Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 09:50
43125 Lượt xem

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

(LLCT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn coi trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; hệ thống các văn bản về công tác xây dựng đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nói riêng được ban hành khá đồng bộ, giúp cho các cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật; thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ này.

Cấp uỷ các cấp đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chương trình, kế hoạch và thực hiện ngày càng có chất lượng, hiệu quả; khắc phục dần tình trạng cấp uỷ khoán trắng cho uỷ ban kiểm tra thực hiện. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp, tăng cường đội ngũ cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ kiểm tra chuyên trách.

Ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, những quy định, chính sách không còn phù hợp; đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp kịp thời bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các quy định mới phù hợp với thực tiễn.

Kết quả thực hiện kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; kịp thời thanh lọc ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm kỷ luật đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập:

Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nên tình trạng vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn diễn ra khá trầm trọng, có lĩnh vực còn gia tăng.

Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, một số cấp uỷ vẫn còn khoán trắng cho uỷ ban kiểm tra thực hiện; chưa phát huy được vai trò tham mưu của các ban tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Các ban của cấp uỷ mới chỉ thực hiện chức năng tham mưu cho cấp uỷ, còn ít thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định.

Một số uỷ ban kiểm tra thực hiện chưa hiệu quả các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, việc thực hiện giám sát thường xuyên còn hình thức, thực hiện giám sát chuyên đề còn hạn chế, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đạt kết quả chưa cao. Còn một số nơi chưa tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Việc phát hiện, nhân rộng những cách làm mới, sáng tạo, mô hình hay qua công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

Việc phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng có lúc, có việc còn chậm, hiệu quả không cao.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác này; sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra cấp trên với cấp dưới và các ngành có liên quan còn nhiều bất cập, chưa trở thành nền nếp.

Tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra chưa thống nhất, đồng bộ ở các cấp; năng lực trình độ, bản lĩnh, tính chiến đấu, phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ kiểm tra còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điều kiện, phương tiện làm việc còn hạn chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ kiểm tra chưa mang tính đột phá để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ về làm công tác kiểm tra.

Các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, như nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chậm được cụ thể hoá thành quy chế, quy định của Đảng, một số nơi còn bị vi phạm nghiêm trọng; kỷ luật, kỷ cương ở nhiềucấp uỷ, tổ chức đảng không nghiêm; sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp uỷ, tổ chức đảng và nhiều chi bộ chưa tốt, ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, chức trách nhiệm vụ của đảng viên và chấp hành nghiêm chỉnh khi được kiểm tra, giám sát.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Ban hành mới các quy chế, quy định: Quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; Quy chế về chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; Quy chế miễn nhiệm, thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất và năng lực, để công việc trì trệ, mất uy tín; Quy chế kiểm tra trong Đảng; Quy định về giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng; Quy chế về trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Thanh tra, Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Đấu thầu một cách đồng bộ và thống nhất. Cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ nhân chứng, Luật Đầu tư công.

Ba là, đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và của chi bộ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền bảo đảm hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, giữ gìn đoàn kết nội bộ; về công tác tổ chức và cán bộ; về giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trong lĩnh vực hành chính và tư pháp; trong quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn ODA; về đầu tư và xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ ở các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, quy chế làm việc. Coi trọng kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về hiệu quả lãnh đạo, quản lý sản xuất kinh doanh. Uỷ ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, để giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, không chờ vụ việc xảy ra nghiêm trọng mới kiểm tra, xử lý. Đổi mới, tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử và công tác giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân.

Thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập của các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; đồng thời giáo dục, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời các khuyết điểm, xử lý nghiêm minh vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đề xuất bổ sung, hoàn thiện phương pháp, quy trình, kỹ năng về công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao khả năng dự báo về tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những vi phạm mới do tác động của toàn cầu hoá, cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Coi trọng nghiên cứu các chủ trương, cơ chế, chính sách để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng có chất lượng, hiệu quả.

Năm là, kiện toàn uỷ ban kiểm tra, tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường cán bộ kiểm tra các cấp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, tăng cường cơ
sở vật chất, phương tiện làm việc để đủ
khả năng, điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao:

Nghiên cứu cơ cấu, số lượng thành viên uỷ ban kiểm tra các cấp hợp lý; xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp bảo đảm thống nhất mô hình các đơn vị giúp việc từ cấp tỉnh trở lên. Tăng cường cán bộ kiểm tra chuyên trách cho uỷ ban kiểm tra các xã, phường thị, trấn, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên.

Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có cơ cấu hợp lý ở các cấp, đủ phẩm chất năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ kiểm tra các cấp, trong đó có chế độ phụ cấp đối với cán bộ kiểm tra kiêm chức.  

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, điều kiện làm việc, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động của uỷ ban kiểm tra.

Sáu là,tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế thành lập uỷ ban kiểm tra các cấp để tăng vị thế, tính độc lập và tăng thẩm quyền của uỷ ban kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ theo hướng: Uỷ ban kiểm tra các cấp do đại hội đảng cùng cấp bầu. Đồng thời, nghiên cứu tăng thêm bốn thẩm quyền cho uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên trong Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17-5-2010 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020. Nghiên cứu đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát, trong đó được sử dụng phương pháp điều tra hành vi vi phạm của đảng viên, nhất là những vi phạm về tham nhũng; được yêu cầu các cơ quan điều tra phối hợp sử dụng các biện pháp điều tra để phục vụ công tác kiểm tra trong một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là những chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ, do cấp uỷ trực tiếp tiến hành. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, công khai và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng.

Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phải gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm từ khi còn manh nha. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để răn đe và giáo dục.

Đề cao ý thức trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

___________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

Cao Văn Thống

TS Trần Duy Hưng

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền