Trang chủ    Quốc tế    Mặt trận Lào xây dựng đất nước thực hiện chức năng giám sát trong thời kỳ mới
Thứ sáu, 18 Tháng 8 2023 10:08
507 Lượt xem

Mặt trận Lào xây dựng đất nước thực hiện chức năng giám sát trong thời kỳ mới

(LLCT) - Trong những năm đổi mới vừa qua, Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã thực hiện tương đối tốt chức năng giám sát đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, đảng viên. Tuy nhiên, hoạt động này còn có những hạn chế, khuyết điểm. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước Lào, Mặt trận Lào xây dựng đất nước cần thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Mặt trận Lào xây dựng đất nước, năm 2020 - Ảnh: Lao News Agency

1. Chức năng giám sát của Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, giám sát được coi là nguyên tắc, giải pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Giám sát của Mặt trận Lào xây dựng đất nước (MTLXDĐN) là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị của nhân dân thông qua MTLXDĐN đối với các cơ quan đảng, nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, làm cho Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hiến pháp năm 2015 (sửa đổi) của nước CHDCND Lào khẳng định: Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào là Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực là của nhân dân. Đại hội XI của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (năm 2021) khẳng định: Để nâng cao khả năng lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng, tăng cường đại đoàn kết nhân dân cả nước, vững vàng đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc, gìn giữ và phát triển Tổ quốc theo hướng bền vững tiến lên CHXN một cách vững chắc, phát huy vai trò giám sát của MTLXDĐN và của nhân dân là một nhiệm vụ và là nguyên tắc lãnh đạo quan trọng của Đảng.

Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng quan hệ quốc tế, tổ chức đảng các cấp phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; đẩy mạnh nghiên cứu, hình thành chế độ, quy định, cơ chế giám sát đầy đủ và chặt chẽ. MTLXDĐN và các tổ chức quần chúng đẩy mạnh giám sát các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, các quy định khác và giải quyết hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động thực hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục cải tiến và phát triển chế độ dân chủ nhân dân nhằm xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng theo định hướng XHCN, hoạt động giám sát của MTLXDĐN góp phần làm cho đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn đúng đắn, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên có đạo đức cách mạng, chống lại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù.

Là một tổ chức trong hệ thống chính trị của CHDCND Lào, là cơ sở chính trị của chế độ dân chủ nhân dân, MTLXDĐN tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật của CHDCND Lào, nhất là Luật MTLXDĐN, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. MTLXDĐN có chức năng, vai trò tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác dân vận, là trung tâm đoàn kết, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân các bộ tộc, phát huy trí tuệ, sáng kiến của nhân dân các bộ tộc Lào tham gia bảo vệ và phát triển đất nước; phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp, tôn giáo, giới, gồm cả người Lào đang sinh sống tại nước ngoài với Đảng, Nhà nước; tham gia giám sát các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, hoạt động của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân địa phương, đảng viên, cán bộ, công chức; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, nhân dân các bộ tộc và tham gia hòa giải xung đột theo chứng năng của mình.   Trong thời gian qua, ngay sau Đại hội X của Đảng và Đại hội X MTLXDĐN (năm 2016) hoạt động giám sát của MTLXDĐN đã đạt được các kết quả trên nhiều mặt. Ủy ban MTLXDĐN các cấp đã áp dụng đa dạng các hình thức giám sát, như: thực hiện giám sát theo kế hoạch, căn cứ vào chương trình công tác của cả nhiệm kỳ và từng năm; Mặt trận các cấp xây dựng kế hoạch giám sát trình cấp ủy, chính quyền cùng cấp; giám sát đột xuất khi xuất hiện những vấn đề phát sinh, theo đơn thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân; thông qua phát hiện của báo chí; ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; có thể giám sát thông qua việc phối hợp với cơ quan dân cử như Quốc hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh. 

Hoạt động giám sát của MTLXDĐN có sự khác biệt với hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức khác. Sự giám sát của MTLXDĐN với tư cách là tổ chức đại biểu cho nhân dân. Ban Giám sát của Ủy ban Trung ương MTLXDĐN, ban giám sát của ủy ban mặt trận tỉnh, thủ đô và phòng giám sát của ủy ban mặt trận huyện tham mưu cho cấp ủy và ủy ban mặt trận cùng cấp trong công tác giám sát và thường xuyên, trực tiếp thực hiện các công việc giám sát, để phản ánh, báo cáo theo chiều dọc và cấp ủy.

Điều 28 Luật MTLXDĐN (sửa đổi) năm 2018 quy định: việc giám sát của Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước các cấp là sự giám sát đối với sự hoạt động thực hiện của chính quyền nhà nước, đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực địa phương và cán bộ,công chức về thực hiện đường lối,chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng cách vận động nhân dân các bộ tộc thực hiện quyền làm chủ trong công tác giám sát.

Nếu hoạt động giám sát của Đảng chủ yếu là giám sát chuyên đề, hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước tiến hành theo chương trình, kế hoạch, thì hoạt động giám sát của MTLXDĐN được thực hiện thường xuyên, hằng ngày. Khi phát hiện tổ chức và cá nhân có biểu hiện hoạt động trái pháp luật thì ủy ban mặt trận các cấp đề nghị cơ quan chính quyền nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời để bảo vệ pháp luật của nhà nước được tuân thủ nghiêm minh.

Theo quy định, trong hệ thống chính trị nước CHDCND Lào, MTLXDĐN có vai trò, chức năng giám sát hoạt động các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thông thường, việc giám sát được giao cho ủy ban mặt trận các cấp hoặc từng ban chuyên môn của Mặt trận. Ủy ban Trung ương MTLXDĐN thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra Trung ương và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Do MTLXDĐN thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo kỳ họp, nên kỳ họp củacơ quan đại diện cho Ủy ban MTLXDĐN các cấp thực hiện giám sát chủ yếu là ban thường trực ủy ban mặt trận ở từng cấp.

2. Thực trạng Mặt trận Lào xây dựng đất nước thực hiện chức năng giám sát

Trong thời gian qua,ngay sau Đại hội X của Đảng và Đại hội X MTLXDĐN (năm 2016) hoạt động giám sát của MTLXDĐN đã đạt được các kết quả trên nhiều mặt. Nhận và xử lý khiếu nại, đề nghị của nhân dân 53 lần, phần lớn là tranh chấp về đất đai, tài sản thừa kế, cho thuê đất của các công ty; giám sát dư luận của nhân dân bị ảnh hưởng từ việc phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng ở các địa phương, chẳng hạn dự án xây dựng đường sắt Lào -Trung Quốc 2 lần; ảnh hưởng của dự án đường cao tốc Thủ đô Viêng Chăn đến Văng Viêng trong 4 tỉnh gồm có 10 bản; vấn đề chất thải hóa học và chất thải của dự án trồng chuối của một doanh nghiệp Trung Quốc xuống sông 02 lần; giải quyết xung đột đất đai giữa Công ty Năm Tha xây dựng đường, cầu với nhân dân tại bản Xiêng Đa, huyện Xay Sệt Tha, Thủ đô Viêng Chăn và xung đột đất đai tại bản Năm Đưa, huyện Pạc Ka Đinh, tỉnh BôLi Khăm Xay; giám sát xử lý mâu thuẫn tôn giáo ở chùa Nong Pa Nha, huyện Xai Tha Ni, Thủ đô Viêng Chăn, dư luận nhân dân về tín ngưỡng, tôn giáo ở tỉnh Xiêng Khoảng và việc chuyển chợ tại huyện Long Xan, tỉnh Xay Sổm Bun; giám sát việc giải quyết mâu thuẫn của các gia đình người dân tộc Mông ở bản 52; giám sát dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến của nhân dân và các tổ chức quần chúng cấp trung ương, mặt trận tỉnh, thủ đô đối với việc hoạt động của đại biểu Quốc hội, cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp để đóng góp ý kiến với kỳ họp lần thứ 4 của Quốc hội nhiệm kỳ VIII (tháng 10-2020); v.v..

Tất cả công việc đã giám sát đó được tổng hợp và đề nghị tới Chính phủ và Quốc hội để chỉ đạo và xử lý kịp thời. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTLXDĐN đã giám sát việc thực hiện một số dự án đầu tư của Nhà nước, như: dự án xây dựng hàng rào bê tông và mương thoát nước ở Trung tâm thông tin bản Viêng Keo có thể tiết kiệm ngân sách được khoảng 218 triệu kíp; dự án bồi dưỡng chuyên viên nội bộ và dự án có sự hợp tác với nước ngoài theo kế hoạch thường kỳ; v.v.. Qua giám sát đã chỉ ra các mặt tích cực, tiêu cực và kiến nghị phương pháp cải cách cho cấp trên, rút kinh nghiệm và xử lý kịp thời những sai phạm.

Đã thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện công tác của MTLXDĐN cấp tỉnh, huyện và cấp bản, tổng cộng 26 lượt trong 17 tỉnh, 01 Thủ đô, 91 huyện và 153 bản, có 972 người tham gia, qua đó thu được nhiều ý kiến, đề nghị của cá nhân, tổ chức và dư luận xã hội trong toàn quốc, tổng hợp thành các vấn đề để Ban Thường trực Trung ương MTLXDĐN đề nghị với kỳ họp của Quốc hội. Trong các năm 2016 - 2021 đã tổ chức hội nghị công tác giám sát toàn quốc và phổ biến các văn bản pháp luật về thanh tra nhà nước cho cán bộ, công chức, với 618 lượt người; tổ chức bồi dưỡng công tác giám sát cho cán bộ mặt trận cả trung ương và địa phương được 07 lần, có 179 người tham dự, nữ 28 người; v.v..

Ủy ban MTLXDĐN các cấp đã áp dụng đa dạng các hình thức giám sát, như: thực hiện giám sát theo kế hoạch, căn cứ vào chương trình công tác của cả nhiệm kỳ và từng năm; Mặt trận các cấp xây dựng kế hoạch giám sát trình cấp ủy, chính quyền cùng cấp; giám sát đột xuất khi xuất hiện những vấn đề phát sinh, theo đơn thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân; thông qua phát hiện của báo chí; ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; có thể giám sát thông qua việc phối hợp với cơ quan dân cử như Quốc hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát của MTLXDĐN còn có nhiều nhược điểm cần khắc phục.

Một là: Việc phổ biến các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước và chủ trương của Ủy ban Trung ương MTLXDĐN về giám sát chưa rộng rãi, toàn diện và không kịp thời; việc tổ chức thực hiện một số chủ trương của Đại hội Đảng XI, của Đại hội MTLXDĐN lần thứ XI đã đề ra còn chậm, không có nhiều hình thức và không bám sát với mục tiêu, nhất là ở địa phương.

Hai là: Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm lãnh đạo MTLXDĐN thực hiện tốt chức năng giám sát, nhất là chưa tích cực đôn đốc, nhắc nhở khi MTLXDĐN tiến hành công việc chậm, lúng túng.

Ba là: Cấp ủy và một số đảng viên trong MTLXDĐN chưa gương mẫu, thiếu sự lãnh đạo, coi nhẹ việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị và nghiệp vụ giám sát cho cán bộ mặt trận, nhất là cán bộ chuyên trách.

Bốn là: Ban thường trực MTLXDĐN chỉ đạo, hướng dẫn công tác giám sát của cấp dưới chưa toàn diện; trách nhiệm tham mưu cho ủy ban mặt trận cấp trên chưa được tốt.

Năm là: Việc giải quyết kết quả giám sát, nhất là việc thu hồi tài sản, nợ của Nhà nước kéo dài; giám sát phát hiện ra các vấn đề, nhưng việc giải quyết, xử lý kết quả giám sát vẫn chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, chưa hiệu lực, chưa thống nhất, vẫn còn tư tưởng dựa vào cấp trên, không thực hiện theo phương châm chỉ đạo: “sự kiện xảy ra ở lĩnh vực nào lĩnh vực đó phải chủ động giải quyết xử lý”.

3. Giải pháp để Mặt trận Lào xây dựng đất nước thực hiện tốt chức năng giám sát

Để MTLXDĐN các cấp làm tốt chức năng giám sát, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là: Ủy ban các cấp của MTLXDĐN phải thấm nhuần, nắm chắc các nguyên tắc như: hoạt động giám sát của MTLXDĐN phải dưới sự lãnh đạo của Đảng; giám sát phải trên cơ sở đường lối, quy định của Đảng và luật pháp của Nhà nước; giám sát để phát huy mặt tích cực, khắc phục nhược điểm và hạn chế nhằm xây dựng Đảng và cơ quan chính quyền nhà nước trong sạch, vững mạnh”. Ủy ban Mặt trận các cấp phải coi công tác giám sát là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với hoạt động giám sát của Đảng và cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Hai là: Mặt trận chú trọng phát huy vai trò của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia công việc giám sát, làm cho công việc giám sát có sự rộng khắp, khách quan, liên tục; khuyến khích các cơ quan, tổ chức tự giám sát bản thân mình, giám sát lẫn nhau, kịp thời thông tin cho các cơ quan và chủ động tham gia giải quyết tình trạng tiêu cực xảy ra trong bộ máy tổ chức đảng, nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ba là: MTLXDĐN tiếp tục đề xuất hoàn thiện luật pháp, quy định, cơ chế bảo đảm rõ ràng và có hệ thống hoàn chỉnh về hoạt động giám sát của MTLXDĐN theo hướng tạo cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức và xã hội tham gia công việc giám sát.

Bốn là: Nhà nước cung cấp kinh phí, phương tiện cho Ủy ban Mặt trận các cấp phù hợp với chức năng giám sát. Đồng thời, có chính sánh thích hợp đối với cán bộ làm việc giám sát chuyên trách và kỷ luật những cán bộ lạm dụng trách nhiệm một cách không đúng đắn.

Năm là: Chú trọng, tìm hiểu kinh nghiệm thực hiện công tác giám sát của Đảng, thanh tra nhà nước và các cơ quan chống tham nhũng các nước và các cơ quan, tổ chức quốc tế để vận dụng kinh nghiệm vào thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng giám sát.

_________________

Ngày nhận bài: 03-7-2023; Ngày bình duyệt: 05-7-2023; Ngày duyệt đăng: 16-8-2023.

SENGTHAVY SENGPHACHAH

Nghiên cứu sinh Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền