Trang chủ    Thực tiễn    Kinh tế Bắc Ninh - Thành tựu và thách thức
Thứ hai, 04 Tháng 1 2016 09:53
5708 Lượt xem

Kinh tế Bắc Ninh - Thành tựu và thách thức

(LLCT) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, kinh tế - xã hội của Bắc Ninh có sự ổn định và phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, lợi thế so sánh và nguồn lực phát triển tiếp tục được phát huy theo hướng chủ động hội nhập quốc tế.

Giá trị Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2011-2015 tăng cao, bình quân đạt 15,7%/năm (theo giá so sánh 1994). GRDP năm 2011 là 14.820 tỷ đồng, dự báo năm 2015 đạt 24.528 tỷ đồng. Quy mô GRDP của Bắc Ninh đứng thứ 6 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người (2011) đạt 2,884 USD, dự báo năm 2015 đạt 5.192 USD, gấp hơn 1,5 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đứng thứ 9 so với cả nước, dự báo năm 2015 đạt 42 triệu đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 16,3%/năm; trong đó khu vực nông thôn đạt 31,6 triệu đồng, tăng 15,8%/ năm. Đến năm 2015, chỉ số phát triển con người (HDI) của Bắc Ninh dự báo đạt 0,83 (mức chỉ số HDI cao so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước).

Quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Chủ thể kinh tế tham gia vào sản xuất công nghiệp có thay đổi đáng kể. Doanh nghiệp FDI tăng nhanh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Cannon, Microsoft, ABB; hình thành các sản phẩm chủ lực có uy tín trên thị trường thế giới, công nghiệp chế biến tăng nhanh; công nghiệp phụ trợ phát triển, có 126 dự án đầu tư công nghiệp phụ trợ, trong đó có 44 dự án của các doanh nghiệp trong nước.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu Tỷ trọng năm 2011 và dự báo năm 2015: nông nghiệp giảm từ 10,1% còn 4,9%; công nghiệp tăng từ 66,1% lên 76,5%. Dự báo năm 2015, tỷ trọng giá trị công nghiệp và dịch vụ chiếm 95% GRDP. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt 195,5 nghìn tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với năm 2010 (đứng thứ 2 toàn quốc).

Tỷ trọng khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực FDI tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng của khu vực FDI và khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cao. Tỷ trọng của khu vực FDI từ 45,6% (2011) lên 69,2 % (2014), dự báo năm 2015 đạt 70,3%. Riêng 4 tháng đầu năm 2015 khu vực FDI đạt 150.704 tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh Bắc Ninh.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng qua các năm và đạt 61,1 % năm 2014, dự báo đạt 73,5% năm 2015.

Công nghiệp phát triển có những tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 1ha đất canh tác năm 2015 dự báo đạt 110 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 dự báo đạt 2.687 tỷ đồng.

Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; cơ bản hoàn thành công tác “dồn điền, đổi thửa”, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện để tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất, bảo quản và chế biến; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất. Trong trồng trọt đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bước đầu hình thành nông nghiệp đô thị, doanh nghiệp nông nghiệp và liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập; mô hình VAC và trang trại tiếp tục phát huy hiệu quả; phát triển chăn nuôi mô hình trang trại tập trung quy mô công nghiệp, bán công nghiệp; ổn định diện tích, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh.

Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, có bước đột phá về tốc độ, góp phần cải thiện cán cân thương mại. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 7,757 tỷ USD, dự báo năm 2015 đạt 26 tỷ USD; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 60,4%/năm, trong đó nhóm hàng công nghiệp tăng 71,3%/năm. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, chiếm 17,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn quốc; chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng nhanh do tăng mạnh về các sản phẩm thiết bị điện tử, công nghệ thông tin của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI.

Khu vực FDI đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế và xuất khẩu của tỉnh. Tính đến tháng 8-2015, đã có 747 dự án FDI đầu tư vào Bắc Ninh, vốn đăng ký là 11,2 tỷ USD. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 23,057 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 87,7 % so với năm 2013, trong đó khu vực FDI chiếm 88%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm công nghệ cao. Trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.033,2 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 6.979,3 triệu USD, chiếm 99,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tỷ trọng khu vực FDI trong GRDP tăng từ 33.9% (2011) lên 69% (2014),  vẫn là “đầu tàu” kinh tế của tỉnh.

Có thể khẳng định, trong 5 năm 2011 - 2015, kinh tế Bắc Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, là cơ sở quan trọng để 23 chỉ tiêu lớn của giai đoạn đều hoàn thành và vượt so với kế hoạch (đã đạt 13/15 tiêu chí tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại).

Với kỳ vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 thế kỷ XXI, 5 năm tới kinh tế Bắc Ninh sẽ chuyển sang chu kỳ tăng trưởng mới để xây dựng nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực xã hội phát triển. Do đó, cần có nhận thức khách quan, khoa học về triển vọng và thách thức đối với nền kinh tế của tỉnh.

- Khu vực FDI vẫn là “đầu tàu” kinh tế, nhưng việc huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư hạ tầng còn chưa nhiều. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2015 kinh tế trên địa bàn tiếp tục bị chi phối bởi sự suy giảm của sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực có vốn FDI, thể hiện rõ nhất là quý I (tăng trưởng âm tới 14,2% so cùng kỳ năm 2014).

- Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, nhất là khu vực trong nước; chủ yếu vẫn do tích lũy vốn, tài nguyên và lao động trình độ thấp.

Dòng vốn FDI đổ vào tỉnh nhanh, hiện đã lên tới trên 11,2 tỷ USD, nhưng chưa thấy rõ những hiệu ứng lan tỏa tích cựctừ khu vực này trong cải thiện năng suất và công nghệ. Năng suất lao động trong khu vực kinh tế trong nước (cả tư nhân và nhà nước) thấp, nhất là yếu tố năng suất tổng hợp (TFP); đổi mới công nghệ chậm, sản xuất chưa gắn được nhiều với mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Hiệu suất hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân thấp.

- Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập. Mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay chủ yếu vẫn là kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, khó có khả năng tham gia được vào chuỗi sản xuất có giá trị cao; việc ứng dụng khoa học - công nghệ chậm và khó khăn, ... Mô hình kinh tế hộ đã không còn phù hợp đang trở thành rào cản phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp còn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

- Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của Bắc Ninh tuy luôn trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất cả nước những năm gần đâynhưng còn tiềm ẩn những nhân tố thiếu bền vững. Năm 2014, chỉ số PCI Bắc Ninh đạt 60,92 điểm và nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt. So với năm 2013, tỉnh Bắc Ninh tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng, song lại giảm 0,15 điểm. Trong các chỉ số thành phần, tỉnh Bắc Ninh có 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2013 là: Chỉ số gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng. 4 chỉ số giảm điểm gồm: tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức; tính năng động và thiết chế pháp lý.

- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ trong bộ máy hành chính công.

Thách thức trên sẽ tác động, ảnh hưởng mạnh tới quá trình CNH, HĐH của Bắc Ninh 5 năm tới. Trên cơ sở thực trạng trên đề xuất một số giải pháp:

Xây dựng bộ máy hành chính công. Để xây dựngbộ máy hành chính công đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị công nghiệp, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “tinh hoa”, có tầm nhìn, có năng lực chỉ đạo, có “tâm sáng”, được đào tạo cơ bản, có ý chí và nghị lực, quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm, góp phần tạo dựng một hình ảnh đẹp về Bắc Ninh, một môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút nguồn lực cho sự phát triển.

Huy động nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững. Cần có sự gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; cần tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao cho sản phẩm công nghiệp và dịch vụ. Cần vận dụng linh hoạt các chính sách đầu tư để thúc đẩy đầu tư tư nhân, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng và các lĩnh vực khác.

Quan điểm phát triển nhanh và bền vững phải trở thành quyết tâm chính trị xuyên suốt và cụ thể bằng những giải pháp thiết thực. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.

 

TS Trần Quang Nam

Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền