Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển nguồn nhân lực cộng tác viên cho tạp chí khoa học lý luận, xã hội
Thứ năm, 30 Tháng 7 2015 15:46
2894 Lượt xem

Phát triển nguồn nhân lực cộng tác viên cho tạp chí khoa học lý luận, xã hội

(LLCT) - Tạp chí khoa học có nhiệm vụ chung là đăng tải, phổ biến các bài báo khoa học đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đây là phương tiện truyền thông về học thuật, là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu trao đổi các vấn đề khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn.

Tại các tòa soạn báo, phóng viên bản báo là đội ngũ chủ lực sáng tạo tin, bài, thì với các tạp chí khoa học, cộng tác viên là người sáng tạo, cung cấp nội dung bài vở, quyết định chất lượng và uy tín của tạp chí. Do vậy, các tạp chí đều tìm cách thu hút, phát triển nguồn lực này.

1. Khái niệm, phân dạng cộng tác viên tạp chí khoa học

Cộng tác viên tạp chí khoa học là tất cả nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có bài viết gửi đăng trên tạp chí. Họ không thuộc biên chế và quản lý của tòa soạn. Cộng tác viên được hưởng một số quyền lợi, như: được cộng tác, được tiếp nhận phản hồi của tòa soạn, được hưởng nhuận bút hoặc lương cộng tác viên, được đóng góp ý kiến phản biện cho tờ báo, được tham gia các hội nghị cộng tác viên,... Ngoài quyền lợi, cộng tác viên có trách nhiệm tuân thủ các quy định về đăng bài trên tạp chí và các quy định khác đối với cộng tác viên của tòa soạn (nếu có). Bên cạnh tham gia viết bài, cộng tác viên là những độc giả trung thành, thân thiết của cơ quan báo chí.

Cộng tác viên tạp chí khoa học có một số đặc điểm sau:

Có trình độ chuyên môn cao: Hầu hết cộng tác viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư. Nhiều người trong số họ là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học, có uy tín trong giới khoa học và xã hội.

Thường cộng tác theo lĩnh vực nhất định: có cộng tác viên chuyên  lĩnh vực lý luận báo chí; có cộng tác viên lĩnh vực tuyên giáo; có cộng tác viên chuyên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước; có cộng tác viên chuyên về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ...

Có năng lực viết bài báo khoa học, bảo đảm những yêu cầu của ban biên tập về chất lượng nội dung và hình thức bài báo.

Chiếm số lượng đông đảo nhất là các cộng tác viên đã và đang công tác trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy.

Cộng tác viên tạp chí khoa học có thể được phân thành các dạng, loại sau:

Căn cứ vào mức độ cộng tác, có cộng tác viên thường xuyên (cộng tác viên ruột) và cộng tác viên không thường xuyên. Cộng tác viên thường xuyên là người có nhiều bài viết được đăng trên tạp chí. Cộng tác viên không thường xuyên có thể chỉ cộng tác một vài lần, thời điểm cộng tác không liên tục. 

Căn cứ vào trình độ chuyên môn, uy tín của cộng tác viên, có cộng tác viên đặc biệt. Họ thường là người có uy tín xã hội, được tạp chí đặt bài để đăng vào dịp đặc biệt, chẳng hạn, đăng trên các số đặc biệt...Căn cứ vào chất lượng bài trên các lĩnh vực chuyên ngành, có cộng tác viên chuyên gia và cộng tác viên thường. Một số tòa soạn chia thành: cộng tác viên loại A, loại B, loại C. Cộng tác viên loại A phần lớn là các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học uy tín, thuộc đối tượng được tạp chí thường xuyên đặt bài (còn gọi là cộng tác viên “nòng cốt”). Bài viết của họ thường được xem là “bài đinh”, “điểm nhấn” của mỗi số tạp chí. Cộng tác viên loại B là người tự nguyện gửi bài cộng tác, và đa số bài viết được sử dụng. Cộng tác viên loại C có chất lượng bài viết chưa thực sự ổn định, hoặc những đối tượng “cần đăng bài điều kiện”- thường là những người mới bước vào con đường nghiên cứu khoa học, các học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh. Bài của họ thường phải biên tập kỹ mới có thể sử dụng được (do các tác giả chưa có phương pháp viết bài báo khoa học). 

Căn cứ vào lĩnh vực cộng tác, có cộng tác viên theo lĩnh vực, chuyên ngành. Chẳng hạn, cộng tác viên lĩnh vực lý luận chính trị (triết học, chính trị học, nhà nước và pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh...); cộng tác viên lĩnh vực báo chí truyền thông; cộng tác viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực tiễn,…

Căn cứ vào phạm vi cộng tác, có cộng tác viên “trong” (thuộc cơ quan chủ quản tạp chí) và cộng tác viên “ngoài” (thuộc các cơ quan khác).

2. Vai trò của cộng tác viên đối với tạp chí khoa học lý luận, xã hội

Cộng tác viên khoa học có vai trò như sau:

Cung cấp chất liệu nội dung cho tạp chí

Ngay từ đầu thành lập, các cơ quan chủ quản tạp chí luôn xác định cộng tác viên là nguồn cung cấp chất liệu nội dung cho ấn phẩm. Không có cộng tác viên, không có tạp chí khoa học. Bộ máy tòa soạn được xây dựng chủ yếu chỉ để thực hiện các công việc: tổ chức quản lý hoạt động tòa soạn, đặt bài, biên tập bài, thiết kế trình bày, làm công tác nhuận bút, phát hành... Lực lượng cộng tác viên càng đông đảo, nguồn bài vở càng dồi dào, tạp chí càng có cơ hội lựa chọn được những tác phẩm chất lượng cao để đăng tải.

Xây dựng, khẳng định thương hiệu, uy tín của tạp chí

Bài báo chất lượng cao hay trung bình..., phần lớn phụ thuộc vào tác giả - cộng tác viên. Chất lượng, uy tín, thương hiệu của tạp chí, phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ cộng tác viên. Nếu đội ngũ tác giả là những người có học hàm, học vị, là chuyên gia đầu ngành, là những cây bút giỏi, sắc sảo sẽ làm nên một tờ tạp chí có vị trí trong lòng độc giả, được xã hội trân trọng đón nhận.

Góp phần quảng bá tạp chí

Mỗi cộng tác viên là một nhà PR tiềm năng. Nhiều cộng tác viên sẵn sàng giới thiệu thêm những chuyên gia đầu ngành mà họ quen biết cho tạp chí. Một số cộng tác viên khác- khi có sản phẩm được đăng tải, thường giới thiệu với bạn bè đồng nghiệp, cũng là cách giúp tạp chí mở rộng lượng cộng tác viên và tăng độc giả tiềm năng. Biết quan tâm đến cộng tác viên, tạo được tình cảm tốt đẹp giữa tạp chí và tác giả là cách tốt để quảng bá tạp chí.

Giảm chi phí cho tòa soạn, cơ quan chủ quản

Cộng tác viên chỉ hưởng nhuận bút nếu bài viết được đăng. So với việc trả lương hàng tháng cho phóng viên, biên tập viên biên chế (hoặc hợp đồng) và chi phí “nuôi” một tòa soạn cồng kềnh gồm nhiều phòng, ban, số chi phí đó hẳn thấp hơn rất nhiều; trong khi bài vở lại phong phú, dồi dào và luôn tươi mới. 

3. Một số giải pháp phát triển nguồn lực cộng tác viên tạp chí

Bất kể tờ tạp chí khoa học nào - dù có quy mô lớn hay nhỏ gọn, cũng mong muốn có lượng bài vở dồi dào, do các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học uy tín viết bài. Nhưng thực tế, các cây bút giỏi thường bận rộn và thường “phải” san sẻ sự cộng tác cho nhiều tạp chí. Do đó, để thu hút lượng cộng tác viên loại A đông đảo, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng quy chế cộng tác viên. Quy chế cộng tác viên được xây dựng dựa trên chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích hoạt động, định hướng thông tin tuyên truyền từng thời kỳ của tạp chí. Quy chế thường quy định rõ đối tượng cộng tác; các tiêu chí về học hàm, học vị, kinh nghiệm chuyên môn, lĩnh vực công tác, cơ quan công tác...; quyền lợi, trách nhiệm của cộng tác viên - tác giả; trách nhiệm của tòa soạn đối với cộng tác viên - tác giả; các phương thức cộng tác...

 Các tạp chí thường phân loại cộng tác viên theo các nhóm tiêu chí (ví dụ: phân chia theo lĩnh vực, theo loại A, B, C...); xây dựng kho dữ liệu về cộng tác viên (họ tên, học hàm, học vị, đơn vị công tác, chức vụ, địa chỉ liên lạc, phương thức liên hệ, số bài cộng tác/năm, số giải thưởng tác giả nhận được từ tạp chí...). Kho dữ liệu cộng tác viên thường được lưu trên máy tính để dễ dàng cập nhật theo từng tháng, quý hoặc năm.

Thứ hai,đeo bám” cộng tác viên nòng cốt. Cộng tác viên nòng cốt - cộng tác viên loại A - bao giờ cũng là đối tượng được các tạp chí quan tâm, chú trọng. Nhiều tạp chí cử cán bộ “đeo bám” cộng tác viên nòng cốt để có bài đặt theo đúng kế hoạch, và thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với các tác giả bằng việc gửi báo biếu, gửi thư thăm hỏi, thậm chí có chế độ lương cộng tác viên đặc biệt...

Thứ ba, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa cộng tác viên và tòa soạn. Một số tạp chí đã thiết kế trang/chuyên mục “Tạp chí với bạn đọc” hoặc các chuyên mục tương tự, với mục đích thông báo bài “đến”, bài “đi”, thông báo rộng rãi kế hoạch đề tài từng tháng. Đề tài cụ thể, rõ ràng, phù hợp với định hướng thông tin tuyên truyền, phạm vi phản ánh của tạp chí là những gợi ý cần thiết giúp các cộng tác viên chủ động lựa chọn hướng nghiên cứu, giúp bài vở của cộng tác viên đi đúng trọng tâm, trọng điểm. Một số tạp chí còn đăng các ý kiến đóng góp, nhận xét... của cộng tác viên trên trang này.

Một số tạp chí lại tận dụng email để tương tác với tác giả: phản hồi về việc tiếp nhận bài vở, gửi lời nhận xét của ban biên tập và cách sửa chữa bài viết (nếu bài cần sửa chữa để sử dụng), gửi kế hoạch sử dụng bài, phương thức nhận nhuận bút, báo biếu... Những việc làm tuy nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn: sự thiện cảm và nhu cầu cộng tác thường xuyên từ các tác giả.

Thứ tư, trả nhuận bút xứng đáng. Thực tế cho thấy, để viết được một bài báo khoa học, các nhà khoa học phải trăn trở tìm tòi, công phu nghiên cứu, mất nhiều thời gian suy nghĩ viết bài, nhưng mức nhuận bút hiện nay quá thấp. Do vậy, phải có chế độ nhuận bút tương xứng với công sức, trí tuệ mà tác giả đã đầu tư nghiên cứu viết bài, với uy tín khoa học mà tác giả đem lại cho tạp chí. Nó là một trong những động lực thúc đẩy sáng tạo. Các tòa soạn thường chia mức nhuận bút theo hệ số, dựa vào đối tượng (học hàm, học vị, vị trí công tác) và dựa vào chất lượng bài viết. Việc thanh toán nhuận bút nhanh chóng, thuận tiện cũng tạo thiện cảm cho tác giả.

Thứ năm, tổ chức hội nghị cộng tác viên thường niên. Đây là hoạt động tri ân tác giả, là cơ hội để các cộng tác viên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm viết bài; là dịp đểcộng tác viên hiểu rõ hơn các nhiệm vụ chính trị, khoa học đang đặt ra của tạp chí; là dịp tăng cường sự gắn kết giữa tạp chí và tác giả. Và, để có những hội nghị thật sự đi vào chiều sâu, thu được nhiều ý kiến đóng góp của cộng tác viên, nhiều tạp chí đã có ý thức giữ gìn quan hệ giữa tòa soạn và tác giả tốt đẹp thông qua những lá thư cảm ơn, thư chúc mừng năm mới, thư thăm hỏi vào ngày lễ, tết...

Thứ sáu, có chế độ “lương cộng tác viên”, khen thưởng hoặc giải thưởng hàng năm. Một số cơ quan chủ quản, tạp chí đã lựa chọn cộng tác viên chuyên gia để trả lương hằng tháng. Mức lương có thể chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nhưng thể hiện sự quan tâm, trân trọng của tạp chí dành cho nhà khoa học, là sợi dây tình cảm, giúp huy động bài viết theo chủ đề khi cần. Một số tạp chí khác lại áp dụng chế độ khen thưởng hoặc giải thưởng hàng tháng, hàng năm đối với các tác giả có bài viết chất lượng. Có tạp chí áp dụng cơ chế thù lao cho bài viết chất lượng cao, cơ chế nhuận bút cho cộng tác viên đặc biệt. Tất cả những điều đó sẽ góp phần tăng cường gắn kết tòa soạn và cộng tác viên- tác giả.

Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh giữa các tạp chí là cuộc cạnh tranh“giữ chân” và mở rộng đội ngũ cộng tác viên giỏi. Do vậy, các tạp chí cần có chiến lược dài hạn để xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi chính đội ngũ cộng tác viên mới thực sự làm nên diện mạo, uy tín, giá trị, sức sống cho tạp chí.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

TS Trương Thị Kiên

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền