Trang chủ    Quốc tế    Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ấn Độ
Thứ ba, 25 Tháng 4 2023 14:38
1843 Lượt xem

Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

(LLCT) - Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ có lịch sử lâu đời, bền vững, có vị trí quan trọng cho sự phát triển của hai nước. Bài viết phân tích tình hình hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch… giữa Việt Nam - Ấn Độ và đề xuất một số vấn đề cần chú trọng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ trao các thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Ấn Độ, ngày 17-12-2021 - Ảnh: vietnamplus.vn

Việt Nam - Ấn Độ có mối quan hệ lâu đời, bền vững, được bắt nguồn từ truyền thống giao lưu văn hóa hơn 2.000 năm, được lãnh tụ của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tinh thần của Ấn Độ M.Ganđi và Thủ tướng G.Nêru đặt nền móng và được lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp phát triển.

Ấn Độ là một trong những nước mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (từ tháng 9-2016). Ấn Độ là đối tác quan trọng trong chính sách ưu tiên khu vực Nam Á của Việt Nam; là người bạn truyền thống đáng tin cậy của Việt Nam.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông và tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm của Ấn Độ. Việt Nam là một trong những đối tác then chốt, thân thiết nhất của Ấn Độ tại ASEAN. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất mà Ấn Độ có ở Đông Nam Á.

Ngày 21-12-2020, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ đã thông qua “Tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và người dân” để định hướng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, từ những lĩnh vực hợp tác truyền thống như chính trị, thương mại, đầu tư, năng lượng, quốc phòng, an ninh, giao lưu nhân dân đến những lĩnh vực hợp tác mới như hợp tác không gian, hợp tác hạt nhân dân sự, công nghệ thông tin và khoa học biển…

1. Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Trong các quốc gia Nam Á, Ấn Độ là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam tại đây. Năm 2017, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 7,5 tỷ USD, tăng gần 38% so với năm 2016. Năm 2022, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ tám của Việt Nam(1).

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng nhanh từ 200 triệu USD năm 2000 lên 13,2 tỷ USD năm 2021. Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ vượt mốc 13 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ sau 5 năm kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi và đạt 15,05 tỷ USD năm 2022(2).

Trong 8 tháng đầu năm 2021, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ có bước tăng trưởng tích cực(3). Xuất khẩu đi Ấn Độ đạt 3,955 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: điện thoại và linh kiện (20,7%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (10,5%).

So với cùng kỳ năm 2020, hóa chất xuất khẩu đi Ấn Độ tăng mạnh (126,5%); kim loại và sản phẩm tăng 45,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 432%; cao su tăng 121,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 86,9%; các mặt hàng nông sản như hạt tiêu tăng 58,5%; hàng rau, quả tăng 51%(4)...

Nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 4,689 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2020, các mặt hàng chủ yếu là: sắt thép (16%); ngô (6,5%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (6,2%). Nhập khẩu ngô tăng đột biến, tổng giá trị 306 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu là 203 triệu USD, tăng 219,4%(5).

Tính đến hết quý I năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,09 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn trong quý này gồm điện thoại và linh kiện (464,6 triệu USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (223,4 triệu USD), kim loại thường khác và sản phẩm (180,5 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong quý này gồm: sắt thép các loại (306,5 triệu USD), ngô (155,8 triệu USD), bông các loại (152,2 triệu USD)(6)

2. Hợp tác đầu tư Việt Nam - Ấn Độ

Ấn Độ và Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại quan trọng mà còn có quan hệ hợp tác đầu tư với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Ấn Độ và doanh nghiệp Việt Nam.

Tính đến tháng 8-2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 10 dự án vào Ấn Độ với số vốn 6,2 triệu USD, đứng thứ 44/79 quốc gia đầu tư vào Ấn Độ. Ấn Độ đứng thứ 24/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 334 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD(7).

Quy mô dự án bình quân của Ấn Độ là 2,9 triệu USD/dự án, thấp hơn bình quân cả nước là 11,8 triệu USD/dự án. Các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 60 dự án, tổng vốn đầu tư 459,6 triệu USD, chiếm 50,5% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 6 dự án, tổng vốn đầu tư 236,3 triệu USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực khai khoáng với 5 dự án, tổng vốn đầu tư là 96,5 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Không tính 3 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, Ấn Độ đầu tư tại 28 địa phương. Ninh Thuận dẫn đầu với 4 dự án, tổng vốn đầu tư 195,1 triệu USD, trong đó, dự án nhà máy điện mặt trời INFRA 1 với tổng vốn đầu tư là 71,9 triệu USD. Tiếp theo là Phú Yên với 8 dự án, tổng vốn đầu tư 189,64 triệu USD, trong đó dự án nhà máy đường Sơn Hòa là dự án lớn của Ấn Độ với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 94,5 triệu USD. Bình Dương đứng thứ ba với 10 dự án, tổng vốn đầu tư là 116,26 triệu USD, trong đó có dự án Công ty TNHH TÂT Coffee Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 67,5 triệu USD. Còn lại là các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Long An(8)

Tính đến tháng 3-2022, Ấn Độ có 317 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn hơn 1,005 tỷ USD(9), tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng(10). Gần đây, công nghệ thông tin đang là làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp hai nước. Nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng cho khách hàng toàn cầu, FPT của Việt Nam đã đầu tư vào Ấn Độ. HCL Technologies Ltd (HCL),    Việt Nam và Ấn Độ cùng chung mong muốn hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực, cùng tương đồng về chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa đa phương; tương đồng giữa tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các vấn đề khu vực và thế giới tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, hay hợp tác sông Mê Công - sông Hằng. 

công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Ấn Độ, công bố đầu tư vào thị trường Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy việc làm, hỗ trợ nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai dịch vụ cho các doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam. HCL Vietnam có kế hoạch tuyển dụng 3.000 nhân sự, triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến cho những doanh nghiệp đa quốc gia trong một số ngành dọc ở các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, an ninh mạng.

Trong những năm tới, quan hệ đầu tư giữa hai nước sẽ có những đột phá mới, tập trung vào lĩnh vực cảng biển, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dầu khí, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, khoa học biển, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô…

3. Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực du lịch

Việt Nam và Ấn Độ đều rất có tiềm năng để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.

Tổng lượng khách giữa Ấn Độ và Việt Nam năm 2019 (giai đoạn trước dịch) đạt 319.000 lượt khách(11). Năm 2022, cả Việt Nam và Ấn Độ chứng kiến sự bùng nổ về quan hệ du lịch. Tiềm năng du lịch giữa hai nước rất lớn.

Gần đây, làn sóng du lịch MICE của Ấn Độ tăng lên, Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn của các đoàn MICE Ấn Độ. Ngày 15 đến 18-7-2022, đoàn 460 khách du lịch MICE từ Ấn Độ đã đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn được Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý điểm đến châu Á giới thiệu để lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến cho các lịch trình hội nghị MICE và tham quan, du lịch.

Hiện nay, Việt Nam - Ấn Độ đã mở các đường bay thẳng nối liền các thành phố lớn; thủ tục xuất, nhập cảnh đơn giản, với việc áp dụng visa điện tử, sản phẩm du lịch hấp dẫn… là những điều kiện lý tưởng để thúc đẩy du lịch giữa hai nước. Dự kiến, cuối năm 2022, sẽ có 21 đường bay với trên 60 chuyến bay mỗi tuần kết nối giữa hai quốc gia(12).

4. Kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hợp tác du lịch Việt Nam Ấn Độ  

Những năm gần đây, Việt Nam và Ấn Độ đều chú trọng kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại giữa hai nước.

Các hãng hàng không của hai nước cũng đã mở nhiều đường bay trực tiếp, như: hãng Indigo Airlines của Ấn Độ với đường bay Kolkata - Hà Nội, Kolkata - Thành phố Hồ Chí Minh; Vietnam Airlines với đường bay Hà Nội - Niu Đêli và Thành phố Hồ Chí Minh - Niu Đêli; Vietjet Air nối lại đường bay Niu Đêli - Hà Nội và Niu Đêli - Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ tiếp tục mở đường bay mới đi Mumbai sau khi mở các đường bay Mumbai - Hà Nội, Mumbai - thành phố Hồ Chí Minh cũng như sẽ mở đường bay Niu Đêli - Phú Quốc, Niu Đêli - Đà Nẵng, Mumbai - Phú Quốc.

Sự kiện khai trương tuyến đường biển kết nối khu vực miền Trung Việt Nam với Kolkata Ấn Độ (và dự kiến kết nối với Bănglađét) do VIMC vận hành ngày 27-7-2022 mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, khắc phục điểm nghẽn là kết nối giao thông chưa thuận tiện giữa hai nước. Tuyến đường biển này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khu vực phía Đông Ấn Độ với hơn 600 triệu dân.

5. Tận dụng cơ hội, thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ cùng chung mong muốn hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực, cùng tương đồng về chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa đa phương; tương đồng giữa tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các vấn đề khu vực và thế giới tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, hay hợp tác sông Mê Công - sông Hằng. Năm 2021, khi cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ để đạt được sự nhất trí về nhiều nội dung văn kiện quan trọng như nghị quyết hay tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Dự báo Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc trong tương lai gần. Ấn Độ đứng thứ ba trong các điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất cho các công nghệ giao dịch trên thế giới. Chính phủ Ấn Độ ưu tiên mạnh cho công nghệ, coi đây là yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế. Ấn Độ là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu khoa học; một trong năm quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực khám phá không gian… Dòng vốn FDI vào Ấn Độ tăng 10% mỗi năm; năm tài chính 2020 - 2021 là 81,72 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Ấn Độ đã và đang thúc đẩy hội nhập kinh tế với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Mianma, Việt Nam) và Sáng kiến Hợp tác sông Mê Kông - sông Hằng, quan hệ kinh tế giữa hai nước còn nhiều dư địa để khai thác. Mới đây, trong Hội nghị bộ trưởng giữa các nước ASEAN và Ấn Độ, các bên đã rà soát Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, nâng cấp cho phù hợp nhằm tăng cường gắn kết kinh tế với Ấn Độ(13).

Việt Nam chiếm vị trí trung tâm trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Trong khuôn khổ Hợp tác sông Mê Kông - sông Hằng, Ấn Độ đã tài trợ 37 dự án tác động nhanh (QIPs), mỗi dự án 50.000 USD và đã hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực cho người dân Việt Nam ở những địa bàn khó khăn.

Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, kể cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Việt Nam đang tích cực xây dựng một nền kinh tế năng động, hội nhập quốc tế; đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, như: Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN.

Đó là những tiền đề,điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Để phát huy những thuận lợi này và thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, cần chú ý các vấn đề sau:

Một , cần phát huy lợi thế của mỗi bên. Ấn Độ đang đi đầu trong những lĩnh vực mà Việt Nam cần học hỏi, như khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, năng lượng, hạt nhân... Ngày 15-12-2021, Bộ Công nghệ Ấn Độ công bố Chính phủ Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch 10 tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn với tham vọng là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất đồ điện tử toàn cầu. Ấn Độ cũng phê chuẩn một kế hoạch hỗ trợ 100 công ty trong nước trong lĩnh vực thiết kế chipset và mạch điện tử (IC). Bên cạnh đó, Việt Nam có thể chia sẻ với Ấn Độ những kinh nghiệm về quản lý xã hội, xóa đói giảm nghèo, các chính sách xã hội khác.

Hai là, cần phát huy sự tương đồng về chính sách và tinh thần tự cường của hai dân tộc để khởi dậy tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư. Dự báo Ấn Độ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, kéo theo một số cải cách táo bạo sẽ được thực hiện trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, giáo dục, lao động… Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2045.

Ba là, tạo nền tảng đan xen về lợi ích chiến lược, lợi ích kinh tế, và tình cảm giữa hai dân tộc.

Bốn là, cần đẩy mạnh kết nối hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và Ấn Độ để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Năm là, tiếp tục tăng cường giao lưu ở mọi cấp, lĩnh vực và tăng cường giao lưu nhân dân để không ngừng củng cố niềm tin, sự chia sẻ, cùng hợp tác.

Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực. Quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong thời gian tới, trụ cột hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

_________________

Ngày nhận bài: 18-12-2022; Ngày bình duyệt: 22-12-2022; Ngày duyệt đăng: 20-4-2023.

 

(1) Ngọc Thúy: “Khai trương tuyến tàu biển kết nối miền Trung Việt Nam và Ấn Độ”, vietnamplus.vn, ngày27-7-2022.

2. Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/thuong-mai-song-phuong-viet-nam-an-do-dat-muc-ky-luc-15-ty-usd.html, ngày 18-01-2023.

(3), (4), (5) Số liệu Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu năm 2021.

(6) “[Infographics] Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng”, TTXVN/Vietnam+, ngày 20-4-2022.

(7) An Nhi, Tuấn Huy: “Bổ trợ trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, doanh nghiệp Ấn Độ cân nhắc đầu tư vào Việt Nam”, vneconomy.vn, ngày 23-8-2022.

(8) Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam: “Tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam-Ấn Độ”, https://ipcs.mpi.gov.vn.

(9) Tiến Hiến: “Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch”, vietnamplus.vn, ngày 16-5-2022.

(10) Xuân Anh: “Việt Nam - Ấn Độ khơi dậy tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư”, TTXVN/Vietnam+, mpi.gov.vn, ngày 18-3-2022.

(11) Huy Lê, Ngọc Thúy: “Vietnam Airlines chính thức khai trương đường bay thẳng đến Ấn Độ”, vietnamplus.vn, ngày 15-6-2022.

(12) Tiến Minh: “Xúc tiến du lịch Ấn Độ vào các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam”, vietnamplus.vn, ngày 19-8-2022.

(13) Việt Dũng: “Việt Nam - Ấn Độ đưa hợp tác thương mại đi vào chiều sâu”, congthuong.vn, ngày 26-10-2021.

TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

ThS NGUYỄN THỊ DUNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền