Trang chủ    Quốc tế    Thế giới và nước Nga nhìn từ chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga
Thứ sáu, 11 Tháng 8 2023 13:32
3522 Lượt xem

Thế giới và nước Nga nhìn từ chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga

(LLCT) - Ngày 31-3-2023, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ký Sắc lệnh phê duyệt Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga trong bối cảnh có nhiều chuyển biến lớn trên thế giới do tác động của cuộc xung đột tại Ucraina. Chiến lược đưa ra nhận định về các xu hướng phát triển chính trên thế giới, xác định vị thế của nước Nga, lợi ích của Nga, định hướng chính sách đối ngoại, xác định các khu vực và quan hệ của Nga với các nước. Bài viết giới thiệu khái quát bản Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga.

Ngày 31-3-2023, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ký Sắc lệnh phê duyệt Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga - Ảnh: AFP/TTXVN

1. Nhận định về các xu hướng phát triển chính trên thế giới trong Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga

Một là, thế giới đang trải qua kỷ nguyên thay đổi mang tính cách mạng hướng tới trật tự đa cực.

Mô hình phát triển thế giới không cân bằng trong nhiều thế kỷ đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của các cường quốc thực dân cũ và mới bằng cách chiếm đoạt tài nguyên của các quốc gia và vùng lãnh thổ bị phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Tây Bán cầu đang lùi dần vào dĩ vãng. Chủ quyền và cơ hội cạnh tranh của các cường quốc thế giới không thuộc phương Tây đang được củng cố và tăng cường, trong đó hình thành các cường quốc khu vực mới. Nền kinh tế thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc, chuyển sang nền kinh tế dựa trên các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, các nguồn năng lượng mới, công nghệ sinh học, công nghệ nano,…). Ý thức về chủ quyền quốc gia, sự đa dạng văn hóa, văn minh và các yếu tố khách quan khác đang thúc đẩy quá trình phân bổ lại tiềm năng phát triển theo hướng có lợi cho các trung tâm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị mới, đang góp phần dân chủ hóa quan hệ quốc tế(1).

Hai là, một số quốc gia tư duy theo logic của sự thống trị toàn cầu và chủ nghĩa thực dân mới không chấp nhận những chuyển biến cách mạng theo hướng tích cực trên thế giới. Họ từ chối thừa nhận hiện thực khách quan của trật tự thế giới đa cực đang hình thành, không chịu chấp nhận các nguyên tắc của trật tự thế giới mới, ra sức ngăn chặn tiến trình tất yếu của lịch sử, loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị - quân sự và kinh tế bằng hàng loạt biện pháp, phương pháp bất hợp pháp như: cấm vận, kích động đảo chính, xung đột vũ trang, đe dọa, thao túng ý thức của một số nhóm xã hội và hàng loạt quốc gia, phá hoại không gian thông tin, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa tân tự do đi ngược lại các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của nhiều quốc gia(2). Nhìn rộng ra, chủ nghĩa tư bản trong kỷ nguyên toàn cầu hóa(3) và chủ nghĩa tân tự do(4) đang lâm vào cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. 

Ba là, Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác có chức năng điều phối lợi ích của các quốc gia thành viên đang bị thao túng. Trong đó, một nhóm hẹp các quốc gia đang tìm cách thay thế hệ thống quốc tế dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc bằng khái niệm “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” (một cách gọi khác của trật tự thế giới đơn cực do Hoa Kỳ kiểm soát sau Chiến tranh Lạnh). Trên thực tế, họ áp đặt các quy tắc, tiêu chuẩn và chuẩn mực để ngăn cản sự tham gia bình đẳng của tất cả các quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc(5). Chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ công bố năm 2022 xác định, nếu Mỹ lãnh đạo “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” thì nhân loại sẽ có hòa bình và thịnh vượng, còn nếu vai trò lãnh đạo đó rơi vào tay quốc gia khác thì thế giới sẽ hỗn loạn(6). Trên thực tế, “trật tự dựa trên luật lệ” do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đẩy thế giới lâm vào hàng loạt cuộc can thiệp quân sự vào chủ quyền quốc gia của nhiều nước dưới các danh nghĩa khác nhau mà điển hình là các cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư (năm 1999)(7), Liby, Xyri(8) với danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”; chiến tranh xâm lược Ápganixtan với danh nghĩa “vì nền tự do bền vững” (từ năm 2001 đến năm 2021)(9); chiến tranh xâm lược Irắc với danh nghĩa “mang lại tự do” cho người dân quốc gia này(10).

Để tiến hành các cuộc chiến tranh này, Hoa Kỳ phớt lờ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quyền lực có chức năng đưa ra các quyết định về chiến tranh và hòa bình trên thế giới. Hoa Kỳ không chỉ đã phải tiêu tốn tới 6.400 tỷ USD(11) mà còn gây ra sự tàn phá, chết chóc và bất ổn ở nhiều khu vực, hoàn toàn không mang lại “nhân quyền”, “tự do”, “dân chủ” hay “cải cách” như Oaxinhtơn tuyên bố. Trong đó, Liên bang Nam Tư đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới; Ápganixtan sau 20 năm Mỹ hiện diện quân sự đã lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện; đất nước Irắc và Liby bị tàn phá, đổ nát, lâm vào khủng hoảng. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ áp đặt lên nhiều nước như Nga, Cuba, Iran, Triều Tiên, Vênêduêla và gần đây không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc mà ngay cả các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu. Tất cả những điều đó đã làm xói mòn niềm tin vào các quy tắc của WTO. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn tới khủng hoảng niềm tin vào chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism).

Trong điều kiện đó, cộng đồng quốc tế không thể tạo lập được các phản ứng tập thể để hóa giải các thách thức và mối đe dọa xuyên quốc gia như buôn bán vũ khí bất hợp pháp, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các dịch bệnh nguy hiểm, khủng bố quốc tế, nạn ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, thảm họa tự nhiên và nhân đạo, di cư bất hợp pháp, suy thoái môi trường... Văn hóa đối thoại trong quan hệ quốc tế bị suy thoái, hiệu quả của ngoại giao như một phương tiện giải quyết hòa bình các tranh chấp bị giảm sút, thiếu hụt nghiêm trọng lòng tin và khả năng dự báo trong các vấn đề quốc tế(12).

Bốn là, quá trình toàn cầu hóa kinh tế lâm vào khủng hoảng ngày càng gay gắt. Vẫn còn tồn tại các vấn nạn như: khủng hoảng thị trường năng lượng và tài chính, sự xuống cấp của nhiều mô hình và công cụ phát triển do các quyết định kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm (bao gồm việc phát hành tiền không kiểm soát và các khoản nợ không có khả năng thanh khoản), các biện pháp cấm vận đơn phương bất hợp pháp và cạnh tranh không lành mạnh. Việc các quốc gia riêng lẻ lạm dụng vị thế thống lĩnh của họ trong một số lĩnh vực đang làm gia tăng quá trình phân mảnh nền kinh tế thế giới và sự bất bình đẳng trong quá trình phát triển của các quốc gia. Trong bối cảnh đó đang hình thành các hệ thống thanh toán quốc gia và xuyên biên giới mới, thế giới ngày càng quan tâm các loại tiền dự trữ quốc tế mới để đa dạng hóa các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế(13).

Năm là, vai trò của sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng, không gian xung đột ngày càng mở rộng ở một số khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Việc xây dựng và hiện đại hóa tiềm lực quân sự tấn công đang gây ra tình trạng mất ổn định; việc hủy bỏ hệ thống các hiệp ước kiểm soát vũ khí đang làm suy yếu sự ổn định chiến lược; việc sử dụng lực lượng quân sự vi phạm luật pháp quốc tế; việc khai thác không gian vũ trụ và không gian thông tin trở thành những lĩnh vực hoạt động quân sự mới. Việc xóa nhòa ranh giới giữa các phương tiện đối đầu quân sự và phi quân sự giữa các quốc gia đang làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vũ trang trong một số khu vực đang gia tăng mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Nguy cơ xung đột giữa các nước lớn, trong đó có những nước liên quan đến các cường quốc hạt nhân đang gia tăng; khả năng các xung đột leo thang và có thể trở thành chiến tranh cục bộ, khu vực hoặc toàn cầu(14).

Sáu là, hành động của các quốc gia nhằm tăng cường hợp tác để hóa giải cuộc khủng hoảng trật tự thế giới đang bị một số cường quốc gây áp lực kiềm chế. Thế giới đang diễn ra quá trình hình thành các cơ chế liên kết và tương tác kinh tế khu vực và liên khu vực để đối phó các thách thức chung hoặc áp dụng các biện pháp để bảo vệ các lợi ích sống còn của quốc gia. Mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao, phạm vi toàn cầu và tính chất xuyên quốc gia của các thách thức và các mối đe dọa đang hạn chế khả năng bảo đảm an ninh, ổn định và thịnh vượng của từng quốc gia, của các liên minh chính trị - quân sự và kinh tế - thương mại. Trong điều kiện đó, sự thống nhất và sự đồng tâm hiệp lực của cộng đồng quốc tế trên cơ sở cân bằng lực lượng và lợi ích để có thể hóa giải hiệu quả nhiều vấn đề của thời đại, bảo đảm sự phát triển, tiến bộ và hòa bình cho các quốc gia(15).

Bảy là, Nga củng cố vai trò của mình là một trong những trung tâm phát triển hàng đầu của thế giới hiện đại, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập. Hoa Kỳ coi các biện pháp mà Nga áp dụng để bảo vệ lợi ích sống còn của mình từ phía Ucraina là “mối đe dọa” và mượn cớ đó thúc đẩy chính sách chống Nga và phát động một kiểu chiến tranh phức hợp nhằm mục đích làm suy yếu nước Nga bằng mọi cách có thể, hạn chế chủ quyền của Nga trong chính sách đối nội và đối ngoại. Chủ trương chống Nga của phương Tây mang tính toàn diện và được xác định ở cấp độ chiến lược quốc gia và liên minh các quốc gia. Trong khi đó, Nga không coi đối đầu là sự lựa chọn của mình(16).

2. Vị thế của Liên bang Nga trên thế giới

Nga là quốc gia với bản sắc độc đáo, được kế thừa di sản văn hóa của các thời đại trước, có mối quan hệ lịch sử gắn bó sâu sắc với văn hóa truyền thống châu Âu và các nền văn hóa Á - Âu khác, đã phát triển qua nhiều thế kỷ bảo đảm sự chung sống hài hòa của các dân tộc, sắc tộc, các nhóm tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau trên cùng lãnh thổ. Tất cả những yếu tố này xác định vị thế đặc biệt của Nga với tư cách là một đất nước có nền văn minh đặc sắc, một cường quốc Á - Âu và châu Âu - Thái Bình Dương rộng lớn, cố kết người dân Nga và các dân tộc khác, hình thành nên cộng đồng văn hóa và văn minh Thế giới Nga.

Vị thế của Liên bang Nga trên thế giới được xác định bởi sở hữu các nguồn lực phong phú trong nhiều lĩnh vực của đời sống; là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, của các tổ chức và hiệp hội liên quốc gia; là một trong hai cường quốc hạt nhân lớn nhất;  được kế thừa vị thế pháp lý của Liên Xô - đất nước có vai trò quyết định kết thúc thắng lợi Chiến tranh thế giới thứ hai; đóng vai trò tích cực trong việc hình thành hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại và xóa bỏ chủ nghĩa thực dân; là một trong những trung tâm có chủ quyền trong tiến trình phát triển thế giới và thực hiện sứ mệnh duy trì cán cân quyền lực toàn cầu và đang tích cực xây dựng một thế giới đa cực, bảo đảm các điều kiện cho sự phát triển hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Liên bang Nga thực hiện chính sách đối ngoại độc lập và đa phương xuất phát từ lợi ích quốc gia và nhận thức về trách nhiệm đặc biệt của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Chính sách đối ngoại của Nga mang tính chất hòa bình, mở, hoàn toàn có thể dự đoán, nhất quán, thực tế, dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Nga mong muốn hợp tác quốc tế bình đẳng với tất cả các quốc gia trên thế giới để hóa giải các nguy cơ chung đối với toàn nhân loại và thúc đẩy lợi ích chung.

3. Lợi ích quốc gia của Liên bang Nga

Chính sách xác định lợi ích quốc gia của Nga bao gồm: bảo vệ trật tự hiến pháp, chủ quyền, độc lập, thể chế nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ của mình, chống lại tác động phá hoại từ bên ngoài; duy trì ổn định chiến lược, củng cố hòa bình và an ninh quốc tế; bảo vệ và củng cố cơ sở pháp lý của quan hệ quốc tế; bảo vệ các quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân Nga, các tổ chức của Nga, chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp của nước ngoài; phát triển không gian thông tin an toàn để bảo vệ xã hội Nga tránh khỏi tác động phá hoại của chiến tranh tư tưởng từ bên ngoài; bảo vệ người dân Nga, phát triển tiềm năng con người, cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi của công dân; thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế Nga trên cơ sở công nghệ mới; phát triển và củng cố các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của nhân dân đa dân tộc của Liên bang Nga; bảo vệ môi trường và tài nguyên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Mục tiêu của Liên bang Nga trong chính sách đối ngoại

Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga xác định các mục tiêu bao gồm: bảo đảm an ninh và chủ quyền của Liên bang Nga trong mọi lĩnh vực và toàn vẹn lãnh thổ; tạo điều kiện thuận lợi từ bên ngoài cho sự phát triển của Nga; củng cố vị thế của Liên bang Nga với tư cách là một trong những trung tâm có trách nhiệm, có ảnh hưởng và độc lập trong thế giới hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại, Chiến lược xác định các nhiệm vụ chính: cùng với các quốc gia xây dựng trật tự thế giới công bằng và bền vững; duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ổn định chiến lược, bảo đảm chung sống hòa bình và phát triển tiến bộ của các quốc gia và dân tộc; hỗ trợ cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp có hiệu quả để đối phó với những thách thức và mối đe dọa chung như xung đột và khủng hoảng khu vực; tăng cường sự hợp tác cùng có lợi và bình đẳng với các quốc gia có tinh thần xây dựng thông qua các cơ chế ngoại giao đa phương; chống lại các hoạt động của các quốc gia chống phá Nga; hình thành quan hệ láng giềng tốt đẹp với các quốc gia có biên giới liền kề để ngăn chặn và loại bỏ các điểm nóng và xung đột; hỗ trợ các đồng minh và đối tác của Nga để thúc đẩy các lợi ích chung, bảo đảm an ninh và sự phát triển bền vững, bất kể các đồng minh và đối tác có được quốc tế công nhận là thành viên của các tổ chức quốc tế hay không (thí dụ: Nga thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với Cộng hòa Abkhazia và Cộng hòa Nam Osetia chưa được quốc tế công nhận); tăng cường tiềm năng của các hiệp hội khu vực đa phương và các cấu trúc hội nhập có sự tham gia của Nga; củng cố vị thế của Nga trong nền kinh tế thế giới; bảo đảm lợi ích của Nga trên đại dương, trên không và trong vũ trụ; hình thành nhận thức khách quan về nước Nga trên thế giới và củng cố vị thế của Nga trong không gian thông tin toàn cầu; khẳng định vị thế của Nga trong không gian nhân văn toàn cầu; bảo vệ sự thật lịch sử và ký ức về vai trò của Nga trong lịch sử thế giới; bảo vệ các quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân Nga và các tổ chức của Nga ở nước ngoài.

5. Định hướng chính trị và địa lý của Liên bang Nga

Về định hướng chính trị, Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây, không có ý định thù địch với phương Tây. Hy vọng trong tương lai, các quốc gia thuộc cộng đồng phương Tây sẽ nhận ra chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền của họ sẽ không mang lại kết quả. Khi chấp nhận hiện thực phức tạp của một thế giới đa cực, họ sẽ trở lại quan hệ với Nga theo các nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và tôn trọng lợi ích của nhau. Trên cơ sở này, Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác. Nga xác định chính sách đối ngoại với các quốc gia thân thiện và không thân thiện; xóa bỏ tàn tích của chủ nghĩa thực dân mới của Hoa Kỳ và các quốc gia không thân thiện khác; chống lại các hoạt động thao túng vai trò của Liên hợp quốc và các công cụ pháp lý quốc tế; xây dựng trật tự thế giới công bằng và bền vững; củng cố vai trò và vị thế của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO); ủng hộ các thể chế và diễn đàn đa phương; tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn mô hình phát triển, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không theo đuổi quyền bá chủ trong các vấn đề quốc tế.

Về định hướng địa lý, Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga xác định thứ tự ưu tiên 10 khu vực:

Khu vực gần kề. Chiến lược xác định, điều quan trọng nhất đối với an ninh, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vị thế của nước Nga đối với sự phát triển và văn minh thế giới chính là việc tạo dựng các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, ổn định, lâu dài, đồng thời tập hợp các quốc gia thành viên SNG có tiềm năng trong các lĩnh vực và các quốc gia láng giềng khác có chung ngôn ngữ và các nền văn hóa gần gũi với Nga.

Khu vực Bắc cực. Nga duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm cho sự bền vững của môi trường, giảm mức độ đe dọa an ninh quốc gia ở Bắc cực,  bảo đảm các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc cực thuộc Liên bang Nga, phát triển tuyến đường biển phía Bắc như một huyết mạch giao thông quốc gia có khả năng cạnh tranh với vận chuyển quốc tế giữa châu Âu và châu Á.

Khu vực lục địa Á - Âu. Để khu vực Á - Âu thành một không gian hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau, phát triển và thịnh vượng trên toàn lục địa, Nga tăng cường quan hệ toàn diện, phối hợp với các trung tâm quyền lực và phát triển toàn cầu có chủ quyền thân thiện nằm trên lục địa Á - Âu. Cam kết thực hiện tiếp cận đối với trật tự thế giới trong tương lai và giải pháp cho các vấn đề chính về chính trị thế giới cơ bản trùng khớp với cách tiếp cận của Nga.

Liên bang Nga tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Trung Quốc; tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên đặc biệt với Ấn Độ nhằm nâng cao mức độ và mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở cùng có lợi, trước hết là tăng kim ngạch thương mại, đầu tư và công nghệ, bảo đảm khả năng chống lại các hành động phá hoại của các quốc gia không thân thiện và các liên kết của họ.

 Nga chủ trương kết hợp Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarut, Ácmênia, Kadắcxtan và Cưgixtan) với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc để xây dựng không gian hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trên toàn lục địa Á - Âu. Trong đó có dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuất phát từ Trung Quốc xuyên qua Xibêry để cải thiện cơ sở hạ tầng của khu vực hành lang giao thông quốc tế nối liền châu Âu với Trung Quốc.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với tiềm năng nhiều mặt đang phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Liên bang Nga ưu tiên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, nhân đạo và các lĩnh vực khác với các quốc gia trong khu vực và ASEAN; thúc đẩy sự hình thành trong khu vực một cấu trúc an ninh toàn diện, mở, không thể chia cắt, minh bạch, đa phương, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi trên cơ sở tập thể không liên kết thành khối, cũng như sử dụng tiềm năng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương để hình thành quan hệ đối tác Đại Á - Âu.

Khu vực thế giới Hồi giáo. Tăng cường hợp tác toàn diện cùng có lợi với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tôn trọng cấu trúc xã hội và chính trị cũng như các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của họ. Liên bang Nga ưu tiên phát triển hợp tác toàn diện và tin cậy với Cộng hòa Hồi giáo Iran, hỗ trợ toàn diện cho Cộng hòa Arab Syria, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác cùng có lợi nhiều mặt với Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Arab Saudi, Cộng hòa Arập Ai Cập và các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, có tính đến chủ quyền và tính xây dựng của chính sách đối ngoại của họ với Liên bang Nga. Thúc đẩy sự hình thành ở Trung Đông và Bắc Phi một cấu trúc toàn diện, ổn định an ninh và hợp tác khu vực dựa trên sự tập hợp các tiềm năng của các quốc gia và hiệp hội liên quốc gia của các khu vực, bao gồm Liên đoàn các quốc gia Arập và Hội đồng hợp tác vì các quốc gia Arập vùng Vịnh.

Khu vực châu Phi. Nga đoàn kết với các quốc gia châu Phi nhằm thiết lập một thế giới đa cực công bằng hơn, xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và kinh tế đang gia tăng do chính sách tân thực dân của một số quốc gia phát triển đối với châu Phi. Chủ trương góp phần phát triển châu Phi hơn nữa như là một trung tâm phát triển độc lập của thế giới; hỗ trợ bảo vệ chủ quyền và độc lập của các quốc gia châu Phi có liên quan, thông qua cung cấp, hỗ trợ trong các lĩnh vực an ninh lương thực và năng lượng; hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự.

Khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe. Nga chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia trong khu vực này trên cơ sở thực dụng, phi ý thức hệ và cùng có lợi. Ưu tiên hỗ trợ các quốc gia Mỹ Latinh có cùng mối quan tâm đang chịu áp lực từ Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc bảo vệ chủ quyền và độc lập, thông qua việc thiết lập và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quân sự và hợp tác kỹ thuật quân sự; tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác nhiều mặt cùng có lợi với Cộng hòa Liên bang Brazil, Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Nicaragoa, Cộng hòa Bolivar Vênêduêla. Đồng thời, phát triển quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh khác có tính đến mức độ độc lập và tính xây dựng trong chính sách của họ đối với Liên bang Nga.

Khu vực châu Âu. Hầu hết các quốc gia châu Âu đang theo đuổi chính sách hiếu chiến đối với Nga và đang tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền của Liên bang Nga. Họ giành lấy lợi thế kinh tế đơn phương, phá hoại sự ổn định chính trị ở Nga và làm xói mòn các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, đồng thời, tạo ra những trở ngại cho sự hợp tác của Nga với các đồng minh và đối tác. Do đó, Liên bang Nga chủ trương kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia của mình với những ưu tiên:  giảm thiểu mức độ và vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, các giá trị đạo đức, tinh thần truyền thống và sự phát triển kinh tế - xã hội của Nga từ phía các quốc gia châu Âu không thân thiện, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu và Hội đồng châu Âu. Khi các quốc gia châu Âu nhận thức được rằng, không có lựa chọn nào khác ngoài việc cùng tồn tại hòa bình và hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Nga, nâng mức độ độc lập trong chính sách đối ngoại của họ, sẽ chuyển sang chính sách láng giềng tốt với Liên bang Nga. Như vậy, sẽ có tác động tích cực đối với an ninh và phúc lợi của khu vực châu Âu, đồng thời giúp các quốc gia châu Âu có được vị thế xứng đáng trong quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng và thế giới đa cực.

Khu vực Hoa Kỳ và các quốc gia Anglo-Saxon khác. Đường lối của Nga đối với Hoa Kỳ có tính chất tổng hợp, tính đến vai trò của Hoa Kỳ là một trong những trung tâm có chủ quyền và có ảnh hưởng đối với sự phát triển của thế giới, đồng thời là quốc gia đi đầu, lôi kéo, tổ chức và điều hành phong trào chống Nga của phương Tây một cách mạnh mẽ. Hoa Kỳ là nguồn gốc của những nguy cơ chủ yếu đe dọa an ninh của Liên bang Nga, của thế giới, là nguy cơ đối với sự phát triển cân bằng, công bằng và tiến bộ của nhân loại.

 Liên bang Nga chủ trương xây dựng quan hệ với các quốc gia Anglo-Saxon khác tùy thuộc mức độ sẵn sàng từ bỏ đường lối không thân thiện của họ đối với Nga, cũng như tôn trọng lợi ích hợp pháp của Nga.

Khu vực Nam cực. Nga quan tâm đến việc bảo tồn Nam cực như một không gian hòa bình, ổn định, hợp tác, bình đẳng, phi quân sự nhằm duy trì tính bền vững của môi trường và mở rộng sự hiện diện của Nga trong khu vực. Liên bang Nga chủ trương ưu tiên bảo tồn, thực hiện hiệu quả và từng bước phát triển hệ thống của Hiệp ước Nam Cực ngày 1-12-1959.

Như vậy, Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga đã đánh giá một cách căn bản tình hình hiện tại của Nga và tình hình thế giới; chỉ ra xu thế và triển vọng phát triển của thế giới đa cực và sự lùi dần vào quá khứ của mô hình đơn cực do các cường quốc thực dân cũ thống trị; sự trỗi dậy của các trung tâm tăng trưởng kinh tế mới đã góp phần dân chủ hóa quan hệ quốc tế; sự khủng hoảng của toàn cầu hóa kinh tế do một số quốc gia lạm dụng vị thế của mình trong một số lĩnh vực đã thúc đẩy sự phân mảnh không gian kinh tế toàn cầu.

Chiến lược đối ngoại mới xác định lợi ích quốc gia trong chính sách, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản về đối ngoại trong tình hình mới của Liên bang Nga; xác định các ưu tiên của Nga trong bối cảnh Mỹ, các quốc gia châu Âu và các nước Anglo - Saxon lựa chọn con đường đối đầu theo hướng chống Nga. Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây, không có ý định thù địch với phương Tây và sẵn sàng đối thoại, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)

Ngày nhận bài: 30-4-2023; Ngày bình duyệt: 17-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.

 

(1), (2), (5), (12), (13), (14), (15), (16) Xem: Sắc lệnh phê chuẩn Chiến lược đối ngoại của Liên

bang Nga (Указ об утверждении Концепции внешней политики Российской Федерации), http://kremlin.ru/events/president/news/70811, 31-3-2023.

(3) Xem: Dmitry Plotnhikov, Khủng hoảng của thế giới tự do. Cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng và hòa bình trên toàn thế giới đã phá hủy niểm tin vào dân chủ của châu Âu và Hoa Kỳ (Дмитрий Плотников (2022). Либеральный тупик. Как борьба за всеобщее равенство и мир без границ разрушила веру Европы и США в демократию), https://lenta.ru/articles/2022/11/23/democracy/, 23-11-2022.

(4) Xem: V.P.Oreshin, M.S. Khalikov, Khủng hoảng hệ thống của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa (В.П. Орешин, М.С. Халиков, Системный кризис глобализирующегося капитализма), https://cyberleninka.ru/article/n/sistemnyy-krizis-globaliziruyuschegosya-kapitalizma/viewer, 2010. 

(6) Xem: The Biden-Harris Administration’s National Security Strategy, https://www.whitehouse.gov

/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf, 12-10-2022.

(7) Xem: Paul Latawski, NATO, Kosovo and ‘humanitarian intervention,   https://www.manchesteropenhive.com/display/9781526137784/9781526137784.00007.xml, 30-7-2018.

(8) Xem: Daniela Abratt, U.S. Intervention in Syria: A Legal Responsibility to Protect,  https://digitalcommons.du.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1007&context=dlr, 1-2017.

(9) Xem: Gregory Bereiter, The US Navy in Operation Enduring Freedom, 2001-2002.  https://www.history. navy.mil/research/library/online-reading-room/title-list-alphabetically/u/us-navy-operation-enduring-freedom-2001-2002.html, 2016.

(10) Naval History and Heritage Command (2003). Operation Iraqi Freedom. https://www.history. navy.mil/browse-by-topic/wars-conflicts-and-operations/middle-east/operation-iraqi-freedom.html.

(11) Xem: Amanda Macias, “America has spent $6.4 trillion on wars in the Middle East and Asia since 2001, a new study says”, https://www.cnbc.com/2019/11/20/us-spent-6point4-trillion-on-middle-east-wars-since-2001-study.html, 20/11/2019.

NILOV ROMAN

Nghiên cứu sinh Học viện Ngoại giao Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền