Trang chủ    Quốc tế    Những lập luận chính trị căn bản của chủ nghĩa lập hiến
Thứ hai, 06 Tháng 10 2014 10:47
2416 Lượt xem

Những lập luận chính trị căn bản của chủ nghĩa lập hiến

(LLCT) - Trong đời sống chính trị đương đại, hiến pháp có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tính chính đáng của đời sống chính trị và nền dân chủ. Nó xác lập mục đích và nhiệm vụ cốt yếu của chính quyền, quyền hạn của mỗi cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước, quan hệ giữa chính quyền và xã hội, quan hệ giữa các cơ quan trong chính quyền, những giới hạn mà chính quyền được làm, quyền con người và quyền công dân. Đó chính là những quan hệ cơ bản nhất trong xã hội cần hiến định.

Hiến pháp và trật tự hiến định thực tiễn là hai mặt của chủ nghĩa lập hiến. Khẳng định ở mức cao nhất về mặt pháp lý và bảo đảm thực hiện trong thực tiễn cuộc sống các lợi ích cao nhất, trường tồn và bền vững nhất của đất nước, của dân tộc. Chủ nghĩa lập hiến được coi là yếu tố đầu tiên trong thang giá trị của nhà nước pháp quyền.

Những nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa lập hiến hiện đại được đặt nền móng trong những tác phẩm vĩ đại về khế ước xã hội, đặc biệt những tác phẩm của các triết gia Anh Thomas Hobbes và John Locke thế kỷ XVII và triết gia Pháp J.J. Rousseau thế kỷ XVIII. Các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng đã đưa ra triết lý về một nền lập hiến, với sự hiện diện của các bản hiến pháp dân chủ và hiện đại, hiến pháp trở thành thước đo dân chủ và tiếng nói chung của trật tự thế giới.

Chủ nghĩa lập hiến có quá trình phát triển lâu dài và phức tạp từ thời cổ đại đến thời hiện đại với những biểu hiện khác nhau. Charles Howard McIlwain (1871-1968) khái quát rằng: yếu tố ổn định nhất của chủ nghĩa lập hiến thực sự vẫn giữ lại những gì được hình thành từ lúc đầu: sự giới hạn chính quyền bằng luật pháp. Chủ nghĩa lập hiến được coi là nền tảng để ra đời các bản hiến pháp và chứng minh sự tồn tại và vai trò của các bản hiến pháp trong đời sống chính trị xã hội, là thước đo sự phù hợp một cách thực tế và hiệu quả trong hành vi của chính quyền đối với những giới hạn pháp lý, những giới hạn có thể tồn tại dưới dạng thành văn hoặc bất thành văn phản ánh những giá trị chung được cộng đồng thừa nhận.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều tranh luận trái ngược nhau về chủ nghĩa lập hiến, đặc biệt những lập luận chính trị căn bản của chủ nghĩa lập hiến. Những lập luận chính trị căn bản của chủ nghĩa lập hiến được thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, quan điểm của chủ nghĩa lập hiến về chính quyền nhà nước và nhà nước pháp quyền.Nhiều giả thuyết đã được phát triển để giải thích bản chất của chính phủ bằng cách đưa ra các giả thiết chính phủ đã ra đời như thế nào từ trạng thái tự nhiên. Một giả định như vậy đã đóng một vai trò quan trọng trong tư tưởng chính trị phương Tây kể từ khi Thomas Hobbes và John Locke sử dụng chúng để chứng minh rằng chính quyền nhà nước được đặt trên một khế ước xã hội - có nghĩa là, một thỏa thuận trong nhân dân để tạo thành một thực thể chính trị ban cho nó những quyền độc quyền để thực thi quyền lực cưỡng chế. Hobbes và Locke xây dựng lý thuyết của họ không phải là những suy đoán thuần túy trừu tượng, mà là để cung cấp hướng dẫn cho người Anh trong thời gian diễn ra những biến động chính trị lớn và giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Về cơ bản, quan niệm của họ về nhà nước là tương đồng: Quyền lực chính trị xuất phát từ những người bị nó chi phối, và nhà nước là một tạo tác xã hội thiết thực, được tạo ra bởi con người để họ có thể hưởng thụ những lợi ích của một xã hội dân sự hòa bình và trật tự.

Cách diễn đạt của Locke và Hobbes về nhà nước là một bước tiến lớn trong sự phát triển của lý luận chính trị hiện đại. Sự giải thích về sự cần thiết của nhà nước với tư cách chủ thể rất đặc biệt, đã gắn với Locke và Hobbes như sự phát triển lập luận chính trị căn bản của chủ nghĩa lập hiến hiện đại sau này.

Thứ hai, quan điểm của chủ nghĩa lập hiến về quyền con người và chủ quyền nhân dân. Cuộc cách mạng ở Anh đã được diễn ra không phải chỉ để bảo vệ quyền sở hữu tài sản (theo nghĩa hẹp) mà còn thiết lập các quyền tự do, có giá trị tinh thần thiết yếu cho phẩm cách của con người. “Các quyền con người” được nêu trong Đạo luật về các quyền năm 1689 (Bill of Rights, 1689) của nước Anh dần dần được phổ biến, nhất là trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp năm 1789. Thế kỷ XVIII chứng kiến sự xuất hiện của chế độ chủ nghĩa hợp hiến tại Mỹ và Pháp; và tới thế kỷ XIX thì chế độ này lan ra tới các nước Đức, Ý và các nước phương Tây khác với những mức độ thành công khác nhau.

Ở Mỹ, trật tự hợp hiến của xã hội Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng sự nhất trí của công dân tự do và có lý trí, thể hiện trong biểu tượng “khế ước xã hội” làm cơ sở để đạt được những mục đích nhất định. Thuyết “khế ước xã hội” cực thịnh ở châu Âu thế kỷ XVII và XVIII, gắn liền với tên tuổi nhà triết học Anh Thomas Hobbes, John Locke và nhà triết học Pháp Jean-Jacques Rousseau. Những nhà tư tưởng này đã tiếp cận nghĩa vụ chính trị của các cá nhân đối với cộng đồng trên cơ sở lợi ích và lý trí. Kết quả là sự tham gia của công dân vào nền dân chủ hợp hiến đi kèm với trách nhiệm tuân thủ luật pháp và các quyết định của cộng đồng trong các vấn đề chung, thậm chí khi cá nhân bất đồng gay gắt. Aristotle và Spinoza đều cho rằng, cả tội phạm vô chính phủ và “kẻ bề trên”, nhà độc tài, đều sẽ sử dụng luật pháp theo ý mình, do đó đều không được chấp nhận trong xã hội. Hobbes, Locke và những nhà sáng lập nước Mỹ đều đồng ý như vậy. Luật pháp và chính sách của chính phủ hợp hiến dựa trên sự nhất trí nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân nói chung và từng cá nhân nói riêng trong xã hội.

Thứ ba, quan điểm của chủ nghĩa lập hiến về phân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước.Bầu cử là cách thức nhân dân kiểm soát chính quyền. Muốn đắc cử trong một cuộc bầu cử, ứng cử viên phải tỏ ra là những người xứng đáng đại diện cho nhân dân. Nhân dân có thể bầu ra nhà cầm quyền thì cũng có thể bãi miễn nếu họ không còn sự tín nhiệm của nhân dân. Chế tài này sẽ làm cho nhà cầm quyền cẩn trọng và dân chủ trong hoạt động của mình. Để giới hạn chính quyền, khi trao quyền cho nhà nước thông qua hiến pháp, người dân không trao cho nhánh nào toàn bộ quyền lực mà trao theo cơ chế phân quyền.

Nhiều hiến pháp của các nước châu Âu trực tiếp khẳng định nguyên tắc phân quyền. Theo cơ chế phân quyền, các ngành quyền lực độc lập nên sự lạm quyền được kiểm soát, không một ngành quyền lực nào được coi là đại diện duy nhất cho chủ quyền nhân dân. Tư pháp độc lập và có tòa án hiến pháp trở thành tiêu chí đánh giá nền dân chủ, sự hoàn thiện của thể chế chính trị;  chủ quyền nhân dân, chính quyền nhân dân, phân công quyền lực, kìm chế, đối trọng quyền lực, các quyền cơ bản của công dân khó có thể được đảm bảo nếu không có một yếu tố cuối cùng của chủ nghĩa lập hiến là một hệ thống tư pháp độc lập. Các chính quyền hợp hiến ngày nay đều cam kết bảo đảm sự độc lập của cơ quan tư pháp. Vì chỉ khi có điều này thì những yếu tố khác của chủ nghĩa lập hiến mới được đảm bảo. Không có hệ thống tư pháp độc lập sẽ không có người giữ gìn sự tối cao của hiến pháp. Không có hệ thống tư pháp độc lập, sẽ không có ai gìn giữ công cuộc phân quyền mà hiến pháp tiến hành, không có ai bảo vệ người dân khi các quyền cơ bản của họ bị xâm hại.

Độc lập tư pháp không có nghĩa là thẩm phán muốn xét xử như thế nào cũng được mà có nghĩa là họ được tự do đưa ra những quyết định hợp pháp mà không chịu sự can thiệp của bất cứ thế lực nào, kể cả khi những quyết định này mâu thuẫn với chính phủ. Những phán quyết của cơ quan tư pháp phải vô tư, dựa trên thực tế vụ việc, hành động của các cá nhân, các lập luận pháp lý và luật liên quan, và không chịu bất cứ hạn chế hay ảnh hưởng không đúng đắn nào của các bên hữu quan. Nguyên tắc này đảm bảo cho mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Độc lập tư pháp cũng cho phép tòa án được quyền xem xét tính hợp hiến trong hành vi của hai ngành quyền lực còn lại là lập pháp và hành pháp.

Thứ tư, quan điểm của chủ nghĩa lập hiến về giới hạn phạm vi hoạt động của chính quyền.Nhân dân sẽ không giới hạn chính quyền một cách hiệu quả nếu hiến pháp chỉ ấn định cơ chế phân quyền. Hiến pháp còn phải vạch ra những giới hạn mà các ngành quyền lực không được vi phạm. Đó là quyền cơ bản của công dân. Việc quy định quyền công dân trong hiến pháp không có nghĩa là hiến pháp tạo ra các quyền của công dân. Các quyền của công dân xuất phát từ quyền của con người, chứ không phải hiến pháp hay nhà nước ban cho con người. Việc ghi nhận quyền công dân trong hiến pháp có nghĩa rằng hiến pháp tôn trọng các quyền tự nhiên của con người; hiến pháp giới hạn nhà nước để không xâm phạm vào các quyền con người và buộc nhà nước phải bảo vệ các quyền con người đó.

Như vậy, những lập luận chính trị căn bản của chủ nghĩa lập hiến luôn xoay quanh vấn đề luận giải sự cần thiết và vị trí, vai trò quan trọng mang tính quyết định của hiến pháp và tư duy lập hiến trong đời sống chính trị hiện đại. Những lập luận chính trị chủ yếu được chủ nghĩa lập hiến thể hiện thông qua những luận điểm về việc đề cao những giá trị cao cả của quyền con người, chủ quyền tối thượng thuộc về nhân dân; sự giới hạn phạm vi của quyền lực, của chính quyền trong việc hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực; sự phân quyền, độc lập của tư pháp trở thành tiêu chí quan trọng của một nhà nước pháp quyền. Hiến pháp trở thành công cụ pháp lý quan trọng bậc nhất để hiện thực hóa nhân quyền và xác định hành lang pháp lý cho các thể chế chính trị và cũng là cơ chế để hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2014

TS Tống Đức Thảo

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền