Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển lâm nghiệp gắn với xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 10:00
3822 Lượt xem

Phát triển lâm nghiệp gắn với xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam

(LLCT) - Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng, đất rừng khá lớn, đa dạng và phong phú, phân bố rộng khắp gần như trên tất cả các tỉnh, thành trong toàn quốc. Theo số liệu năm 2012, diện tích đất lâm nghiệp lên tới 15,4 triệu ha (chiếm 58,5% diện tích đất nông nghiệp; chiếm 46,4% tổng diện tích toàn quốc), chưa kể hơn 2,7 triệu đất đồi núi chưa sử dụng và núi đá không có rừng cây. Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 25 triệu người, trong đó có khoảng 12 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn và phụ thuộc vào rừng. Vì vậy, bên cạnh chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống, cảnh quan văn hóa xã hội, lâm nghiệp còn có vai trò cung cấp lâm sản, đặc sản phục vụ các nhu cầu của xã hội, tạo nguồn thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng trung du, miền núi.

(Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Trong thời kỳ đổi mới, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2013, Việt Nam nằm trong số 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói, giảm nghèo, được FAO trao Bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được mục tiêu thứ nhất trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Việt Nam đã về đích trước 5 năm khi giảm số người nghèo đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9,45% (8,01 triệu người) năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người nghèo vẫn còn 9,6% (2012), năm 2013 là 7,6%. Xét về khu vực, năm 2012, trên cả nước, số hộ nghèo tập trung cao nhất ở khu vực miền núi Tây Bắc với trên 28%, tiếp đó là miền núi Đông Bắc (17,4%), Tây Nguyên và Khu IV cũ 15%; khu vực Đông Nam Bộ có khoảng 1,3%. Như vậy, tỷ lệ người nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước. Về cơ bản, đồng bào khu vực này chủ yếu sống dựa vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là sống dựa nghề rừng, hoặc có liên quan đến rừng.

Người dân ở các vùng này nghèo là do khó tiếp cận thị trường, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đất đai xấu. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa nông thôn sẽ đến chậm hơn so với các vùng khác. Hơn nữa, đời sống của người dân ở các vùng sâu, vùng xa ở nông thôn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng hóa và dịch vụ môi trường từ các rừng tự nhiên, điển hình như khai thác và bán gỗ cũng như các sản phầm từ rừng.

Như vậy, công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi có rừng hoặc sống dựa vào nghề rừng nhất thiết phải gắn với chiến lược phát triển lâm nghiệp. FAO đã đưa ra 6 phương thức sử dụng nguồn rừng có tiềm năng trợ giúp cho quá trình giảm nghèo, đó là: (1) Chuyển đổi rừng sản xuất sang sản xuất nông nghiệp, (2) Gỗ, (3) Lâm sản ngoài gỗ, (4) Dịch vụ môi trường, (5) Việc làm, (6) Lợi ích gián tiếp(1). Trên thực tế, những phương thức này đã hỗ trợ tích cực công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp. Tháng 11-2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  đã ký với các nhà tài trợ Thoả thuận về Chương trình Hỗ trợ ngành lâm nghiệp và Đối tác (FSSP & P). Giảm nghèo và sinh kế nông thôn là một trong những mục tiêu chính của Chương trình này. Ngày
21-5-2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện”, trong đó xóa đói, giảm nghèo được coi là một thành tố trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Năm 2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2020.

Trong đó, một số chương trình, dự án lâm nghiệp có tác động quan trọng đến công tác xóa đói, giảm nghèo, như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135). Đây là một chương trình có tác động sâu sắc đến công tác xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661), là một chương trình kinh tế - xã hội - sinh thái trọng điểm của Nhà nước, theo đó sẽ trồng mới 5 triệu ha rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có trong thời kỳ từ năm 1998 đến năm 2010 nhằm nâng cao độ che phủ của rừng Việt Nam lên mức 43% vào năm 2010. Dự án này cũng đã giúp người dân có thêm công ăn việc làm trong một thời gian nhất định.

Một trong những phương thức tác động tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo là chuyển đổi đất rừng sang sản xuất nông nghiệp. Phương thức này giúp người dân có thêm diện tích đất để sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cũng có một hạn chế là làm giảm đi diện tích đất lâm nghiệp.

Về giao và cho thuê đất lâm nghiệp, đây là một phương thức hỗ trợ người dân sống dựa vào rừng có cơ hội xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế, diện tích đất lâm nghiệp đã giao và cho thuê giai đoạn 2005 - 2008 đã tăng đáng kể. Diện tích đất giao cho hộ các gia đình tăng 10,23%, cho UBND xã tăng 9,75% so với năm 2005, trong khi diện tích đất giao cho các tổ chức kinh tế, các cơ quan, đơn vị của Nhà nước và tổ chức khác giảm 26,84%(2). Việc giao đất và cho thuê đất lâm nghiệp cho chủ rừng, các hộ gia đình và cộng đồng là mục tiêu quan trọng bảo đảm cho người dân miền núi được giao rừng và đất lâm nghiệp để canh tác sản xuất, có thêm việc làm và tăng thu nhập.

Đối với thu nhập theo đầu người, giai đoạn 2004-2008 cả nước đã tăng 2,05 lần, thành thị tăng 1,87 lần và nông thôn tăng 2,02 lần. Nếu tính từ năm 2006 đến năm 2010, có 67,5% số hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm(3). Mặc dù vậy, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra là 70%. Trong giai đoạn từ 2007 - 2012, thu nhập bình quân đầu người của các hộ tăng khoảng 20%. Thu nhập của người dân vùng đặc biệt khó khăn cũng tăng, nhưng tăng chậm. Nguồn thu này tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau như khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, các dịch vụ môi trường rừng. Riêng dịch vụ môi trường rừng, qua 3 năm thực hiện (2010-2014), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thu được hơn 3.440 tỷ đồng, trong đó đã chi trả cho người cung ứng dịch vụ hơn 1.781 tỷ đồng, giải ngân đến chủ rừng 1.393 tỷ đồng...

 Nhờ có thêm nguồn chi trả mới, thu nhập của người dân làm nghề rừng, nhận khoán bảo vệ rừng cao hơn trước đây, trung bình đạt 1,8 triệu đồng/ha/năm... Đây cũng là một trong những chính sách tích cực với nhiều ý nghĩa, trong đó có cải thiện đời sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Vấn đề việc làm trong lâm nghiệp có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2005 - 2010. Dự án 661 đã tạo số việc làm lớn nhất trong ngành lâm nghiệp. Nếu tính riêng trong giai đoạn 2006 - 2010, Dự án 661 đã tạo được việc làm cho 4,7 triệu người, chiếm 4,3% dân số cả nước(4). Trong đó, số người có thu nhập từ rừng chiếm dưới 25% trên tổng thu nhập là 2,9 triệu người, từ 25% đến 50% là 1,2 triệu người và trên 50% là 0,57 triệu người. Trong vùng sinh thái lâm nghiệp thì vùng miền núi phía Bắc có số người có thu nhập từ rừng lớn nhất, tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ. Còn lại các vùng khác có thu nhập từ rừng thấp hơn. Đặc biệt, Tây Nguyên chỉ có trên 90 nghìn người và Đông Nam Bộ có 26 nghìn người có thu nhập từ rừng. Về thu nhập từ rừng, so với năm 2005, số người có thu nhập từ rừng của dự án năm 2010 tăng lên 2,7 lần, từ 1,73 triệu người năm 2005 tăng lên 4,7 triệu người năm 2010(5). Điều này chứng tỏ số người thu nhập từ rừng tăng lên đáng kể và số người có thu nhập cao từ rừng tăng cao nhất (4,2 lần).

Khai thác gỗ và các lâm sản ngoài gỗ cũng là một phương thức giúp người dân vùng sâu, vùng xa thoát nghèo. Tuy nhiên, khai thác gỗ ở đây là nói tới những lợi ích đối với người dân nghèo từ khai thác rừng tự nhiên và sản xuất gỗ rừng trồng với quy mô nhỏ, chủ yếu khai thác để phục vụ cho nhu cầu xây dựng nhà ở, chuồng trại. Việc thu hái lâm sản ngoài gỗ - trước đây gọi là lâm sản phụ, cung cấp 13,7% thu nhập từ các hoạt động lâm nghiệp của các hộ gia đình nông thôn. Theo số liệu điều tra, thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ chiếm khoảng 20% trong tổng thu nhập của các gia đình(6)

Về dịch vụ môi trường, rừng cung cấp nhiều hình thái dịch vụ trực tiếp về môi trường cho người dân sống gần rừng. Người dân sống xung quanh vùng có rừng, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái sẽ được hưởng lợi từ việc triển khai dịch vụ, đồng thời cũng hưởng lợi gián tiếp từ những người sống xa rừng chi trả cho việc duy trì các dịch vụ rừng.

Xét về tỷ lệ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 đã giảm từ 57,5% xuống 49,2% trong giai đoạn 2007 -  2012, chủ yếu tỷ lệ nghèo đói trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm, trong khi đó tỷ lệ nghèo ở các hộ người Kinh gần như không giảm(7). Như vậy, ngoài những giá trị về môi trường, an ninh, thì rừng đóng vai trò quan trọng đối với hàng triệu người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng xung quanh có rừng và đối với những người sống phụ thuộc vào nghề rừng. Có thể thấy việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác như canh tác nông nghiệp, việc khai thác gỗ và lâm sản hay việc khoán bảo vệ rừng làm tăng công ăn việc làm, hay thu lợi từ dịch vụ môi trường… đều là những nhân tố tích cực trợ giúp cho quá trình giảm nghèo của Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, những nơi gắn với rừng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Trước hết, tiếp tục xây dựng những chính sách xóa đói, giảm nghèo mang tính đa chiều. Tuy nhiên, các chính sách phải thường xuyên được đánh giá, bổ sung, điều chỉnh để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng, hiệu quả hơn. Chính sách xóa đói, giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, từng giai đoạn phát triển. Có chính sách đặc thù cho vùng đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả trong phát triển lâm nghiệp cũng như xóa nghèo đói ở miền núi. Vì vậy, cần đầu tư xây dựng hệ thống đường sá giao thông, liên lạc, trạm xá, điện... cho vùng sâu, vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Nâng cấp, mở rộng những tuyến đường sẵn có, nhất là đường liên tỉnh và biên giới, hướng tới các trung tâm cụm xã miền núi đều có đường ô tô phục vụ vận tải lớn.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách giao đất, giao rừng. Giao đất, giao rừng không những tạo việc làm, khuyến khích người dân cải thiện thu nhập mà còn có tác dụng lớn trong việc bảo vệ, trồng rừng nhằm tăng độ che phủ rừng. Tuy nhiên, cần có những giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp hơn để công tác giao đất, giao rừng đạt mục tiêu đề ra. Ví dụ như cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng cho các chủ rừng để thuận tiện trong việc quản lý và sản xuất.

Kết hợp chính sách định cư nhằm giảm thiểu nạn đốt rừng, chính sách tín dụng ưu đãi để trồng rừng, tạo cơ hội để phát triển kinh tế rừng trồng vùng cao. Đây là giải pháp ổn định và có tính chất lâu dài giúp cho các hộ nghèo và vùng nghèo thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế.

Chú ý kết hợp loại rừng đặc dụng với việc xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên lưu giữ các loại động vật hoang dã và các chủng loại thực vật quý hiếm hoặc các khu danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch sinh thái, làm tăng giá trị khai thác từ rừng.

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, cần xác định đúng một số chỉ tiêu như trạng thái rừng và ranh giới rừng, diện tích lưu vực… để có cơ sở chi trả. Đồng thời, cần xây dựng quy trình đánh giá chất lượng bảo vệ rừng để chi trả đúng cho các cộng đồng, nhóm hộ và đơn vị tham gia. Từ đó, lợi ích thu được từ các dịch vụ môi trường cần được đầu tư để tăng thu nhập và tạo việc làm cho những người sống ở rừng vùng cao.

Thứ tư, đầu tư phát triển chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tại vùng cao. Để thực hiện giải pháp này, cần xây dựng chính sách chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản vùng cao, hỗ trợ hình thành các làng nghề, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cộng đồng, nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến gỗ và lâm sản quy mô nhỏ. Đồng thời, về lâu dài cần quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản cấp cộng đồng vùng cao, hỗ trợ vốn quy hoạch và phát triển các làng nghề, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vùng cao.

Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân và sự nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo từ chính họ.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1) Dẫn theo: William D. Sunderlin và Huỳnh Thu Ba: Giảm nghèo và rừng ở Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), Inđônêxia (2005).

(2), (3), (4), (5) Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và FSSP: Báo cáo tiến độ ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, 2011, tr.79, 77, 86, 86.

(6) Đinh Đức Thuận: Lâm nghiệp, Giảm nghèo và Sinh kế nông thôn ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chương trình Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp & Đối tác, Hà Nội, 2005, tr.60.

(7) IRC - CEMA -UNDP - Findland Embassy: Tác động của chương trình 135 giai đoạn II qua lăng kính hai cuộc điều tra đầu kỳ và cuối kỳ (2012).

 

ThS Đỗ Thị Diệu

Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền