Trang chủ    Quốc tế    Tiểu vùng Mê Công trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
Thứ ba, 28 Tháng 6 2022 09:37
3626 Lượt xem

Tiểu vùng Mê Công trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

(LLCT) - Với vị trí địa chính trị, kinh tế, an ninh quan trọng, Tiểu vùng Mê Công trở thành mục tiêu can dự và đầu tư phát triển của các nước lớn. Sự quan tâm, can dự của Mỹ tại Tiểu vùng Mê Công thể hiện rõ nét ở chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPS). Bài viết phân tích khái quát một số nội dung cơ bản trong chiến lược IPS cũng như việc triển khai của Mỹ tại các nước Tiểu vùng Mê Công.

Tiểu vùng Mê Công có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ, là tâm điểm của chiến lược IPS và bộ phận của chính sách của Mỹ đối với ASEAN - Ảnh: vnanet.vn

1. Một số nội dung cơ bản trong chiến lược IPS của Mỹ

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, mục tiêu chiến lược xuyên suốt và lâu dài của Mỹ là xác lập và duy trì địa vị bá chủ toàn cầu, lãnh đạo thế giới. Với nhận thức thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương”, mục tiêu xác lập và duy trì địa vị bá chủ toàn cầu, lãnh đạo thế giới được thể hiện rõ nét trong chiến lược “Tái cân bằng” hay “Chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương” dưới thời Tổng thống B. Obama và chiến lược IPS dưới thời Tổng thống D. Trump. Chiến lược IPS dưới thời Tổng thống D. Trump và hiện nay là chính quyền của Tổng thống J. Biden cơ bản theo đuổi mục tiêu cốt lõi nhằm khẳng định, duy trì vị thế, vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, song có sự khác biệt ở tên gọi, phạm vi và cách thức triển khai, phương tiện, công cụ thực hiện so với người tiền nhiệm B. Obama.

Tháng 11-2016, D. Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và nhậm chức ngày 20-01-2017. Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống D. Trump đã có những điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm các nước Đông Á (tháng 11-2017), dự APEC năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-31, Tổng thống D. Trump nhiều lần đề cập đến khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thay cho cụm từ “châu Á - Thái Bình Dương”, hướng tới việc mở rộng không gian địa chiến lược từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, Ấn Độ, Nam Á.

Khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” phản ánh sự thay đổi của Mỹ trong cách nhìn nhận về khu vực, là tiền đề để Mỹ triển khai chính sách liên minh, tập hợp lực lượng tại khu vực, đặc biệt mở ra khả năng Mỹ cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Ôxtrâylia hình hành một “Tứ giác kim cương”, bao trùm cả hai đại dương rộng lớn.

Trong chiến lược IPS, mục tiêu cơ bản là nhằm bảo vệ lợi ích lâu dài của Mỹ và đồng minh tại khu vực, kiềm chế Trung Quốc. Để cụ thể hóa các mục tiêu này, Mỹ đã đưa ra các sáng kiến và thông qua các đạo luật cụ thể như ARIA, Asia EDGE và Luật BUILD. Sự kết hợp giữa các sáng kiến đã tạo thành khuôn khổ chiến lược cơ bản toàn diện đối với khu vực, trong đó xác định mục tiêu cụ thể trên ba trụ cột chính(1):

Thứ nhất, về kinh tế - thương mại. Mỹ theo đuổi mục tiêu bảo đảm lợi ích kinh tế bằng các thỏa thuận “công bằng, có đi có lại”, duy trì “luật chơi” do Mỹ dẫn dắt, cùng đồng minh, đối tác xây dựng các thể chế tài chính, đưa ra sáng kiến kinh tế tạo đối trọng với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) nhằm không để Trung Quốc sử dụng kinh tế gây sức ép, hướng lái các nước trong khu vực đi theo quỹ đạo mà họ mong muốn.

Tháng 7-2018, Mỹ công bố “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, trong đó nhấn mạnh thương mại công bằng, với ngân sách ban đầu là 113 triệu USD thông qua cơ chế Tập đoàn Đầu tư hải ngoại (OPIC); đồng thời tiến hành sửa đổi các quy định về tài chính của Eximbank để tạo thuận lợi cho các nước tiếp cận vốn của tổ chức này. Quốc hội Mỹ thông qua dự luật BUILD với ngân sách 60 tỷ USD đầu tư ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đồng thời khẳng định tổng vốn đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ sẽ đóng vai trò chủ đạo lên tới 1.400 tỷ USD. Mỹ sẽ cùng với Nhật Bản và Ôxtrâylia ký bản ghi nhớ về triển khai Sáng kiến Cơ sở hạ tầng ba bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm huy động và hỗ trợ vốn tư nhân cho các dự án hạ tầng, tăng cường kết nối số và phát triển năng lượng. Mỹ công bố Sáng kiến Đối tác Thành phố thông minh Mỹ - ASEAN nhằm thúc đẩy nền kinh tế số ở Đông Nam Á. Mục tiêu của các hoạt động trên là gia tăng liên kết kinh tế, mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân Mỹ tham gia vào các dự án trong khu vực, đặc biệt là trên 3 lĩnh vực kinh tế số, xây dựng kết cấu hạ tầng và năng lượng. Ngoài ra, Mỹ khuyến khích hợp tác để duy trì các tuyến đường biển tự do và rộng mở; hoạt động tài chính minh bạch giành cho cơ sở hạ tầng; hoạt động thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Mỹ theo đuổi các hiệp định thương mại song phương trên cơ sở công bằng. Mỹ tìm kiếm cách tiếp cận bình đẳng và tin cậy đối với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ; cùng với các đối tác để xây dựng một mạng lưới các quốc gia có thị trường tự do và được bảo vệ trước các lực lượng có thể ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Mỹ tăng cường hợp tác với các đồng minh về cơ sở hạ tầng chất lượng cao và nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương của các nước trong khu vực trước những biến động kinh tế và thảm họa thiên tai.

Thứ hai, về an ninh - quân sự. Mỹ đã đưa ra nội hàm về an ninh - quân sự đối với chiến lược IPS từ tháng 6-2018. Nổi bật là:

(i) Tăng cường hợp tác hàng hải, nâng cao năng lực tác chiến hải quân, cảnh sát biển. Mỹ cam kết cung cấp gần 500 triệu USD tài trợ an ninh cho khu vực (nhiều hơn 3 năm trước đó cộng lại), riêng năm 2019 là 300 triệu USD. Mỹ cũng đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) vào tháng 5-2018, tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã cử 2 tàu chiến thực hiện tự do hàng hải tại Biển Đông); chủ động diễn tập với một số nước trong khu vực…

(ii) Duy trì sự hiện diện quân sự ở tuyến đầu có khả năng ngăn chặn và đánh bại bất kỳ kẻ thù nào nếu cần thiết, theo đó Mỹ tăng cường lực lượng tại hai đại dương, trực tiếp là nâng cao năng lực cho Hạm đội Thái Bình Dương (dự kiến trang bị thêm cho Hạm đội này 395 máy bay tàng hình F-35 trong những năm tới). Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các cuộc tập trận ở cả ba vùng thuộc Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương (ba cuộc tập trận đáng chú ý nhất là RIMPAC, Hổ mang vàng và Malabar); duy trì lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại các căn cứ trong khu vực, thúc đẩy cơ chế hiệp đồng tác chiến với các đồng minh, mở rộng hợp tác giúp cải thiện năng lực đảm bảo an ninh hàng hải cho các đối tác.

(iii) Củng cố mối quan hệ quân sự lâu dài và khuyến khích phát triển một mạng lưới quân sự mạnh mẽ với các đồng minh và đối tác, hợp tác về phòng thủ tên lửa với Nhật Bản và Hàn Quốc để hoàn thiện khả năng phòng thủ khu vực… Mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ - một đối tác quốc phòng chính của Mỹ và hỗ trợ các mối quan hệ đang phát triển của Ấn Độ trong khu vực. Củng cố quan hệ đồng minh với Philíppin và Thái Lan, củng cố quan hệ đối tác với Xinhgapo, Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia và các nước khác để giúp họ trở thành các đối tác hợp tác hàng hải.

(iv) Cải thiện thực thi pháp luật, hợp tác quốc phòng và tình báo với các đối tác ở Đông Nam Á nhằm giải quyết mối nguy cơ đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng.

Thứ ba, về chính trị - ngoại giao. Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo trong trật tự khu vực thông qua củng cố hệ thống đồng minh, đối tác bằng cách cam kết duy trì hiện diện, can dự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, đề cao vai trò của ASEAN, Ấn Độ đối với hòa bình, ổn định khu vực. Tầm nhìn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm tất cả các quốc gia, trong đó tăng cường quan hệ với một loạt nước tại khu vực, bao gồm các quan hệ đồng minh, đối tác mới, đặt một số nước Đông Nam Á vào diện đối tác ưu tiên. Mỹ tăng cường cam kết đối với các đồng minh và đối tác đã được thiết lập, đồng thời mở rộng và phát triển sâu sắc thêm mới quan hệ với các đối tác mới có sự chia sẻ sự tôn trọng đối với chủ quyền, quan hệ thương mại công bằng, có đi có lại và thượng tôn pháp luật. Tuyên bố củng cố cam kết đối với “nguyên tắc tự do biển cả” (tự do hàng hải) và “nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”. Mỹ kêu gọi các nước tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, cho rằng trụ cột chính trị có mối liên hệ mật thiết với trụ cột kinh tế, với mục đích bảo đảm đầu tư minh bạch, dựa trên luật lệ… tại các nước đóng vai trò giám sát các hoạt động hợp tác, đầu tư, thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng với nước ngoài.

Để thúc đẩy trụ cột này, Mỹ công bố một số sáng kiến, dự luật như Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPTI), dành 400 triệu USD hỗ trợ các nước bảo vệ quyền công dân và chống tham nhũng, thúc đẩy xã hội dân sự, luật pháp, quản trị minh bạch và trách nhiệm. Mỹ cũng ban hành Luật Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á (ARIA) năm 2018 với ngân sách 1,5 tỷ USD/năm để thúc đẩy các lợi ích và mục tiêu đối đối ngoại của Mỹ tại khu vực. Đồng thời, Mỹ thúc đẩy cải tổ các tổ chức thương mại quốc tế và cải cách các quy tắc thương mại và đầu tư.

Trong chiến lược IPS, Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ với các đồng minh thân cận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục duy trì một số nội hàm an ninh, quân sự của “Tái cân bằng” mặc dù có thể điều chỉnh tên gọi để đối phó với các đối thủ của Mỹ, rõ nhất là củng cố quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia. Mỹ cũng thể hiện mong muốn về việc Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc “trỗi dậy” mạnh mẽ nhờ tiềm lực kinh tế, quốc phòng ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Mỹ cũng kỳ vọng Ấn Độ trở thành điểm tựa cho các nước nhỏ hơn, nhất là các nước tại Đông Nam Á, trong đó có các nước Tiểu vùng Mê Công thích ứng và đối phó hiệu quả trước sức ép, ảnh hưởng ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Mỹ chủ trương duy trì quan hệ hợp tác quân sự với Thái Lan, Xinhgapo, Philíppin, đẩy mạnh các mối quan hệ chiến lược mới với các đối tác tiềm năng như như Inđônêxia, Việt Nam… và đề cao vai trò của ASEAN, tích cực tham gia các hội nghị cấp cao do ASEAN chủ trì, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN về vấn đề an ninh phi truyền thống; thúc đẩy ASEAN tham gia cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ - đối tác lớn của khu vực Đông Nam Á nói chung, Tiểu vùng Mê Công nói riêng, luôn coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng; khẳng định ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, tiếp tục triển khai Sáng kiến kết nối ASEAN - Mỹ. ASEAN cũng từng bước khẳng định được vị trí “trung tâm” trong chiến lược của Mỹ tại khu vực. Điều này phản ánh rõ sự quan tâm của Mỹ đối với ASEAN xuất phát từ vai trò của khu vực Đông Nam Á nói chung, Tiểu vùng Mê Công nói riêng trong tổng thể của chiến lược IPS(2).

Cùng với việc tiếp tục khẳng định, coi trọng vai trò “trung tâm” của ASEAN, Mỹ quan tâm nhiều hơn đến vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có ở khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… Đặc biệt, Mỹ khẳng định hợp tác Mê Công, trong đó nòng cốt là Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công (LMI) hay Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP) là một phần quan trọng trong chiến lược IPS.

Chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như trong chiến lược IPS đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Tiểu vùng Mê Công sẽ tác động sâu sắc đến an ninh và sự ổn định ở khu vực, theo các nội dung chính:

(i) Làm gia tăng cạnh tranh, cọ xát chiến lược ở khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ điều chỉnh chính sách, với trọng tâm tại châu Á - Thái Bình Dương, các hoạt động cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung sẽ diễn ra trên bình diện toàn cầu cũng như ở khu vực Đông Nam Á, từng nước (Mianma, Philippin, Việt Nam, Lào, Campuchia…), từng vấn đề (Biển Đông và Tiểu vùng Mê Công…) không chỉ tại Thái Bình Dương mà còn có xu hướng mở rộng sang Ấn Độ Dương, Nam Á và các khu vực khác.

(ii) Thúc đẩy các liên kết hợp tác về an ninh khu vực như cấp cao ASEAN, ASEAN+, EAS, ARF, APEC, Đối thoại Shangri-La… Tăng cường sức cạnh tranh của chính sách, thể hiện qua chiến lược “Tái cân bằng” hay chiến lược IPS với “Giấc mộng Trung Hoa” hay Sáng kiến BRI của Trung Quốc tạo nên cục diện cạnh tranh quyết liệt tại khu vực, trong đó Tiểu vùng Mê Công là trọng tâm.

(iii) Chính sách của Mỹ tại khu vực, cũng như cạnh tranh, cọ xát chiến lược Mỹ - Trung sẽ gây ra khó khăn cho các nước nhỏ trong hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại khi rơi vào thế kẹt “chọn bên” hay bị lôi kéo vào các tập hợp lực lượng. Vì vậy, việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc là bài toán mang tính chiến lược với các nước nhỏ trong Tiểu vùng Mê Công, trong đó có Việt Nam.

Qua triển khai chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden trong thời gian đầu nhiệm kỳ cho thấy, về cơ bản Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược IPS, có sự bổ sung các thành tố: an toàn, thịnh vượng, đề cao giá trị dân chủ và không cản trở bởi hành vi cưỡng ép(3). Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden thể hiện rõ mong muốn duy trì lập trường ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang dần định hình; tập trung thúc đẩy quan hệ đồng minh với Thái Lan và củng cố quan hệ với các đối tác đang lên như Việt Nam.

Chính quyền Mỹ ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và thúc đẩy tăng cường quan hệ Đối tác Mỹ - ASEAN, Đối tác Mỹ - Mê Công. Ngày 23-2-2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố về hợp tác Mỹ - Mê Công, với sự nhấn mạnh: (i) Cùng các nước kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu, thông tin về các hoạt động của các đập ở thượng nguồn sông Mê Công; tuân thủ các cam kết và tham khảo ý kiến của các nước hạ nguồn; (ii) Khẳng định thúc đẩy quan hệ Đối tác Mỹ - Mê Công; cam kết tiếp tục hỗ trợ chính phủ và cộng đồng địa phương triển khai Dự án giám sát các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; (iii) Ưu tiên Tiểu vùng Mê Công trong các dự án của Cơ quan Tài chính Phát triển Mỹ (DFC). Trong đó, DFC sẽ chú trọng hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và hỗ trợ Tiểu vùng Mê Công phát triển bền vững, thúc đẩy đầu tư các dự án năng lượng sạch cũng như người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch.

2. Sự can dự, triển khai chiến lược của Mỹ ở Tiểu vùng Mê Công

Nhà nghiên cứu chiến lược nổi tiếng Alfred Thayer Mahan đã viết: “trái với ý kiến cho rằng Heartland (vùng đất trung tâm lục địa Á - Âu) giữ vai trò xoay trục địa lý của các đế chế, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mới là những đới bản lề của địa chính trị thế giới. Bởi vì các đại dương này có thể cho phép một một quốc gia biển chuyển dịch lực lượng của mình từ nơi này tới khu vực xung quanh Rimland (vùng biên) của Á - Âu để gây ảnh hưởng lên sự phát triển địa chính trị trong nội địa, sâu vào tận Trung Á”(4). Chính vì vậy, Mỹ đặc biệt quan tâm đến khu vực Đông Nam Á nói chung, Tiểu vùng Mê Công nói riêng khi muốn thực hiện chiến lược IPS nhằm gia tăng các hoạt động kiềm chế Trung Quốc cả về kinh tế và chiến lược.

Cùng với việc thể hiện rõ trong chiến lược IPS, Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 của Mỹ cũng xác định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên số một, trong đó Đông Nam Á, Tiểu vùng Mê Công tiếp tục được quan tâm và là trọng điểm triển khai chiến lược của Mỹ(5). Tiểu vùng Mê Công, có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ, là tâm điểm của chiến lược IPS và bộ phận của chính sách của Mỹ đối với ASEAN. Các nước Mê Công là đối tác ngoại giao, kinh tế và an ninh quan trọng đối với Mỹ. Thông qua hợp tác với các đối tác Mê Công, Mỹ mong muốn duy trì và thúc đẩy chủ quyền, tính minh bạch, quản trị tốt, lấy ASEAN là trung tâm và một trật tự dựa trên các quy tắc. Trong 05 nước Tiểu vùng, Mỹ xác định Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn quan hệ Mỹ - Việt Nam ngày càng quan trọng về mặt chiến lược(6).

Là một cấu phần nằm trong chiến lược “Tái cân bằng” dưới thời Tổng thống B. Obama và chiến lược IPS dưới thời Tổng thống D. Trump, Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công (LMI) được đưa ra vào ngày 23-7-2009, tại Thái Lan trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton và Ngoại trưởng 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Sáng kiến LMI hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực các nước hạ nguồn đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực.

Trong 11 năm triển khai LMI, Mỹ phân bổ hơn 3,5 tỷ USD hỗ trợ phát triển đối với các sáng kiến ​​song phương và khu vực ở Tiểu vùng sông Mê Công, đầu tư trực tiếp đạt 17 tỷ USD vào năm 2017 (so với 10 tỷ USD năm 2009). Tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và 5 nước Tiểu vùng đạt 109 tỷ USD năm 2018. Hiện tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với các nước Mê Công là 116,6 tỷ USD; Mỹ xuất khẩu 26,72 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ đến khu vực sông Mê Công và nhập khẩu 89,94 tỷ USD. Thái Lan và Việt Nam là hai trong số 20 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ(7).

Tiểu vùng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Mỹ, tạo ra 1,4 triệu việc làm từ năm 2009, tập trung vào các ngành sản xuất điện tử, sản phẩm nông nghiệp và chế tạo máy. Riêng trong 2018 có hơn 33.000 sinh viên từ các nước trong Tiểu vùng nhập học vào các trường đại học ở Mỹ(8).

Mỹ tập trung hỗ trợ các nước Tiểu vùng trong các lĩnh vực nâng cao năng lực và cải cách thể chế.Theo thông tin về Đối tác Mỹ - Mê Công do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 02-8-2019, trong khuôn khổ 11 năm thực hiện LMI, Mỹ đã hỗ trợ hơn 340.000 người dân Tiểu vùng được tiếp cận với nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh trong sinh hoạt của 27.000 người dân; hỗ trợ đào tạo 1.000 giáo viên, phối hợp với Xinhgapo bồi dưỡng kiến thức về kết nối và phát triển bền vững cho hơn 1.200 cán bộ; nâng cao năng lực ngoại ngữ cho hơn 3.800 cán bộ, giáo viên và sinh viên. Trong khuôn khổ của LMI, nhiều dự án đã được triển khai như: Kết nối Mê Công; Chương trình đối tác vì hạ tầng bền vững (WECREATE); Dự án Năng lượng sạch ở Việt Nam và Lào trong khuôn khổ “Sáng kiến kết nối năng lượng châu Á - Thái Bình Dương”… Tính đến tháng 6-2019, Mỹ đầu tư sản xuất 427 MW điện mặt trời tại Lào và 135 MW điện mặt trời tại Campuchia.

Tuy nhiên, sự can dự, ảnh hưởng của Mỹ tại Tiểu vùng tương đối mờ nhạt. Cả Mỹ và các nước Tiểu vùng đều chưa thực sự hài lòng về hợp tác LMI do “độ vênh” về cách tiếp cận. Trong khi các nước Tiểu vùng Mê Công mong muốn các hỗ trợ tài chính thì Mỹ lại ưu tiên thúc đẩy đối thoại chính sách; hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế, bảo đảm quản trị chính phủ tốt và “xã hội dân sự” (1 trong 3 trụ cột cốt lõi của IPS). Hoạt động đầu tư của Mỹ vào Tiểu vùng còn hạn chế so với các nước khác. Do đó, LMI không đạt hiệu quả như mong đợi dẫn đến mất cân bằng về chiến lược với Trung Quốc tại Tiểu vùng này.

Ngoài đồng minh truyền thống trong khu vực là Thái Lan thì ảnh hưởng của Mỹ về chính trị tại các nước Tiểu vùng chưa có nhiều tiến triển rõ rệt. Song, không nên chỉ nhìn vào con số viện trợ và đầu tư mà đánh giá thấp vai trò của Mỹ. Sự can dự của Mỹ khác với Trung Quốc: Mỹ không đầu tư trực tiếp nguồn vốn vào các dự án phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội mà kiến thiết thể chế, qua đó “mở đường” cho các doanh nghiệp tư nhân Mỹ và kêu gọi các nước đối tác (Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia) đầu tư. Hơn nữa, nếu xét về tổng thể đầu tư từ khối tư nhân, tổng mức đầu tư của Mỹ sẽ không hề nhỏ, thêm vào đó, các nước trong Tiểu vùng sẽ được lợi từ việc minh bạch hóa, hoàn thiện thể chế, chính sách.

Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm hơn đến khu vực và tăng cường kết nối Mê Công - ASEAN để duy trì, cạnh tranh, ảnh hưởng. Phát biểu tại cuộc họp với ngoại trưởng các nước Tiểu vùng Mê Công, ngày 01-8-2019 nhân kỷ niệm 10 năm LMI, Ngoại trưởng M. Pompeo thông báo, Mỹ sẽ cung cấp 45 triệu USD, trong đó 29,5 triệu USD qua Đối tác năng lượng chiến lược Mỹ - Nhật Bản (JUSEP) cho các nước trong Tiểu vùng nhằm thúc đẩy, phát triển hạ tầng năng lượng khu vực; 14,5 triệu USD nhằm đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, buôn bán người và động vật hoang dã; phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Ôxtrâylia, Pháp và Nhật Bản nhằm đánh giá an toàn 55 đập thủy điện ở Lào (phối hợp với WB, Ôxtrâylia, Pháp và Nhật Bản).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ lần thứ nhất diễn ra ngày 11-9-2020, trong đó các bên chính thức đưa Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP) dựa trên nền tảng thành công của cơ chế Sáng kiến LMI, qua đó đặt nền móng cho việc phát huy tiềm năng quan hệ đối tác, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực trong giai đoạn mới. Đồng thời là sự bổ sung cho ASEAN, Ủy hội sông Mê Công (MRC), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawadi - Chaopraya - Mê Công (ACMECS) và các cơ chế hợp tác khác. Ngoài ra, MUSP tăng cường kết nối giữa các khu vực công - tư của Mỹ và các nước Mê Công, đồng thời hợp tác với các đối tác quốc tế khác để phát triển khu vực. MUSP hỗ trợ việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và là một phần không thể thiếu trong hỗ trợ và hợp tác giữa Mỹ và ASEAN.

Trong Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP) do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 15-9-2020, Mỹ hỗ trợ hơn 1 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN thông qua Cơ quan Phát triển Tài chính quốc tế Mỹ (DFC) và dự kiến đầu tư thêm hàng tỷ USD trong những năm tới. Trong Tuyên bố này, Mỹ và các nước Tiểu vùng Mê Công xác định rõ các ưu tiên chung; đồng thời khẳng định, MUSP tham chiếu với Quan hệ đối tác Nhật Bản - Mỹ về năng lượng Mê Công (JUMPP) nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới. Mỹ sẽ cung cấp 29,5 triệu USD trong khuôn khổ JUMPP nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững khu vực Mê Công. Tuyên bố nhấn mạnh, những giá trị minh bạch, cạnh tranh tự do và bình đẳng; kết hợp tối ưu các nguồn cung cấp năng lượng và thúc đẩy thương mại điện đa phương ở Tiểu vùng sẽ hạn chế những thách thức, góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển biền vững và đem lại sự thịnh vượng cho khu vực.

Nhìn chung, quan tâm, can dự của Mỹ vào Tiểu vùng Mê Công, việc triển khai và hỗ trợ các sáng kiến như LMI, IPS… tại Tiểu vùng Mê Công có thể tạo ra môi trường phát triển cân đối hơn cho các nước Tiểu vùng, nhất là hạn chế những tác động không mong muốn từ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Các sáng kiến như IPS, LMI, MUSP… của Mỹ sẽ tạo thêm nguồn lực để các nước Tiểu vùng Mê Công tăng cường tiềm lực an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, về tổng thể, Mỹ chưa đưa ra một chiến lược thực sự rõ ràng đối với Tiểu vùng Mê Công, nhất là chưa rõ các nội hàm cụ thể, với các mục tiêu, chương trình hành động, biện pháp thực hiện hoặc khung thời gian chi tiết. Báo cáo triển khai Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P. Shanahan công bố tại Đối thoại Shangri-La ngày 01-6-2019 và phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 01-8-2019 chưa làm rõ được nội hàm triển khai chiến lược này tại Tiểu vùng Mê Công.

Với việc Trung Quốc đang nắm lợi thế trước Mỹ trong tương quan lực lượng tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Tiểu vùng, Mỹ cần nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, tập trung hơn cả ở tính hiệu quả của hoạt động trên thực địa và các cơ chế, khuôn khổ hợp tác an ninh như “Bộ Tứ”, với ASEAN giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. Vai trò trung tâm của ASEAN trong kết nối các đối tác quốc tế để giải quyết các vấn đề của Tiểu vùng, như vấn đề khủng hoảng chính trị tại Mianma hiện nay là phù hợp với mục tiêu can dự, ảnh hưởng trong chiến lược IPS của Mỹ và mong muốn các nước ASEAN đoàn kết, có chung lập trường đối với các nguy cơ đe dọa an ninh và ổn định tại Tiểu vùng.

Hiệu quả triển khai của chiến lược IPS hay MUSP do Mỹ dẫn dắt với vai trò tích cực của ASEAN thời gian tới sẽ là yếu tố rất quan trọng góp phần duy trì an ninh khu vực và mở rộng hợp tác giữa các đối tác trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tính hiệu quả của việc triển khai chiến lược cũng như sử dụng các nguồn lực là yếu tố then chốt trong mục tiêu không để các nước Tiểu vùng Mê Công trở thành “điểm nghẽn” trong việc triển khai chiến lược IPS và “khoảng trống quyền lực” làm mất cân bằng cán cân chiến lược Mỹ - Trung tại khu vực. Điều này phù hợp với lợi ích chiến lược, kinh tế của các nước trong và ngoài khu vực, nhất là nhóm “Bộ Tứ” và mong muốn mở rộng liên kết kinh tế, đa dạng hóa các nguồn lực để các nước Tiểu vùng Mê Công tăng trưởng, phát triển kinh tế, hướng đến một khu vực có môi trường đầu tư tốt, an ninh, ổn định và thịnh vượng. Đây cũng chính là thời cơ tốt để các nước Tiểu vùng Mê Công nâng tầm vị thế của mình ở Đông Nam Á/ASEAN trong một trật tự an ninh khu vực đang định hình. Đồng thời, hiệu quả triển khai của chiến lược IPS hay MUSP sẽ nâng cao năng lực, khả năng chống chịu và thích ứng của các nước Tiểu vùng Mê Công trước hệ lụy của các cuộc xung đột, khủng hoảng, cú sốc kinh tế, hay thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước… cũng như trước những chuyển dịch khó lường trong so sánh lực lượng và cục diện ở khu vực.

Để bảo đảm tối đa không gian phát triển và vị thế quốc gia ở khu vực Đông Nam Á/ASEAN nói chung, ở Tiểu vùng Mê Công nói riêng, Việt Nam không chỉ quan tâm, thúc đẩy các cơ chế hợp tác phát triển, tương thích, phù hợp với lợi ích như Cộng đồng Kinh tế (AEC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Công (ACMCES), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)… mà cần tận dụng triệt để và tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác ở khu vực, trong đó có chiến lược IPS hay MUSP.

__________________

(1) Indo-Pacific Strategy Report Preparedness, Partnerships, and Promoting a networked region June 1, 2019 (Nguồn: http://www.defense.gov).

(2) Prashanth Parameswaran (2018), ASEAN’s role in a U.S. Indo-Pacific Strategy. Wilson Center, Asia Program, pp.2.

(3) Tuyên bố chung Thượng đỉnh Nhóm “Bộ tứ” ngày 12/3/2021.

(4) Robert D. Kaplan(2017), Sự minh định của địa lý, Đào Đình Bắc dịch, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.163.

(5) Theo National Security Strategy of the United States of America 2017 (Nguồn: http://www.whitehouse.gov).

(6), (8) Tham khảo tại https://vn.usembassy.gov/vi/tang-cuong-quan-he-doi-tac-hoa-ky-Mê Công/.

(7) East-West Center (2020), The Mê Công Matters for America, https://www.jstor.org/stable/resrep25016.

TS BÙI THANH TUẤN

Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền