Trang chủ    Thực tiễn    Công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 09:39
6054 Lượt xem

Công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng

(LLCT) - Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh và thành phố(1), dân cư đông đúc với hơn 20 triệu dân, chỉ chiếm 4,5% diện tích nhưng dân số chiếm 1/4 dân số cả nước. Đây là vựa lúa lớn thứ hai Việt Nam và là vùng có tốc độ phát triển công nghiệp hóa rất nhanh; luôn đóng vai trò quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của nước.

Đồng bằng sông Hồng là vùng có đông đồng bào các tôn giáo sinh sống. Các tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, ngoài ra còn nhiều tôn giáo khác nhưng số lượng tín đồ ít. Trong vùng có nơi tôn giáo được du nhập từ rất sớm, như: Phật giáo du nhập cách đây hàng nghìn năm, hình thành nên nhiều hệ, phái và nhất là hệ thống Phật giáo dân gian lan tỏa hầu hết khắp mọi làng quê; Công giáo du nhập cách đây hàng trăm năm và hình thành nên nhiều trung tâm như Bùi Chu, Phát Diệm, Hà Nội... Các tỉnh có tỷ lệ tín đồ các tôn giáo cao là Bắc Ninh 30,3%, Ninh Bình: 25%, Nam Định: 24%, Hà Nam: 25%, Hưng Yên: 19%,... Tỉnh Nam Định có một số huyện số giáo dân Công giáo chiếm tỷ lệ khá cao, như huyện Nghĩa Hưng: 48,9%; huyện Hải Hậu: 41,3%; Xuân Trường: 30,2%; Giao Thuỷ: 26,9%; có 11 xã có tỷ lệ giáo dân trên 90%; có xã gần như tôn giáo toàn tòng, như xã Trực Hùng thuộc huyện Trực Ninh có 99,6%; xã Nghĩa Sơn thuộc huyện Nghĩa Hưng có 99,8% số dân theo đạo, vv..(2).

Trong thời gian qua, các cấp ủy và chính quyền các địa phương trong vùng đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Công tác tôn giáo được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo được nâng lên. Các thành viên trong hệ thống chính trị, theo chức năng của mình đều đã chú trọng thực hiện công tác tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tuyệt đại đa số đồng bào có đạo đã thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, tạo được sự đồng thuận, tăng cường đoàn kết trong các tôn giáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, tình hình tôn giáo ở một số địa phương cũng có những diễn biến khá phức tạp. Một số hoạt động tôn giáo và việc xây dựng, sửa chữa, mở rộng cơ sở thờ tự chưa tuân thủ đúng pháp luật. Ở một số nơi, hoạt động tôn giáo mang tính phô trương, quyên góp nhiều tiền của, của đồng bào có đạo; hoạt động mê tín có chiều hướng gia tăng, xuất hiện một số “đạo lạ”, với những hiện tượng trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bên cạnh đó, một số phần tử lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào có đạo chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước tình hình đó, cùng với việc thực hiện tốt công tác tôn giáo, việc nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong vùng đồng bào có đạo trở thành yêu cầu cấp thiết. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, nhất là từ khi có Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX)  “Quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”, cấp ủy đảng đã chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người có đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện Quy định số 123 và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8-4-2005 của Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các ban tham mưu cụ thể hoá quy định cho phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương.

Các cấp uỷ, các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng có đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua, thông qua đó phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng để tạo nguồn phát triển đảng viên. Qua khảo sát đối với 1.338 cán bộ, đảng viên cho thấy, có 95% người được hỏi cho rằng, các cấp ủy đảng đã làm tốt và khá tốt công tác bồi dưỡng nhận thức về đảng cho quần chúng ưu tú có đạo trước khi kết nạp; 94,1% người được hỏi cho rằng đã thực hiện tốt và khá tốt việc hướng dẫn cho người có đạo các thủ tục kết nạp đảng; 90% người được hỏi cho rằng đã thực hiện tốt và khá tốt việc lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể nơi làm việc và chi ủy nơi cư trú đối với người có đạo vào Đảng.

Theo số liệu khảo sát, có 94,5% cán bộ, đảng viên được hỏi cho rằng đã thực hiện tốt và khá tốt việc phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng có đạo vào Đảng; 92,2% cho rằng việc xem xét, quyết nghị của các chi bộ trong kết nạp đảng viên là người có đạo đã tiến hành tốt và khá tốt; 89% cho rằng, lễ kết nạp đảng viên là người có đạo được tiến hành trang trọng, tuân thủ các quy định về quy trình, thủ tục.

Nhìn nhận của quần chúng đối với công tác phát triển đảng viên tuy có phần ít “lạc quan” hơn so với đánh giá của cán bộ, đảng viên nhưng nhìn chung cũng khá tích cực: có 77,3% người được hỏi cho rằng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã thường xuyên coi trọng công tác phát triển đảng viên là người có đạo; 52,9% cho rằng cấp ủy cơ sở làm tốt công tác giáo dục, quản lý đảng viên và 66,5% cho rằng cấp ủy cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng người có đạo ưu tú vào Đảng.

Qua thực tế các phong trào ở địa phương, các cấp ủy đã phát hiện nhiều tín đồ, chức sắc trong vùng tập trung đông đồng bào tôn giáo tiến bộ, để lựa chọn tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, tạo sự phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận của đồng bào có đạo, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển của địa phương.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị, trong những năm qua số lượng đảng viên là người có đạo không ngừng được tăng lên. Trong 8 năm, từ khi thực hiện Quy định 123 đến 31-3-2012, các đảng bộ vùng đồng bằng sông Hồng kết nạp được 2.806 quần chúng có đạo vào Đảng. Trong đó, đảng viên là tín đồ là 2.801 người, chiếm 99,82%; 2 chức việc, 3 chức sắc (cụ thể là Công giáo có 2.718 tín đồ, trong đó có 2 chức việc; đạo Phật có 85 tín đồ, trong đó có 3 chức sắc, nhà tu hành; đạo Tin lành có 2 tín đồ; tôn giáo khác có 1 tín đồ). Trong đó, một số tỉnh có nhiều người có đạo được kết nạp Đảng như Nam Định: 1.014 người; Ninh Bình: 455 người; Thành phố Hà Nội: 428 người; Hà Nam: 287 người; Thái Bình: 192 người; Hải Dương: 125 người(3). Về nhận xét đánh giá của cán bộ, đảng viên về kết quả công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở địa phương so với 10 năm trước đây, 70% người được hỏi cho rằng “tốt hơn”, 17% cho rằng “như cũ”.

Việc tăng cường công tác kết nạp đảng viên là người có đạo, đã góp phần làm thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên, xây dựng và củng cố tổ chức đảng, xóa thôn (xóm) “trắng” đảng viên, chi bộ; giảm số chi bộ ghép và số lượng đảng viên phải sinh hoạt ghép. Số đảng viên là người có đạo mới được kết nạp đều là những công dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, văn hóa và được quần chúng tín nhiệm; gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiệt tình hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Khi tham gia sinh hoạt tôn giáo, đại đa số đảng viên có đạo giữ gìn tư cách đảng viên; thể hiện vai trò nòng cốt trong tập hợp quần chúng tín đồ, thực hiện đúng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định:

(i) Một số cấp ủy chưa chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa quán triệt sâu sắc Quy định 123 và Hướng dẫn 40 nên còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Theo kết quả điều tra, có tới 858/1.338 cán bộ, đảng viên (64,1%) các địa phương có đông đồng bào tôn giáo khẳng định chi bộ không tổ chức sinh hoạt chuyên đề về phát triển đảng viên là người có đạo. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về việc phát triển đảng viên là người có đạo, có 56,2% cán bộ, đảng viên cho rằng chức sắc, nhà tu hành có thể kết nạp vào Đảng, còn 43,5% cho rằng không thể trở thành đảng viên.

(ii) Công tác tạo nguồn kết nạp chưa được quan tâm thường xuyên. Một số cấp uỷ cơ sở chưa có kế hoạch cụ thể về phát triển đảng viên theo từng quý, năm mà chủ yếu là chỉ tiêu trong nhiệm kỳ. Sự phối hợp giữa các thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc giáo dục, rèn luyện quần chúng ưu tú là người có đạo để trở thành đảng viên thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên.

(iii) Kết quả thực hiện công tác kết nạp người có đạo vào Đảng còn khiêm tốn; chưa đồng đều; tỷ lệ chức sắc, chức việc tôn giáo được kết nạp vào đảng còn thấp. Nhìn chung, tỷ lệ người có đạo được kết nạp vào Đảng so với số lượng người theo đạo và so với tổng số đảng viên chưa tương xứng. Ở một số địa phương, tỷ lệ kết nạp đảng viên là người có đạo thấp như Vĩnh Phúc 0,48%, Bắc Ninh 0,3% (tỷ lệ chung toàn Đảng là 1,72%); vẫn còn một số thôn, xóm “trắng” đảng viên, hoặc số đảng viên ít không đủ thành lập chi bộ. Tỷ lệ kết nạp chức việc, chức sắc trong các tôn giáo thấp, chỉ chiếm 0,18%, nên tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của đảng viên có đạo đối với đồng bào tôn giáo còn hạn chế.

Nguyên nhân của tình hình trên, trước hết là do đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên các cấp còn chưa thống nhất nhận thức về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Kết quả khảo sát cho thấy, có 74,4% cán bộ, đảng viên được hỏi cho rằng kết nạp đảng viên là người có đạo sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhưng cũng còn 25,6% cho rằng, việc kết nạp đảng viên là người có đạo không có tác dụng. Tương tự, có 29,1% cán bộ, đảng viên được hỏi có suy nghĩ, kết nạp đảng viên là người có đạo không giúp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào có đạo; 41,7% cho rằng không giúp tạo nguồn cán bộ tại chỗ vùng đồng bào có đạo; 27,4% khẳng định không góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc.

Chỉ có 56,2% cán bộ, đảng viên cho rằng chức sắc, nhà tu hành có thể vào Đảng, còn 43,5% cho rằng không thể trở thành đảng viên.

Kết quả khảo sát đó phù hợp với đánh giá của người dân khi có tới 30,9% số người được hỏi cho rằng, nhận thức về tôn giáo của một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào có đạo về chính sách tôn giáo của Đảng còn hạn chế là một trọng những nguyên nhân khiến việc vào Đảng của người có đạo gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, rào cản về giáo luật, lễ nghi của tôn giáo, thái độ thiếu hợp tác, phối hợp của một số chức sắc, chức việc tôn giáo cũng như sự mặc cảm của bản thân và gia đình quần chúng có đạo cũng gây khó khăn cho công tác phát triển đảng viên là người có đạo.

Khi được hỏi về những khó khăn khi vào Đảng của người có đạo, có 24,9% số người dân được hỏi cho rằng, do thái độ không ủng hộ của chức sắc, nhà tu hành; 23,5% cho rằng do giáo luật và lễ nghi tôn giáo không cho phép; 31,6% cho rằng do sức ép, cản trở từ gia đình.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có nguyên nhân khách quan: do thiếu việc làm, nhiều người dân có đạo, trong đó hầu hết là thanh niên phải rời quê hương đi làm ăn xa. Có tới 52% số người dân được hỏi cho rằng, vì phần lớn phải đi làm ăn xa nên việc tạo nguồn để phát triển đảng viên gặp khó khăn. Bên cạnh đó là nguyên nhân từ những vướng mắc về thủ tục, tiêu chuẩn… chưa được kịp thời tháo gỡ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác phát triển đảng viên là người có đạo ở vùng đồng bằng sông Hồng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy đảng cần nhận thức đầy đủ, thống nhất quan điểm, mục đích, yêu cầu, nội dung, biện pháp của công tác phát triển đảng viên là người có đạo, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy định 123 của Bộ Chính trị. Đây là giải pháp được đông đảo cán bộ, đảng viên đánh giá là quan trọng nhất (71,1% số người được hỏi). Trên cơ sở đó, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, từng tôn giáo. Phải xác định rõ kết nạp đảng viên là người có đạo phải gắn liền với xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào có đạo; củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Bởi vậy, cần quán triệt phương châm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định. Điều đó phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo. Kết quả khảo sát cho thấy, đại đa số quần chúng đều cho rằng, người có đạo được kết nạp đảng cần bảo đảm những tiêu chuẩn (xếp theo thứ tự ưu tiên): Luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; có khả năng đoàn kết, thuyết phục và vận động nhân dân; sẵn sàng phục vụ Tổ quốc; có uy tín trong cộng đồng tôn giáo và dám đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sai trái.

Hai là, thực hiện tốt chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Thông qua đó, củng cố lòng tin của đồng bào có đạo với Đảng, Nhà nước cũng như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển đảng viên trong đồng bào có đạo. Bởi vậy, để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là cơ sở cần tiếp tục tăng cường quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; xem xét công nhận và quản lý hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Các đoàn thể nhân dân cần tuyên truyền, giáo dục tín đồ trong các tôn giáo hiểu rõ và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời nắm bắt tình hình và tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ trong tôn giáo về nhu cầu tôn giáo để có chủ trương phù hợp với tình hình thực tế công tác tôn giáo ở địa phương. Đồng thời, nắm chắc thông tin những tôn giáo và hình thức sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước công nhận để tiện cho việc theo dõi, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng là những tín đồ tôn giáo vào Đảng.

Ba là, coi trọng và thực hiện tốt công tác tạo nguồn kết nạp Đảng. Các cấp ủy đảng, nhất là cấp cơ sở cần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh hai phong trào lớn “Xây dựng chùa tinh tiến”và “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới với những nội dung cụ thể, thiết thực để thu hút đông đảo đồng bào có đạo, nhất là thanh niên tham gia. Từ đó, phát hiện các nhân tố tích cực, tiêu biểu để bồi dưỡng kết nạp đảng.

Các cấp ủy đảng cơ sở cần giao nhiệm vụ cho đảng viên giúp đỡ quần chúng, tạo điều kiện để quần chúng hăng hái tham gia các phong trào và phấn đấu là quần chúng ưu tú. Đặc biệt, các chi bộ cần chủ động trao đổi và giao nhiệm vụ cho các đảng viên là người có đạo tuyên truyền, vận động, giúp đỡ quần chúng là con em, họ hàng, người thân của mình phấn đấu vào Đảng.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên cần xây dựng chương trình hành động về kết nạp đảng viên là người có đạo; tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, hội viên, đặc biệt là đối với các đoàn viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự về sinh hoạt tại địa phương, thông qua đó giáo dục, bồi dưỡng những người ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng. Đồng thời, quan tâm tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng những chức sắc, chức việc trong các tôn giáo để tạo nguồn, lựa chọn những người ưu tú, đủ tiêu chuẩn giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.

Bốn là, nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong vùng có đông đồng bào tôn giáo. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên tốt sẽ tạo điều kiện cho công tác vận động, thuyết phục, nêu gương với quần chúng nhân dân nói chung và với đồng bào có đạo nói riêng. Đặc biệt, cần thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy về kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng Đảng và kiến thức, nghiệp vụ công tác tôn giáo. Cần tập trung củng cố, tăng cường sự phối hợp, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào theo đạo. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện để các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường theo pháp luật, đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng tôn giáo vì mục đích xấu. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên là người có đạo; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào có đạo, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bức xúc ở cơ sở. Trên cơ sở các phong trào thi đua chung của cả nước, các đoàn thể vận dụng cho phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương, từng tôn giáo để cổ vũ, động viên đoàn viên tích cực tham gia, qua đó có điều kiện để lựa chọn những quần chúng là tín đồ, chức sắc ưu tú để giới thiệu cho các tổ chức đảng xem xét, kết nạp.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, đốn đốc việc thực hiện Quy định 123, đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương cho phù hợp.

Cùng với việc xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên là người có đạo, các cấp ủy cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cấp ủy cấp dưới trong việc thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Trong sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng, nhất thiết phải có đánh giá về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Đồng thời, định kỳ tiến hành sơ kết công tác này để rút kinh nghiệm chỉ đạo và đề ra các giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kết nạp đảng viên là người có đạo, cần tổng kết, đánh giá và trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quy định 123 và Hướng dẫn 40 cho phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, nên sửa đổi quy định để đảng viên có thể tham gia làm chức việc, hội đoàn tôn giáo nếu được tín đồ tín nhiệm, được cấp ủy cơ sở đề nghị và được ban thường vụ huyện ủy và tương đương đồng ý; chỉnh sửa theo hướng hướng dẫn chi tiết, rõ ràng hơn về quy trình xem xét, kết nạp đảng viên là người có đạo; bổ sung nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, phân công nhiệm vụ đối với đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo, tạo điều kiện để đảng viên là người có đạo phát huy vai trò cầu nối gắn bó giữa quần chúng có đạo với Đảng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

___________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014.

(1) Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh.

(2) Theo Báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định ngày 13-3-2014.

(3) Số liệu thống kê của các tỉnh, thành tháng 12-2013.

TS Lê Văn Lợi

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền