Trang chủ    Quốc tế    Từ chức trong quan hệ với quyền lực và đạo đức ở các nước phương Tây và gợi mở tham khảo
Thứ hai, 25 Tháng 4 2022 11:15
1247 Lượt xem

Từ chức trong quan hệ với quyền lực và đạo đức ở các nước phương Tây và gợi mở tham khảo

(LLCT) - Trong quan hệ với quyền lực, có thể xem từ chức như là một hành vi nhằm xử lý bất đồng và xung đột trong tổ chức chính trị; trong quan hệ với đạo đức, từ chức được xem như là một hành vi thể hiện sự liêm chính của nhà chính trị. Bài viết tập trung xem xét hành vi từ chức trong quan hệ với quyền lực và đạo đức thông qua nghiên cứu trường hợp các nước Mỹ, Anh, Đức, Phần Lan. Từ những phân tích này, bài viết cũng đề xuất một số gợi mở tham khảo cho việc xây dựng văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay.  

 

Từ chức là một tất yếu trong quá trình nâng cao chất lượng nhân sự lãnh đạo, quản lý các cấp và hoạt động hiệu quả của tổ chức - Ảnh minh họa: plo.vn

Từ chức là một quyết định của một nhà chính trị trong hệ thống công quyền. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của người đó, mà còn tác động đến tổ chức nói riêng và đời sống chính trị của xã hội nói chung. Nhà chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng phải có năng lực thuyết phục dân chúng về khả năng của mình trong việc đề xuất, lãnh đạo và tham gia thực hiện một quá trình phát triển vì cộng đồng, vì dân chúng. Để điều hành, nhà chính trị cần đến quyền lực. Nhưng, khi từ chức, họ đã quyết định từ bỏ quyền lực chính trị. Hành vi đó vừa thể hiện năng lực, bản lĩnh, vừa khẳng định đạo đức của nhà chính trị. 

1. Từ chức trong quan hệ với quyền lực: một hành vi nhằm xử lý bất đồng và xung đột trong tổ chức chính trị

Trong thực tiễn đời sống chính trị luôn xuất hiện các bất đồng và đôi khi sâu sắc hơn là xung đột. Các nhà tư tưởng của trường phái chủ nghĩa hiện thực cho rằng, một trong những khía cạnh xấu xa của con người là bản năng khát vọng quyền lực và khát vọng thống trị kẻ khác. Do vậy, khả năng trừ bỏ bản năng hướng về quyền lực của con người là không tưởng, phi thực tế và bất đồng, xung đột xảy ra là chuyện bình thường trong nền chính trị; nó đã, đang và vẫn sẽ tiếp diễn. Vấn đề đặt ra là giải quyết các mâu thuẫn, các xung đột như thế nào; nói cách khác, sự tác động của con người phải như thế nào cho phù hợp với quy luật phát triển khách quan.

Xung đột chính trị là sự mâu thuẫn, đối lập về nhận thức, quan điểm, lợi ích... dẫn đến những bất đồng, va chạm, đấu tranh với các hình thức và mức độ khác nhau giữa các bên trong các quan hệ chính trị nào đó. Xung đột phát triển qua nhiều giai đoạn: giai đoạn ngầm: xuất hiện sự không hài lòng với hiện trạng; giai đoạn công khai: khi giai đoạn ngầm không được giải tỏa, mâu thuẫn giữa hai nhóm phát triển cao hơn, tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn, hai bên bắt đầu công khai cuộc “đấu tranh” để giành lợi ích và địa vị của mình; giai đoạn căng thẳng: các bên đã xác định mục tiêu đấu tranh, hình thức, phương pháp, phương tiện đấu tranh; giai đoạn đối đầu: cuộc đấu tranh dẫn đến khủng hoảng, xung đột lần lượt bao trùm mọi thành viên của các bên tham gia, có khả năng lan tỏa ra các khu vực chung quanh, thậm chí trở thành vấn đề toàn quốc hoặc quốc tế; giai đoạn không tương dung: sử dụng sức mạnh và bạo lực, có thể là bạo lực chính trị hoặc bạo lực vũ trang, tính chất của giai đoạn này là “một mất, một còn”. 

Xung đột chính trị có thể xuất hiện ở nhiều phạm vi tổ chức khác nhau, từ đảng chính trị đến chính phủ hay nghị viện. Sự không hài lòng với ý kiến, quan điểm của người khác sẽ dẫn đễn sự bất đồng. Bất đồng là một trong những biểu hiện giai đoạn ngầm của xung đột. Trong một tổ chức chính trị, sự bất đồng của cá nhân này với cá nhân khác hay nhóm này với nhóm khác sẽ là nguy cơ dẫn đến các giai đoạn xung đột sâu sắc. Để tránh dẫn đến sự tan rã, sụp đổ của tổ chức, từ chức được coi là một phương án giải quyết xung đột. Mặc dù là một hành động phản kháng của cá nhân với chủ thể quyền lực lớn hơn (thí dụ một bộ trưởng với tổng thống hay thủ tướng), nhưng từ chức lại trở thành một phương án nhằm xử lý bất đồng trong hòa bình để tránh dẫn đến xung đột không tương dung.

Điều này đã từng được V.I.Lênin chỉ rõ khi nói về tình hình bất đồng ở một bộ phận những người đứng đầu tỉnh và những người đứng đầu các ban thường trực hội đồng địa phương của nước Nga: “Việc những người trí thức không muốn để người khác coi họ là những kẻ làm thuê tầm thường, là những kẻ bán sức lao động (chứ không phải là những công dân thực hiện những chức năng xã hội nhất định), bao giờ cũng dẫn đến những vụ xích mích thỉnh thoảng nổ ra, lúc thì giữa những người đứng đầu các ban thường trực hội đồng địa phương với những người thầy thuốc, - những người này đã xin từ chức tập thể, - lúc thì giữa những người đó với các nhà công tác kỹ thuật v.v.. Thời gian gần đây, những vụ xích mích giữa các ban thường trực hội đồng địa phương và các nhà công tác thống kê đã mang tính chất một vụ dịch thực sự”(1). Bản thân V.I.Lênin cũng đã xin từ chức ủy viên Hội đồng đảng và ủy viên ban biên tập Cơ quan ngôn luận trung ương Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1903 với lý do: “Vì không đồng ý với ý kiến của ủy viên Hội đồng đảng kiêm ủy viên ban biên tập Cơ quan ngôn luận trung ương, là G.V.Plêkhanốp”(2). Hành động này của V.I.Lênin được Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga đánh giá: “đồng chí Lênin từ chức một cách có điều kiện, vì mong muốn có hòa bình thân ái trong đảng”(3)

Trong thực tiễn đời sống chính trị các nước phương Tây, hành vi từ chức vì bất đồng hay thậm chí xung đột chính sách xuất hiện khá phổ biến. Ở Mỹ, từ chức được sử dụng như một giải pháp xử lý sự bất đồng trong hòa bình xuyên suốt tiến trình phát triển nền chính trị nước này. Có thể kể đến trường hợp từ chức của Bộ trưởng Ngoại giao William Jennings Bryan năm 1915 để phản đối chính sách đối ngoại của Tổng thống Woodrow Wilson trong chiến tranh thế giới thứ nhất; Christine Todd Whitman - cựu Thống đốc bang New Jersey (1994-2001) - từ chức khi đang là Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ năm 2003 do những xung đột công khai với chính quyền Tổng thống George W.Bush về chính sách môi trường; Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã đệ đơn từ chức (tháng 12-2020) trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Tổng thống Donald Trump liên quan đến những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử.

Trong nền công vụ Anh, theo thể chế và truyền thống, các bộ trưởng đều phải trung thành với đảng cầm quyền và chịu trách nhiệm tập thể trước các chính sách của Chính phủ, không được thể hiện công khai việc không đồng tình với các chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, bất đồng chính sách lại là lý do thường thấy nhất trong đơn từ chức của các bộ trưởng trong Chính phủ Anh. Trong bài Ministerial resignations 1945-97, Keith Dowding và Won-Taek Kang đã phân tích định lượng lý do các bộ trưởng Anh từ chức từ năm 1945 đến năm 1997 và nhận thấy, trong thời gian này có đến 36 bộ trưởng từ chức vì bất đồng chính sách với Thủ tướng(4).

Một trong những đặc điểm của hệ thống công vụ Cộng hòa Liên bang Đức là chú trọng phẩm chất trung thành và tinh thần phục vụ của công chức trong công vụ. Chính vì vậy, hai lý do chính cho việc từ chức của các nhà chính trị ở Đức là hoặc bị áp lực buộc từ chức từ dân chúng, hoặc bất đồng chính sách với Chính phủ. Điều này được Jörn Fischer, André Kaiser và Ingo Rohlfing khẳng định trong công trình The Push and Pull of Ministerial Resignations in Germany, 1996-2005 khi phân tích 115 sự kiện từ chức của các bộ trưởng từ năm 1996 đến năm 2005 ở Đức(5). Khi nói về quyết định từ chức của các nhà chính trị, Des Mueller đã khẳng định: sự bất đồng không thể hòa giải với các quan chức chính phủ về chính sách là thời điểm phù hợp mà các nhà chính trị từ chức một cách thận trọng(6)

Như vậy, xét trong quan hệ quyền lực, khi trong tổ chức xuất hiện sự bất đồng, để giữ cho tổ chức không bị tan rã, sụp đổ, từ chức được xem như một giải pháp chính trị thích hợp. Tùy từng bối cảnh cụ thể để đánh giá tác động cũng như tính chất của việc từ chức đó, nhưng tựu trung lại, tất cả đều hướng đến tính ổn định của tổ chức.

2. Từ chức trong quan hệ với đạo đức: một hành vi liêm chính của nhà chính trị

Nhà chính trị là người hoạt động tích cực trong một đảng phái chính trị nào đó, hoặc một người giữ hay tìm kiếm vị trí nào đó trong chính phủ. Điều quan trọng nhất đối với nhà chính trị là cùng dân chúng tạo ra một tổng thể, một quốc gia, mà từng thành viên không thể thực hiện; từ chức là một trong những quyết định đạo đức quan trọng nhất của cá nhân nhà chính trị. Hành vi từ chức khẳng định tính chính trực, sự trách nhiệm của nhà chính trị đối với chính lời hứa của mình khi nhận chức. 

Trước hết, từ chức là một trong những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái đạo đức của bản thân nhà chính trị. Tính chính trực của cá nhân bao gồm khả năng đưa ra lập trường phản ánh đối với các vai trò và hành động của mình, cũng như hiểu được cách chúng gắn kết với nhau. Tính liêm chính của cá nhân có nghĩa là người đó có thể hành động dựa trên niềm tin và sự cam kết. Người liêm chính có thể giữ lời hứa và tuân thủ các quy tắc, vì họ có kỷ luật tự giác và tính cách để vượt qua những cám dỗ hay chống đối. Tính chính trực cho phép các cá nhân tìm kiếm khả năng tương thích cao hơn với các cam kết của mình bằng cách sửa đổi các hành động hoặc vai trò để khôi phục sự thống nhất về mặt đạo đức giữa cam kết và hành động. Nếu vẫn thất bại, người đó có thể từ bỏ một vai trò và quyết định từ chức.

Bên cạnh đó, từ chức còn thể hiện tính trách nhiệm của nhà chính trị. Khi nắm giữ một vị trí công quyền nào đó, nhà chính trị phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và từ chức là một nguồn lực đạo đức cơ bản của những người có trách nhiệm. Đây là sợi dây liên kết giữa trách nhiệm cá nhân và vị trí đảm nhiệm. Với sự tồn tại của trách nhiệm từ chức, cá nhân nhà chính trị rất khó có thể viện dẫn các lý do từ chối trách nhiệm như “tuân theo mệnh lệnh”, “không có sự lựa chọn nào khác” hay “đó không phải là công việc của tôi”. Bộ trưởng Anh Aneurin Bevan đã nói trong bài phát biểu từ chức của mình: “Không thành viên nào nên nhận chức vụ trong một chính phủ mà không có ý thức đầy đủ rằng mình không nên từ chức nó vì những lý do phù phiếm”(7).

Đặc biệt, xét về mặt đạo đức thể chế, từ chức có thể giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình của các thể chế dân chủ. Albert Hirshman đã phân tích trong Exit, voice, and loyalty: Responses to decline in firms, organizations and states công bố năm 1977: đơn từ chức công khai giúp người dân hiểu hơn về những người từ chức(8).

Tiếp cận từ góc độ đạo đức, Patrick Dobel của Trường Đại học Washington Seattle (Mỹ) đã đưa ra mô hình đạo đức từ chức khi phân loại các nguyên nhân khiến công chức từ chức thành ba nhóm: năng lực đạo đức cá nhân, tính trách nhiệm và tính hiệu quả. Theo ông, các quan chức dự kiến sẽ cân nhắc từ chức nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ của mình trong ba khía cạnh này. Các quan chức từ chức nếu họ tự thấy không có đủ năng lực cơ bản cần thiết để giữ chức vụ, như lãnh đạo thực thi một chính sách không thành công, thiếu năng lực cần thiết hay tạo ra các sự bê bối cá nhân; có nguy cơ vi phạm pháp luật hoặc các chuẩn mực nghề nghiệp. Ông cũng cho  rằng, các quan chức từ chức nếu họ thấy vị trí đang đảm nhiệm không hiệu quả đối với họ, thí dụ, các quan chức có thể từ chức để đảm nhận một vị trí khác, nhờ đó họ có thể làm việc hiệu quả hơn(9).

Trong đời sống chính trị ở các nước phương Tây hiện đại, một số chính khách từ chức để thể hiện tính liêm chính. Các nhà chính trị sẵn sàng từ chức khi một chính sách hoặc một chương trình không thành công để thể hiện tính trách nhiệm của mình. Tiêu biểu nhất là việc từ chức của tất cả các quan chức Chính phủ Phần Lan dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Juha Sipila năm 2019 khi không đạt được mục tiêu chính sách quan trọng về cải cách y tế và phúc lợi xã hội. Antti Kaikkonen - một thành viên cao cấp của Đảng Trung tâm - đã nói về sự kiện này: “Nếu bất cứ ai hỏi trách nhiệm chính trị có nghĩa là gì, thì tôi sẽ nói rằng đây là một ví dụ”(10). Cùng năm này, Thủ tướng Anh Theresa May cũng từ chức khi thừa nhận đã thất bại trong nhiệm vụ quan trọng nhất nhiệm kỳ của mình: đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Gần đây nhất, vào tháng 9-2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sigrid Kaag và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ank Bijleveld của Chính phủ Hà Lan từ chức do xử lý sai cuộc khủng hoảng sơ tán ở Ápganixtan. Các chính khách cũng sẵn sàng từ chức khi vướng phải các vụ bê bối cá nhân thể hiện sự xói mòn đạo đức như bê bối tình dục, bê bối học vấn... Trong chính trường Mỹ, từ chức do các vụ bê bối cá nhân nhà chính trị xuất hiện không ít(11)

Như vậy, từ chức là một hành vi đạo đức cơ bản của các cá nhân đang nắm giữ chức vụ trong bộ máy công quyền. Đạo đức là quan trọng trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời nhà chính trị với tư cách là một nhà quản trị, từ khi được bầu hoặc bổ nhiệm, phục vụ trong nhiệm kỳ đến khi thôi giữ chức vụ. Quyết định từ chức thật sự là một hành vi liêm chính của nhà chính trị.

3. Một số gợi mở tham khảo cho việc xây dựng văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay

Trong thời gian qua, ở Việt Nam, “từ chức”, “văn hóa từ chức” là những cụm từ được nhắc đến khá nhiều; từ chức là hiện tượng được người dân coi trọng và ủng hộ, được nhìn nhận theo hướng tích cực như một tất yếu trong quá trình nâng cao chất lượng nhân sự lãnh đạo, quản lý các cấp và hoạt động hiệu quả của tổ chức. 

Quy định về từ chức đã được thể chế hóa trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 giải thích: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Trong Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02-10-2009, của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ ghi rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, bổ sung: “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”. Như vậy, với cách định nghĩa này, từ chức được xem như một giá trị đạo đức, một nét văn hóa mới, ứng xử văn minh trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ gắn liền với tính “tự nguyện” của người cán bộ, đảng viên. 

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ có tư tưởng đồng nhất sự thành đạt trong sự nghiệp với chức vụ đạt được trong các cơ quan, tổ chức mà chưa coi trọng đúng mức sự trưởng thành, khẳng định về trình độ, năng lực và kết quả cống hiến. Bên cạnh đó là hiện tượng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân xuất hiện trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Trong khi đó, chưa có cơ chế từ chức cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển văn hóa từ chức. 

Trong bối cảnh đó, để việc từ chức trở thành một nét văn hóa chính trị, cách tiếp cận và thực tiễn từ chức ở các nước phương Tây có thể gợi mở cho Việt Nam một số giải pháp sau:

Một là, xác định rõ trách nhiệm, bổn phận của người lãnh đạo, quản lý về xây dựng văn hóa từ chức, coi đó là một tiêu chuẩn bắt buộc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý 

Đẩy mạnh công tác giáo dục những người lãnh đạo, quản lý về trách nhiệm lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ; gương mẫu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không được lợi dụng chức quyền thu vén cá nhân, hưởng những đặc quyền, đặc lợi... Coi trọng trình độ, năng lực, sự cống hiến, đấu tranh chống lại tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, đạo đức giả, văn hóa chính trị giả hiệu. Coi việc từ chức là đạo đức chính trị mà người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện khi không đáp ứng được yêu cầu. Các tổ chức đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện, nhân văn, không phủ nhận sạch trơn công lao, cống hiến của những người từ chức. 

Hai là, thực hành dân chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ

Coi việc phát huy dân chủ là một tiêu chí để đánh giá chất lượng của mỗi tổ chức. Thực hiện trưng cầu ý kiến công khai, minh bạch, chống trù dập về việc thực hành dân chủ trong các cơ quan, đơn vị với những quy định cụ thể. Định kỳ đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý và công khai thông tin để quần chúng giám sát. Nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và các cơ quan truyền thông, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho việc xây dựng văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ba là, đổi mới chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý 

Trên cơ sở xem xét đầy đủ sự cống hiến thời gian, công sức, trí tuệ và hiệu quả công việc của cán bộ để trả lương nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ một cách công bằng, xứng đáng. Có cơ chế giám sát chặt chẽ để một mặt, khuyến khích, động viên cán bộ tận tụy cống hiến, tích cực, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác; mặt khác, kiểm soát không để xảy ra các biểu hiện lạm dụng quyền lực, trục lợi cá nhân. Xây dựng hành lang pháp lý cho việc từ chức một cách cụ thể, toàn diện và hiệu quả; trong đó, có chính sách khuyến khích từ chức với những quy định cụ thể, nhằm bảo đảm quyền lợi vật chất và tinh thần cho người từ chức.

Bốn là, giáo dục danh dự, lòng tự trọng của đội ngũ cán bộ trong hình thành văn hóa từ chức

Nhân rộng những tấm gương đạo đức trong sáng, liêm khiết, hết lòng vì nước, vì dân của những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc coi đó là việc làm cần thiết để tạo cơ hội cho người có năng lực tốt hơn mình, là biểu hiện trình độ cao của văn hóa chính trị.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức

Khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức; đồng thời, định hướng dư luận xã hội không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức, xem đó cũng là một hoạt động thực thi công vụ bình thường.

__________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.406.

(2), (3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.70, 97.

(4) Keith Dowding và Won-Taek Kang: Ministerial resignations 1945-97, Public Administration, Vol.76, 1998, p.414.

(5) Jörn Fischer, André Kaiser, Ingo Rohlfing: The Push and Pull of Ministerial Resignations in Germany, 1996 - 2005, West European Politics, Vol.29, No.4, 2006, p.712.

(6) Des Mueller: Disputatio sine fine “falling on one’s sword”: A response to the principle resignation forum, Armed Forces & Society, Vol.44(3), 2018, p.550.

(7) Edward Weisband và Thomas M.Franck: Resignation in protest: Political and ethical choices between loyalty to team and loyalty to conscience in American public life, Grossman Publishers, New York, 1975, p.112.

(8) Xem Albert Hirshman: Exit, voice, and loyalty: Responses to decline in firms, organizations and states, Harvard University Press, Cambridge, 1977.

(9) Xem Patrick Dobel: The ethics of resigning, Journal of Policy Analysis and Management, Vol.18(2), p.245-263.

(10) Nam Tiên: Cải cách y tế thất bại, Chính phủ Phần Lan từ chức, Công an nhân dân Online, ngày 24-3-2019, https://cand.com.vn/Ho-so-interpol-cstc/Cai-cach-y-te-that-bai-chinh-phu-Phan-Lan-tu-chuc-i515484.

(11) Năm 2004, Thống đốc thứ 52 của bang New Jersey là Jim McGreevey từ chức vì đã bổ nhiệm Golan Cipel - người tình bí mật của mình - làm cố vấn an ninh nội địa dù thiếu trình độ liên quan. Năm 2008, Thống đốc thứ 54 của New York là Eliot Laurence Spitzer từ chức vì bị cáo buộc bảo trợ một đường dây mại dâm. Năm 2012, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ David Petraeus từ chức do bị phát hiện có quan hệ ngoại tình với một nhân viên của mình. Năm 2017, Thống đốc thứ 53 của bang Alabama là Robert Julian Bentley đã từ chức sau một vụ bê bối tình dục liên quan đến một trợ lý chính trị. Năm 2018, Alan Stuart Franken - Thượng nghị sĩ của bang Minnesota - từ chức do dính líu đến bê bối tình dục. Năm 2021, Andrew Cuomo Thống đốc thứ 56 của New York - đã từ chức vì các cáo buộc quấy rối tình dục ít nhất 11 phụ nữ trong thời gian tại vị.

TS NGUYỄN THỊ MAI CHI

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS PHAN DUY ANH

Trường Đại học Bách khoa,

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền