Trang chủ    Quốc tế    Một số cải cách chính trị của Trung Quốc
Thứ sáu, 15 Tháng 9 2023 15:15
5959 Lượt xem

Một số cải cách chính trị của Trung Quốc

TS LÊ THỊ THU MAI
Viện Chính trị học,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quá trình cải cách, mở cửa qua hơn 40 năm đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tạo cơ sở vững chắc đưa quốc gia này tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Có được những thành công đó là do Trung Quốc đã và đang kiên trì thực hiện công cuộc cải cách, đi sâu cải cách chính trị, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Thực tiễn cải cách của Trung Quốc có thể rút ra những kinh nghiệm có giá trị đối với nhiều quốc gia.
 

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tại Bắc Kinh - Ảnh: Chinanews

1. Những phát triển mới về nhận thức và lý luận

Đại hội XIX của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc năm 2017 đã có bước phát triển mới về chính trị, lý luận và thực tiễn to lớn khi đưa ra tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của Tập Cận Bình. Nội hàm của tư tưởng này được ĐCS Trung Quốc khẳng định, đó là sự kế thừa và phát triển đối với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng ba đại diện Giang Trạch Dân và quan điểm phát triển khoa học Hồ Cẩm Đào, là thành quả mới nhất Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, là kết tinh kinh nghiệm thực tiễn và trí tuệ của Đảng và nhân dân, là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc, là kim chỉ nam cho công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa của toàn Đảng và nhân dân trong cả nước, cần kiên trì lâu dài và không ngừng phát triển(1).

Đồng thời với việc bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Đại hội XIX của ĐCS Trung Quốc cũng đưa ra tư tưởng, phương châm chỉ đạo chiến lược trong kiên trì và xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới đó là “14 điều kiên trì”, bao gồm: Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác; Kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm; Kiên trì đi sâu cải cách toàn diện; Kiên trì quan điểm phát triển mới “sáng tạo, hài hòa, xanh hóa, mở cửa, cùng hưởng”; Kiên trì quyền làm chủ của nhân dân; Kiên trì toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật; Kiên trì hệ thống giá trị cốt lõi XHCN; Kiên trì bảo đảm và cải thiện dân sinh trong phát triển; Kiên trì sự cộng sinh hài hòa giữa con người và tự nhiên; Kiên trì quan điểm an ninh quốc gia tổng thể; Kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội; Kiên trì phương châm “một nước, hai chế độ” và thúc đẩy thống nhất đất nước; Kiên trì thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; và Kiên trì quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện(2).

Đại hội XX của ĐCS Trung Quốc (năm 2022) mở ra phạm vi mới cho Trung Quốc hóa và thời đại hóa chủ nghĩa Mác. Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được Đại hội XX nhận thức là chủ nghĩa Mác của Trung Quốc đương đại, chủ nghĩa Mác thế kỷ XXI, là tinh hoa thời đại của văn hóa Trung Hoa và tinh thần Trung Quốc. Đại hội XX nhất trí đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc bước phát triển mới về tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới kể từ sau Đại hội XIX tới nay, nhằm phản ánh rõ hơn những thành tựu đã đạt được trong đổi mới lý luận, đổi mới thực tiễn của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc do Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm hạt nhân. Đại hội XX nêu rõ: “kiên quyết bảo vệ đồng chí Tập Cận Bình với vai trò hạt nhân của Trung ương ĐCS Trung Quốc, của toàn ĐCS Trung Quốc; quán triệt toàn diện tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của đồng chí Tập Cận Bình”(3).

Đại hội XX đưa vào Điều lệ Đảng nội dung sứ mệnh, tâm nguyện ban đầu của Đảng, thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử trải qua hành trình phấn đấu “100 năm lần thứ nhất” (1921 - 2020) của Đảng. ĐCS Trung Quốc luôn thực hiện sứ mệnh và tâm nguyện ban đầu của Đảng là đoàn kết lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên cả nước. Đại hội XX cũng nhấn mạnh một luận điểm quan trọng là: dám đấu tranh, dám quyết thắng là động lực tinh thần bất khả chiến bại của ĐCS và nhân dân Trung Quốc.

Tất cả những thành tựu mà Đảng và nhân dân Trung Quốc đạt được đều phải trải qua đấu tranh, không có gì dễ dàng đạt được. Đại hội XX trong thảo luận đã nhắc lại nhiều lần, toàn Đảng phải nêu cao tinh thần đấu tranh, tăng cường bản lĩnh đấu tranh. Nhận thức được một cách đầy đủ sứ mệnh, tâm nguyện ban đầu có ý nghĩa to lớn trong đoàn kết lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong cả nước giành những thắng lợi mới của CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đại hội XX khẳng định ĐCS và nhân dân Trung Quốc đã thực hiện thành công mục tiêu “100 năm lần thứ nhất”, hoàn thành việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đang tiến tới mục tiêu phấn đấu “100 năm lần thứ hai” (1949 - 2049) về xây dựng cường quốc XHCN hiện đại, thúc đẩy “sự phục hưng vĩ đại” của dân tộc Trung Hoa, tập trung ý chí và lực lượng cùng phấn đấu vì nhân dân các dân tộc trên cả nước.

2. Cải cách tổ chức bộ máy đảng và nhà nước

Sau Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc, cải cách chính trị, trong đó những vấn đề về cải cách tổ chức bộ máy đảng và nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Nội dung cải cách tổ chức bộ máy mang tính hệ thống và toàn diện hơn đã được thông qua tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Đại hội XIX (tháng 3-2018). Đại hội yêu cầu phải thay đổi lại kết cấu quyền lực cũ, phân công lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy Nhà nước và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thích ứng với yêu cầu mới, đặc biệt là cần phân công và kiểm soát quyền lực một cách khoa học hơn.

Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước Trung Quốc hướng đến mục tiêu: i) Xây dựng hệ thống hành chính toàn diện và hoàn chỉnh, phù hợp giữa chức năng và tổ chức trong mỗi bộ máy, mỗi cơ quan; ii) Quy trình khoa học, tiêu chuẩn hóa, quy phạm hóa, phù hợp với yêu cầu thực thi quyền lực; iii) Vận hành với hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu về kết quả, hiệu quả thực thi quyền lực.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ hàng đầu của cải cách là nhằm hoàn thiện chế độ lãnh đạo toàn diện của Đảng. Đây là sự chuyển biến, thay đổi rất mới kể từ Đại hội XVIII đến nay, nhằm giải quyết một số bất cập từ tình trạng tập trung vào hệ thống chính quyền, coi nhẹ vai trò của Đảng, có nguy cơ xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo cả 3 mối quan hệ: 1) Quan hệ giữa Đảng và xã hội Trung Quốc; 2) Quan hệ giữa Đảng với Chính hiệp (Hiệp thương Nhân dân) và bộ máy hành chính nhà nước; 3) Trong nội bộ hệ thống Đảng.

Chỉ khi Trung ương lãnh đạo mọi mặt trong hệ thống đảng thì Đảng mới lãnh đạo toàn diện. Khi Đảng lãnh đạo bộ máy hành chính và Chính hiệp thì mới có thể lãnh đạo được quan hệ xã hội. Đặc điểm của cải cách lần này thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt: Đảng, Chính (Chính phủ, Chính hiệp), Quân (Quân đội), Dân (và các tổ chức xã hội), Học (Giáo dục). Chuyển đổi vai trò, chức năng của Chính phủ và các cấp chính quyền sang định hướng phục vụ; tinh gọn bộ máy tổ chức, phân cấp phân quyền rành mạch; biên chế các cơ quan phải tuân thủ quy định của pháp luật(4).

Từ Đại hội XIX đến nay, Trung ương ĐCS Trung Quốc coi việc cải cách bộ máy đảng và nhà nước là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Đi sâu cải cách toàn diện bộ máy đảng và nhà nước theo các nguyên tắc kiên trì Đảng lãnh đạo toàn diện, lấy người dân làm trung tâm; tối ưu hóa, đồng bộ, hiệu quả; quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện. Nhờ đó, bộ máy đảng và nhà nước được cơ cấu lại một cách hệ thống, tổng thể; góp phần bảo đảm cho những thành tựu và đổi thay mang tính lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Trung Quốc, đồng thời tích lũy kinh nghiệm quý báu để cải cách bộ máy thời gian tới.

Để cải cách quản lý công vụ gắn với cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, Trung Quốc cho thành lập hệ thống Ủy ban Giám sát - đây là quyết sách quan trọng, để quyền giám sát trở thành hệ thống độc lập nhằm tăng cường quản lý, giám sát công chức. Ủy ban Giám sát Nhà nước (do Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu), có hệ thống từ Trung ương xuống địa phương: kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức, các nhân viên sự nghiệp (viên chức), những người quản lý trong doanh nghiệp quốc hữu và những người thực thi công vụ khác. Ủy ban này thực hiện các chức năng trước kia chủ yếu từ 3 cơ quan: Bộ Giám sát, Cục Chống tham nhũng và hối lộ (thuộc Viện Kiểm sát), Cơ quan Phòng ngừa tham nhũng (thuộc Chính phủ). Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng (do Thường vụ Bộ Chính trị đứng đầu) và Ủy ban Giám sát Nhà nước do Quốc hội thành lập làm việc chung trụ sở. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tập trung vào vấn đề kỷ luật đảng đối với tất cả đảng viên. Ủy ban Giám sát tập trung vào vấn đề pháp luật của công chức lãnh đạo, có thể không là đảng viên (đảng viên vi phạm pháp luật chắc chắn là kỷ luật đảng). Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lãnh đạo về mặt chính trị đối với Ủy ban Giám sát Nhà nước.

Cùng với đó, thể chế lãnh đạo “tam vị nhất thể” (3 trong 1) và không giới hạn nhiệm kỳ, là quá trình tái xác lập vai trò lãnh đạo “hạt nhân” của Trung Quốc. Đại hội lần thứ XVIII và XIX của ĐCS Trung Quốc xác lập thể chế lãnh đạo tối cao “tam vị nhất thể” theo đó ông Tập Cận Bình đảm nhận các chức vụ là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Việc nhất thể này không chỉ là sự hợp nhất các chức danh lãnh đạo tối cao mà còn có sự củng cố, mở rộng quyền hành đối với lực lượng vũ trang. Hai là, chức vụ Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc không bị giới hạn về quy định nhiệm kỳ, trong khi đó Hiến pháp Trung Quốc (trước năm 2018) quy định chức Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước không quá 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Tại Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) vào ngày 11-3-2018 với tỷ lệ ủng hộ hơn 99,7% đã thông qua Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi, trong đó bãi bỏ điều giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và ghi vào Hiến pháp mới “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”(5).

Cải cách bộ máy, cần phải điều phối tổng thể giữa cải cách bộ máy Trung ương Đảng, bộ máy Nhân Đại toàn quốc (Quốc hội), bộ máy Quốc vụ viện (Chính phủ) và bộ máy Chính hiệp toàn quốc; giữa Trung ương và địa phương; đi sâu cải cách bộ máy ở các lĩnh vực trọng điểm, thúc đẩy sự lãnh đạo của Đảng với việc xây dựng, hiện đại hóa XHCN khoa học hơn về tổ chức bộ máy, tối ưu hơn về chức năng, nhiệm vụ; hoàn thiện hơn về cơ chế, thể chế; hiệu quả hơn trong vận hành, quản lý đã được Đại hội XX đề ra.

3. Quản lý đất nước bằng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc

Sự thống nhất hữu cơ giữa lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, quản lý đất nước theo pháp luật, xây dựng nhà nước pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc là nội dung quan trọng trong xây dựng chính trị dân chủ ở Trung Quốc trong điều kiện bối cảnh mới, đồng thời cũng là bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu của cải cách chính trị hiện nay ở Trung Quốc. Sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm căn bản cho nhân dân làm chủ; nhân dân làm chủ là đặc trưng mang bản chất của nền chính trị dân chủ XHCN; quản lý đất nước bằng pháp luật là phương thức cơ bản để Đảng lãnh đạo nhân dân quản lý đất nước; ba mặt thống nhất với nhau trong thực tiễn vận hành của nền dân chủ XHCN của Trung Quốc.

Tính pháp trị là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một hệ thống quản trị nhà nước có hiện đại hay không. Mục đích xây dựng nhà nước pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc là để giám sát có hiệu quả thực thi quyền lực công, trong đó nội dung cốt lõi là: làm rõ quyền lực, xác định quyền lực, phân chia quyền lực, công khai quyền lực và khống chế quyền lực.

Đại hội XX xác định: quản lý đất nước bằng pháp luật là một cuộc cách mạng sâu rộng trong quản trị đất nước, quan hệ đến việc Đảng cầm quyền và phục hưng đất nước, quan hệ đến hạnh phúc của nhân dân, trật tự bền vững của Đảng và Nhà nước. Cần phải phát huy tốt hơn vai trò hậu thuẫn là gốc rễ chắc, dự báo đúng, lợi ích bền của pháp trị; xây dựng toàn diện một đất nước XHCN hiện đại hóa trên trật tự pháp trị. Kiên trì đi con đường pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc; xây dựng hệ thống pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc, xây dựng quốc gia pháp trị XHCN; xoay quanh việc bảo đảm và thúc đẩy công bằng chính nghĩa xã hội để kiên trì đưa việc quản lý đất nước bằng pháp luật. Nắm quyền bằng pháp luật, hành pháp theo pháp luật cùng tiến lên; kiên trì một chính thể gồm đất nước pháp trị, chính phủ pháp trị, xã hội pháp trị; thúc đẩy lập pháp khoa học, chấp pháp nghiêm minh, tư pháp công chính, toàn dân tuân phủ pháp luật; thúc đẩy toàn diện việc pháp trị hóa các mặt công tác của đất nước(6).

Quản lý đất nước bằng pháp luật là yêu cầu bản chất và bảo đảm quan trọng của CNXH đặc sắc Trung Quốc. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Trung ương ĐCS Trung Quốc đối với việc xây dựng một nước Trung Quốc pháp trị, kiện toàn chế độ và cơ chế công tác của việc Đảng lãnh đạo toàn diện đối với quản lý đất nước bằng pháp luật, quán triệt tốt hơn phương châm cơ bản của quản lý đất nước toàn diện bằng pháp luật, Trung Quốc sáp nhập và thành lập Uỷ ban Quản lý đất nước toàn diện bằng pháp luật Trung ương, chịu trách nhiệm đối với thiết kế tối cao, bố trí tổng thể, điều phối bao quát, thúc đẩy đồng bộ, giám sát quán triệt đối với quản lý đất nước toàn diện bằng pháp luật. Ủy ban đóng vai trò là cơ quan quyết sách và điều phối chương trình nghị sự của Trung ương ĐCS Trung Quốc. Từ đó, thúc đẩy một cách hài hòa giữa xây dựng hệ thống pháp trị CNXH đặc sắc Trung Quốc và nhà nước pháp trị XHCN.

4. Tư tưởng phát triển lấy người dân làm trung tâm

Quan điểm của ĐCS Trung Quốc là lấy người dân làm trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội. Nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, là lực lượng căn bản quyết định tiền đồ, vận mệnh của Đảng và đất nước.

Đại hội XIX khẳng định: toàn Đảng cần phải ghi nhớ, vì sao vấn đề con người là thước đo kiểm nghiệm tính chất của một chính đảng, một chính quyền. Dẫn dắt nhân dân tạo nên cuộc sống tốt đẹp là mục tiêu phấn đấu trước sau như một của Đảng. Cần phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên vị trí cao nhất, để thành quả của công cuộc cải cách mang lại lợi ích nhiều hơn, công bằng hơn cho toàn thể nhân dân. Từ đó, Trung Quốc kiên trì quan điểm, mọi công việc của Đảng đều phải lấy lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng nhân dân làm tiêu chuẩn cao nhất.

Chế độ đại biểu nhân dân là chế độ chính trị căn bản bảo đảm cho nhân dân Trung Quốc làm chủ. Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nêu rõ: Tất cả mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực thông qua đại diện là đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và đại hội đại biểu nhân dân các cấp địa phương. Các cơ quan nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và đại hội đại biểu nhân dân các cấp đều chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Chính bởi vai trò vĩ đại của nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, yêu cầu luôn đặt nhân dân vào vị trí trung tâm nhất, thực hiện tôn chỉ cơ bản toàn tâm toàn ý của Đảng là để phục vụ nhân dân, kiên trì lập trường nhân dân, kiên trì địa vị chủ thể của nhân dân, khiêm tốn học dân, lắng nghe tiếng nói của dân, tiếp thu trí tuệ của dân, coi việc dân ủng hộ hay không ủng hộ, tán thành hay không tán thành, vui hay không vui, đáp ứng hay không đáp ứng là tiêu chuẩn căn bản để đánh giá cái được - cái mất của toàn bộ công tác đảng, nỗ lực giải quyết những vấn đề lợi ích thực tế nhất, trực tiếp nhất mà nhân dân quan tâm đến, quán triệt con đường quần chúng của Đảng đến tất cả hoạt động quản lý đất nước, coi cuộc sống hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, dựa vào nhân dân để sáng tạo lịch sử vĩ đại.

Trong thời đại mới kiên định, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, chính là ủng hộ và bảo đảm vai trò người làm chủ của nhân dân, bảo đảm Đảng lãnh đạo nhân dân quản lý đất nước có hiệu quả, bảo đảm nhân dân chính là người chủ của đất nước, đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền, mở rộng sự tham gia chính trị có trật tự của nhân dân, bảo đảm nhân dân thực hiện các quyền bầu cử, hiệp thương dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ, giám sát dân chủ theo pháp luật, bảo đảm quyền được biết của dân, quyền tham gia, quyền bày tỏ ý kiến, quyền giám sát; cần kiện toàn chế độ dân chủ nhân dân, làm phong phú hơn nữa các hình thức dân chủ, tăng cường thêm các kênh dân chủ, bảo đảm vai trò người làm chủ của nhân dân được thực chất. Chỉ có như vậy mới khiến nhân dân tin tưởng, quốc gia mới có tương lai, mới có sức mạnh.

5. Quản trị đảng nghiêm minh toàn diện

Kiên trì quản trị đảng nghiêm minh toàn diện gắn với hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước. Đảng phải tăng cường khả năng tự làm sạch trong nội bộ, phát huy sự giám sát của quần chúng. Trong đó, trọng tâm là giám sát quyền lực, quyền lực phải được kiểm soát một cách công khai, minh bạch. Thực hiện giám sát có tổ chức, giám sát thông qua thể chế, giám sát bằng các giá trị đạo đức, văn hóa và các giá trị bên ngoài thể chế.

Lấy Điều lệ Đảng làm nền tảng cơ bản để tuân thủ, đặt công tác xây dựng Đảng về chính trị lên hàng đầu, thúc đẩy xây dựng Đảng về tư tưởng và quản lý Đảng bằng thể chế, nắm chắc “thiểu số, then chốt” (Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị) và kiên trì “tam nghiêm, tam thực”(7).

Đại hội XX đã nhấn mạnh tập trung thực hiện 7 nội dung chủ yếu của công tác xây dựng Đảng là: (1) Kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng; (2) Kiên trì, bền bỉ vận dụng tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới; (3) Hoàn thiện hệ thống quy phạm chế độ tự cách mạng của Đảng; (4) Xây dựng đội ngũ cán bộ có tố chất tốt, xứng đáng gánh vác trọng trách phục hưng dân tộc; (5) Tăng cường chức năng chính trị và chức năng tổ chức của tổ chức đảng; (6) Kiên trì đẩy mạnh công tác uốn nắn tác phong, kỷ luật nghiêm khắc theo định hướng nghiêm minh; (7) Kiên quyết đánh thắng cuộc chiến công kiên và cuộc chiến lâu dài chống tham nhũng.

Đại hội đưa vào Điều lệ Đảng nội dung cần nâng cao nhãn quan chính trị, hiểu biết chính trị và năng lực chấp hành chính trị, tăng cường quán triệt nhận thức và kiên định thực hiện lý luận, đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng, thúc đẩy Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Mác, cuộc cách mạng của Đảng luôn được tiến hành, không ngừng kiện toàn hệ thống quy chế, quy định trong nội bộ Đảng, tăng cường sự quản lý tổng thể và chặt chẽ về trách nhiệm chủ thể và trách nhiệm giám sát của Đảng, thúc đẩy không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng; kiên trì đường lối tổ chức đảng trong thời đại mới để xây dựng Đảng mạnh mẽ, toàn diện. Những nhận thức trên của Đại hội XX thúc đẩy toàn Đảng giữ vững tinh thần cách mạng, quán triệt toàn diện, nghiêm minh phương châm chiến lược của Đảng, đi sâu thúc đẩy “công trình vĩ đại mới” về xây dựng Đảng thời đại mới, bảo đảm cho Đảng ngày càng vững mạnh trong sự nghiệp cách mạng, luôn trở thành hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc(8).

(i) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng bằng thể chế, đi sâu cải cách thể chế phòng, chống tham nhũng, trừng trị tham nhũng với thái độ không khoan nhượng

Trung ương ĐCS Trung Quốc với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân đưa công tác phòng, chống tham nhũng vào hệ thống đảng nghiêm minh toàn diện trong thời đại mới, bố cục chiến lược “4 toàn diện”, kiên trì tác phong đúng đắn và kỷ luật nghiêm minh, xử lý “4 tác phong” với tinh thần “chắc như đinh đóng cột”.

Thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng toàn diện với tinh thần tự cách mạng, vận dụng “4 dạng hình thái” để duy trì kỷ luật, trừng phạt thiểu số, giáo dục đa số và xử lý từ gốc tới ngọn. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” giành được thắng lợi và củng cố toàn diện.

Xây dựng thể chế, hình thành cơ chế kiểm soát và giám sát hiệu quả đối với quyền lực, thực thi kiên quyết và giám sát mạnh mẽ, bảo đảm quyền lực do Đảng và nhân dân giao luôn được sử dụng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Thông qua cải cách và đổi mới thể chế để thu hẹp không gian tồn tại tham nhũng, loại bỏ tham nhũng, hình thành cơ chế hiệu quả lâu dài dựa vào thể chế để kiểm soát quyền lực.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của ĐCS Trung Quốc đã chỉ ra phương hướng đi sâu cải cách toàn diện thể chế kiểm tra kỷ luật, đề ra và cụ thể hóa, quy trình hóa, thể chế hóa chế độ lãnh đạo kép đối với công tác kiểm tra kỷ luật của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp trên đối với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp dưới. Tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đối với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp tỉnh và các cơ quan biệt phái (điều động), tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp trên đối với việc xây dựng đội ngũ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cấp dưới, đôn đốc Ủy ban Kiểm tra kỷ luật các cấp tiếp tục đi sâu chuyển đổi chức năng, phương pháp, tác phong, thiết thực gánh vác trách nhiệm giúp cấp Ủy thúc đẩy quản lý đảng nghiêm minh toàn diện.

Thanh tra lưu động là một thể chế mang tính chiến lược để thực hiện giám sát trong Đảng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc chiến phòng, chống tham nhũng: “Điều lệ về công tác thanh tra lưu động của ĐCS Trung Quốc” sửa đổi năm 2017 đã cung cấp căn cứ pháp lý và hướng dẫn hành động để phát huy vai trò giám sát của thanh tra lưu động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ sau Đại hội XVIII.

Quy định về giám sát trong Đảng của ĐCS Trung Quốc sửa đổi năm 2016 nêu: các đảng ủy tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương phải thúc đẩy Ban chấp hành của Đảng tại thành phố (địa, châu, minh) và huyện (thành phố, khu, kỳ) thiết lập chế độ thanh tra lưu động, để mở rộng quản lý đảng nghiêm minh tới cấp cơ sở.

Cải cách các cơ quan biệt phái của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật là trọng tâm, đi sâu cải cách thể chế, cơ chế phòng, chống tham nhũng. Dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương, triển khai toàn diện việc phái cử các cơ quan Đảng và Nhà nước tại Trung ương cùng cấp, thực hiện chế độ thống nhất tên gọi và thống nhất quản lý. Cơ quan biệt phái chịu trách nhiệm trước cơ quan phái cử, thực hiện chức năng giám sát. Đi sâu cải cách cơ quan biệt phái, trao cho cơ quan này chức năng giám sát, xác định rõ thẩm quyền giám sát và trình tự công tác của cơ quan biệt phái, nâng cao phạm vi bao phủ toàn diện trong việc phái cử cơ quan kiểm tra kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật địa phương tại các cơ quan đảng, nhà nước cùng cấp, tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát.

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, không để Đảng thoái hóa, biến chất trong điều kiện cầm quyền lâu dài là nhiệm vụ chính trị lớn phải thực hiện tốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong thời đại mới của CNXH đặc sắc Trung Quốc, tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại mang nhiều đặc điểm lịch sử mới, cần triển khai đấu tranh phòng, chống tham nhũng tích cực, hiệu quả, Điều lệ Đảng được sửa đổi tại Đại hội XIX của ĐCS Trung Quốc lần đầu tiên chính thức đưa “4 nguy cơ” vào phần “Những vấn đề chung”. Điều lệ Đảng sửa đổi tại Đại hội XX nêu rõ yêu cầu về phòng, chống tham nhũng là “thúc đẩy đồng bộ 3 không”, đó là: đi sâu thúc đẩy xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trừng trị tham nhũng với thái độ không khoan nhượng, thúc đẩy đồng bộ giữa không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Từ Đại hội XVIII đến nay, Trung ương ĐCS Trung Quốc kiên trì không có vùng cấm, bao phủ toàn diện, không khoan nhượng; kiên trì điều tra đồng thời cả đưa hối lộ và nhận hối lộ; kiên trì đã có án thì phải điều tra, có tham nhũng thì phải trừng trị, thực hiện đồng bộ “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo”, “chiến dịch lưới trời”, kiên quyết ngăn chặn hiệu quả xu thế lan rộng của tham nhũng.

Theo thống kê, từ Đại hội XVIII của ĐCS Trung Quốc đến nay, hơn 4.648 nghìn trường hợp đã được cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát trên cả nước lập hồ sơ, trong đó lập hồ sơ thẩm tra đối với 553 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, bao gồm 49 Ủy viên và Ủy viên dự khuyết Trung ương và 12 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XVIII, 12 Ủy viên và Ủy viên dự khuyết Trung ương và 6 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIX. Xử lý hơn 25 nghìn cán bộ cấp cục/ sở và hơn 182 nghìn cán bộ cấp huyện/ phòng. Hơn 207 nghìn người đứng đầu các cấp đã bị các cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát trên cả nước điều tra do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, pháp luật(9).

Đại hội XX của ĐCS Trung Quốc chỉ ra phương hướng đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời đại mới, kiên quyết điều tra và xử lý tham nhũng đan xen với các vấn đề chính trị và kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm.

(ii) Kiên trì sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, thực hiện nghiêm túc kỷ luật đảng

Đại hội XX khẳng định, ĐCS Trung Quốc là lực lượng hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền và xây dựng CNXH. Sự lãnh đạo của ĐCS là bảo đảm cơ bản, quan trọng bậc nhất cho sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Từ nhận thức đó, Đại hội XX đồng ý đưa vào Điều lệ Đảng nội dung ĐCS Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo chính trị tối cao, cần kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Điều này giúp phát huy đầy đủ vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo tình hình chung và sự phối hợp giữa các bên, sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện trên các mặt, các lĩnh vực của Đảng và Nhà nước.

Đại hội XX thống nhất nhận thức, chỉ có ĐCS Trung Quốc mới đủ sức giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn, những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo lâu dài của Đảng, sự ổn định lâu dài của đất nước, hạnh phúc, bình an của nhân dân, loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng trong nội bộ Đảng, Nhà nước và quân đội. Những nhân tố cơ bản đó là các trụ cột bảo đảm công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa đi vào tiến trình lịch sử không thể đảo ngược. “2 xác lập” (xác lập vị trí “hạt nhân” của ông Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng; xác lập vai trò chủ đạo, chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới) là thành quả chính trị to lớn đạt được trong thời đại mới, thúc đẩy thành tựu đạt được trong sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, là nhân tố mang tính quyết định tạo ra thay đổi mang tính lịch sử. Toàn Đảng cần phải khắc ghi ý nghĩa mang tính quyết định của “2 xác lập”, càng phải ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân, vai trò hạt nhân của Đảng, bảo vệ sự lãnh đạo thống nhất, tập trung, quyền uy của Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân.

Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới, cần giữ nghiêm kỷ luật đảng. Những vấn đề mà Đảng hiện đối diện ngày càng phức tạp, nhiệm vụ mà Đảng gánh vác ngày càng nặng nề, càng phải tăng cường kỷ luật đảng, đặc biệt là kỷ luật chính trị và và quy tắc chính trị của Đảng phải nghiêm minh, bảo đảm toàn Đảng thống nhất trong ý chí, thống nhất trong hành động, thống nhất trong bước đi, cùng tiến về phía trước. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ thể hiện ở chủ trương, chính sách, đường lối đúng đắn và lý luận khoa học, ở năng lực cầm quyền và trình độ cầm quyền, mà còn thể hiện ở hệ thống tổ chức chặt chẽ và năng lực tổ chức to lớn của Đảng.

6. Một số nhận xét

Trong quá trình cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc đã xây dựng được và phát triển một hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc và con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc. Quá trình hình thành và phát triển hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc cũng là quá trình các thế hệ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc không ngừng tìm tòi với những đột phá về mặt lý luận và tổng kết thực tiễn, từ đó khái quát thành lý luận để trở lại chỉ đạo thực tiễn mới, dẫn dắt những bước cải cách và phát triển.

Nghiên cứu sự phát triển lý luận của ĐCS Trung Quốc thời kỳ cải cách mở cửa cho thấy, mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc thường xuyên có sự điều chỉnh, từ mô hình “3 trong 1” đến “4 trong 1”, rồi “5 trong 1”, tập trung bố cục chiến lược “4 toàn diện”. Bố cục tổng thể và bố cục chiến lược là trọng tâm để bảo đảm mọi mặt của Đảng và đất nước Trung Quốc được ổn định và phát triển, hướng tới mục tiêu mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của ĐCS Trung Quốc.

Trung Quốc là một nước XHCN, có hệ thống chính trị đặc thù. Chế độ chính trị cơ bản của Trung Quốc là chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, thực hiện chế độ Đại hội đại biểu nhân dân và chế độ tự trị quần chúng cơ sở trên một quốc gia có nhiều dân tộc thống nhất với bộ máy tổ chức nhà nước.

Trung Quốc có một nền chính trị ổn định, đời sống kinh tế phát triển, vị thế quốc tế ngày càng cao. Những cải cách chính trị của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là công cuộc phức tạp, sâu rộng; hướng tới cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Cải cách thể chế chính trị của Trung Quốc tiến tới ổn định hóa, chế độ hóa, tập trung quyền quyết sách bị phân tán trước kia của ĐCS Trung Quốc. Thông qua các nỗ lực cải cách thể chế chính trị cùng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các sai lầm chính trị, một thể chế chính trị tập trung quyền lực cao độ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc hiện đại đã được định hình, xác lập vị thế lãnh đạo hạt nhân tối cao của ông Tập Cận Bình.

Nghiên cứu về quá trình cải cách chính trị ở Trung Quốc giúp chúng ta rút ra những kinh nghiệm, gợi mở đối với Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 544 (tháng 6-2023)

Ngày nhận bài: 18-5-2023; Ngày bình duyệt: 23-6-2023; Ngày duyệt đăng: 26-6-2023.

(1) (2) Tổng tập văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.36, 36-44.

(3) Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc về Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, thông qua ngày 22-10-2022.

(4) Phan Đức Toàn: Một số kinh nghiệm cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Trung Quốc, https://moha.gov.vn/baucu/van-ban-huong-dan/mot-so-kinh-nghiem-cai-cach-to-chuc-bo-may-va-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-cong-chuc-cua-trung-quoc-38418.html, truy cập ngày 03-5-2023.

(5) Gần 100% ĐBQH Trung Quốc nhất trí chính thức xóa giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, https://soha.vn/chinh-thuc-tq-thong-qua-sua-doi-hien-phap-xoa-gioi-han-nhiem-ky-voi-chu-tich-nuoc-20180311103941072.htm, truy cập ngày 01-5-2023.

(6) Báo cáo “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa XHCN” do đồng chí Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 16-10-2022.

(7) Tam nghiêm: tu thân phải nghiêm, dùng quyền phải nghiêm, bản thân phải nghiêm; Tam thực: chính sách phải thực tế, làm việc phải thực chất, làm người phải trung thực.

(8) Trần Thọ Quang - Hoàng Long: Một số dấu ấn nổi bật của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/826469/mot-so-dau-an-noi-bat-cua-dai-hoi-lan-thu-xx-dang-cong-san-trung-quoc.aspx, truy cập ngày 01-5-2023.

(9) Kinh nghiệm và cách làm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong triển khai đấu tranh phòng chống tham nhũng, bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng và cập nhật kiến thức.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền