Trang chủ    Quốc tế    Các tỉnh ủy ở miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lãnh đạo công tác giảm nghèo
Thứ tư, 12 Tháng 10 2022 07:44
785 Lượt xem

Các tỉnh ủy ở miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lãnh đạo công tác giảm nghèo

(LLCT) - Giảm nghèo là một chủ trương, chính sách xã hội lớn, lâu dài của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo ở các tỉnh miền Bắc Lào đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trước tình hình mới, công tác giảm nghèo ở các tỉnh miền Bắc Lào vẫn còn hạn chế, cần tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, chính quyền các cấp. 

Thị xã Sầm Nưa - Trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Hủa Phăn (Lào) - Ảnh: vhds.baothanhhoa.vn

Giảm nghèo là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống con người. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn coi vấn đề xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương, chính sách xã hội lớn, lâu dài nhằm bảo đảm định hướng XHCN. Ngay từ Đại hội VIII năm 1996, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra chương trình xóa đói, giảm nghèo nhằm tập trung nguồn lực thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Các tỉnh ở miền Bắc Lào có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, gồm 8 tỉnh: Hủa Phăn, Phông Sa Ly, Luông Nặm Tha, U Đôm Xay, Bo Keo, Luông Pha Bang, Xay Nha Bu Ly, Xiêng Khoảng. Đây là các tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn, trở ngại, kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nghèo.

Nhận thức được yêu cầu của công tác giảm nghèo, thời gian qua, các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo, cụ thể là: 

Một là, hầu hết các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào đã ban hành các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị hành động đúng đắn về công tác giảm nghèo. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, các tỉnh ủy miền Bắc Lào đã triển khai 04 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020: đột phá về tư duy, thay đổi tính lười biếng, cực đoan; đột phá về xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công việc; đột phá về thủ tục hành chính cản trở kinh doanh và đột phá về giảm nghèo. Căn cứ vào đặc điểm riêng của từng tỉnh, các tỉnh ủy miền Bắc Lào đã ra nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội theo các vùng cho phù hợp. 

Các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào đã xác định phương hướng công tác giảm nghèo là tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, xây dựng cơ cấu cây trồng và vật nuôi hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao; nâng cao hệ số sử dụng đất, tổ chức sản xuất 2 vụ /năm, theo hướng đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất; tăng cường đầu tư tín dụng, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, cách làm ăn, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay để giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. 

Nhờ những cách làm cụ thể đó, thời gian qua, các tỉnh miền Bắc Lào đã đạt được những thành tựu đáng kể: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm, tổng sản phẩm năm 2020 tăng gần 2 lần so với năm 2015; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, CNH, HĐH nông nghiệp đạt được những kết quả bước đầu, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; năng lực ngành y tế và giáo dục - đào tạo tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Hai là, các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy huyện tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Các nghị quyết của đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế, giảm nghèo được quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy cấp huyện và được các tỉnh ủy chỉ đạo sát sao, kịp thời. Điều này đã tạo được sự thống nhất trong triển khai từ tỉnh đến cơ sở, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, cấp ủy các địa phương (huyện và cụm bản) đều tiến hành xây dựng chương trình mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo, bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, cấp cụm bản có sự phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể, đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia, giám sát thực hiện chương trình.

Ba là, việc lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành trong tỉnh thực hiện công tác giảm nghèo đã được các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào coi trọngDưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, chính quyền các tỉnh miền Bắc Lào đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của tỉnh theo từng giai đoạn. Chính quyền đã quan tâm đến đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động; tổ chức xuất khẩu lao động sang Malaixia, Thái Lan và các nước khác. 

Bốn là, các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào đã chú trọng lãnh đạo Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tích cực tham gia công tác giảm nghèoThực hiện chủ trương của các đảng bộ tỉnh miền Bắc Lào “không để người dân phải chịu đói, chịu rét”, Văn phòng Mặt trận Lào xây dựng đất nước các tỉnh đã phối hợp cùng các ban, ngành, các đoàn thể vận động gây quỹ xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú. 

Trong giai đoạn 2016-2020, các tỉnh miền Bắc Lào đã huy động 13,97 tỷ Kíp để cất mới 2.752 căn nhà đại đoàn kết, trong đó gia đình các hộ nghèo góp vốn đối ứng 969 triệu Kíp. Cách làm này giúp các hộ nghèo có thêm động lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. 

Năm là, các tỉnh ủy đều đề cao trách nhiệm của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong công tác giảm nghèoCác nghị quyết của đảng bộ các tỉnh miền Bắc Lào về phát triển kinh tế, giảm nghèo được quán triệt sâu rộng trong các cấp bộ đảng và được tỉnh ủy chỉ đạo các cấp cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch thực hiện. Các địa phương đều tiến hành xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo; bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia, giám sát thực hiện chương trình.    Thời gian qua, các tỉnh miền Bắc Lào đã đạt được những thành tựu đáng kể: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm, tổng sản phẩm năm 2020 tăng gần 2 lần so với năm 2015; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, CNH, HĐH nông nghiệp đạt được những kết quả bước đầu, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; năng lực ngành y tế và giáo dục - đào tạo tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Nhờ những nỗ lực trong lãnh đạo giảm nghèo của các tỉnh ủy, sự triển khai hiệu quả của các cấp, các ngành, đời sống người dân các tỉnh miền Bắc Lào ngày càng được cải thiện. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất của nhân dân được bảo đảm. Số hộ nghèo giảm mạnh từ 67.271 hộ năm 2015 xuống còn 47.493 hộ năm 2020(1).

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự lãnh đạo của các tỉnh ủy miền Bắc Lào đối với công tác giảm nghèo vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, như:

Một là, do nhận thức chưa sâu sắc và nhiều công tác đột xuất, phức tạp nên một số tỉnh ủy chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác giảm nghèo, việc xây dựng, ban hành một số chủ trương, chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh của địa phương còn chậm. Hệ thống các chương trình, dự án, chính sách của một số đề án giảm nghèo chưa thực sự đồng bộ, vẫn còn chồng chéo trong xây dựng và thực hiện chính sách, nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế ở địa phương. 

Hai là, một số tỉnh ủy chưa chú ý phát huy vai trò của chính quyền trong thực hiện nghị quyết, chủ trương của tỉnh ủy về công tác giảm nghèo. Do đó, chính quyền một số nơi chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo; chậm xây dựng và ban hành đề án giảm nghèo của tỉnh, có nơi cuối năm 2017, tỉnh mới phê duyệt đề án nâng cao chất lượng và đẩy nhanh công tác giảm nghèo đến năm 2020. Trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, chưa tạo được sự đột phá, chưa gắn kết chặt chẽ giữa cho vay vốn tín dụng ưu đãi với hoạt động khuyến nông và các hoạt động phát triển kinh tế khác để các hộ vươn lên thoát nghèo. 

Blà, có nơi, tỉnh ủy chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp thực hiện công tác giảm nghèo.

Bốn là, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo của một số tỉnh ủy chưa được quan tâm. Do địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác, đường đi lại khó khăn, nên công tác kiểm tra, giám sát chưa toàn diện, chưa sâu sát hết được các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi; công tác kiểm tra, đôn đốc và xử lý sai phạm có lúc chưa kịp thời.

Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác giảm nghèo của các tỉnh miền Bắc Lào trong những năm qua, chưa tạo được đột phá trong công tác giảm nghèo; một số chủ trương, chính sách đặc thù của địa phương được ban hành vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: đề án chè, mía và cao su hiện nay người dân không thể phát triển diện tích do giá thấp; chính sách cho 22 huyện nghèo các tỉnh miền Bắc hiện đã kết thúc; hỗ trợ lãi suất 0,2% cho hộ nghèo vay vốn tại các tỉnh Luông Pra Bang, Hua Phăn, Phông Sa Ly và Luông Năm Tha đã dừng lại do chưa tạo được động lực cho hộ nghèo vươn lên. Các chính sách đặc thù nhằm phát huy tiềm lực, thế mạnh của các địa phương, như: đầu tư, phát triển dược liệu dưới tán rừng; giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ kết hợp với kinh doanh, sản xuất đến nay mới triển khai các bước đầu, như: xây dựng và ban hành chủ trương, hình thành các đề án/ phương án, bộ máy quản lý, kêu gọi nhà đầu tư, quảng bá sản phẩm; các sản phẩm dược liệu dưới tán rừng chủ yếu ở dạng thô chưa qua chế biến… Vì vậy, chưa lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.  

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới, các tỉnh ủy ở miền Bắc Lào cần tập trung thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tỉnh ủy, hệ thống chính trị đối với công tác giảm nghèo ở các tỉnh phía Bắc Lào

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của công tác giảm nghèo đó là một bộ phận cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo và trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác này. Do đó, để phát huy vai trò lãnh đạo của các tỉnh ủy đối với công tác giảm nghèo trong thời gian tới, phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để làm chuyển biến thực sự về nhận thức, tư tưởng của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và trong toàn thể nhân dân. Cần quán triệt sâu sắc nghị quyết, chủ trương giảm nghèo của Đảng, Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên liên quan; tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo cho người dân.

Hai là, đổi mới nội dung lãnh đạo công tác giảm nghèo của các tỉnh ủy 

Trước hết, các tỉnh ủy cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm công tác giảm nghèo, đề ra nghị quyết, chủ trương đúng đắn. Trọng tâm của công tác giảm nghèo đến năm 2030 là tập trung tạo điều kiện cho đối tượng nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Để đạt mục tiêu đó, các tỉnh ủy phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, những lĩnh vực trọng điểm, đột phá để ban hành các nghị quyết, quyết định đúng đắn và kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung các nguồn lực đầu tư trọng điểm, đồng bộ nhằm đem lại hiệu quả cao. 

Trong giai đoạn 2020-2030, bên cạnh việc lãnh đạo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và giảm nghèo, cần ưu tiên tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Lãnh đạo việc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 hướng tới năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, bước đi của các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Trên cơ sở quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu đến năm 2025 hướng tới năm 2030, như: quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn toàn diện; quy hoạch phát triển thương mại… Xúc tiến việc xây dựng các đề án, cơ chế, quy định để triển khai thực hiện cho từng thời kỳ.

Lãnh đạo tập trung phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng sâu, vùng xa theo hướng thị trường; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng chuyên canh.

Lãnh đạo xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh làm khâu đột phá để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Lãnh đạo xây dựng quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị tại các huyện, nhất là 22 huyện nghèo của các tỉnh miền Bắc. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biên giới, tiếp tục đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Mở rộng hợp tác giao thương với các tỉnh trong nước và một số tỉnh, thành các nước Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Myanma. 

Bên cạnh đó, các tỉnh ủy ở miền Bắc tập trung lãnh đạo giải quyết tốt vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ nghèoCác hộ nghèo do thiếu vốn hoặc không có vốn để sản xuất, kinh doanh chiếm 38%, vì thế ưu đãi tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo là chính sách chủ yếu và có hiệu quả để người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Các tỉnh ủy miền Bắc cần lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo. Ở các tỉnh miền Bắc, phần lớn đất nông nghiệp chỉ trồng được 2 vụ/năm; khu vực công nghiệp và dịch vụ không phát triển, đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc giảm nghèo và gây ra nhiều tệ nạn xã hội khác. Do đó, giải pháp quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian tới cần tập trung quy hoạch và sử dụng đất có hiệu quả; điều chỉnh thu hồi đất không sử dụng để giao cho hộ nghèo thiếu đất. Trong khi chưa có điều kiện để phát triển ngành nghề phụ, cần có biện pháp tổ chức khai hoang, phục hóa diện tích đất chưa sử dụng để tăng thêm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp. Vận động hộ nông dân nghèo thiếu đất đi định cư ở vùng đất mới; nghiên cứu kỹ vùng sắp khai hoang và có các biện pháp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tư liệu sản xuất, giúp các hộ ổn định cuộc sống, bám đất, phát triển bản mới. Ưu tiên lãnh đạo xây dựng hạ tầng, trước hết là phát triển đường giao thông; lãnh đạo phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất, trồng trọt; phát triển mạng lưới điện cho các huyện, bản nghèo. Tiếp tục đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa.

Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo công tác giảm nghèo

Tăng cường lãnh đạo chính quyền thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và các tỉnh ủy về công tác giảm nghèo. Tập trung lãnh đạo chính quyền xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các sở, ngành liên quan. 

Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm đề xuất cân đối các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch giảm nghèo. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, cấp phát, thanh quyết toán kinh phí theo quy định của Nhà nước. 

Sở nông, lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm ở vùng nông thôn. Các sở, ban, ngành liên quan khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, lồng ghép các chương trình của ngành với chương trình giảm nghèo.

Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo. Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể nhân dân các cấp cần phối hợp với chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, sáng kiến cụ thể, sát với thực tiễn để tổ chức tốt việc vận động hội viên, đoàn viên và người dân thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy. Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động để vừa thực hiện các chủ trương có hiệu quả, vừa phát huy tính tự lực, tự cường, năng động vươn lên của người nghèo.

Các tỉnh ủy cần lãnh đạo Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động, như: “Ngày vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; các cuộc vận động như “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, “Xây dựng bản văn hóa ở các huyện”, “Xây dựng bản phát triển”. Đẩy mạnh tổ chức các hình thức trợ giúp người nghèo như hỗ trợ xây dựng nhà “đại đoàn kết”. Vận động các hội viên, đoàn viên có kinh nghiệm, có kiến thức hướng dẫn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người nghèo; xây dựng tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. 

Các tỉnh ủy cần lãnh đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng và việc sử dụng quỹ giảm nghèo, trong đó cần tập trung vào các vấn đề sau: 

(1) Kiểm tra việc cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy đảng thông qua việc xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, các bước đi, cách thức tiến hành, cách làm và các biện pháp triển khai của chính quyền, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể.

(2) Kiểm tra trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các đoàn thể trong việc phân công đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên theo dõi, giúp đỡ hộ đăng ký thoát nghèo.

(3) Kiểm tra sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong vận động gia đình, dân bản tích cực tham gia phát triển kinh tế.

(4) Kiểm tra việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.

(5) Kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án, quỹ đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ người nghèo nhằm bảo đảm việc đầu tư có hiệu quả, việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh tình trạng bình quân, dàn trải, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ trực tiếp, thường xuyên thực hiện công tác giảm nghèo

Kiện toàn đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo. Hằng năm, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác giảm nghèo, đặc biệt quan tâm cán bộ cấp huyện, cụm bản; chương trình, nội dung phương pháp đào tạo cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác; nội dung đào tạo phải tập trung vào nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức thực hiện các chính sách, dự án về giảm nghèo ở cơ sở, phương pháp huy động sự tham gia của nhân dân; huy động nguồn lực ở cộng đồng; thu thập thông tin và xử lý thông tin; cán bộ làm công tác giảm nghèo cần được nâng cao kiến thức và kỹ năng thuyết trình để tập huấn cho nhân dân, vận động cộng đồng.

Năm là, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự giúp đỡ của các tỉnh bạn, các đối tác kinh tế đối với công tác giảm nghèo

Để đạt được những thành công trong công tác giảm nghèo trong thời gian tới, các tỉnh ủy miền Bắc phải tranh thủ sự trợ giúp của Trung ương cả về cơ sở vật chất và khoa học - kỹ thuật để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong quá trình tiếp nhận sự đầu tư của Trung ương, nhất là cho 22 huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các tỉnh ủy cần quan tâm việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở nhằm quản lý tốt vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư cũng như bảo đảmtính công khai, dân chủ, bình đẳng của quá trình thực hiện chương trình, dự án. Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt sự giúp đỡ của các tỉnh trong nước và các tỉnh bạn 4 nước láng giềng là Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Myanma về kinh nghiệm giảm nghèo, học hỏi các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để phổ biến cho nhân dân và cán bộ làm công tác giảm nghèo.  

_________________

Ngày nhận: 11-8-2022; Ngày bình duyệt: 25-8-2022; Ngày duyệt đăng: 11-10-2022.

 

(1) Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh miền Bắc Lào (2020): Báo cáo tổng kết 5 năm (2016-2020) phát triển kinh tế - xã hội, tr.12.

ThS MAIPHONE HER

NCS Lào tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền