Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm cầm quyền của Đảng UMNO ở Malaixia
Thứ năm, 14 Tháng 11 2013 14:50
2557 Lượt xem

Kinh nghiệm cầm quyền của Đảng UMNO ở Malaixia

(LLCT) - Ra đời tháng 11-1946 trong thời kỳ Malaixia còn dưới sự cai trị của Anh,  UMNO - Tổ chức quốc gia Malaixia thống nhất, là trụ cột của liên minh cầm quyền BN (Barisan National - Mặt trận quốc gia)  rất có công lao trong đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước.

So với các đảng cộng sản cầm quyền hiện nay trên thế giới, UMNO có điểm giống là đã ra đời và có vai trò quan trọng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, sau đó trở thành đảng thống trị (Dominant party). Song khác ở chỗ các đảng cộng sản đã cầm quyền liên tục trong môi trường chính trị duy nhất một đảng thì UMNO thành công trong môi trường nhiều đảng cạnh tranh hạn chế.

Khác với các đảng tư sản ủng hộ thị trường tự do ở phương Tây (thiên hữu), UMNO có khuynh hướng tả và chủ trương xây dựng nền kinh tế có vai trò của sở hữu nhà nước đối với các ngành kinh tế then chốt (như Petronas trong lĩnh vực dầu lửa). Về chính trị, UMNO ủng hộ mô hình dân chủ Nghị viện kiểu Anh. Nhưng khác với các đảng trung tả, nhất là các đảng Xã hội và Dân chủ xã hội châu Âu, UMNO thực hiện dân chủ và quyền con người theo “Giá trị châu Á”. Về điều này, UMNO giống với đảng PAP (đảng hành động nhân dân) ở nước Xingapo láng giềng. Song, khác PAP về đường lối kinh tế và đặc biệt là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng. Trong khi PAP chủ trương phát triển Xingapo dựa vào nền kinh tế mở, thì UMNO chủ trương hội nhập quốc tế có chọn lọc, thực hiện bảo hộ kinh tế trong nước. Trong khi PAP dựa vào cộng đồng người Hoa, thì UMNO dựa vào cộng đồng người bản xứ Mã lai.

Dưới sự lãnh đạo của UMNO, Malaixia đã có bước phát triển nhanh chóng. Từ một quốc gia dựa chủ yếu vào xuất khẩu nguyên liệu thô (dầu cọ, thiếc) và nông nghiệp lạc hậu, trong vòng 40 năm Malaixia đã trở thành một nước công nghiệp mới, được xếp đứng thứ 65 trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á chỉ xếp sau Xingapo và cao hơn khá nhiều so với các nước còn lại. Với điểm xuất phát thấp và khoảng thời gian không dài, sự tiến bộ của Malaixia là rất đáng kể.

Nghiên cứu những kinh nghiệm cầm quyền của UMNO, có thể thấy một số điều đáng chú ý sau:

1. Luôn giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng

Cho đến nay, UMNO vẫn duy trì các trụ cột tư tưởng ban đầu của Đảng là: Chủ nghĩa quốc gia, Dân tộc Mãlai, Hồi giáo, Tư bản. Những trụ cột này chi phối đường lối, chính sách của Malaixia trong suốt các thập kỷ vừa qua.

Là một quốc gia biển đảo, cho đến giữa thế kỷ XIX Malaixia vẫn là những tiểu quốc riêng rẽ, phần lớn dân số theo đạo Hồi (được du nhập vào từ khoảng thế kỷ XVII-XVIII). Từ nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Anh đến, thiết lập thuộc địa, lúc đầu dựa vào các Tiểu Vương, nhưng từ đầu thế kỷ XX thực hiện cai trị trực tiếp đối với người Mã lai. Từ những năm 30-40 thế kỷ XX, đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ hai, tại đây nổi lên xu hướng đòi hợp nhất các vùng đất của người Mãlai và giành độc lập. Vào thời điểm đó có các đảng đại diện của 3 cộng đồng lớn gồm người Mãlai bản địa (chủ yếu theo đạo Hồi), người Hoa và người Ấn. UMNO là tổ chức đại diện cho cộng đồng người Mãlai bản địa, chủ trương thống nhất các tiểu quốc thành một quốc gia Malaixia duy nhất với một nhà nước Liên bang, bao gồm 13 bang và vùng lãnh thổ, theo chế độ Quân chủ lập hiến, có chung một Nghị viện liên bang gồm 2 viện theo mô hình Oét Minstơ của Anh, một chính phủ liên bang và Tòa án tối cao liên bang. Ở mỗi bang duy trì một Nghị viện riêng (chỉ có 1 viện), một người đứng đầu (Tiểu Vương). Nhà Vua Malaixia sẽ được chọn luân phiên trong số 9 Tiểu vương của 9 bang được xác định trong Hiến pháp. So với hầu hết các nước Đông Nam Á khác đã từng một hoặc nhiều lần sửa đổi Hiến pháp, chế độ Hiến pháp của Malaixia khá vững chắc trong suốt nửa thế kỷ qua với sự ủng hộ của tất cả các đảng trong liên minh cầm quyền BN cũng như các đảng đối lập. Với việc khẳng định đạo Hồi là quốc giáo (khoản 1 điều 2 của Hiến pháp) đã giúp cho quyền lãnh đạo danh nghĩa của Quốc vương cũng như lãnh đạo thực tế của Thủ tướng luôn  nằm trong tay người Mãlai.

Những năm 40-50 tồn tại 2 khuynh hướng lớn trong đấu tranh giành độc lập là khuynh hướng vũ trang của những người theo chủ nghĩa cộng sản và khuynh hướng cải lương tư sản của những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. UMNO theo khuynh hướng thứ hai, lựa chọn con đường đàm phán hòa bình với Anh để giành độc lập, phát triển chủ nghĩa tư bản.

Từ ngày thành lập đến nay, UMNO vẫn kiên định lập trường bảo vệ và ưu tiên quyền lợi chính trị, kinh tế và xã hội cho người Mãlai bản địa. Vì lập trường này đã dẫn đến xung đột gay gắt giữa UMNO và PAP, tới mức chỉ sau 2 năm ra nhập Liên bang, Xingapo đã bị khai trừ khỏi liên bang năm 1965. Cũng vì không giữ được lập trường này, đã khiến Thủ tướng Badauy bị buộc phải từ chức vào cuối năm 2008.

2- Thực hiện chiến lược phát triển có tầm nhìn xa với các chính sách kinh tế, xã hội thích hợp

Các trụ cột tư tưởng của Đảng đã định hướng rõ rệt chiến lược và các chính sách phát triển của Malaixia. Vào những năm 50-60, các nhà lãnh đạo UMNO hiểu rõ sự yếu thế của người Mãlai tuy chiếm số lượng lớn trong cơ cấu dân số, nhưng không có sức mạnh kinh tế so với cộng đồng người Hoa và Ấn. Họ chủ yếu làm nông nghiệp với trình độ canh tác lạc hậu tại các vùng nông thôn, rừng núi, làm thuê tại các đồn điền hay thành thị. Hoạt động thương mại, công nghiệp và nắm những yết hầu kinh tế khác phần lớn thuộc về người Hoa và người Ấn. Người Mãlai có tỷ lệ thất học cao nhất.

Năm 1955, UMNO và các đảng trong Liên minh đã ra Tuyên ngôn với những mục tiêu cơ bản sau: Độc lập cho đất nước vào năm 1959; thực hiện giáo dục tiểu học cho trẻ em; bảo vệ chế độ Quân chủ lập hiến; cải cách chế độ công chức. Năm 1970 UMNO đưa ra Cương lĩnh của đảng tiếp tục khẳng định quan điểm cơ bản là phát triển Malaixia độc lập trên tinh thần ưu tiên cho người Mã lai. Năm 1971 tại Đại hội lần thứ III của đảng, UMNO chính thức thông qua “Chính sách kinh tế mới” ( NEP) tập trung nâng đỡ người Mãlai trong phát triển doanh nghiệp và nắm giữ các ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Mục tiêu đặt ra là tới năm 1990, người Mãlai nắm giữ 30% nền kinh tế đất nước, 30% cổ phần rao bán lần đầu. Những lĩnh vực quan trọng như sản xuất dầu mỏ, ngân hàng, tài chính, sản xuất thiếc, dầu cọ, xây dựng cơ sở hạ tầng...được dành cho các người bản xứ. Ngân hàng của Nhà nước thực hiện ưu đãi về tín dụng cho người Mãlai mở doanh nghiệp và phát triển kinh doanh.

Đồng thời, nhà nước thực hiện các hỗ trợ để giảm đói nghèo cho người Mãlai tại các vùng nông thôn như giúp đỡ các khoản tín dụng nhỏ, giúp đỡ về công cụ sản xuất... Thực hiện giáo dục dành cho con em người Mãlai như thiết lập hệ thống nhà trẻ, trường tiểu học, trung học và đại học, mở cửa cho người Mã lai dễ tiếp cận với giáo dục. Trong thời kỳ NEP đã mở 5 trường đại học dành cho người Mãlai và Hồi giáo. 90% học bổng đi học nước ngoài của chính phủ dành cho người Mãlai.

Trong cải cách chế độ công chức, ưu tiên bổ nhiệm người Mãlai. Từ thập kỷ 70 trở đi, Malaixia chấm dứt sự lệ thuộc vào người nước ngoài trong các công việc hành chính. Những người không phải Mãlai chỉ được bổ nhiệm cao nhất tới thứ trưởng. Từ cuối những năm 70 đến nay hơn 98% công chức là người Mãlai.

“Chính sách kinh tế mới” đã giúp cho Malaixia trong một thời gian tương đối ngắn có được sự tiến bộ lớn không chỉ trên phương diện kinh tế mà cả phương diện xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các cộng đồng dân cư, đưa cộng đồng người Mãlai lạc hậu có bước phát triển vượt bậc.

Năm 1997 cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Khác với các nước láng giềng như Thái Lan, Inđônêxia, Philippin phải chịu tuân theo các biện pháp khắt khe do IMF, WB yêu cầu chẳng hạn thả nổi đồng tiền, thắt chặt tài khóa... chính phủ của Thủ tướng Mahathia đã kiên trì thi hành các biện pháp cứng rắn, can thiệp tích cực vào hoạt động ngân hàng, giữ vững giá trị đồng nội tệ, nhờ đó nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Cũng nhờ những biện pháp củng cố hệ thống ngân hàng và quản lý tiền tệ chặt chẽ đã  giúp cho Malaixia đứng vững trước đà suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra vào năm 2008 và kéo dài cho đến đầu 2010. Mặc dù kinh tế Malaixia có bị ảnh hưởng, nhịp độ tăng trưởng âm, song chủ yếu do xuất khẩu giảm chứ không phải do quản lý.

Về mặt chiến lược kinh tế, những năm 60, 70, UMNO chủ trương phát triển đất nước dựa vào sản xuất và xuất khẩu thiếc, dầu cọ. Thập kỷ 80 chuyển hướng sang sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ. Bước vào thập kỷ 90, Malaixia phát triển công nghiệp điện tử dân dụng và sản xuất ôtô. Cho đến cuối thế kỷ XX, Malaixia đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, ngân hàng, thông tin liên lạc... có thể sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Malaixia đã xây dựng được nhiều công trình tầm cỡ thế giới, như Tòa tháp đôi Petronas, cảng hàng không quốc tế Kualalămpơ, đường cao tốc Bắc - Nam, trường đua xe Công thức một... Bước vào thế kỷ XXI, Malaixia chuyển sang phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, các ngành công nghiệp không khói như du lịch, dịch vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe. Có thể nói hầu như trong tất cả các lĩnh vực được tập trung phát triển đều nhanh chóng đạt trình độ quốc tế và mang tính cạnh tranh cao.

Về mặt văn hóa, dưới sự lãnh đạo của UMNO, Malaixia luôn khẳng định được bản sắc châu Á của mình và được coi là quốc gia bảo vệ và phát huy tốt nhất bản sắc dân tộc, bản sắc châu Á trong mọi mặt đời sống xã hội. Cựu thủ tướng Mahathia là người kịch liệt chống lại sự xâm lăng văn hóa của phương Tây, đặc biệt là văn hóa Mỹ. Một mặt khẳng định tiếng Mãlai và chữ Malaixia (hiện nay đã dùng ký tự La tinh) là quốc ngữ, được sử dụng trong công sở, được giảng dạy tại các trường học từ tiểu học tới đại học, mặt khác vẫn duy trì vị trí của tiếng Anh, đặc biệt trong giáo dục bậc cao. Học sinh tốt nghiệp phổ thông đều có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh để bước vào đại học và dễ dàng tiếp cận với tri thức và chuẩn mực quốc tế trong giáo dục đào tạo. Cùng với Xingapo, Malaixia được coi là các quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài của mình.

Về chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại, Malaixia thể hiện rõ tinh thần độc lập, một mặt phát triển kinh tế thị trường và quan hệ thương mại với nhiều nước kể cả với Mỹ, thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư gián tiếp và trực tiếp, song luôn chống lại sự can thiệp và sức ép của Mỹ. Thủ tướng Mahathia được coi là một trong những nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển có thái độ cứng rắn đối với Mỹ và phương Tây, thường phê phán và tố cáo ý đồ của Mỹ và các nước phương Tây muốn Malaixia đi theo mô hình tự do, nhân quyền của phương Tây. 

Mặc dù chống cộng sản và luôn phản đối sự hậu thuẫn của bất kỳ nước nào đối với Đảng Cộng sản Malaixia, song Malaixia có quan hệ với nhiều nước cộng sản, trong đó có Việt Nam. 

Chính phủ Malaixia là thành viên sáng lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á và hoạt động tích cực trong việc mở rộng và củng cố khối Đông Nam Á cả về kinh tế và chính trị để ngày nay ASEAN thực sự là một thực thể kinh tế, chính trị quan trọng trên thế giới. Malaixia ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông dựa vào đàm phán các bên cùng có lợi. Malaixia mua sắm vũ khí hiện đại của Nga như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, song không phô trương ồn ào, không thể hiện hành động liên kết hoặc dựa vào một nước lớn nào khác để bảo đảm an ninh cho mình. Đấy là chính sách quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập, tự chủ của Malaixia. 

Malaixia coi Hồi giáo là quốc giáo và có tới 68% dân số theo đạo Hồi song với chính sách không kỳ thị tôn giáo (đạo Phật chiếm 19% dân số, đạo Hinđu khoảng 13%, còn lại là các tôn giáo khác) nên nhiều thập kỷ vừa qua không xảy ra các cuộc xung đột giữa các cộng đồng tôn giáo như từng xảy ra tại một số nước Đông Nam Á láng giềng. Cộng đồng Hồi giáo Malaixia được coi là ôn hòa, không có các nhóm Hồi giáo đoan và các vụ khủng bố như đã xuất hiện ở nhiều nước. Đảng PAS (đảng Hồi giáo toàn Malaixia) có khuynh hướng cực đoan luôn bị hạn chế và ngăn cản trở thành đảng cầm quyền hoặc nằm trong liên minh cầm quyền.

Có thể khẳng định, sở dĩ UMNO giữ được địa vị đảng lãnh đạo liên tục trong nhiều thập kỷ qua ở Malaixia, trước hết và chủ yếu là vì đã thi hành nhiều chính sách kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại thích hợp và được lòng dân, đưa Malaixia phát triển ổn định, vững chắc và ngày càng có vị thế cao trên trường quốc tế.

3- Phát triển đảng và lựa chọn thủ lĩnh đảng

UMNO có khoảng 3,5 triệu đảng viên. Tiêu chuẩn là người Mãlai hoặc người bản địa khác, từ 18 tuổi trở lên, tán thành Cương lĩnh của đảng và có đơn xin ra nhập đảng. So với dân số 28 triệu người, có thể thấy đây là đảng mang tính quần chúng (mass party).

UMNO được tổ chức theo 4 cấp: cấp liên bang đứng đầu là Hội đồng tối cao; cấp bang đứng đầu là Ban liên lạc; cấp đảng bộ được tổ chức theo đơn vị bầu cử; cấp chi bộ tổ chức theo địa bàn cư trú. Những người đứng đầu các tổ chức đảng, đồng thời cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp, chẳng hạn Chủ tịch đảng đồng thời là Thủ tướng, Phó Chủ tịch đảng thứ nhất đồng thời là Phó Thủ tướng; trưởng Ban liên lạc ở các bang đồng thời là Thủ hiến bang. Với số lượng đảng viên đông, có tổ chức tương đối chặt, ứng cử viên của đảng rất thuận lợi trong việc giành được lá phiếu của cử tri trong các kỳ bầu cử cấp Liên bang và bang.

Theo Hiến pháp, để trở thành đảng lãnh đạo, được quyền lập chính phủ, đảng phải nắm được đa số ghế trong Hạ nghị viện, do đó việc phát triển đảng về số lượng để giành lá phiếu của dân chúng là quan trọng. Song nếu đảng không chọn được thủ lĩnh xuất sắc, có thể thay mặt đảng đưa ra và thực hiện các chính sách và quyết định đúng đắn thì đảng sẽ nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của dân chúng và do đó mất đi số ghế cần thiết để có quyền thành lập chính phủ. Do vậy phát triển đảng về bề rộng và lựa chọn nhân tài để có thủ lĩnh đảng xuất sắc là hai mặt có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó chọn lọc và sử dụng nhân tài của đảng là khâu có ý nghĩa then chốt. UMNO đã làm tốt cả hai mặt này.

UMNO chú trọng phát triển đảng trong số những người có khả năng tài chính, những người có ảnh hưởng trong xã hội như tầng lớp doanh nhân, trí thức, công chức... Sự ủng hộ mạnh mẽ của họ về tài chính đã tạo điều kiện cho đảng tổ chức các cuộc vận động bầu cử rầm rộ hơn so với nhiều đảng khác.

UMNO có ý thức củng cố đảng bằng việc giữ gìn hình ảnh trong sạch của những quan chức cấp cao trong đảng. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, về mặt trong sạch, năm 2008 Malaixia xếp thứ 47 trong tổng số 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Xingapo xếp thứ 4 thế giới). Thủ tướng Mahathia với 22 năm làm thủ tướng được coi là người lãnh đạo trong sạch, có uy tín lớn.

Trong lịch sử của mình, UMNO đã từng diễn ra các cuộc đấu tranh nội bộ rất quyết liệt. Cuộc đấu tranh tháng 4-1987 giữa Thủ tướng Mahathia lúc đó là Chủ tịch đảng và những người ủng hộ ông với những người ủng hộ Phó chủ tịch đảng và Bộ trưởng tài chính trong cuộc đua giành chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch đảng nhiệm kỳ mới đã dẫn đến sự phân ly của Đảng, ra đời UMNO Baru (UMNO mới) do Mahathia lãnh đạo kế thừa UMNO cũ. 

Năm 1999, Thủ tướng Mahathia cho bắt giam Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính Anwar Ibrahim (người được coi kế nhiệm Thủ tướng Mahathia) vì bị tố cáo tham nhũng. Nguyên nhân sâu sa vì Anwar chủ trương thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế Malaixia theo kiểu phương Tây, trái với tư tưởng của đảng.

Năm 2008 ông Mahathia đã tiến công không khoan nhượng Thủ tướng đương nhiệm Badauy - người được chính Mahathia lựa chọn kế nhiệm khi ông từ chức vào năm 2003. Lý do của cuộc tấn công là Badauy đã đi chệch tư tưởng của Đảng trong việc bảo vệ và ưu tiên người Mãlai dẫn đến UMNO bị thất cử ở nhiều bang trong cuộc bầu cử địa phương tháng 3-2008. Mahathia yêu cầu Badauy phải từ chức, nếu không ông và những người ủng hộ sẽ rời khỏi UMNO. Kết cục Badauy phải từ chức vào cuối năm 2008.

Trong việc lựa chọn nhân tài làm thủ lĩnh đảng, UMNO thường lựa chọn  những người có học thức, xuất thân từ tầng lớp khá giả, người Mãlai bản địa. Những vị chủ tịch đầu tiên của đảng đều xuất thân từ tầng lớp trên của người Mãlai. Từ thời Mahathia trở đi các thủ lĩnh đảng tuy không có nguồn gốc xuất thân như vậy, nhưng đều thuộc gia đình khá giả, bản thân đều tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học, nói tiếng Anh thông thạo. Ông Mahathia học đại học và sau đại học tại Anh và Ốtxtrâylia, có bằng tiến sĩ y khoa. Cựu thủ tướng Badauy là thạc sĩ văn hóa. Thủ tướng hiện tại - ông Najip Tul Razack có cha là Najip Abdul Razack, cựu Chủ tịch đảng và là Thủ tướng của Malaixia những năm 60.

Điểm đáng chú ý là tất cả những người sau này là Chủ tịch đảng (và sẽ là Thủ tướng) đều đã và phải trải qua thời gian làm Bộ trưởng, hơn nữa là Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng. Ở những cương vị như vậy, họ tích lũy được hiểu biết và kinh nghiệm cần thiết, nhất là về kinh tế - tài chính để sau này điều hành chính phủ. 

4- Tạo nền tảng chính trị vững chắcvà biết sử dụng nhiều công cụ để duy trì cạnh tranh hạn chế, đặc biệt trong bầu cử

Tuy công khai tuyên bố và thi hành nhiều chính sách ưu tiên người Mãlai, song UMNO chủ trương liên minh chặt chẽ với đảng MCA (Hiệp hội người Hoa) và MIC (Đại hội người Ấn). Từ những năm 70, UMNO bắt tay thêm với nhiều đảng đối lập trước kia và biến Alliance chỉ gồm có 3 đảng thành Mặt trận quốc gia cầm quyền (Barisan National) gồm 16 đảng hiện nay. Đây là cơ sở chính trị rộng lớn cho sự cầm quyền của UMNO, đủ sức chống lại các đảng đối lập lớn như Đảng hành động dân chủ (DAP - vốn tiền thân từ đảng PAP trước đây), đảng Hồi giáo toàn Malaixia (PAS), và đảng đối lập mới nổi gần đây Party Rakiat (tên tiếng Anh là People’ justice party), do cựu Phó thủ tướng AnWar Ibrahim lãnh đạo. Hầu như các cuộc bầu cử nào, Mặt trận cầm quyền đều giành được tuyệt đại đa số phiếu bầu với hơn 2/3 số ghế quốc hội cũng như kiểm soát hầu hết chính quyền các bang. Cuộc bầu cử Quốc hội năm 2004, BN giành tới 91% phiếu bầu, kiểm soát 15/16 bang và vùng lãnh thổ.   

Chính phủ của UMNO đã ban hành nhiều đạo luật làm cơ sở cho việc trấn áp những thế lực được coi là nguy hiểm đối với sự cầm quyền của đảng, chẳng hạn Đạo luật an ninh nội địa (Internal securety Act), Đạo luật về hội (Associate’ Act). Chính phủ khuyến cáo và cấm sinh viên các trường đại học tham gia vào chính trị. Trên cơ sở các đạo luật đó, chính phủ sẵn sàng cấm các tổ chức và các hoạt động được cho là nguy hại đối với an ninh đất nước. Cũng với lý do an ninh, thông qua Hội đồng bầu cử (EC) chính phủ có thể tuyên bố cấm các chiến dịch vận động bầu cử ở một nơi nào đó để ngăn cản lực lượng đối lập khuấy động dân chúng biểu tình chống chính phủ.

Bên cạnh những công cụ và biện pháp “cứng” như vậy, UMNO còn dùng nhiều cách thức “mềm” khác để hạn chế các đối thủ chính trị, chẳng hạn thay đổi thời điểm tổng tuyển cử khiến cho đối thủ không kịp hoàn tất thủ tục đăng ký tham gia bầu cử (như đã áp dụng vào tháng 3-2008 để ngăn cản cựu Phó Thủ tướng Ibrahim tham gia chạy đua vào Nghị viện); phân định lại khu vực bầu cử để người của BN và UMNO luôn thắng thế. Khi cần thiết có thể dùng báo chí tố cáo đối thủ phạm tội tham nhũng, hoặc vi phạm tư cách đạo đức Hồi giáo. Chính phủ Malaixia dưới thời Mahathiarất mạnh tay với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tờ báo và đài phát thanh nước ngoài có những biểu hiện ủng hộ phe đối lập, phê phán chính phủ và sẵn sàng đóng cửa các cơ quan đại diện, trục xuất nhà báo nước ngoài có những vi phạm như vậy. Với những công cụ cứng và mềm như thế, UMNO duy trì môi trường cạnh tranh hạn chế và giữ được quyền lãnh đạo của mình qua nhiều năm liên tục.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2012

Hoàng Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền