Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 15:05
3825 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(LLCT) - Đảng ta xác định, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế; thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế; cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà thị trường không bảo đảm cung ứng; đầu tư vào những ngành mang tính chất mở đường mà các thành phần kinh tế khác không làm được, hoặc làm không hiệu quả; đầu tư vào những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Chủ trương đổi mới DNNN của Đảng được đề ra từ Hội nghị Trung ương 3 khóa VI và liên tục được nhấn mạnh tại các kỳ đại hội. Nhằm tập trung cổ phần hóa để thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, Hội nghị Trung ương 3 khóa IX đã ra Nghị quyết số 05 - NQ/TW, ngày 24- 9- 2001 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Hội nghị Trung ương 9 khóa IX chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực DNNN. Hội nghị nhấn mạnh: “Kiên quyết đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và mở rộng diện các doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa kể cả những doanh nghiệp lớn và một số tổng công ty kinh doanh có hiệu quả…”(1). Chính phủ ban hành Chỉ thị  số 20/CT-TTg, ngày 21-4-1998 về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước; Nghị định 64/2002/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 44/1998/NĐ-CP; ra Quyết định số 50/2002/QĐ-CP về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước... Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước,việc cổ phần hóa DNNN được đẩy mạnh trên phạm vi cả nước, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. DNNN nói chung giảm dần về số lượng, đa dạng hóa hình thức và mô hình quản lý.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương: Năm 1990, cả nước có hơn 12 nghìn DNNN, đến năm 2011 còn 1.309 DNNN, với số vốn chủ sở hữu (tính đến cuối năm 2010) khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng DNNN địa phương quản lý trong tổng số doanh nghiệp hiện có của địa phương đã giảm nhanh từ 1,62%/năm 2008 xuống còn 0,71%/năm 2011. Số lao động của các DNNN do địa phương quản lý giảm từ 20%/năm 2009 xuống còn 12% năm 2011(2). Ở khu vực DNNN do Trung ương quản lý cũng giảm với tốc độ tương ứng do quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các DNNN. Tuy số lượng DNNN giảm dần nhưng đóng góp của khu vực này trong nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn.

Cổ phần hóa đã góp phần thu hút một lượng vốn tương đối lớn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đã giúp DNNN xác định rõ hơn địa vị pháp lý, mở rộng quyền tự chủ, tăng quyền hạn và trách nhiệm của bộ máy quản lý, điều hành. Quyền tự chủ của DNNN đã thay đổi đáng kể so với trước. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ máy quản lý, điều hành đã mở rộng, bao gồm toàn bộ quyền điều hành kinh doanh và hầu hết quyền quản lý kinh doanh, định hướng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm... và một phần quyền của sở hữu nhà nước.

Việc chuyển DNNN sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con và hình thành tập đoàn kinh tế đã tạo ra  bước phát triển quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2010, cả nước có tới 120 DNNN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, bao gồm cả 12 tập đoàn kinh tế. Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô và có điều kiện thuận lợi để đổi mới công nghệ. Đồng thời, cũng tạo ra mối liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp thành viên với nhau và với công ty mẹ - công ty con trên quan hệ bình đẳng, vừa chịu trách nhiệm vừa chia sẻ thành quả hoạt động, tạo nên hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Về cơ bản, vốn nhà nước đầu tư vào các DNNN được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại đại đa số tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Quy mô của các DNNN về vốn, lao động, tài sản cố định, cơ sở vật chất kỹ thuật... đều cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN được nâng lên; cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh; DNNN là một trong những công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô.

Có được những kết quả trên, trước hết là do sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chỉ đạo, quản lý của các bộ, ngành địa phương và chính quyền các cấp, sự nỗ lực của bản thân các DNNN và sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình phát triển, DNNN còn bộc lộ nhiều yếu kém:

Tốc độ cổ phần hóa chậm và lượng vốn Nhà nước nắm giữ trong các DNNN còn khá cao, từ năm 2006 - 2010, kế hoạch cổ phần hóa chỉ thực hiện được 20% - 25%(3).

Tiêu chí phân loại doanh nghiệp để xác định loại doanh nghiệp nào cần giữ lại 100% vốn nhà nước, chủ yếu chỉ dựa trên các ngành sản xuất kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp lại kinh doanh đa ngành nên rất khó xác định rõ ràng. Điều đó đã làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN.

Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách, đặc biệt là vốn; được hưởng sự độc quyền trên một số lĩnh vực, nhưng đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế còn hạn chế. Đóng góp vào tăng trưởng GDP từ mức 33% trong giai đoạn 2001-2005 đã giảm chỉ còn 19% trong giai đoạn 2006-2010, trong khi đó đóng góp của khu vực doanh nghiệp dân doanh tăng từ 45% lên 54% trong cùng thời kỳ. Tỷ lệ đóng góp của khu vực DNNN cho ngân sách quốc gia (ngoài dầu mỏ) trung bình chưa tới 20% và ngày càng giảm.

Tỷ lệ tạo việc làm mới cũng giảm từ -4% trong giai đoạn 2006 - 2009 xuống -13% năm 2011. Như vậy, DNNN không những không tạo ra việc làm mới mà còn cắt giảm lao động, nhất là trong quá trình cổ phần hóa DNNN hiện nay, việc cắt giảm lao động là khó tránh khỏi.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành với số lượng vốn lớn, thua lỗ nặng, làm cho hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế thấp. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về hiệu quả sử dụng tổng hợp của vốn đầu tư phát triển (ICOR) của Việt Nam thời kỳ tăng trưởng nhanh (2001 - 2008) là 5,26; so với Trung Quốc (thời kỳ 1991-2003) là 4,1; Nhật Bản (1961-1970) là 3,2; Hàn Quốc (1981-1990) là 3,2; Đài Loan (1981-1990) là 2,7.

Việc chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con và tập đoàn kinh tế còn có những bất cập. Các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ - công ty con được thành lập chủ yếu bằng các quyết định hành chính, do đó, chưa có sức mạnh thực sự về tài chính và mối liên kết. Quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ chưa có những thay đổi cần thiết, thông tin chưa công khai, minh bạch. Việc mở rộng kinh doanh đa ngành không thuộc lĩnh vực chính của các tập đoàn kinh tế có nguy cơ dẫn đến rủi ro, tác động xấu đến nền kinh tế.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN ở nước ta hiện nay, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Phân định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối. Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở những lĩnh vực thiết yếu để can thiệp khi có những biến động lớn của thị trường nhằm giữ ổn định cho nền kinh tế.

Thứ hai, đổi mới cơ chế giám sát đối với DNNN. Bản thân DNNN là một thực thể đa mục đích, do đó, việc giám sát DNNN phải theo hướng đa mục đích, không thể đơn thuần chỉ chú ý đến mục đích tài chính thuần túy. Khi xác định được mục tiêu giám sát, sẽ xác định được các yếu tố còn lại như hình thức, phương pháp và cơ chế giám sát.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế quản lý và đổi mới cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ của DNNN. Hoàn thiện cơ chế quản lý DNNN trên cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán bắt buộc đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.

Thứ tư, đổi mới cơ chế sử dụng cán bộ. Áp dụng rộng rãi cơ chế thuê và tuyển chọn giám đốc. Mạnh dạn chọn giám đốc là người nước ngoài, nếu thực sự cần thiết và có hiệu quả. Đổi mới công tác luân chuyển, sắp xếp bố trí sử dụng nhân lực trong nội bộ các doanh nghiệp. Đây là giải pháp chuyển dịch nhân lực từ các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp để người lao động học hỏi kinh nghiệm làm việc, tạo sự năng động và linh hoạt trong công việc. Đổi mới chính sách tiền lương và thu nhập, đánh giá đúng và trả lương theo kết quả lao động, nhất là đội ngũ lao động trình độ cao.

Thứ năm, nâng cao sức cạnh tranh cho các DNNN. Phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh; cần tách biệt vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu với tư cách quản lý, điều tiết. Việc tách bạch này sẽ tạo áp lực buộc các DNNN phải ứng xử theo cơ chế thị trường.

Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh. Để tạo lượng vốn cần thiết, đủ mạnh, các DNNN cần phải tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn như từ nguồn ngân sách, từ ngân hàng, từ nội bộ và từ các nguồn khác.

Nâng cao chất lượng công nghệ cho các DNNN theo hướng nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý kỹ thuật - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cải tiến công nghệ và sáng tạo công nghệ mới, sử dụng hợp lý và làm chủ công nghệ mũi nhọn để sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ có chất lượng công nghệ cao.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015

(1) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.7.

(2) Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương tại Hội nghị tổng kết, sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN giai đoạn 2001 - 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu DNNN 2011 - 2015

(3) Dẫn theo Thời báo Kinh tế Sài Gònonline.

 

ThS Nguyễn Khánh Ly

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền