Trang chủ    Quốc tế    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Xu thế phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Thứ bảy, 29 Tháng 7 2023 08:24
7249 Lượt xem

Xu thế phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

(LLCT) - Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông dân là chủ thể của kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, nông nghiệp, nông thôn nói riêng, giai cấp nông dân Việt Nam sẽ có những biến đổi quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển. Bài viết phân tích rõ vai trò của nông dân Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đưa ra các dự báo xu thế phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 27 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022 - Ảnh: tapchicongsan.org.vn

1. Cơ sở khoa học của dự báo

 Cơ sở lý luận:

Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ vị thế, vai trò quan trọng của giai cấp nông dân, của kinh tế nông nghiệp và nông thôn trong cách mạng XHCN, nhất là ở những nước có đông nông dân. Nghiên cứu về vị thế, vai trò của giai cấp nông dân ở các nước phương Tây trong bối cảnh cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và giai cấp tư sản đang nổ ra và ngày càng phát triển mạnh, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: ở đâu giai cấp nông dân cũng “là một nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị”(1). Tiếp tục khẳng định quan điểm của Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chỉ rõ, nhìn từ góc độ kinh tế, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn không chỉ là tất yếu kinh tế, mà “đó là một vấn đề chính trị chủ yếu có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ cuộc cách mạng...”(2) của giai cấp công nhân. Nếu chỉ vì “lợi ích trước mắt, lợi ích nhất thời; lợi ích cục bộ” mà không đánh giá đúng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì như vậy đã “hy sinh lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân, của nền chuyên chính vô sản”. Chính vì vậy, giai cấp công nhân “phải đưa vấn đề nông dân lên hàng đầu” và nhất thiết phải “dùng những biện pháp có thể để phục hồi ngay những lực lượng sản xuất của kinh tế nông dân”(3)

Xét từ góc độ chính trị, giai cấp nông dân đóng vai trò quan trọng trong khối liên minh công - nông và các tầng lớp nhân dân lao động, là lực lượng bổ sung thêm sức mạnh cho giai cấp công nhân trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Do vậy, giai cấp công nhân phải nhận thức rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa những nguyên nhân kinh tế với những hậu quả chính trị để từ đó gắn kết chặt chẽ với giai cấp nông dân, đó là điều chủ yếu nhất và thậm chí đó là một tất yếu chính trị mà thiếu nó thì không thể nói đến CNXH được. Nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân không chỉ để bảo vệ lợi ích cho giai cấp nông dân, mà còn vì chính lợi ích của giai cấp công nhân. 

Khẳng định điều này, V.I.Lênin viết: “nếu không liên minh với nông dân thì không thể có được chính quyền của giai cấp vô sản, không thể nghĩ được đến việc duy trì chính quyền đó... Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ vững được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước”(4).

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam - một đất nước nông nghiệp, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”(5), đảng của giai cấp công nhân “Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất”(6)

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đã đặc biệt coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương, đường lối của Đảng có nhiều điểm mới, thể hiện sự đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn và được thể chế hóa thành hệ thống chính sách. 

Như vậy, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những căn cứ lý luận khoa học để dự báo xu thế phát triển giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Cơ sở thực tiễn:

Thực tiễn đổi mới hơn 35 năm qua của Việt Nam vừa có những thời cơ cần tranh thủ, vừa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức phải vượt qua. Ngoài những tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn có những tác động mạnh mẽ bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang diễn ra; dịch bệnh kéo dài, nhất là đại dịch Covid-19; hậu quả của biến đổi khí hậu mà chúng ta phải đối mặt. Trong những thời điểm khó khăn ấy, chính lĩnh vực nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế để Việt Nam vượt qua và tiếp tục phát triển. Thực tiễn đó khiến chúng ta phải thay đổi nhận thức để đánh giá đúng đắn hơn, tư duy khoa học hơn về vị trí của kinh tế nông nghiệp, nông thôn, về vai trò của giai cấp nông dân nước ta hiện nay cũng như trong những thập kỷ tới.

2. Dự báo xu thế phát triển giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Một là, vị thế, vai trò chủ thể của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển ngày càng nhanh chóng, sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thế kỷ XXI đang và sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở tầm cao mới, từ đó tất yếu đặt ra yêu cầu phải phát triển giai cấp nông dân ở trình độ mới, cao hơn về chất, đủ sức làm chủ quá trình này.

Thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 622/QĐ-TTG ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2023 vì sự phát triển bền vững; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... 

Các văn bản của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”(7). Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phong trào vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới văn minh, hiện đại đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(8). Chủ trương của Đảng và phong trào xây dựng nông thôn mới, dân chủ hóa đời sống xã hội như một luồng gió mới tạo động lực khơi dậy tính tích cực, chủ động của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó dẫn đến những biến đổi tích cực trong giai cấp nông dân - giai cấp nông dân mới năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, giỏi trong sản xuất kinh doanh và có năng lực cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường.

Giai cấp nông dân tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong bảo vệ Tổ quốc, tiên phong trong đổi mới kinh tế, CNH, HĐH, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Họ hoàn toàn có thể làm chủ vận mệnh của mình, xử lý thành công những khó khăn, thách thức về thị trường, về khoa học - công nghệ, về thiên tai, dịch bệnh. Điều cốt yếu là phải thật sự đặt người nông dân vào vị trí trung tâm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Theo đó, vị thế, vai trò chủ thể của giai cấp nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tất yếu sẽ ngày càng được nâng cao.

Hai là, tỷ lệ giai cấp nông dân có xu hướng giảm trong cơ cấu xã hội

Tác động của yếu tố khách quan và chủ quan nên số lượng nông dân trong tổng dân số cả nước sẽ tiếp tục giảm. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ở Việt Nam cho thấy: “số lượng dân số sống ở nông thôn nước ta là 63.086.436 người, chiếm gần 65,6%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009 - 2019... gấp sáu lần so với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn”(9).

Chủ trương của Đảng là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục thực hiện hiệu quả “cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh...”(10) và “có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp”(11)

Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp dẫn đến cơ cấu lao động nông nghiệp thay đổi mạnh theo hướng tích cực. Giai đoạn 2009 - 2019, tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm liên tục, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 46,3% năm 2014 và đạt 35,3% vào năm 2019, lần đầu tiên, số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ cao hơn số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản(12)

Với đà chuyển dịch này, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội sẽ giảm và sớm đạt dưới 20% vào năm 2030 như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đây là xu thế tất yếu khách quan khi Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại ngày càng được ứng dụng rộng rãi, phổ biến.

Ba là, chất lượng giai cấp nông dân được nâng cao, bộ phận nông dân văn minh, chuyên nghiệp phát triển mạnh

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn: thị trường rộng lớn, đầy đủ hơn và môi trường pháp lý bình đẳng hơn cho cạnh tranh và phát triển. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chương trình nghị sự Phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới (2016-2030), Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu tháng 12-2015, v.v.. là những nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập với thế giới. Điều này vừa tạo cơ hội vừa đặt ra yêu cầu khách quan phải phát triển giai cấp nông dân trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có chất lượng để đủ sức làm chủ quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao khi tham gia thị trường quốc tế. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từ đó, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời, tạo ra chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp theo chiều hướng tích cực.

Chủ thể trực tiếp của phát triển kinh tế nông nghiệp trình độ cao không ai khác chính là giai cấp nông dân. Do vậy, với nhận thức mới của Đảng: coi nông nghiệp là “trụ đỡ của nền kinh tế”, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đã được cụ thể hóa trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó xác định rõ chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề cho nông dân gắn với vai trò của Nhà nước, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và nỗ lực của chính từng người nông dân, chắc chắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chất lượng của giai cấp nông dân nước ta sẽ được nâng cao, bảo đảm chuyên nghiệp hơn, lành nghề hơn. Đây chính là phát triển đội ngũ “nông dân văn minh” theo đúng chủ trương của Đảng, đó là những người nông dân chuyên nghiệp, trình độ cao, có kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; có tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững; có kỹ năng ứng dụng và làm chủ những công nghệ mới, thông minh, hiện đại tạo năng suất và giá trị kinh tế cao; hiểu biết và chủ động trong hội nhập quốc tế; có năng lực và bản lĩnh làm chủ bản thân, làm chủ xây dựng, phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.

Hiện nay, sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại, của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành tựu của khoa học - công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật... giúp kinh tế nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chính nó cũng đặt ra yêu cầu khách quan phải nhanh chóng phát triển đội ngũ nông dân văn minh, chuyên nghiệp, trình độ cao, đủ sức làm chủ quá trình này. Do vậy, lực lượng nông dân hiện đại, chuyên nghiệp có trình độ cao, được đào tạo nghề một cách bài bản, năng động, sáng tạo có khả năng kinh doanh và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường sẽ dần thay thế cho các thế hệ nông dân truyền thống. 

Mặt khác, tình trạng già hóa dân số và tốc độ đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị diễn ra ngày càng nhanh khiến cho lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là phải thực hiện “trí thức hóa nông dân”, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất, kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng... Do vậy, đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp” có tri thức, am hiểu công nghệ, am hiểu và chấp hành nghiêm quy định pháp luật, am hiểu quy luật kinh tế, thị trường,... sẽ gia tăng vào giữa thế kỷ XXI.

Một thực tế đang diễn ra là xu thế khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang hình thành. Mặc dù hiện nay chưa phát triển thành phong trào lớn, nhưng xu thế này sẽ ngày càng thu hút nhiều thanh niên trẻ, doanh nhân trẻ am hiểu về kinh tế thị trường, về hội nhập quốc tế, làm chủ được những kỹ thuật, công nghệ hiện đại, có ý thức về phát triển bền vững, được đào tạo một cách cơ bản về chuyên môn để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn hiện đại. Hiện tại, xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tuy chưa thật sự mạnh và rõ nét nhưng nó vẫn là chỉ số quan trọng báo hiệu xu hướng phát triển mới về chất của giai cấp nông dân trong tương lai.

Một trong những chính sách quan trọng của Nhà nước có tác động sâu sắc đến chất lượng giai cấp nông dân, hình thành đội ngũ nông dân văn minh, nông dân chuyên nghiệp trình độ cao chính là Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-01-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quyết định chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030 là giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%; đồng thời xác định tầm nhìn đến năm 2050 là “Phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị”(13).

Để hình thành đội ngũ nông dân văn minh, chuyên nghiệp, Chiến lược đề ra giải pháp: “Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của từng vùng miền”(14).

Như vậy, từ yêu cầu khách quan của phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, kết hợp với vai trò của các nhân tố chủ quan như đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và chính những nỗ lực vươn lên của nông dân, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ cấu xã hội giai cấp nông dân Việt Nam chắc chắn sẽ có những biến đổi tích cực theo hướng chất lượng ngày càng được nâng cao, đội ngũ nông dân văn minh, chuyên nghiệp sẽ hình thành và phát triển. 

Mặc dù xu thế hình thành đội ngũ nông dân văn minh, chuyên nghiệp, trình độ cao trong tương lai là tất yếu, nhưng để trở thành người làm nông chuyên nghiệp hiện nay vẫn là một thách thức lớn, do đào tạo nghề tại các địa phương, đặc biệt là nghề nông nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu định hướng chiến lược, chưa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; lao động được đào tạo thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn, các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp cũng như các dự án khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, hoặc những bất cập trong hỗ trợ xúc tiến việc làm, khởi nghiệp; chưa thật sự thay đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. 

Vấn đề đặt ra là cần xây dựng hệ sinh thái để “trí thức hóa nông dân”, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, bao gồm: tăng cường đầu tư kinh phí đào tạo và đầu tư cho các cơ sở đào tạo, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ở một số ngành then chốt; làm tốt công tác hướng nghiệp, giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông để thu hút giới trẻ yêu thích nghề nông, đây là con đường mang tính chiến lược dài hạn; thúc đẩy đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Có thể tập trung đào tạo các ngành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp gắn với du lịch; xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động nông nghiệp để lực lượng lao động này học tập các kinh nghiệm, tiến bộ khoa học - công nghệ ở bên ngoài và khi trở về, họ có thể chủ động vận dụng, sáng tạo trong phát triển kinh tế đất nước, v.v..

Không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, không có nông dân văn minh, chuyên nghiệp thì không có kinh tế nông nghiệp phát triển ở trình độ cao. Đây là xu thế tất yếu của tiến trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp và phát triển giai cấp nông dân trong bối cảnh hội nhập và khoa học công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.

Chất lượng của giai cấp nông dân còn được biểu hiện ở phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức nghề nghiệp; ở bản lĩnh chính trị vững vàng, từ đó, họ thật sự là cơ sở và lực lượng quan trọng của Đảng, góp phần quan trọng trong giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; là bộ phận chủ chốt trong khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu giai cấp nông dân nước ta càng cần phải được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, để trở thành nền tảng cơ sở chính trị - xã hội quan trọng của Đảng, của hệ thống chính trị, của chế độ, thật sự là lực lượng nền tảng góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trong sự nghiệp “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, nhiệm vụ xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một trong những vấn đề lớn của liên minh công nhân - nông dân - trí thức là lấy liên minh về kinh tế làm nền tảng cho liên minh chính trị. Việc trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn là hình thức liên kết kinh tế có tác dụng kích thích mạnh mẽ nông dân sản xuất, kết nối thị trường, hợp tác lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả”(15)

Đồng thời, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới cũng cần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; chú trọng xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng làm giàu, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. 

Bối cảnh trong nước và quốc tế đang tác động toàn diện đến các lĩnh vực, các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó tất yếu tác động dẫn đến những biến đổi mạnh mẽ của cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và nó cũng in đậm dấu ấn trong xu thế phát triển của giai cấp nông dân nói riêng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rõ ràng, sự hình thành một diện mạo mới của giai cấp nông dân trong tổng thể bức tranh cơ cấu xã hội nông thôn là một tất yếu phản ánh đúng chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế và sự biến đổi cơ cấu xã hội của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Vì thế, cần nhận diện rõ để chủ động xây dựng chiến lược phát triển giai cấp nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận bài: 15-3-2023; Ngày bình duyệt: 04-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.715. 

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.419. 

(3) V.I. Lênin: Toàn tập,  t.43, Sđd, tr.263.

(4) V.I. Lênin: Toàn tập,  t.44, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.57.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.248.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.8, Sđd, tr.358.

(7) Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn. 

 (8), (10), (11)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173, 124, 167.

(9) Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, https://vietnam.unfpa.org/, ngày 19-12-2019.

(12) Thông cáo báo chí Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, https://www.gso.gov.vn/, tháng 12-2019.

(13), (14) Quyết định 150/QĐ-TTg 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, https://luatvietnam.vn/. 

(15) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, http://hanoimoi.com.vn/, ngày 30-12-2022.

PGS, TS BÙI THỊ NGỌC LAN

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền