Trang chủ    Quốc tế    Mười năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan: thành tựu và triển vọng
Thứ ba, 11 Tháng 10 2022 06:27
2406 Lượt xem

Mười năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan: thành tựu và triển vọng

(LLCT) - Qua 10 năm là Đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác Việt Nam và Thái Lan trên các lĩnh vực đã có những bước tiến vững chắc, nhất là quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng -  an ninh. Tuy nhiên, chất lượng hợp tác cụ thể trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa xứng tầm và tiềm năng của hai nước. Bài viết khái quát những thành tựu, nhận diện những hạn chế, nguyên nhân và gợi mở các giải pháp phù hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

 

Quan hệ Việt Nam - Thái Lan có truyền thống từ lâu đời, ngày càng phát triển, có sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung của hai nước và của Cộng đồng ASEAN, phù hợp với xu thế hữu nghị, hợp tác phát triển của thời đại - Ảnh: vtc.vn

Việt Nam và Thái Lan là hai nước láng giềng có quan hệ bang giao lâu đời. Với vị trí địa lý gần gũi, sự tương đồng về phong tục tập quán và chia sẻ nhiều quan điểm chung về chính sách đối ngoại, Việt Nam và Thái Lan có điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ song phương và trong các khuôn khổ đa phương, khu vực. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976. Trải qua quá trình tạo dựng, mối quan hệ tin cậy, hợp tác phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Việt Nam - Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ hợp tác toàn diện thành quan hệ Đối tác chiến lược trong chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6-2013), trở thành hai nước đầu tiên trong khối ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đây là sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, là dấu mốc lịch sử đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, là nhân tố giúp tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo đà cho sự phát triển quan hệ hai nước. 

Những thành tựu cơ bản trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan 

Thứ nhất, quan hệ chính trị - ngoại giao đã có sự gắn kết và tin cậy

Từ khi chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã có bước phát triển nhanh chóng, vững chắc, ổn định, cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên nhiều các lĩnh vực. 

Hai bên thống nhất thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, xác định thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai đảng cầm quyền, Chính phủ, Quốc hội hai nước... là cơ sở chính trị quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Đồng thời, hai nướcmở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, hiệu quả, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước. 

Thông qua các chuyến thăm, nhiều cơ chế hợp tác song phương đã được hai nước ký kết, thông qua và hoạt động rất hiệu quả. Nổi bật là các cơ chế: (1) Họp nội các chung Việt Nam - Thái Lan do hai thủ tướng của hai nước đồng chủ trì; (2) Họp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan; (3) Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng giữa Bộ Ngoại giao hai nước; (4) Hội nghị Ủy ban Hợp tác an ninh và Đối thoại chính sách quốc phòng; (5) Họp Nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về hợp tác chính trị - an ninh (JWG). Hai bên cũng đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014 - 2018, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tháng 11-2014 và tuyên bố về Quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường tháng 7-2015.

Từ năm 2013 đến nay, đã diễn ra 07 cuộc gặp và làm việc cấp cao giữa những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam với phía Thái Lan. Những kết quả đạt được thông qua các chuyến thăm, làm việc 10 năm qua cho thấy thiện chí và mong muốn của cả hai nước nhằm thắt chặt hơn quan hệ song phương, làm sâu sắc và thực chất hơn quan hệ giữa hai nước láng giềng, kề cận trong Cộng đồng ASEAN. Hai bên đang phối hợp thu xếp chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 11-2022.

Bên cạnh ngoại giao nhà nước, hai bên cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam và các hội, đoàn khác. 

Thời gian qua, hai hội hữu nghị đã tổ chức các cuộc họp liên tịch thường niên và rất nhiều các hoạt động giao lưu văn hóa, gặp gỡ hữu nghị, các cuộc triển lãm tranh, ảnh, trưng bày nghệ thuật, giới thiệu sản phẩm... trong những ngày văn hóa Thái Lan tại Việt Nam hay những ngày văn hóa Việt Nam tại Thái Lan, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước. 

Hai bên cũng đã phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa như: hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dịp khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ban May, tỉnh Nakhon Phanom năm 2016; kỷ niệm 40 năm (2016), 45 năm (2021) quan hệ ngoại giao; tổ chức chương trình "Kết nối Doanh nghiệp ASEAN", đoàn Caravan hữu nghị Thái Lan - Việt Nam và Liên hoan giao lưu hữu nghị nhân dân Việt Nam - Thái Lan... 

Trong các khuôn khổ đa phương và ASEAN, hai nước coi trọng vai trò, vị thế của nhau; chủ động và tích cực phối hợp dẫn dắt hoạt động của ASEAN, nhất là trong trụ cột chính trị - an ninh; quan tâm thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng. Đặc biệt, trong năm Thái Lan đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2019, cũng như năm Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, hai bên đều thể hiện sự ủng hộ nhau, hợp tác trên tinh thần là những thành viên chủ chốt, đầu tàu của khu vực để triển khai thực hiện các sáng kiến, ưu tiên của nhau.

Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng hiệu quả, là điểm sáng trong quan hệ hai nước

Trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên đã nhận ra được nhu cầu, thế mạnh và tiềm năng của nhau; đã chọn lựa những lĩnh vực, dự án mang tính thiết thực, mang lại nhiều lợi ích để thúc đẩy triển khai thực hiện, tiêu biểu như xuất nhập khẩu nông sản, ô tô và du lịch; từng bước mở rộng phạm vi, quy mô hợp tác trong những lĩnh vực, ngành nghề có triển vọng, nhất là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Điều đó góp phần giúp mỗi nước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế của mình; gia tăng gắn kết lợi ích trong tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu; nâng cao tiềm lực kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành những trụ cột kinh tế trong ASEAN.

Về thương mại, hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn, rõ nét cả về chất và lượng. Trong gần 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan đã tăng từ 10,46 tỷ USD năm 2013 lên trên 18 tỷ USD năm 2021. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và các nước thành viên ASEAN khác. 

Tăng trưởng thương mại chủ yếu xuất phát từ nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian, điều này phản ánh thực tế Việt Nam và Thái Lan đều năm cùng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Ngoài ra, việc Thái Lan nhập khẩu ngày càng nhiều các mặt hàng thành phẩm của Việt Nam bao gồm cả các sản phẩm công nghiệp như xe máy, nông phẩm (rau, trái cây, gạo…) cũng như các thực phẩm chế biến khác cho thấy hàng Việt Nam đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng Thái Lan biết đến và ưa chuộng.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thái Lan trong ASEAN. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 25 tỷ USD vào năm 2025.

Về đầu tư, trong 10 năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược, tốc độ đầu tư của Thái Lan và Việt Nam luôn ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cùa các nhà đầu tư Thái Lan với danh mục và các dự án đầu tư ngày càng lớn. Đến nay, Thái Lan đứng thứ 9 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 639 dự án đầu tư còn hiệu lực, có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 12 tỷ USD. Ngược lại, Thái Lan cũng là một địa điểm đầu tư tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai khoảng 15 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 91,6 triệu USD, đứng thứ 22 trong số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan. 

Thứ ba, hợp tác quốc phòng - an ninh được duy trì và phát triển

Hai bên duy trì và quan tâm thúc đẩy, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cả song phương và đa phương; duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi. 

Về hợp tác quốc phòng, hải quân hai bên đã tổ chức nhiều cuộc tuần tra chung ở vịnh Thái Lan; hợp tác trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo ngày càng đi vào thực chất; Thái Lan mong muốn Việt Nam tham gia diễn tập quân sự chung, trước hết là diễn tập “Hổ mang vàng” thường niên... 

Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, hai bên đã thiết lập mới hai cơ chế hợp tác song phương là Đối thoại chính sách quốc phòng (từ năm 2017), và Hội nghị tham vấn Hải quân (từ năm 2019); từng bước mở rộng phạm vi hợp tác sang lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng và sản xuất một số loại vũ khí hạng nhẹ. 

Trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN, nhất là quá trình chuẩn bị, thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan và Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hai nước đã chủ động tham vấn, thống nhất quan điểm, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm sự liên tục, tính kế thừa trong định hướng phát triển của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác. 

Trong lĩnh vực an ninh, hai bên duy trì cơ chế họp Nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về hợp tác chính trị - an ninh (JWG) thường niên; hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, tình báo... Hai bên phối hợp tương đối hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, mua bán người...; cam kết ngăn chặn bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này hoạt động chống lại nước kia, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho chính phủ mỗi nước trong giải quyết vấn đề của ASEAN và khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. 

Thứ tư, quan hệ hợp tác được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau

Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên tích cực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, như các hoạt động giao lưu nghệ thuật biểu diễn, trại sáng tác mỹ thuật, trưng bày triển lãm, tham gia các hội thảo về văn hóa nghệ thuật tại mỗi nước. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ “Ngày Thái Lan tại Việt Nam” và “Hội chợ triển lãm thương mại Thái Lan tại Việt Nam”. Hai bên cũng tích cực ủng hỗ lẫn nhau trong các hoạt động, dự án hợp tác văn hóa, nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác đa phương của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN.

Hợp tác giáo dục - đào tạo, hằng năm, Chính phủ Thái Lan cấp một số lượng đáng kể học bổng để đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên Việt Nam. Các cơ sở giáo dục của Thái Lan cũng cấp một số chương trình học bổng ngắn hạn cho các sinh viên Việt Nam; hỗ trợ dạy tiếng Thái cho các trường đại học của Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Thái của học sinh, sinh viên Việt Nam và góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại. Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước cũng thống nhất mở các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Thái Lan và người Việt Nam đang dạy tiếng Việt trong các trường học ở Thái Lan hoặc trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. 

Hợp tác du lịch Việt Nam - Thái Lan thời gian qua được chú trọng trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường gửi khách hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ 10 trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN. Khách du lịch Việt Nam du lịch Thái Lan cũng ngày một tăng. Hằng năm, cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp hai nước thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện, được tổ chức tại hai nước.

Về khoa học và công nghệ, hai bên đã tăng cường xây dựng và triển khai nhiều dự án hợp tác nghiên cứu chung có sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ hai nước; trao đổi chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, khảo sát, đào tạo về một số lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực hiện đang là thế mạnh của Thái Lan, như công nghệ sinh học, công nghệ nanô, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sau thu hoạch...

Ngoài ra, hai nước ngày càng coi trọng và nỗ lực thúc đẩy hoạt động giao lưu, thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương. Đến nay đã có 16 cặp tỉnh, thành phố của hai nước xây dựng quan hệ hợp tác, kết nghĩa. 

Chính phủ Thái Lan ngày càng coi trọng vị trí, vai trò và có những chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan hòa nhập, tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế -  xã hội Thái Lan. Đây là những điểm sáng, là xung lực góp phần thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác trong các trụ cột chính trị - ngoại giao, kinh tế giữa hai nước.

Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian quan còn một số tồn tại, hạn chế như: một bộ phận chính giới và người dân Thái Lan vẫn có tâm lý, xác định Việt Nam là đối tác cạnh tranh chiến lược, là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu vươn lên giành vị trí trung tâm, lãnh đạo ASEAN và tiểu vùng của Thái Lan; coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trong thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hóa. Sự hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong một số vấn đề còn hạn chế, trong đó có những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực của Việt Nam, nhất là vấn đề Biển Đông và việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông. Doanh nghiệp Thái Lan từng bước thâu tóm thị trường bán lẻ và các lĩnh vực tiềm năng như điện gió, điện mặt trời, công nghệ tái tạo... Hai nước chưa đạt được thỏa thuận về Hiệp định dẫn độ tội phạm, mặc dù vấn đề này đã nhiều lần được đề cập trong các cuộc họp song phương. Tuy thỏa thuận không để các thế lực xấu sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia nhưng Thái Lan tiếp tục là địa bàn các thế lực thù địch, tổ chức phản động như Việt Tân, VOICE, PBSOS... đứng chân để hoạt động chống phá Việt Nam. Một số trung tâm phá hoại tư tưởng có văn phòng tại Thái Lan tiếp tục lợi dụng các vụ việc phức tạp ở trong nước để tuyên truyền chống phá Việt Nam nhưng việc hợp tác đấu tranh, xử lý của Thái Lan còn chưa hiệu quả, thực chất. Thái Lan mới chỉ cho phép lao động người Việt làm việc trong ngành xây dựng và đánh bắt cá, trong khi lao động các nước khác được làm việc trong nhiều lĩnh vực khác. Thái Lan tiếp tục tăng cường tuần tra, bắt giữ các tàu cá Việt Nam tại khu vực Vịnh Thái Lan. Các vụ việc này thường được cơ quan chức năng và báo chí Thái Lan công bố rộng rãi, tác động xấu đến nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU)...

Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần là do quan điểm về chính trị, dân chủ của Thái Lan có những điểm khác biệt với Việt Nam. Một bộ phận chính giới, người dân Thái Lan chưa cởi bỏ được tâm lý định kiến thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự tác động, ảnh hưởng và ý đồ của các nước lớn và sự chi phối của tương quan quan hệ Thái Lan - Mỹ, Thái Lan với các nước lớn. Việc triển khai các nội dung hợp tác với Thái Lan do nhiều bộ ngành tiến hành nhưng chưa có sự liên thông, phân nhiệm cụ thể, chưa tạo dựng được sức mạnh tổng hợp, thiếu chủ động chiến lược trong tổ chức thực hiện. Một số bộ ngành chưa thực sự coi trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác với phía Thái Lan, việc tổ chức triển khai kế hoạch hợp tác thiếu quyết liệt. Một số doanh nghiệp, người dân Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư, khai thác, tìm kiếm lợi ích tại thị trường Thái Lan…

Triển vọng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan 

Quan hệ Việt Nam - Thái Lan có truyền thống từ lâu đời, ngày càng phát triển, có sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung của hai nước và của Cộng đồng ASEAN, phù hợp với xu thế hữu nghị, hợp tác phát triển của thời đại. Hiện nay, mặc dù tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, quan hệ Việt Nam - Thái Lan vẫn sẽ tiếp tục được hai bên quan tâm thúc đẩy và có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam và Thái Lan ngày càng hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ với nhau nhiều điểm chung trong các vấn đề an ninh, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Hai nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam và Thái Lan không có tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ nên có thể hợp tác lâu dài. Chính phủ Việt Nam và Thái Lan luôn coi trọng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước; cam kết thực hiện có hiệu quả các thoả thuận để khai thác triệt để các tiềm năng hợp tác nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện vì sự phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á. Sự ra đời của hàng loạt các hiệp định đã được chính phủ hai nước ký kết trong thời gian qua tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng để củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong những năm tới. 

Thứ hai, nền kinh tế hai nước đều phát triển theo hướng mở và xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế. Thị trường Việt Nam và Thái Lan có vai trò bổ sung lẫn nhau giữa bên đã tương đối thành công trong công nghiệp hóa và một bên đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam có thể thúc đẩy các ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong khi Thái Lan mở rộng việc sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng sử dụng vốn và công nghệ. Việc thực hiện chương trình AFTA đang tạo ra khuôn khổ chung cho buôn bán và đầu tư song phương. 

Thứ ba, hai bên có điều kiện, khả năng để tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ và tin cậy giữa lực lượng vũ trang hai nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc triển khai Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng; tiếp tục triển khai cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng và Đối thoại cấp cao về phòng chống tội phạm và hợp tác an ninh, họp Nhóm công tác chung về chính trị và an ninh; thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật biển, đào tạo, huấn luyện quân sự, kể cả tập trận chung. Hai bên có thể thúc đẩy việc ký kết Hiệp định dẫn độ và Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dân sự, thương mại... tạo điều kiện để hợp tác quốc phòng - an ninh hai nước ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Thứ tư, Thái Lan có ngành công nghiệp du lịch phát triển hàng đầu thế giới, đặc biệt là chất lượng dịch vụ và các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch biển. Thái Lan có nhiều chính sách tạo điều kiện cho du lịch phát triển như đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cho du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá ở các thị trường rất thành công. Đến nay, Thái Lan đã miễn thị thực cho hầu hết các nước trên thế giới, với thời gian khá linh hoạt, dài ngày. Hai bên có thể phối hợp tổ chức cho báo chí, truyền thông của hai nước và nước ngoài vào Thái Lan và Việt Nam để giới thiệu về du lịch hai nước. Hiện nay, Thái Lan có khả năng, nhu cầu hợp tác phát triển du lịch với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ngoại ngữ, kỹ năng quản lý khu,tuyến điểm du lịch và trao đổi kinh nghiệm tổ chức năm du lịch, cử đoàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn…

Thứ năm, dự báo trong những năm tới, Thái Lan là thị trường có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài, đặc biệt trong một số lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, đánh bắt hải sản và một số ngành nghề đòi hỏi có tay nghề chuyên môn cao. Với khoảng cách địa lý gần gũi, khí hậu và điều kiện sinh hoạt không có nhiều khác biệt, Thái Lan là một thị trường có tiềm năng lớn của lao động Việt Nam với mức chi phí, yêu cầu về tay nghề và chuyên môn ở mức độ vừa phải, phù hợp cho đại bộ phận lao động khu vực nông thôn Việt Nam, nhất là lao động các tỉnh miền Trung. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam được bảo hộ pháp lý đầy đủ và tiếp cận các công việc có kỹ năng và thu nhập ổn định tại Thái Lan.

Với những tiềm năng và triển vọng nêu trên, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan hữu quan hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan phát triển sâu sắc và mạnh mẽ hơn, phát huy hết tiềm năng của mỗi nước, đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, Cộng đồng ASEAN cũng như tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

_________________

Ngày nhận: 5-10-2022; Ngày bình duyệt: 9-10-2022; Ngày duyệt đăng: 10-10-2022.

NGUYỄN HỮU SƠN

Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền