Trang chủ    Quốc tế    Những đặc sắc trong hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa
Thứ năm, 10 Tháng 11 2022 12:24
9878 Lượt xem

Những đặc sắc trong hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa

(LLCT) - Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều thành tựu quan trọng về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước Trung Quốc. Bài viết tiếp cận từ thực tiễn sáng tạo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ cải cách mở cửa, để luận giải những “đặc sắc” trong hệ thống lý luận đặc sắc Trung Quốc, trong đó phân tích những đặc sắc về hệ thống lý luận, về dùng từ và thuật ngữ, về thực tiễn, về dân tộc, thời đại, và nội hàm khoa học của những điểm đặc sắc trong CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Phiên họp đầu tiên của Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Bắc Kinh, ngày 15-10-2022 THX/TTXVN

1. Những điểm đặc sắc trong hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Thứ nhất, về hệ thống lý luận

CNXH đặc sắc Trung Quốc không phải là lý luận mới đơn nhất mà là một hệ thống lý luận. Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2007) chỉ rõ, hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc chính là hệ thống lý luận khoa học, bao gồm: tư tưởng chiến lược quan trọng lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại biểu” và quan điểm phát triển khoa học. Đến Đại hội XVIII (2012), mệnh đề trên đã được diễn đạt lại: Hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc chính là hệ thống lý luận khoa học bao gồm: lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại biểu” và quan điểm phát triển khoa học, là sự kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017) chỉ rõ, tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Tinh hoa của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc là giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại, cầu chân vụ thực(1). Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị là yêu cầu bản chất của đường lối tư tưởng chủ nghĩa Mác, là tinh hoa của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc. Biết kết hợp nhuần nhuyễn chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể Trung Quốc, đi con đường của chính mình để phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc. Giải phóng tư tưởng là cốt lõi về phương pháp của CNXH đặc sắc Trung Quốc. Tiến cùng thời đại là phẩm chất lý luận của chủ nghĩa Mác. Cầu chân vụ thực là hạt nhân đường lối tư tưởng. Hệ thống lý luận đó đã làm phong phú và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và tư tưởng triết học chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác.

Thứ hai, về hình thức diễn đạt

Trong quá trình cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc mà đứng đầu là Đặng Tiểu Bình đã nhiều lần dùng từ “vốn có” hoặc “có” đặc sắc Trung Quốc. Đại hội XII Đảng Cộng sản Trung Quốc (1982) khẳng định: “Cần kết hợp hài hòa chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của Trung Quốc, tự đi con đường của mình, xây dựng chủ nghĩa xã hội có đặc sắc của Trung Quốc. Đó là kết luận cơ bản được rút ra từ sự tổng kết kinh nghiệm lịch sử lâu dài của chúng ta”(2).

Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (2002) có bước đột phá khi sử dụng mệnh đề “Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Thuật ngữ dùng từ đại hội lần này có hai điểm khác. Một là, bỏ từ “có”, điều đó thể hiện rõ mô thức ban đầu của CNXH đặc sắc Trung Quốc. Hai là, bỏ chữ “của”, làm cho CNXH đặc sắc Trung Quốc liên kết mật thiết với nhau, tạo nên danh từ riêng, nêu bật hàm ý quan trọng của đặc sắc Trung Quốc.

Về quá trình chuyển biến từ “ba đặc sắc” đến “bốn đặc sắc”, có thể thấy, Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (2007) chỉ rõ: “cần phải dốc sức sáng tạo lý luận để không ngừng phù hợp với đặc sắc thực tiễn, đặc sắc dân tộc, đặc sắc thời đại tươi mới của chủ nghĩa Mác Trung Quốc đương đại”(3). Chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc đương đại chính là hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc. Vì thế, đặc sắc thực tiễn, đặc sắc dân tộc, đặc sắc thời đại ở đây chủ yếu là chỉ hàm ý về hình thức hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu rõ bốn đặc sắc: “Chúng ta nhất định không dao động, luôn kiên trì phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc tiến cùng thời đại, không ngừng làm phong phú đặc sắc thực tiễn, đặc sắc lý luận, đặc sắc dân tộc, đặc sắc thời đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”(4).

- Về đặc sắc lý luận:

Một là, nhịp độ sáng tạo lý luận ngày càng nhanh.

Trong giai đoạn đầu khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông từ khi hình thành đến khi được xác định là tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trải qua 24 năm.

Từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc, lý luận Đặng Tiểu Bình từ khi hình thành đến khi được xác định là tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trải qua 19 năm.

Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đến Đại hội XVI xác định tư tưởng quan trọng “ba đại biểu” của Giang Trạch Dân làm tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trải qua 13 năm.

Từ Đại hội XVI đến Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, xác định quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào là tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trải qua 10 năm. Sự tiến nhanh của sáng tạo lý luận là để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của thực tiễn.

Hai là, nội dung sáng tạo lý luận ngày càng phong phú.

Nội dung CNXH đặc sắc Trung Quốc xuyên suốt nhiều chuyên ngành khoa học: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Nó bao quát nhiều lĩnh vực: xây dựng kinh tế XHCN, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa - xã hội, văn minh sinh thái và xây dựng đảng, xây dựng hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, tổ quốc thống nhất, chiến lược quốc tế, công tác đối ngoại.

Ba là, các thành quả sáng tạo luôn liên hệ mật thiết với nhau và tuần tự phát triển.

Lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại biểu”, quan điểm phát triển khoa học là sự gắn kết liền mạch của ngọn nguồn lý luận, chủ đề lý luận, phẩm chất lý luận, điểm cơ bản của lý luận và mục tiêu lý luận. Trong đó, lý luận Đặng Tiểu Bình là sáng tạo mở đường cho hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, là bộ phận cấu thành quan trọng, có tính chất nền tảng; tư tưởng quan trọng “ba đại biểu” và quan điểm phát triển khoa học là bộ phận cấu thành quan trọng, kế thừa và chỉ dẫn, gợi mở hướng phát triển của hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc.

- Về đặc sắc thực tiễn:

Một là, kinh nghiệm tổng kết thực tiễn. Dấu mốc lịch sử của cải cách mở cửa ở Trung Quốc là sự chuyển biến trong nhận thức về “đại cách mạng văn hóa”, về sự lạc hậu trong phát triển và về tình hình trong nước và quốc tế đương thời. CNXH đặc sắc Trung Quốc được hình thành và phát triển song hành với cải cách mở cửa. Mỗi bước tiến của cải cách mở cửa đều thúc đẩy sự phát triển của CNXH đặc sắc Trung Quốc.

Hai là, đã trả lời được những câu hỏi của thực tiễn. CNXH đặc sắc Trung Quốc đã trả lời những câu hỏi cơ bản do thực tiễn đặt ra, đó là, ở một nước lớn, dân số đông hơn một tỷ người, muốn phát triển thì phải xây dựng CNXH như thế nào, và làm thế nào để xây dựng CNXH? Xây dựng đảng như thế nào và làm thế nào để xây dựng đảng? Phát triển như thế nào và làm thế nào để phát triển? Về kiên quyết tiến cùng thời đại, phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc với công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, kiên định tính tự giác, lòng tự tin, không đi con đường cũ, bế quan, tỏa cảng cứng nhắc.

- Về đặc sắc dân tộc:

Một là, truyền thống lịch sử, ngưng tụ văn hóa, và những điều kiện dân tộc cơ bản trong nước là cơ sở cốt lõi của CNXH đặc sắc Trung Quốc. Tiến trình phát triển lịch sử lâu dài của dân tộc Trung Hoa với truyền thống văn hóa đặc sắc đã ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của Trung Quốc. CNXH đặc sắc Trung Quốc được hình thành trên nền tảng văn hóa Trung Hoa, phản ánh ý chí vươn lên của nhân dân Trung Quốc, phù hợp với yêu cầu tiến bộ của Trung Quốc và sự phát triển của thời đại.

Hai là, hình thành nên diễn ngôn có phong cách đặc sắc của dân tộc Trung Hoa. Mao Trạch Đông từng nói: “Chủ nghĩa Mác cần phải kết hợp chặt chẽ với đặc điểm cụ thể nước ta và chỉ thực hiện được thông qua một hình thức dân tộc nhất định,... những ca khúc trừu tượng, trống rỗng không nên tồn tại, chủ nghĩa giáo điều cần nên loại bỏ, thay vào đó là những ca khúc mang đậm tác phong Trung Quốc, khí khái Trung Quốc, tràn đầy sức sống tươi mới mà nhân dân Trung Quốc đều vui mừng đón nhận”(5).

Từ khi cải cách mở cửa đến nay, cùng với việc thúc đẩy thực tiễn vĩ đại XHCN đặc sắc Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo nên những diễn ngôn thể hiện rõ đặc sắc Trung Quốc, khí khái Trung Quốc, phong cách Trung Quốc, dễ tiếp cận đại chúng, như: “lấy con người làm gốc”, “tiến cùng thời đại”, “hài hòa”, “khá giả”, “giấc mộng Trung Hoa”, “cộng đồng chung vận mệnh”.

- Về đặc sắc thời đại:

Một là, nắm vững xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề hoạch định đường lối, chính sách. Giai đoạn đầu khi mới tiến hành cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định, hòa bình và phát triển đã trở thành chủ đề của thời đại. Trên cơ sở đó, những người cộng sản Trung Quốc đặt CNXH đặc sắc Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, coi đó là điều kiện để hai hệ thống CNTB và CNXH cùng tồn tại lâu dài, góp phần làm phong phú CNXH đặc sắc Trung Quốc. Chính trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử đó, CNXH đặc sắc Trung Quốc đã được hình thành và phát triển.

Hai là, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Mỗi thời đại lịch sử đều có vấn đề đặc trưng, cần phải đối mặt và giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. CNXH đặc sắc Trung Quốc đã hình thành lý luận cơ bản, đường lối cơ bản, cương lĩnh cơ bản, kinh nghiệm cơ bản, yêu cầu cơ bản mang tính đặc trưng của thời đại. Kết hợp lý luận với thực tiễn, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trả lời được những câu hỏi căn bản như: làm thế nào để xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc ở một đất nước lớn, đông dân, cơ sở mỏng ở phương Đông như Trung Quốc và xây dựng CNXH như thế nào? Với tầm nhìn hoàn toàn mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc hơn quy luật cầm quyền của đảng cộng sản, quy luật xây dựng CNXH, quy luật phát triển xã hội loài người. Hiện nay, CNXH đặc sắc Trung Quốc đã đứng vững ở Trung Quốc và có tiếng vang trên thế giới.

2. Nội hàm khoa học của những đặc sắc trong chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc

Xét từ nghĩa rộng, nội hàm “đặc sắc” của CNXH đặc sắc Trung Quốc chủ yếu chỉ các bình diện đường lối, hệ thống lý luận và chế độ. Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định rõ đường lối CNXH đặc sắc Trung Quốc và luận giải một cách sáng tạo hệ thống CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên luận giải rõ đường lối CNXH đặc sắc Trung Quốc, hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc và chế độ CNXH đặc sắc Trung Quốc. Như vậy là đã luận giải tường minh nội hàm CNXH đặc sắc Trung Quốc trên các bình diện hình thái lý luận, hình thái thực tiễn và hình thái chế độ. Cụ thể:

Đường lối CNXH đặc sắc Trung Quốc chính là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân các dân tộc Trung Quốc đã đứng vững trên tình hình thực tiễn của đất nước, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản(6), kiên trì cải cách mở cửa, giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, nền chính trị dân chủ XHCN, nền văn hóa tiên tiến XHCN, xã hội hài hòa XHCN, thúc đẩy phát triển toàn diện con người, từng bước thực hiện toàn thể nhân dân cùng giàu có, xây dựng đất nước hiện đại, XHCN văn minh, hài hòa, dân chủ, giàu mạnh.

Hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc bao gồm lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại biểu” của Giang Trạch Dân và quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào, trên cơ sở kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc luôn được cải tiến để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cải cách mở cửa và hiện đại hóa XHCN của Trung Quốc.

Chế độ CNXH đặc sắc Trung Quốc bao gồm việc lấy chế độ chính trị Đại hội đại biểu nhân dân làm căn bản, chế độ đa đảng hợp tác và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ chính trị khu vực dân tộc tự trị và chế độ các cơ tầng quần chúng tự trị, hệ thống pháp luật CNXH đặc sắc Trung Quốc, chế độ công hữu làm chủ thể, chế độ kinh tế căn bản nhiều loại sở hữu cùng phát triển. Các thể chế kinh tế, thể chế văn hóa, thể chế xã hội,... đều được xây dựng trên nền tảng các chế độ trên.

Xét từ nghĩa hẹp, nội hàm “đặc sắc” bao gồm các lĩnh vực cụ thể: kinh tế CNXH đặc sắc Trung Quốc, chính trị CNXH đặc sắc Trung Quốc, văn hóa CNXH đặc sắc Trung Quốc, xã hội CNXH đặc sắc Trung Quốc, văn minh sinh thái CNXH đặc sắc Trung Quốc, Đảng lãnh đạo CNXH đặc sắc Trung Quốc, có thể mở rộng thêm các lĩnh vực tổ quốc thống nhất, chiến lược đối ngoại.

CNXH đặc sắc Trung Quốc là sự kết hợp chặt chẽ thực tiễn, lý luận và chế độ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rất thành công trong việc chưng cất tổng kết thực tiễn, thăng hoa thành lý luận, và dùng lý luận chỉ đạo thực tiễn mới, rồi từ phương châm, chính sách đã đạt được hiệu quả của thực tiễn chưng cất thành chế độ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Đường lối CNXH đặc sắc Trung Quốc là con đường tất yếu để thực hiện hiện đại hóa XHCN. Hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc là “phiên bản mới” trong việc Trung Quốc hóa chủ nghĩa xã hội khoa học. Chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc là bảo đảm chế độ căn bản cho sự tiến lên của công cuộc phát triển Trung Quốc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 535 (tháng 9-2022)

Ngày nhận bài: 6-8-2022; Ngày bình duyệt: 16-9-2022; Ngày duyệt đăng: 26-9-2022.

 

(1) Cầu chân vụ thực: Tìm kiếm chân lý, tôn trọng thực tế.

(2) (邓小平文选. 第二卷. [M] 北京: 人民出版社. 1994.

(3) 胡锦涛: 高举中国特色社会主义伟大旗帜为夺取全面建设小康社会新胜利而奋斗——-在中国共产党第十七次全民代表大会上的报告[M]. 人民日报, 25-10-2007.

 (4) 习近平谈中国理政[M]. 北京: 外文出版社, 2014.

(5) 毛泽东选集, 第二卷. [M]. 北京: 人民出版社, 1991. 

(6) Bốn nguyên tắc cơ bản: ngày 30-3-1979, tại Vụ Công tác lý luận Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã nêu bốn nguyên tắc cơ bản gồm: 1) cần phải kiên trì đường lối xã hội chủ nghĩa; 2) cần phải kiên trì chuyên chính giai cấp vô sản; 3) cần phải kiên trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản; 4) cần phải kiên trì chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông.

PGS, TS LÊ VĂN TOAN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền