Trang chủ    Thực tiễn    Nhận diện thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước
Thứ hai, 10 Tháng 8 2015 16:20
4043 Lượt xem

Nhận diện thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước

(LLCT) - Trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để xây dựng các công trình trọng điểm và các quy mô khác nhau trên phạm vi cả nước, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ngày càng nhiều, với những cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; gây thất thoát ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, đến khâu nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư.       

1. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư

Thất thoát, lãng phí trước hết từ công tác lập quy hoạch, kế hoạch. Đây là khâu quan trọng để đảm bảo đầu tư có hiệu quả và phát triển lâu dài. Hiện nay, công tác quy hoạch vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu tính chiến lược tổng thể giữa các cấp, ngành; thiếu tầm nhìn dài hạn, không sát thực; thiếu sự kết hợp giữa các loại quy hoạch, giữa quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng đô thị,...nên nhiều dự án phải điều chỉnh hoặc di chuyển, kéo dài thời gian xây dựng công trình.

Việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi chưa chú trọng đúng mức khâu điều tra thực tế những ảnh hưởng của công trình đối với môi trường và xã hội; lựa chọn địa điểm xây dựng và phân tích dự án đầu tư không chính xác dẫn đến việc dự án sau khi thực hiện xong nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Thất thoát trong khâu quyết định đầu tư thường là do chủ đầu tư không tính toán, phân tích kỹ dự án trước khi quyết định đầu tư, dẫn đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng công trình không hợp lý; xác định quy mô xây dựng quá lớn so với nhu cầu thực tế; lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ không phù hợp; chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả sử dụng và vận hành công trình khi hoàn thành. Việc phân tích hiệu quả đầu tư là một yêu cầu rất quan trọng, nếu không chú trọng khâu này sẽ dẫn đến khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng mới bộc lộ những bất cập, như không sử dụng hết công suất thiết kế hoặc không phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, thất thoát lãng phí còn do đầu tư xây dựng công trình không đảm bảo cảnh quan, môi trường, làm tăng chi phí nhân công, vật tư, thiết bị, xử lý môi trường…

2. Giai đoạn thực hiện đầu tư

Giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, thất thoát, lãng phí thường xảy ra ởnhững công việc sau:

Khâu đền bù giải phóng mặt bằng

Tài sản phải đền bù để giải phóng mặt bằng bao gồm nhà cửa, cây cối, hoa màu của dân, do vậy, việc xác định giá trị đền bù không phải là chuyện đơn giản và rất dễ dẫn đến thất thoát vốn. Biểu hiện của thất thoát trong công tác đền bù thường là việc bớt xén tiền đền bù của dân do người dân không nắm rõ khung giá đền bù do Nhà nước quy định, hoặc tiền đền bù không thoả đáng, không đúng đối tượng; chi trả tiền đền bù không theo định mức, khung giá Nhà nước và địa phương ban hành; móc ngoặc, câu kết với người được đền bù để nâng giá trị đền bù, khai khống diện tích, khối lượng tài sản được đền bù; làm giả hồ sơ, khai khống số hộ được đền bù và chi phí đền bù để rút tiền của Nhà nước, từ đó làm tăng thêm vốn đầu tư xây dựng công trình.

Việc đền bù không thoả đáng, không thực hiện đúng quy định, dẫn đến việc bàn giao mặt bằng xây dựng không đúng thời hạn quy định, làm chậm tiến độ thi công công trình, gây lãng phí, thất thoát vốn. Trong thực tế, việc chậm tiến độ thi công do không giải phóng được mặt bằng xảy ra ở rất nhiều dự án. Tiến độ thi công chậm trong khi công trình xây dựng bằng nguồn vốn đi vay sẽ làm tăng lãi vay, từ đó làm tăng chi phí dự án.

Khâu khảo sát, thiết kế xây dựng

Thất thoát trong khâu khảo sát xảy ra do công tác khảo sát không đảm bảo chất lượng, chưa sát với thực tế hoặc không đúng với những tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước dẫn đến phải khảo sát lại, việc thi công phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần...gây lãng phí thời gian, kinh phí. Bên cạnh đó, việc thiết kế không phù hợp với quy hoạch xây dựng, với thiết kế công nghệ, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng sẽ phải thiết kế lại, cũng gây lãng phí không nhỏ. Chất lượng thiết kế không đảm bảo, không đồng bộ gây lún, nứt; phương án thiết kế không hợp lý, sử dụng vật tư, vật liệu không phù hợp với loại công trình; việc chọn hệ số an toàn quá cao…dẫn đến lãng phí.

Khâu lựa chọn nhà thầu

Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng ở nước ta hiện nay còn nhiều biểu hiện tiêu cực, như:

-    Thông đồng, dàn xếp trong đấu thầu: chủ đầu tư và một số nhà thầu tham gia đấu thầu thông đồng với nhau để gửi giá, nâng giá để trục lợi. Chủ đầu tư tiết lộ những thông tin về giá, phương án kỹ thuật, phương án giảm giá (nếu có) của các đối thủ khác cho nhà thầu mà họ thông đồng…

-    Có sự thống nhất trước giữa các đơn vị tham gia đấu thầu để một đơn vị trúng thầu. Đây còn gọi là hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”. Đơn vị trúng thầu sẽ phải trả một khoản kinh phí cho đơn vị khác làm “quân xanh, quân đỏ” hoặc phải cho họ làm thầu phụ.

-    Mua bán thầu: đơn vị dự thầu xét thấy tự mình không thể trúng thầu nên đã tiến hành liên danh với đơn vị khác mạnh hơn (thường thấy ở các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay WB, ADB...). Khi trúng thầu, đơn vị mạnh hơn bán lại toàn bộ gói thầu cho đơn vị dự thầu, nhưng trên thực tế vẫn lấy danh nghĩa liên danh để thực hiện dự án.

-    Bỏ giá thầu thấp dưới giá thành xây dựng công trình: đây là một hiện tượng phổ biến ở nước ta. Khi tiến hành đấu thầu, gần như cứ nhà thầu nào đưa ra giá thầu thấp nhất và có phương án giảm giá là có khả năngtrúng thầu cao, chính vì thế, nhà thầu sẽ bỏ giá thấp (khi đã thông đồng với chủ đầu tư) để trúng thầu, sau đó, nhà thầu và chủ đầu tư làm hồ sơ nâng khống khối lượng công việc phát sinh để tăng kinh phí.

Vì mục tiêu vụ lợi, chủ đầu tư còn tiến hành chia gói thầu thành nhiều gói nhỏ hơn để cho nhiều nhà thầu cùng tham gia và cùng trúng thầu.

Từ thực tế cho thấy, việc lựa chọn nhà thầu xây dựng, xác định giá gói thầu, giá trúng thầu, thẩm định kết quả đấu thầu ở nhiều dự án thiếu sự minh bạch; phương thức liên danh, liên kết giữa các nhà thầu còn nhiều bất cập, đây chính là những nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng.

Khâu thi công xây lắp công trình

Thất thoát trong khâu thi công xảy ra do nhà thầu thi công không đảm bảo khối lượng xây lắp theo thiết kế được phê duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế dẫn đến phải phá đi làm lại. Thất thoát từ vật liệu xây dựng cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể. Vật liệu xây dựng đi qua nhiều khâu trung gian, nâng giá, gửi giá, tăng khối lượng, dùng vật liệu có giá thấp (chất lượng thấp); ăn bớt vật liệu, nên chất lượng công trình không đảm bảo. Việc giám sát thi công không chặt chẽ, cán bộ tư vấn, giám sát làm ngơ trước những vi phạm của nhà thầu thi công.

Trong việc bố trí và sử dụng vốn

Nhiều dự án vi phạm thủ tục đầu tư nhưng vẫn được phê duyệt kế hoạch đầu tư khi chưa có kế hoạch vốn.

Bố trí kế hoạch đầu tư phân tán, dàn trải, thiếu tập trung khiến nhiều dự án phải chờ vốn, kéo dài tiến độ qua nhiều năm. Việc đầu tư dàn trải dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thi công các công trình, dự án; nguồn vốn ngân sách đã eo hẹp lại phải rải cho nhiều dự án cùng dở dang, chậm đưa vào sử dụng nên không phát huy hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó là việc sử dụng vốn sai mục đích, không đúng chế độ...

Do tiến độ giải ngân vốn chậm nên bên B phải vay vốn, chạy vốn dẫn đến tiêu cực trong cấp phát vốn, làm chậm tiến độ của dự án, kéo dài thời gian xây dựng công trình, tăng chi phí lãi vay và các khoản chi phí không cần thiết khác gây nên thất thoát, lãng phí vốn. Mặt khác, cũng do giải ngân vốn không đúng kế hoạch, nhà thầu phải đi vay vốn chịu lãi suất để xây dựng công trình nhưng khoản lãi vay này lại không được bên chủ đầu tư thanh toán, dẫn đến tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng, đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào tình trạng khó khăn, phá sản.

Trong nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành

Thất thoát ở giai đoạn nghiệm thu, thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành do việc áp dụng sai đơn giá, sai các định mức kinh tế kỹ thuật, tính toán không chính xác khối lượng xây lắp hoàn thành, nhà thầu thông đồng với cán bộ tư vấn nghiệm thu khống.

3. Giai đoạn kết thúc xây dựng, đưa dự án vào khai thác sử dụng

Ở giai đoạn này, thất thoát, lãng phí vốn đầu tư vẫn xảy ra do công trình đã hoàn thành xây dựng, đã bàn giao nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán. Khi lập quyết toán, các bên có liên quan thông đồng với nhau để quyết toán khống khối lượng công việc (không làm hoặc làm ít nhưng vẫn quyết toán bằng khối lượng trúng thầu); quyết toán sai hoặc khống khối lượng, chủng loại vật tư, thiết bị; áp dụng sai các định mức, đơn giá của Nhà nước, địa phương.

Nguyên nhân của tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản:

Do cơ chế quyết định đầu tưcòn nhiều bất cập.Hiện nay, trong đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước đượcthực hiện theo cơ chế người quyết định đầu tư là Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND huyện,thành phố trực thuộc tỉnh…; người quyết định đầu tư chỉ định chủ đầu tư (tổ chức thực hiện đầu tư - các ban quản lý hiện nay); người quyết định đầu tư chỉ định người sử dụng (tiếp nhận khai thác sử dụng). Như vậy,cơ chế quyết định đầu tư đã trao quá nhiều quyền cho người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư.Việc quyết định đầu tư do cá nhân quyết định nên rất dễ dẫn đến tiêu cực,lợi ích nhóm chi phối. Nguy hại hơn là không có ngườichịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Thực tế đã có nhiều công trình đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí, làmthất thoát lớn vốn nhà nước nhưng không có cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản có vốn ngân sách nhà nước chưa có chế tài quy định xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư. Năm 2014, Nhà nước đã ban hành Luật Đầu tư công, quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có được nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật, do vậy để Luật Đầu tư công thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước nói chung và tham nhũng, thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng nói riêng chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta chỉ ra được nguyên nhân căn bản của tình trạng tham nhũng và có trong tay những công cụ pháp lý đủ mạnh. Cần khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, trong đó nêu rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư dự án, công trình xảy ra thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, trong đó:

- Xác định rõ các hành vi của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư bị coi là vi phạm.

- Các hình thức xử lý trách nhiệm: Bồi thường vật chất, xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm.

- Quy định rõ thời hiệu xử lý vi phạm.

- Quy trình, thủ tục xử lý trách nhiệm của người vi phạm.

- Các điều kiện, biện pháp bảo đảm hiệu quả các hình thức xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là hình thức bồi thường vật chất- Các hình thức công khai việc xử lý vi phạm đối với người vi phạm

 

ThS Trịnh Quang Bắc

Ban Tổ chức Trung ương

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền