Trang chủ    Quốc tế    Tự chủ chiến lược của Ấn Độ từ khi giành được độc lập đến những năm đầu thế kỷ XXI
Thứ tư, 31 Tháng 1 2024 16:24
4139 Lượt xem

Tự chủ chiến lược của Ấn Độ từ khi giành được độc lập đến những năm đầu thế kỷ XXI

PGS, TS LÊ VĂN TOAN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Tự chủ chiến lược luôn là nét đặc trưng trong văn hóa Ấn Độ từ hàng nghìn năm nay và ở mỗi giai đoạn lịch sử, có những biểu hiện khác nhau, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tự chủ chiến lược không những giúp Ấn Độ tự cường phát triển, nâng cao vị thế quốc tế, phục vụ thực thi tốt chính sách phát triển mà còn đưa Ấn Độ trở thành mắt xích quan trọng trong sự phát triển của nhân loại. Bài viết bàn về vấn đề tự chủ chiến lược của Ấn Độ từ khi giành được độc lập (năm 1947) đến những năm đầu thế kỷ XXI, trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế và quốc phòng, an ninh.
 

Lò phản ứng hạt nhân thương mại nội địa tại Ấn Độ - Ảnh: itrre.gov.vn

1. Tự chủ chiến lược từ góc nhìn của Ấn Độ

Giáo sư khoa học chính trị Ấn Độ Arunoday Bajpai cho rằng: Quyền tự chủ chiến lược đề cập đến chính sách đối ngoại, theo đó, một quốc gia duy trì quan điểm và định hướng độc lập trong các vấn đề đối ngoại liên quan đến các vấn đề xác định lợi ích chiến lược cốt lõi của quốc gia đó(1).

S. Kalyanaraman, Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA), định nghĩa: “Quyền tự chủ chiến lược biểu thị khả năng của một quốc gia trong việc theo đuổi các lợi ích quốc gia và áp dụng chính sách đối ngoại ưa thích của mình mà không bị các quốc gia khác hạn chế dưới bất cứ hình thức nào... việc thực hành quyền tự chủ chiến lược là một chức năng của các quyền lực mà một quốc gia sở hữu và của cấu trúc hệ thống quốc tế trong một thời đại lịch sử cụ thể”(2).

Khái niệm tự chủ chiến lược do Vítor Bento tổng hợp được cho là đầy đủ khi nêu: “quyền tự chủ chiến lược của một quốc gia phải được hiểu trong phạm vi rộng hơn của hành động của một quốc gia và tính đến tất cả các phương diện - chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự và ý thức hệ - có thể được huy động để thúc đẩy lợi ích của nhà nước và theo đuổi các mục tiêu mong muốn...”, hay nói cách khác: “Quyền tự chủ chiến lược là khoảng thời gian sẵn có để tác nhân chiến lược lựa chọn, chấp nhận và theo đuổi các mục tiêu có thể đạt được, trong một khung thời gian phù hợp, với các khả năng năng lượng sẵn có, và tính hiệu quả của chúng trong các tình huống phổ biến”(3).

Quyền tự chủ chiến lược rộng rãi của một quốc gia được hiểu là “tất cả các nguồn lực mang lại quyền lực, thuộc sở hữu của chính phủ - chính trị, ngoại giao, xã hội, kinh tế, quân sự hoặc bất kỳ nguồn lực nào khác - hoặc chính phủ có thể tiếp cận - bằng cách vay, thuê, huy động, hoặc tịch thu từ các nguồn khác - phải được tính đến. Không phải tất cả chúng đều mang lại mức độ tự chủ chiến lược như nhau, nhưng chúng đều góp phần vào việc này. Hơn thế nữa, quyền tự chủ chiến lược của một quốc gia cũng có thể được mở rộng thông qua sự kết nối hiệu quả các nguồn lực của chính phủ với các nguồn lực thuộc sở hữu của xã hội, và bằng cách quản lý các liên minh với các chủ thể khác, những người mà nguồn lực của họ sau đó cũng có thể cung cấp cho mục đích mà chính phủ dự kiến”(4).

2. Tự chủ chiến lược của Ấn Độ trong thời kỳ thế giới hai cực (1947-1991)

Sau khi giành được độc lập (năm 1947), Ấn Độ đứng trước thách thức lớn là làm sao xây dựng đất nước phát triển, xây dựng nền kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng độc lập, tự chủ, bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất trong quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc mà không bị lệ thuộc vào các cường quốc tư bản phương Tây. Tự chủ chiến lược của Ấn Độ mang những sắc thái mới, phù hợp với tình hình thế giới hai cực.

Để tránh bị lôi kéo vào quỹ đạo của Mỹ hoặc Liên Xô, Ấn Độ đã chọn con đường không liên kết, đi giữa, đứng giữa hai hệ thống đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, Ấn Độ là thủ lĩnh của Phong trào Không liên kết, lãnh đạo của các nước thuộc Thế giới thứ ba. Trong thế kỷ XX, tự chủ chiến lược của Ấn Độ được coi là trụ cột và không liên kết được coi là phương tiện bảo đảm cho tự chủ chiến lược(5). Tự chủ chiến lược của Ấn Độ trên các trụ cột chính:

Về chính trị, đối ngoại

Về chính trị, Ấn Độ lựa chọn theo đuổi hệ thống chính trị dân chủ nghị viện liên bang, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, không phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc hay nhóm nước nào trên thế giới. Thời kỳ này, tự chủ chiến lược được xem như trụ cột và đôi khi đồng nghĩa với không liên kết(6), một chính sách được Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là Jawarhalal Nehru đưa ra.

Khái niệm “không liên kết” được Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru sử dụng lần đầu tiên trong bài phát biểu tại Hội nghị Colombo (Srilanka) năm 1954. Quốc gia không liên kết nghĩa là quốc gia theo đuổi đường lối độc lập trong chính trị quốc tế, từ chối (không) liên kết với hay chống lại bất kỳ khối chính trị nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Không liên kết trước hết là không tham gia liên minh quân sự với quốc gia nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhờ chính sách không liên kết, Ấn Độ và các nước thuộc Phong trào Không liên kết do Ấn Độ đứng đầu không bị cuốn vào cuộc xung đột giữa hai khối Liên Xô - Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

J. Nehru đã đặt nền móng cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ông cho rằng: “Trong khi một ý tưởng bình thường là dùng quân đội bảo vệ an ninh, thì cũng có thể bảo vệ an ninh bằng các chính sách nuôi dưỡng tình hữu nghị với các nước khác. Như vậy, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã có được khía cạnh hòa bình tích cực”(7). Nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại không liên kết và cùng tồn tại hòa bình của Ấn Độ là: Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Ấn Độ tuân thủ nguyên tắc không liên kết (non-alignment), nghĩa là tránh xa sự xung đột chính trị của hai khối Đông - Tây, duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai khối, không liên minh quân sự với khối nào, phát triển chính sách đối ngoại độc lập. “Ấn Độ sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, tránh xa nền chính trị quyền lực của các nhóm liên kết với nhau để chống lại nhau”(8). Thứ hai, Ấn Độ đưa ra năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (Panchshel), sau này được coi là nền tảng của Phong trào Không liên kết, đó là: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm lược lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình. Thứ ba, Ấn Độ ủng hộ sự tự do của các dân tộc phụ thuộc và chống chủ nghĩa đế quốc. Thứ tư, Ấn Độ phản đối gay gắt sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Thứ năm, Ấn Độ tìm kiếm và thu hút viện trợ kinh tế nước ngoài để tranh thủ thu hút vốn, máy móc, công nghệ phát triển đất nước. Những nguyên tắc này thể hiện tinh thần tự chủ chiến lược của Ấn Độ, đồng thời, đó cũng là phương tiện bảo đảm quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ.

Ấn Độ đã đặt nền móng cho Phong trào Không liên kết, chủ trương không tham gia các tập hợp lực lượng chống đối nhau. Với đường lối đối ngoại đó, J. Nehru không chỉ giúp Ấn Độ đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai khối mà còn giúp xác định vị trí vững chắc của Ấn Độ đối với các nước Á - Phi và Mỹ Latinh (1947-1965).

Tuy nhiên, sau thất bại trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962, uy thế và vị trí của Ấn Độ ở khu vực và thế giới xuống thấp nhất. Khi lên nắm quyền năm 1966, Indira Gandhi đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, nguyên tắc không liên kết nói riêng và tự chủ chiến lược nói chung của Ấn Độ lúc này đã mang những sắc thái mới. Nếu trước đó, J. Nehru nhấn mạnh đến hòa bình và hợp tác thế giới, thì thời điểm sau năm 1966, Indira Gandhi nhấn mạnh đến an ninh, lãnh thổ và vị thế quốc gia như là những bộ phận cấu thành của lợi ích dân tộc, mở ra những lựa chọn mới cho Ấn Độ. Đây cũng là những đặc điểm mới trong tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Không liên kết lúc này là duy trì độc lập trong khi vẫn duy trì quan hệ thân thiết với một trong hai siêu cường, hoặc với cả hai siêu cường.

Những năm 70, 80 thế kỷ XX, Ấn Độ đã khẳng định được vị thế và nâng cao uy tín của mình. Những năm 80 thế kỷ XX, Ấn Độ chiếm vị trí đặc biệt của một nước ven biển hùng mạnh nhất phía Bắc Ấn Độ Dương. Ấn Độ dần khẳng định được tiếng nói của mình trong các vấn đề quốc tế. Bằng việc đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) năm 1982 và Hội nghị Thượng đỉnh không liên kết (năm 1983), Ấn Độ đã thể hiện sự tham gia tích cực trong hệ thống quốc tế và khẳng định vị trí đặc biệt của mình trong khu vực Á - Phi.

Tháng 10-2007, Bộ trưởng Ngoại giao Pranab Mukherjee đã nêu rõ: “Xây dựng quyền tự chủ chiến lược theo lựa chọn là “nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ kể từ năm 1947”(9). Chính sách không liên kết là phương tiện để Ấn Độ thực hiện quyền tự chủ chiến lược của mình trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ không đứng về phe nào mà tùy từng thời điểm mà Ấn Độ quan hệ mật thiết với Liên Xô, hoặc với Hoa Kỳ, hoặc với cả hai cường quốc vì lợi ích dân tộc mình. “Trong chính sách đối ngoại và đối nội của chúng tôi, trong chính sách chính trị hay chính sách kinh tế của chúng tôi, chúng tôi không có ý định chấp nhận bất cứ điều gì liên quan đến sự phụ thuộc ở mức độ nhỏ nhất vào bất kỳ chính quyền nào khác”(10). Tháng 11-2013, Bộ trưởng Ngoại giao Salman Kurshid đã giải thích: “Trước đây, chúng tôi có quan điểm không liên kết và gần đây, chúng tôi mô tả đó là quan điểm chiến lược tự chủ của mình”(11).

Về kinh tế

Sau khi giành độc lập năm 1947, Ấn Độ chủ trương giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển và quản lý đất nước, vực dậy nền kinh tế yếu kém. Ấn Độ xác định phải xây dựng một nền kinh tế hoàn chỉnh, có công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến, dựa vào sức mình là chính, tạo nguồn tích lũy chủ yếu từ trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ và quan hệ với nước ngoài nhưng không lệ thuộc. J. Nehru khẳng định: “Chúng ta thà trì hoãn sự phát triển công nghiệp và những thứ khác, còn hơn là phục tùng bất cứ kiểu thống trị kinh tế bởi bất cứ quốc gia nào”12.

Ấn Độ xác định theo đuổi mô hình phát triển kinh tế hỗn hợp: chủ trương xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có sự pha trộn các yếu tố xã hội chủ nghĩa, áp dụng mô hình kế hoạch hóa theo các kế hoạch 5 năm. Quan điểm tự lực, tự cường của J. Nehru được sự ủng hộ của người dân Ấn Độ và trở thành tư tưởng chủ đạo. Mục tiêu của các kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, theo đó, tập trung vào: tăng trưởng kinh tế vững chắc; hiện đại hóa nền kinh tế; tự lực cánh sinh; công bằng xã hội; xóa bỏ nghèo đói.

Để đạt được những mục tiêu đó, trước hết, Ấn Độ đã thực hiện một cuộc cải biến căn bản trong khoa học kỹ thuật, đưa nền khoa học kỹ thuật của Ấn Độ từ tình trạng lạc hậu lên trình độ tiên tiến và quan điểm này được quán triệt trong các kế hoạch 5 năm. Chính phủ Ấn Độ hiện đại hóa hệ thống quản lý sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước trên cơ sở những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, tăng cường sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất(13). Thứ hai, Ấn Độ ưu tiên phát triển nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề lương thực. Ấn Độ xây dựng tự chủ về kinh tế bằng cơ chế tự cung, tự cấp. Đặc biệt, cuộc Cách mạng xanh những năm 1960 và Cách mạng trắng những năm 1970 đã góp phần đáng kể giải quyết vấn đề lương thực nói riêng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tự cung, tự cấp và kinh tế Ấn Độ nói chung. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng lương thực ở Ấn Độ vẫn nghiêm trọng. Thời gian này, Ấn Độ coi trọng thúc đẩy quan hệ với Mỹ, trong đó, viện trợ lương thực là một trong những nội dung cơ bản. Chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp của Ấn Độ trong giai đoạn này không chỉ giải quyết nạn đói trước mắt mà còn tạo việc làm, cải thiện mức sống cho 2/3 tổng số dân sống nhờ nông nghiệp, đồng thời, tạo cơ sở vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa. Thứ ba, phát triển một nền công nghiệp đa dạng, vững mạnh. J. Nehru chú trọng tăng cường đầu tư cho công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản như: sắt thép, luyện kim màu, dầu lửa, than, phân bón và cơ khí nặng. Đến thập kỷ 1980, khi đã có “cơ sở công nghiệp lớn và đa dạng”, Ấn Độ bắt đầu chuẩn bị những bước phát triển mới với ưu tiên mới như năng lượng nguyên tử và công nghiệp điện tử(14). Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

Chính nhờ cơ chế quản lý kinh tế hỗn hợp cùng các ưu tiên chiến lược nêu trên, được điều chỉnh trong mỗi kế hoạch 5 năm tùy tình hình và điều kiện cụ thể, lĩnh vực này có thể được ưu tiên hơn lĩnh vực kia, mà trong giai đoạn này, Ấn Độ, từ chỗ nạn đói hoành hành, đã tự túc được lương thực và tiến tới xuất khẩu. Ấn Độ đã vươn lên đứng thứ mười thế giới về sản lượng công nghiệp, thứ ba thế giới về đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, sau Mỹ và Nga; ngày càng tăng khả năng huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế độc lập theo mô hình công nghiệp hóa tự lực, tự cường.

Để tránh khó khăn bởi sự sa sút của thị trường Liên Xô và Đông Âu, tránh sự phụ thuộc và bị các nước phương Tây chi phối, ngay từ những năm 1980, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi đã đề xướng tư tưởng “hướng Đông” nhằm chú ý hơn mối quan hệ với Trung Quốc và các nước nằm ở phía Đông Ấn Độ. Từ đó, tư tưởng “hướng Đông” dần dần hình thành, là cơ sở để Chính sách hướng Đông ra đời vào năm 1992.

Về quốc phòng, an ninh

Chính sách an ninh Ấn Độ trong những năm J. Nehru cầm quyền cho đến thất bại trong chiến tranh Ấn Độ - Trung Quốc năm 1962 dựa trên chính sách quốc phòng thông qua ngoại giao. Chìa khóa cho vấn đề an ninh là nhằm đạt đến khả năng tự lực thông qua phát triển. Chính vì thế, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ trước năm 1962 ở mức thấp. Cuộc chiến tranh năm 1962 đã làm thay đổi nhận thức này của Ấn Độ: Ấn Độ bắt đầu chi tiêu cao cho quốc phòng và thừa nhận cần thiết phải có tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch quốc phòng với những nhiệm vụ được xác định cụ thể là: Mở rộng và hiện đại hóa quân đội; Hiện đại hóa lực lượng không quân; Tạo một cơ sở sản xuất phù hợp; Cải tiến và mở rộng các phương tiện thông tin liên lạc và giao thông vận tải; Thay thế các tàu chiến cũ để Hải quân Ấn Độ có sức mạnh cân bằng(15). Kế hoạch quốc phòng của Ấn Độ được chuẩn bị trong năm 1964 đã xác định mục tiêu chính là cần thiết phải xây dựng các khả năng phòng thủ tương xứng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước(16). Bước chuyển này trong chính sách quốc phòng của Ấn Độ là cơ sở quan trọng để Ấn Độ bảo đảm tự chủ chiến lược.

Để bảo đảm tự chủ về quốc phòng, năm 1961, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trong Thế giới thứ ba mua và vận hành một tàu sân bay lớp Majestic của Anh. Tàu này đã đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Bănglađét năm 1971, được sử dụng để phong tỏa mọi hoạt động vận chuyển giữa các vùng phía Đông và phía Tây của Pakistan.

Năm 1962, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Liên Xô về máy bay tiêm kích MiG, bao gồm điều khoản cho phép Ấn Độ sản xuất máy bay MiG(17). Tiếp đó, Ấn Độ mua một số tàu hộ vệ lớp Petya và tàu ngầm, mua máy bay cường kích Su-7B, xe tăng chiến đấu chủ lực DT-76, T-54 và các thiết bị quân sự khác. Sau năm 1964, phần lớn trang thiết bị quân sự của Ấn Độ đến từ Liên Xô. Trong thời gian từ năm 1965-1974, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Ấn Độ chiếm 81,4%, trong khi đó, của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2,4%(18). Năm 1980, Ấn Độ đã mua 3 chiếc vận tải cơ AN-32 từ Liên Xô, năm 1981, mua 1 chiếc MiG-23. Ấn Độ cũng được ưu tiên mua máy bay chiến đấu hiện đại MiG-29 trước cả đồng minh Đông Âu của Liên Xô(19).

Từ những năm 1970, Ấn Độ đã có một số nỗ lực quan trọng để củng cố, hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, phát triển khả năng quân sự của mình. Từ thập niên 1980, Ấn Độ đã theo đuổi một chính sách an ninh chủ động hơn.

Chính sách hạt nhân của Ấn Độ được xây dựng dựa trên nguyên tắc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để khai thác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và đạt tới tự lực trong chương trình hạt nhân. Từ những năm 1970, chương trình hạt nhân của Ấn Độ đã có hướng đi dứt khoát. Vụ thử hạt nhân năm 1974 chứng minh khả năng Ấn Độ có thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân. Kể từ đây, Ấn Độ bắt đầu phát triển một học thuyết hạt nhân rõ ràng, phù hợp với những hoàn cảnh thay đổi. Các vụ thử hạt nhân đã chứng minh khả năng của Ấn Độ về vũ khí hóa chương trình hạt nhân. Nó bảo đảm an ninh cho Ấn Độ bằng khả năng mặc cả về vấn đề an ninh, đồng thời, tạo khả năng răn đe rằng, Ấn Độ có thể chuyển khả năng hạt nhân của mình thành vũ khí hạt nhân. Đồng thời, việc Ấn Độ ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân đã giúp Ấn Độ duy trì lợi thế ngoại giao của một cường quốc phi hạt nhân và tiếp tục chương trình giải trừ quân bị và nghị sự hòa bình của nước này(20). Học thuyết hạt nhân “mập mờ một cách có chủ ý”(21) này là bước đi khôn khéo trong tự chủ chiến lược của Ấn Độ.

3. Tự chủ chiến lược của Ấn Độ trong thời kỳ thế giới đơn cực (1991-2014)

Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ phải chuyển hướng mạnh mẽ về mọi mặt để thích ứng với tình hình mới và đáp ứng với nhu cầu phát triển của đất nước.

Về chính trị, đối ngoại

Ấn Độ tiếp tục kiên trì giữ vững và đề cao tự chủ chiến lược. Mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là điều chỉnh chính sách đối ngoại trong bối cảnh thế giới đơn cực sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Pranab Mukherjee khẳng định: “Trong bối cảnh đó, cần thiết phải xác định lại vai trò của Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam - Nam. Động lực cơ bản của chính sách của chúng ta là thúc đẩy lợi thế quốc gia, đóng góp cho hòa bình, an ninh và hợp tác với tất cả các nước đặc biệt là với thế giới đang phát triển”(22). Mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thời kỳ này là: (1) Bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là mục tiêu xuyên suốt mọi thời kỳ. (2) Ấn Độ nhấn mạnh các nội dung kinh tế, cụ thể: Tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế; Tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới nhằm tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật cao; Đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu; Nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ trong khu vực và thế giới, đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc châu Á và thế giới vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, giành vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới mới(23).

Năm 2007, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Pranab Mukherjee nhấn mạnh, xây dựng quyền tự chủ chiến lược là lựa chọn của Ấn Độ và hướng tới phát triển quyền tự chủ chiến lược trong một không gian rộng lớn hơn(24). Từ năm 2008, tự chủ chiến lược được nhấn mạnh trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ, đặc biệt, tự chủ chiến lược là nhân tố được nhấn mạnh đậm nét trong bài phát biểu của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil tháng 8-2011 và trong các báo cáo đối ngoại của Quốc hội Ấn Độ.

Từ giữa những năm 2000, những ý tưởng “đa liên kết” đã manh nha xuất hiện dưới thời Thủ tướng M. Singh, như một công cụ để phát triển kinh tế của Ấn Độ và đối phó với các thách thức về an ninh, đưa Ấn Độ vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, cho phép Ấn Độ phát huy những giá trị dân chủ riêng mà không chịu sự chi phối của các nước phương Tây. Đây là những tiền đề quan trọng để Ấn Độ triển khai chiến lược “đa liên kết”, củng cố, phát huy vai trò của Ấn Độ sau này.

Chính sách đối ngoại với các nước láng giềng Nam Á được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Ấn Độ đã, một mặt, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua các chương trình viện trợ, đầu tư và buôn bán song phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác khu vực, đưa hoạt động của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) thiết thực và hiệu quả hơn. Mặt khác, Ấn Độ có thái độ hào hiệp, nhân nhượng trong việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp với các nước láng giềng.

Từ năm 1997, Ngoại trưởng Ấn Độ I. K. Gujral đã đưa ra chính sách 5 điểm đối với các nước Nam Á (học thuyết Gujral). “Học thuyết Gujral, nếu tôi có thể gọi nó như vậy, tuyên bố rằng: thứ nhất, với các nước láng giềng như Bănglađét, Bhutan, Maldives, Nepal và Sri Lanka, chúng ta không yêu cầu hình thức có đi có lại mà chúng ta có thể cho bất cứ thứ gì mà chúng ta có thể với một thiện chí. Thứ hai, không một quốc gia nào được phép sử dụng lãnh thổ của họ để chống lại các nước khác trong khu vực. Thứ ba, không nước nào được phép can thiệp vào những vấn đề nội bộ của nước khác. Thứ tư, tất cả các nước Nam Á cần phải tôn trọng chủ quyền và giá trị lãnh thổ của các nước khác. Và cuối cùng, họ sẽ giải quyết tất cả những vấn đề tranh chấp bằng các cuộc đàm phán hòa bình song phương”(25).

Về kinh tế

Trước tình hình khủng hoảng kinh tế của đất nước, từ tháng 7-1991, Ấn Độ quyết định thực hiện mạnh mẽ chính sách tự do hóa, quyết tâm thực hiện tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, coi trọng kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và kinh tế đối ngoại hơn trước. Từ tháng 7-1991, Ấn Độ đã tiến hành cải cách kinh tế toàn diện, điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp và đóng cửa sang nền kinh tế thị trường, tự do hóa và mở cửa, phát triển năng động, nâng cao khả năng cạnh tranh, từng bước hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế.

Công cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ từ năm 1991 vừa nhằm ổn định hóa, vừa tự do hóa nền kinh tế tập trung vào những nội dung chính là: (1) Lấy lại sự cân bằng vĩ mô, giảm bớt mức thâm hụt của ngân sách chính phủ, kiểm soát lạm phát; (2) Nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách tái cấu trúc khu vực này; (3) Từng bước tự do hóa thị trường tài chính, thả nổi một phần đồng rupee, giảm thuế quan, thúc đẩy nhập khẩu,...

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Solanki nhận định rằng: “kinh tế toàn cầu hóa đã trở thành động lực quan trọng nhất quyết định quan hệ quốc tế mới... Sức mạnh kinh tế ngày càng tương đối quan trọng hơn sức mạnh quân sự, thị trường sẽ thay thế chiến trường”(26). Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định: “Kinh tế và thương mại là ngôn ngữ mới của ngoại giao”(27) và hết sức chú trọng kinh tế đối ngoại.

Năm 1992, Chính sách hướng Đông ra đời nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước châu Á khác. Việc Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại từng phần của ASEAN năm 1993, thành viên đối thoại đầy đủ năm 1995, và chính thức tham gia Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và diễn đàn ARF tại Jakarta năm 1996 đã mở đường cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Ấn Độ và ASEAN, đặc biệt là về kinh tế.

Năm 1997, Ấn Độ là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Hợp tác Kinh tế vùng Vịnh Bengal (BIMSTEC) gồm Bănglađét, Ấn Độ, Mianma, Xrilanca, Thái Lan.

Ngày 13-5-1998, sau khi Ấn Độ kết thúc thành công năm vụ thử hạt nhân, Tổng thống Mỹ B. Clinton đã ký lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Ấn Độ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không những không cản trở được chính sách độc lập, tự chủ chiến lược của Ấn Độ mà còn có tác dụng thúc đẩy cải cách ở Ấn Độ nhằm khai thác các nguồn nội lực để bù lại thiệt hại trong lĩnh vực đầu tư từ Mỹ, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư mới từ các nước và khu vực khác. Trước thực tế đó, cả Ấn Độ và Mỹ đều nỗ lực cải thiện quan hệ này, trong đó có một số vòng thương lượng xung quanh vấn đề Ấn Độ ký Hiệp ước Cấm thử hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Kết quả là lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ từng phần, tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn và ngày 17-9-2004, hai bên đã ký Đối tác chiến lược toàn diện (NSSP). Kể từ đây, Ấn Độ có điều kiện và tranh thủ được khoa học kỹ thuật công nghệ cao từ Mỹ thông qua nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp như phần mềm máy tính, thông tin, viễn thông, năng lượng, chế biến thực phẩm,...

Về quốc phòng, an ninh

Ấn Độ độc lập dù đã tiếp quản các ngành công nghiệp quốc phòng từ Anh nhưng với năng lực hạn chế. Sự thay đổi thực sự trong sản xuất quốc phòng của Ấn Độ chỉ bắt đầu sau cuộc chiến tranh năm 1962 với Trung Quốc với những mục tiêu bản địa hóa trong lĩnh vực quốc phòng, tuy nhiên, đến năm 2001, Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập khẩu gần 70% nhu cầu cho các lực lượng vũ trang. Tháng 1-2001, Ấn Độ công bố Chính sách về sản xuất quốc phòng, nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm bản địa hóa, tự lực về quốc phòng của Ấn Độ. Đây là một điểm rất đáng lưu tâm về tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Tháng 5-2001, Ấn Độ cho phép khu vực tư nhân tham gia sản xuất quốc phòng.

Sau thất bại trong cuộc bầu cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 1996, Ấn Độ xác định rằng: nếu chỉ có thái độ xử sự đúng mực trong quan hệ quốc tế mà không có sức mạnh tổng hợp của hai yếu tố kinh tế và quân sự thì sẽ không thể gặt hái được thành công. Bởi vậy, từ nửa sau thập kỷ 1990, Ấn Độ đã tập trung vào phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Tháng 5-1998, Ấn Độ đã cương quyết hoàn thành chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân mà họ đã xúc tiến từ những năm 1970, mặc dù đã lường trước được sức ép quốc tế và sự trừng phạt kinh tế của các cường quốc, sự phản ứng của những nước đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP) và Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ đã có bước đi cần thiết để làm dịu tình hình: một mặt, Ấn Độ đã giải thích lý do những vụ thử hạt nhân của mình với một số nước lớn và trong một số diễn đàn quốc tế; mặt khác, Ấn Độ có những động thái ngoại giao để giảm bớt căng thẳng với Pakítxtan.

Dự thảo Học thuyết hạt nhân của Ấn Độ ngày 17-8-1999 đã biện hộ cho quyền tự chủ trong việc ra quyết định về an ninh của Ấn Độ, tự chủ chiến lược trong lĩnh vực an ninh quốc phòng... nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một khả năng răn đe để bảo đảm việc theo đuổi chính sách phát triển. Ngày 04-01-2003, Ấn độ đã chính thức thông qua Học thuyết Hạt nhân của chính mình. Các tranh luận ở Ấn Độ về chính sách hạt nhân của mình thể hiện cả cách tiếp cận hòa bình lẫn nỗ lực phấn đấu nhằm đạt được sự tự chủ. Sự khẳng định về khả năng đưa ra quyết định độc lập bất chấp các biện pháp trừng phạt đã làm cho vụ thử hạt nhân của Ấn Độ trở thành một biểu tượng về sự trỗi dậy của thế giới đang phát triển. Vũ khí hạt nhân của Ấn Độ thể hiện khả năng công nghệ và chính trị của Ấn Độ(28).

Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn tiếp tục là nước cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 10-2000, hai nước đã ký Hiệp định Phòng thủ quân sự, theo đó, Ấn Độ sẽ sản xuất xe tăng T 90 cho Nga, còn Nga sẽ cung cấp 3 tỷ USD vũ khí quân sự các loại cho Ấn Độ.

Ấn Độ nhập nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự từ Mỹ: 126 máy bay chiến đấu đa năng, các máy bay lên thẳng, máy bay do thám hải quân tầm xa, đồng thời, tiếp cận được với một số công nghệ mới của Mỹ trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng như công nghệ khoảng không vũ trụ và hạt nhân. Từ năm 1992, Ấn Độ và Mỹ đã tổ chức tập trận hải quân chung tại vùng Malabar ở bờ Đông Ấn Độ.

Sau Chiến tranh Lạnh, nhất là sau khi Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân năm 1998, các quan chức Ấn Độ thường sử dụng khái niệm tự chủ chiến lược nhằm khẳng định rằng, Ấn Độ, một nước không ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, sẽ không bao giờ chấp nhận các hạn chế quốc tế đối với chương trình hoặc học thuyết vũ khí hạt nhân của mình vì lý do an ninh quốc gia(29).

Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10-1999, Tổng thống Ấn Độ Kocheril Raman Narayanan khẳng định: “Ấn Độ duy trì cam kết đối với vấn đề giải giáp hạt nhân toàn cầu dựa trên nền tảng không phân biệt đối xử. Đồng thời, chính quyền Ấn Độ sẽ bảo đảm tự chủ chiến lược của đất nước dựa trên những quan ngại chính đáng về an ninh và đánh giá về môi trường an ninh quốc tế”(30).

Thỏa thuận hạt nhân Ấn Độ - Mỹ năm 2005 có ý nghĩa tái cấu trúc cán cân quyền lực toàn cầu, gắn kết Ấn Độ và Mỹ trong những mục tiêu và lợi ích chung. Tháng 8-2006, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố: “không có gì trong thỏa thuận hạt nhân này có thể làm tổn hại đến quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ”(31).

Với ý thức độc lập, tự cường mạnh mẽ, tuy điều chỉnh chính sách, chiến lược trong thời gian này, nhưng Ấn Độ vẫn không từ bỏ những điều mà Ấn Độ coi là đúng và có tính chất nguyên tắc của mình. Trong cuộc họp Quốc hội ngày 3-9-1992, Thủ tướng Narasimha Rao đã phát biểu: “Thế giới đã thay đổi, các nước đều đã thay đổi và không có gì có thể biện minh nếu Ấn Độ không thay đổi. Chúng ta phải điều chỉnh và có cách đề cập thực tế, nhưng chúng ta không bao giờ thay đổi nguyên tắc và mục tiêu”. Ấn Độ cương quyết trong một số vấn đề như vấn đề thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vấn đề Kasmir...

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 20-7-2023; Ngày bình duyệt: 10-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1), (3), (4), Vítor Bento: Strategic Autonomy and Economic Power: the Economy as a Strategic Theater, Routledge Advances in Defense Studies, Routledge, Taylor & Francis Group, 2022.

(2) S. Kalyanaraman: “Aravind Devanathan asked: What is ‘strategic autonomy’? How does it help India’s security?, https://idsa.in/askanexpert/strategicautonomy_indiasecurity, 20-1-2015.

(5), (6), (9), (11), (24), (29), (31) Jeff M. Smith: “Strategic Autonomy and US - India Relations”, War on the Rocks, https://warontherocks.com/2020/11/strategic-autonomy-and-u-s-indian-relations, 06-11-2020.

(7) Jawaharlal Nehru: Chính sách ngoại giao của Ấn Độ, New Delhi, Phòng Xuất bản, Chính phủ Ấn Độ, 1971; tr.79-80.

(8) Robert J. McMahon: The Cold War on the Periphery, The United States, India and Pakistan, Columbia University Press, USA, 1994, p.29.

(10) Jawaharlad Nehru: India’s Foreign Policy, Government of India, Ministry of Information and Broadscating, New Delhi, 1983, p.38.

(12) V. N. Khanna: Foreign Policy of India, Vikas Publishing House Pvt.Limited, India, 2012, p.37.

(13), (14) Lê Văn Toan, Đỗ Đức Định (đồng chủ biên): Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực, tự cường, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2017, tr.20-21, 25, 34-35.

(15) Bộ Quốc phòng Ấn Độ: Báo cáo thường niên 1963-1964, tr.2-3.

(16) Bộ Quốc phòng Ấn Độ: Báo cáo thường niên năm 1967-1968, New Delhi: Phòng Xuất bản, Chính phủ Ấn Độ, 1968, tr.4.

(17) P. R. Chari: Hợp tác quân sự Ấn Độ - Liên Xô: Một đánh giá, Khảo sát châu Á, t.19, số 3, 1979, tr.230-244.

(18) US Arms Control and Disarmament Agency (1976): World Military Expenditure and Arms Transfers 1966-1975, D.C.US Government, Washington, p.78.

(19) Ramesh Thakur và Caryle Thayer: Quan hệ Liên Xô với Ấn Độ và Việt Nam, Nxb Đại học Oxford, 1993, tr.96-97.

(20), (21), (28) Shrikant Paranjpe: Văn hóa chiến lược của Ấn Độ. Xây dựng chính sách an ninh quốc gia, Nxb Thông tin và Truyền thông, biên dịch: Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, tr.98, 98, 125-127.

(22) The Economic Times, New Delhi, 29-7-2000.

(23) Trần Thị Lý (chủ biên): Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ (từ 1991 đến 2000, Nxb. Khoa học xã hội, 2002, tr.114.

(25) Speech by the External Affairs Minister -

Shri I.K. Gujral “Essential Tenets of Indian Foreign Policy” on the Occasion of the Indian Association for International Affairs, New Delhi, 15th, January, 1997.

(26) Hoàng Hải: Đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ, tìm hiểu Ấn Độ, Hà Nội, 1993, tr.67.

(27) TTXVN: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 19-3-1998.

(30) Honourable Membersa: “Address to Parliament”, 25-10-1999, https://eparlib.nic.in/bitstream/.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền