếng nói của các bên liên quan, còn cần sự ủng hộ của các nước lớn trong đó có Nga. Mặt khác, cần vận dụng nghệ thuật ngoại giao theo đúng tinh thần và tầm nhìn của ASEAN về việc xây dựng một cấu trúc khu vực mở, hướng ngoại, không chống lại bên nào.

Do địa vị chính trị, kinh tế ở châu Á -TBD được nâng cao, cho dù là tiến trình hội nhập liên kết kinh tế châu Á-TBD hay phối hợp lập trường với các quốc gia khu vực trong công việc quốc tế thì cũng vẫn là cách thức để Nga thực hiện mục tiêu cường quốc. Trong thập niên tới, chính sách châu Á -TBD của Nga vẫn lấy Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, ASEAN, Ấn Độ làm điểm cơ bản, hợp tác đa phương trong giải quyết hai điểm nóng là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông để thể hiện vị thế chiến lược của mình ở châu Á- TBD.

__________________

(1) Chiến lược đối ngoại của Nga và quan hệ Trung - Nga trong tình hình mới, Tạp chí Thế giới đương đại, Trung Quốc, số 4-2021, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 8-5-2021.

(2), (4) Phân tích chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga, Nghiên cứu biển Đông, http://www.nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/3337-phan-tich-chinh-sach-chau-a-thai-binh-dng-ca-nga.

(3), (5), (6) Isabelle Facon: Vị trí nào dành cho Nga tại châu Á?, bài đăng trên Tạp chí Ngoại giao của Pháp, được giới thiệu trên http://www.nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6713-vi-tri-nao-danh-cho-nga-tai-chau-a.

(7) Trần Phương: Nga không thể tách rời châu Á - Thái Bình Dương,  https://www.tuoitre.vn/nga-khong-the-tach-roi-chau-a-thai-binh-duong-20190226111511501.htm.

PHẠM ĐỨC TÂM

Cục Đối ngoại - Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền