Trang chủ    Thực tiễn    Quy hoạch không gian biển và ven biển Hải Phòng hướng tới một thành phố cảng xanh
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 10:59
3313 Lượt xem

Quy hoạch không gian biển và ven biển Hải Phòng hướng tới một thành phố cảng xanh

(LLCT) - Đô thị Hải Phòng nằm ở vùng đất ven biển có nhiều sông, lạch uốn khúc mạnh trước khi đổ ra biển, trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị cần tận dụng tính trội này. Hệ thống sông, lạch sẽ không chỉ làm đẹp cho đô thị Hải Phòng mà còn tạo ra yếu tố tiểu khí hậu. Cùng với đó, những cây cầu đẹp sẽ trở thành nét đẹp cho kiến trúc đô thị ven biển, hình thành những công trình văn hóa và là điểm đến của du khách. Hình mẫu quy hoạch của thành phố Sain-Peterbur (Liên bang Nga) và những cây cầu làm thay đổi bộ mặt của đô thị Đà Nẵng ở nước ta là những kinh nghiệm thực tế rất đáng học tập.

(Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống ở Cát Bà)

1. Quan niệm về quy hoạch không gian biển

Quy hoạch không gian biển (QHKGB) được thực hiện cách đây khoảng 30 năm từ ý tưởng phân vùng chức năng để chia không gian biển trong phạm vi Công viên biển quốc tế Dải san hô lớn (Great Barrier Reef International Marine Park) thuộc biển San Hô, Đông Bắc Ôxtrâylia ra thành các “đơn vị không gian” (vùng) để quản lý, sử dụng hiệu quả và thích ứng với chức năng tự nhiên của từng vùng. Sau đó, phân vùng chức năng được áp dụng rộng rãi trong quản lý và bảo tồn biển ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia và xem đây là công cụ hữu hiệu trong quá trình triển khai kế hoạch quản lý ngay sau khi nó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch không gian biển được xem là một “công cụ” quản lý, khai thác, sử dụng biển, hỗ trợ sử dụng hợp lý các vùng biển - ven biển và kiểm soát phát triển kinh tế biển. Trong đó, phát triển kinh tế biển xanhlà một trong những đối tượng tiềm năng đối với áp dụng QHKGB.

Theo B. Elhler và D. Fanny “Quy hoạch không gian biển là một quá trình phân tích và phân bổ (do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện) các hoạt động của con người theo không gian và thời gian ở các vùng biển nhất định để đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái, và thường được cụ thể hóa dưới dạng một quy định chính sách”(1). Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) cho rằng: QHKGB không chỉ đề cập đến các vấn đề về kinh tế như các tuyến hàng hải, khai thác dầu khí, v.v.. mà còn cả những vấn đề về môi trường và các giá trị văn hóa.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển (Rio+20) họp tại Rio de Janerio tháng 6-2012, các quốc gia đã cùng nhau xác định 6 nhóm vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy phát triển bền vững Trái đất: tăng trưởng xanh, nguồn vốn tự nhiên, đại dương, đô thị xanh, cảnh quan và năng lượng bền vững. Có thể nói, 6 vấn đề cơ bản này đều phù hợp với Hải Phòng - một vùng đất vừa có núi rừng, vừa có đô thị và biển, cũng như phù hợp với hướng phát triển “Thành phố cảng xanh”.

2. Lợi thế của vùng biển, ven biển Hải Phòng

Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102km, có tổng diện tích tự nhiên là 1.523km2. Nằm ở nút giao của hai hành lang và một vành đai kinh tế hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên Hải Phòng thuận lợi trong hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt với các nước Đông Á.

Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4 nghìn km2, gấp 2,6 lần diện tích đất đai của thành phố, chiếm 5,4% diện tích vịnh Bắc Bộ. Dọc chiều dài 125km đường bờ biển Hải Phòng có 6 cửa sông chính đổ ra biển và 3 huyện tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ. Từ góc nhìn quy hoạch không gian, có thể xem toàn bộ Hải Phòng là một vùng ven biển.

Vùng biển Hải Phòng có hơn 400 đảo, tập trung ở quần đảo Cát Bà (367 đảo) với diện tích 334,1km2, trong đó đảo đá vôi Cát Bà là một trong ba đảo lớn nhất ở nước ta và là đảo đá vôi lớn duy nhất. Trên các đảo có các hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn giữ được tính đa dạng sinh học cao. Quần đảo đá vôi Cát Bà - Long Châu có cảnh quan độc đáo, chứa đựng các giá trị toàn cầu. Bạch Long Vĩ thuộc Hải Phòng là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, có diện tích đất tự nhiên không lớn (3,2 km2 khi thủy triều kiệt), nhưng có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Bán đảo Đồ Sơn vươn ra biển chừng 3 km, chu vi 22,5km. Ven biển, ven đảo Hải Phòng có nhiều bãi tắm đẹp, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển và giải trí. Đặc biệt, các tùng, áng (một loại hồ nước mặn trong vùng đảo đá vôi) là các sinh cảnh rất độc đáo của quần đảo đá vôi Cát Bà - Long Châu và vịnh Lan Hạ, nơi có thể làm thành các “Aquarium tự nhiên” để nuôi các loài sinh vật cảnh phục vụ du lịch biển, đảo(2).

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (được UNESCO công nhận năm 2004) rộng khoảng 26.240ha, có 17.040ha rừng trên cạn và 9.200ha rừng dưới nước, trong đó có 570ha rừng nguyên sinh nhiệt đới; có 745 loài thực vật bậc cao, thuộc 495 chi và 149 họ thực vật với nhiều loài thực vật quý hiếm; động vật có 28 loài thú, 37 loài chim và 20 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có loài đặc biệt quý hiếm như Voọc đầu trắng.

Theo đánh giá của ESCAP (1987) thì tiềm năng dầu khí vịnh Bắc Bộ nói chung và biển Hải Phòng nói riêng là khá rõ(3). Ngoài ra, Hải Phòng còn có các loại hình khoáng sản khác: đá vôi, silic, phốt phát, Quắczit, Tectit và đá phiến cháy Asfalt. Nguồn nước khoáng nóng được phát hiện ở đảo Cát Bà và huyện Tiên Lãng có chất lượng tốt dùng để chữa bệnh, rất thích hợp khai thác phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Trong vùng biển Hải Phòng có hai ngư trường quan trọng và nổi tiếng là Bạch Long Vĩ và Cát Bà - Long Châu. Các hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô có chất lượng khá tốt phân bố ở ven bờ Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ; rừng ngập mặn và thảm rong tảo - cỏ biển phân bố ở vùng triều, trên các bãi bồi cửa sông, ven biển, ven đảo. Về đa dạng loài, vùng biển Hải Phòng có 135 loài thực vật nổi, 138 loài rong, 23 loài thực vật ngập mặn, 500 loài động vật đáy vùng triều, 150 loài san hô, 189 loài cá, tôm. Hải Phòng nổi tiếng trong nước với các loài đặc sản biển như: tôm he biển, mực, tu hài, bào ngư, trai ngọc, rong câu với hàm lượng Agar khá cao. Hải Phòng nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên khí hậu có tính “mùa vụ” khá rõ,... cần phải tính đến trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố: úng lụt, sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển, sa bồi luồng bến, xâm nhập mặn ngày càng sâu,v.v..

Hải Phòng có nhiều di tích lịch sử - văn hóa với 89 di tích biển - ven biển. Khu vực ven biển Hải Phòng có nhiều lễ hội, thường tập trung vào những tháng đầu năm sau Tết cổ truyền và thường gắn với sản xuất và các hoạt động văn hoá dân gian như Lễ hội chọi Trâu, Lễ hội đền Trạng, Lễ hội xuống biển, Hội đu xuân ở Thủy Nguyên, Hội đua thuyền truyền thống trên biển (đảo Cát Hải). Lễ hội chọi Trâu ở Đồ Sơn là một trong những lễ hội tiêu biểu của cả nước(4).

3. Phác họa quy hoạch không gian biển và ven biển hướng tới kinh tế biển xanh

Hải Phòng có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển và trên thực tế kinh tế biển chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu kinh tế của thành phố và được xác định là thành phố cảng, trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước, là một trong các cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng ven biển cả nước.

Bên cạnh việc khai thác hiệu quả các “lợi thế tĩnh”, Hải Phòng cần chú trọng tạo ra các “lợi thế động” để khắc phục các “yếu thế” và để biến lợi thế thành lợi ích. Cụ thể: tiếp tục tạo cơ chế mở và môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hộibiển;bảo toàn được nguồn vốn tự nhiên và văn hóa vốn có của thành phố để phát huy lợi thế tĩnh; bảo vệ môi trường biển và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương; giảm phát thải và xử lý chất thải trên các khu vực đô thị, hải đảo và cảng; phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ và thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để xây dựng một nền kinh tế biển xanh.

Trên cơ sở các đặc trưng phân hóa lãnh thổ, có thể nhận thấy Hải Phòng hiện diện 7 “mảng” (đơn vị) không gian chủ yếu, trong đó có không gian đô thị Hải Phòng, không gian ven biển, không gian biển-đảo Cát Bà-Long Châu và không gian biển - đảo Bạch Long Vĩ. Mỗi đơn vị không gian và các hệ thống tài nguyên trong nó có tiềm năng và lợi thế khác nhau, nhưng có 3 thuộc tính cần phải tính đến khi hoạch định chiến lược phát triển (khai thác, sử dụng, quản lý) trong dài hạn của thành phố: tính trội, tính đa dụng(multi-use)và tính liên kết(connectivity)(5); và khi tiếp cận hệ thống dựa vào hệ sinh thái cần phải được áp dụng trong quá trình tiến hành QHKGB.

Mảng không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu

Trong mảng không gian này có sự hiện diện độc đáo của cụm quần đảo đá vôi Cát Bà - Long Châu - Đầu Bê quy mô lớn, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia. Đây là các hệ tự nhiên đa dụng, có tính trội khác với các mảng không gian còn lại của Hải Phòng, và là một bộ phận của chỉnh thể quần thể đảo đá vôi Hạ Long - Cát Bà với trên 2 nghìn đảo đá vôi lớn, nhỏ phân bố tập trung ở vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, Cát Bà, vịnh Lan Hạ, Đầu Bê và Long Châu. Khi khai thác, sử dụng cần lưu ý đến tính liên kết mặc dù trên thực tế chỉnh thể này đã bị phân cắt bởi hai chủ thể hành chính là tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng. Các tính chất vốn có nói trên của mảng không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu là tiền đề rất quan trọng để phát triển các ngành kinh tế xanh dựa vào bảo tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh hai ngành kinh tế đang phát triển hiện nay là nghề cá và du lịch, cần chú ý đầu tư phát triển nghề cá giải trí (đánh cá giải trí, câu cá giải trí, cá cảnh san hô); đa dạng hóa các loại hình du lịch như: du lịch lặn, du thuyền, tổ chức tuyến leo núi (thậm chí du lịch mạo hiểm); phát huy và tôn tạo các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và khảo cổ học tương xứng, đồng thời tăng cường các dịch vụ chất lượng cao phục vụ du lịch, nghề cá, giao thương.

Tạo dựng thêm “thương hiệu” cho mảng không gian biển - đảo Cát Bà - Long Châu qua việc: tiếp tục đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận mở rộng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với tên gọi mới “Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà”, bao gồm quần thể đá vôi vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà, quần đảo đá vôi Long Châu, quần đảo đá vôi Đầu Bê; thiết lập mới “Công viên Địa chất toàn cầu” trong phạm vi quần thể đảo đá vôi nói trên; quản lý và sử dụng hiệu quả các giá trị bảo tồn đã được quốc tế, quốc gia vinh danh, như: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Khu bảo tồn biển Cát Bà; xây dựng Bảo tàng Cát Bà, bao gồm cả tự nhiên và văn hóa, lịch sử; xây dựng một Khu thủy cung biển; xây dựng Khu tưởng niệm nơi Bác Hồ về thăm bà con ngư dân Cát Bà năm 1959 với một thông điệp biển đảo: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!”, v.v.

Dải ven biển và hệ thống cảng - khu kinh tế ven biển

Dải ven biển Hải Phòng có nhiều lợi thế nhưng cũng chịu nhiều tác động trực tiếp từ các hoạt động phát triển của thành phố, và có một trong 5 cụm khu kinh tế ven biển (Đình Vũ - Cát Hải) được Chính phủ ưu tiên đầu tư đến năm 2020. Vấn đề sử dụng hợp lý dải ven biển Hải Phòng (khu vực phía Bắc Đồ Sơn) cho mục đích phát triển cảng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bảo toàn cấu trúc và chức năng ưu việt của một vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng mà cửa Nam Triệu đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, năm 1981, đập Đình Vũ (phía dưới kênh Đình Vũ) được xây đắp đã gây bồi lấp cửa sông Cấm - một trong những cửa luồng chính vào cảng Hải Phòng xưa, gây sa bồi nghiêm trọng đối với vùng cửa Nam Triệu (độ sâu hiện chỉ còn 2,7m). Luồng chính vào cảng Hải Phòng hiện nay làm thay đổi toàn cảnh bức tranh phân bố phù sa trong diện rộng của vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng (từ Bắc Đồ Sơn đến Lạch Huyện)(6). Điều này gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại, đặc biệt là tàu trọng tải lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò cảng chính nằm sâu trong thành phố.

Để giải quyết nhu cầu thực tế về cảng nước sâu, trong khi vẫn bảo tồn được cấu trúc vốn có của các vùng cửa sông cần phải chú ý đến hướng động lực chủ đạo của dòng thủy triều và mức độ cố kết “yếu” của các cồn, bờ cát ven sông để phát huy được khả năng tự làm sạch luồng và tránh làm “trụt cát” hai bờ lấp luồng trong quá trình khai thác, sử dụng. Ngoài ra, để bảo đảm cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tương lai không gây ra các tác động môi trường đến các khu biển, đảo lân cận được đánh giá là giàu giá trị bảo tồn, cần tiến hành lập hồ sơ trình Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận vùng nước của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và biển phía ngoài thành Khu vực biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) để được hưởng chế độ quản lý nghiêm ngặt hơn theo Công ước MARPOL.

Dải ven biển và phát triển đô thị

Không gian đô thị Hải Phòng có một hướng mở rộng về phía biển - quận Đồ Sơn. Do đó, ngoài các tuyến đường trục nối với trung tâm thành phố, cần chú ý xây dựng tuyến đường ven biển hiện đại trên cơ sở bảo đảm các không gian công cộng ven biển. Đồng thời, để ứng phó thiên tai và nước biển dâng, nên tạo hành lang an toàn giữa đất và biển (thường là đới gian triều) cho phát triển dài hạn, không quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các khu kinh tế và công nghiệp sát bờ biển với mật độ cao.

Đô thị Hải Phòng nằm ở vùng đất ven biển có nhiều sông, lạch uốn khúc mạnh trước khi đổ ra biển, trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị cần tận dụng tính trội này. Hệ thống sông, lạch sẽ không chỉ làm đẹp cho đô thị Hải Phòng mà còn tạo ra yếu tố tiểu khí hậu. Cùng với đó, những cây cầu đẹp sẽ trở thành nét đẹp cho kiến trúc đô thị ven biển, hình thành những công trình văn hóa và là điểm đến của du khách. Hình mẫu quy hoạch của thành phố Sain-Peterbur (Liên bang Nga) và những cây cầu làm thay đổi bộ mặt của đô thị Đà Nẵng ở nước ta là những kinh nghiệm thực tế rất đáng học tập.

Hiện nay, Hải Phòng đang triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh(7), Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020(8) và về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”theo hướng xây dựng Hải Phòng thành “Thành phố cảng xanh”, trong đó có kinh tế biển(9).Đây là cơ hội để Hải Phòng tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có kinh tế biển, phù hợp với định hướng phát triển bền vững thành phố.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1) Elhler B. and Fanny D. (IOC/UNESCO): Quy hoạch không gian biển: tiếp cận từng bước hướng tới quản lý dựa vào hệ sinh thái. Tài liệu dịch ra tiếng Việt do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành, Hà Nội, 2010.

(2), (4) UBND thành phố Hải Phòng: Tổng kết “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” qua 30 năm đổi mới (1986-2016) của thành phố Hải Phòng, 2014.

(3) Nguyễn Chu Hồi (Chủ biên): Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển ngành thủy sản,Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, Hà Nội, 2007.

(5) Nguyễn Chu Hồi: “Kinh tế biển xanh: Lý luận và thực tiễn đối với Hải Phòng 2014”, Tạp chí Hàng hải Việt Nam,số 7-2014, tr 32-35.

(6) Nguyễn Chu Hồi: “Sử dụng hợp lý vùng bờ biển từ góc nhìn phát triển hệ thống cảng Hải Phòng”, Tạp chí Hàng hải Việt Nam, số 3-2014, tr.12-15.

(7) Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 29-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, 2012.

(8) Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20-03-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, 2014.

(9) Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW (2003), 2013.

 

PGS,TS Nguyễn Chu Hồi

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền