Trang chủ    Quốc tế    Việt Nam trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc
Thứ hai, 19 Tháng 12 2022 15:01
3963 Lượt xem

Việt Nam trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc

(LLCT) - Việt Nam - Hàn Quốc đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó đã có hơn 10 năm là đối tác chiến lược; hai nước đang hướng đến Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới. Bài viết làm rõ nội dung Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và vị trí, vai trò quan trọng của Việt Nam trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại cuộc hội đàm ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 05-12-2022. Tại hội đàm, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" - Ảnh: vietnamplus.vn

1. Chính sách hướng Nam của Hàn Quốc

Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc được tổng thống Moon Jea-In công bố vào tháng 11-2017 trong chuyến thăm Inđônêxia, Việt Nam và Philíppin nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và các cuộc Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á cùng năm. Chính sách được ra đời trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị và an ninh ở trong và ngoài nước.

Ở trong nước, những bê bối chính trị của Tổng thống tiền nhiệm Park Geun-Hye đã khiến cho những chia rẽ trong xã hội ngày càng sâu sắc, những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã khiến cho các hoạt động của Chính phủ gần như bị tê liệt. Tổng thống Moon Jea-In lên nắm quyền vào tháng 5-2017 với một quyết tâm xây dựng đất nước Hàn Quốc công minh, loại bỏ lề thói, chế độ, hệ thống dẫn tới đặc quyền, phạm pháp, nạn câu kết chính trị - doanh nhân. Tổng thống Moon Jea-In hướng về những chính sách mới, hướng về tương lai, về giai đoạn mới tràn đầy hy vọng nhằm xoa dịu những tổn thương đã qua và xây dựng mối đoàn kết trong xã hội. Cùng với Chính sách phương Bắc mới, Chính sách hướng Nam mới được xây dựng với mong muốn cùng với người dân xây dựng những điều mới mẻ, tốt đẹp trong tương lai.

Ở ngoài nước, mối quan hệ giữa Hàn Quốc với các cường quốc trong khu vực luôn tiềm ẩn nhiều biến số, nhiều thách thức cho hợp tác thực tâm và bền vững. Trước đây, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc coi trọng các đối tác là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, tuy nhiên các mối quan hệ này đã dần thay đổi.

Cụ thể, quan hệ giữa Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc ngày càng trở nên xa cách và hoài nghi, trong khi quan hệ Hàn Quốc và Mỹ mang tính phụ thuộc nhiều hơn là bình đẳng(1). Quan hệ Hàn Quốc với Nga vẫn thiếu vắng những chất keo gắn kết do những hạn chế trong liên kết văn hóa và quan trọng là hai nước vẫn chưa hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để thúc đẩy quan hệ.

Hàn Quốc đã và đang bị tác động mạnh mẽ bởi các cường quốc trong quá trình theo đuổi lợi ích chiến lược của chính họ trên bán đảo Triều Tiên. Để làm giảm áp lực từ các cường quốc (cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc) và thúc đẩy một nền ngoại giao năng động hơn, Hàn Quốc rất cần một chính sách thiết thực để mở rộng không gian sinh tồn, cũng như phát triển các mối liên kết khu vực để thúc đẩy lợi ích quốc gia(2).

Với những điều kiện thuận lợi sẵn có cũng như nền tảng hợp tác nhất định, ASEAN và Ấn Độ là vùng đất phương Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch... Đặc biệt, mối quan hệ không êm thấm với Trung Quốc đã khiến cho Hàn Quốc gặp khó khăn lớn về thương mại và đầu tư quốc tế. Trung Quốc còn là một kênh chủ yếu để tiếp cận Triều Tiên và tìm kiếm sự trợ giúp đối với các vấn đề Triều Tiên. Do đó, để hóa giải khó khăn này, Hàn Quốc cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tìm kiếm đối tác thay thế. ASEAN - tổ chức giữ vai trò trọng tâm trong các tính toán chiến lược của các cường quốc và Ấn Độ - quốc gia có sự hiện diện của 1,3 tỷ người, được dự đoán trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2024(3) đầy tiềm năng, không chỉ giúp Hàn Quốc thoát khỏi các khó khăn hiện tại mà còn góp phần đưa Hàn Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao, an ninh.

Trong ASEAN là những nước có quan hệ với Triều Tiên nên ASEAN là một kênh tiếp cận quan trọng của Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng độc lập hơn với Trung Quốc và quan hệ Hàn - Trung xấu đi. Thông qua ASEAN, Hàn Quốc có thể tạo ra bối cảnh giao lưu, hợp tác hướng tới hòa bình với Triều Tiên, tiếp cận vấn đề hạt nhân và bối cảnh hòa bình, thịnh vượng vững chắc hơn cho Hàn Quốc và bán đảo Triều Tiên.

Với Chính sách hướng Nam mới (New Southern Policy), Hàn Quốc sẽ cùng với 10 nước ASEAN và Ấn Độ - những quốc gia ở phía Nam lãnh thổ Hàn Quốc hợp tác xây dựng “cộng đồng tương lai” dựa trên ba trụ cột là Con người (People), Hòa bình (Peace) và Thịnh vượng (Prosperity) còn gọi là chính sách 3P. ASEAN và Ấn Độ sẽ trở thành một “trục thịnh vượng mới” trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc. Đây là một sáng kiến ngoại giao lớn nhằm thúc đẩy, nâng cao quan hệ chiến lược của Hàn Quốc với ASEAN và Ấn Độ lên ngang tầm với bốn đối tác ngoại giao lớn, truyền thống của nước này là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Chính sách hướng Nam mới không chỉ nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, thịnh vượng và tự do trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân mà còn nhằm mở ra triển vọng về nền hòa bình và an ninh bền vững cho bán đảo Triều Tiên, hướng tới thống nhất hai miền Nam - Bắc Triều Tiên trong tương lai.

2. Việt Nam trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc

Việt Nam có vị trí và vai trò rất quan trọng trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc. Không chỉ là quốc gia có vị trí trung gian, là cầu nối giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác 30 năm với Hàn Quốc, trong đó có hơn 10 năm là đối tác chiến lược và hai nước đang hướng đến Đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ nhất, Việt Nam được Hàn Quốc xác định là đối tác quan trọng, đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc

Trong việc triển khai Chính sách hướng Nam mới, Việt Nam được Chính phủ Hàn Quốc xác định là đối tác quan trọng, đối tác trọng tâm(4). Tổng thống Moon Jea-In từng khẳng định: Quan hệ của chúng tôi (Hàn Quốc) với ASEAN là không thể thiếu đối với thịnh vượng và hòa bình, và Việt Nam ở vị trí trung tâm của mối quan hệ đó”(5). Có rất nhiều yếu tố để đưa Việt Nam trở thành đối tác trọng tâm trong việc thực hiện chính sách này.

Việt Nam được Hàn Quốc đánh giá cao vì sở hữu vị trí địa chính trị trung tâm trong khu vực Đông Nam Á, với môi trường chính trị ổn định và nhiều tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc. Việt Nam là một trong những nước có dân số đông nhất trong ASEAN, gần 100 triệu người, với tăng trưởng GDP duy trì trên 6%. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 370 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á (dự kiến năm 2022, tăng từ 7,5% đến 8,0% với GDP là 398 tỷ USD); thu nhập bình quân hơn 3.700 USD/người; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế(6).

Tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai là rất cao và đây là môi trường đầu tư lý tưởng đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Nhiều chỉ dấu như quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội cho thấy mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc rất sâu sắc và rộng lớn. Cụ thể, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, 30% đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN hướng vào Việt Nam; kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tương đương 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN(7)

Về phía Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai chiều đạt 78 tỷ USD (gấp hơn 150 lần năm 1992), chiếm 11,6% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và tại 59/63 tỉnh, thành phố, với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD(8). Những kết quả này cho thấy, Việt Nam - Hàn Quốc đến nay đã trở thành đối tác thương mại không thể thiếu của nhau. 

Về hoạt động phát triển du lịch giữa hai nước, trong số các nước ASEAN, Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều người Hàn Quốc(9). Hàn Quốc là thị trường lớn thứ hai của du lịch Việt Nam, với 4,3 triệu lượt người tại thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019)(10). Ở chiều ngược lại, số lượng người Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc tăng 2,1 lần trong giai đoạn 2016 - 2019, từ 251.000 lượt lên 523.000 lượt. Trong 9 tháng đầu năm 2022, khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, đã có hơn 500.000 lượt khách Hàn Quốc trong tổng số gần 1,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.

Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh. Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 18-10-2022, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm không chỉ trong chính sách đối với ASEAN mà còn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc(11).

Hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được tăng cường và đầy triển vọng phát triển. Bên cạnh số lượng du khách qua lại ngày càng tăng, năm 2020 có  khoảng 40 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc, chiếm 31% tổng số sinh viên nước ngoài tại Hàn Quốc (đứng thứ hai sau Trung Quốc)(12). Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đã ở lại làm việc tại các công ty Hàn Quốc, đóng góp vào mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn nữa giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi Hàn Quốc học tiếng Việt và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Việt Nam. Việc tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ góp phần tăng sự hiểu biết về nhau, tạo ra môi trường tích cực và thuận lợi cho hợp tác sâu rộng hơn nữa.

Về y tế, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam 1,1 triệu liều vắcxin Astra Zeneca vào tháng 10-2021. Đây là đợt hỗ trợ vắcxin song phương đầu tiên và lớn nhất của Hàn Quốc cho các đối tác, trong bối cảnh khan hiếm vắcxin trên toàn cầu cũng như những khó khăn tại Hàn Quốc. Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ y tế, trong đó có vắcxin cho Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyên Đại sứ Hàn Quốc Lee Hyuk đã từng nhận định rằng, với những chất keo đến từ hai nước, không có lý do gì để chúng tôi (Hàn Quốc) không tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Việt Nam và coi mối quan hệ với Việt Nam là mối quan hệ hình mẫu điển hình trong quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN(13). Trong những năm tới, vai trò của Việt Nam trong việc làm sâu sắc quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN ngày càng quan trọng hơn.

Thứ hai, Hàn Quốc rất chú trọng tới quan hệ chính trị - ngoại giao với Việt Nam

Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-12-1992, tạo ra bước ngoặt lịch sử trong quan hệ hai nước: từ cựu thù trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trở thành đối tác hợp tác. Cùng với tốc độ phát triển của các quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là trao đổi thương mại, hai bên đã tích cực thực hiện các chuyến thăm viếng của các quan chức cấp cao, bao gồm các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia nhằm củng cố, mở rộng và tăng cường quan hệ song phương.

Những năm gần đây, quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển thuận lợi, mật độ trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước rất dày đặc. Điều đó thể hiện sự ưu tiên và chú trọng của lãnh đạo hai nước dành cho nhau.

Có thể kể đến các chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo hai nước như: Tổng thống Park Geun-Hye đã chọn Việt Nam là nước thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á để đến thăm chính thức sau khi nhậm chức vào tháng 9-2013. Đây là sự kiện đặc biệt, chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao Hàn Quốc. Thông thường, các Tổng thống Hàn Quốc dành năm đầu tiên trong nhiệm kỳ để đi thăm và thúc đẩy quan hệ với bốn cường quốc quan trọng nhất với Hàn Quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga; sau đó mới đi thăm các nước khác.

Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc đi thăm Việt Nam trước khi thăm Nga và Nhật Bản và cũng là lần đầu tiên, Tổng thống Hàn Quốc đến thăm Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ (trừ Tổng thống Kim Dae-jung đã thăm Việt Nam kết hợp dự Hội nghị cấp cao ASEAN+ vào năm 1998, năm đầu tiên của nhiệm kỳ). Chuyến thăm đã thể hiện sự coi trọng cao của cá nhân Tổng thống và Chính phủ Hàn Quốc đối với Việt Nam cũng như mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương phát triển sâu rộng và toàn diện hơn; đồng thời góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và đề ra những định hướng quan trọng để đưa quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển toàn diện, hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực.

Sau khi xảy ra khủng hoảng chính trị khiến Tổng thống Park Geun-Hye phải từ chức năm 2017 và Tổng thống Moon Jae-In lên cầm quyền sau đó, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vẫn không bị ảnh hưởng mà tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Moon Jae-In đã cử đặc phái viên đi thăm Việt Nam từ rất sớm và nhiều lần bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam.  

Nhân dịp sang tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 11-11-2017, Tổng thống Moon Jae-In đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao chủ đề năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và cho rằng đây cũng chính là mục tiêu của quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-In khẳng định Hàn Quốc coi trọng phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Việt Nam. Nhân dân Hàn Quốc và cá nhân Tổng thống Moon Jae-In có tình cảm hữu nghị đặc biệt với nhân dân Việt Nam; những thành tựu quan trọng đã đạt được sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là nền tảng vững chắc để mở ra triển vọng tốt đẹp cho phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Tổng thống Moon Jae-In khẳng định sẽ cùng Việt Nam không ngừng nỗ lực mở rộng và đưa các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu; mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng. Tổng thống Moon Jae-In tin tưởng nhân dân Việt Nam với quyết tâm, ý chí mạnh mẽ, cần cù lao động sẽ đạt được “Kỳ tích sông Mê Kông”. Đồng thời, nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là trọng điểm trong Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc.

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang trong giai đoạn diễn biến khó lường, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-Seug dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam từ ngày 31-10 đến ngày 04-11-2020. Chuyến thăm tại thời điểm này mang rất nhiều ý nghĩa. Đây là chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất Quốc hội Hàn Quốc vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thể hiện rõ tầm quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc và mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước. Đây cũng là sự thể hiện cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác lớn hơn nữa giữa hai nước trong tương lai, đặc biệt khi khu vực và thế giới đang nỗ lực phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.  

Năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 23-6-2021. Đây là chuyến công du nước ngoài lần thứ ba của ông Chung Eui Yong sau khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc (tháng 2-2021), là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam và Việt Nam là nước thăm đầu tiên trong chuyến thăm ba nước Đông Nam Á (Việt Nam, Xinhgapo, Inđônêxia).

Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022); thúc đẩy triển khai Chính sách hướng Nam mới, trong đó coi Việt Nam là đối tác trọng tâm, coi trọng vai trò của Việt Nam là nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024; bình thường hóa hoạt động đối ngoại trong bối cảnh tình hình mới.

Thứ ba, Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi trong vai trò trung tâm hòa giải, góp phần tích cực vào việc phi hạt nhân hóa và tạo dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cụ thể là việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một trong những mục tiêu hàng đầu trong đối ngoại của Hàn Quốc. Qua các vòng đàm phán 6 bên và các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, liên Triều cho thấy đây là vấn đề không dễ dàng vì liên quan tới lợi ích an ninh chiến lược của Triều Tiên cũng như các quốc gia có liên quan.

Trong vấn đề này, Việt Nam có thể có vai trò trung gian hòa giải tích cực. Hiện nay, Việt Nam là nước có quan hệ thân thiết với cả hai miền Triều Tiên và quan hệ ngày một tốt đẹp với Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các đối tác có ảnh hưởng quan trọng tới vấn đề an ninh, nhất là việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản và đều được các nước này tin tưởng trong vai trò trung gian hòa giải các vấn đề liên quan đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân và thiết lập một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28 đến 29-2-2019, mặc dù Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận như mong muốn, Việt Nam đã cho thấy sự đóng góp tích cực trong vai trò chủ nhà cho cuộc hòa giải lịch sử Mỹ - Triều Tiên.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vận mệnh, tương lai của bán đảo Triều Tiên phải do chính Hàn Quốc và Triều Tiên quyết định. Tuy nhiên, sự góp phần tích cực thúc đẩy quá trình này của các quốc gia bên ngoài cũng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi quan hệ liên Triều và quan hệ Mỹ - Triều đứng trước những thách thức mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong số những nhân tố tích cực góp thêm động lực thúc đẩy tiến trình hòa bình, bảo đảm sự ổn định bền vững hướng tới thống nhất hai miền bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Như vậy, với sự nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ngày một tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu. Trên nền tảng đó, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên trường quốc tế nói chung sẽ ngày một được nâng cao và được phát huy, góp phần tích cực vào quá trình triển khai Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc trong thời gian tới, đem lại sự phồn vinh, thịnh vượng và hòa bình bền vững cho cả Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

Ngày nhận bài: 20-10-2022; Ngày bình duyệt: 21-10-2022; Ngày duyệt đăng: 26-10-2022.

 

(1) Dương Minh Tuấn (chủ biên): Quan điểm và đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á về triển vọng hình thành mô hình cộng đồng Đông Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.148-149.

(2) Huỳnh Tâm Sáng: Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam trong bối cảnh chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (228), 2020.

(3) Ock Hyunoju: “New Southern Policy at heart of Moon’s diplomatic diversifications”, The Korea Herald, http://www.koreaherald.com/, truy cập ngày 20-8-2022.

(4) Bộ Ngoại giao: Việt Nam là đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, https://baochinhphu.vn/, truy cập ngày 15-10-2022

(5) Joel Lee: “Vietnamese top parliamentarian’s Korea visit heralds bright bilateral partnership”, http://www.koreaherald.com, truy cập ngày 20-8-2022.

(6), (7), (8) Mạnh Hùng: Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, https://dangcongsan.vn/, truy cập ngày 15-10-2022.

(9) Phạm Hồng Thái: Việt Nam trong Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea - In, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, tr.154.

(10) Hà Phương: Gần 100.000 lượt khách Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc trong 9 tháng, https://vov.vn, ngày 17-10-2022.

(11) Hà Văn: Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, https://baochinhphu.vn/, ngày 18-10-2022.

(12) Yến Trâm: Du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc thích ứng với đại dịch, https://nld.com.vn, ngày 27-9-2021.

(13) Quang Đào: Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và những bước phát triển thần kỳ, https://baoquocte.vn, ngày 22-3-2018.

PGS, TS PHAN VĂN RÂN

ThS NGUYỄN THU HÀ

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền