Trang chủ    Thực tiễn    Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Thứ tư, 05 Tháng 8 2015 16:21
9286 Lượt xem

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam

(LLCT) - Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP)được khởi phát từ năm 1979 tại Nhật Bản như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn,trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phươngđã mang lại hiệu quả lớn. Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 80% dân số sống ở nông thôn có thể phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở vận dụng mô hình trên.

1. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP)được khởi phát từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản, là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước.Phong trào OVOPđược xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chính:

Mộtlà “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”.Nguyên tắc này thể hiện mục tiêu cao nhất của sản xuất hàng hóa nông nghiệp Nhật Bản là chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới. Sản phẩm của OVOP được xác định ngay từ đầu là không những phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác trên thị trường thế giới. Do đó,  chất lượng nông sản phải không ngừngđược nâng cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng được tăng cườngtại hầu khắp các nước trên thế giới.

Hai là,“Tự tin - Sáng tạo”.Phong trào OVOP quan tâm đến tất cả các khâu của chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm khuyến khích những cách làm sáng tạobao gồm việc nghiên cứu mẫu mã, chất liệu, quy cách đóng gói bao bì; cách tiếp thị, quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường sao cho ấn tượng, thu hút khách hàng… Chất lượng nông sản được đảm bảo cùng với nhiều cách thức bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng độc đáo đã giữ vững và mở rộngthị trường tiêu thụ nông sản Nhật Bản được, kinh tế của các hộ nông dân, của làng xã ở Nhật Bản ngày càng thịnh vượng.

Ba là, “Tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Tại Nhật Bản, nông dân không những được đào tạo bài bản, cókiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu biết sâu về sản phẩm, ứng dụng thành thạo khoa học - kỹ thuật, công nghệtiên tiến vào sản xuất hàng hóa, họ còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh, về nghệ thuật marketing để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình. Họ cònnhậnđược sự hỗ trợtừ Chính phủ, chính quyền địa phương,các doanh nghiệp bằng những chính sách hiệu quả.Nhờ đó, họ tạo được nhữngsản phẩm có thương hiệu như: Chanh Kobosu; thịt bò Bungo; nấm Oita (nấm shiitake) là loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường nấm trên toàn quốc; hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin; cam, cá khô ở làng Yonouzu; chè và măng tre ở làng Natkatsu,… Trong 20 năm (1979-1999), phong trào OVOP đã tạo ra được 329 sản phẩm với tổng doanh thu là 141 tỷ yên/năm (1,1 tỷ USD).

Phong trào OVOPnhư một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.Phong trào đã lan tỏa trên khắp đất nước Nhật Bản, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Kinh nghiệm từ phong trào OVOP được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á và châu Phi. Tại Trung Quốc có các phong trào, như: “Mỗi nhà máy một sản phẩm”, “Mỗi thành phố một sản phẩm”, “Mỗi làng một báu vật”; tại Thái Lan có chương trình OTOP, tại Philippine có phong trào Mỗi thị trấn một sản phẩm, tại Malaysia có phong trào Mỗi làng một sản phẩm, phong trào "mỗi làng một nghề; tại Hàn Quốc có chương trình "Mỗi làng một nhãn hiệu”, tại Inđônêsia (Đông Java) có phong trào “Trở lại làng quê”, tại Campuchia, Malawi... Nhờ áp dụng từ kinh nghiệm OVOP của Nhật Bản, các nước đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống…  thu được những thành công nhất định trong phát triển nông nghiệp thôn.

2. Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 80% dân số sống ở nông thôn nên việc phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và các sản phẩm vùng miền nói riêng là rất, quan trọng. Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, nước ta có khoảng 2.800 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu lao động.Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 - 2015”, gắn với triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề có nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia. Mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó, đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm; mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 20-22%/năm, thu hút 300 nghìn lao động mỗi năm làm việc tại các làng nghề... Điển hình như dự án chế biến chè tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Ðiện Biên. Trước kia, các xưởng chế biến chè tại đây sản xuất với các máy móc kiểu cũ và hoạt động không được thường xuyên do thiếu điện. Sau khi được cung cấp thiết bị máy móc hiện đại, máy phát điện, nhà máy chế biến chè cổ thụ đi vào hoạt động thường xuyên với công nghệ chế biến tiên tiến. Những cây chè cổ thụ ở các huyện miền núi Tây Bắc được chế biến thành chè hữu cơ, loại chè không sử dụng thuốc hóa học mà chỉ dùng phân bón hữu cơ. Sản phẩm được đóng gói hút chân không nhằm giữ được chất lượng và hương vị chè lâu hơn, mẫu mã bao bì cũng được thiết kế riêng. Nhờ đó, sản phẩm chè nơi đây đã được người tiêu dùng lựa chọn, chiếm lĩnh được thị trường, đem lại nguồn thu nhập lớn cho đồng bào vùng cao.

Tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả mang lại từ mô hình này ở Việt Nam còn hạn chế, nguyên nhân là:

Các làng nghề Việt Nam được tổ chức thiếu chuyên nghiệp, tư duy làm ăn nhỏ, manh mún, không bền vững. Các làng nghề hiện nay chưa tìm ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính “độc quyền” để đầu tư chiều sâu theo mô hình OVOP, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ việc gia tăng hàm lượng sáng tạo của sản phẩm. Thí dụ nghề dệt lụa nổi tiếng ở Hà Nội có rất nhiều sản phẩm lụa đẹp, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, nhưng khó để phân biệt sản phẩm của riêng làng nghề này với các sản phẩm cùng loại của các làng nghề khác trên cả nước và nhất là với hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một hiện tượng phổ biến ở các làng nghề Việt Nam là khi một hộ gia đình, một làng nghề, mộtđịa phương nào đó thành công với một loại sản phẩm, thì các địa phương khác cũng sản xuất theo.

Công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, do thiếu đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường nên môi trường của các làng nghề đang bị tàn phá nặng nề.

Khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cho thấy, phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động, như các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai),... Nước thải phát sinh do quá trình sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, nhưng không được xử lý, xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây như các bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa, ung thư... Tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề giảm, thấp hơn mười năm so với tuổi thọ trung bình cả nước và thấp hơn từ 5 đến 10 năm so với làng không làm nghề.

Knăng tiếp cận thị trường của nhiều làng nghề còn kém...Rất nhiều làng nghề hiện nay rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừngdo chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, mẫu mã, kiểu dáng còn đơn điệu, không hấp dẫn. Công tác nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, xúc tiến thương mại, tiếp thịcũng không được làm bài bản. Phần lớn các làng nghề chưa chủ động mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.Các hoạt động du lịch, tham quan làng nghề,nhất là ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, dệt... chưa được tổ chức một cách chuyên nghiệp.

Tỷ lệ lao động được đào tạo thấp. Các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công.Công tác đào tạo chưa được chú trọng đúng mức. Việc không phổ biến những bí quyết gia truyền cũng làm mai một chất lượng tay nghề của các thế hệ sau.Những người thợ có tay nghề đạt trình độ nghệ nhân ngày một ít. Năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm của đội ngũ thợ còn hạn chế, hiểu biết về bản sắc văn hoá truyền thống chưa sâu. Việc giữ gìn, tôn vinh và truyền bá bản sắc văn hoá dân tộc của địa phương, của vùng miền trong sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phát triển ngành nghề, làng nghề chưa được quan tâm đúng mức ảnh hưởng không nhỏ đến sựphát triển các làng nghề.

Từ những hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả của mô hình OVOP ở Việt Nam cần thực hiện tốt cácgiải pháp sau:

Thứ nhất,nhóm giải pháp phát triển sản phẩm. Với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm thì cần lựa chọn nhữngnghề có sản phẩm đặc trưng nhất để tập trung nguồn lựcđầu tư, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Công nghệ mới cần được đưa vào quá trình sản xuất, vừa nâng cao được chất lượng sản phẩm, cải thiện năng suất lao động,vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư. Khâu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cũng cần được chú trọng.

Thứ hai,nhóm giải pháp phát triển thị trường.Các làng nghề cần tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề, về sản phẩm. Chủ động tìm kiếm các cách làm hay, độc đáo trong công táctiếp thị, bán hàng,tạo ấn tượng đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các dịch vụ sau bán hàng như:bảo hành, bảo trì, dịch vụ chăm sóc khách hàng, có các chế độ ưu đãi đối với khách hàng truyền thống, quan tâm phát triển khách hàng tiềm năng. Các làng nghề nói riêng và hiệp hội các làng nghề nói chung cần phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của địa phương và quốc gia để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác để xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Thứ ba, nhóm giải pháp từ các cơ quan hoạch định chính sách. Các bộ, ngànhcó liên quan cần có những chính sách hỗ trợ để các làng nghề đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tạo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách từ các cấp quản lý, cần hỗ trợ giải quyết cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, hiện đại hóa công nghệ sản xuất.

_______________________

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Anh, Để phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” đạt hiệu quả ở nước ta, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=677262

2. Bản tin phục vụ lãnh đạo, Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm: thành tựu và sự phát triển trong tương lai”, http://xttm.agroviet.gov.vn/Site/vi-vn/76/tapchi/69/107/675/Default.aspx

3. Hiệp Đức, Xây dựng nông thôn mới từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_nhandanhangthang/_mobile_kinhte_ndht/item/14560602.html

4. Thái Sơn, Báo động ô nhiễm ở các làng nghề, http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/24725802-bao-dong-o-nhiem-moi-truong-o-cac-lang-nghe.html

 

Ths Ngô Thị Phương Liên

Ban Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

                     

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền