Trang chủ    Quốc tế    Sự định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc trong một thập kỷ qua
Thứ tư, 16 Tháng 3 2022 10:47
3830 Lượt xem

Sự định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc trong một thập kỷ qua

(LLCT) - Bài viết phân tích sự định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc trong một thập kỷ qua, từ Tổng thống Barack Obama đến Donald Trump và nay là Joe Biden, tương ứng với thời kỳ cầm quyền của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc (2012-2022). Bài viết cho thấy, sự định vị của từng Tổng thống có sự thay đổi rõ rệt, từ coi Trung Quốc là “đối tác tiềm năng” dưới thời Tổng thống Barack Obama, đến “cường quốc xét lại” và “đối thủ cạnh tranh chiến lược” dưới thời Tổng thống Donald Trump, “đối thủ cạnh tranh duy nhất” dưới thời Tổng thống Joe Biden, đã khiến việc đưa ra chiến lược và xử lý quan hệ với Trung Quốc cũng khác nhau. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong Đề tài mã số 506.01-2018.300.

 

Ảnh minh họa - Bloomberg.com 

Năm 2012, khi Trung Quốc tiến hành Đại hội XVIII, thực hiện chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ năm cũng là lúc Mỹ tiến hành bầu cử và ông Barack Obama giành thắng lợi, tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. Từ đó đến nay, tương ứng với thời kỳ cầm quyền của ông Tập Cận Bình, nước Mỹ đã trải qua ba đời Tổng thống từ Barack Obama đến Donald Trump và nay là Joe Biden. Mục tiêu chiến lược của Mỹ là xuyên suốt và nhất quán nhưng những ưu tiên, xác định các mối đe dọa cũng như sự định vị đối với Trung Quốc của mỗi Tổng thống lại có sự khác biệt đáng kể. Sự khác biệt này đã quyết định quy mô, tính chất của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, là nhân tố bên ngoài quan trọng có ảnh hưởng đến Trung Quốc, trong đó có chính sách ngoại giao láng giềng của nước này. 

1. Định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama

Dưới thời Tổng thống B.Obama, duy trì vai trò lãnh đạo thế giới cũng như khôi phục lại vị thế và hình ảnh của nước Mỹ vẫn là mục tiêu chiến lược của Mỹ. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 khẳng định “nước Mỹ phải dẫn đầu”(1) (America must lead). Trong các “thách thức nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia của Mỹ mà Tổng thống B.Obama nêu lên, ngoài chủ nghĩa bạo lực cực đoan, khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu... còn có sự tấn công của Nga nhưng không có tên Trung Quốc. Cách thức để chống lại các mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia(2) của Mỹ được xác định là hành động đơn phương song song với phát huy sức mạnh của hành động tập thể, nhấn mạnh “hiện đại hóa các liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốtxtrâylia và Philíppin và tăng cường sự tương tác giữa chúng”; “cam kết củng cố các thể chế khu vực như ASEAN... giúp bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp”(3)

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ năm 2009, Mỹ đã tuyên bố quay trở lại, tiếp sau đó là chiến lược xoay trục, tái cân bằng mà Trung Quốc nhận định mục tiêu lớn nhất là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mỹ khẳng định sự hiện diện ở khu vực này thông qua việc tăng cường các chuyến thăm song phương(4), coi trọng các diễn đàn đa phương(5); củng cố quan hệ với các đồng minh, tăng cường quan hệ với các đối tác mới; duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực. Cùng với Inđônêxia và Malaixia, Việt Nam được xác định là “trọng tâm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á”(6).

Từ tiền đề không coi Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng, Tổng thống B.Obama xác định Trung Quốc là đối tác tiềm năng có thể phối hợp giải quyết các vấn đề chính trị then chốt, các vấn đề mang tính toàn cầu và quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ mang tính xây dựng, chú trọng hợp tác, cạnh tranh nhưng không đối đầu. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 nhấn mạnh: “Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng”, “cố gắng phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc”, “tìm kiếm sự hợp tác”, “không nhất thiết phải đối đầu”, song song với nhắc đến “theo dõi chặt chẽ quá trình hiện đại hóa quân sự và mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Á”, “lên án hành vi cưỡng bức và các hành vi quyết đoán đe dọa leo thang” liên quan đến tranh chấp lãnh thổ(7). Trong ưu tiên các nỗ lực giải quyết những rủi ro chiến lược hàng đầu đối với lợi ích nước Mỹ được nêu trong Chiến lược an ninh quốc gia, không có ưu tiên cụ thể nào nhắc đến Trung Quốc hoặc liên quan rõ ràng đến Trung Quốc. 

Cách mà Mỹ thực hiện lúc này là can dự để cân bằng lực lượng, qua đó kiềm chế Trung Quốc, chứ không phải là thực hiện chính sách ngăn chặn như Mỹ đã làm với Liên Xô trước đó. Một trong những cuộc điện thoại đầu tiên cho nguyên thủ nước ngoài của Tổng thống B.Obama là với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Trong năm đầu tiên nắm quyền, Tổng thống B.Obama đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bốn lần và nhiều lần điện đàm. Mỹ và Trung Quốc tiến hành cơ chế đối thoại chiến lược và kinh tế. Năm 2015, Trung Quốc thay thế Canađa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, với nhiều xung đột lợi ích, quan hệ hai nước không thực sự thuận lợi, thậm chí đã xảy ra vụ việc được đánh giá là nguy hiểm chưa từng có như vụ hải quân Trung Quốc va chạm với tàu trinh sát Impeccable của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông vào tháng 3-2009. Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá: “Quan hệ Trung - Mỹ cực kỳ quan trọng và cực kỳ phức tạp”(8).

2. Định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump

Dưới thời Tổng thống D.Trump, định vị, đánh giá đối với Trung Quốc có sự thay đổi lớn và mối quan tâm của Mỹ đối với Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, được công bố sau 11 tháng cầm quyền của Tổng thống D.Trump nhận định Mỹ phải đối mặt với một thế giới cực kỳ nguy hiểm, chứa đầy các mối đe dọa đã gia tăng trong những năm gần đây. Chiến lược nêu lên ba nhóm thách thức chính đối với an ninh, lợi ích và vị thế trên thế giới của Mỹ, trong đó Trung Quốc và Nga được gọi là “cường quốc xét lại”, xếp đầu tiên, tiếp đến là các “quốc gia bất hảo” - Iran và Triều Tiên, cuối cùng là các tổ chức đe dọa xuyên quốc gia. Chiến lược nhắc đến Trung Quốc 35 lần, Nga 32 lần, đánh giá hai nước này “muốn hình thành một thế giới đối kháng đối với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ”, “Trung Quốc tìm cách thay thế Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mở rộng tầm với mô hình kinh tế do nhà nước định hướng và sắp xếp lại khu vực có lợi cho họ”(9). Đặc biệt, Trung Quốc “nỗ lực xây dựng và quân sự hóa tiền đồn ở Biển Đông gây nguy hiểm cho tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định của khu vực”(10). Chiến lược an ninh quốc gia đã nêu lên bốn lợi ích sống còn, trong đó có hai lợi ích liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, đó là thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ và thúc đẩy tầm ảnh hưởng của nước Mỹ; nhấn mạnh nước Mỹ sẽ không khoan dung cho các hành động lạm dụng về thương mại kéo dài, chống lại các hành động đánh cắp tài sản trí tuệ, duy trì sự cân bằng quyền lực ở tại các khu vực trọng điểm của thế giới, trong đó có Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Chiến lược quốc phòng mới được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngay sau đó, ngày 19-01-2018, nhấn mạnh về một trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ vốn có đang bị thách thức, suy yếu và lần đầu tiên Mỹ gọi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh chiến lược”, “là cường quốc xét lại muốn định hình một thế giới theo mô hình độc đoán của họ”, tiếp tục dùng quyền phủ quyết để bác bỏ những quyết định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của những quốc gia khác. “Trung Quốc là một đối thủ chiến lược dùng vũ khí kinh tế để hăm dọa các nước láng giềng, trong khi tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông”(11). Các ưu tiên quốc phòng của Mỹ vốn được duy trì trong suốt 16 năm qua đã có sự thay đổi khi chiến lược này đánh giá sự cạnh tranh giữa các cường quốc mới là trọng tâm an ninh quốc gia của Mỹ, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố. 

Tiếp sau đó, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Viện Hudson ngày 

4-10-2018 chỉ nói riêng về Trung Quốc(12). Ông đã nói về các chính sách của Bắc Kinh gây phương hại đến các lợi ích và giá trị của nước Mỹ, từ ngoại giao bẫy nợ và chủ nghĩa bành trướng quân sự; đàn áp tôn giáo; xây dựng một nhà nước giám sát của Trung Quốc cho đến các chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng. Bài phát biểu dùng nhiều động từ mạnh như “xâm lăng kinh tế”, “ngoại giao bẫy nợ”, “sử dụng công nghệ đánh cắp”(13)...

Từ định vị Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh chiến lược”, chính quyền của Tổng thống D.Trump đã hành động mạnh mẽ để vừa thay đổi tình hình, vừa bảo vệ lợi ích của Mỹ. Các biện pháp mang tính toàn diện và có sức “công phá” mạnh, từng bước đánh vào điểm cốt lõi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, ban đầu là cuộc chiến thương mại với công cụ thuế là chính để buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa; từ bỏ kế hoạch Made in China 2025 và ép buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ; tiếp đến bao vây các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc (Huawei và ZTE), ngăn chặn các nguồn mà Mỹ cho là đánh cắp công nghệ từ Mỹ. Mỹ sử dụng các biện pháp kinh tế song song với các “đòn” về chính trị, hướng vào các vấn đề dân chủ, nhân quyền, thực chất là các vấn đề nội trị phức tạp của Trung Quốc như Hồng Công, Tân Cương, Tây Tạng; từ hành động đơn phương trong cuộc chiến thương mại cho đến liên kết với các đồng minh (thúc giục các đồng minh xây dựng mạng 5G an toàn thay thế Trung Quốc). “Tổng thống D.Trump đã có hành động táo bạo và quyết đoán để sửa chữa các chính sách thất bại trong quá khứ, củng cố nước Mỹ, khiến Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm và điều chỉnh mối quan hệ giữa hai bên một cách công bằng, ổn định và mang tính xây dựng hơn vì lợi ích của cả hai quốc gia và thế giới”(14). Còn học giả Trung Quốc đánh giá: “Nhóm Bộ tứ hay chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thiết lập từ thời D.Trump là một liên minh an ninh nhằm đối phó với Trung Quốc. Mục đích của nó là kiềm chế sự phát triển sức mạnh hàng hải của Trung Quốc, làm suy giảm ảnh hưởng của sáng kiến  “Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”(15)

Về quốc phòng, Tổng thống D.Trump đã thông qua mức tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong hơn một thế kỷ trở lại đây với con số hơn 2 nghìn tỷ USD chỉ trong ba năm từ 2018-2020 (700 tỷ USD năm 2018, 716 tỷ USD năm 2019, 734 tỷ USD năm 2020); tăng tần suất và phạm vi của hoạt động duy trì tự do hàng hải; tăng cường sự hiện diện quân sự trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những chính sách, biện pháp này nhằm phá vỡ hoặc ít nhất làm chậm lại kế hoạch vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, cường quốc quân sự của Trung Quốc. 

Có đánh giá cho rằng, “kể từ năm 2017, chính sách Trung Quốc của Mỹ đã chuyển hẳn khỏi chủ nghĩa đa phương kiên nhẫn và hội nhập sang chủ nghĩa đơn phương thiếu kiên nhẫn và tách rời”(16) mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự tăng cường đàn áp trong nước, chủ nghĩa tư bản nhà nước và sự quyết đoán đối với bên ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, lại có đánh giá cho rằng cách tiếp cận của chính quyền D.Trump với Trung Quốc đã thất bại mặc dù có sự khởi đầu đáng được ghi nhận vì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ mà Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đem lại, nhưng đã không giải quyết được thách thức đó bằng những chính sách hiệu quả làm thay đổi thực tế, đặc biệt là về kinh tế(17) vì thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc vào thời kỳ cuối của chính quyền D.Trump cũng gần bằng với thời điểm cuối của chính quyền B.Obama, ở mức hơn 300 tỷ USD, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã bị đình trệ hoặc giảm ở nhiều loại. Chủ trương tách rời hai nền kinh tế, với một loạt các hạn chế trong công nghệ, thương mại, đầu tư, tài chính và du lịch được cho là không phân tích đầy đủ tác động của chúng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Cùng với việc Hoa Kỳ từ chối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không tham gia các diễn đàn đa phương, Hoa Kỳ có nguy cơ bị cô lập nhiều hơn so với Trung Quốc. Khảo sát tiến hành trong năm 2020 cho thấy 87% các công ty Mỹ và 89% các công ty châu Âu không có ý định dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc(18).

Những gì Tổng thống D.Trump đã làm trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc thể hiện nước Mỹ đã “thức tỉnh” thực sự trước sự trỗi dậy của Trung Quốc (có đánh giá là đối phó thụ động). Nhưng điều quan trọng hơn là đã làm thay đổi căn bản nhận định của Trung Quốc về cục diện thế giới, từ đó Trung Quốc buộc phải thực hiện biện pháp ứng phó trước mắt và thúc đẩy điều chỉnh mang tính chiến lược một cách toàn diện, trong đó có chính sách đối ngoại. Trung Quốc cho rằng nước này vẫn ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược nhưng thực chất môi trường bên ngoài không còn thuận lợi như một vài thập kỷ trước, thậm chí, cùng với tác động của đại dịch Covid 19 bùng phát vào cuối năm 2019, có thời điểm Trung Quốc đứng trước khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài lớn chưa từng có kể từ sau sự kiện Thiên An Môn 1989.

3. Định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden

Dưới thời Tổng thống J.Biden, trong phần Lời nói đầu của Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời, Tổng thống J.Biden đề xuất chiến lược cốt lõi: Hoa Kỳ phải làm mới lợi thế lâu dài để có thể ứng phó với những thách thức hiện nay, xây dựng lại nền tảng kinh tế tốt hơn, giành lại vị trí trong các tổ chức quốc tế, nâng cao những giá trị ở trong nước và lên tiếng bảo vệ chúng trên toàn thế giới; hiện đại hóa năng lực quân sự, trong khi đi đầu bằng ngoại giao, hồi sinh mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác mà không nước nào sánh được của Mỹ(19). Trong các ưu tiên an ninh quốc gia có bảo vệ và nuôi dưỡng các nguồn sức mạnh cơ bản của Mỹ; thúc đẩy sự phân bổ quyền lực thuận lợi để ngăn chặn kẻ thù đe dọa trực tiếp đến Mỹ và các đồng minh; dẫn dắt và duy trì một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở(20).

Bản Hướng dẫn nhận định, nước Mỹ cũng phải đối mặt với thực tế là sự phân bổ quyền lực trên toàn thế giới đã thay đổi, tạo ra các mối đe dọa mới. Đặc biệt, Trung Quốc đã nhanh chóng trở nên quyết đoán hơn. Họ là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp kinh tế, ngoại giao, quân sự và sức mạnh công nghệ để vượt qua thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở(21). Trong một bài trả lời phỏng vấn của CBS trước khi có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống J.Biden dự báo sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ ở dạng “cạnh tranh cực đoan” (extreme competition) chứ không phải là xung đột, “chúng ta không cần xung đột nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt” và “tôi sẽ không làm theo cách (Donald) Trump đã làm. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế”(22). Paul Lettow đánh giá, “chính quyền J.Biden phải đối mặt với một thách thức toàn diện và duy nhất từ Trung Quốc. Và không giống như trong Chiến tranh Lạnh, khi Kennan nắm bắt được bản chất của thách thức và tiền đề cơ bản của cuộc cạnh tranh ít nhiều ngay từ đầu, lần này Hoa Kỳ đã có một khởi đầu muộn trong việc nắm bắt bản chất của thách thức và trong thiết lập phản ứng của nó”(23).

Chính quyền J.Biden đã có điều chỉnh cả về đối nội và đối ngoại. “Về mặt quan điểm, có vẻ như thực sự hiểu rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh giành quyền lực thô sơ mà là giữa các hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau cơ bản và tầm nhìn về trật tự quốc tế. Và trái ngược với cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc của D.Trump, chính quyền sắp tới nhấn mạnh họ sẽ theo đuổi sự hợp tác nhiều hơn với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng trên toàn thế giới. Trong khi không hài lòng với hiện trạng của nhiều tổ chức quốc tế, họ sẽ tìm cách xây dựng và cải cách - không đóng băng, phá bỏ và bỏ rơi”(24). Chính quyền của Tổng thống J.Biden đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ tứ. Học giả Trung Quốc nhận xét, J.Biden đã “áp dụng cách tiếp cận khác D.Trump trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế và có một số điều chỉnh trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc, nhưng “cơ chế hợp tác an ninh bộ Tứ” lại được tăng cường và đẩy nhanh tốc độ thực hiện, có dấu hiệu mở rộng thành viên, phát triển thành cơ chế NATO, mở rộng phạm vi bao phủ Biển Đông. Cơ chế Bộ tứ có thể tác động tiêu cực đến ổn định xung quanh, an ninh Biển Đông và thúc đẩy của Vành đai và Con đường ở giai đoạn này, nhưng về lâu dài, nó không thể ngăn cản Trung Quốc tiến lên, cũng như không thể trở thành “NATO phiên bản châu Á”(25).

Có thể nói, với sự thay đổi về định vị và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc đã bước vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện, phủ rộng khắp các lĩnh vực, từ kinh tế thông qua chiến tranh thương mại, quân sự đến các lĩnh vực khác như công nghệ, mô hình quản trị, mô hình phát triển, về xây dựng giá trị mang tính phổ quát của nhân loại mang “thương hiệu” của mỗi bên... Cuộc cạnh tranh diễn ra ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ khu vực, không chỉ thể hiện tập trung ở khu vực cận biên của nước đối phương như trước mà đã mở ra liên khu vực (như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương); không chỉ ở bầu trời, mặt đất như truyền thống mà đã mở ra không gian rộng lớn hơn, đa dạng phức tạp hơn như trên mặt biển, đáy biển sâu, không gian vũ trụ; không chỉ ở không gian thực mà còn trên không gian mạng... Trong cuộc cạnh tranh này, tìm kiếm, tăng cường sự liên minh, liên kết, hợp tác với các đồng minh, đối tác của mỗi bên là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã và đang tác động một cách toàn diện tới cục diện khu vực, thế giới, tới hầu hết các lĩnh vực quan trọng trong phát triển của thế giới, đồng thời cũng sẽ là một nhân tố quan trọng định hình trật tự thế giới trong tương lai. Cuộc cạnh tranh này cũng tác động đến quan hệ song phương của mỗi nước, như quan hệ Mỹ - Việt Nam, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam. Mỹ và Trung Quốc là hai nước đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, liên quan chặt chẽ đến cả an ninh và phát triển của Việt Nam, ngược lại, hai nước cũng thể hiện hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8-2021, Phó Tổng thống Mỹ Harris khẳng định: “chúng tôi có cam kết lâu dài cho mối quan hệ này vì nó quan trọng đối với người dân, an ninh và thịnh vượng của nhân dân Mỹ”, “hai bên sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề và thách thức truyền thống cũng như những vấn đề và thách thức trong tương lai”, “Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”(26). Còn lãnh đạo cấp cao Trung Quốc luôn khẳng định “quan hệ hai bên có ý nghĩa đặc thù”, “Trung Quốc coi trọng cao độ phát triển quan hệ với Việt Nam”(27). Trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này, với ưu thế của mình, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển đất nước, tăng cường quan hệ với mỗi nước, nâng cao vị thế trong khu vực và thế giới nhưng đồng thời cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Vì vậy, bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định; đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021(28) càng được thể hiện đậm nét hơn nữa trong bối cảnh mới.

Có thể thấy, lợi ích quốc gia và các mục tiêu chiến lược của Mỹ qua ba đời Tổng thống gần như không thay đổi. Cách nói và diễn giải có thể khác nhau nhưng điểm cốt lõi vẫn là bảo vệ vị trí lãnh đạo của Mỹ đối với thế giới, duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và luật lệ vốn có. Tuy nhiên, cách đánh giá tình hình và xác định các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia của từng Tổng thống lại có sự khác biệt, từ đó định vị và xử lý quan hệ với Trung Quốc cũng có sự thay đổi rõ rệt. Tổng thống B.Obama xác định Trung Quốc không phải là đối thủ tất yếu, mà là đối tác tiềm năng, xây dựng quan hệ Trung - Mỹ nhấn mạnh nhiều hơn đến hợp tác, có cạnh tranh nhưng không đối đầu. Cách ứng phó với Trung Quốc dưới thời Tổng thống B.Obama nghiêng nhiều về ngăn ngừa, can dự, qua đó kiềm chế Trung Quốc, không tấn công trực diện, trực tiếp bằng biện pháp mạnh. Tổng thống D.Trump gọi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh chiến lược”, là mối đe dọa hàng đầu đối với lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia của Mỹ và đối với trật tự thế giới. Vì vậy, trong quan hệ với Trung Quốc dưới thời Tổng thống D.Trump nghiêng về cạnh tranh, ngăn chặn tuy vẫn có hợp tác, dùng cách tấn công trực diện, trực tiếp đối với các vấn đề mà họ cho là do Trung Quốc gây ra. Tổng thống J.Biden nâng lên mức cao hơn, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp kinh tế, ngoại giao, quân sự và sức mạnh công nghệ để vượt qua thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở. Cách mà Tổng thống J.Biden tiến hành với Trung Quốc tuy khác với hai Tổng thống trước nhưng vẫn là hướng đến ngăn chặn Trung Quốc.

Mỹ đã thực hiện chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để củng cố vị trí của mình tại khu vực này. Trong bài phỏng vấn với Đài truyền hình TF1, Pháp, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cho rằng “cho dù là chiến lược châu Á - Thái Bình Dương hay chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, về cơ bản đều nhằm vào Trung Quốc, đều là để kiềm chế hoặc kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc”(29). Các nhà chính trị, học giả Trung Quốc đều cho rằng, cạnh tranh chiến lược nước lớn, đặc biệt là chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á đã mang lại thách thức đối với Trung Quốc, là một trong những nhân tố bên ngoài quan trọng đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, buộc Trung Quốc phải có sự điều chỉnh. Cuộc cạnh tranh chiến lược này cũng sẽ có tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, đến quan hệ song phương của mỗi nước, trong đó có quan hệ Mỹ - Việt, Trung - Việt.

__________________

(1), (3), (6), (7) The 2015 National Security Strategy, February 2015, https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/2015_national_security_strategy_2.pdf.

(2) Lợi ích quốc gia được xác định trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2010 gồm: (i) An ninh của Mỹ, các công dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ; (i) Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, đổi mới và đang phát triển trong một hệ thống kinh tế quốc tế mở, thúc đẩy cơ hội và thịnh vượng; (iii) Tôn trọng các giá trị phổ quát trong nước và trên thế giới; (iv) Một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc do sự lãnh đạo của Mỹ nâng cao nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và cơ hội thông qua hợp tác mạnh mẽ hơn để đáp ứng các thách thức toàn cầu. The 2015 National Security Strategy, February 2015, https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/docs/2015_national_security_strategy_2.pdf, p.2.

(4) Tháng 2-2009, Ngoại trưởng Hillary Clinton có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là đến đồng minh thân cận nhất Nhật Bản, Hàn Quốc, tiếp sau là Trung Quốc, Indonesia. Chỉ trong vòng 1 năm từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thăm toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN và cả Đông Timor, tháng 7-2012 lần thứ tư liên tiếp tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN.

Tháng 11-2009, B.Obama tiến hành chuyến công du đầu tiên đến châu Á thăm Nhật Bản, Xinhgapo, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngược lại, nguyên thủ đầu tiên đến thăm Mỹ trong nhiệm kỳ của ông B.Obama là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thay vì nguyên thủ châu Âu như dự định. Tổng thống B.Obama đã dự Hội nghị cấp cao Đông Á (lần đầu tiên Mỹ tham dự hội nghị này) và đồng chủ trì hội nghị của các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN.

(5) Mỹ đã bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN, ký Hiệp ước hợp tác và hữu nghị ASEAN, cử đại diện cấp cao hơn (cấp nhà nước) tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và ở cấp ngoại trưởng tới dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

(8) 外交部部长王毅就中国外交政策和对外关系回答中外记者提问, 2014-03-08, https://www.fmprc.

gov.cn/web/wjbz_673089/zyjh_673099/t1135388.shtml.

(9), (10) United States. White House Office, National Security Strategy of the United States of America, Dec 2017, p.25, 46.

(11) Department of Defense of the United States of America, Summary of the 2018 National Defense Strategy of the United States of America, Jan 2018,  p.2,3.

(12), (13) Remarks by Vice President Pence on the Administration’s Policy Toward China, October 4, 2018, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-vice-president-pence-administrations-policy-toward-china.

(14) Phát biểu của Phó Tổng thống Pence tại Giảng đường tưởng niệm Frederic V.Malek https://vn.usembassy.gov/vi/phat-bieu-cua-pho-tong-thong-pence-tai-giang-duong-tuong-niem-frederic-v-malek.

(15), (25), (29) 吴士存:中国咄咄逼人了吗?西方只是更习惯中国“打不还手、骂不还口”, https://www.guancha.cn/WuShiCun/2021_06_25_595730.shtml.

(16), (17) Scott Kennedy, A Complex Inheritance: Transitioning to a New Approach on China, January 19, 2021, https://www.csis.org/analysis/complex-inheritance-transitioning-new-approach-china.

(18) Bài phân tích trên tờ Wall Street Journal, Thông tấn xã Việt Nam, Liệu Trung Quốc có tiếp tục dẫn trước Mỹ, tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 3-2-2021, tr.10.

(19), (20), (21) Interim National Security Strategic Guidance, March 03, 2021, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf, p.2, 9, 8.

(22) Biden foresees extreme competition with China, not conflict, FEB 9, 2021, https://www.straitstimes.com/world/united-states/biden-foresees-extreme-competition-with-china-not-conflict-0.

(23) Paul Lettow, U.S. National Security Strategy: Lessons Learned, National Security Policy, Vol 4, Iss 2, Spring 2021, https://tnsr.org/2021/04/u-s-national-security-strategy-lessons-learned.

(24) Scott Kennedy, A Complex Inheritance: Transitioning to a New Approach on China, January 19, 2021, https://www.csis.org/analysis/complex-inheritance-transitioning-new-approach-china.

(26) Phát biểu của Phó Tổng thống Harris tại cuộc họp báo, ngày 26-08-2021, https://vn.usembassy.gov/vi/phat-bieu-cua-pho-tong-thong-harris-tai-cuoc-hop-bao.

(27) 习近平同越南国家主席张晋创举行会谈(Tập Cận Bình hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang), http://www.chinanews.com/gn/2015/11-06/7610540.shtml.

(28) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng trưởng phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, ngày 14/12/2021, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-xay-dung-truong-phai-ngoai-giao-mang-dam-ban-sac-cay-tre-viet-nam-680424.

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA

Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền