Trang chủ    Thực tiễn    Xu hướng biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình nông thôn Việt Nam
Thứ năm, 30 Tháng 7 2015 15:48
9544 Lượt xem

Xu hướng biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình nông thôn Việt Nam

(LLCT) - Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Gia đình với tư cách là một thiết chế then chốt và cơ bản của xã hội cũng chịu những tác động sâu sắc từ những biến đổi về kinh tế, xã hội, trong đó chức năng kinh tế của gia đình đang có những biến đổi lớn. 

1. Sự biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình.

Cho đến nay, các nghiên cứu đều cho rằng, biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình là quá trình chuyển đổi từ đơn vị sản xuất sang đơn vị tiêu dùng. Các hộ gia đình ở nông thôn hiện nay dường như không còn là đơn vị kinh tế tự sản xuất, tự tiêu thụ mà đã bắt đầu cung ứng ra thị trường. Hiện nay, gia đình vẫn tồn tại với tư cách là một đơn vị kinh tế, song các thành viên trong gia đình theo đuổi các mục đích khác nhau cùng với các hoạt động kinh tế khác nhau; trong đó, mỗi thành viên có một “tài khoản” riêng mà không cùng sản xuất và chung một “nguồn ngân sách” như trong gia đình truyền thống. Với cách hiểu này, biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình đã khiến cho sự thay đổi mục đích và hoạt động sản xuất của các thành viên trong gia đình. Với tư cách là đơn vị tiêu dùng, chức năng kinh tế hộ gia đình trải qua hai bước chuyển đổi: chuyển từ sản xuất tự cấp tự túc thành sản xuất hàng hóa và chuyển kinh tế gia đình hàng hóa thành kinh tế gia đình thị trường hiện đại. Với tư cách là đơn vị tiêu dùng, gia đình không sử dụng những sản phẩm của mình làm ra mà sử dụng hàng hóa và dịch vụ xã hội.

Sự biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình Việt Nam thể hiện khá rõ nét trong những năm gần đây. Theo điều tra nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cho thấy, số hộ ở nông thôn hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có xu hướng giảm và số hộ hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Năm 2006, có 71,06% số hộ ở nông thôn hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm và thủy sản thì đến năm 2011, tỷ lệ này là 62,15%. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nông thôn hoạt động công nghiệp tăng từ 10,18% năm 2006 lên 15,03% năm 2011; tỷ lệ ở hộ nông thôn hoạt động dịch vụ tăng từ 14,92% năm 2006 lên 18,41% năm 2011.

Ở đồng bằng sông Hồng, tình trạng chuyển đổi này cũng diễn ra khá nhanh. Kết quả thống kê cho thấy, nếu năm 2006 có 60,50% hộ gia đình hoạt động trong ngành nghề nông, lâm và thủy sản thì đến năm 2011 chỉ còn 47,44%; trong khi đó, tỷ lệ hộ công nghiệp và xây dựng ở nông thôn tăng từ 16,09% năm 2006 lên 23,48% năm 2011, tỷ lệ hộ dịch vụ tăng từ 16,94% năm 2006 lên 21,37% năm 2011. Kết quả này phản ánh sự biến đổi về cơ cấu nghề nghiệp ở nông thôn, hộ gia đình từ một đơn vị sản xuất tự cấp, tự túc đã chuyển sang đơn vị tiêu dùng. Xu hướng thay đổi ở đồng bằng sông Hồng diễn ra khá nhanh so với cả nước.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đã cho thấy sự biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình đã và đang hiện hữu ở nước ta nói chung, đồng bằng sông Hồng nói riêng. Chức năng kinh tế của một gia đình biến đổi khi có một hay nhiều thành viên lao động không tham gia vào các hoạt động sản xuất của gia đình hoặc tất cả thành viên lao động của gia đình đều có hoạt động sản xuất ở bên ngoài gia đình với tư cách cá nhân. Một gia đình còn duy trì chức năng kinh tế khi còn ít nhất hai lao động tham gia vào quá trình sản xuất của gia đình. Khi gia đình chỉ còn một lao động hoặc không có lao động thực hiện các hoạt động sản xuất của gia đình thì gia đình đó không còn có chức năng kinh tế. Điều này có thể hiểu rằng, quá trình biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình là quá trình giảm dần và tiến tới chỗ không còn thực hiện chức năng kinh tế của nó với tư cách là một đơn vị sản xuất. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, trên 95% các gia đình đều có chức năng kinh tế như là một đơn vị sản xuất trong nông nghiệp, hoặc tiểu thủ công nghiệp.

2. Biến đổi cơ cấu nghề nghiệp của hộ gia đình

Qua kết quả điều tra do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện năm 2012 (các tỉnh) ở đồng bằng sông Hồng cho thấy, cơ cấu nghề nghiệp của hộ gia đình hiện nay.

Về cơ cấu nghề của hộ gia đình theo địa bàn nghiên cứu.Các số liệu điều tra cho thấy, số hộ làm nghề nông nghiệp là 34,3%; tiểu thủ công nghiệp là 8,9%; buôn bán, dịch vụ là 8,5% và làm các nghề khác là 48,3%. Cơ cấu nghề của các hộ có những khác biệt nhất định ở 4 tỉnh:

Phân tích số liệu cơ cấu nghề của hộ gia đình theo giới tính chủ hộ cho thấy, các hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ có xu hướng làm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhiều hơn, các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ có xu hướng làm buôn bán, dịch vụ nhiều hơn (Xem bảng trên).

Cơ cấu nghề nghiệp hộ gia đình theo độ tuổi của chủ hộ

Những hộ gia đình có chủ hộ trong nhóm tuổi từ 20 - 39 ít có xu hướng làm nông nghiệp (dưới 10%) so với những hộ gia đình có chủ hộ trong nhóm tuổi từ 40 trở lên. Hộ gia đình có chủ hộ tuổi 40 - 49 có tỷ lệ làm nông nghiệp gấp hơn 3 lần so với hai nhóm tuổi trẻ hơn; và hộ gia đình có chủ hộ tuổi 50 - 59 và trên 60 có tỷ lệ làm nông nghiệp gần gấp đôi so với nhóm tuổi trẻ hơn. Như vậy, có thể thấy sự biến đổi có tính bước ngoặt trong chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp của các hộ gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Cơ cấu nghề nghiệp hộ gia đình theo trình độ học vấn của chủ hộ

Trình độ học vấn của chủ hộ và nghề nghiệp của các hộ gia đình có mối quan hệ khá rõ nét. Học vấn của chủ hộ gia đình càng thấp thì xác suất làm nghề nông nghiệp càng lớn hơn. Các chủ hộ gia đình có học vấn lớp
1 - 5 có tỷ lệ làm nông nghiệp là 49,1%. Các hộ gia đình có chủ hộ với học vấn lớp 6 - 9 có tỷ lệ làm nông nghiệp là 35,1% và các hộ gia đình, chủ hộ học vấn lớp 10 - 12 có tỷ lệ làm nông nghiệp là 27,1%.

Các số liệu cũng cho thấy mối quan hệ giữa học vấn của chủ hộ với xác suất làm các nghề buôn bán, dịch vụ của các hộ gia đình. Các hộ gia đình có chủ hộ với học vấn lớp 1 - 5 có tỷ lệ số hộ làm buôn bán, dịch vụ là 5,3%. Các hộ gia đình có chủ hộ với học vấn lớp 6 - 9 có tỷ lệ số hộ làm buôn bán, dịch vụ là 7,7%  và các hộ gia đình có chủ hộ học vấn lớp 10 - 12 có tỷ lệ làm buôn bán, dịch vụ là 11,9%.

Quan hệ cơ cấu nghề của hộ gia đình và quy mô diện tích đất sản xuất

Phân tích mối quan hệ giữa bình quân diện tích đất sản xuất /đầu người và ngành nghề của hộ gia đình cho thấy kết quả như sau: các hộ nông nghiệp có bình quân diện tích đất sản xuất cao nhất với 630 m2; các hộ buôn bán, dịch vụ là 551 m2; các hộ làm tiểu thủ công nghiệp là 417 m2 và các hộ làm nghề khác là 513m2.  So với các số liệu về bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp, các hộ buôn bán, dịch vụ có tăng thêm đáng kể diện tích đất sản xuất phi nông nghiệp so với các loại hộ khác. Trong hoạt động thương mại, dịch vụ, mặt bằng sản xuất là đất đai cũng là một yếu tố rất quan trọng để mở rộng quy mô hoạt động buôn bán, kinh doanh. Các hộ thương mại, dịch vụ thường có diện tích đất sản xuất phi nông nghiệp nhiều hơn các loại hình hộ sản xuất khác.

Có hai yếu tố ảnh hưởng mạnh tới quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của các cá nhân đó là yếu tố thế hệ và trình độ học vấn. Những người lao động ở độ tuổi càng trẻ thì xác suất làm nông dân càng thấp và những người lao động có trình độ học vấn càng cao thì xác suất làm nông dân càng thấp hơn. Những lao động ở nông thôn thuộc các thế hệ trẻ (dưới 40 tuổi) và có trình độ học vấn lớp 10 trở lên có xu hướng thoát ly hộ gia đình nông nghiệp và làm các nghề phi nông nghiệp ngày càng tăng. Quá trình này làm giảm tỷ trọng các hộ nông nghiệp, và từ đó làm giảm tỷ trọng các hộ còn duy trì chức năng kinh tế của hộ gia đình nói chung.

Quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của các hộ nông dân sang các loại hình hộ kinh tế khác như tiểu thủ công nghiệp hay buôn bán, dịch vụ là một quá trình tất yếu khách quan ở nông thôn hiện nay. Trong những điều kiện đất đai canh tác ngày càng hạn chế, thu nhập lao động nông nghiệp thấp so với tất cả các ngành nghề khác trong xã hội và không thể đáp ứng được nhu cầu đời sống ngày càng cao, việc thoát ly sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi đối với một bộ phận lớn lao động nông thôn. Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi nghề của một hộ gia đình sang các lĩnh vực kinh tế khác như tiểu thủ công nghiệp hay buôn bán, dịch vụ đều cần một lượng vốn nhất định. Do đó, chỉ có một bộ phận số hộ nông nghiệp có khả năng chuyển đổi nghề sang các lĩnh vực khác với tư cách là một đơn vị hộ kinh tế. Số hộ nông nghiệp còn lại sẽ không có khả năng tiếp tục thực hiện các chức năng kinh tế hộ khi các thành viên lao động thoát ly và làm các nghề khác. Số liệu khảo sát cho thấy, trong các hộ nông nghiệp, tỷ lệ hộ thuần nông nghiệp chiếm 35%. Do đó, số hộ kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng giảm.

Với quy mô đất canh tác giảm và thu nhập của lao động nông nghiệp thấp hiện nay, ước tính để duy trì hoạt động của các hộ nông nghiệp như là một đơn vị kinh tế và bảo đảm thu nhập cho lao động nông nghiệp ở mức trung bình của xã hội, quy mô đất canh tác của hộ cần tăng 3 - 4 lần. Như vậy, tức là số hộ nông nghiệp sẽ giảm 3 - 4 lần. Tỷ trọng các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ giảm từ hơn 30% như hiện nay xuống còn khoảng 10% trong vòng 10 năm tới. 

Trong ba loại hình kinh tế hộ, các hộ kinh tế tiểu thủ công nghiệp và buôn bán dịch vụ có thể duy trì và tăng số lượng, nhưng sẽ khó tăng nhanh do những khó khăn về nguồn vốn và chất lượng lao động, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Do đó, trong giai đoạn 10 - 20 năm tới, với đà giảm số lượng các hộ nông nghiệp, tỷ trọng các hộ gia đình có chức năng kinh tế sẽ tiếp tục giảm.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

TS Đặng Ánh Tuyết

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền