Trang chủ    Thực tiễn    Về thực hiện dân chủ trực tiếp ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 10:57
2023 Lượt xem

Về thực hiện dân chủ trực tiếp ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

(LLCT) - Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, phát triển vườn cây ăn trái đem lại giá trị xuất khẩu lớn.

Ở nước ta, dân chủ trực tiếp được thực hiện trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong những năm qua, việc phát huy dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp đã được triển khai khá đồng bộ, đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ. Song bên cạnh thành tựu, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn không ít vướng mắc, khuyết điểm, trong đó có khuyết điểm từ chính hệ thống công quyền, từ sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ(1).

Số liệu khảo sát của Đề tài: “Thực hiện dân chủ trực tiếp trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở đồng bằng song Cửu Long”(2) tại 3 tỉnh An Giang, Cần  Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10-2013 cho thấy:

Về các hình thức dân chủ,93,0% người được hỏi không phân biệt chính xác giữa dân chủ trực tiếp và gián tiếp và cho rằng bầu cử là hình thức dân chủ trực tiếp. Thực tế cho thấy, người dân đã và đang thực hiện các hình thức dân chủ ở địa phương như tham gia trưng cầu dân ý, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm, tham gia đóng góp ý kiến vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng do hoạt động bầu cử thường được tổ chức quy mô, huy động cả hệ thống chính trị tham gia nên đã “khắc sâu” trong nhận thức của người dân và coi đây là dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, việc người dân nhận biết bầu cử là dân chủ trực tiếp chưa đủ cơ sở để đánh giá đó là sự hiểu biết và phân biệt một cách bản chất về các hình thức của dân chủ.

Nhận thức về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, 67,3% người dân biết đến tổ chức nhân dân tự quản, tiếp đến là Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Nông dân,... Có 52% đánh giá đúng vai trò đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội, 42,3% cho rằng tổ chức chính trị - xã hội có vai trò tổ chức các phong trào thi đua và 57,3% cho rằng có vai trò tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Chỉ có 2% người dân nhận thức được vai trò phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội. Có thể thấy, sự hiểu biết của người dân đối với các tổ chức chính trị - xã hội là một minh chứng khẳng định vị trí, vai trò trên thực tế của tổ chức đó đối với địa phương và người dân trên địa bàn.

Việc nhận thức của nhân dân chưa thực sự sâu sắc về các hình thức dân chủ và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đã tạo nên sự bất cập trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Khi người dân không nhận thức rõ đó là quyền lợi của mình sẽ rất khó để phát huy tính tích cực chính trị của họ.

Tham gia bầu cử

Ý thức của người dân về hoạt động bầu cử rất tích cực. Việc tham gia bầu cử được coi là một trong những biểu hiện rõ nét và nổi bật nhất trong thực hiện dân chủ trực tiếp của người dân. Đánh giá việc tham gia bầu cử của người dân qua kết quả khảo sát về bầu cử các cấp từ trưởng thôn, ấp, đại biểu Hội đồng nhân dân, Quốc hội cho thấy: có 82,3% số người được hỏi đã tham gia bầu trưởng thôn, ấp và 64,7% trong số đó cho rằng họ đã tìm hiểu thông tin và có trao đổi với những người xung quanh khi bỏ phiếu, 0,7% đã tìm hiểu thông tin trước khi lựa chọn, 12% đi bỏ phiếu cho xong và 5,7% lựa chọn theo cảm tính. Có đến gần 20% số người được hỏi không tham gia bầu cử, lý do là: 22,6% không quan tâm; 35,8% không có thông tin và 41,5% bận việc riêng. Như vậy, có 2/3 số người tham gia bầu cử thực sự quan tâm đến “chất lượng lá phiếu” của mình, thực hiện có hiệu quả quyền dân chủ trong bầu cử.

Tham gia tiếp xúc cử tri

Các địa phương có sự chủ động trong việc tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri trên tinh thần dân chủ và đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri còn mang tính hình thức.

Tỷ lệ người dân biết đến các lần tiếp xúc cử tri, ở cấp xã, phường là 51,3%; cấp quận, huyện là 40,7%, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố 37% và biết đến tiếp xúc của đại biểu Quốc hội 28%.

Mặc dù đã có cố gắng thu thập ý kiến của người dân và được mời ý kiến của cử tri, nhưng các “đại diện cử tri” trong các cuộc gặp gỡ cử tri, với đủ các thành phần, nhưng không ít ý kiến của người dân về những vấn đề bức xúc còn chưa phản ánh tới các đại biểu dân cử nên khó khăn cho công tác giải trình, phản hồi.

Đóng góp sửa đổi Hiến pháp

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 là hoạt động chính trị lớn, nhưng có tới 66,3% số người được hỏi trả lời không tham gia đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp, 21% tham gia nhưng không có ý kiến và chỉ có 4,7% nghiên cứu kỹ dự thảo sửa đổi và tham gia đóng góp ý kiến. Lý do của việc không tham gia là: 38,3% không có thông tin; 14,3% trả lời không có hoạt động này tại địa phương; 12,7% bận việc riêng; và 1% không tin tưởng. Một số người dân cho rằng, họ không có đủ trình độ để đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp.

Việc tiếp cận các văn bản, chính sách của địa phương

Có 83,3% số người biết đến các hoạt động xóa đói giảm nghèo, 43% biết đến các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, 37% biết đến các hoạt động khuyến học và 34,3% biết đến chính sách về dân tộc tôn giáo.

Số liệu trên cho thấy, việc người dân tiếp cận các văn bản, chính sách còn rất hạn chế. Người dân cho rằng đó là những vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ. Do vậy, chính quyền địa phương cần có những hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách cho phù hợp, để người dân hiểu được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều 5, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã quy định về các nội dung công khai để dân biết. Các địa phương đã thực hiện việc công khai đối với dân các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những nội dung mà người dân được biết còn chưa đầy đủ, chủ yếu là các hoạt động gây quỹ, xóa đói giảm nghèo, việc làm...

Tham gia các hoạt động tại địa phương

Có tới 97,7% người được hỏi cho rằng, các thành viên trong gia đình họ có tham gia vào các hoạt động của địa phương. 69% trả lời có tham gia đóng góp quỹ xóa đói giảm nghèo, 50,3% tham gia vào hoạt động bình bầu hộ nghèo, 45,7% đóng góp quỹ khuyến học. Các hoạt động khác, tỷ lệ tham gia rất khiêm tốn, chỉ có 14,7% tham gia thảo luận việc xây dựng các công trình công cộng, 8,3% tham gia giám sát xây dựng các công trình công cộng, 3% tham gia giám sát việc thu chi các khoản quỹ do dân đóng góp, 2,7% tham gia giám sát hoạt động giải phóng mặt bằng. Trong các cuộc họp, người dân được thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề xóa đói giảm nghèo, còn các hoạt động khác ít được đề cập đến. Thực tế, các hoạt động liên quan đến vấn đề xóa đói, giảm nghèo là hoạt động được tổ chức thường xuyên tại khu vực nông thôn Việt Nam, khiến hoạt động này trở nên “quen thuộc” với người dân và cán bộ địa phương. Các hoạt động giám sát việc xây dựng các công trình công cộng hay giải phóng mặt bằng thường được thực hiện bởi một nhóm đại diện như cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc... là một trong những lý do về tỷ lệ ít ỏi người dân tham gia hoạt động này. Một số hoạt động ở địa phương thường được triển khai thông qua đại diện của người dân, những đại diện này sẽ tập hợp nhân dân và phổ biến lại các nội dung mà họ đã tiếp nhận từ chính quyền.

Tuy nhiên, theo Điều 10, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn về nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp thì: “Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật”. Như vậy, trên thực tế, người dân trên địa bàn được khảo sát tham gia vào các hoạt động dân chủ nhưng còn phiến diện và chưa đầy đủ.

Tham gia các cuộc họp

Qua khảo sát cho thấy, ý thức xã hội của người dân trên địa bàn còn chưa cao, còn chưa thực sự quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động dân chủ tại địa phương. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, việc tổ chức họp dân không đạt hiệu quả là do nội dung các cuộc họp không được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhàm chán... không thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Thực trạng này cũng phù hợp với đánh giá của PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2013, đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam) cho thấy chỉ số điểm các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long thường trong nhóm thấp so với cả nước: như chỉ số về cơ hội tham gia của người dân ở cơ sở điểm tối thiểu 0,25, điểm tối đa 2,5 thì nhóm có chỉ số điểm PAPI thấp nhất là Cà Mau 1,34 điểm, trong khi Sơn La đạt cao nhất 2,05 .

Một số khuyến nghị

Đối với chính quyền cơ sở. Việc thực thi dân chủ trực tiếp ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thể hiện trong cách thức phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế trong việc tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, được biết, bàn những vấn đề về kinh tế - xã hội của địa phương trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được việc tham gia các hoạt động dân chủ là thật sự cần thiết, là quyền lợi và trách nhiệm của họ.

Tăng cường tính trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. Chính quyền, đoàn thể địa phương chưa giải trình, phản hồi kịp thời các ý kiến của nhân dân cũng như chưa thực hiện đầy đủ những nội dung đã bàn bạc và thống nhất với dân, hay nói cách khác là chưa “giữ chữ tín với dân”. Cần quy định rõ trách nhiệm giải trình ý kiến của người dân đối với các cá nhân và tổ chức chính quyền, đoàn thể địa phương. Cần có các chế tài cụ thể đối với việc này để việc phản hồi được thực hiện nhanh chóng và cụ thể.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Một số địa phương đã nhìn nhận vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng và đã “khai thác” tốt khả năng của họ trong việc vận động nhân dân tham gia các hoạt động dân chủ ở cơ sở.

Mở rộng các vị trí bầu cử, thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, huyện, tỉnh nhằm phát huy và thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân một cách hiệu quả.

Mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và đại biểu Quốc hội để lắng nghe, phản ánh và giải quyết kịp thời nguyện vọng của nhân dân.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1) Xem Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI,Hà Nội, 16-1-2012.

(2) Đề tài khoa học cấp Bộ: “Thực hiện dân chủ trực tiếp trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở đồng bằng sông Cửu Long” do TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, làm Chủ nhiệm. Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ là cơ quan chủ trì.

Cách chọn mẫu được tiến hành với các yếu tố đại diện như đô thị, nông thôn, khu vực giáp biên, khu vực có đồng bào dân tộc và tôn giáo và những nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa. Cụ thể, đề tài lựa chọn 3 tỉnh/thành phố là Cần Thơ, An Giang và Sóc Trăng. Tại mỗi tỉnh, thành phố đề tài sẽ tiến hành khảo sát 2 huyện, quận là: thành phố Cần Thơ: quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy; tỉnh An Giang: Huyện An Phú và huyện Tịnh Biên; tỉnh Sóc Trăng: thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên. Tại mỗi huyện, quận sẽ lựa chọn 1 xã làm địa bàn khảo sát.

Quy mô mẫu khảo sát: Mẫu trả lời bảng hỏi ở mỗi tỉnh, thành sẽ là 100 trường hợp, nên tổng số mẫu được chọn là 300 trường hợp. Mẫu nghiên cứu được lựa chọn theo nhóm mang tính đại diện như giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc, học vấn, nghề nghiệp... Mẫu được chọn đảm bảo các chỉ tiêu vùng miền, nhóm tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, học vấn và nghề nghiệp.

 

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy

Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ,

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền