Trang chủ    Quốc tế    Nguồn gốc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn chiến lược địa kinh tế
Thứ ba, 29 Tháng 3 2022 09:06
23169 Lượt xem

Nguồn gốc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn chiến lược địa kinh tế

(LLCT) - Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chiến lược đối ngoại của các nước lớn trên thế giới đang dần chuyển sang sử dụng nhiều hơn các công cụ kinh tế. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chứng kiến xu hướng này với cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước từ đầu năm 2018 đến nay. Bài viết phân tích nguồn gốc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn chiến lược địa kinh tế. Đó là: sự trỗi dậy về mặt kinh tế, quân sự, tài chính quốc tế của Trung Quốc; cuộc chiến về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tình trạng thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ. Từ đó dự báo triển vọng của cuộc chiến dưới thời Tổng thống Biden.

 

Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ đầu năm 2018 đến nay - Ảnh: Asiatimes.com 

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chiến lược đối ngoại của các nước lớn trên thế giới đã chuyển dần từ trọng tâm địa chính trị (geo-political) sang trọng tâm địa kinh tế (geo-economic). Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các quyết định về chính sách thương mại thường bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, dễ dẫn đến rủi ro xung đột quân sự, do đó các lợi ích kinh tế đôi khi không thực hiện được(1). Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, các nguy cơ xung đột chính trị và vũ trang đã giảm xuống, khiến cho các lợi ích địa kinh tế trở thành phổ biến trong chính sách của các quốc gia. Địa kinh tế đang dần thay thế cho địa chính trị trên thế giới, khi mà các vấn đề chính trị chịu sự tác động lớn hơn bởi các tư tưởng và hành vi kinh tế(2).

Những căng thẳng trong quan hệ đối ngoại Mỹ - Trung gần đây đang thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế, gây lo ngại về nguy cơ một cuộc “Chiến tranh lạnh 2.0”(3). Thay vì sử dụng các công cụ chính trị, cuộc mâu thuẫn này tập trung vào chiến tranh thương mại, với các công cụ kinh tế là chủ yếu. Trước khi đạt được Thỏa thuận giai đoạn 1 vào tháng 2-2020, mức thuế suất trung bình của Mỹ đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 3,1% lên 21%, tỷ trọng hàng nhập khẩu bị đánh thuế tăng từ 0% lên 66,4%. Mức thuế suất trung bình của Trung Quốc đối với Mỹ tăng từ 8% lên 21,8%, với khoảng 58,3% hàng hóa phải chịu thuế(4).

Tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức. Nhiều dự báo về triển vọng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được đưa ra, đó là: (1) chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang thành chiến tranh lạnh; (2) hai nước đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại; (3) chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài nhưng không leo thang căng thẳng hơn nữa; (4) chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang thành xung đột quân sự(5).

1. Nguồn gốc của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào đầu năm 2018, chính quyền Trump đã chỉ ra hai nguyên nhân chính là: (1) thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc; (2) chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc để duy trì khả năng cạnh tranh(6).

Thứ nhất, chính quyền Trump cho rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc bắt nguồn từ việc Trung Quốc thực hiện gian lận thương mại, gây tổn hại cho GDP của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc có nguồn gốc từ chính nội tại nền kinh tế Mỹ. Theo nguyên tắc cân bằng cán cân thanh toán BOP, tài khoản vãng lai và cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt vì Mỹ luôn duy trì được một tài khoản tài chính thặng dư. Đây là một đặc quyền của Mỹ vì hầu hết các quốc gia đều coi đồng USD là tài sản trú ẩn an toàn (safe haven)(7). Điều này thu hút rất nhiều dòng tài chính chảy vào Mỹ, khiến đầu tư ở Mỹ vẫn có thể duy trì ở mức cao dù tiết kiệm của Mỹ ở mức thấp. Mức tiết kiệm thấp, người dân Mỹ tăng chi tiêu, trong đó có cả chi tiêu cho các mặt hàng nhập khẩu, khiến cho Mỹ thâm hụt thương mại.

Như vậy, với bối cảnh của nước Mỹ, thâm hụt thương mại không nhất thiết gây tổn hại cho nền kinh tế. Trên thực tế, Mỹ đã thâm hụt thương mại từ giữa những năm 1990 đến nay, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương. Thậm chí, có hai thời điểm mà thâm hụt thương mại của Mỹ giảm, lại gắn liền với hai cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 2001 và 2009(8). Nếu chỉ dựa vào quan sát này thì thâm hụt thương mại lớn chính là biểu hiện của sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thâm hụt thương mại với tăng trưởng GDP phức tạp hơn nhiều và nó phụ thuộc vào hoàn cảnh từng quốc gia, trong từng thời điểm cụ thể.

Ngoài ra, quan điểm giảm nhập khẩu sẽ khiến cho GDP của nền kinh tế tăng lên cũng không chính xác. GDP là thước đo tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trên phạm vi quốc gia, nên hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu vào Mỹ hoàn toàn không có tác động gì đến GDP của Mỹ. Tất nhiên, nếu hàng hóa nhập khẩu là những mặt hàng cạnh tranh với hàng sản xuất nội địa của Mỹ thì giảm nhập khẩu có thể sẽ có những tác động tích cực đến tăng trưởng GDP. Nhưng ngược lại, nếu các mặt hàng nhập khẩu là các hàng hóa bổ trợ hay sản phẩm đầu vào cho sản xuất nội địa, thì giảm nhập khẩu sẽ làm giảm tăng trưởng của Mỹ.

Ngay cả khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm giảm nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, điều đó cũng không bảo đảm sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Nói cách khác, các rào cản thuế quan với Trung Quốc sẽ có tác dụng chuyển hướng mậu dịch (trade diversion), chứ không làm cho sản xuất nội địa của Mỹ mở rộng. Thay vì nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chuyển sang nhập các mặt hàng tương tự từ các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan hay Inđônêxia. Điều này chỉ làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, mà không làm thay đổi tổng cán cân thương mại của Mỹ. Chỉ khi nào cán cân tài chính của Mỹ giảm thặng dư, thì cán cân thương mại mới giảm thâm hụt. Mà điều này thì không thể đạt được bằng cách phát động một cuộc chiến tranh thương mại.

Thứ hai, chính quyền Mỹ đã nhiều lần nêu lên những quan ngại về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, tính xác đáng của cáo buộc này từ phía Mỹ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Các chính trị gia Mỹ thường chỉ trích Trung Quốc giữ đồng nhân dân tệ dưới giá trị thực khoảng 40%, qua đó khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn một cách tương đối để duy trì khả năng cạnh tranh thương mại. Chỉ số Big Mac đo lường tỷ giá hối đoái thực tế và đánh giá các đồng tiền theo ngang giá sức mua cũng cho thấy đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với giá trị thực khoảng 44%(9). Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào đưa ra một con số thật sự thuyết phục về việc định giá thấp của đồng nhân dân tệ hay việc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Hơn nữa, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng không đồng ý với quan điểm Trung Quốc thao túng tiền tệ và cho rằng giá trị đồng nhân dân tệ là phù hợp với điều kiện kinh tế của Trung Quốc(10). Nghiên cứu của N.Moosa và cộng sự năm 2020 cũng đưa ra ý kiến rằng đồng nhân dân tệ không bị định giá thấp và việc định giá lại đồng nhân dân tệ cũng không giúp cải thiện thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc(11).

Chính quyền Mỹ phê phán Trung Quốc thao túng tiền tệ qua cách mà Chính phủ Trung Quốc điều hành thị trường ngoại hối. Chế độ tỷ giá của Trung Quốc từ năm 2005 đến nay là chế độ neo tỷ giá hối đoái điều chỉnh dần (crawling peg). Tỷ giá đồng nhân dân tệ được giữ tương đối ổn định so với đồng USD và khi cần thiết, Chính phủ Trung Quốc có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái bằng cách mua hay bán USD trên thị trường ngoại hối. Mặc dù bị Mỹ lên án, nhưng việc làm của Trung Quốc không hề vi phạm các nguyên tắc của IMF, vốn đã cho phép các quốc gia được tự do lựa chọn chế độ tỷ giá hối đoái phù hợp với mình từ sau năm 1971 (khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ). Việc các chính phủ can thiệp vào thị trường ngoại hối không phải việc bất hợp pháp, và rất nhiều quốc gia sử dụng công cụ này để điều chỉnh tỷ giá đồng tiền của mình. 

Như vậy, những nguyên nhân trực tiếp mà Chính phủ Mỹ đưa ra để phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc dường như không thật sự thuyết phục hoặc cố tình đưa ra những quan điểm trái với những nguyên lý kinh tế cơ bản. Hơn nữa, vấn đề thâm hụt thương mại và cáo buộc thao túng tiền tệ với Trung Quốc hoàn toàn không phải những vấn đề mới. Nếu như đầu năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ở mức 419 tỷ USD, thì ngay từ đầu những năm 2000, giá trị thâm hụt đã đạt khoảng 100 tỷ USD. Chính quyền Mỹ cũng đã rất nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, lần đầu tiên vào năm 1994 và sau đó là một số động thái trừng phạt từ Quốc hội Mỹ vào các năm 2005 và 2010(12). Việc các vấn đề này đã tồn tại từ lâu mà không dẫn đến xung đột nào trong quá khứ cho thấy cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những nguyên nhân sâu xa hơn.

Nguyên nhân sâu xa của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Dưới góc nhìn chiến lược địa kinh tế, ba nguồn gốc sâu xa của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là:

Thứ nhất, cuộc chiến này là hệ quả của sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong gần hai thập kỷ vừa qua. Sự trỗi dậy này bao hàm cả về mặt kinh tế, quân sự, tài chính quốc tế và đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế. 

Về kinh tế, tuy Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng xét theo phương pháp ngang giá sức mua, IMF đánh giá Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2014(13). Trung Quốc cũng vượt qua Mỹ để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2009 và nước có tổng giá trị thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2013(14). Với mức tăng trưởng như vậy, Trung Quốc có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2015, Trung Quốc đã chuyển từ một nước gia công sản xuất thành một nhà cung cấp linh kiện quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong giai đoạn đầu tiên, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu linh kiện và xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện, thì đến giai đoạn sau, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu linh kiện một cách đáng kể nhờ vào sự gia tăng năng lực sản xuất nội địa. Nghiên cứu cũng chỉ ra những nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, tăng trưởng mạnh ở khu vực châu Phi và châu Mỹ Latinh, song xuất khẩu sang các nước phương Tây vẫn chiếm tỷ trọng lớn(15).

Về quân sự, Mỹ và Trung Quốc đang là những quốc gia chi tiêu nhiều nhất trên thế giới. Ước tính năm 2020, tỷ trọng trong tổng chi tiêu quân sự toàn cầu của Mỹ là 39% và Trung Quốc là 13%. Trong thập kỷ qua, chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc đã tăng 76%, mức tăng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn này. Tính đến năm 2020, chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc đã tăng liên tục trong vòng 26 năm(16). Cùng với những bước tiến về kinh tế và quân sự, triết lý đối ngoại của Trung Quốc cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Từ triết lý “che giấu khả năng và chờ đợi thời thế” của Đặng Tiểu Bình những năm 1990, Trung Quốc đã chuyển sang tư tưởng Tập Cận Bình vào năm 2017 về “giấc mơ Trung Hoa” nhằm trở thành “siêu cường hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI”(17). Triết lý này được cụ thể hóa bằng những hành động mang tính thách thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như vấn đề Biển Đông, leo thang căng thẳng với Đài Loan, Nhật Bản... Đây là những hành động mà Mỹ cho rằng gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Vì vậy, từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Mỹ đã có những chiến lược như “Xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương” năm 2011 của chính quyền Obama và “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” năm 2017 của chính quyền Trump(18).

Về tài chính quốc tế, Trung Quốc đã có những bước đi để nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ và gia tăng đầu tư quốc tế. Những năm gần đây, Trung Quốc luôn là quốc gia tiếp nhận FDI lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) và là một trong 5 nước đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhất(19). Trung Quốc cũng rất tích cực gia tăng ảnh hưởng tài chính ở các nước trong vùng sáng kiến “Vành đai, con đường” và các nước châu Phi. Trung Quốc đang đóng vai trò chi phối trong xây dựng hạ tầng ở châu Phi, chiếm hơn 40% nhà thầu xây dựng tại châu lục này từ năm 2011(20). Tổng các khoản vay ưu đãi mà Trung Quốc cung cấp cho châu Phi tính đến năm 2010 là hơn 10 tỷ USD, với cam kết tăng lên 20 tỷ USD đến năm 2015(21). Các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc thường giải ngân nhanh và không đi kèm với các điều kiện cho vay nên nhận được sự quan tâm của các quốc gia châu Phi. Đối với những nước gặp khó khăn trong thanh toán nợ, Trung Quốc không nhờ đến sự can thiệp đa phương, mà thường áp dụng thỏa thuận nợ song phương. Thí dụ, thỏa thuận xóa nợ cho Tátgikixtan năm 2011 để đổi lấy một vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai quốc gia; đổi nợ 8 tỷ USD của Sri Lanka lấy quyền thuê cảng Hambantota trong 99 năm vào năm 2017(22).

Trung Quốc cũng đang nỗ lực đưa đồng nhân dân tệ trở thành phương tiện dự trữ quốc tế. Mặc dù đồng nhân dân tệ chỉ chiếm khoảng 2% trong dự trữ ngoại tệ thế giới, nhưng đây là một trong năm đồng dự trữ ngoại tệ phổ biến nhất. Từ năm 2015, đồng nhân dân tệ cũng được IMF đưa vào rổ tiền để xác định giá trị Quyền rút vốn đặc biệt SDR(23). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực đưa ra các sáng kiến thành lập các tổ chức tài chính quốc tế để cạnh tranh với vai trò của IMF, như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) năm 2015 hay Ngân hàng phát triển mới (NDB) năm 2014 cùng các nước mới nổi BRICS. Rõ ràng, những biến đổi mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và tài chính quốc tế những năm gần đây, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2009, đã khiến Mỹ thấy vị thế dẫn đầu của mình bị đe dọa. Điều này trở thành nguồn gốc cơ bản nhất cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, được Mỹ sử dụng như một công cụ để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

Thứ hai, đằng sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc chiến về mặt công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tri thức và công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Các quốc gia đều đang nỗ lực chạy đua xây dựng hạ tầng công nghệ và năng lực sản xuất cho tương lai. Từ một kẻ bắt chước vĩ đại, Trung Quốc đang dần chuyển mình thành một quốc gia sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay. Từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia đăng ký nhiều bằng sáng chế nhất thế giới. Năm 2016, số lượng bằng sáng chế của Trung Quốc còn nhiều hơn Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại(24). Trung Quốc sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới (35.388 km), gấp 10 lần nước thứ hai là Tây Ban Nha (3.330 km)(25). Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới trong công nghệ năng lượng tái tạo. Hằng năm, Trung Quốc sản xuất ra hơn 1/4 sản lượng năng lượng tái tạo của thế giới và mức tăng về năng lực sản xuất của Trung Quốc chiếm 1/3 mức tăng của thế giới(26). Cuộc chạy đua công nghệ 5G giữa hai nước cũng diễn ra vô cùng căng thẳng. Ước tính năm 2020, Trung Quốc đã phủ sóng 5G cho 341 thành phố với khoảng 175 triệu người dùng, trong khi Mỹ phủ sóng cho 279 thành phố với 14 triệu người dùng(27).

Tuy Mỹ vẫn vượt trội Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực công nghệ khác, nhưng rõ ràng Mỹ không muốn thất bại trong cuộc chạy đua công nghệ mới, ở các lĩnh vực mà lợi thế quy mô hay lợi thế của kẻ đi trước có thể quyết định đến vị trí dẫn đầu trong tương lai. Chính vì vậy, việc sử dụng công cụ thuế quan thương mại có thể giúp kìm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng giúp bảo hộ các doanh nghiệp công nghệ nội địa của Mỹ phát triển. Mỹ đã đưa ra những rào cản thương mại cho sản phẩm công nghệ như pin năng lượng mặt trời, thiết bị thông minh và vật liệu bán dẫn đối với Trung Quốc(28). Đó là áp thuế suất tự vệ đối với 8,5 tỷ USD pin năng lượng mặt trời nhập khẩu (tháng 1-2018); giới hạn khả năng tiếp cận hàng hóa sản xuất tại Mỹ đối với tập đoàn Huawei dựa trên cáo buộc rửa tiền và vi phạm lệnh cấm vận (tháng 3-2019); giới hạn xuất khẩu các thiết kế, phần mềm, thiết bị bán dẫn của Mỹ đối với tập đoàn SMIC (tháng 12-2020).

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ sử dụng công cụ thuế quan thương mại để chiếm ưu thế trong cuộc đua công nghệ. Những năm 1980, khi thâm hụt thương mại lớn với Nhật Bản, Mỹ đã từng áp thuế cao đối với mặt hàng nhập khẩu từ Nhật. Để tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ, Nhật Bản đã chấp nhận áp dụng hạn ngạch xuất khẩu tự nguyện (VER) đối với xe hơi xuất khẩu sang Mỹ từ năm 1981 đến 1985. Nhật Bản còn cam kết dành 20% thị phần vật liệu bán dẫn nội địa của mình cho hàng của Mỹ trong giai đoạn 1986-1996(29). Mỹ đã áp dụng chiến lược tương tự như vậy với Trung Quốc vào năm 2018, chỉ khác rằng Trung Quốc đã không chấp nhận nhượng bộ mà lựa chọn leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ.

Thứ ba, phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ giúp tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Mỹ, vốn đang ở tình trạng thâm hụt sâu. Vào thời điểm phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc năm 2018, ngân sách của Mỹ thâm hụt 779 tỷ USD, tương đương 3,9% GDP. Nợ công của Mỹ ở mức 78% GDP, cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai(30). Thực tế, ngân sách của Mỹ đã luôn ở tình trạng thâm hụt từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên, chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của chính quyền Tổng thống Trump đã làm giảm thu ngân sách, khiến thâm hụt ngân sách tăng 17% trong năm 2018(31). Điều này cũng hối thúc chính phủ Mỹ phải tìm những nguồn thu ngân sách mới, dẫn đến cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc. Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố chính sách thuế nhập khẩu đã giúp Mỹ thu được nguồn tài chính lớn từ phía Trung Quốc.

Theo lý thuyết kinh tế học, gánh nặng thuế quan không chỉ rơi vào người bán, mà phụ thuộc vào độ co giãn tương đối giữa cung và cầu. Không chỉ những nhà sản xuất Trung Quốc, mà chính người tiêu dùng Mỹ cũng phải đóng góp một phần (ít hay nhiều tùy từng mặt hàng cụ thể) vào doanh thu từ thuế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, kết quả vẫn là tăng thêm nguồn thu ngân sách. Năm 2019, doanh thu từ thuế nhập khẩu của Mỹ là 71 tỷ USD, tăng so với mức 36 tỷ USD của năm 2016. Các tính toán từ mô hình thuế tổng hợp cũng đưa ra dự báo, tác động tổng hợp của chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc sẽ tăng thu ngân sách cho Mỹ 79,96 tỷ USD(32). Con số này có thể còn quá nhỏ so với ngân sách của Mỹ, nhưng cũng góp phần tạo nên sự ủng hộ của các chính trị gia Mỹ đối với việc phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tính đến năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng lên 3,1 nghìn tỷ USD, tương đương 14,9% GDP(33). Dự báo đến năm 2051, nợ công của Mỹ sẽ vượt quá 200% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 11,5% GDP(34). Điều này sẽ khiến cho những chính sách có tác động giảm thu ngân sách khó nhận được sự ủng hộ hơn trên chính trường Mỹ, trong đó có cả chính sách giảm nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc.

2. Đánh giá triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Biden

Sự phân tích về nguồn gốc của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy, ngay cả khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm và Trung Quốc nới lỏng quản lý tiền tệ, thì vẫn còn rất nhiều nguyên nhân sâu xa khác khiến cho cuộc chiến này khó có thể sớm kết thúc. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, khiến Mỹ “tỉnh ngộ” khi vị trí dẫn đầu của mình trong một số lĩnh vực bị đe dọa(35). Vì vậy, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa thể sớm được hòa giải, dù cho Tổng thống Biden được đánh giá là ôn hòa hơn người tiền nhiệm của mình rất nhiều.

Khi thừa hưởng cuộc chiến thương mại từ người tiền nhiệm, Tổng thống Biden không chịu nhiều áp lực phải hòa giải cuộc chiến. Hiện nay, các ưu tiên của ông là tập trung vào các vấn đề nội bộ của nước Mỹ như kế hoạch tiêm vắcxin, hàn gắn chia rẽ sắc tộc, củng cố an ninh biên giới hay giải quyết vấn đề việc làm. Và có lẽ, ông Biden cũng không mạo hiểm để tiếp tục leo thang căng thẳng với Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu hạ nhiệt. Thực tế là trong một năm kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden vẫn chưa có một động thái đáng kể nào đối với cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.

Do đó, triển vọng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có lẽ sẽ tiếp tục duy trì hiện trạng, ít nhất là trong ngắn hạn. Ông Biden được dự báo sẽ tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong xung đột với Trung Quốc, thông qua việc kêu gọi đề cao những giá trị dân chủ phương Tây. Sau đó, ông có thể sử dụng việc giảm bớt các hàng rào thuế quan như một công cụ thương thảo với Trung Quốc về các vấn đề mà chính quyền của ông quan tâm, từ kinh tế - xã hội cho đến dân chủ - tôn giáo. Dù khó có thể dự đoán khi nào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ chấm dứt, nhưng rõ ràng cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn giảm nhiệt căng thẳng, vì khi cuộc chiến còn tiếp diễn thì “đôi bên cùng có hại” về mặt kinh tế.

__________________

(1) Luttwak, Edward N: From Geopolitics to Geo-Economics: Logic of Conflict, Grammar of Commerce, The National Interest, No.20-1990, p.17-23.

(2) Munoz, J Mark: Advances in geoeconomicsRoutledge, 2017.

(3) Tuấn Anh: Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, chiến tranh lạnh 2.0 bùng nổ?, vietnamnet.vn, 15-7-2020.

(4) Chad Bown: “US-China Trade War Tariffs: An Up-to-Date Chart”, PIIE, 16-3-2021.

(5) Larisa Kapustina, Ľudmila Lipková, Yakov Silin, Andrei Drevalev:US-China trade war: Causes and outcomes,Paper presented at the SHS Web of Conferences, 2020.

(6) Dominic Rushe: “Here are the reasons for Trump's economic war with China”, The Guardian, 23-8-2019.

(7) Lai, Edwin L. C.: "The US–China trade war, the American public opinions and its effects on China", Economic and Political Studies,7(2)-2019, p.169-184.

(8) Noah Smith: “What Trump’s Trade Guru Doesn’t Get About Economics”, Bloomberg, 2-3-2018.

(9) The Economist: “How big is China’s economy? Let the Big Mac decide”15-6-2020.

(10) David Lawder: “IMF stands by yuan view; says China could need stimulus if trade war worsens”, Reuters, 10-8-2019.

(11) N.Moosa,V.Ramiah, H. Pham, A. Watson: "The origin of the US-China trade war"Applied Economics, 52(35)-2020, p.3842-3857.

(12) The Economist: “Fumbling towards a truce”, 16-10-2010.

(13) “IMF: Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới”, https://tapchitaichinh.vn/, 9-10-2014.

(14) “China 'overtakes' US as world’s largest goods trader”, https://www.bbc.com, 10-1-2014.

(15), (26) L. Song, R. Garnaut, C. Fang, và L. Johnston (đồng chủ biên): China's New Sources of Economic Growth: Human Capital, Innovation and Technological Change, t.2, Acton ACT 2601, ANU Press, Australia, 2017, p. 363-388, 315-341.

(16) Diego Lopes Da Silva, Nan Tian, Alexandra Marksteiner: Trends in World Military Expenditure, 2020,SIPRI, tháng 4-2021.

(17) Phương Vũ: Tham vọng chấm dứt chính sách 'náu mình chờ thời' của ông Tập, vnexpress.net, 23-10-2017.

(18) United States Department of State: A Free and Open Indo-Pacific: Advancing a Shared Vision, 2019,https://www.state.gov/a-free-and-open-indo-pacific-advancing-a-shared-vision/.

(19) Giroud, Axèle, và Ivarsson, Inge: "World Investment Report 2020: International production beyond the pandemic", Journal of International Business Policy, 3(4)-2020, 465-468.

(20) Xiangming Chen, Zhengli Huang: "Is China Building Africa?", The European Financial Review, 2016, p.7-13.

(21) Xiaojun Li: "Does Conditionality Still Work? China’s Development Assistance and Democracy in Africa", Chinese Political Science Review, 2(2)-2017, p.201-220.

(22) John Hurley, Scott Morris, Gailyn Portelance: Examining the debt implications of the Belt and Road Initiative from a policy perspective, Journal of Infrastructure, Policy and Development, 3(1)-2019, p.37.

(23) IMF:Special Drawing Rights (SDR)https://www.imf.org/en/About/Factsheets/Sheets/2016/08/01/14/51/Special-Drawing-Right-SDR, 18/02/2021

(24) WIPO: World Intellectual Property Indicators 2017(978-92-805-2903-6), World Intellectual Property Organization Geneva, Switzerland, 2017.

(25) UIC:The Worldwide Railway Organizationhttps://uic.org/IMG/pdf/20200227_high_speed_lines_in_the_world.pdf

(27) Ericsson Mobility Report November, https://www.ericsson.com/4adc87/assets/local/mobility-report/documents/2020/november-2020-ericsson-mobility-report.pdf, 11-2020,

(28) Bown, Chad, và Kolb, Melina: Trump’s Trade war timeline: an up-to-date guide, Peterson Institute for International Economics, 2021.

(29) Maswood, Javed: International political economy and globalization, World Scientific Publishing Company, USA, 2000.

(30) CBO: The 2018 Long-Term Budget Outlook, Congressional Budget Office https://www.state.gov/a-free-and-open-indo-pacific-advancing-a-shared-vision/, 2018.

(31) Jim Tankersley: Budget Deficit Jumps Nearly 17% in 2018, New York Times, 15-10-2018.

(32) Erika York: Tracking the Economic Impact of U.S. Tariffs and Retaliatory Actions, 18-9-2020.

(33) Congressional Budget Office: The Federal Budget in Fiscal Year 2020: An Infographic, 30-4-2021.

(34) CBO:The 2021 Long-Term Budget Outlook, Congressional Budget Office https://www.state.gov/a-free-and-open-indo-pacific-advancing-a-shared-vision/, 2021.

(35) PGS, TS Thái Văn Long: Đặc điểm mới của cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung Quốc và đối sách của Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, 9-11-2020.

TS NGUYỄN THANH SƠN

Viện Kinh tế chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền