Trang chủ    Thực tiễn    Đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển ở Việt Nam
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 09:52
2685 Lượt xem

Đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển ở Việt Nam

(LLCT) - Biến đổi khí hậu là mối quan tâm không chỉ của một quốc gia, một hay vài khu vực mà là vấn đề quan ngại của toàn thể nhân loại trong thế kỷ XXI. Để phát triển kinh tế - xã hội, mỗi quốc gia luôn phải tính đến các yếu tố nhằm bảo vệ môi trường. Đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hoạch định chính sách phát triển là một trong các biện pháp được đưa ra để hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

(Hạn hán tại Ninh Thuận, ảnh: internet)

1. Tính tất yếu phải đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (2007), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Báo cáo của Bộ tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong 50 năm qua (1951 - 2000), nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng 0,70C, mực nước biển dâng khoảng 20cm và dự báo có thể tăng lên 30C và vào năm 2100 nước biển sẽ tăng lên 1m. Khi mực nước biển dâng 1m thì sẽ có khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển của Việt Nam bị ngập, 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn(1).  

Mực nước biển dâng, nhiệt độ tăng và sự gia tăng không ngừng của các hiện tượng thời tiết khí hậu xấu đã tác động mạnh đến con người và kinh tế của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì sẽ có khoảng 10% dân số của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại khoảng 10% GDP quốc gia. Nếu nước biển dâng lên 3m, sẽ có khoảng 25% dân số chịu ảnh hưởng trực tiếp và làm thiệt hại khoảng 25% GDP. Do đó, nếu Việt Nam không nhanh chóng có các biện pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu thì sẽ đứng trước nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và bất ổn về chính trị, kinh tế.

Hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ trầm trọng hơn ở các quốc gia có đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội như Việt Nam bởi hai nguyên nhân:

Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài với hai đồng bằng châu thổ lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Việc nước biển dâng cao, bão, lũ lụt, hạn hán hay xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là thảm họa nghiêm trọng đối với con người và phát triển kinh tế.

Thứ hai, nước ta là một nước có thu nhập ở mức trung bình thấp với hơn 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và sinh kế chủ yếu dựa vào môi trường thiên nhiên. Hậu quả của thiên tai sẽ làm thay đổi sinh kế và đời sống của hàng triệu hộ gia đình nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Người nghèo có thể sẽ trở thành người nghèo cùng cực và những người đang ở ngưỡng nghèo hay vừa thoát nghèo sẽ lại trở thành những người nghèo nếu họ phải đối mặt với những rủi ro do thiên nhiên gây ra. Các tác động của biến đổi khí hậu có nguy cơ làm phá vỡ các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển của đất nước, đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe cho người dân...

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “Tăng cường công tác quản lý môi trường ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng dân cư tập trung. Lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn mục tiêu bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư. Tăng cường đầu tư để ngăn ngừa sự cố môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường; trước hết xử lý nước thải; chất thải rắn, tập trung ở các bệnh viện lớn; nghiên cứu sử dụng chất thải và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn. Tăng khả năng dự báo các sự cố thiên nhiên, thời tiết bão lụt, động đất, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra”(2). Các quan điểm về bảo vệ môi trường, lồng ghép các yếu tố của bảo vệ môi trường trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương tiếp tục được khẳng định tại các Đại hội Đảng lần thứ X và XI: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái”(3)và “đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường”(4). Điều này thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, từ năm 1987 đến năm 2006, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là một trong những cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nguyên tắc đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Các chương trình, chính sách tiêu biểu ở cấp quốc gia có thể kế đến như: Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (Quyết định số 153/204 /QĐ-TTG ngày 17-8-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam); Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (Quyết định số 172/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình, mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ); Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Quyết định số 1002/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2011 - 2015... Các chương trình đã đưa ra quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo chung cho việc đưa các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Một là, nội dung của quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được chủ động tích hợp, gắn kết vào tất cả các bước của quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Hai là, lồng ghép hài hòa các nhóm giải pháp phi công trình (nhóm giải pháp về thể chế chính sách, nhóm giải pháp về quản lý và nhóm giải pháp trợ giúp cho quản lý) và nhóm giải pháp công trình.

Ba là, các giải pháp ưu tiên được lựa chọn phải đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với loại hình và đặc điểm của mỗi loại thiên tai cũng như mức độ ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của từng ngành, từng địa phương.

Bốn là, thiết kế chính sách theo hướng khuyến khích tính chủ động của các tỉnh nằm trong các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Cân đối giữa chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các nguồn khác. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng một cách toàn diện (đóng góp ý tưởng sáng tạo, đóng góp vật chất, sức lao động)... Xây dựng hệ thống chính sách phòng chống, giảm nhẹ thiên tai từ dưới lên có sự tham gia của các bên liên quan và đặc biệt là từ đề xuất của các tỉnh, huyện, xã và các ngành. Các chính sách phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, các kế hoạch hành động phải có quan hệ chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới, chiến lược an sinh xã hội và các quy hoạch phát triển của ngành.

Năm là, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện nhưng có ưu tiên. Đảm bảo lồng ghép một cách đồng bộ và toàn diện các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm của các ngành, các chương trình, dự án. Các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai được lồng ghép và kế hoạch phát triển của các ngành phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại của ngành, khả năng ứng phó của ngành và cộng đồng. Các giải pháp phải được xếp hạng ưu tiên trước khi lồng ghép vào kế hoạch phát triển. Chú trọng cả các hoạt động phòng ngừa, ứng cứu và hồi phục, giải pháp về tổ chức thể chế, công trình và phi công trình, cơ chế điều phối giữa các cơ quan ban ngành. Lấy đó làm căn cứ lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp.

Sáu là, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kế hoạch các ngành, các cấp về kỹ năng lập kế hoạch và kỹ năng lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó bao gồm các kỹ năng: đánh giá mức độ thiệt hại; đánh giá năng lực ứng phó của ngành, cộng đồng; phân tích rủi ro thiên tai; lập kế hoạch… 

Bảy là, thể chế hóa việc lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển của các ngành từ Trung ương đến địa phương(5).

3. Một số chính sách phát triển đã đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào

Trong Chiến lược phát triển kinh - tế xã hội 2011 - 2020, Đảng ta chủ trương: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt, “phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”(6). Theo đó, Đảng ta quán triệt tinh thần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải bảo đảm yêu cầu về môi trường. Thực hiện nghiêm ngặt lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường. Xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm. Khắc phục suy thoái, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng; tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Hạn chế và tiến tới không xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, phát triển các dịch vụ môi trường, xử lý chất thải. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và đánh giá tác động để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quan điểm về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI. Nghị quyết đã đánh giá những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ ra nguyên nhân, quan điểm và mục tiêu cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Các nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cũng được nêu ra, trong đó xác định: “thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”(7).

Chủ trương của Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã được lồng ghép trong một số các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế của một số ngành, trong một số chiến lược quốc gia và địa phương như:

Chỉthị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2011 - 2015, nêu ra quan điểm phát triển của ngành nông nghiệp, các nguyên tắc, nội dung của việc lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường.

Năm 2010, Bộ Công thương ra Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa ra ba quan điểm về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đề ra các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, kế hoạch hành động và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện kế hoạch đề ra cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chính phủ đã chủ trương lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chính sách xóa đói, giảm nghèo, được cụ thể hóa thành các chương trình như: Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ; Chương trình nhà ở cho người nghèo vùng thiên tai; Chương trình dự báo thời tiết nông vụ, chương trình hỗ trợ ngư dân gắn thiết bị nắm bắt được dự báo về thời tiết khi đánh bắt xa bờ...

Bên cạnh đó, các tỉnh đã đề ra chương trình hành động và mục tiêu cho việc thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Mặc dù công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thực hiện trong một số chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương. Một số bộ, ngành cũng đã xây dựng chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng công tác thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển còn nhiều hạn chế. Nhiều bộ, nhiều ngành và nhiều địa phương còn chưa lưu tâm đến việc thực hiện lồng ghép yếu tố của biến đổi khí hậu trong chương trình, chiến lược phát triển của mình. Để bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, trong quá trình hoạch định chính sách, từng ngành, từng địa phương cần tiếp tục lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào từng mục tiêu phát triển, quy hoạch, kế hoạch, chương trình theo những định hướng cụ thể sau:

Một là, việc lồng ghép được dựa trên quan điểm của việc phát triển kinh tế bền vững. Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Hai là, việc lồng ghép mang tính toàn diện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm toàn diện thể hiện ở chỗ việc lồng ghép phải được thực hiện trong tất cả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mọi cấp độ như quy hoạch dài hạn, quy hoạch trung hạn hay quy hoạch hằng năm và phải được thực hiện ở hầu hết các ngành liên quan như nông, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, quốc phòng, an ninh… Quan điểm lồng ghép có trọng tâm, trọng điểm được thể hiện ở việc ưu tiên các công việc cấp bách, trước mắt và những tác động nghiêm trọng hay tác động lâu dài.

Ba là, việc lồng ghép dựa trên quan điểm phòng ngừa là chính. Công tác phòng ngừa là giải pháp hữu hiệu và ít tốn kém hơn cả trong việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Bốn là, việc lồng ghép dựa trên quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đó là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thực hiện theo phương châm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Năm là, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phải thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Công tác khắc phục hậu quả phải kết hợp với khôi phục và nâng cấp, bảo đảm sự phát triển bền vững của từng vùng và từng lĩnh vực r

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Hà Nội, 2008.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 336-337.

(3), (4), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.78, 221, 98-99.

(5) Asian disaster preparedness: Sổ tay hướng dẫn lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, các ngành tại tỉnh Đồng Tháp, 2010, tr.19-22.

(7) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, http://dangcongsan.vn

ThS Đặng Viết Đạt

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền