Trang chủ    Quốc tế    Tính chất địa chính trị của liên kết song phương Việt Nam với các nước láng giềng
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:54
2468 Lượt xem

Tính chất địa chính trị của liên kết song phương Việt Nam với các nước láng giềng

(LLCT) - Chính sách đối ngoại “Việt Nam làm bạn với tất cả các nước” đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, nâng cao sức mạnh quốc gia của Việt Nam. Trong số các quan hệ quốc tế rộng lớn, đa tầng nấc đó của Việt Nam, thì hệ thống các liên kết song phương, nhất là liên kết với các đối tác chiến lược giữ một vai trò rất quan trọng. Chúng đã bảo đảm cho đất nước ta có hoà bình, ổn định và phát triển trong gần  3 thập niên qua.

 

Trong hệ thống quan hệ quốc tế, quan hệ song phương là kiểu quan hệ có lịch sử lâu đời nhất và mang tính điển hình nhất. Việt Nam, với những đặc thù về hoàn cảnh địa lý, về lịch sử và văn hoá, về cấu trúc chính trị - xã hội hiện nay đang đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong cấu trúc quyền lực địa chính trị không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà còn cả ở phạm vi châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, bây giờ là lúc giới nghiên cứu chính trị, nghiên cứu chiến lược và các nhà chính trị cần quan tâm đi sâu nghiên cứu, xác định đúng đắn những ưu thế và bất lợi thế của nước ta trong bàn cờ địa chính trị quốc tế. Đồng thời, cần có đánh giá đúng đắn những thành công và chưa thành công trong hoạch định và thực thi các chính sách đối ngoại phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần tích cực vào việc xây dựng một trật tự quyền lực địa chính trị khu vực và toàn cầu, có lợi cho hoà bình, ổn định và phát triển.

Nếu lấy bất kỳ quốc gia nào đó làm tâm, thì mạng lưới quan hệ song phương của quốc gia đó sẽ giống như một trục quay, các quan hệ song phương biệt lập của nó với các quốc gia xung quanh khác tạo ra vô số các “nan hoa”. Trong toàn bộ mạng lưới quan hệ song phương đó, có những quan hệ ngoại giao thông thường theo đúng lễ nghi ngoại giao; cũng có những quan hệ mang tính đối địch hay xung đột; trái lại có những mối quan hệ gắn bó tương trợ và đoàn kết mà mức độ cao nhất của quan hệ liên kết này là quan hệ liên minh hay đồng minh với nhau. Tuy nhiên, thực tế lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy, ít khi các mối quan hệ này giữ ổn định mãi mãi: không thể bình thường mãi, xung đột mãi hay đồng minh mãi. Trái lại, các quan hệ có những khúc thăng trầm khác nhau, thay đổi nhau do bị chi phối bởi các nhân tố rất đa dạng và phức tạp xung quanh vấn đề lợi ích quốc gia. Trong đó nhân tố địa chính trị có một vai trò quan trọng, tạo nên các trật tự ổn định địa chính trị, xung đột địa chính trị và liên minh địa chính trị. Các quan hệ song phương giữa hai quốc gia hay hai thực thể có thể bao gồm các hình thái sau đây theo từng cặp đối lập:

Quan hệ đối tác bình đẳng hay quan hệ phụ thuộc

Quan hệ đối tác đồng thuận hay mâu thuẫn

Quan hệ liên kết hay xung đột

Quan hệ láng giềng hay không phải láng giềng

Liên kết song phươnglà kiểu quan hệ song phương nhóm thứ ba. Đó là kiểu quan hệ quốc tế tích cực giữa hai quốc gia, nó có thể tạo ra một liên minh hay quan hệ đồng minh, nhưng không nhất thiết mọi quan hệ liên kết song phương đều đạt tới mức của quan hệ đồng minh.

Trong trường hợp Việt Nam, các quan hệ liên kết song phương hiện nay (đầu thế kỷ XXI), trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến chuyển mau lẹ, mang những đặc điểm địa chính trị chủ yếu nào? Nói một cách khác, yếu tố địa lý đã chi phối các liên kết song phương của Việt Nam như thế nào?

Ở đây cần phân biệt hai cấp độ: (1) Sự chi phối của các nguyên tắc địa chính trị chung đối với thiết lập các liên kết song phương của Việt Nam; (2) Sự chi phối của các điều kiện địa chính trị đặc thù đối với liên kết song phương của Việt Nam với một nước cụ thể.

Về sự chi phối của các nguyên tắc địa chính trị chung, cần nêu rõ 2 điểm:

a) Nguyên tắc tạo hoà hiếu với các nước láng giềng chung đường biên giới.

Tạo mối quan hệ hoà hiếu với các nước láng giềng là một trong các nguyên tắc lớn của truyền thống chính sách đối ngoại Việt Nam. Tinh thần hoà hiếu không chỉ nhằm đến các nước láng giềng, mà là một nguyên tắc đối ngoại chung của Việt Nam, kể cả đối với kẻ thù của mình. Tuy nhiên, tuỳ vào hoàn cảnh lịch sử mà nguyên tắc này có những biến hoá nhất định. Thực tế lịch sử cho thấy, Việt Nam đã cố gắng thể hiện tinh thần hòa hiếu ngay cả trong tình cảnh Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Việc giúp nhân dân Campuchia những năm 1979 - 1989 là minh chứng về thái độ này.

Trong quan hệ với Trung Quốc, những ràng buộc địa chính trị khiến cho Việt Nam nhìn chung phải có một chính sách đối ngoại mềm dẻo, “lấy nhu thắng cương”, nhún nhường, thậm chí trong lịch sử đã từng phải cầu phong, triều cống. Nhìn trên hình thức có người lầm tưởng đó là nhu nhược. Nhưng thực ra đó là cái bên ngoài, còn thực sự bên trong là sự kìm nén lòng tự trọng và tự hào dân tộc cao độ. Lòng tự trọng, tự hào dân tộc và lòng yêu nước bị dồn nén ấy đã bùng lên thành núi lửa ngùn ngụt thiêu cháy mọi đạo quân xâm lược hùng hậu của phương Bắc trong lịch sử. Tinh thần hoà hiếu khiến người Việt Nam có thể làm những việc lạ thường: với tư cách kẻ chiến thắng, vua chúa Việt Nam vẫn dâng lễ lên Thiên triều là kẻ chiến bại để được kẻ chiến bại phong vương. Hiện nay, Trung Quốc đặt lợi ích địa chiến lược, lợi ích quốc gia dân tộc hẹp hòi lên trên hết, bất chấp các quan hệ giữa các quốc gia của thời đại toàn cầu hoá. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5-2014 chỉ là bước đi tất yếu của tiến trình thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông - không gian sinh tồn muôn đời của dân tộc Việt Nam - dưới một hình thái chiến tranh mới mà thôi. Do đó, để giải bài toán quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đưa quan hệ hai nước về đúng chuẩn mực quốc tế - bình đẳng, công bằng, hữu nghị - thì Việt Nam cần sử dụng mọi phương thức tự vệ, mọi hình thức, kể cả cuộc chiến tuyên truyền, sử dụng mọi nguồn lực và mọi hình thức đấu tranh.

b) Nguyên tắc tạo dựng quan hệ đồng minh với láng giềng.

Nhìn chung, đây là cách thức phổ biến mà các quốc gia áp dụng trong chính sách đối ngoại. Việt Nam trong lịch sử, do hoàn cảnh địa chính trị đặc thù ở khu vực, luôn chọn nước Lào là đồng minh chiến lược của mình. Ngày nay cũng vậy. Vấn đề là tại sao đồng minh chiến lược luôn luôn là nước Lào chứ không phải nước khác. Trên địa hình tự nhiên, về đường bộ cả Việt Nam và Lào đều theo trục Bắc-Nam. Còn về đường biển, Lào chỉ có thể thông thương qua một số tỉnh miền Trung Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên như thế, Việt Nam và Lào vừa có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những nét khác biệt. Việt Nam và Lào là những nước loại “trung bình nhỏ” và “tương đối nhỏ” sống cạnh nhau, lại nằm kề con đường hàng hải hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Đông Nam Á.

Việt Nam và Lào nằm ở trung tâm bán đảo Ấn - Trung, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Trong phạm vi bán đảo Đông Dương, Việt Nam nằm ở phía Đông Trường Sơn như một bao lơn nhìn ra biển, Lào nằm ở sườn Tây dãy Trường Sơn, lọt sâu vào đất liền của bán đảo.

Về quốc phòng, bờ biển Việt Nam ở phía Đông tương đối dài, trong khi dải đất dọc theo bờ biển lại tương đối hẹp, có chỗ chỉ mấy chục km đã tiếp giáp biên giới Lào, nên việc bố phòng về mặt biển gặp không ít trở ngại. Vì thế, dãy Trường Sơn ở chính là cái xương sống và bức tường thành hiểm yếu để hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau tạo ra thế chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng ở cả khu vực Đông Nam Á, trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Liên minh đặc biệt Việt - Lào còn dựa trên các nhân tố văn hoá và lịch sử. Do quan hệ gần gũi và lâu đời nên nhân dân hai nước Việt-Lào, đặc biệt là người dân ở vùng biên giới am hiểu về nhau khá tường tận và sự giao thương ở đây cũng khá nhộn nhịp. Cả hai dân tộc đều tiếp thu đạo Phật, có sự hài hoà giữa tình cảm nhân ái, vô ngã, tinh thần cộng đồng. Do đó, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã ngày càng hiểu nhau và bày tỏ những tình cảm rất chân thành với nhau. Về nhân tố lịch sử, theo các thư tịch cổ thì mối quan hệ Việt - Lào bắt đầu từ những năm 550 dưới thời Vạn Xuân của nhà tiền Lý. Bất chấp hoàn cảnh bất lợi của chế độ phong kiến kéo dài ở Đại Việt và Lạn Xạng, quan hệ nương tựa vào nhau giữa nhân dân hai nước vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Sang thế kỷ XX, truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của hai Đảng càng làm cho mối quan hệ Việt - Lào thêm gắn bó keo sơn. Ngày nay, Lào có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào. Việt Nam đã dành hẳn một vài hải cảng tốt nhất ở Bắc Trung bộ để Lào sử dụng làm cơ sở xuất nhập khẩu hàng hoá; đã viện trợ lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo cán bộ... Đó chính là nhân tố quyết định mối quan hệ  đặc biệt Việt Nam - Lào.

Trong bối cảnh quốc tế mới đầy phức tạp hiện nay, quan hệ liên minh Việt - Lào càng chứng tỏ tầm quan trọng sống còn của cả hai nước.

Về quan hệ Việt Nam - Campuchia: Campuchia có 800km biên giới với Thái Lan về phía Bắc và phía Tây, 541km biên giới với Lào về phía Đông Bắc, và 1.137km biên giới với Việt Nam về phía Đông và Đông Nam, có 443km bờ biển dọc theo Vịnh Thái Lan ở phía Nam. Trong tương quan địa chính trị, Campuchia nằm giữa hai quốc gia: phía Tây Bắc là Thái Lan và phía Đông Nam là Việt Nam. Cả hai vốn là đối thủ của nhau trong lịch sử khiến cho Campuchia chịu nhiều áp lực. Vì vậy, chính sách đối ngoại của
Campuchia có mục tiêu giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thông qua biện pháp chủ yếu là cân bằng quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng.

Nhìn từ phía Việt Nam, đặc điểm địa hình và sinh thái của vùng lãnh thổ tiếp giáp hai nước Việt Nam - Campuchia là đồng bằng sông Mê Kông tươi tốt. Dòng sông Mê Kông mênh mang đã không chảy dọc theo hướng Bắc Nam xuống vịnh Thái Lan (Biển Tây) mà chảy cắt theo hướng Đông Nam đổ ra Biển Đông, tạo ra môi trường tự nhiên thuận lợi để cư dân hai bên tràn sang nhau với quy mô lớn, xen cài cư trú và làm ăn; khó nhận biết đâu là ranh giới lãnh thổ của nuớc mình. Người dân Việt Nam trong quá trình tìm kế sinh nhai, nhất là dân chài lưới trên sông nước, cứ theo đường sông mà ngược lên đến tận Biển Hồ (Tongle Sap). Không những thế, nguời Hoa di cư cuối triều Minh ở Trung Quốc cũng góp công lớn cho quá trình mở mang lãnh thổ Nam Bộ.

Về mặt địa chính trị, các thế lực theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Campuchia luôn tìm cách khơi lại lịch sử, nuôi dưỡng tư tưởng dân tộc cực đoan, mà tập đoàn Khmer đỏ (1975 - 1979) với chính sách xâm lược Việt Nam, là đỉnh cao của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đó. Ngay cả thời kỳ từ khi Campuchia hồi sinh nhờ sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Việt Nam đến nay, không phải mọi vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước đều diễn ra suôn sẻ, cả trong phân định biên giới trên bộ lẫn trên biển (Vịnh Thái Lan). Do đó, có thể nói chiều sâu của tình cảm dân tộc đối với lãnh thổ quốc gia của người Campuchia và những mối quan hệ nội bộ của xã hội Campuchia đã chi phối mạnh mẽ mối quan hệ song phương Campuchia - Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia diện tích không lớn, người tương đối đông, trình độ kinh tế còn nhiều hạn chế, do vậy sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế quốc tế cũng có nhiều hạn chế. Để có thể bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thì ngoài việc củng cố và phát triển nội lực, Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ song phương hữu hảo với tất cả các quốc gia để có đủ sức mạnh - sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại - vượt qua mọi thách thức và nguy cơ to lớn hiện nay. Đến nay (2014), Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định đối tác chiến lược song phương, bao gồm hiệp định với Trung Quốc, Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia, Xinhgapo, Campuchia, Lào. Trong đó có 4 nước là uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Việt Nam đã thiết lập quan hệ mang tầm đối tác chiến lược với tất cả các nước. Toàn bộ các hoạt động đối ngoại hết sức năng động và chủ động của Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, theo quan điểm “tất cả các nước đều là bạn, là đối tác của Việt Nam”, và Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của tất cả các nước và cộng đồng quốc tế.

Chính sách đối ngoại “Việt Nam làm bạn với tất cả các nước” đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, nâng cao sức mạnh quốc gia của Việt Nam. Trong số các quan hệ quốc tế rộng lớn, đa tầng nấc đó của Việt Nam, thì hệ thống các liên kết song phương, nhất là liên kết với các đối tác chiến lược giữ một vai trò rất quan trọng. Chúng đã bảo đảm cho đất nước ta có hoà bình, ổn định và phát triển trong gần  3 thập niên qua.

Tuy nhiên, hệ thống liên kết song phương đó đang đứng trước những thách thức khắc nghiệt nhất của lịch sử hiện đại. “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21-5-2014.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

TSKH Lương Văn Kế

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền