Trang chủ    Thực tiễn    Kiểm soát giá chuyển nhượng để chống thất thu thuế
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 09:46
2394 Lượt xem

Kiểm soát giá chuyển nhượng để chống thất thu thuế

(LLCT) - Trong kinh tế thị trường hiện đại, việc hình thành giá chuyển nhượng khi mua bán giữa các đơn vị thành viên của các công ty xuyên quốc gia là hiện tượng thường xảy ra nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Điều này đã đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho Nhà nước là phải kiểm soát được giá chuyển nhượng để tránh thất thu thuế.
 

Giá chuyển nhượng là giá hàng hóa và dịch vụ chuyển giao giữa các doanh nghiệp thành viên có quan hệ liên kết với nhau được ấn định sao cho giảm thiểu số thuế phải nộp, tối đa hóa lợi nhuận của toàn công ty. Thủ đoạn phổ biến của hoạt động chuyển giá là các doanh nghiệp liên kết nâng giá nhập thiết bị máy móc, vật tư, nguyên vật liệu... lên cao hơn giá thị trường, làm cho các công ty con bị lỗ, không còn thu nhập chịu thuế, qua đó chuyển lợi nhuận về công ty mẹ. Hiện nay, ở nước ta có 1.200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo cáo lỗ nhiều năm liền và có dấu hiệu của việc chuyển giá để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp(1). Công ty liên doanh Hualon Corporation (100% vốn từ Malaixia, Đài Loan, British Virgin Island) hoạt động tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) liên tục báo lỗ trong gần 20 năm, tính đến cuối năm 2010, đã lỗ lũy kế hơn 1 nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Điển hình là công ty này đã nâng giá nhập một dây chuyền máy móc cũ có giá thực 400 nghìn USDlên 40 lần thành 16 triệu USD và đã bị cơ quan thuế phát hiện, tổng giá trị bị điều chỉnh sau thanh tra đối với doanh nghiệp này là 70 triệu USD(2). Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính (2013) cho thấy, có 122 doanh nghiệp FDI bị phát hiện chuyển giá với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu hơn 214 tỷ đồng, riêng tập đoàn Keangnam Vina đã bị truy thu lên tới 95,2 tỷ đồng(3).

Như vậy, kiểm soát giá chuyển nhượng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bản chất của việc kiểm soát, điều chỉnh giá chuyển nhượng là hướng giá chuyển nhượng đến sát với giá hình thành trong điều kiện thị trường bình thường. Hiện nay, hầu hết các nước phát triển và đang phát triển đều có các điều khoản về kiểm soát giá chuyển nhượng ban hành trong Luật Thuế của mình.

Để hiểu bản chất của việc kiểm soát giá chuyển nhượng, cần phải hiểu được cơ chế hình thành giá. Trong kinh tế thị trường hiện đại, giá cả được hình thành dưới sự ảnh hưởng của các lực lượng điều tiết thị trường: quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh; Nhà nước và các công ty độc quyền, các công ty lớn hàng đầu. Trên các thị trường hàng hóa khác nhau, tương quan giữa các lực lượng điều tiết này là khác nhau, điều đó dẫn đến các kiểu hình thành giá cả khác nhau đối với sản phẩm. Trong kinh tế thị trường, tính tự chủ cao của các công ty trong hình thành giá cả dẫn đến tính đa dạng của giá cả hàng hóa được mua bán trên thị trường. Trên cơ sở tính đa dạng của giá cả, có thể có các hợp đồng khác nhau, các khối lượng chi phí khác nhau được tính vào giá cả. Vì vậy, phải chú ý đến các hợp đồng giữa các bên có liên kết với nhau, bao gồm: các hợp đồng với các điều kiện không bình thường về mặt giá cả, mức lãi suất, điều kiện thanh toán; các hợp đồng trong đó nội dung khác với hình thức; các hợp đồng với những người mua hay người bán có khối lượng lớn và khác biệt so với các hợp đồng khác; các hợp đồng cung cấp hay nhận dịch vụ kinh doanh có điều kiện thanh toán không bình thường... Các cơ quan thuế cần chú ý xem xét các hợp đồng như vậy, đặt ra những nghi vấn về khối lượng thu nhập chịu thuế và giá chuyển nhượng của các bên có liên quan. Có hai phương pháp cơ bản xác định đúng giá để tính thuế: Một là, trên cơ sở đối chiếu các chỉ tiêu trong hợp đồng của các chủ thể có quan hệ liên kết với các chỉ tiêu trong hợp đồng tương tự được ký kết giữa các chủ thể độc lập; Hai là, trên cơ sở phân tách lợi nhuận giữa các thành viên có quan hệ phụ thuộc vào nhau.

Phương pháp đối chiếu với các chỉ tiêu của các hợp đồng độc lập tương tự: Phương pháp này thực hiện so sánh giá chuyển nhượng hay giá cả hàng hóa chuyển dịch giữa các thành viên có quan hệ phụ thuộc vào nhau, với giá cả, theo đó các hợp đồng giữa các thành viên độc lập được thực hiện. Ở đây, các hợp đồng đem ra so sánh có thể không hoàn toàn đồng nhất, nhưng phải tìm được những hợp đồng tương tự. Tính có thể đối chiếu (tính tương tự) của các hợp đồng thể hiện ở những điểm sau đây: Những quy định chức năng của các bên tham gia và nghĩa vụ của họ (sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, chuyên chở, bảo hiểm…); chiến lược thị trường của họ (thí dụ chiến lược thâm nhập vào thị trường mới hay tăng thị phần đòi hỏi phải sử dụng giá thấp); tính rủi ro của các hợp đồng, bao gồm phân tán rủi ro giữa những người tham gia hợp đồng; các điều kiện hợp đồng như khối lượng cung cấp, điều kiện thanh toán, quy mô, chi phí vận chuyển được tính vào giá cả...; đặc điểm của thị trường trong đó các chủ thể kinh doanh hoạt động, hoàn cảnh địa lý của họ, mức cạnh tranh...; các dấu hiệu hàng hóa (tài sản) và dịch vụ được thực hiện, như tính chất của tài sản và chất lượng của nó, đặc điểm và độ dài của dịch vụ; loại hợp đồng (bán, xuất nhập khẩu...); tài sản vô hình (bằng sáng chế, nhãn mác thương mại...). Trong trường hợp có sự khác nhau giữa các hợp đồng được đối chiếu, việc điều chỉnh giá cả cho phù hợp là cần thiết. Nếu tìm được những hợp đồng độc lập tương tự và tiến hành đối chiếu giá cả, khi có sai lệch với giá chuyển nhượng thì giá cả trong hợp đồng giữa các chủ thể độc lập sẽ là cơ sở tính lợi nhuận chịu thuế của các thành viên tham gia hợp đồng có liên kết với nhau. Phương pháp này đem lại kết quả tin cậy hơn cả và được xem là phương pháp ưu tiên hàng đầu. 

Phương pháp tách lợi nhuận giao dịch: Việc đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố phi vật chất cấu thành nên giá cả thường khó khăn, do đó tính so sánh của các hợp đồng trở nên phức tạp, vì các chỉ tiêu đối chiếu nói chung là không có, phương pháp đối chiếu với các hợp đồng độc lập tương tự không có khả năng áp dụng. Trong trường hợp này, phương pháp kiểm soát lợi nhuận chịu thuế được áp dụng là phương pháp tách lợi nhuận giao dịch. Phương pháp này dựa trên cơ sở phân tách toàn bộ lợi nhuận nhận được giữa các bên tham gia hợp đồng có quan hệ phụ thuộc vào nhau theo tỷ lệ tham gia trong hoàn thành chức năng, nhiệm vụ hay theo vốn, giống như họ là các bên độc lập của hợp đồng. Nghĩa là phân tách lợi nhuận giữa những người tham gia hợp đồng giao dịch có liên kết phù hợp với sự hoàn thành chức năng của họ và theo tỷ lệ với các nguồn lực được sử dụng.

Ngoài các phương pháp trên, để đánh giá tính đúng đắn của giá cả chuyển nhượng, có thể sử dụng phương pháp giá bán lại và phương pháp “chi phí cộng lãi”. Thí dụ, nếu hợp đồng được thực hiện giữa các bên có quan hệ phụ thuộc vào nhau - giữa người sản xuất và người phân phối bán lại sản phẩm mà không có sự sơ chế, thì trong trường hợp đó phương pháp giá bán lại là thích hợp nhất để kiểm tra giá chuyển nhượng. Ngược lại, nếu người phân phối có các hoạt động làm biến đổi sản phẩm thì phương pháp thích hợp là “cộng chi phí”.

Phương pháp giá bán lại: Sử dụng giá bán lại của sản phẩm do cơ sở kinh doanh bán cho bên độc lập để xác định giá mua vào của giao dịch liên kết. Phương pháp này dựa trên cơ sở lợi nhuận gộp nhận được bởi người phân phối bằng cách khấu trừ chi phí nghiệp vụ của người phân phối từ giá bán lại hàng hóa. Phương pháp này thích hợp khi người sản xuất bán hàng hóa của mình cho người phân phối có liên kết với họ, người phân phối này, đến lượt mình lại bán lại hàng hóa trên thị trường, khi giá trị sản phẩm tăng lên một cách không đáng kể.

Phương pháp“chi phí cộng lãi” được áp dụng nhiều hơn trong các trường hợp người sản xuất bán hàng hóa của mình cho người phân phối có quan hệ liên kết với họ, người phân phối này lại bán hàng hóa trên thị trường và giá trị của sản phẩm tăng lên một cách đáng kể do những yếu tố vô hình. Trong những trường hợp này, tương quan của các chỉ tiêu lợi nhuận gộp và chi phí là cơ sở để kiểm soát. Lợi nhuận được tính bổ sung đối với chi phí của người bán có quan hệ liên kết, lợi nhuận này được tính bằng tỷ suất lợi nhuận trong các hợp đồng tương tự giữa các chủ thể độc lập. Trong các trường hợp không thể tìm thấy hợp đồng giữa các chủ thể độc lập tương tự, thì việc tính toán có thể được tiến hành bằng cách sử dụng tỷ suất lợi nhuận trung bình hằng năm, tuy nhiên cách tính này chỉ mang tính tương đối.

Các phương pháp được xem xét trên đây đối với việc xác định giá để tính thuế còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, phương pháp thứ nhất (đối chiếu với các chỉ tiêu của các hợp đồng độc lập tương tự) là bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể kinh doanh khác nhau trước việc đánh thuế, không phụ thuộc vào chỗ họ có là thành viên của nhóm kinh tế hay là những thành viên độc lập của thị trường. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, việc so sánh hợp đồng của những người độc lập với hợp đồng của những người có liên kết là không có căn cứ, vì việc đối chiếu các hợp đồng không phải khi nào cũng có thể làm được và tìm ra những người sản xuất độc lập trong những ngành có sự liên kết cao là rất phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các nước ủng hộ phương pháp thứ nhất, nghĩa là trên giá cả của hợp đồng độc lập có thể so sánh được.

Để kiểm soát giá chuyển nhượng, đòi hỏi các doanh nghiệp có đủ tài liệu về kế toán ban đầu; tài liệu tính lợi nhuận chịu thuế và có hợp đồng giữa các bên có quan hệ liên kết với nhau... Đồng thời Nhà nước phải có chế tài xử phạt đủ mạnh khi có bằng chứng rõ ràng về hành vi trốn thuế thông qua giá chuyển nhượng.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

 (1) Theo Thu Hòa: Kiểm tra 1.200 doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá http://www.baohaiquan.vn

(2) Theo Phạm Huyền: http://vietnamnet.vn/vn

(3) Theo Phạm Huyền: http://vef.vn

PGS,TS Nguyễn Văn Hậu

Viện Kinh tế chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền