Trang chủ    Quốc tế    Phát triển công nghiệp ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
Thứ năm, 28 Tháng 11 2013 14:21
4726 Lượt xem

Phát triển công nghiệp ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

(LLCT)- Phát triển công nghiệp ở CHDCND Lào là yêu cầu cấp thiết đồng thời là thách thức to lớn đối với Đảng và Nhà nước CHDCND Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo bước đột phá trong tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020 và tiến lên phồn vinh, hạnh phúc và CNXH.

                                               

Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một nước đang phát triển, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có thể khai thác để phát triển các ngành kinh tế quốc dân, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Mặt khác, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, tiến lên CNXH không qua giai đoạn phát triển chế độ TBCN, xây dựng đất nước Lào từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành nước có kinh tế phát triển theo chủ trương đường lối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo phát triển bền vững và hài hòa với nền văn hóa truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào.

Thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Lào những năm qua đã khẳng định đường lối kinh tế đúng đắn của Đảng NDCM Lào. Các ngành kinh tế quốc dân của Lào, trong đó có ngành công nghiệp ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.

Năm 1975 Lào chỉ có 1.500 cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ, phần lớn tập trung ở vùng mới giải phóng, trong đó thủ đô Viêng Chăn chiếm 90%. Nhưng sau ngày giải phóng, do phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài nên nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị phụ tùng... rất khan hiếm, không đủ cho các nhà máy hoạt động, hầu hết sản xuất cầm chừng, nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất; chỉ có Nhà máy thủy điện Nạm Ngưm là hoạt động sản xuất bình thường nhưng cũng chỉ sử dụng được 30% công suất. Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người chỉ đạt 70-80 đôla Mỹ/người/năm.

Những năm 1976 - 1985, Trung ương Đảng và Chính phủ Lào đã đề ra đường lối, chính sách khôi phục và phát triển kinh tế, tổ chức tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phục hồi sản xuất lại bình thường, đẩy mạnh công nghiệp chế biến để có thể sản xuất được nhiều thực phẩm và hàng tiêu dùng, đồng thời tranh thủ viện trợ quốc tế nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân và ổn định tình hình kinh tế - tài chính. Năm 1985 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 45% so với năm 1980, trong đó tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chiếm 42% GDP. Các sản phẩm hàng hóa đều tăng, đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, nhất là sản phẩm của công nghiệp chế biến như: sản phẩm gỗ, vải, xà phòng bột, bia, nước ngọt, thuốc lá,... Công nghiệp khai thác hình thành, tạo ra được nhiều sản phẩm mới như thạch cao, vật liệu xây dựng, gỗ súc, điện,...

Giai đoạn năm 1986 - 2005 là giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới nhằm chuyển đổi nền kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hóa, đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung xây dựng cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đồng thời, Đảng và Nhà nước Lào xác định phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ để tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai; chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nhà nước liên doanh, giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp ở địa phương; điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm mở rộng quan hệ quốc tế và mở cửa với bên ngoài. Nhờ đó, năm 1995 GDP tăng 8%, trong đó tăng trưởng bình quân công nghiệp chiếm 16,2% - 17,3% của GDP; cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được 937 dự án với giá trị 6,69 tỷ USD, trong đó dự án trong ngành công nghiệp chiếm 4,6 tỷ USD. Đến năm 2005, cả nước có 26.200 đơn vị cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 119 doanh nghiệp lớn, 623 doanh nghiệp vừa và 25.458 doanh nghiệp nhỏ. Các đơn vị sản xuất đó là phần chủ yếu của nền kinh tế quốc dân CHDCND Lào, tạo sản phẩm công nghiệp chiếm 27% GDP. Ngành điện phát triển nhanh nhất, năm 2005 đạt công suất 629,2 MW, tăng hơn 20 lần so với năm 1975 (33 MW). Ngành khai khoáng tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã có 90 dự án khai thác mỏ đi vào hoạt động (trong đó có 34 dự án đầu tư nước ngoài), có thể khai thác, chế biến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu như: vàng 8 tấn, đồng đỏ 4,02 tấn, than đá 41 nghìn tấn, thạch cao 220 nghìn tấn, chì 1.200 tấn, đá granít 19 nghìn tấn,... Các ngành công nghiệp chế biến cũng phát triển sản xuất nhiều loại hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Lĩnh vực dịch vụ được xây dựng và phát triển với nhiều ngành mới như: du lịch, sửa chữa - xây dựng, vận tải, ngân hàng, viễn thông, lắp ráp và sửa chữa ô tô...

Giai đoạn 2006 - 2010, tiếp tục đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, Chính phủ Lào đã xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề ra các chế độ, chính sách và tổ chức thực hiện một cách tích cực, khẩn trương, sát hợp với yêu cầu và tình hình đất nước. Nhìn chung giai đoạn này, kinh tế vĩ mô phát triển vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, sản xuất hàng hóa phát triển, các địa phương tỉnh thành trong cả nước bước đầu phát triển, tạo được nhiều việc làm cho người lao động... GDP tăng bình quân 7,9%/năm. Năm 2010, ngành công nghiệp chiếm 28,9% của GDP, ngành nông - lâm nghiệp chiếm 30,4%, ngành dịch vụ chiếm 37,2%. Cả nước có 1.206 dự án đầu tư với tổng giá trị đầu tư 10,5 tỷ USD; trong đó ngành điện chiếm 31,71%, ngành khai thác mỏ 25,72%, ngành dịch vụ 12,38% và các ngành khác chiếm 30,19% tổng số vốn phê duyệt.

Công nghiệp chế biến tăng bình quân 9,4%/năm. Cả nước có 24.331 doanh nghiệp về công nghiệp chế biến, chiếm 19,20% tổng số doanh nghiệp. Công nghiệp khai thác phát triển khá, năng lực khai thác tăng gần gấp 4 lần so với năm 2005; tăng trưởng bình quân 19,91%; giá trị tổng sản lượng toàn ngành chiếm 9,5% GDP. Ngành dịch vụ tăng trưởng khá, đặc biệt là ngành du lịch tăng bình quân 15,80%/năm, doanh thu bình quân đạt 258,04 triệu USD, chiếm 5,19% GDP. Xây dựng cơ sở hạ tầng có bước phát triển nhanh chóng, tăng trưởng bình quân 11,26%/năm, chiếm 4,8% GDP...

Đạt được những thành tựu to lớn đó là do Đảng NDCM Lào có đường lối đúng đắn và phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, Nhà nước đã thể chế hóa và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả đường lối của Đảng, được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của nhân dân cả nước và sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước láng giềng và quốc tế.

Tuy đã đạt được những thành tựu to lớn, song thời gian qua sự phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng của CHDCND Lào còn chậm và không đồng đều; cơ cấu công nghiệp chuyển đổi chậm hơn so với ngành dịch vụ; vốn đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đầu tư dàn trải, không có trọng điểm; tổ chức thực hiện và cơ chế theo dõi kiểm tra các dự án chưa chặt chẽ; thu ngân sách nhà nước còn thấp và chưa ổn định; thực hiện chính sách tiết kiệm quốc gia chưa tích cực; giáo dục đào tạo nguồn lực, nhất là đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lao động còn nhiều hạn chế; sự phát triển đô thị và nông thôn vẫn còn chênh lệch khá lớn nên hiện tượng lao động ở nông thôn chuyển ra thành phố ngày càng gia tăng...

Để phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua khó khăn thách thức tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từng bước đưa đất nước tiến lên theo con đường XHCN, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ CHDCND Lào đã xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội 5 năm lần thứ VII (2011 - 2015).

Trong đó, mục tiêu phương hướng kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 là: tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn và hạnh phúc của nhân dân; kinh tế phát triển liên tục và ổn định, thực hiện chiến lược CNH, HĐH theo hướng phát triển bền vững bằng cách phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường; phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội tăng bình quân trên 8%/năm, để đến năm 2015, GDP bình quân trên đầu người đạt 1.700 USD/người/năm, cơ cấu của ngành công nghiệp tăng lên chiếm 39% GDP, nông - lâm nghiệp giảm xuống còn 23% GDP và dịch vụ chiếm 38%.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng NDCM Lào, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Chính phủ Lào đã đề ra những phương hướng, giải pháp phát triển các ngành công nghiệp: phát triển công nghiệp chế biến có thế mạnh để sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng cơ khí sửa chữa và chế tạo máy móc tạo động lực thúc đẩy và khuyến khích xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển rộng rãi doanh nghiệp nông thôn và gia đình sản xuất hàng tiêu dùng, hàng thủ công truyền thống của nhân dân Lào; phát triển quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế, tích cực thực hiện các hiệp định thương mại và các cam kết quốc tế để góp phần vào sự hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 và trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới. Đối với công nghiệp khai thác, đặc biệt là ngành năng lượng, phải tập trung phát triển năng lượng thủy điện và năng lượng khác để đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ xã hội và trở thành nguồn cung ứng năng lượng điện cho các nước ASEAN; khai thác mỏ phải gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo đảm sử dụng tài nguyên và nguồn nước có hiệu quả cao nhất và vững chắc; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch Lào có nhiều tiềm năng: phát triển du lịch tự nhiên, văn hóa và lịch sử với sự tham gia của các cộng đồng dân cư các vùng, miền; phát triển cơ sở hạ tầng ngành bưu điện, vô tuyến viễn thông và mạng thông tin băng thông rộng, tốc độ cao nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát triển công nghiệp ở CHDCND Lào là yêu cầu cấp thiết đồng thời là thách thức to lớn đối với Đảng và Nhà nước CHDCND Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo bước đột phá trong tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020 và tiến lên phồn vinh, hạnh phúc và CNXH.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2012

Vănnạlạt Chayyavông

Nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền