Trang chủ    Quốc tế    Điều chỉnh chiến lược quốc phòng - an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thứ hai, 01 Tháng 8 2022 09:54
3659 Lượt xem

Điều chỉnh chiến lược quốc phòng - an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

(LLCT) - Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đang trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó phải kể đến Trung Quốc với sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng - an ninh, với tham vọng trở thành cường quốc có tầm ảnh hưởng khu vực và thế giới. Chiến lược quốc phòng - an ninh của Trung Quốc định vị lại vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng “một trật tự dựa trên luật lệ” tại khu vực; phát triển lực lượng hải quân hùng mạnh đủ sức cạnh tranh tại khu vực; gia tăng các hoạt động quân sự tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông, biên giới với Ấn Độ; thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề Đài Loan; thúc đẩy các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương và tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển tàu sân bay để theo đuổi tham vọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh: AFP

 

Sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng - an ninh của Trung Quốc hiện nay được phản ánh ở một số bình diện sau đây:

Thứ nhất, định vị vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng lại một “trật tự dựa trên luật lệ” tại khu vực

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã dần điều chỉnh chiến lược, sách lược từ “giấu mình chờ thời” sang một giai đoạn mới “với đường lối xem xét lại và muốn thay đổi các quy tắc, luật lệ của hiện thời tại châu Á - Thái Bình Dương”(1). Trong bối cảnh Mỹ “chia sẻ những lợi ích sâu sắc và lâu dài với nhiều đồng minh và đối tác ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, thì Trung Quốc kêu gọi cải cách nền quản trị toàn cầu để hệ thống thế giới phản ánh quan điểm và giá trị của nhiều quốc gia, thay vì chỉ một hay một vài nước nhất định (“thế giới muốn công lý, không phải bá quyền”)(2).

Trung Quốc cũng ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ lấy Liên hợp quốc làm trung tâm. Trung Quốc chú trọng quan hệ với Nga với mong muốn thúc đẩy cải tạo trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, tuy nhiên, trật tự đó sẽ được diễn giải theo cách có lợi nhất đối với Trung Quốc.

Thứ hai, xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh đủ sức cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh được xác định là một “trụ cột chiến lược” để phát triển Trung Quốc trong thời đại mới. Năm 2015, Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng với tên gọi Chiến lược quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh đang có những căng thẳng gay gắt trên Biển Đông xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc đề cập việc chuẩn bị đấu tranh quân sự (prepration for military struggle - PMS) trong đó “nhấn mạnh đấu tranh quân sự trên biển và chuẩn bị đấu tranh quân sự trên biển”(3). Theo đó, đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chiến lược quân sự của Trung Quốc chủ trương tăng cường năng lực hải quân, chuyển đổi trọng tâm chiến lược để đối phó với các mối đe dọa quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Tài liệu này chỉ rõ: “Lực lượng hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) sẽ chuyển trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp “phòng vệ ngoài khơi” với “bảo vệ các vùng biển khơi” và xây dựng cấu trúc lực lượng chiến đấu hải quân kết hợp, đa năng và hiệu quả”(4).

Với chiến lược mới này, lực lượng PLAN có thể sớm tăng cường khả năng đánh chặn chiến lược, phản công, diễn tập trên biển, triển khai các hoạt động chung trên biển, tiến hành các hoạt động phòng thủ và hỗ trợ toàn diện. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi những hoạt động này của Hải quân Trung Quốc sẽ là bước đệm cho sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc tại các vùng bờ biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương(5).

Việc tăng cường củng cố hải quân Trung Quốc là nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc hải quân mà Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã đề cập. Theo đó, Trung Quốc tập trung vào bốn lĩnh vực chính: khai thác tài nguyên biển; phát triển kinh tế biển; bảo tồn môi trường biển; kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển.

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục công bố Sách trắng quốc phòng với tên gọi Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới. Trung Quốc công bố tài liệu này trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, sau khi Mỹ công bố Chiến lược an ninh quốc gia 2017 và Chiến lược quốc phòng 2018, trong đó Mỹ xác định Trung Quốc là “cường quốc xét lại”, là “đối thủ cạnh tranh”. Sách trắng quốc phòng năm 2019 phản ánh nhận thức của Trung Quốc về mối đe dọa từ những chính sách của Mỹ đối với an ninh của Trung Quốc và toàn cầu. Các tài liệu chính thức của hai nước đều thể hiện quan điểm, đang có “dấu hiệu của dịch chuyển lớn từ hợp tác sang cạnh tranh”(6). Sách trắng về quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc đề cập các mục tiêu chính sách, cải cách, nhiệm vụ và vai trò phòng thủ của lực lượng vũ trang Trung Quốc trong kỷ nguyên mới - theo Trung Quốc, đó là bối cảnh “hệ thống và trật tự an ninh quốc tế đang chịu tác động từ sự gia tăng chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương, chiến tranh và xung đột xảy ra liên tục ở nhiều khu vực”(7).

Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017 đã phác họa mục tiêu tổng thể và lộ trình để xây dựng toàn diện quân đội Trung Quốc trở thành quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới(8). Trung Quốc chỉ rõ mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang Trung Quốc: “đến năm 2020 cơ bản thực hiện cơ giới hóa, việc xây dựng tin học hóa thu được tiến triển quan trọng, năng lực chiến lược được nâng cao rõ rệt (...) phấn đấu đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, đến giữa thế kỷ này hoàn thành xây dựng toàn diện quân đội nhân dân thành quân đội hàng đầu thế giới”(9). Sự lớn mạnh và tăng cường hiện diện của hải quân Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương làm gia tăng những quan ngại về quốc phòng - an ninh trong khu vực.

Thứ ba, gia tăng các hoạt động quân sự, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc thể hiện những bước đi ngày càng quyết liệt thông qua việc gia tăng các hoạt động quân sự nhằm đơn phương xác lập chủ quyền bất hợp pháp tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, biến thành việc đã rồi để độc chiếm khu vực ảnh hưởng ở Biển Đông. Năm 2019, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động như huấn luyện, diễn tập quân sự tại một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đáng nói hơn, Trung Quốc đã nâng cấp cầu cảng ở đá Chữ Thập thành cảng cung ứng dịch vụ hậu cần, quân sự; triển khai lắp đặt thiết bị gây nhiễu tiên tiến trên đá Vành Khăn và đá Chữ Thập; triển khai tên lửa đối không và tên lửa hành trình diệt hạm trên một số đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cùng với đó là sự hiện diện của các tàu hải quân và tàu dân quân biển của Trung Quốc ở khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự phi pháp ở Biển Đông đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, làm gia tăng sự quan ngại, phê phán từ phía dư luận quốc tế.

Tháng 4-2020, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và “quận Nam Sa” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam tại “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việc thành lập các đơn vị hành chính này của phía Trung Quốc là không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây phức tạp thêm tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Tiếp đó, tháng 2-2021, Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh, trong đó quy định lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, bao gồm sử dụng vũ khí, để đối phó với các hành vi mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển thuộc quản lý của mình. Trung Quốc cho rằng, đây là “hoạt động lập pháp bình thường” và Trung Quốc “sẽ vẫn cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển”(10). Tuy nhiên, giới chính trị quốc tế đánh giá, Luật hải cảnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, gia tăng căng thẳng và thách thức chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông không còn là riêng giữa Trung Quốc với ASEAN, hay giữa Trung Quốc với từng nước ASEAN nữa. Nó trở thành mối quan tâm chung của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực này. Ngày 12-1-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra Báo cáo số 150 về Các giới hạn trên biển (Limits of Sea), trong đó Mỹ không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, đồng thời đưa ra các lập luận chứng minh rằng một diện tích lớn của Biển Đông là vùng biển quốc tế, tất cả các quốc gia trên thế giới có quyền thực hiện quyền tự do đi lại trên biển.

Thứ tư, cứng rắn trong vấn đề Đài Loan

Một trong những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lợi ích của Trung Quốc và Mỹ tại Thái Bình Dương là vấn đề Đài Loan. Từ trước đến nay, Trung Quốc kiên trì quan điểm “một nước hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc. Nguyên tắc “một nước Trung Quốc” là cơ sở chính trị mà chính quyền Trung Quốc tuân thủ để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan hiện nay. Mặc dù đến nay chưa thống nhất, nhưng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc chưa từng bị chia tách, cùng thuộc về một quốc gia, đồng bào cùng thuộc về một dân tộc. Điều này đã được khẳng định trong “Nhận thức chung 1992”, góp phần củng cố đối thoại giữa hai bên, cho phép xây dựng quan hệ và phần nào giải quyết tình trạng mâu thuẫn từ sau Cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc năm 1949. Tuy nhiên, từ tháng 5-2016 đến nay, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan gặp phải thách thức nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do Đảng Dân tiến cầm quyền, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phủ nhận “Nhận thức chung 1992”. Động thái trên đã vấp phải sự phản đối từ phía Chính phủ Trung Quốc. Ngày 15-7-2021, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm khẳng định: “Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để đè bẹp âm mưu độc lập Đài Loan”(11). Do đó, mọi động thái can thiệp của Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan đều bị Trung Quốc phê phán, thậm chí, Trung Quốc cảnh báo, Mỹ đã tiến sát đến “lằn ranh đỏ”.

Thứ năm, thúc đẩy các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương, tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Đối với cơ chế song phương, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh với một số quốc gia trong khu vực thông qua hoạt động mua bán vũ khí và cam kết hợp tác quân sự với mỗi đối tác. Trong quan hệ với Nga, Trung Quốc thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược hữu nghị, mua vũ khí của Nga để hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, Trung Quốc lại đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, khí tài và hợp tác quân sự với một số nước Đông Nam Á, Nam Á. Chẳng hạn, Trung Quốc cam kết giúp đỡ Campuchia xây dựng quân đội và phát triển năng lực quốc phòng, hợp tác với quân đội Campuchia ở mọi cấp độ (tập trận chung, bán vũ khí, chuyển giao vũ khí và viện trợ khí tài quân sự); với Malaixia, Trung Quốc tích cực đầu tư phát triển cảng biển Kuantan gần eo biển Malacca, thành lập Ủy ban hợp tác quốc phòng Trung Quốc - Malaixia  vào năm 2017; với Lào, Trung Quốc là nhà đầu tư và tài trợ nước ngoài lớn nhất hiện nay; với Philíppin, Trung Quốc có nhiều hoạt động viện trợ quân sự, bán vũ khí. Năm 2020, Trung Quốc ký cam kết tặng 20 triệu USD thiết bị phi chiến đấu cho quốc gia này(12). Với Thái Lan, Trung Quốc sẵn sàng bán khí tài, tàu ngầm và thỏa thuận tập trận chung cả trên biển và trên bộ.

Đối với cơ chế đa phương, Trung Quốc đề cao vai trò kiến tạo của các cấu trúc an ninh khu vực do Trung Quốc dẫn dắt như Hợp tác an ninh Thượng Hải (SCO), Hội nghị Tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)(13). Thông qua vai trò chủ đạo trong SCO, Trung Quốc muốn bảo đảm hòa bình, ổn định cho biên giới và tuyến đường vận chuyển năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á; phát huy vài trò, ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế và khu vực; tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) và lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế bao gồm vấn đề Biển Đông(14).

Với ASEAN, Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao láng giềng, tham gia tích cực vào các cơ chế an ninh đa phương tại khu vực như:  Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Đối thoại quốc phòng quốc tế Jakarta, Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương, tổ chức thường xuyên các cuộc gặp không chính thức với bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, thúc đẩy Sáng kiến củng cố hợp tác quốc phòng khu vực và Tập trận hải quân Trung Quốc - ASEAN...

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương với căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti (Đông Phi) và hàng loạt các tiền đồn không quân - hải quân khác trong khu vực.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam hiện nay

Một là, tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giảm thiểu bất lợi từ phía Trung Quốc

Những mâu thuẫn về lợi ích, sự thiếu thông tin trong quá trình thay đổi cơ cấu quyền lực rất dễ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn, gây xung đột giữa các quốc gia, nhất là giữa “siêu cường đang lên” (Trung Quốc) với “siêu cường đã định hình” (Mỹ); sự trỗi dậy, cọ xát thể hiện vai trò nước lớn của các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Liên bang Nga, Ấn Độ,... tác động trực tiếp đến việc hoạch định, xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong tình hình mới hiện nay, Việt Nam cũng phải điều chỉnh và nâng cấp các mối quan hệ đối ngoại theo hướng có chiều sâu hơn; xây dựng chiến lược ngoại giao tổng thể, có tầm nhìn và định hướng cho từng giai đoạn, từng đối tác cụ thể, nhằm tạo dựng hòa bình và môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, Việt Nam nằm trong tâm điểm của khu vực đang diễn ra cạnh tranh, xung đột Mỹ - Trung Quốc, do đó chính sách đối ngoại của Việt Nam càng cần chú trọng đến việc giảm thiểu bất lợi, thúc đẩy xây dựng niềm tin với Mỹ và Trung Quốc, cùng các bên xây dựng chính sách minh bạch, giám sát hành vi của các bên và đưa ra những cảnh báo sớm về các vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền quốc gia - dân tộc.

Hai là, nỗ lực cùng ASEAN và Trung Quốc hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)

Việt Nam là quốc gia thành viên trong khối ASEAN, để bảo đảm lợi ích của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chính sách chủ động, tích cực hội nhập với ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động và tính hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN điều phối, tạo điều kiện cho các đối tác chính tham gia nhiều hơn và đóng góp xây dựng cho mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN.

Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia, chủ quyền trên biển của Việt Nam và an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần bám sát và chủ động thúc đẩy tiến trình xây dựng COC. Đối với tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng tính toàn vẹn của UNCLOS 1982 và trật tự dựa trên luật lệ.

Ba là, tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đối ngoại quốc phòng của Việt Nam cả trong nước và quốc tế

Khu vực Biển Đông đã và đang chịu tác động từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là sự gia tăng hiện diện quân sự, cạnh tranh nước lớn, kéo theo nguy cơ chạy đua vũ trang ở khu vực và xung đột vũ trang cục bộ. Vì vậy, việc tuyên truyền quan điểm đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế là rất cần thiết.

Việt Nam cần gắn mối quan hệ với Trung Quốc trong tổng thể quan hệ quốc tế và khu vực, vận dụng những xu thế lớn của cục diện thế giới và khu vực để bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cải thiện vị thế của Việt Nam trong đàm phán với Trung Quốc liên quan đến các vấn đề chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia. Tiếp tục khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia tôn trọng tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, ủng hộ các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực; kiên trì, cương quyết theo đuổi nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

__________________

(1) Bùi Hải Thiêm: Xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ tại châu Á - Thái Bình Dương: thách thức và triển vọng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: Cục diện chính trị - an ninh thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI: thực trạng, xu hướng và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2020, tr.204.

(2) Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao, ngày 20-4-2021,

https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-tap-can-binh-the-gioi-muon-cong-ly-khong-phai-ba-quyen-979974.html, truy cập ngày 20-4-2021.

(3), (4) The People’s Republic of China: China’s Military Strategy, english.www.gov.cn/archive/white_paper/2015/05/27/content_281475115610833.htm, 2015, truy cập ngày 01-8-2021.

(5) Văn Cường (giới thiệu), Sách trắng quốc phòng Trung Quốc - những tác động về an ninh biển, http://www.nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/5004-sach-trang-quoc-phong-trung-quoc-nhung-tac-dong-ve-an-ninh-bien, Truy cập, ngày 15-7-2021.

(6), (7), (13) Prerna Chahar (2019), What’s “new” in China’s New National Defense White Paper 2019, Kalinga Institute of Indo-Pacific Studies, http://www.kiips.in/research/whats-new-in-chinas-new-national-defense-white-paper-2019/, truy cập ngày 15-7-2021.

(8) Trường Lưu: Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc mở đầu thời đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/48858/dai-hoi-xix-dang-cong-san-trung-quoc-mo-dau-thoi-dai-moi-cua-chu-nghia-xa-hoi-dac-sac-trung-quoc.aspx, truy cập ngày 10-6-2022.

(9) Nhận diện Trung Quốc qua Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội 19, http://www.vov.vn/the-gioi/ho-so/nhan-dien-trung-quoc-qua-bao-cao-chinh-tri-trinh-bay-tai-dai-hoi-19-687472.vov, truy cập ngày 15-7-2021.

(10) Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao?, https://tuoitre.vn/luat-hai-canh-moi-cua-trung-quoc-cho-ban-tau-nuoc-ngoai-cu-the-la-gi-du-luan-noi-sao-2021012311101333.htm, truy cập ngày 10-6-2022.

(11) Trung Quốc cảnh báo Đài Loan không rước sói vào nhà, https://vnexpress.net/trung-quoc-canh-bao-dao-dai-loan-khong-ruoc-soi-vao-nha-4325383.html, truy cập ngày 15-7-2021.

(12) Trung Quốc tặng Philippines 20 triệu USD thiết bị phi chiến đấu, https://tuoitre.vn/trung-quoc-tang-philippines-20-trieu-usd-thiet-bi-phi-chien-dau-20200912093921355.htm, truy cập ngày 12-9-2020.

(14) Đỗ Lê Chi: Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.95.

PGS, TS NGUYỄN THỊ THÚY HÀ

Học viện Chính trị khu vực I

TS TRỊNH THỊ HOA

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền