Trang chủ    Thực tiễn    Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
Thứ tư, 19 Tháng 8 2015 16:14
5260 Lượt xem

Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

(LLCT) - “Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiệu quả hơn và bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển. Mục tiêu tái cấu trúc là xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao, thích ứng được với sự biến đổi khí hậu và những biến động, thay đổi của thị trường”Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với vị trí địa lý thuận lợi, sự ưu đãi của thiên nhiên, nên từ rất lâu đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, hướng mạnh xuất khẩu và tiếp cận tham gia hội nhập quốc tế.

 

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ về số lượng và chủng loại cây trồng, vật nuôi, mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, đứng đầu cả nước về sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản. Năm 2013, ĐBSCL xuất khẩu gạo chiếm 80% sản lượng cả nước, xuất khẩu thủy sản chiếm 60% và trái cây chiếm 50%.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động sâu sắc, khó lường của kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu. Việc sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… đã ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sạch của nông sản, sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.

Nông nghiệp ĐBSCL đến nay vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô, giá trị thấp. Thời điểm vào vụ thu hoạch, giá hàng nông sản giảm xuống mức rất thấp. Đây là hậu quả của sự phát triển mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong thời gian dài. Nông dân cứ sản xuất, doanh nghiệp có lợi mới mua, không có sự ràng buộc. Chính việc mất cân đối cung - cầu đã dẫn đến việc được mùa nhưng mất giá triền miên trong nhiều năm qua, nông dân luôn là người bị thua thiệt. Thành quả lao động cực nhọc của nông dân không được bù đắp xứng đáng.

Năm 2013, giá bán sản phẩm cây trồng ngắn ngày giảm 1,46%, cây ăn trái lâu năm giảm 2,46%, chăn nuôi giảm 9,09%, thủy sản giảm 0,39%. Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... tăng cao. Từ nhiều năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu ở ĐBSCL không ngừng tăng, nhưng giá trị không tăng tương ứng, người trồng lúa không thể giàu lên được. Nếu tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở ĐBSCL có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317 nghìn đồng/tháng), tức là dưới cả ngưỡng nghèo (400 nghìn đồng/tháng). Thu nhập của nông dân thấp, chưa bằng bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước tính hơn 1.200 USD (so với bình quân cả nước 1.950 USD). Cơ sở hạ tầng nhìn chung còn rất yếu kém. Mặt bằng dân trí cũng thấp hơn bình quân chung cả nước.

Tình hình trên đã làm cho thu nhập của nông dân ĐBSCL ngày càng thấp, đời sống của người nông dân hết sức khó khăn.  

 

Bảng 1. Thu nhập bình quân người/tháng

                                                                                             Đơn vị tính: nghìn đồng

Năm

2006

2008

2010

2011

2012

Đồng bằng sông Hồng

498

666

1065

1580

2304

Trung du và miền núi phía Bắc

327

442

657

905

1285

Bắc Trung Bộ bà duyên hải Miền Trung

361

476

728

1018

1469

Tây Nguyên

390

522

795

1088

1631

Đông Nam Bộ

893

1146

1773

2304

3241

Đồng bằng Sông Cửu Long

471

682

940

1247

1785

 

Bảng 2. Tỷ lệ hộ nghèo phân theo vùng

                                                                                      Đơn vị tính: %

Năm

2006

2008

2010

2011

2012

Đồng bằng sông Hồng

10,0

8,6

8,3

7,1

6,1

Trung du và miền núi phía Bắc

27,5

25,1

29,4

26,7

24,2

Bắc Trung Bộ bà duyên hải Miền Trung

22,2

19,2

20,4

18,5

16,7

Tây Nguyên

24,0

21,0

22,2

20,3

18,6

Đông Nam Bộ

3,1

2,5

2,3

1,7

1,4

Đồng bằng Sông Cửu Long

13,0

14,1

12,6

11,6

10,6

 

Tỷ lệ hộ nghèo ở ĐBSCL cao hơn đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, thấp hơn vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp là yêu cầu khách quan, cấp bách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp ĐBSCL, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, giải quyết công ăn, việc làm, đáp ứng tốt sự thay đổi của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ, đem lại lợi nhuận và thu nhập cao nhất cho người sản xuất.

Thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp ĐBSCL trong thời gian tới. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ, theo chúng tôi cần sớm triển khai một số nội dung sau: 

Một là, tái cấu trúc phải gắn với tiến trình quy hoạch lại tổng thể vùng

Trong những năm qua, sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp của vùng từ sản xuất lúa sang nuôi tôm, từ rừng sang nuôi trồng thủy sản đang diễn ra sôi động ở ĐBSCL nhưng hết sức tràn lan, tự phát và thiếu quy hoạch đồng bộ. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL phải phù hợp với đặc điểm của vùng, từ đó có quy hoạch về điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các loại mặt nước ngọt nội đồng và nước lợ ven biển, phát triển rừng ngập mặn ven biển, rừng bảo tồn thiên nhiên ngập nội địa ở các tiểu vùng U Minh, Đồng Tháp Mười.

Quy hoạch phải bảo đảm phục vụ đa mục tiêu, không chỉ cho kiểm soát lũ, ngăn mặn, ngọt hóa, thau chua, xổ phèn, phục vụ phát triển nông nghiệp, mà cho cả nuôi, trồng thủy sản và cho các ngành kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ và dân sinh. Quy hoạch thủy lợi phải tính đến điều kiện số dân tiếp tục tăng, nguồn nước ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu tác động tới khu vực. Trên cơ sở quy hoạch chung phải có quy hoạch chi tiết, phải dựa vào lợi thế kinh tế, khả năng cạnh tranh của từng tỉnh, từng đối tượng để quy hoạch vùng thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn vì nó liên quan rất lớn đến cây trồng và môi trường sống. Thường xuyên cập nhật và điều chỉnh quy hoạch một cách kịp thời, hợp lý. Sau khi có quy hoạch phải tổ chức lại sản xuất và đầu tư theo đúng quy hoạch, đầu tư có trọng điểm để phát huy được hiệu quả, nhất là thủy lợi và các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, từng bước hạn chế và tiến đến chấm dứt tình trạng phát triển nuôi trồng tự phát, gây tác động xấu đến môi trường.        

Hai là, chuyển nền nông nghiệp phát triển theo số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị, lợi nhuận

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL chủ yếu phát triển theo số lượng. Vì vậy, sản lượng lúa liên tục tăng nhanh từ 14 triệu tấn/năm trước đây, lên đến 25 triệu tấn/ năm hiện nay. Từ chỗ nhiều nơi chỉ sản xuất 1 vụ/năm, nay lên tới 2,3 vụ/ năm, bất chấp hiệu quả. Diện tích nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch đến năm 2015 là 500 nghìn ha thì nay đã là trên 1 triệu ha. Diện tích cây ăn trái như: bưởi năm roi, xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò... khi có thị trường tiêu thụ tốt, trong thời gian ngắn đã tăng lên hàng trăm nghìn ha, bất chấp quy hoạch.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, ĐBSCL sẽ duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực, đến năm 2020 duy trì ổn định sản lượng ở khoảng 18 triệu tấn lúa với diện tích giảm dần, từ khoảng 1,7 triệu ha năm 2010 xuống còn 1,6 triệu ha vào năm 2015 và ổn định ở mức 1,5 triệu ha vào năm 2020. Tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng đến năm 2020 sẽ ổn định ở mức 3 - 3,5 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, cần quy hoạch 1 triệu ha lúa cao sản chất lượng cao, đồng thời cải tạo giống lúa, áp dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Quy hoạch lại vùng sản xuất lúa tập trung ở những tiểu vùng sinh thái phù hợp với cây lúa, vùng phù sa ngọt có nguồn nước ổn định, đồng thời chuyển những diện tích lúa ven biển, không phù hợp với cây lúa sang nuôi trồng thủy sản. Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, ngành thủy sản ĐBSCL tăng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha, sản lượng nuôi lên gần 3 triệu tấn, sản lượng khai thác là 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu tương ứng là 7 tỷ USD. Trong đó, diện tích cá tra của vùng ĐBSCL là 7.260 ha. Gắn với việc phát triển thủy sản là vấn đề bảo vệ môi trường, quy hoạch vùng sản xuất...

Ba là, phát triển một nền nông nghiệp với cơ cấu đa dạng; tổ chức lại quy mô sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, gắn người nông dân với doanh nghiệp

ĐBSCL cần phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, cả trong trồng trọt và chăn nuôi, trước hết là nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng cung vượt cầu. Những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng bắp, đậu nành, phục vụ ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân. Dự kiến đến năm 2015, các tỉnh ĐBSCL sẽ chuyển đổi 112 nghìn ha lúa sang các loại rau màu khác. Nhiều nơi như Vĩnh Long, phong trào chuyển đổi cây trồng đang phát triển mạnh mẽ trên đất lúa, cho hiệu quả rất cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ĐBSCL cần triển khai theo hướng tái cơ cấu hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm, gắn với tổ chức lại từng ngành hàng nông sản. Gắn liền với việc liên kết giữa doanh nghiệp và hội nông dân thì việc thực hiện liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tái cấu trúc. Trong liên kết vùng, nên chuyển trọng tâm từ sản xuất sang tiêu thụ, đặc biệt quan tâm vấn đề thị trường tiêu thụ.

Bốn là, phát triển sản xuất nông nghiệpbền vững, có hiệu quả gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái và xã hội nông thôn

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã tác động tiêu cực đến môi trường, đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng đã tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, cũng như làm tăng khả năng chống chịu và đột biến của sâu bệnh... Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên bị khai thác bừa bãi cũng dẫn đến tình trạng suy giảm tính đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… Vì vậy, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp ĐBSCL là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tới.

Bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan, xã hội nông thôn là yêu cầu bắt buộc của nền nông nghiệp xanh. Bảo vệ môi trường sinh thái nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học, chống thoái hóa và xói mòn đất, giảm hiệu ứng nhà kính từ sản xuất nông nghiệp, chủ động  ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo lực lượng lao động nông nghiệp, có chính sách thỏa đáng thu hút nguồn nhân lực đã qua đào tạo về công tác tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chú trọng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ để họ gắn bó lâu dài với quê hương.

Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi của vùng ĐBSCL đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân trong vùng tập trung đầu tư và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc kiểm soát lũ, ngọt hóa, ngăn mặn, tháo chua, xổ phèn, góp phần tích cực vào việc phát triển sản xuất, giảm thiệt hại do lũ gây ra, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, việc phát triển thủy lợi của vùng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa mang tính chất chiến lược về quản lý và sử dụng nước một cách bền vững và phục vụ đa mục tiêu. Vì vậy, trong những năm tới, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch thủy lợi trong vùng cho phù hợp.

Kết quả tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đã bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, trực tiếp là cho người nông dân, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, đó là những khó khăn về vốn, điều kiện về khoa học - công nghệ còn thiếu và yếu, quy mô sản xuất, liên kết giữa các thành phần kinh tế hiệu quả thấp, kinh tế hợp tác hiệu quả chưa cao, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng... Tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình khách quan, nhưng đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố chủ quan như nhận thức và hành động của con người trong thực tiễn. Gắn liền với thực hiện các mục tiêu và phương hướng tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL cần đổi mới và tăng cường khả năng chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương đối với quá trình này, coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu hiện nay để khai thác tiềm năng nông nghiệp, phát triển kinh tế vững chắc, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, từng bước đưa vùng ĐBSCL thành một vùng giàu có, văn minh, hiện đại r

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Hà Nội, 2-2012.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Một số vấn đề quan trọng về định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long,20-3-2010.

3. Nguyễn Sinh Cúc:Một số vấn đề đặt ra sau 30 năm phát triển nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long,Tạp chí Cộng sản, số tháng 9-2012.

4. Lê Châu: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 15-12-2009.

5. Phạm Vân Đình: Phát triển nông nghiệp ở một số vùng sinh thái của Việt Nam,Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2003.

6. Phạm Đình Đôn: Bảo vệ môi trường nước mặt ở đồng bằng sông Cửu Long,Website: http//www.kinhtenongthon.com.vn, ngày 8-10-2007.

7. Hoàng Ngọc Hòa: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

8. Thu Hường: Nhìn lại 12 năm tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng,Tạp chí Thông tin lý luận (Bộ Công thương), ngày 13-5-2014.

9. Trung Liêm: “Tổ chức lại sản xuất thủy sản bằng Sông Cửu Long”, htpp// www.cpv.com.vn, ngày 21-2-2005.

10.  Phương Ngọc Thạch: Những biện pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

11. Nguyễn Hữu Thái: Đồng bằng Sông Cửu Long - Triển vọng và thách thức: Đồng bằng sông Cửu Long - một cái nhìn từ bên ngoài,http//nguoivienxu.vietnamnet.vn, ngày 3-4-2008.

TS Trần Văn Hiếu

Trường Đại học Cần Thơ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền